trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.10.2007
Ngô Thế Vinh
Mây bão
Tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7 
 
CHƯƠNG CHÍN

Cái ý định bỏ trốn đã hiện ra trong óc Vũ. Lúc đầu đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, sau đó nó bám chặt lấy đời sống Vũ từ những giấc ngủ, lúc làm việc mà không chịu buông tha. Vũ thấy rõ trước mắt những khó khăn đe doạ do dự định liều lĩnh của chàng. Vũ thấy mình đứng trước hai ngả đường mà chàng phải dứt khoát lựa chọn. Tất cả đều làm chàng khó nghĩ. Ở lại để phải chịu khai thác con người mình đến triệt để, cùng phải chịu sự nhào luyện uốn nắn mà Vũ tin thằng thời gian tới chàng không còn là con người mình trước kia nữa. Sau những buổi làm việc đã mệt nhoài, Vũ lại được dẫn lên hội trường để nghe họ cuồng nhiệt la hét. Vũ đinh ninh sẽ cố giữ cho đường lối suy tưởng của mình không bị ảnh hưởng méo mó, chàng thấy mình cô đơn giữa một lớp người không tình cảm không ơn nghĩa, hay ít ra cuộc sống bên ngoài của họ khoác một bộ mặt như vậy. Rồi ra cuộc sống của chàng cũng dần dần trở nên khô cằn song song với những vò xé tâm tư. Ý thức được năng lực chống đỡ của chàng có giới hạn, Vũ thấy trước được rằng sẽ có một hôm đời sống chàng thay đổi hẳn, chàng cũng sẽ sống với một khuôn mẫu như họ. Đó là kết quả tất nhiên của điều kiện hoá, của một thể xác mỏi mệt, chiến đấu đơn độc, tinh thần vật chất đều suy mòn. Những ý nghĩ mỗi lúc một căng thẳng, lúc đó không còn là ý thức chủ động mà là sự đầu hàng buông thả, từ bỏ hết cả đời sống tâm tư để sống một cách máy móc vô tri cho nhân danh sức mạnh của tập thể của tổ chức. Chỉ có một lựa chọn là trốn đi nhưng Vũ cũng thấy trước bao nhiêu cái không thể được của hoàn cảnh hiện tại. Mỗi lần đứng ngoài trời nhìn mấy căn nhà lá đơn lạnh hiện ra giữa khoảng đất mất hút trong trong một rừng núi xanh um, Vũ cảm thấy thế giới bên ngoài mà chàng sống trước kia sao quá xa xôi. Chàng không tưởng tượng được rằng đâu đó ngoài vùng đồi núi thâm u sẽ có xóm làng, có đồn trại của những đồng bạn và ở những thành phố đâu đó xa xôi các người thân yêu của chàng đang sống yên ổn dễ dãi. Vũ tự hỏi nếu chàng từ bỏ nơi đây mà ra đi có phải chàng muốn trở về một đời sống cũ dễ chịu, nơi đó có hứa hẹn một tương lai êm ấm, Vũ sẽ gặp lại mẹ và các em, chàng tin rằng mình sẽ thiết tha với gia đình hơn. Nếu về được, chàng sẽ cưới Huyền làm vợ với ý nghĩ hạnh phúc là mình đã có một đứa con. Cuộc sống chàng sẽ lại bắt đầu, chắp nối một đoạn đời đứt quãng và gây dựng lại mộng ước đã bị va chạm đổ vỡ trước kia. Nhiều lúc nằm trằn trọc trên chiếc chõng tre trong đêm tối, giữa khí trời vùng rừng núi ẩm lạnh, Vũ từng thức trắng những đêm dài mệt nhọc với những ý nghĩ miên man cắn rứt tâm tư đến lúc đầu nóng ran, chàng lại lịm vào một giấc ngủ muộn nặng như chì. Đôi lúc hình ảnh Ngân lại hiện ra với vẻ đẹp thiết tha, đôi mắt Ngân - vẫn đôi mắt đêm đó ngoài phi trường hôm tiễn đưa Bách, êm ái nhìn chàng với biết bao tình ý. Trong cả những cơn sốt, mình đầm mồ hôi nằm thở hổn hển, nghe tiếng gió thổi ào ào ngoài rừng, Vũ tưởng tượng đến một bàn tay êm mát đặt nhẹ lên trán, không khí thoảng hơi thở ấm và hương thơm nhẹ của làn da mái tóc làm chàng như dịu lại. Hình ảnh khi thì Ngân, khi thì Huyền mỗi lần hiện ra sống động trong hồi tưởng đã khoảnh khắc tránh cho chàng những ý nghĩ khó khăn sắp đến, đó như một nguồn an ủi chỗ bấu víu giữa những thô bạo khô cằn mà chàng đang phải sống với. Vũ tưởng tượng mình như một con chim bị nhốt trong căn phòng lớn vẫn ôm khư khư ảo tưởng về tự do nhưng sự thật lưới bẫy đã giăng ra khắp chốn. Nhưng chàng vẫn phải thoát ra cho dù đời sống có bị tàn tạ hay huỷ diệt. Vũ đinh ninh mình sẽ sắp đặt suy tính kỹ lưỡng trước khi hành động. Chàng bàn chuyện này với anh Huống cách đây ít lâu:

“Tôi muốn rời khỏi nơi đây cho dù thế nào.”

Huống nghiêm mặt lắc đầu:

“Chú bàn chuyện này quá sớm, mà chắc là không được đâu.”

Mặt Huống hiện rõ vẻ băn khoăn nói tiếp như một mệnh lệnh:

“Chú phải nghĩ khác và không được làm thế.”

Hiểu ý Huống muốn nói gì, Vũ tiếp:

“Cũng vì thế mà tôi tính bàn chuyện với anh, chứ liệu hy vọng gì...”

Huống tính vốn thâm trầm và kín đáo, rất ít khi để lộ tình cảm. Vũ thấy trên nét mặt anh hiện rõ cái cố gắng giữ cho vẻ mặt được bình thản trước những giằng co. Huống già dặn về đời sống cũng như về tuổi tác. Tình cờ bị bắt về đây Vũ nhận ra Huống ít lâu sau...

Vũ biết Huống từ hồi tản cư kháng chiến chống Pháp, sống trong một làng nhỏ bên bờ sông Mã. Khi Vũ chưa được mười tuổi anh Huống đã là một thanh niên, con ông Bản Thưởng một gia đình phú nông khá giả. Huống cao lớn có nét mặt trắng trẻo và sáng sủa của một thanh niên ở tỉnh. Anh có lên tỉnh học hết ban trung học nhưng sau đó trở về làng khi chiến tranh xảy tới. Chính sách tiêu thổ kháng chiến đã tàn phá tất cả trước khi giặc tới. Sự học dở dang anh trở về làng quê sống trong khung cảnh một hậu phương yên ổn và dễ dãi. Những cảnh êm đềm của làng quê cũng mất dần, số người tản cư đổ dồn tới đông đảo, họ mở nhà máy dệt, quán ăn, hàng giải khát. Bộ đội lũ lượt qua làng hay dừng lại dưỡng quân. Buổi tối lại thỉnh thoảng náo nhiệt với các buổi văn nghệ hay biểu tình rước đuốc. Anh Huống cũng không rỗi rãi như trước kia nữa. Ít lâu sau Vũ không còn được gặp anh. Một năm sau cùng với toán bộ đội về đóng làng, Vũ gặp lại anh Huống. Huống trông khác xưa, dắn dỏi và đen vạm vỡ, là cấp chỉ huy anh nghiêm trang và ít nói hơn trước. Gặp Vũ anh ôm hôn và xiết chặt bàn tay nồng nàn. Anh không nói chuyện bắn chim hay đi câu như trước kia nữa. Anh kể cho Vũ nghe những chuyện ngoài mặt trận, những chuyện như Kim Đồng và những hành động yêu nước can đảm của các em thiếu nhi liên lạc. Một buổi tối dưới ánh đèn dầu tây trong căn phòng kín đáo, Vũ im lặng nhìn xem anh làm việc giữa đống giấy má chất cao trên bàn và đầu óc tưởng tượng miên man bao nhiêu chuyện khác. Vũ tò mò giơ tay với chiếc bật lửa sáng chói làm bằng vỏ đạn đồng để bên kia góc bàn, khi rút tay về, cánh tay quơ phải ngọn đèn dầu lật đổ xuống tối om. Vũ quá hoảng sợ nhưng anh Huống thì vẫn điềm đạm thắp lại ngọn đèn khác, trong ánh đèn mới thắp sáng Vũ thấy trên nét mặt anh hiện vẻ nghiêm khắc rõ rệt, anh lạnh lùng bảo Vũ:

“Em bước ra ngoài chơi, không sao.”

Vũ vừa sợ vừa hối hận trên đường buổi tối trở về nhà. Sáng sớm hôm sau lúc tỉnh dậy, Vũ có cảm giác là lạ hoang vắng. Thì ra toán bộ đội rất đông đảo đã lẳng lặng rút đi từ đêm qua. Ngay buổi trưa, một đoàn máy bay phóng pháo Pháp tới oanh tạc làng, bắn chìm các thuyền trên dọc sông và bỏ bom xuống chợ... Tang tóc và đau thương cũng qua đi, đời sống của hậu phương lại phục hồi, Vũ không còn có dịp gặp lại anh nữa. Một hôm cũng một đoàn quân khác qua đây, Vũ được nghe tin anh can đảm ôm bom nhảy vào chiến xa Pháp và tan xác không còn gì nữa...

Khi nhận ra Vũ ở nơi đây, cặp mắt anh trở nên xa xôi, nét tư lự hiện ra rõ rệt, nhưng cả hai cùng cảm thấy một sự ngăn cách và khác biệt về các ràng buộc và nguyên tắc.

“Mau quá thấm thoát chú đã thế này...”

“Em chẳng thể ngờ là có thể gặp lại anh ở đây, hồi đó em nghe nói anh vào Nghệ An và bị...”

Vẻ mặt anh hơi buồn gật đầu bảo Vũ:

“Có, lúc tình nguyện ra đi anh cũng đã cầm chắc cái chết nhưng không ngờ sau vụ đó anh chỉ bị thương nặng, được đưa về hậu tuyến một năm. Anh được tuyên dương và sau đó được phép trở về Thanh nghỉ ngơi một thời gian, lúc đó nghe tin gia đình chú đã dinh tê rồi. Ở nhà ít lâu anh lại tình nguyện ra Bắc, suốt cho đến nay anh cũng không biết gia đình thế nào.”

Hai người đang đứng giữa sân, anh yên lặng đưa mắt nhìn một bóng người trong đám cây rậm vừa hiện ra. Hắn vội vã lại gần Huống nghiêm chào dáng thành thạo. Dáng người hắn dỏng cao, trông có vẻ gầy hơn trong bộ bà ba đen hơi rộng, màu áo bạc rõ rệt trên hai cả bờ vai. Nét mặt hắn xương xương khô khan, hai gò má cao làm trũng sâu đôi mắt đen thăm thẳm dưới làn mi rậm. Râu quai nón của hắn chắc cả mấy ngày chưa cạo nên xanh rờn cả hai bên má, cặp môi mỏng mấp máy, đồng thời hắn đưa mắt sang nhìn Vũ với vẻ nghi kỵ. Huống biết ý để mặc Vũ đứng đó, dẫn hắn ra một chỗ khá xa và khuất bóng. Vũ thơ thẩn đứng nhìn cảnh đồi núi trùng điệp, trên cao bầu trời thấp hẳn xuống vì những đám mây đen nặng trĩu. Gió thổi mạnh vào các cành lá qua những thân cây kêu rú ào ào như sắp có giông bão. Mặt trời hơi ló ra lại bị che lấp làm tắt ngúm những chùm tia sáng hình nan quạt. Phía trong xa mấy căn láng lợp tranh trông trống trải và lạnh lẽo; lác đác vài bóng người đi lại lúc nào cũng như câm nín. Vũ đứng miên man suy tính...

Một lúc sau Huống trở lại một mình, vẻ mặt lãnh đạm, anh hất đầu bảo Vũ như ra lệnh:

“Trời sắp đổ mưa, chú đi vào trong. Tôi phải đi. Chú và cô Nhan sửa soạn phòng phẫu sắp phải bận nhiều việc lắm.”

Huống chỉ nói mấy câu trống không rồi bỏ đi. Vũ lững thững bước về lán chờ đợi. Gặp Nhan ở đó đang bận rộn sửa soạn các thứ. Vũ đoán có lẽ Nhan đã được biết tin từ trước. Ngay cả với Huống, Vũ nghĩ mình luôn luôn là kẻ ngoại cuộc.

Nhan thường ngày ít nói, lúc làm việc Nhan chỉ nói tới công việc phải làm chứ không bao giờ bàn tán chuyện vẩn vơ xa xôi. Dáng người Nhan hơi thấp nhưng trông vững chãi và khoẻ mạnh. Vẻ mặt con gái của Nhan vốn dễ thương nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ nghiêm khắc, rất ư là không hợp với tuổi trẻ của nàng. Lúc đầu Vũ thấy khó chịu nhưng nghĩ lại đời sống ở đây phải như thế, nên chàng cũng quen đi. Nhan thành thạo công việc và khéo léo. Khi rảnh rỗi hai người thường ngồi đối diện trò chuyện. Lúc đó Nhan rất thích nói về chính trị và bàn về những vấn đề tư tưởng mà nàng đã thuộc nằm lòng. Nàng cố gắng thuyết phục Vũ và coi đó như bổn phận thứ hai của nàng. Vũ thường ngồi im lặng chịu sự cải tạo tư tưởng của Nhan, rồi chính Vũ tự hỏi ý nghĩa đời sống tâm tư Nhan như thế nào.

Bên ngoài gió đã im, mưa bắt đầu trút xuống mờ hết cảnh vật xa xa. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh ào tới, thổi ùa nước mưa qua cửa sổ. Trên bầu trời thẫm đen có những tia chớp loé sáng ngoằn ngoèo, tiếp theo những tiếng sấm chối tai như nổ ngay trên mái. Nhan đi ra phía cửa hạ tấm màn tre xuống. Vũ thấy bớt lạnh, trong phòng trở nên ấm cúng và tối hơn. Một con muỗi bay vo ve qua tai Vũ rồi đậu trên má, Vũ giơ tay đập mạnh thành tiếng kêu, con muỗi thấy động đã bay đi trước khi bàn tay chạm xuống. Vũ hồi tưởng những buổi tối một mình trong cư xá yên lặng và buồn nản để chỉ biết học. Những ngày nghỉ cũng như ngày tết Đại học xá thường vắng tanh. Các dãy nhà dài hun hút trong bóng đêm bên ngoài. Trên bờ thềm một bóng đen ngồi trong bóng đêm im lặng, ngửa mặt lên bầu trời như cố tìm chút ánh trăng sao như khát khao một niềm tin và hy vọng. Vũ thì vẫn ngồi trên bàn học từ lâu lắm cho đến lúc những trang giấy đặc chữ cũng mờ đi và trở thành trắng xoá...

Tiếng tặc lưỡi của mấy con mối trên vách lúc này như càng kéo Vũ về những ngày xuân của dĩ vãng. Có tiếng người lao xao gọi vẳng xa ở phía ngoài, Nhan đứng bật dậy thắp vội lại ngọn đèn, căn phòng vụt sáng lên với ánh đèn lập loè làm những bóng đen trên tường rung rinh chuyển động. Tiếng ồn ào nghe rất gần phía trước nhà. Nhan vội ra mở cửa, một luồng gió mạnh lùa vào đem theo cả nước mưa. Hai người mặc áo đen ướt đầm đià khiêng theo một thương binh khác. Tiếp theo phía sau một người vải băng quấn trên trán với tóc xoã xuống cả mặt vác theo một người bệnh nữa trên vai...

Mọi thứ đã sắp sẵn, người đầu tiên được khiêng tới nằm dài trên chiếc bàn gỗ, người đẫm nước da tái mét và lạnh run lập cập, có lẽ vừa lạnh vừa đau hắn nghiến răng rên rỉ. Chân phải hắn còn mang nguyên chiếc chông sắt xuyên suốt từ gan bàn đến mắt cá. Máu được nước mưa trước đó rửa sạch nhưng vẫn tiếp tục hoen rỉ trên một bàn chân tái xám và lạnh ngắt. Đây không phải là lần đầu Vũ gặp một ca như thế. Vũ bảo Nhan và mấy người kia phụ giúp buộc chặt tay chân nạn nhân xuống mặt bàn chuẩn bị cho cuộc “ mổ sống”. Trông chiếc cưa, dụng cụ kìm kẹp giải phẫu và mấy lọ thuốc mà Vũ ngao ngán. Chiếc ống nghe duy nhất với những ống cao su đã chảy mềm dấp dính và cả cáu đất. Trong công việc Vũ đã phải cố gắng hơn lên gấp bội. Cố khéo léo với những dụng cụ thô sơ và tồi tàn như bỏ đi, cố đè nén cho lòng mình yên ổn giữa những tiếng rên la của con bệnh. Từ ngày bị bắt về đây, Vũ cũng chỉ gặp những vụ cưa xẻ và băng bó hoặc bó im các trường hợp gãy xương không thôi. Vả lại trường hợp nguy kịch có lẽ đã được thanh toán trước khi về đến hậu trạm, hơn nữa làm gì có đủ dụng cụ và thuốc men cho những trường hợp đặc biệt ấy. Trước đây Vũ từng nghe nói nhưng không tin. Đó là một thứ Euthanasia - thái độ nhân đạo trong chiến tranh để tránh cho đồng bạn khỏi mòn mỏi đau đớn đi dần tới cái chết và thực tiễn hơn nữa là để khỏi phải rơi vào tay địch khỏi phải sợ những trường hợp bị “fuite” tin cơ mật.

Vũ nhanh nhẹn cầm dao xẻ những mảnh da thịt vắt lên, kẹp máu các động mạch rồi đưa những nhát cưa xoèn xoẹt như cưa gỗ. Mặc sức cho con bệnh la hét chửi rủa rẫy rụa trên mặt bàn đã bị xiết cứng. Làm gì còn thuốc mê hay gây ngủ ở chốn đèo heo hút gió này. Nhưng thà đau còn hơn chết, chàng thường nhủ thầm như một châm ngôn giúp chàng cố bình tĩnh làm việc...

Hắn hét lên tiếng hét đứt quãng như vướng mắc trong cổ họng, như tiếng éc của một con lợn bị chọc tiết. Đau quá, đầu hắn đập mạnh xuống mặt bàn gỗ phủ vải trắng. Vũ phòng xa nhét vào miệng hắn miếng gạc lớn cho khỏi cắn đứt lưỡi. Vũ chỉ đưa mắt hất đầu ra hiệu, Nhan hiểu ý buộc dải băng qua trán hắn ghìm chặt đầu xuống mặt bàn. Vũ chỉ còn nghe ú ớ rẫy rụa trong tưởng tượng và vô vọng. Hắn bị nạn chắc đã lâu hoặc ở chỗ khá xa nên về đến đây đã mất rất nhiều máu. Mặt hắn xanh xao, mạch đập nhanh, mồ hôi lạnh dấp dính trên trán, mắt hắn đỏ lên nhưng lại mờ đẫm những nước mắt. Vũ cưa một khúc chân dưới đầu gối, dưới ánh đèn không rõ lắm, Vũ phải toát mồ hôi để buộc các mạch máu, trước khi phủ những lá da thịt xuống che chở chỗ đầu xương bị cưa. Tuy chuyên về thần kinh nhưng Vũ rất có khiếu về giải phẫu, chàng làm chu đáo từ những vụ mổ nhỏ cho tới tạo một mấu chân thon đẹp với đôi bàn tay của nghệ sĩ. Làm xong công việc đầu tiên, cuộc mổ giản dị nhưng lâu gấp do hai trang bị quá thiếu thốn và thô sơ. Vũ không thấy vui mà lòng thì nặng trĩu những cảm giác khó khăn và mệt nhọc. Chiếc chân cưa rời bị vứt chỏng trên đống bông gạc và giấy bê bết máu, nước da ngả tím bầm, những đám lông chân dính xẹp trên vệt máu đã đọng khô. Vũ để ý tới ngón chân cái tách toẽ ra khác với những ngón chân kia thì co quắp. Chiếc chân vừa lìa khỏi thân xác bị vứt bỏ một cách tàn nhẫn. Vũ trở ra nhúng tay vào chậu nước trong đến lạnh buốt, cả chậu nước trở thành đỏ hồng. Vừa nhấc tay ra khỏi chậu, Vũ mới để ý rằng các ngón tay mình hơi run run...

Sang đến công việc thứ hai, Vũ thoáng cảm giác thất vọng. Hy vọng sống của hắn ta quá mong manh, hắn nằm im lặng nét mặt đau đớn đến kiệt sức, miệng há tròn thở ra một cách khó nhọc. Vũ để ý tới hai cánh mũi phập phồng theo nhịp thở nhanh nhưng nặng nhọc. Mỗi lần hít hơi vào hắn phải hếch cằm lên đầu rướn về sau như khó khăn lắm mới hút được chút dưỡng khí. Nhìn chiếc garrot bằng mảnh vạt áo đen bẩn thỉu xiết chặt giữa đùi, Vũ quan sát lượng giá yên lặng. Vết thương sâu hoắm hở cả xương trắng, khúc dưới thì bầy nhầy những miếng thị và mảnh xương vỡ vụn lẫn với đất cát... Ý nghĩ Vũ lúc này thật khác lạ, như một con bò rừng đã bị đâm trọng thương, biết thất bại nhưng vẫn hung hãn trước màu máu đỏ và xông tới. Vận dụng kiến thức và thận trọng làm tất cả biện pháp phòng ngừa, nhưng như chàng đã dự đoán sau khi mở đai chỉ huyết thì người bệnh chết hẳn. Vũ cố thở mạnh nhưng chỉ hít vào thứ không khí sặc sụa mùi thuốc và máu. Trước mắt Vũ là tất cả tang chứng thảm thê của cuộc sống đầy rẫy thất bại...
Số người bị thương ùn ùn tải về. Vũ hằn học với người sống, thương hại cho những kẻ bị thương hay đã chết - chết cho một điều gì đi nữa chính họ cũng không hay biết. Vũ lãnh đạm và bình thản trở lại, tiếp tục làm việc với không một lôi cuốn hứng thú . Vũ thấy mình như một người kéo cầy để trả món nợ mà chàng mường tượng sẽ không bao giờ hết cho đến khi chàng chết...


CHƯƠNG MƯỜI

Cả một ngày hầu như yên tĩnh không điềm gì báo trước một tai nạn sẽ xảy ra. Buổi sáng bầu trời xanh trong và êm; vào buổi trưa thoang thoảng tiếng vo vo của một chiếc “Morane” bay lượn thật cao. Chiều đến khi bóng mát đã đổ nghiêng và chạy dài trong một khung cảnh buồn rầu và trầm tĩnh của hai màu xanh và xám: mấy chiếc khu trục cơ đột ngột xuất hiện loang loáng trong ánh nắng và trúc xuống như những lưỡi gươm. Trong bất ngờ mọi người chỉ còn kịp nhảy ùa xuống những hầm trú ẩn rải rác quanh đấy. Bốn chiếc máy bay hùng hổ thay phiên nhau bổ xuống thật thấp nhả những băng đạn lửa nơi cánh vào các dãy nhà tranh nóc xám. Như một đoàn kình ngư, càng vùng vẫy càng say máu, họ xà xuống thấp dữ hơn như muốn đâm thẳng vào mục tiêu rồi ngóc đầu bay thẳng vút lên. Trong khoảnh khắc mà như thiên thu, không có một dấu hiệu gì là họ ngưng bắn trong chốc lát.

Chiếc khu trục dẫn đầu lượn đúng một vòng rộng , cánh nghiêng hẳn đi phơi cả nửa bụng ra ánh nắng, nhả những trái rốc két đầu tiên. Nóc nhà chính giữa và mấy căn phụ cận bắt đầu cháy lớn, lửa bốc cao đỏ rực. Vũ chúi mình nép thấp xuống thì vừa lúc tiếp theo những tiếng nổ long lở khác nghe gần hơn. Vũ chua chát nhủ thầm:

“Gớm sao họ quần kỹ thế...”

Chữ “họ” lúc này như có một ý nghĩa vô lý mỉa mai và xa lạ. Thật vô lý và lãng xẹt nếu bị hy sinh trong lúc này. Bỗng cả một băng đạn bắn hướng tới, kẻ một đường chạy dài trên mặt đất, xúc lên những đám đất cát bụi mù, rồi những tràng đạn tiếp theo... Lại có tiếng nổ lẻ tẻ và rời rạc như từ dưới đất bắn lên. Tình trạng vẫn khẩn trương như thế, luân phiên các loạt đạn lửa nổ rất gần rồi lại có vẻ xa hơn với tiếng động cơ vẫn gầm thét rít ở trên đầu. Một trong bốn chiếc rời khỏi vòng bay nhô lên cao, lên cao mãi rồi trúc dần xuống theo một đường vòng parabole và tiếng máy như ngập ngừng xen lẫn những chuỗi nổ lạch bạch. Vũ đoán chiếc khu trục đó bị trúng đạn gượng bay lên chập choạng theo một vòng cung rộng lớn rồi rơi dần vào khoảng màu xanh xa lắc. Ba chiếc khu trục kia cũng lại xà xuống rất thấp như để quan sát rồi biến đi mất dạng bỏ rơi lại phía sau những âm thanh nhỏ dần... Thấy tạm yên Vũ nhảy lên khỏi miệng hầm. Tất cả bỗng chốc trong hoang tàn không một bóng người. Vũ hốt hoảng bước qua cả những xác chết khác tìm kiếm. Đến một lúc thì Vũ đứng lại trân tráo, dưới một hố cá nhân không sâu, chiếc gáy quen thuộc của Huống gục xuống hai chân và yên tĩnh. Vũ phải khó nhọc mới đưa được Huống lên khỏi miệng hầm. Xác anh cao lớn và nặng, dù với vết thương nào Vũ cũng không thể gượng nhẹ được hơn. Nhà cửa đều bị tàn phá thiêu trụi, Vũ đành ôm Huống đặt ngửa xuống mặt đất, máu người anh chảy ra ướt đỏ thắm cả một bên vai. Chân Huống lạnh dần, mạch cổ đập rất yếu. Mắt anh như nửa hé mở mà dường như không thấy, môi anh lợt và thâm đi. Vũ đỡ Huống trong một tình thế tuyệt vọng, gỡ vội những khuy áo để lộ ra vết thương xuyên thấu từ phía trước ngực ra sau suốt bả vai. Vũ đặt đầu anh gối lên đùi môi run run:

“Anh Huống, anh còn muốn dặn lại gì không?”

Huống vẫn im lặng rồi mi mắt bỗng hé mở, đuôi mắt đầy những vết nhăn nheo đau đớn, môi mấp máy như muốn nói như không còn hơi, đầu anh cố ngẩng lên, nhướn về phía sau nhưng vô ích vì ngay sau đó cổ Huống mềm và quẹo đi, chết yên lặng. Vũ cúi xuống vuốt mắt Huống, buồn nản đứng dậy, lang thang những bước nặng trĩu và không chút suy tư. Tình cảm như mất hết đi đến trơ trẽn, tất cả giác quan mỏi mệt, buông thả ra để chấp nhận thực trạng. Căn nhà ngang phía giữa cháy rụi gần hết và đổ xập xuống, còn lại là một khoảng đất ngổn ngang những thanh gỗ xám đen. Mấy người bị thương không chạy kịp bị thiêu sống cháy đen nứt nẻ như những cục than lớn. Mặt đất chỗ bị dội bom trũng xuống từng lòng trảo lớn. Cây cối xung quanh cháy xám và đổ gục, còn lại mấy thân ngang đen đủi gẫy nát. Phía bên kia mấy dẫy nhà khác cũng cháy hết; trước đổ nát Vũ nảy ra ý nghĩ phải đi ngay trước khi mấy người kia trở lại. Chàng trở lại nơi trú ẩn cũ để định hướng chỗ chiếc máy bay trúng đạn có thể rơi. Chàng tính sẽ đi về hướng đó, nếu may mà gặp toán cấp cứu hay mấy người trong bọn họ còn sống sót. Vũ cắm đầu đi như chạy theo con đường mòn giữa những thân cây cao, bước đi càng nhanh càng vội vã luống cuống khi Vũ có cảm tưởng bị theo dõi và đuổi bắt. Máu của Huống thấm trên vai áo đã đọng lại và khô cứng như mo. Cứ theo một hướng đi giữa những thân cây quang, con đường mòn mất dấu lúc nào Vũ không hay biết. Càng đi như thế không biết trong bao lâu thì rừng tối xẩm xuống. Có lẽ bên ngoài còn sớm , nhưng trong rừng già dưới những thân lá, lối đi tối dần và mỗi bước đi một dọ dẫm khó khăn hơn. Nghĩ đến một đêm sắp tới Vũ đâm lo sợ. Chính nỗi lo sợ làm Vũ thấy mệt mỏi sớm. Chàng có cảm giác quái gở là khó có thể qua được đêm nay. Nghĩ thế nhưng Vũ vẫn cố tìm cách đi nữa, sao cho càng xa hơn nơi đã cầm chân giam giữ chàng, và Vũ cũng biết rằng nếu đứng lại thì nguy hiểm lớn lao nhất vẫn là sự mất ý chí vì những ý nghĩ lo sợ vẩn vơ. Từng lớp lá cây dầy cộm thối rữa dưới chân, mùi lá ẩm ướt bốc lên mùi hắc khó chịu. Không khí lạnh đẫm hơi nước, âm thanh rên rỉ của côn trùng nghe như xa gần đều đều buồn nản. Bóng tối như đặc dần, rắn rết thú hoang, kẻ thù nghịch lúc nào cũng như rình rập dưới chân, trong từng lùm cây kẽ lá. Trong bóng đêm không nhìn rõ, Vũ quờ quạng bàn tay trên một thân cây to da khô nứt nẻ, loay hoay tìm một chỗ trú cho đêm nay. Những rễ cây to chạy nổi trên mặt đất làm Vũ vấp ngã chúi xuống, chàng ngồi bệt xuống, mỏi mệt dựa lưng vào gốc cây úp mặt xuống gối. Như từ một bản năng kêu gọi xa xôi, Vũ đứng phắt dậy, chàng lần tìm chỗ có cành cây thấp và nằm ngang để leo lên. Bắp chân nhức nhối như rã ra, thân cây lại trơn to, Vũ mon men bám leo lên lại bị tụt sâu xuống đến tuyệt vọng kiệt sức. Rồi cuối cùng chàng cũng yên vị được trên một cành cây cao chẽ ngang. Ám ảnh của những xác chết vừa rồi, với đôi mắt nhăn lại của Huống đau đớn hiện rõ trong óc Vũ làm chàng băn khoăn thao thức mãi. Nhưng Vũ cũng thiu thiu được trong giấc ngủ chập chờn và luôn luôn đứt quãng vì những ác mộng làm Vũ choàng tỉnh dậy, mỗi lúc như thế chàng có cảm tưởng mình đã bị rơi từ cành cây cao xuống mặt đất. Một âm thanh khác lạ, một dao động nhẹ của cành lá cũng gây cho Vũ bao tưởng tượng nguy hiểm và lo lắng. Cho đến buổi sáng muộn hôm sau, Vũ tỉnh dậy khoẻ khoắn như quên hết mọi khó khăn của đêm qua...


*



Đã ba ngày, có thể là hơn, Vũ thấy mình vẫn lạc lõng thất thểu giữa một rừng cây um lá. Chàng thấy không còn đủ lý do để hy vọng gì nữa. Suốt một ngày chen lách chui rúc không định hướng, để thỉnh thoảng gặp lại những đoạn đường cùng nơi chốn có cảm tưởng mình đã đi rồi hôm qua. Ý nghĩ về cái vòng luẩn quẩn đưa dần tới cái chết làm Vũ nao núng lo sợ. Vũ thấy rõ mình đang bị đặt ra ngoài lề cuộc sống, cảm tượng bị xã hội bỏ rơi làm chàng thấy cô độc. Sự cô độc dù thế nào trong lúc này chàng cũng có thể chịu được, nhưng ý nghĩ về sự cô độc đó làm chàng thấy khổ sở hơn. Có lúc Vũ nghĩ đến chuyện quay trở lại, dù phải sống kéo dài lê thê một khoảng đời mất tự do mà trước đó chàng tìm cách bỏ đi và trốn tránh. Vũ thấy mình có những ý nghĩ chán nản kỳ lạ mà chàng biết ngay sau đó là mình vô lý. Có một con người khác luôn luôn khách quan ở bên chàng để theo dõi phán xét chàng một cách tội nghiệp. Đói khát và chán nản làm Vũ dễ dàng nghĩ đến cái chết. Nhưng chàng ước mong được chết giữa xã hội loài người, để làm gì chính Vũ cũng không biết nữa vì sau đó cũng không giải quyết được gì hơn. Có những lúc quá đói mệt nằm ngủ dưới gốc cây trên đống lá, Vũ có cảm tưởng đó không phải là giấc ngủ của vài giờ, mà là qua một ngày hai ngày của những hôm sau...

Rồi một ngày, lại một ngày nữa qua đi. Đời sống trong bấp bênh chập chững tạm bợ với từng ấy ý nghĩ suy diễn mãi. Vũ nghĩ đến quá khứ vừa qua mà tưởng như xa xôi lắm và không có thực nữa. Vũ nghĩ đến gia đình mẹ già, đến người yêu, đến Huyền người con gái đã có với chàng một đứa con, đến các bạn bè thân và đời sống hiện tại của họ. Tất cả những hồi tưởng chỉ mờ nhạt và thoáng qua trong lúc này. Cái chết đau đớn của Huống làm Vũ nghĩ tới những cái chết của các người thân yêu đã qua trong đời chàng. Cái chết của người cha từ khi Vũ còn là một đứa bé mới biết nghĩ, cái chết của Tuân người bạn thân khi Vũ mới bước chân vào đại học; cái chết rất trẻ của Ngà em Ngân sau này, lại mấy cái chết của các bạn đồng ngũ. Chàng có cảm tưởng liên hệ với những người chết đã qua gần gũi với chàng hơn những người đang sống mà chàng cũng rất ít có hy vọng gặp lại... Bất giác Vũ nghĩ đến cái chết của Tuân và liên tưởng đến đời sống mình. Tuân chết được hai năm thì đứa em trai kế tiếp cũng chán nản gia đình bỏ đi. Chi người chị cả lấy chồng và sống với mấy đứa em gái; cho đến lúc mà người chị phải quên hết lương tri, đứng nhấp nhô ở cửa của một dẫy nhà tranh nơi suối Lồ để vẫy khách qua lại cho em mình ra chiều tiếp; không hiểu sự khốn cùng ấy đã kéo dài bao lâu, nhưng một hôm Vũ tình cờ qua đó cùng với một thằng bạn khác. Chi thì đen đủi thô kệch hơn trước, bên một đứa con chập chững mới biết đi, một đứa mới đẻ còn nằm trên võng, thằng bạn thì dồn Chi vào một góc nhà gạ gẫm, Chi cất tiếng cười xô đẩy từ chối giả tạo và dâm đãng. Còn đứa em gái thành thạo chạy ra khoèo chân dấu mũ rồi lôi kéo Vũ vào bên phòng trong... Cảnh tượng đó làm Vũ đau đớn khổ tâm và nhớ mãi. Sau này chàng thu xếp tìm được việc làm cho Chi và cả đứa em gái, và đời sống của họ sau này ra sao Vũ cũng không biết nữa. Chàng lại chạnh nghĩ tới Huyền và con với niềm háo hức thiết tha, coi đó như một nguồn hy vọng chợt tới tươi sáng và mạnh mẽ. Vũ nghĩ tới tương lai của bản thân qua những quá khứ nhẹ tênh hay nặng trĩu với những đổ vỡ khó khăn bất cập, chàng thấy mình phải sống để làm một điều gì... Rồi Vũ thấy quen dần với những ý nghĩ khó khăn. Tình trạng càng mong manh tuyệt vọng chàng thấy lòng can đảm như trỗi lên. Trong chiến đấu mà phần thưởng chỉ là lòng kiêu hãnh cuối cùng trước khi bước dần tới chỗ chết hơn là một hứa hẹn xa xôi nào khác. Cuộc đi tới của Vũ không có được hy vọng như một viên hoa tiêu rơi xuống giữa một sa mạc mênh mông không thực phẩm nước uống nhưng còn có quyền trông đợi được thấy và tìm kiếm. Dù nằm lại khóc than hay can đảm đứng dậy ra đi cho đến gục ngã, nhưng cuối cùng thì ít ra họ cũng đã trở về...

Sau cơn mưa rừng đổ xuống như trút nước, toàn thân Vũ ướt đầm lạnh run, mệt mỏi rã rời. Cảm tưởng về sự cô quạnh yếu nhược đang bị bỏ rơi làm Vũ khiếp sợ, muốn một lần cuối được vùng lên rẫy rụa. Rẫy rụa giữa sa lầy Vũ biết mình sẽ chết mau hơn. Sự hoảng sợ biến con người trở nên tàn bạo, tàn bạo trong cách cư xử đối với thân thể chính mình, và chính trong những lúc đó chàng thấy mình không còn biết lo sợ là gì nữa. Đó không còn là thái độ can đảm, cũng chẳng phải biểu trưng cho sự hèn nhát. Can đảm và hèn nhát còn tượng trưng cho sự trông đợi và hy vọng được thoát ra sống sót. Lúc này thì không! Chàng đứng trước một thực tại vô vọng và khô cằn. Đã có lúc lòng tin như mất hết, Vũ nghiến răng nhảy chồm lên la hét như điên:

“Thượng đế hãy để cho tôi sống... tôi chưa thể chết, tôi không thể chết như thế này được...”

La hét chán, những hằn học hung hãn cũng như nỗi lo sợ lại dịu xuống, bản năng sinh tồn, lương tri sáng suốt lại bảo chàng vẫn phải ra đi.


*



Tiếng rìu bổ gỗ nghe đâu đây làm Vũ tỉnh dậy. Vũ choàng bộ quần áo còn hấp hơi nóng vào người rồi chạy về phía có tiếng dội. Đi một thôi đường sâu lạ vào rừng, chàng không thấy gì khác, tiếng động nghe như vẳng xa đi. Chàng đứng trân người lại hoang mang nghe ngóng; như chợt nảy ra một ý nghĩ mới lạ, mặt chàng tươi lên và cắm đầu đi ngược lại hướng đi lúc nãy. Tiếng rìu chẻ mạnh xuống những những nhát rắn chắc nghe rõ dần. Vũ tưởng tượng tới những thớ gỗ bị đẵn sâu từng nhát ngọt xớt. Đi tới hy vọng như đang miên man, bỗng tiếng rìu bửa gỗ ngừng hẳn. Chàng đoán gã thợ rừng chừng mỏi tay hạ rìu xuống ngồi nghỉ. Tiếng động im Vũ mới nghe rõ sự hồi hộp xúc động của lòng mình. Vẫn theo hướng cũ chàng nhảy những bước dài để đi tới. Đến chân đồi bên này tiếng bổ gỗ lại dồn dập vang lên từ phía lưng chừng đồi bên kia. Chàng bước men lên dốc không có lối đi, đất trắng khô lở bục như cát kéo tụt chàng xuống khỏi dốc. Tới đỉnh đồi trông sang bên kia, một đám rừng thưa dần và dốc thoai thoải. Bóng dáng gã thợ rừng thấp thoáng phía xa. Sau những thân cây nâu, một đống đen nhỏ đặt chổng trên mặt đất, có lẽ đó là chiếc áo bà ba đen cởi vứt tụm lại một chỗ. Chàng cắm đầu chạy lao xuống dốc tuột văng cả đôi dép bằng lốp cao su đen. Đến gần khoảng đất quang, chàng đứng lại. Gã thợ rừng vẫn mải miết giơ cao chiếc rìu bổ mạnh xuống. Gã cởi trần để lộ một bờ vai rộng, nước da đen bóng nhẫy mồ hôi. Chiếc quần đen quấn lên tận đầu gối. Tóc gã để dài, từng cánh tóc ép dầy cộm phía sau gáy. Gốc cây thẳng vút, to và cao đã bị đẵn gần đứt gốc, bất chợt nghiêng bật về phía bên kia và ngã đổ ầm xuống rung chuyển cả một khu rừng, cuốn theo và đè gãy nát những cành cây trên cao. Chàng cảm động, do dự mon men lại gần. Cái e ngại gần giống như hai người mới gặp nhau có thể thân nhau nhưng bất đồng ngôn ngữ. Gã đàn ông vứt rìu xuống đất, nhổ nước miếng vào hai bàn tay xoa xoa, vươn vai nhìn quanh. Thấy Vũ nét mặt gã có phần kinh ngạc đến ngây ngô, ngơ ngác. Chàng khựng lại, đứng ngây người ra nhìn gã. Vũ thấy trong ánh mặt kinh ngạc đó có một cái gì đó lạ lắm, không phải là lối nhìn đối với một con người và chàng cũng có cảm tưởng về chính mình như thế. Chàng cúi xuống nhìn bộ quần áo vàng bẩn, sờn rách tơi tả, quơ tay lên sờ xoạng mái tóc loã xoã, hàm râu quai nón đen hai bên má và trên rìa môi. Chính trong ánh mắt gã đàn ông kia chàng cảm thấy nghi ngờ về bản thể chính mình.

Cảm tưởng xa lạ và dồn dập thế nào Vũ cũng không nhớ rõ hết nữa, chỉ biết rằng sau đó chàng chạy bổ lại, đói mệt, cảm xúc, thứ nào cũng mạnh mẽ quá làm Vũ ngã quỵ xuống cẳng chân bị cỏ cứa sây sướt và hai bàn tay rách rướm máu mà không thấy chút đau đớn. Vũ cố nhỏm dậy trườn tới nắm lấy chân gã, vụng về bày tỏ những mong mỏi đè nén, những ý nghĩ chập chững vừa thành hình. Có thể gã không cần nghe mà cũng không hiểu điều chàng nói. Nhưng gã tiên tri được tất cả. Vì sau đó gã lấy chai nước lã, bọc cơm nắm và mấy miếng cá mặn kho khô ra cho chàng ăn. Nắm cơm trắng nguyên, chàng bẻ ra ăn thèm khát vội vã. Gã ta nói dối đã ăn và nhường chàng phần cơm còn lại. ăn xong một cách nhanh chóng Vũ vươn vai đứng dậy tuy nặng nhọc nhưng như có thêm một nguồn sinh lực mới. Chàng kể chuyện và hỏi han gã lung tung. Có lẽ gã không hiểu và cũng không nghe quen giọng Vũ, gã chỉ gật đầu mỉm cười và trả lời đứt quãng. Lúc này Vũ mới chú ý tới nét mặt anh ta, ngắn và hơi gẫy nơi sống mũi, lông mày rậm đen cứng trông có vẻ tàn ác. Vẻ trầm lặng ít nói càng làm hắn ta trở nên bí hiểm khó hiểu. Hình như gã chỉ hiểu được rằng chàng bị thất lạc đói khát đã lâu, đáng được cho ăn và cứu ra. Gã nói giọng nặng và trọ trẹ không phân biệt được miền nào. Chàng nghe tiếng gã, tự nghe giọng nói của mình bấy lâu im tiếng và thấy xa lạ. Chàng có cảm tưởng đó không phải là tiếng nói của mình trước kia nữa và như là ai đang nói với...

Gã thợ rừng tiếp tục công việc, chặt nốt những cành lá rườm rà suốt dọc thân cây. Một lát sau trước mắt là một thân gỗ lớn phẳng phiu, trơ trẽn nằm dài như sự thất thân ô nhục cuối cùng của người đàn bà... Xong, gã xách rìu khoác áo lên vai và dắt chàng ra về. Vũ hỏi một câu rất ngớ ngẩn là sao vứt cây gỗ lại, gã chỉ cười và bảo ngày mai sẽ có người đem xe be tới kéo đi. Xa dần chân đồi, tiến vào một khu rừng nữa, cũng âm u nhưng lối đi quang và có đường mòn hằn rõ. Quanh co khá lâu, hai người ra khỏi được bìa rừng, tới một khoảng đất trống gồ ghề và toàn những bụi cây thấp. Phía xa thấp thoáng xóm làng nhà cửa, Vũ dắt tay gã chạy tới như một đứa trẻ mừng vui reo lên. Trông thì gần trước mắt nhưng đoạn đường đi vẫn còn xa, chàng hăm hở bước, chân đau tập tễnh và vừa đi vừa đợi..


CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Buổi tối sau bữa ăn, Vũ nằm kềnh trên phản đánh một giấc cho đến sáng hôm sau không biết trời trăng là nữa, cho đến khi nắng hè ban mai bắt đầu gắt. Vũ mở mắt tỉnh dậy vẫn nằm nguyên và bâng khuâng. Quá khứ một nghề nghiệp và hiện tại nơi đây dường như không có gì ăn nhập với nhau cả. Nằm ngắm những xà nhà gỗ dọc ngang có chỗ đánh dấu ngày tháng bằng phấn trắng đã bắt đầu cũ ngả vàng; mạng nhện đã lâu ngày kết với bồ hóng tạo thành những dải băng đen toả xuống. Một con tò vò bay chập choạng rồi lăn xả vào lưới tơ nhện, chọc thủng màng lưới rồi vùng vẫy bay ra. Vũ nhớ tới những buổi trưa ở Đại học xá, mới ngủ dậy, nhìn lên trần nhà kẻ ô đều đặn, lớp vôi trắng đã cũ đầy những vết mưa dột vàng úa đến buồn nản. Chàng nghĩ đến cảnh tượng lúc trở về và chính Vũ cũng ngạc nhiên về một cảm giác dửng dưng đến thế. Chàng có cảm tưởng trong sự xa lạ nơi đây, chàng đã thấy một niềm tin yêu với ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn. Chính lúc này chàng thấy mình có thể từ bỏ dễ dãi một cuộc đời sa hoa thừa thãi sắp tới để sống trong sự thanh đạm đơn giản với ý nghĩa của lòng tin cậy. Chàng nghĩ tới một cái chết, một lẽ sống khó khăn vừa qua, ý nghĩa của một cuộc trở về, chàng không ao ước gì hơn là được sống cho và sống với người khác. Cho tới lúc này, mọi người thân đều tin là chàng đã chết - một cái chết thật hiển nhiên và khó tránh, câu chuyện rồi cũng đi mau vào quên lãng. Chàng nảy ra ý tưởng sẽ sống lại đây trong ít lâu trong cảm nghĩ khác lạ đã chết đi đối với kẻ khác. Bên ngoài ánh nắng chói chang tịnh không một tiếng chim kêu. Căn nhà cô lập giữa một vườn cây rộng phía sâu trong xóm. Mái tranh thấp chắn bớt nhiều khoảng sáng bên ngoài. Thấp thoáng bóng một người con gái đi qua hiên rồi rẽ vào gian nhà sau mất hút. Chàng trở dậy ngáp và vươn vai. Cử chỉ tự nhiên đó làm Vũ thấy dễ chịu và quen thuộc. Nền đất khô ráo và mát rượi dưới chân, chàng bước ra sân và đi về phía giếng nước. Những viên gạch đỏ đã mòn nhẵn gài thẳng hàng trên lối đi. Thửa vườn nhà đủ thứ cây ăn trái. Cạnh bờ giếng một cây mít mới lớn nhưng đã mang trên thân những quả to nặng trĩu. Chừng có trái mít nào đó đã chín toả hương thơm mùi mật đến khao khát. Phía trong một bụi chuối xum xuê, lá rách nát, trĩu xuống một buồng nặng như muốn kéo đổ cả thân cây; rải rác vài luống rau thơm, mấy bụi xả, vài cây ớt sai quả và chín đỏ.

Chàng kễn chân kéo chiếc gầu gỗ thả chúi xuống giếng. Bờ giếng xây toàn bằng thứ đá tổ ong xỉn màu rỉ sắt. Nước từ những khe đá phía dưới mát rượi nhỉ ra và rỏ xuống mặt nước lách tách. Rửa mặt xong chàng thủng thỉnh bước ra xóm, dáng an nhàn và bỡ ngỡ. Chàng tìm tới một tiệm hớt tóc và thư thái ngồi xuống ghế. Ai cũng nhìn chàng với vẻ xa lạ và lạnh nhạt. Vũ chợt nhìn bóng mình trong gương lờm chờm những râu cứng, nước da xanh tái, vẻ mặt khờ khạo đến buồn cười. Ông già đạo mạo với cặp kính lão trên sống mũi, nhỏm môi bảo đùa:

“Dáng chừng thầy dưỡng tóc để búi tó?”

Chàng cuời vui vẻ:

“Không có đâu, lâu quá không hớt tóc với cạo râu, bác cứ cắt như thường cho.”

Không đợi Vũ nói xong, ông đưa mấy ngón tay gầy khô sờ lên vành tai chàng, rồi bật cười qua cặp kính lão:

“Không khéo hớt thì đến cắt vô tai mất thôi... À này mà tôi hỏi thày, có phải thày là người được thằng Tư Nên dẫn về hồi hôm đó không?”

“Dạ...”

“Trời làm răng đi săn mà đến nỗi rứa! Thiệt là may đức cho thày lắm nghe, rừng ở đây lắm thú dữ mà thoát, thiệt là cũng phúc đức lắm vậy đó!”

Ông ngừng nói chăm chú mở chiếc hộp nhựa, lấy ra quả bông phấn trậm vào hai bên má, thái dương, vào gáy chàng. Bụi phấn trắng bay nhẹ trong không khí thoảng mùi thơm. Vừa đặt quả bông xuống, cầm kéo trên tay, ông vừa tỉa tóc vừa nói:

“Nhưng được cái từ hồi đánh nhau súng đạn nổ quá thú rừng cũng ít hẳn đi.”

Vũ thở phào một cái nhẹ nhõm như vừa trút được nỗi e sợ đè nén. Cặp kính lão dường như không đủ sức trợ giúp tuổi già nua, ông cúi sát gần chàng mỗi lần nói, chàng cảm thấy rõ hơi thở ướt thổi buồn một bên má:

“Tôi nói là cái thuở trước tê, trời thú săn sao mà nhiều quá vậy không biết nữa...”

Từ nãy, mấy người đàn ông ngồi chơi cờ tướng bên góc đang ngừng tay bàn tán. Họ đang nói về một chuyện gì đó có liên quan đến Tư Nên vì chàng nghe họ nhắc luôn tới tên đó và một tên Vạn nào khác.

Ông lão hớt tóc bỏ lửng câu chuyện muông thú đang nói với khách, ông quay sang bọn kia nói xen kẽ:

“Trời tao ngại cho thằng Tư quá, không khéo lại cũng như thằng Ba Sinh thôi.”

Tiếng một người khác phía sau phụ hoạ:

“Tôi cũng lo dzậy mà thằng Tư thì bướng lắm, hắn thì chịu nghe ai...”

Ông lão lên giọng phân bua:

“Này tao nghĩ dzậy các chú mày coi có được không! Không chi tao cũng sống nhiều hơn các chú. Làm chi cũng phải tuỳ lúc, có phải không? Thân mình là quý, muốn chi thì cũng phải sống cái đã. Đó tao bảo dzậy mà thằng Tư không nghe.”

“Nguyên là thằng Vạn và anh Tư có thù với nhau, chả là chuyện thằng Vạn thì mê chị Tư, chị không ưng hắn mà lại lấy anh Tư nên chi hắn có nói: hắn mà còn sống thì anh Tư không có yên được với hắn.”

Ông lão đồng ý gật gù, tay vung vẩy lưỡi kéo dứt theo những sợi tóc trên thái dương khiến Vũ đau nhói đến nhăn mặt, ông lão bình thản tiếp:

“À chú mày có nhắc tao mới nhớ ra. Đó là chuyện khi xưa rồi, nhưng chắc cũng chỉ một phần thôi. Từ ngày thằng Vạn vô Đảng thì trong vùng ai mà không ngán nó. Chứ tao hỏi ai giết rồi vứt xác thằng Ba Sinh vô bụi?”

Một người khác tiếng nói như chim chặn giọng ông lão hỏi:

“Sao bác biết là thằng Ba Sinh bị thằng Vạn giết? Biết thế sao không ai dám làm chi nó? Chuyện bác thật hổng tin được...”

Ông lão bực tức đứng thẳng người, đưa tay dí kéo vào mặt anh kia gắt:

“Mày ngu lắm, không biết thì để tao nói cho mà nghe. Trước đó thằng Vạn có ép thằng Ba làm cái chi đó, ghê gớm lắm, mà nó không nghe. Thằng Vạn bắt nó giữ kín câu chuyện nếu không hắn sẽ giết. Doạ mãi thằng Ba Sinh cũng đổ liều, kêu sẽ nói toạc ra hết. Chính nó có nói với tao như dzậy. Nhưng đến hôm sau không thấy nó đâu, rồi thằng Tư bắt gặp xác nó ở bìa rừng trong bụi rậm, đầu gần lìa cổ, đúng là thằng Vạn nó giết chớ còn ai nữa?”

Gã nói giọng chim yên lặng rồi cười nhạt xuề xoà:

“À, bác không nói thì tôi đâu có biết, có thế chứ...”

Ông lão được thể mắng tới:

“Mày im để tao nói cho mà nghe. Chuyện thằng Tư Nên cũng dzậy, nhưng khác cái là thằng Tư cũng gớm lắm nên thằng Vạn cũng ngán chưa dám ngo ngoe chi. Hôm trước thằng Vạn có dẫn mấy thằng lạ nữa về làng, nó tới hống hách làm như chỗ không người dzậy đó. Tao giận quá sức đi mà vẫn cố im. Mình đáng tuổi cha nó chớ không đâu. Nhưng thôi cái chi thì cũng phải tuỳ thời, nó thì có bè có lũ lại có dao có súng, gây làm chi cho nguy...”

Chừng như cơn tức giận đang lên, ông nói to một hơi dài đến hụt hơi, ông phải hức lên một cái rồi tiếp:

“Nhưng nếu để dzậy thì cũng ức quá đi! Trai làng mình cũng lắm chứ không đâu. Nghĩ lại tao cũng phục thằng Tư Nên, thằng mô mà cũng cứng như hắn thì một thằng Vạn chứ mấy thằng Vạn đi nữa đã làm chi... Chứ mà cứ sợ với nhát như tụi bay thì có ngày, có ngày nó... nó...”

Mấy người kia có vẻ ngượng nên ngồi im. Chừng ông lão cũng biết xúc phạm nữa tới bọn trẻ cũng vô ích, nên câu chuyện bị bỏ rơi, ông nói sẵng giọng dửng dưng:

“Thôi được mà cứ chờ coi sao! Chứ bộ thằng Vạn đã chắc gì ăn được thằng Tư... Chứ nghĩ lại tao thấy mình khuyên nó cũng kỳ, không dưng sợ một thằng vô hậu ở đâu đến nỗi phải dắt vợ dắt con trốn đi, như vậy ức lắm chứ chịu sao nổi...”

Mải nghe chuyện Vũ quay nhìn mặt mình trong gương thấy quá đổi khác. Mặt gầy và xanh đi. Nước da lại càng xanh hơn vì hàm râu quai nón chưa được cạo sát. Ông lão vừa cạo mặt cho khách vừa tranh luận huyên thuyên. Ý nghĩ ông lúc nào cũng có vẻ nóng nảy bất chợt. Mỗi lần tỏ vẻ hứng khởi thì bàn tay ông trên trán khách lại hất lên, xô đầu chàng giật về phía sau. Cứ phải lắc lư mãi với hai bàn tay mang nặng những ý nghĩ nông nổi, Vũ bắt đầu mất kiên nhẫn và thấy bực dọc. Nỗi bực tức mới nhen nhóm chưa được thành hình thì bàn tay lại chợt im đi, chỉ tạo nên cảm giác lưng chừng nhưng không giữ lâu được sự dửng dưng như thế mãi. Vũ đang mải nghĩ chuyện Tư Nên với tên Vạn nào đó và không ngờ rằng giữa chốn xóm huyện yên tĩnh như đây vẫn rập rình đầy rẫy những thù hằn đe doạ. Khi xưa là nạn cường hào hống hách, đến nay lại phải chịu sự thù hằn cuồng bạo của thiểu số vô lương. Chàng miên man với ý nghĩ rằng mai đây Tư Nên có thể chết, chết vô tội và thê thảm như Ba Sinh để rồi làm được gì hơn khi chính người ta trông trước cái chết đó: ở đâu cũng có sự vật lộn tàn bạo. Cảm giác yên ổn về một đời sống êm đềm và lương thiện ở đồng quê cũng chỉ là ảo tưởng, liệu có thể làm gì được hơn...

Buổi chiều giữa trời còn nắng và nóng gắt, trong làng có cuộc đá banh giữa hai quận. Cầu trường chỉ là một thửa ruộng khô ráo được tu sửa bằng phẳng với hai cột gôn đơn sơ. Ở đây không có hàng rừng màu sắc của áo tơi và ô che, không có sự phân biệt khán giả danh dự với bình dân cũng không có cả tiếng cổ võ la hét đến vỡ cả cầu trường như mỗi khi đoàn cầu quốc tế mới đến. Nhưng chiều hôm đó Vũ cũng chen vào rìa sân, tung nón la hét hăng say cho một trận cầu mà lẽ ra không bằng một trận đá dạo mở màn. Lách giữa đám đông gồm những người xa lạ, chất phác từ tiếng nói cho đến những cử chỉ đơn sơ; mùi hơi người hấp nóng và nồng nặc, lúc này chàng mới có cảm tưởng thoát nạn thật sự; một giai đoạn lạc lõng bơ vơ vừa qua đi. Ý nghĩ vụt tới chắc chắn mình đã thoát chết, cảm giác vui sướng rõ rệt và hiển nhiên quá khiến chính Vũ không tin và đâm nghi ngờ về sự sống mong manh trong lúc này, chàng chỉ ý thức được rằng khoảng trống rỗng bấy lâu vừa được lấp kín quá nhanh và đột ngột đến ngất ngây khiến chàng không tin là có thật.


*



Lẽ ra mình đừng để hắn chết - sự có mặt của Vạn là một điều đe doạ khó chịu nhưng không đến nỗi hắn phải chuốc lấy một cái chết như thế. Vũ đương băn khoăn về tội lỗi như chính mình vừa phạm phải. Mồ hôi ướt đẫm lưng, rỏ giọt trên thái dương và trên trán. Chàng chớp chớp mắt, những giọt mồ hôi nhỏ đọng trên mi vỡ ra chan hoà vào mắt đến nhức nhối, chói loà khiến Vũ không thấy gì nữa. Vật gì trước mắt cũng như nhìn qua một màng lưới trắng đục. Mọi biến cố xảy ra nhanh quá khiến chàng không tưởng tượng rằng có thật. Tư Nên và Vạn cãi nhau xô xát ở tiệm hớt tóc. Mọi người có mặt chỉ tròn xoe mắt và ngây người đứng nhìn. Vạn trở giọng hăm doạ và nạt nộ. Nếu Nên chịu im đi thì không sao; đằng này Tư Nên đến xát người Vạn, chỉ thẳng tay vào mặt hắn mà mạt sát:

“Thứ mày là đồ hèn đồ chó, chỉ biết rình khi người ta sơ hở là cắn trộm. Thằng Ba Sinh chết oan cũng vì mày. Với tao ấy à mày làm gì được tao cũng còn khuya...”

Trước bề thế sức vóc của Tư Nên, Vạn im lặng mặt xám xuống. Một cái im lặng thật đáng sợ, ai cũng nghĩ thế. Y như rằng câu chuyện cũng chưa qua đi, một lúc sau Vạn xuất hiện trở lại với hai cái rựa nơi tay. Hắn muốn chứng tỏ mình không hèn và không cần đánh trộm đánh lén. Hắn bảo thế. Mọi người có đó mặt mày tái xanh, còn Tư Nên chỉ kịp vớ bừa một khúc gỗ ngắn, biết yếu thế Tư Nên bỏ chạy. Vạn đuổi theo nhanh và gấp. Khoảng cách hai người cứ gần hơn. Bất hạnh Tư Nên vấp phải một rễ cây nổi, ngã xấp xuống, Vạn nhảy xổ lại gần. Cái chết của Tư Nên thật trông thấy. Đầu óc Vũ bỗng nẩy bật các ý nghĩ: sự chết của Tư Nên, với cái chết thảm khốc của anh ta bây giờ, sự đe doạ của Vạn với chính mình sau đó. Không hiểu sao chỉ trong khoảnh khắc, chàng quyết định và cương quyết đến thế. Vì may mắn hay lanh lẹ, chàng không biết nữa. Chàng làm tên Vạn vấp và ngã xấp theo. Vừa đúng lúc Tư Nên lồm cồm lết tới, đứng phắt dậy, giơ cao khúc gỗ nện vào đầu Vạn mạnh và tàn nhẫn như khi người ta đánh dập đầu một con rắn. Chàng không đồng ý về cách Tư Nên giết Vạn nhưng chàng vẫn đứng yên. Mặt Tư Nên gãy ngắn đen đủi, mắt đỏ ngầu lồng lộn như một con thú dữ miền nhiệt đới. Vũ đau đớn thấy mình đồng loã cho một vụ sát nhân. Hai con dao rựa rời khỏi tay Vạn, dáng cao lớn của hắn là một khúc thịt nằm dài, chân co vào rồi ruỗi ra rẫy rẫy, bàn ta quờ quạng bấu víu trên mặt cát. Vũ không dám nhìn nữa vì hình như sau khi Vạn chết, Nên còn cúi xuống đập những nhát chí chết vào gáy vào đầu Vạn đến máu mũi máu mồm và cả máu tai rỉ chảy ra đất toé loe. Chàng hiểu tâm trạng của Nên lúc đó. Một cái chết vừa được đánh tráo thật hiển nhiên. Vì nếu không, thê thảm vẫn là Tư Nên phải chịu. Trông bóng dáng Vạn chàng thấy rõ ràng hắn đủ can đảm quơ cặp rựa bổ tới tấp vào Nên khi hắn ta vừa kịp đến. Và rồi hắn cũng chặt Nên ra ngay sau khi Nên chết. Một cảm giác thoáng qua lạnh rùng mình làm Vũ ghê sợ. Chàng nghĩ nếu nhát dao bổ lút xuống có lẽ trông đỡ tàn nhẫn hơn. Đằng này mỗi lần thanh gỗ đánh trúng gáy, cả thân xác Vạn trùn lại và thanh gỗ nẩy mạnh lên. Cảm giác ghê sợ làm Vũ lạnh gáy và tê dại cả hai bên má. Chàng nói một câu có nghĩa như một phó thác:

“Biết làm sao hơn...”

Cách đây ít hôm khi gặp Vạn lần đầu Vũ giật mình kinh hoảng. Chàng đã nhận ngay ra hắn. Còn Vạn, hắn nhìn chàng bằng cặp mắt lừ lừ và ngờ ngợ như hai người đã biết nhau mà chưa nhận ra. Chàng gặp hắn có một lần không nói chuyện, không một liên hệ quan trọng, vậy sao mà hình ảnh đó làm Vũ không quên. Hôm đang nói chuyện với Huống ngoài bìa rừng, hắn bước tới, liếc nhìn chàng nghi kỵ, có lẽ vì vẻ nghi kỵ đó mà Vũ nhớ hắn cho đến hôm nay. Sau lúc hắn tới và biến mất, Huống trở vào rồi vội vã ra đi, tiếp theo trời sấm sét và đổ mưa, người ta khuân về trong giông tố những thương binh và cả xác chết... Những gì xảy ra hôm đó chàng không nhớ rõ hết.

Ba hôm trước Vạn trở lại với mấy tên lạ mặt nữa. Tới nhà Tư Nên, hắn dẫn Nên ra đằng sau nói chuyện rất lâu. Không hiểu bọn họ nói gì mà lúc vào Nên bảo chàng:

“Hình như thằng Vạn nó biết anh nó cứ hỏi vặn tôi hoài. Tôi chỉ bảo đi rừng gặp anh đi lạc thì đưa ra, anh chưa tìm được chỗ trú thì tôi cho ở đậu có làm sao đâu. Rứa hắn cũng không chịu tin, hắn còn dặn tôi phải canh chừng anh đừng để anh đi đâu. Hắn còn nói để anh đi thì nguy lắm, tôi quay hỏi hắn, hắn chỉ ậm ự chớ không thấy nói sao...”

Rồi Tư Nên hỏi Vũ cặn kẽ, chàng cũng chỉ chối quanh. Chàng biết chưa phải lúc để nói ra sự thật bất lợi trong hoàn cảnh này. Chàng bảo:

“Đi săn cùng mấy người bạn vì xông xáo quá một mình nên bị lạc và không sao tìm thấy toán người kia.”

Chàng còn dự đoán xa xôi là các bạn chàng có lẽ cũng sẽ tới đây để đón.

Vũ bảo:

“Họ biết tôi ở đây rồi chắc là mừng lắm...”

Tư Nên thật thà ngạc nhiên:

“Trời, lúc rày mà anh còn đi săn thú.”

Chàng cười:

“Ấy lúc đầu nghe nói cũng sợ nhưng nào có làm sao đâu.”

Từng ấy lý lẽ cũng đủ để Tư Nên tin và cho là đúng, không còn thắc mắc chi nữa...


*



Rồi tình cờ Vũ gặp Quy trên phố chợ. Nàng cho biết Kính sau khi tốt nghiệp phải đổi ra đây. Quy và Kính yêu nhau từ hồi còn đi học. Quy phần vì quen biết, phần học khá nên đậu thủ khoa khoá đó, lại là con gái nên được chọn ở lại Sài Gòn. Nhưng vì yêu Kính, nàng từ bỏ hết và ra đây. Kính bạn cùng lớp với Vũ, xong trung học thì phá ngang. Kính hiện làm hiệu trưởng một trường làng không lấy mấy làm to, còn Quy làm cô giáo cùng trường ngày hai buổi đi dạy.

Gặp lại Vũ, Kính vui mừng và ngạc nhiên. Kính béo đen và phát tướng, bụng to ra. Hai vợ chồng trẻ mới có được một con gái còn ẵm trên tay, sống trong cùng một khung cảnh nghề nghiệp và ân ái. Vũ nhận ra Kính ngay do cái ve trên mắt trái từ bé. Quy đẹp ra và rắn rỏi hơn trước. Họ hiện ở một khu gần trường học. Đó là một căn nhà ngói mái thấp, trước nhà cả một khóm cây leo xum xuê từ trên mái khiến cho ánh sáng bên ngoài lọt vào càng khó khăn hơn. Nhà hai gian xinh xắn ngăn đôi, phía ngoài là phòng ăn và làm việc, trên chiếc bàn gỗ con chồng chất những cuốn vở mỏng quăn góc, lổ lang những vết mực tím của lũ học trò nhỏ. Bên trong là phòng ngủ với chiếc tủ gương dựa vào tường trước lối đi khiến bên ngoài trông rõ cả sự ngăn nắp phía trong. Bốn bức tường nhỏ quét vôi xanh dịu, bên trên giữa nhà một ngọn đèn măng-xông treo lơ lửng bóng loáng. Vũ được Kính tiếp nhận bằng những cảm xúc dồn dập, Kính chồm tới, hai tay xiết chặt lấy vai Vũ mà lay; vẻ thầy giáo đạo mạo bề ngoài của anh mất hết, chỉ còn lại nụ cười cởi mở cố hữu ngày nào. Câu đầu mà Kính tốt ra giọng vui và cảm động:

“Trời, kìa anh, Vũ! Chết thật, chúng tôi cứ tưởng...”

Nói thế, Kính đứng ngây người, mắt tròn xoe mà nhìn Vũ. Vũ vẫn đăm đăm nhìn cái ve bên mắt trái của Kính và thấy cả một thiếu thời vui vẻ trở về. Kính nhìn Vũ, quay sang Quy, nét mặt dịu đi rồi cất giọng cười hềnh hệch:

“Nói dại đổ xuống sông xuống biển chúng tôi cứ tưởng anh thế nào rồi... Thôi ở lại đây rồi chuyện ra sao nói cho chúng tôi biết.”

Chừng đoán vẻ ngạc nhiên ngay trong ánh mắt Vũ, Kính đưa mắt nhìn một lượt căn phòng nhỏ đơn sơ, hướng mắt nhìn ra cửa nói:

“Gặp anh chúng tôi đã ngạc nhiên; còn anh khi thấy tôi và Quy ở đây chắc anh cũng ngạc nhiên không kém...”

Từ phía trong Quy khệ nệ bưng ra hai cốc nước chanh quả trong suốt còn nổi những tép chanh thơm. Kính đỡ một cốc đưa sang Vũ, còn một cốc kia anh uống một hơi rồi đưa sang Quy:

“Đây em uống đi!”

Quy đỡ tay chồng tủm tỉm cười rồi đưa từng thìa lên miệng nhắp chỉ đủ để ướt môi. Vũ bâng khuâng nghĩ tới tình yêu và hạnh phúc của hai người.

Tiếng Quy vọng sang bảo Vũ:

“Đã lâu, chúng tôi được tin chị Ngân cho biết anh mất tích. Mọi người và ngay bộ tham mưu cũng cho là anh bị chết vì sau đó họ tìm được một xác chết có đủ quân phục giống anh, rồi họ cả quyết đó là anh...”

Vũ giọng thấp và buồn:

“Thì tôi cũng nghĩ thế, chính tôi cũng không tin mình còn được trở về để tình cờ mà có mặt ngồi đây...”

Giọng Vũ lại vui lên tiếp:

“Với lại có chết thực thì làm gì có quần áo ấy mà mặc. Sau khi bị bắt tụi nó lột ra hết và bắt mặc vào bộ quần áo bà ba đen đã cũ ... Cho đến bây giờ tôi vẫn có cảm tưởng sờ sợ là mình đã mặc trên người bộ quần áo lột ra từ một xác chết...”

Vũ bậm môi nhấm một tép chanh còn vương trên miệng cốc. Vị chanh ít chua nhưng thơm phảng phất... Chàng không nghĩ tới Ngân mà lại nhớ đến Huyền, đến đêm gặp gỡ đầu tiên đi trong bóng tối và đêm khuya trong mưa. Mái tóc người con gái như còn phảng phất mùi chanh mới gội. Hình ảnh còn lại chỉ như một kỷ niệm đẹp thoáng qua... Chàng chớp mắt xua đuổi những ý nghĩ tư lự, giọng vui vẻ bảo Quy:

“Như thế kể cũng hay chị ạ. Sống trong cảm giác đã chết đi đối với mọi người khác, tôi chắc cũng thú lắm...”

“Mai tôi nhờ người lên quận đánh dây thép về cho Ngân, chắc là chị ấy ngạc nhiên và mừng lắm. Tôi đoán chị ấy thể nào cũng ra đón anh và như thế anh cũng biết là cái thú quái gở mà anh muốn giữ cũng không còn được bao lâu nữa.”

Vũ cau mặt giọng khẩn khoản:

“Thôi, tôi xin chị đừng làm thế. Để cho tôi yên ít lâu. Tôi còn nhiều việc ngổn ngang phải thu xếp, cũng rắc rối lắm... Nếu mọi chuyện tạm xong tôi cũng phải trở về chứ ở đây mà làm gì, nơi mà đe doạ và bất an đang rình chờ. Vả lại thoát được về , không tới bộ chỉ huy trình diện họ cũng có thể làm khó dễ về sau.”

Quy vẫn đứng trơ nhìn Vũ, ánh mắt trong và ấm, nàng xuống giọng bảo:

“Không biết anh nghĩ sao chứ riêng tôi lúc gặp chị ấy ở Sài Gòn cứ thấy mà thương. Lúc đó - nói thật anh đừng giận, là tôi chỉ mong cho chị ấy chóng quên đi mà vui sống chứ...”

Nghe nhắc mãi tới Ngân Vũ chỉ yên lặng. Chàng đang nghĩ tới hoàn cảnh của Huyền và đứa con bây giờ ra sao. Giọng chàng bình thản đến chua chát:

“Chắc gì cô ấy cho là một tin vui. Hoàn cảnh vững chãi, dầu tất cả thay đổi nhưng đời sống cô ấy chắc vẫn thế. Trước kia tôi vẫn tưởng là sau này sẽ lấy được người yêu đầu tiên của mình thì còn gì đẹp bằng. Nhưng nay tình cảnh đã lại khác, ước muốn thực của đời sống tôi chắc không còn giống như thế nữa.”

“Thôi cái đó tuỳ anh, tôi không ngờ anh lại nghĩ khác thế.”

Kính đứng yên từ nãy, bắt đầu cất giọng ồn ồn lẫn tiếng cười:

“Sao không nói sang chuyện khác cho vui, chuyện kia hãy cứ gác đấy... kìa anh bảo Quy có nghe không?”

Nghe Kính nét mặt Quy cố tươi lên và đang nghĩ cách nói lái sang chuyện khác. Với Vũ, cái chết của Vạn mới quá còn luôn luôn ám ảnh chàng. Và Vũ vẫn đứng lặng yên. Kính ngửa cổ tít mắt, vẫn với tiếng cười khà khà quay sang bảo Vũ:

“Nhân Quy nói chuyện đánh dây thép làm tôi lại nhớ...”

Quy làm bộ nhăn mặt gắt chồng:

“Đã bảo sang chuyện khác cơ mà anh này.”

Kính xoè bàn tay ra trước mặt vợ bảo im:

“Không em im đi. Vũ này, anh còn nhớ thằng Long không?"

Vũ đang mải mê ngắm chiếc ve trên mắt Kính, quay sang ngạc nhiên:

"Anh bảo sao?”

“Tôi hỏi anh có nhớ thằng Long không? Long đen ấy mà, nó học cùng lớp tụi mình khi trước ấy...”

“À có tôi nhớ ra nhưng sao?”

“Chả hồi cậu học thêm nữa, thì tôi với nó và một số nữa phá ngang đi học Sư phạm. Long nó người Huế, còn tôi thì ở xa nhà nên cả hai cùng vào nội trú, lại ở phòng đối nhau và là đôi bạn thân thiết.”

Có tiếng Quy cười xen vào:

“Có phải anh Long mà anh nhắc tới luôn đó không?”

Kính nhìn vợ nheo mắt cười rồi tiếp:

“Thế rồi cậu có biết làm sao không, một hôm nó đi vắng suốt buổi chiều thì lão ‘phắctơ’ hớt hải đưa tới một dây thép, gõ cửa phòng nó kêu ầm lên. Tôi chạy ra thì lão xấn lại nói ngay: ‘Cậu có biết cậu nào tên Long ở đây không? Trời khổ quá, có dây thép báo mẹ cậu ấy chết ở Huế phải về ngay. Thế bây giờ cậu ấy đâu? Làm sao mà tìm cho ra ngay bây giờ!’ Tôi bảo: ‘Để tôi nhận giùm cho, nó về tôi sẽ đưa ngay, vì tôi với nó là bạn thân nhất nữa.’ Lão già như chưa yên tâm còn khẩn khoản nói với tôi: ‘Cậu cố đưa giùm ngay cho vì ngay tối nay có chuyến tàu suốt, thế mới mong về kịp. Trời khổ quá, đi học xa nhà mà nhận được tin này có là sét đánh...’ Lại thêm ngày mai Long nó vào vấn đáp bên Văn khoa, tôi phân vân quá không biết tính làm sao. Một lát sau Long nó về, cậu có biết làm sao không? Tôi phải tự nhủ cố trấn tĩnh, sang nắm lấy tay nó dẫn đi trong sân loanh quanh chưa biết phải khởi đầu ra sao. Đến chỗ cột cờ Long nó dừng lại, dựa cột tươi cười ngửa mặt ngắm trời mây. Tôi lấy can đảm giúi tờ dây thép cuộn nhỏ vào tay nó, nói khẽ và run run - vì có lẽ chính tôi cũng cảm xúc lắm: ‘Long, tôi đang có ý tìm cậu... báo tin buồn mẹ cậu vừa chết ở ngoài Huế, nhà nhắn tin phải về ngay. Cậu can đảm lên, bảy giờ tối nay có chuyến tàu suốt... ngoài nhà gia đình cậu chắc là đang rất mong.’ Nghe thế Long đứng chết ngây người, mặt như trơ ra và lợt đi. Có lẽ nó quá thất vọng và đau đớn. Vẻ mặt nó nói lên nhiều hơn tiếng khóc. Mặt tôi lúc đó cũng trơ ra đến vô duyên, môi muốn nói câu an ủi mà vẫn run rẩy. Long nó vẫn nắm chắc tờ giấy trong tay, trân tráo nhìn tôi. Tôi phải nắm chặt lấy tay nó, nắm lấy vai nó nói: ‘Tôi thành thật chia buồn và ước mong cậu can đảm trở về kịp đến nơi...’ Long nói như mếu: ‘Mới tháng trước mẹ tôi còn khoẻ, tất tưởi sửa soạn bánh trái để tôi đem vào cho...’ Đau đớn được nhắc bằng kỷ niệm, hắn nấc lên và không nói được gì thêm nữa. Hắn bỏ tôi một mình đứng đó và loạng choạng trở về phòng. Hôm sau nó bỏ thi. Tối hôm đó tôi phải dìu nó lên tàu, lòng vừa buồn vừa lo âu... Nửa tháng sau hắn trở vào gặp lại tôi, cậu biết hắn làm sao không? Hắn tìm được tôi rồi, miệng cười toe toét và cái chào đầu tiên của hắn là tát tôi hai cái đau điếng đi. Hắn tát tôi để tỏ lộ niềm vui cậu ạ. Tôi vốn nóng tính, thế mà tôi vẫn tha thứ được cho nó. Thì ra mẹ nó không có chết. Lão già cũng như tôi đã xúc cảm hão. Trong dây thép đề: ‘Me chet phai ve ngay’, lão ‘phắctơ’ nói láo, tôi cũng lại báo láo - nhưng tại tất cả đột ngột và đau đớn quá nên nó cũng u mê và tin ngay. Thì ra cậu biết làm sao không? Bà ngoại nó chết chứ không phải mẹ nó: ‘mệ’ chết chứ mẹ nó có chết đâu cơ chứ...”

Kính lại lắc đầu cười:

“Mấy ngày vật vã trên tàu bỏ cả kỳ thi, Long đen nó vẫn hết mực sung sướng. Nó bảo trên đời nó quý mến nhất mẹ nó, còn mệ nó thì đã quá già, hơn chín mươi mà lại đau yếu kinh niên cả mấy năm nay, cái chết của bà thật tự nhiên và ai cũng mong ước như một giải thoát nhẹ nhõm...”

Kính lại quay sang Quy:

“Hì hì, chắc em còn nhớ, anh phải khổ sở xin lỗi nó và thấy chính mình khôi hài quá đi... Thật đúng một bài học phải nhớ đời.”

Vũ bị lôi cuốn vào câu chuyện vì vẻ hóm hỉnh và duyên dáng của Kính, chàng thấy lòng vui vui:

“Thế giờ Long đen nó ở đâu?”

“Nó cùng ra trường với tôi, nhưng sau đó nó trả lại tiền và học thêm, nghe đâu nó sắp thi xong cử nhân văn chương giáo khoa gì đó.”

“Thằng Long không ngờ cũng khá thế.”

“Thì hồi nhỏ nó đã có khiếu về văn chương, chả thế mà có lần tụi mình gọi nó là Long gàn, vì mấy ông văn chương chữ nghĩa hay lẩm cẩm khác người lắm.”

Vũ gật đầu:

“Mỗi thằng một hướng chả biết thế nào!”

Kính vẻ mặt xa xôi:

“Hồi đó ai cũng nghĩ cậu thật tốt số, học xa và thành đạt. Đột nhiên lúc được tin cậu mất ai cũng kinh ngạc và ngơ ngác, không biết phải nói làm sao nữa. Rồi chính tôi cũng không ngờ lại gặp cậu ở đây!”

Kính ngưng một chút dáng do dự phân vân, rồi nheo mắt hỏi Vũ:

“Này, hỏi thật cậu hình như họ nhà cậu và cả nhà Ngân nữa mạnh cánh lắm cơ mà? Sao cậu không chịu xoay sở mà ở lại trong đó có hơn không, sung sướng biết bao nhiêu?”

Những ý nghĩ lúc này đang lắng sâu trong óc Vũ. Cảm tưởng về một cuộc chiến tranh trường kỳ kéo dài liên miên làm chàng buồn nản. Cũng bởi thế một số bạn cùng lứa đều tự tạo cho họ một quan niệm sống dễ dãi và phù hợp với hoàn cảnh: vấn đề là hạnh phúc trọn vẹn của hôm nay, còn tương lai và ngày mai là những cái bất chợt tự nó sẽ tới. Truỵ lạc và hưởng thụ nhỏ nhen nơi thị thành dìm đi một lớp người yếu nhược, bom đạn và chém giết nơi đồng quê mỗi ngày đem lại cho xã hội những cá nhân què quặt tàn phế cùng những xác chết: trước mắt cả một tương lai bệnh hoạn tối đen. Vũ giọng thấp xuống chân thành với chính mình:

“Ai cũng tính toán và nghĩ thế, có thể chính tôi cũng nghĩ thế. Một quyết định nào tách ra khác đi và cô đơn đều vô ích và không đáng kể. Nhưng có lẽ tôi tìm được sự an thái trong cái vô ích đó. Còn ngược lại thì vẫn là bế tắc và liệu có ích gì hơn không? Trước kia cảm tưởng của tôi về một đời sống đầy đủ là có một nghề độc lập để tận tuỵ và nếu cần hy sinh. Dù chiến tranh, dù biến đổi nhà thương vẫn là một thế giới riêng bất khả xâm phạm... Nhưng chính tôi đã nhầm, nhầm lẫn hoàn toàn; vì hiện tại tôi chẳng còn độc lập mà đang rơi sâu vào sự chuyển mình và lôi cuốn của mọi biến cố. Ý nghĩ đời sống thực sự là như thế, tôi không thể nào chấp nhận thái độ dù với chính mình, là đứng trên cầu nhìn dòng nước chảy... Thú thật có đôi lúc tôi buồn nôn tất cả, nhưng đó chỉ là cảm tưởng tự nhiên và thường có thoáng qua trong chốc lát, có lẽ vì tiếp xúc nhiều với tàn bạo và chết chóc quá; nhưng rồi rốt cuộc cũng trở về với một ý nghĩ nguyên cũ là xoá nhoà mình trong tập thể, sống say sưa với tỉnh thức. Lẽ sống đó tôi tin là hợp lý và cả phong phú nữa...”

Đã có một lần nào đó Vũ nghĩ và sắp đặt ý nghĩ như thế. Chàng nhớ rõ lại hình ảnh một con chó chết thối rữa bên vũng nước mưa nơi chỗ trũng của nền xi măng đã lún... Hình ảnh của bấy nhiêu năm không đâu lại hiện ra rõ rệt. Khu đất hoang vắng lấp lánh mấy ngọn đèn vàng giữa một khoảng trống bao la, nơi dự tính xây cất khu đại học kiểu mẫu. Ước vọng quá khứ tràn về bên cạnh hình ảnh mục nát mập mờ của một con chó hoang gầy nhom đã chết...

Vũ đăm đăm và mải nhìn ánh mắt ướt và đằm thắm của Quy đối với chồng, đôi mắt thật hiền đen và trong, như lớn dần, cuối cùng Vũ chỉ còn thấy trước mắt một vũng nước phẳng lặng sáng phản chiếu như gương, bóng một khoảng trời xanh thoáng qua những đám mây trắng, giữa những bóng cây nâu ướt sũng, bóng một cây phượng nhỏ như một cành khô không lá, nở toả đầu cành những chùm hoa đỏ chót. Một giọt nước giỏ từ mái hiên, các hình bóng vỡ tan đi. Đó là hình ảnh của những buổi chiều, sau trận mưa mát, cả cư xá còn quên đi trong một giấc ngủ ngon, chàng mở cửa đứng trước yên tĩnh nhìn mây trôi trên những vũng nước đọng.

Có tiếng Quy cười, người con gái ngửa cổ nhìn chồng, bàn tay nghiêng sửa mái tóc, bất giác chàng nghĩ tới bàn tay thuôn trắng của Ngân, bàn tay hung bạo của Tư Nên lúc giết Vạn và cả đôi bàn tay đỏ hồng máu của mình trong chậu nước mưa và bâng khuâng với ý nghĩ khó khăn của hạnh phúc.
Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản Ä‘iện tá»­ do tác giả cung cấp.