trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
21.6.2002
Trịnh Thanh Thủy
Trả lời bài viết của bạn Nguyễn Việt Hà
 
Bạn Nguyễn Việt Hà và các bạn đọc,

Trong bài “Có chăng một "ước vọng" ĐTLA?“ bạn NVH có nêu vài thắc mắc và có ý nhờ tôi lý giải vài điều.

1) «Nhận định về nguyên nhân ĐTLA, tác giả có xu hướng cho rằng nguyên nhân không phải tính di truyền vậy tại sao ÐTLA bị cấm đoán mà vẫn có 10% người ÐTLA kiên quyết mình là ÐTLA? Tác giả dựa vào kết quả các cuộc nghiên cứu vào thời điểm năm 1970 có logic không? Viết về mối nguy đe dọa dân số khi ĐTLA „bùng nổ“ do lây lan. Trong vòng 50 năm nữa, chúng ta sẽ có 10 tỷ người với tốc độ tăng dân số theo dự báo của Uỷ ban dân số thế giới của Liên hiệp quốc. Như vậy, những lo ngại của tác giả là có cơ sở?»

Năm 1972, Hooker đã khảo cứu, quan sát và đưa ra kết luận: ÐTLA là sự kết hợp của nhiều nguyên tố góp lại, gồm bẩm sinh, văn hoá, động lực tâm lý và cấu trúc xã hội. Ngoài yếu tố bẩm sinh và những yếu tố khác, “hành động ÐTLA“ còn là một ứng xử được điều kiện hoá theo một khuôn mẫu, hay dịch nôm na là “theo gương“ (a learned pattern of behavior). Nghĩa là một cá nhân có thể bắt chước một người dị tính hay đồng tính. Minton và Mc Donald (1984) nói những người đồng tính nam bắt đầu có kinh nghiệm đồng tính từ lúc trước tuổi dậy thì, trong khi đồng tính nữ bắt đầu trễ hơn vài năm sau đó (Saghir và Robins, 1971). Khi tới tuổi dậy thì, một cá nhân có khả năng tiếp xúc và định hướng phái tính của mình để trở thành đồng tính, dị tính hay lưỡng tính.
Hầu hết người Mỹ trở nên dị tính. Tại sao có người trở thành đồng tính, dù xã hội lên án, khinh ghét và ruồng bỏ. Có phải vì nguyên nhân bẩm sinh đã khiến người ÐTLA sống chết với giới tính của mình?
Ðó là câu hỏi mà bạn NVH đã thắc mắc đưa ra. Nó cũng là nan đề gây tranh luận bao năm nay của người Mỹ. Câu hỏi này rất khó trả lời. Người Mỹ đã thử trả lời nhưng những dữ kiện đưa ra thường hay mâu thuẫn và bị nặng thiên kiến. Có nhiều nhà nghiên cứu quan niệm ÐTLA là một căn bệnh, vì thế họ đi tìm nguyên do của căn bệnh để trả lời. Có nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề ÐTLA chỉ đơn thuần là có sự “yêu thích” mà thôi. Họ có khuynh hướng chứng minh người ÐTLA là rất bình thường và lành mạnh như các nhóm người khác. Trả lời một câu hỏi mà để mở ra hàng loạt những câu hỏi gây nên các cuộc tranh luận khác chi bằng tôi để ngỏ nó thì hơn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nó phải liên quan tới một điều gì đó khác hơn những lý lẽ thông thường mà người ta chưa nghĩ ra hoặc giải đoán nổi. Như tôi đã trình bày ở hai bài trước, tôi có ý định đặt ra một giả thuyết khoa học (scientific hypothesis), hầu có thể lý giải, phân tích và suy luận một hiện tượng, chứ tôi không có khẳng định “Ðồng tính luyến ái là một căn bệnh truyền nhiễm“, mong các bạn đọc kỹ hơn chủ ý của tôi.
Ðể bảo vệ giả thuyết một cách khoa học, tôi có dẫn chứng bằng những con số thống kê của các cuộc nghiên cứu của Hunt và Kinsey từ những năm 1970, 1974 và trở về trước. Những con số này theo thời gian có thể không còn cập nhật nữa, nhưng ngoài những con số bách phân của các cuộc thăm dò và nghiên cứu theo tài liệu tôi tìm được, tôi nghĩ khó có một phương cách nào hữu hiệu hơn để dẫn chứng cho một giả thuyết khoa học. Các nhà nghiên cứu đều dùng phương pháp này. Bởi vì người ÐTLA có khuynh hướng dấu mình nên các cuộc nghiên cứu và thăm dò chỉ có giá trị tương đối. Có thể sau này Hoa Kỳ còn có nhiều cuộc thăm dò và nghiên cứu sâu rộng khác mà chúng ta chưa biết. Mong các bạn có các thông tin cập nhật về các cuộc nghiên cứu đăng lên để chúng ta cùng chia sẻ và học hỏi.

Cũng như con số phỏng định trong thống kê cuộc nghiên cứu của Gagnon năm 1977, số người ÐTLA khoảng 3 tới 4 phần trăm dân số Hoa Kỳ (tôi đã trích dẫn trong bài trước). Trong bài viết của Nguyễn Bá Trạc mới đây, ông có đưa ra tường thuật của tạp chí American Demographic năm 2001, thống kê dân số người ÐTLA có thể chiếm từ 4 tới 8 phần trăm tổng dân số Hoa Kỳ. Theo Bộ kiểm tra dân số, năm 1977, Hoa Kỳ có 203,302,031 người. Năm 2001, tổng dân số Hoa Kỳ lên đến 284,796,887 người (USA Census Bureau). Như vậy tổng dân số Hoa Kỳ tăng 13.2% (bao gồm người di dân đến từ Việt nam, Cuba, Hồng Kông v.v...), trong khi dân số phỏng chừng của người ÐTLA tăng 200 phần trăm. Sự tăng trưởng khổng lồ này có làm các bạn ngạc nghiên không? Làm sao mà trong vòng 14 năm con số người ÐTLA lại tăng lên gấp đôi như vậy? Dân số ÐTLA tăng cao như vậy chứng minh được điều gì?

Tôi suy luận quanh câu hỏi này để trả lời câu hỏi của bạn NVH rằng còn có nhiều yếu tố khác nữa gây nên ước vọng ÐTLA, ngoài yếu tố bẩm sinh đơn thuần (nếu tôi không lầm thì theo tinh thần câu hỏi hình như bạn NVH đã tin tưởng chỉ có yếu tố bẩm sinh gây nên ước vọng đồng tính luyến ái). Không lẽ trong 14 năm số người ÐTLA tăng vọt từ hơn 8 triệu tới 22 triệu toàn do bẩm sinh?
Dân số Hoa Kỳ có khuynh hướng giảm đi vì quan niệm “gia đình” của người Mỹ biến dạng. Có nhiều người thích cuộc sống độc thân hơn. Tỷ lệ ly dị gia tăng. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến con cái trở thành xa xí phẩm trước tình trạng kinh tế suy thoái. Làm sao ta có thể giải thích con số 14 triệu người ÐTLA sinh sôi vì lý do bẩm sinh do kết quả nói trên.
Ðể lý giải hiện tượng này tôi xin đưa ra vài lý do:

1) Vì xã hội Mỹ ngày càng thông cảm, chấp nhận quyền bình đẳng và sự có mặt của người ÐTLA nên sự “ra mặt” của người ÐTLA ngày càng nhiều lên.
2) Có thể có sự chuyển đổi hệ phái rất lớn xảy ra. Theo một cuộc nghiên cứu của Heblom(1973), phỏng vấn 65 người đồng tính nữ, khoảng 90% đã từng có hò hẹn, đi chơi với phái nam trong thời gian họ đồng tính và hơn phân nửa trong số đó có liên hệ tình dục(intercourse) với phái nam.
Một nghiên cứu khác của Kinsey cho biết một phần năm số ÐTLA được khảo cứu đã lập gia đình trước đó và một phần hai đã có liên hệ tình dục từ hai đến bốn lần trong một tuần (intercourse) trong những năm hôn nhân đầu tiên.
Người ÐTLA có thể đồng tính một thời gian rồi ngưng, hoặc tiếp tục hoặc ngưng hẳn và trở về đời sống tình dục bình thường.
Do con số phát triển quá nhanh đó ta có thể cho rằng có một sự chuyển đổi phái tính từ dị tính qua ÐTLA. Ðìều này cũng làm tôi tin rằng có những nguyên nhân khác tạo thành ước vọng ÐTLA ngoài yếu tố bẩm sinh.

2) «Khi đi sâu phân tích cấu trúc về gia đình để khẳng định tính bất hợp lý của DTLA tôi cho rằng tác giả đã „quên“ mất tỷ lệ ly dị tại Mỹ và Tây Âu cũng như tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều đó nói lên rằng duy trì một công thức „gia đình“ kiểu mẫu như tác giả nêu có điều gì đó không ổn, ngay kể cả trong một gia đình có cả hai giới. Một phần ba trẻ em tại các nước phát triển chỉ sống với bố hoặc mẹ. Liệu chúng ta có thể kêt luận được những điều gì đó trầm trọng với chúng? Liệu phần lớn số trẻ này sẽ là ĐTLA hết nếu theo suy luận như tác giả?»

Khi giải thích lý do tại sao người Mỹ phần lớn chưa bầu cho dự luật cho phép người ÐTLA nuôi con nuôi, tôi suy đoán có thể người Mỹ muốn duy trì một khuôn mẫu gia đình lý tưởng theo quan niệm cổ xưa. Giải thích một hiện tượng không có nghĩa là đồng ý với hiện tượng hay xuôi theo chiều hướng của hiện tượng.
Việc người Mỹ đặt kỳ vọng trên một gia đình lý tưởng là một gia đình hạnh phúc không có mâu thuẫn xung đột. Vai trò và trách nhiệm của cha mẹ được thực hiện một cách vuông tròn. Những đứa bé lớn lên mạnh khoẻ và hân hưởng đầy đủ thương yêu của cha mẹ. Nhưng kỳ vọng chỉ là kỳ vọng. Thực tế bộ mặt xã hội Mỹ đang biến dạng. Cái gia đình kiểu mẫu bị đe doạ vì nhiều thay đổi. Tỷ lệ ly dị gia tăng. Có nhiều người thích sống độc thân hơn, có những cặp chỉ thích sống chung mà không muốn lấy nhau. Những gia đình sau ly dị vẫn còn thiếu sự hiện diện của người phối ngẫu. Trẻ em sống chỉ với một cha hoặc một mẹ.
Một gia đình đổ vỡ hay khiếm khuyết người phối ngẫu ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Có những đứa bé gặp khó khăn trong việc ứng xử và hoà hợp với cuộc sống. Có những em gặp trở ngại trong việc học. Có em chọn thái độ thu mình tự tách riêng khỏi đám đông. Có những bé gái không cha thường gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với phái nam hoặc ngược lại có em săn tìm sự chú ý của phái nam một cách quá đáng. Theo một nghiên cứu có những bé trai không cha có khuynh hướng trở nên người có nhiều nữ tính hơn bởi sự thiếu thốn phái nam trong gia đình.

Trong một cuộc nghiên cứu, Mallen (1983) tìm thấy một số đồng tính nam đã từng có quan hệ với cha mình rất tồi tệ. Trong một cuộc quan sát 979 người, Bell, Winberg, Hammersmith (1981) khám phá ra một yếu tố đơn giản nhưng rất quan trọng là yếu tố giới tính của họ chưa thành lập từ lúc còn rất nhỏ. Nghĩa là sự thay đổi vai trò tính dục của họ xảy ra trong thời kỳ trưởng thành để trở nên đồng tính nam hoặc nữ. Một đứa bé lớn lên trong một gia đình đổ vỡ hay chỉ có một cha một mẹ dễ gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường chúng đang sống và có thể gây nên sự thay đổi trong việc định hướng giới tính của mình. Vì thế trong bài trước tôi có đề cập sơ qua điều này và bạn NVH có hỏi như vậy có phải theo chiều hướng suy luận của tôi tất cả những đứa bé trong trường hợp này đều có ước vọng trở thành ÐTLA? Các cuộc nghiên cứu đưa ra kết quả là ÐTLA đến từ những gia đình khiếm khuyết cha hay mẹ không có nghĩa là thiếu cha hoặc mẹ thì chúng trở thành ÐTLA nhưng xác xuất để trở thành đồng tính có thể có hoặc có cơ hội cao hơn. Cũng như ta có thể nói “Một nhà toán học giỏi có thể là một thầy giáo hay” nhưng ta không thể suy luận ngược lại “Một thầy giáo hay có thể trở thành một nhà toán học giỏi”. Xác xuất của nó thấp hơn nhiều.

3) «Vấn đề nhận nuôi con nuôi...»

Như tôi đã trình bày trong bài trả lời bạn Tâm Chính, người Mỹ cố duy trì quan hệ gia đình và cấu trúc xã hội theo quan niệm cổ xưa. Hơn nữa việc này có liên hệ trực tiếp đến hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Bao giờ cũng vậy kỳ vọng và thực tế là hai điều trái ngược. Ngày nay người Mỹ thích sống độc thân nhiều hơn và tiếp tục ly dị nhưng họ vẫn mong đợi ở một gia đình lý tưởng hạnh phúc. Luật pháp Hoa Kỳ vẫn đặt nền tảng trên đạo đức xã hội và hy vọng vào giá trị tuyệt đối của một gia đình kiểu mẫu. Trong khi xã hội tiếp tục thay đổi theo cấp số nhân, luật pháp thay đổi theo cấp số cộng nên dự luật nuôi con nuôi vẫn còn dậm chân tại chỗ. Hiện nay những bộ luật gia đình đã đổi yếu tố "Best-Interests" (tôi tạm dịch là "Các thuận lợi nhất cho đứa bé" thành một trong những điều kiện chính để quyết định quyền nuôi giữ một đứa bé thay vì yếu tố "Vai trò cha mẹ".
Khoảng mười năm trở lại đây, toà án e ngại trao quyền nuôi con nuôi cho người ÐTLA nên đã từ khước quyền giám hộ của người ÐTLA. Trong vụ án Jan B., toà án New York đã khám phá ra bà Lucy Q. có liên hệ ÐTLA với một người đồng tính khác trong chung cư nơi bà ta ngụ. Toà án tìm ra dữ kiện chứng minh có những yếu tố không phù hợp với điều kiện luật định "Các thuận lợi nhất cho đứa bé". Toà án đã trao lại quyền giám hộ cho cha ruột của đứa bé.
Trong một vụ án ở Newyork, toà án gia đình đã không xác định được vai trò làm mẹ của một người đồng tính nữ “Distefano v. Distefano”. Toà án đã truất quyền thăm nuôi của bà Distefano vì vị trí ÐTLA của bà không còn phù hợp với vai trò thương yêu và làm mẹ của mấy đứa bé. Sáu năm sau khi hồ sơ kháng án được mở ra, qua một cuộc thử nghiệm có tên là Nexus, toà án đồng ý khôi phục lại quyền thăm nuôi của bà.
Tóm lại tôi nghĩ mấu chốt để thông qua những dự luật nuôi con nuôi của người ÐTLA chỉ là vấn đề thời gian.

4) «Cuối cùng, tôi muốn nói rằng có rất nhiều ước vọng trong cuộc sống nhưng định hướng tình dục không thể là một ước vọng hay lựa chọn. Thành ra, tôi cho rằng đi tìm nguyên nhân của ĐTLA không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao mọi người biết tôn trọng quyền cá nhân trong một cộng đồng: từ gia đình cho đến xã hội. Giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức rõ dù với tập tính tình dục gì mà không gây hại cho người khác, hãy tự tin bước vào đời.»

Khi kết luận bài, tôi có viết:
”Tôi đưa ra những dữ kiện và nguyên nhân tạo nên ước vọng đồng tính luyến ái. Sự lựa chọn là ở các bạn!“ Có lẽ vì câu viết quá cô đọng nên bạn NVH có thể hiểu lầm ý tôi. Tôi không có ý nói, các bạn lựa chọn để trở thành ÐTLA. Tôi muốn nói “Các bạn hãy lựa chọn thái độ có hay không nên quan tâm tới con em mình nếu quan niệm ÐTLA thực sự là một căn bệnh truyền nhiễm“. Vì câu hỏi chủ đề của tôi liên quan tới điều này nên cuối cùng tôi kết bằng câu trên.
Tôi có suy luận một trong những nguyên nhân đưa đến ước vọng ÐTLA là “theo gương”, nên ÐTLA không phải là một sự lựa chọn mà thành. Nó đến từ những cấu thành phức tạp và ảnh hưởng trong việc định hướng tình dục của một người. Bạn thực sự hiểu lầm câu này của tôi.

Tôi đồng ý với bạn NVH về phương thức giáo dục trẻ nhỏ biết tôn trọng quyền cá nhân trong một cộng đồng. Việc giáo dục là một trong những phương cách giải quyết sau khi ta đi tìm nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Khi đưa ra giả thuyết khoa học tôi có ý định đào sâu vào vấn đề, phân tích nguyên nhân, hậu quả và đi tìm những phương cách giải quyết. Tôi mới ở giai đoạn một. Ðưa ra một giả thuyết, suy luận, bảo vệ suy luận và thử nghiệm. Chủ ý của tôi là cùng các bạn nghiên cứu và tìm kiếm thêm những mâu thuẫn, xung đột gốc rễ hầu chúng ta cùng học hỏi cảm thông và nếu có thể giúp các bạn khác chưa hiểu biết nhiều về ÐTLA có thể hiểu biết thêm. Khi tôi viết bài về đề tài này chính tôi phải lục tìm tài liệu và dữ kiện, tôi nhận thấy mình học hỏi được rất nhiều. Lúc tôi đọc bài các bạn khác, kiến thức của tôi về ÐTLA giàu thêm. Khi các bạn đọc bài của tôi cũng nẩy ra tư tưởng tranh luận nghĩa là bạn cũng đang cùng suy luận với tôi. Có phải chúng ta cùng học hỏi để cảm thông ÐTLA theo phương pháp tranh luận hào hứng hơn là chỉ đọc những bài chỉ thuần tính bày tỏ và chia sẻ không?
Tuy nhiên có lẽ tôi xin ngưng thảo luận ở đây để tránh tiếp tục có những hiểu lầm làm tổn thương hoà khí của diễn đàn.