trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
29.12.2007
Blaine Harden
Người Nhật viết nhật ký mạng: Kẻ khổng lồ khiêm tốn
Phạm Văn lược dịch
 
Tokyo – So với thế giới nói tiếng Anh, người Nhật cuồng nhiệt với nhật ký mạng. Tính trên đầu người, họ viết nhật ký mạng vượt quá biểu đồ toàn cầu.

Theo Technorati, công cụ tìm kiếm trên internet theo dõi thế giới nhật ký mạng, mặc dù người nói tiếng Anh đông hơn người nói tiếng Nhật vượt quá tỉ lệ 5 trên 1, nhật ký mạng viết bằng tiếng Nhật nhiều hơn tiếng Anh.

Theo một số ước tính, khoảng 40% nhật ký mạng tiếng Nhật được viết trên điện thoại di động, thường do những người trên đường tới sở làm nhìn đăm đăm vào màn hình tí hon hàng giờ khi họ ngồi trong mạng lưới xe điện ngầm và xe lửa trải rộng nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhật ký mạng ở Nhật hiền lành hơn rất nhiều so với Mỹ và các nước nói tiếng Anh. Nền văn hoá chú trọng thích nghi của Nhật chào đón loại công nghệ thường được người Mỹ dùng để tự quảng cáo một cách thô thiển và biến nó thành một phương tiện êm dịu không đối đầu để sống hoà thuận.

Người viết nhật ký mạng tránh chuyện chính trị và ngôn ngữ ngang ngạnh. Họ ít khi hô hoán sở trường của mình. Trong khi nhật ký mạng ở Mỹ nổi bật ra, ở Nhật hoà khớp vào, viết về những chuyện nhỏ nhặt: lũ mèo và hoa, xe đạp và bữa điểm tâm, đồ dùng và tài tử tivi. So với Mỹ, người Nhật viết ngắn hơn, họ viết ẩn danh, và họ viết thường xuyên hơn nhiều.

“Cách cư xử quan trọng hơn kỹ thuật”, Joichi Ito, thành viên ban quản trị Technorati và chuyên gia về cách con người trên khắp thế giới dùng internet, nói. “Xã hội Nhật không chấp nhận chạy theo tiếng tăm”.

Technorati nhận thấy trong tất cả mục viết trên nhật ký mạng ba tháng cuối năm ngoái, 37% viết bằng tiếng Nhật, 36% tiếng Anh và 8% tiếng Trung Quốc.

Điều này không sai. Theo Technorati, trong ba năm qua, tiếng Nhật đi trước hoặc bằng tiếng Anh trong việc viết nhật ký mạng. Khoảng 130 triệu người hiểu tiếng Nhật, trong khi khoảng 1,1 tỉ người hiểu tiếng Anh.

Con số này không làm ai ngạc nhiên bằng người Nhật. Vì ngay cả khi họ dùng máy vi tính cá nhân, điện thoại di động trên web và mạng internet tốc độ nhanh ở khắp nơi để viết nhật ký mạng bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, họ kín đáo vô cùng.

Chẳng hạn, thử xem nhật ký mạng hài hoà một cách đáng kể mà Junko Kenetsuna viết năm lần mỗi tuần trong ba năm qua về bữa ăn trưa của cô.

Với sự chính xác nhỏ nhẹ, cô gọi nhật ký mạng của mình là “Tôi ăn trưa”.

Trong đoạn viết mới đây từ một quán ăn Việt Nam ở Tokyo, Kenetsuna viết: “Món súp có vị gà đặc biệt và chất đắng của quả lê, cho bạn nhiều cảm giác trong miệng”.

Trong tất cả các đoạn nhật ký cô viết ở nhà và nơi quán cà phê mạng trong nhiều năm, Kenetsuna chưa bao giờ viết một chữ làm nản lòng – không một gợi ý chỉ trích về thức ăn dở, phục vụ tồi hay giá cả bóc lột. Theo quan điểm của cô, nghiêm khắc như vậy không thích hợp và chướng.

“Nếu tôi nghĩ thức ăn quá kém, tôi không viết”, Kenetsuna, 43 tuổi, sống bằng nghề viết quảng cáo cho một tuần báo nhắm vào giới phụ nữ làm văn phòng ở Tokyo, nói. “Một phần trong tôi cảm thấy tội cho quán ăn, nếu nó mất khách vì điều tôi viết”, cô nói. “Tôi không muốn ảnh hưởng tới khách ăn”.

Khoảng 300 người thỉnh thoảng đọc nhật ký mạng của cô, phần lớn là bạn. Cô gần như không nhận được phê bình hay ý kiến phản hồi trực tuyến nào từ họ, mặc dù cô hy vọng có.

Tuy vậy, Kenetsuna không muốn làm người đọc của cô kích động quá hay khiêu khích họ phê bình xúc phạm tới cảm nghĩ của mình. “Vì người tôi không biết có thể đọc nhật ký mạng của tôi, tôi thận trong trong việc tỏ lộ suy nghĩ nội tâm của mình”, cô nói. “Tôi không muốn bị chỉ trích vì điều tôi viết”.

Để ít bị biết đến, Kenetsuna viết nhật ký mạng ẩn danh.

Tất cả những điều này không làm ngạc nhiên Robert Pickard, chủ tịch khu vực Bắc Á của công ty PR Edelman, cộng tác với Technorati khảo sát cách cư xử trên nhật ký mạng ở Nhật và so sánh với nhật ký mạng tiếng Anh. Pickard nói, “Rõ ràng là trong nền văn hoá này, cây đinh nào nhô ra sẽ bị đóng xuống”.

Kết quả thăm dò của công ty ông cho thấy người nói tiếng Anh và Nhật có động cơ khác nhau rõ rệt trong nhật ký mạng.

Khoảng 40% người viết nhật ký mạng tiếng Anh nói mục đích chính của họ là “nâng cao vẻ lành nghề của tôi”. Chỉ 5% người viết nhật ký mạng tiếng Nhật nói đó là động cơ chính của họ. Thay vào đó, họ nói họ viết nhật ký mạng để ghi lại suy nghĩ của mình và những thông tin họ thu thập được.

Theo khảo sát của công ty Edelman, người Nhật đọc nhật ký mạng hàng tuần nhiều gấp năm lần người Mỹ, Anh hay Pháp, nhưng ít có thái độ đối với điều họ đọc.

“Ý kiến riêng thì có, nhưng hành động công khai thì không”, Pickard nói. “Người Nhật đọc nhật ký mạng thường hơn, nhưng ít làm gì về điều đã đọc hơn”.

Để hiểu người Nhật có ý gì khi họ viết nhật ký mạng, chúng ta cần hiểu tại sao họ lại bận tâm – và kỹ thuật ở Nhật làm cho việc viết nhật ký mạng ở nhà, trên xe lửa hay đi bộ ngoài đường thật dễ dàng.

Trước khi nhật ký mạng trở nên phổ thông ở Nhật năm 2002 và 2003, người Nhật đã dùng máy vi tính cá nhân để viết nhật ký điện tử.

Trước khi xuất hiện máy vi tính, ở Nhật đã có một truyền thống viết nhật ký bằng bút và giấy rất đậm nét – đó là một dạng bài tập về nhà mà học sinh tiểu học bắt buộc phải làm vào mùa hè.

Theo Ito, thành viên ban quản trị Technorati, thói quen viết nhật ký ăn sâu ở Nhật tới nỗi biến nghệ thuật viết nhật ký mạng kiểu lên lớp (lớn lối, diễn giảng) của Mỹ thành chuyện kể cá nhân kiểu Nhật. Ông nói, dần dần nhật ký mạng bùng nổ như một cái mốt lớn cho giới trung lưu đông đảo của Nhật, một loại karaoke cho người e thẹn.

Nhật là một nước thịnh vượng, phần lớn các gia đình có máy vi tính ở nhà, điện thoại di động tân tiến và nối mạng internet tốc độ cao. Nhưng sự sung túc ở người Nhật cũng khá đồng nhất, Ito nói, “ít người có quá nhiều tiền để có thể làm những việc khác hay hơn là viết nhật ký mạng”.

Một lý do quan trọng khác khiến nhật ký mạng ở Nhật có một số lượng lớn là sự hội tụ của ba thứ: điện thoại di động tinh xảo, mạng không dây tốc độ cao khắp nơi, và thời gian ngồi lâu trên xe lửa tới sở làm.

Ito nói, không gian ảo và thật hội tụ ở Nhật. Giới trẻ viết nhật ký mạng trên điện thoại cầm tay thường “cùng hiện diện” với năm tới mười bạn khác, khi họ di chuyển qua các thành phố như đàn cá buộc vào dây điện tử.

Ito tiên đoán ở Mỹ, khi điện thoại di động và mạng không dây cải thiện, nhật ký mạng sẽ trở nên giống Nhật hơn.

Nghĩa là nối kết liên tục vào dụng cụ viết nhật ký mạng của mình và viết ngắn hơn nhưng đăng lên thường xuyên hơn. Và cũng có nghĩa là ít đấm ngực vì bọn chính khách tồi tệ, ít phô trương sự tài giỏi của mình, tán gẫu nhiều hơn về lũ mèo, bọn trẻ con và bữa ăn trưa.

Katsuhiro Kimura, kỹ sư ở Tokyo, đã viết nhật ký mạng kiểu thoải mái này trong hai năm qua. Anh viết một nhật ký ẩn danh về đứa con trai Shota 5 tuổi của mình. Các tấm ảnh đăng trên nhật ký không bao giờ cho thấy mặt đứa bé.

Trong một đoạn nhật ký gần đây, Kimura viết Shota đã trông ngóng suốt 70 ngày để đi xem phim Pokemon. Khi ngày chờ đợi đến, Shota đi vớ Pokemon tới rạp xi nê và ăn bỏng ngô trong một cái tô Pokemon. Nhật ký mạng ghi, Shota “bước ra khỏi rạp hát như thể nhảy tưng tưng”.

Khi một ký giả nhật báo Mỹ gửi điện thư tới tác giả ẩn danh của “Cha của Shota” và hỏi xin phỏng vấn, Kimura sau này nói, anh “hoàn toàn sửng sốt. Tôi chưa nói với ai là tôi viết nhật ký mạng”.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: The Washington Post, “Japan’s Bloggers: Humble Giants of the Web”, 6 tháng 12 năm 2007