trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.6.2007
Nhất Linh
Xóm Cầu Mới
(Bèo giạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
 
Phụ lục

Mấy lời của Nhất Linh

Xóm Cầu Mới là một bộ trường giang tiểu thuyết gồm một loạt truyện dài đặt dưới tên chung xóm cầu mới. Mỗi truyện dài lại có tên riêng. Những truyện dài có liên can hoặc xa hoặc gần đến cái Xóm Cầu Mới mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới cư ngụ trong xóm. Tuy có cái tên chung và tuy các nhân vật có thể có mặt ở trong hết cả hay một số lớn các truyện nhưng độc giả có thể đọc một truyện mà không cần phải đọc truyện khác cũng không bị thắc mắc hay ngơ ngác về sự diễn tiến của truyện mình đương đọc.

Các truyện thì có truyện dầy tới nghìn trang, có truyện dài hai ba trăm trang, không nhất định.

Hiện giờ mới thảo mấy cuốn dưới đây:

Cô Mùi
Người chiến sĩ
Nhà mẹ Lê
Người sát nhân
Cậu Ấm
Ông Năm Bụng

Số truyện rất có thể còn tăng thêm nữa hoặc nhiều hoặc ít, tuỳ khả năng làm việc của tôi và tuỳ sự tìm kiếm được đề tài. Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.

Cứ đọc những truyện dài kia, các bạn cũng đã lĩnh hội được phần nào cái ý chính của toàn bộ; nghĩa là không có ý chính gì cả ngoài cái ý tả cuộc đời về đủ mọi mặt: truyện về tình thân giữa Mùi và Siêu; truyện Triết một người chiến sĩ cách mạng; truyện gia đình bác Lê nghèo khó, cùng cực nhất trong xã hội; truyện một người giết vợ; truyện tả đời êm ấm của vợ chồng cậu Ấm; truyện ông Năm Bụng một người cha có định kiến nuôi con ăn học cho thành người...

Bộ trường giang tiểu thuyết này từ lúc bắt đầu viết đến giờ đã có trên mười lăm năm, nhưng vì tôi bận bịu những công việc khác nên thường có khi phải ngừng viết trong ít lâu; có khi tôi phải viết đi viết lại đến bốn năm lượt vì chưa thoả mãn về nghệ thuật; có khi phải hoàn toàn viết cả lại vì trong cuộc đời phiêu lưu của tôi, bản thảo phải bỏ lại rồi sau bị thất lạc trong cơn ly loạn hoặc có lần chính tôi phải tự tay thiêu huỷ, không mang theo được.

(Trích trong Văn Hoá Ngày Nay tập I - 1958)


*


Lời nhà xuất bản
(1973)

Truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh đến đây rất tiếc là đã hết những phần trong tập bản thảo. Mặc dù phần đem in đã dài - dài nhất trong số những tác phẩm của Nhất Linh - nhưng không thể xem đây mà một công trình đã hoàn tất. Cao vọng của tác giả khi viết Xóm Cầu Mới là thực hiện bộ trường giang tiểu thuyết dầy mười ngàn trang, mới đủ để diễn tả cuộc đời phức tạp, muôn vẻ, muôn mặt.

Tập bản thảo mà chúng tôi dùng để in quyển truyện này đã bị thất lạc từ mười năm nay mới được tìm thấy. Sự tình cờ là ngày tìm được tập bản thảo lại nhằm vào ngày giỗ thứ mười của cố văn hào Nhất Linh - ngày 18 tháng 5 Âm lịch - nên chúng tôi quyết định chọn ngày này cho khởi công ngay việc chép và soạn lại toàn bộ tác phẩm Xóm Cầu Mới để đem in, đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương từ năm 1952.

Chúng tôi nói chép và soạn lại tập bản thảo Xóm Cầu Mới vì hai lý do: Thứ nhất là chữ viết của Nhất Linh rất nhỏ - có đoạn phải dùng tới kính lúp mới nhìn ra chữ - và thời gian hai mươi bốn năm trời từ lúc viết bản thảo tới nay tự nó đã làm mờ đi nhiều nét mực. Thứ hai là trong phần đầu, bố cục rất lộn xộn vì chính tác giả đã tự trích ra từng đoạn để sắp xếp lại thành những truyện dài có tên riêng biệt như truyện cô Mùi, truyện Nhà mẹ Lê v.v. nhưng tất cả vẫn nằm chung trong bộ truyện Xóm Cầu Mới.

Chúng tôi, ngoài việc chép lại cho thật đúng những câu văn của tác giả, lại phải lựa chọn một trong hai cách trình bầy: hoặc sắp đặt bố cục y hệt như tập bản thảo; hoặc tiếp tục công việc của Nhất linh là sắp xếp lại thành những truyện dài có tên riêng biệt như tác giả đã thực hiện nửa chừng khi còn phụ trách tập san Văn Hoá Ngày Nay.

Sau cùng, chúng tôi chọn cách bố cục y hệt như tập bản thảo vì lẽ Xóm Cầu Mới là tác phẩm chưa hoàn tất nên ngoài truyện Cô Mùi và Nhà Mẹ Lê tương đối đầy đủ, những truyện khác như Cậu Ấm, Ông Năm Bụng, Người chiến sĩ v. v. hoặc chỉ mới viết được vài chương hoặc mới chỉ hoàn toàn là dự tính của tác giả.

Tập bản thảo Xóm Cầu Mới chia làm hai mươi lăm chương. Một số chương đã được Nhất Linh cho đăng trên tập san Văn Hoá Ngày Nay vào năm 1958 và in thành sách dưới hình thức truyện ngắn. Chúng tôi lấy nguyên phần đã in đó trong lần xuất bản này vì đã được chính tác giả sửa chữa lần chót. Phần còn lại, chưa hề được đăng tải lần nào, chúng tôi mới chép lại từ tập bản thảo.

Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới tất cả năm lần. Lần đầu viết năm 1940 ở Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa). Lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa). Về nước năm 1951, Nhất Linh viết lại lần thứ tư tại Hà Nội. Và sau cùng, trước khi đăng lần đầu trên Văn Hoá Ngày Nay, Nhất Linh sửa lại lần chót bên dòng suối Đa Mê tại Fim Nôm (Đà Lạt) vào năm 1957. Còn về tên truyện, lúc thì được đặt là Vui buồn, khi thì Bèo giạt, sau cùng là Xóm Cầu Mới.

Tập bản thảo dùng để in quyển truyện này là tập mang tên Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) viết lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng. Đó là tập dầy nhất, đã được Nhất Linh xem là bản thảo gốc dùng cho những lần viết lại sau này.

Mặc dù truyện Xóm Cầu Mới chưa hoàn tất, chúng tôi cũng cho xuất bản. Chúng tôi thiết nghĩ mỗi phần Nhất Linh viết ra đều có giá trị riêng của phần đó - nhất là những đoạn nhận xét và phân tích về nhân vật - chứ không phải giá trị chỉ là ở cốt chuyện. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng tập bản thảo Xóm Cầu Mới là một di cảo quan trọng của Nhất Linh, một nhà văn đã quá cố và có địa vị xác định trong văn học sử; chúng tôi cho xuất bản để giới thiệu với độc giả một tác phẩm được thực hiện với nhiều công phu nhất, mang nhiều cao vọng nhất trong cuộc đời viết văn của ông.

Vì quan niệm như vậy, nên chúng tôi cho in thêm vào Phụ lục này phần dàn truyện và những hình vẽ được Nhất Linh đặt ở phần đầu tập bản thảo: trước hết là hình vẽ cây đa và cây cầu, rồi đến sơ đồ Xóm Cầu Mới và các vùng phụ cận, trong đó có ghi địa danh và vị trí những căn nhà; sau đó là phần liệt kê các gia đình và nhân vật chính, nêu rõ đặc tính của từng gia đình và từng người một như gia thế, xuất xứ, dáng điệu, cử chỉ, sở thích, tính tình v.v. Sau nữa là hình Nhất Linh vẽ các nhân vật và vài dòng về giá sinh hoạt thời đó.

Sơ đồ Xóm Cầu Mới - Nhất Linh vẽ

Chúng tôi nghĩ rằng phần này sẽ giúp độc giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học, hiểu rõ về cách thức Nhất Linh xây dựng bộ truyện dài Xóm Cầu Mới, hay nói rộng hơn là kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết của ông.

Phượng Giang


*



Nhất Linh

Dàn truyện

A. Gia đình và nhân vật chính

I. Gia đình cụ Án

Lịch sử một gia đình quý phái, giầu có bị sa sút dần rồi nghèo, đến nỗi mở cửa hàng bán nước chè.

Cụ Án: Quá ư quê mùa, hiền lành, cứ thản nhiên trải qua biến đổi. Không gắt gỏng mắng ai bao giờ vì sợ nhất là người khác giận mình. Cho cháu ăn quả thối. Không dám mắng đầy tớ. Giết ruồi và nuôi ruồi. Thích cháu cho cháu ăn vụng.

Cậu Ấm Hải: Vui thú giản dị, yêu vợ một đời không bao giờ rời. Càng thấy nghèo càng thấy vui. Thích học, chịu số mệnh. Vác súng đi săn bắn cò. Hay xấu hổ. Nghiện thuốc phiện, bỏ, uống rượu. Định làm xằng nhưng sợ xấu hổ nên thôi. Được cả mẹ cả vợ quá chiều.

Mợ Ấm Hải: Hiền lành mà thích bắt nạt mẹ chồng nhưng yêu mẹ chồng. Tình yêu mẹ chồng nàng dâu. Yêu chồng tuy hay mắng chồng. Sợ nghèo nhưng bị cảnh nghèo. Tình yêu bạn gái với Hà.

Cô Thâm: Lãng mạn, thích đời phong lưu rực rỡ. Thành gái nhẩy, đĩ. Lúc ẩn lúc hiện ở gia đình cụ Án.


II. Gia đình ông Lang

Tình yêu cha con, chị em bị tan nát.

Ông lang Hàn: Ít nói, thích nhàn. Sợ phiền luỵ đến thân. Nhà Nho lỗi thời. Ghét những cái mới. Nể con. Vay tiền con nhưng sợ, nói đánh tổ tôm thua, không biết đánh phải học vợ kế.

Vợ kế ông Lang: Lưỡng quyền cao. Mắt lươn. Miệng rộng. Môi mỏng.

Cô Mùi: Có duyên, thông minh, đảm đang mà không lấy chồng vì tình yêu người anh họ. Động tí thì khóc. Thích bạc mới và trồng rau. Chiều cha chiều em hết sức. Tuyệt hảo. Má lúm đồng tiền một bên. Nước da bao giờ cũng tươi mát như người mới tắm xong. Hay chớp mắt khi thẹn và cảm động. Cau mũi. Thích làm việc, giao thiệp với mọi người. Đa tình và đĩ ngầm, đa cảm. Cô Thuý Kiều. Thích tiền. Đột ngột rộng rãi nhưng lúc thường thì chi li. Yêu ghét thiên vị. Hấp tấp hay lỡ lời.

Siêu - Mùi

Sơ khai không yêu chỉ thích. Yêu như tình nhân. Yêu đắm đuối thèm muốn nhưng vẫn giữ. Lấy vợ, Mùi yêu. Lấy chồng, Siêu tiếc (yêu nhau nhục dục). Chồng chết. Ở với nhau tình yêu anh em.

Triết: Yếu và lúc nào cũng buồn. Không thích học. Yêu thất vọng. Rồi bỏ nhà đi xa và chết ở xa. Sợ tình yêu xác thịt. Ghét ai không bao giờ nói ra nhưng rất khổ ở riêng trong lòng. Hay dỗi ngầm.

U già: Hiền lành, hơi có tính dở người. Hay nói một mình. Hay bàn, cho ý kiến về việc trong nhà. Thích xem chèo. Thích nghe kể chuyện, săn sóc và hợp với bà Cai điên. Yêu Mạch như con, chiều chung đủ thứ.


III. Gia đình Siêu

Gia đình trung lưu, nghèo rồi khá dần.

Bà Cai: Điên. Đợi chồng.

Siêu: Một chàng trai vẻ mặt điềm tĩnh, mắt long lanh (có ngầm ý nghĩ ở trong), hay thay đổi luôn. Môi chúm chím. Hay búng ngón tay khi thích chí hay quyết định việc gì, hoặc gạt việc gì không muốn nghĩ đến nó nữa. Ít nói nhưng lúc hứng chí lại nói nhiều và háo hức. Thích tìm tòi, sáng tạo vì cái vui tìm ra. Mơ mộng, xa thực tế. Dại vặt khôn lớn. Lúc nào cũng nói làm giầu nhưng không thích việc làm giầu. Rút rát. Sợ giao du. Hay cả thẹn vì đời sống riêng. Ích kỷ trong mọi thứ tình yêu. Vơ vẩn mà cũng làm trọn được gánh nặng của gia đình.

Mạch: Loăng quăng. Hay táy máy. Thích máy móc: chữa đồng hồ, cửa tủ, chìa khoá. Thổi ống đu đủ.


IV. Gia đình bác Lê

Một gia đình nhà quê, đông con, lúc nào cũng nghèo thích giầu có về quê hương nhưng cả đời không được về quê, dính với chiếc cầu gỗ (ý muốn về quê cả đời không toại và nhiễm cả đời)

Bác Lê trai: Mặt rỗ hoa. Mắt có nhài quạt. Râu thưa. Trông mặt rất hiền lành, chăm chỉ. Yêu vợ con. Rất ít nói, không bao giờ sinh sự cãi nhau với ai, nhưng rất cục. Uống rượu vào thì đánh chửi vợ con.

Bác Lê gái: Chịu đủ các thứ khổ sở vì nghèo, đẻ thật nhiều con và thích có nhiều con. Làm việc cật lực. Chết vì nghèo. Mỗi năm về thăm quê một lần. Thích đánh con, cốc đầu mỗi khi hứng chí. Con yêu con ghét. Nghĩ thầm bật ra nói. Ngớ ngẩn, dễ tin người sang. Lúc vui mừng thì hay mắng chồng thậm tệ, lúc thường không dám.

Nhỡ: 22 tuổi. Đẹp trai. Có duyên. Răng đỏ. Mắt cong lên. Môi tươi. Lúc nào cũng cười. Hay nói đùa. Cuộc phù thế nhân sinh... Hút thuốc lào say. Số đào hoa. Yêu lung tung nhưng hời hợt. Nói đùa không ngượng. Chỉ có yêu thầm Mùi là mạnh nhất và kín đáo không dám lộ. Được con gái yêu rất nhiều mà rốt cuộc lấy vợ xấu và được sung sướng. Sau thành vợ chồng lái đò.

Bé: 18 tuổi. Một cô gái có đôi môi đẹp và tươi. Lúc nào cũng đau mắt. Người to xương và chắc nịch. Lúc bực mình thì hay rứt khăn che mắt. Sạch sẽ. Thích làm dáng. Tươi cười với mọi người nhưng hay lầm lì và giận với người yêu. Thích bắt nạt chồng. Hay xấu hổ. Hơi ngớ ngẩn, đơn sơ, thật thà. Sợ trách nhiệm hơn sợ khổ.

Tý: 10 tuổi. Mắt to. Tiếng nói sang sảng. Thông minh. Hay nhận xét. Khéo nịnh. Tự kiêu.

Út: 8 tuổi. Rất ngoan. Đau mắt rất chịu khó chữa. Hiền lành, ít nói. Chỉ muốn chiều bố mẹ, anh em.

Thêm, Nữa: 5 tuổi.

Thôi: 1 tuổi.


V. Gia đình bác Bút

Gia đình kép hát vỡ nghề, nhưng vẫn tâm hồn nghệ sĩ với nhau trong tình yêu vợ chồng, trong việc sinh sống hàng ngày.


B. Gia đình và nhân vật phụ

Gia đình ông Năm Bụng: Sợ chó hơn tây đoan. Cho trẻ con kẹo vì chó. Sau khi con đỗ, bán rượu lậu trộm gia đình.

Bà chủ Nhật Trình: Xem mặt cho con gái mình. Người trần mắt thịt ơi!

Gia đình hai cụ Huế: Cãi nhau.

Cụ Đốc làng Phướn: Không bao giờ qua cầu. Ốm cũng hỏi thăm tin tức chiếc cầu luôn.

Ông Ký Mai: Đông Công Ích Tin Lành. Bảo hiểm. Về ở xóm vì yêu cô con gái bà chủ Nhật Trình.

Bà Hai hàng cơm: Con yểng.

Bà cụ điên, gia đình ông ký ảnh, lão lai, bà hai hàng vàng, ông cả áo quan, vợ chồng chú sắn, ông cụ tiên.

C. Giá sinh hoạt

Tạ gạo:
5 đồng
Bánh cuốn thường:
1 xu hai
1 Ký gạo:
5 xu
Bánh cuốn nhân thịt:
2 xu ba
Làm nhà:
15 đồng
Bánh giò:
2 xu mốt
Nhà tranh tồi:
20 đồng
Chả:
1 xu mốt
Nhà tranh khá:
30 đồng



Mỗi người một tháng trung bình:
nghèo: 2 đồng
vừa: 4 đồng
sang: 8 đồng

Một hoạ bản của Nhất Linh trong bản thảo Xóm Cầu Mới
Một trang bản thảo Xóm Cầu Mới


Bản thảo Xóm Cầu Mới
Nhất Linh phác hoạ và phác thảo đặc tính các nhân vật

Nguồn: Nhất Linh - Trong Tá»± lá»±c Văn Ä‘oàn. Xóm Cầu Má»›i (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Má»›i, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyá»…n Tường Thiết. Copyright © Nguyá»…n Tường Thiết. Bản Ä‘iện tá»­ đăng trên talawas do Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp.