trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
9.11.2007
Doris Lessing
Những câu bạn không bao giờ nên hỏi một nhà văn
Hoài Phi dịch
 
Vào thứ Năm, tiểu thuyết gia Doris Lessing giành được giải Nobel Văn chương 2007. Sau khi tuyên bố được đưa ra, giới văn chương bắt tay vào công việc truyền thống hậu-Nobel lâu đời: định giá – và đôi khi đánh hơi – tác phẩm của người đoạt giải. Một trong những người phê bình bà Lessing gay gắt nhất là Harold Bloom, giáo sư đại học Yale và nhà phê bình văn chương. Ông nói với The Associated Press, “Mặc dù vào giai đoạn đầu trong sự nghiệp văn chương của mình, bà Lessing có một vài phẩm chất đáng ngưỡng mộ, nhưng tôi không thể đọc nổi các tác phẩm của bà ta trong 15 năm trở lại đây.” Harold Bloom cũng nói thêm là giải thưởng Nobel “đơn thuần mang tính ‘đúng đắn chính trị’ (political correctness).” Ðiều thú vị là chính bà Lessing cũng có những ý kiến mạnh mẽ về tính “đúng đắn chính trị”, những ý tưởng được bà thể hiện trong bài viết dưới đây, đăng ở cột Op-Ed [1] vào ngày 26 tháng 6 năm 1992.

Trong khi chúng ta chứng kiến cái chết hiển nhiên của chủ nghĩa cộng sản thì những cách suy nghĩ hoặc sinh ra từ chủ nghĩa cộng sản, hoặc được củng cố bởi chủ nghĩa cộng sản, vẫn tiếp tục chi phối đời sống của chúng ta. Nhưng không phải toàn bộ những cách suy nghĩ đó đều bộc lộ rõ di sản của chủ nghĩa cộng sản như trong “đúng đắn chính trị.”

Ðiểm đầu tiên: ngôn ngữ. Việc chủ nghĩa cộng sản hạ thấp ngôn ngữ, và cùng với ngôn ngữ, (hạ thấp) tư tưởng, không phải là một ý tưởng mới. Chỉ cần đọc một câu là có thể nhận ra biệt ngữ cộng sản. Rất ít người ở châu Âu trong đời chưa từng đùa về “những bước cụ thể”, “mâu thuẫn”, rồi “quy luật liên thể của những cực đối lập” (interpenetration of opposites), và vân vân.

Lần đầu tiên tôi thấy những khẩu hiệu làm tê liệt trí não ấy có sức mạnh chắp cánh và bay xa khỏi gốc là vào thập niên 1950, khi tôi đọc một bài viết trên tờ Thời báo London (The Times of London) và thấy chúng được sử dụng. Bài báo có câu, “Bản demo thứ Bảy tuần trước là bằng chứng không thể bác bỏ được rằng hoàn cảnh cụ thể…” Những từ ngữ vốn gắn với cánh tả như động vật bị nhốt giờ đã đi vào vốn từ chung và, cùng với chúng, là cả những khái niệm. Một người có thể đọc thấy những bài viết marxist trên cả những tờ báo bảo thủ lẫn cấp tiến, nhưng người viết không biết điều đó. Nhưng di sản (cộng sản) này còn có một khía cạnh khác khó thấy hơn nhiều.

Thậm chí chỉ mới năm, sáu năm trước đây, Izvestia, Pravda và cả ngàn tờ báo cộng sản khác nhau được viết bằng một thứ ngôn ngữ dường như được thiết kế để lấp chỗ trống trên trang giấy nhiều hết mức có thể, mà thật ra không hề nói gì cả. Bởi vì, dĩ nhiên việc chọn những vị thế mà họ có thể phải bảo vệ sẽ gây nguy hiểm (cho những tờ báo ấy). Giờ đây, tất cả những tờ báo đó đã tái phát hiện được ích dụng của ngôn ngữ. Nhưng di sản của thứ ngôn ngữ trống rỗng và chết đó ngày nay lại xuất hiện trong giới học thuật, và đặc biệt trong một số ngành xã hội học và tâm lý học.

Một người bạn trẻ của tôi ở Bắc Yemen đã phải tiết kiệm từng đồng để có thể sang Anh và học một ngành xã hội học trong đó dạy cách làm thế nào để truyền bá chuyên môn phương Tây tới đám dân bản xứ dốt nát. Tôi hỏi tài liệu anh đọc, và anh cho tôi xem một tập sách dày cộp, viết dở và sử dụng các biệt ngữ rỗng tuếch và tồi tệ đến mức khó hiểu nổi. Cuốn sách dày hàng trăm trang, mà các ý tưởng trong đó có thể dễ dàng tóm gọn lại trong 10 trang.

Vâng, tôi hiểu là sự rối rắm (về từ ngữ) trong giới học thuật không bắt đầu bằng chủ nghĩa cộng sản, nhưng bản chất mô phạm và dài dòng của chủ nghĩa cộng sản có nguồn gốc từ giới hàn lâm Ðức. Và bây giờ chúng trở thành một loại nấm lây lan toàn thế giới.

Một trong những nghịch lý của thời đại chúng ta là những tư tưởng có thể làm thay đổi xã hội, trong đó chứa đựng những kiến thức uyên thâm về việc loại động vật người thực sự hành xử và suy nghĩ như thế nào, lại thường được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ không thể đọc nổi.

Ðiểm thứ hai có liên quan đến điểm đầu tiên. Những tư tưởng mạnh mẽ ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta có thể thấy được chỉ trong những câu viết ngắn, thậm chí chỉ trong một cụm từ - một cụm từ bắt mắt. Những người phỏng vấn thường hỏi nhà văn câu này: “Ông/bà có cho rằng một nhà văn nên…” “Nhà văn hẳn nên…?” Câu hỏi đó thường liên quan đến vị thế chính trị. Và cần lưu ý rằng giả định đằng sau câu hỏi đó là mọi nhà văn đều nên làm như vậy, dù việc đó là gì. Cụm từ “Một nhà văn có nên…?” “Nhà văn hẳn nên…?” có một lịch sử lâu dài mà hình như những người thường sử dụng chúng không hề biết đến. Một từ khác, “cam kết” (commitment), chỉ mới đây thôi, cũng rất được ưa chuộng. Liệu ông/bà A/B có phải là một nhà văn cam kết (phục vụ một mục tiêu chính trị) không?

Nối tiếp “cam kết” là “nâng cao ý thức”. Từ này là con dao hai lưỡi. Những người mà ý thức được nâng cao có thể nhận được những thông tin mà họ thiếu nhất và cần nhất, và có thể nhận được sự ủng hộ đạo đức mà họ cần. Nhưng quá trình này gần như luôn có nghĩa là học viên chỉ nhận được những tuyên truyền mà người dạy chuẩn y. “Nâng cao nhận thức”, cũng như “cam kết”, cũng như “đúng đắn chính trị, đều là tiếp diễn của kiểu doạ nạt cũ - đường lối của Đảng.

Trong phê bình văn học, có một cách nghĩ rất phổ biến không bị xem là hậu quả của chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực ra nó đúng là như vậy. Mỗi nhà văn đều trải qua kinh nghiệm bị/được (người khác) nói rằng một cuốn tiểu thuyết, một cuốn truyện, là “về” một điều này hay điều khác. Tôi viết truyện Ðứa con thứ năm (The Fifth Child); truyện này ngay lập tức được xem là viết về vấn đề Palestine, về các nghiên cứu di truyền, nữ quyền, bài Do Thái, vân vân.

Một nhà báo từ Pháp sang. Vừa bước vào phòng khách nhà tôi, chưa kịp ngồi xuống, cô ta đã nói, “Dĩ nhiên, Ðứa bé thứ năm là về AIDS”.

Ðó là một cách hiệu nghiệm để chấm dứt trò chuyện, tôi bảo đảm với bạn như vậy. Nhưng điều thú vị [mà chúng ta nên lưu ý] ở đây là thói quen trí óc áp đặt cách phân tích một tác phẩm văn học theo kiểu như vậy. Nếu bạn nói với họ, “nếu tôi định viết về AIDS hay về vấn đề Palestine, hẳn tôi đã viết một cuốn sách tuyên truyền rồi”, thì họ thường nhìn bạn một cách bối rối. Cách cho rằng một tác phẩm của trí tưởng tượng phải “thực sự” về một vấn đề nào đó, một lần nữa, chính là kế tục của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Viết một truyện chỉ vì để kể chuyện thôi (bị coi) là phù phiếm, chưa nói là phản động.

Ðòi hỏi truyện phải “nói về” một điều gì đó xuất phát từ cách nghĩ cộng sản, và xa hơn nữa trong quá khứ, từ tư tưởng tôn giáo, với mong muốn có những cuốn sách tự-tu dưỡng đơn giản như thông điệp trong những bài văn mẫu.

Cụm từ “đúng đắn chính trị” ra đời khi chủ nghĩa cộng sản đang sụp đổ. Tôi không nghĩ đây là sự tình cờ. Tôi không định nói rằng ngọn đuốc của chủ nghĩa cộng sản đã được chuyền sang tay những nhà kiểm duyệt tính đúng đắn chính trị. Tôi cho rằng thói quen trí óc đã hấp thụ (những tư tưởng cộng sản ấy), và thường là không biết (mình đã hấp thụ chúng).

Rõ ràng việc bảo người khác phải làm gì là một điều đầy quyến rũ: Tôi diễn tả điều này theo phong cách vườn trẻ (nursery) thay vì dùng ngôn ngữ trí thức hơn, bởi tôi cho rằng đây là hành vi vườn trẻ. Nghệ thuật – các ngành nghệ thuật nói chung – luôn không thể đoán trước được, không thuần hoá được, và thường có xu hướng, trong trường hợp tốt nhất, gây cảm giác không thoải mái. Văn học nói riêng luôn luôn gợi cảm hứng cho các ủy ban, những gã Zhdanov, lên cơn răn dạy đạo đức, nhưng, trong trường hợp tồi tệ nhất, là khủng bố. Tôi lo ngại vì tính đúng đắn chính trị dường như không biết những mẫu hình và tiền nhiệm của nó là gì; tính đúng đắn chính trị làm tôi lo ngại nhiều hơn nó biết và nó không quan tâm đến điều đó.

Liệu tính đúng đắn chính trị có mặt tốt không? Có, vì nó khiến chúng ta tự xem lại thái độ của mình, và điều đó bao giờ cũng có ích. Vấn đề là, với tất cả các phong trào đại chúng, những kẻ hăng hái quá khích nhất nhanh chóng không còn ở vị trí ngoài lề nữa; cái đuôi bắt đầu vẫy con chó. Cứ mỗi một người lặng lẽ và khôn ngoan sử dụng quan điểm (đúng đắn chính trị) để xem lại các giả định của mình, thì lại có tới 20 kẻ khích động đám đông, những người mà động cơ thực sự là khao khát có quyền điểu khiển người khác. Dù họ coi mình là chống phát xít, là nữ quyền, hay bất cứ điều gì đi nữa, thì họ cũng vẫn là những kẻ khích động đám đông.

Một người bạn giáo sư tả cho tôi nghe việc sinh viên bỏ ra khỏi những lớp học nghiên cứu tính di truyền và tẩy chay không đến lớp của những giảng viên có quan điểm không trùng với lý tưởng của họ. Ông mời họ đến lớp để thảo luận và để xem một băng video có những dữ liệu thực tế. Khoảng nửa tá sinh viên, trong đồng phục của họ là quần bò và áo phông kéo vào lớp. Họ ngồi xuống và giữ im lặng trong khi ông giải thích, cụp mắt xuống khi ông chiếu băng video, và rồi họ tiến một hàng ra khỏi lớp. Cuộc tuần hành (của họ) – có thể họ thấy sốc khi nghe điều này - phản ánh cách hành xử cộng sản; một kiểu diễn, một thể hiện thấy được về tư tưởng bảo thủ của các nhà hoạt động cộng sản trẻ.

Ở Anh, chúng ta thường xuyên thấy các hội đồng thành phố, các chuyên gia tư vấn tại trường học, hiệu trưởng, hay giáo viên, bị truy đuổi bởi những nhóm phái hay bè đảng săn lùng phù thủy; những nhóm phái hay bè đảng này sử dụng những chiến thuật bẩn thỉu, và thường là tàn ác nhất. Họ tuyên bố rằng nạn nhân của họ phân biệt chủng tộc, hoặc đại loại là phản động. Việc những nạn nhân này thường xuyên chống án lên các cơ quan quyền lực cao hơn chứng tỏ rằng chiến dịch vu cáo họ này không công bằng.

Tôi tin chắc rằng hàng triệu người, do tấm thảm cộng sản dưới chân họ bị rút đi, đang điên cuồng tìm kiếm một giáo điều mới, và có thể họ thậm chí không nhận ra điều đó.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Opposite Editorial: Cột báo đối diện với cột xã luận của toà soạn, đăng những quan điểm khác nhau và thường khác với quan điểm của toà soạn. Cột Op-Ed của tờ New York Times có lẽ là cột Op-Ed nổi tiếng nhất trong làng báo thế giới. (ND)