trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
3.1.2008
Hà Văn Thuỳ
Trao đổi lại với ông Tạ Chí Đại Trường
 
Tôi chưa có trong tay Sử Việt đọc vài quyển của ông Tạ Chí Đại Trường mà chỉ được liếc qua nó trong bài giới thiệu trên BBCOnline ngày 11.5.2005. Thấy những dòng sau:

“Nhà chính trị trong niềm u uất của người dân mất nước, đem phóng đại quá khứ dân tộc để vẽ ra một tương lai huy hoàng. Tương lai đó có vẻ đã trở thành hiện thực trong thời đại độc lập, nên nhà ‘nghiên cứu’ thấy quá khứ kia đúng là hiện thực của thời đã qua, liền tô vẽ thêm bằng ngôn từ khoa học, triết lí mình thu nhận của thời nay. Do đó, Khổng Nho biến thành Việt Nho, dân Việt không còn là một nhóm người ở Giao Chỉ / Giao Châu như của Ngô Thì Sĩ hay lấn lên hồ Động Đình như của Ngô Sĩ Liên mà lại đúng là chủ nhân ông của đất tộc Hán, nên cố giành lấy Hà đồ, Lạc thư về mình! Chính trị, huyền sử đã trở thành lịch sử - trong ước mơ. Tinh thần dân tộc của thời mới đã làm đảo lộn nội dung đồng văn xưa cũ. Không phải người Hán dạy dân Việt mà dân Việt đã khai phá văn minh cho dân Hán. Tiến trình vương hoá không đi theo dòng địa lý bắc – nam mà là chuyển hóa từ bên trong giữa hai dân tộc trên cùng địa vực, trong đó dân Việt là chủ thể phát tán. Tuy nhiên, khi cho rằng tương quan Thiên triều / phiên thuộc của quyền lực cụ thể trong quá khứ phải hiểu đảo lộn trong lãnh vực văn hoá, nhà ‘nghiên cứu’ triết gia muốn thành sử gia – và những đồ đệ nối tiếp trong và ngoài nước cho đến bây giờ, đã để lộ ra một tinh thần tự ti dân tộc ráng che mà không kín.”

Và:

“Giả thuyết của S. Oppenheimer và các thành quả về mtDNA mới đây không phải chỉ là sự lừa dối, nhưng đem áp dụng cho ‘vua Hùng’ thì có dáng như một hứng khởi vì tìm được bằng cớ mới cho một thành kiến tự tôn, thiếu cơ sở của niềm tự ti che giấu (thuyết Việt Nho... phát triển thêm lối rao giảng cũ từ thời qua Mỹ với Ngũ Kinh, Sứ điệp trống đồng... trong hoang tưởng về một giải Nobel-mới tự đặt) của linh mục Kim Định mà các ‘học giả’ trong nước cũng đang bắt chước... Đem ảo tưởng về một đất nước văn minh tuyệt vời dạy cho học trò nhỏ, chỉ tập cho chúng tính huênh hoang, mai mốt lớn lên thật khó chen chân vào thế giới.”

Có sự thật là, cho đến cuối thế kỷ trước, nghiên cứu cội nguồn người Việt bị chặn đứng lại trước lý thuyết của L. Aurousseau. Không chỉ học giả trong nước mà ngay cả những trí tuệ hàng đầu nhân loại cũng bị kìm chân trong thư tịch Trung Hoa cùng những tư liệu thời thuộc Pháp. Trong khi đó, về mặt tâm linh, cả dân tộc Việt vẫn bền bỉ hướng về quá khứ xa xôi với Phục Hy, Toại Nhân, Thần Nông rồi Lạc Long Quân - Âu Cơ. Không ai chịu ai, dân gian và bác học hồn ai nấy giữ!

Linh mục Kim Định đơn thương độc mã bứt phá khỏi tình trạng đắm chìm này của học thuật chỉ với chiếc phao duy nhất là những dòng trong sách của Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành: “Trước khi người Hán vào Trung Nguyên thì người Việt đã từ lâu chiếm lĩnh 18 tỉnh Trung Quốc.” Một suy lý giản đơn: người Việt đã sống từ lâu trên đất Tàu thì nền văn hoá từng có ở đó phải là của người Việt! Rồi bằng linh cảm thiên tài của triết gia, ông giải mã những huyền thoại và mở ra chân trời mênh mông cho Việt học: Việt Nho, An Vi… Hơn thế, ông là người rất sớm và có tiếng nói thuyết phục đòi lại Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư cho tộc Việt!

Những ý tưởng lật nhào mọi quan niệm hiện hành như vậy tất yếu chịu sự chống trả quyết liệt. “Thiếu căn bản khoa học!” là câu nói cửa miệng của giới khoa bảng. Rất nhẹ nhàng nhưng lại mang sức nặng của nhát búa giáng xuống quan tài. Sau đó là im lặng chối bỏ. Và lâu lâu thành cười cợt đàm tiếu mà những lời dè bỉu trên của tiên sinh họ Tạ là ví dụ!

Trong thế kỷ XX, những học giả quan phương ấy không đáng trách bởi lẽ đó là giới hạn tri thức của thời đại họ.

Nhưng sang thế kỷ này, khi Eden in the East, Out of Eden – Peopling of the World, và những tài liệu về “Đa dạng di truyền người Trung Quốc” (Chinese Human Genome Diversity Project) đuợc công bố thì suy nghĩ trên đã trở thành tội lỗi.

“Giả thuyết của S. Oppenheimer và các thành quả về mtDNA mới đây không phải chỉ là sự lừa dối, nhưng đem áp dụng cho ‘vua Hùng’ thì có dáng như một hứng khởi vì tìm được bằng cớ mới cho một thành kiến tự tôn, thiếu cơ sở của niềm tự ti che giấu.”

Những lời trên được xuất bản vào năm 2004 khiến tôi không thể không tự hỏi: phải chăng ông Tạ Chí Đại Trường hiểu thấu đáo điều mình nói? Xin sử gia hãy chứng minh rằng Eden in the East là lừa dối! Cũng xin ông đưa ra chứng lý phản bác các thành quả về mtDNA! Tôi đoan chắc lĩnh vực này không thuộc sở trường của Tạ tiên sinh nên trước khi có thể nói gì, ông cần phải học! Học để hiểu được rằng:

Bằng chứng di truyền học cho thấy, theo con đường phương Nam, người tiền sử đặt chân trước hết tới Việt Nam khoảng 70.000 năm trước và khoảng 40.000 năm trước tiến lên khai phá miền đất ngày nay có tên là Trung Quốc. Người Hán, tộc người đông nhất hoàn cầu chỉ ra đời khoảng 2600 năm trước công nguyên, là con lai giữa người Bách Việt và người Mông Cổ phương Bắc. Tất cả những thành tựu văn hoá xuất hiện trên đất Trung Hoa từ 2600 năm trước công nguyên trở về trước đều là sản phẩm của Việt tộc. Sau trận Trác Lộc, có một dòng người Việt từ lưu vực Hoàng Hà trở về Việt Nam dựng nước Văn Lang và làm chuyển hoá di truyền của cộng đồng Việt từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Cuộc di cư trở lại nguồn này do Lạc Long Quân dẫn dắt... Đúng là huyền sử đã trở thành lịch sử! Hay nói cách khác: những bằng chứng khoa học không thể phủ nhận đã xác minh sự thật lịch sử nằm trong truyền thuyết. Học thuyết của Kim Định đã được khoa học chứng nghiệm. Thực tế cho thấy, vị triết gia thiên tài này đã đóng góp phát kiến lớn lao nhất về văn hóa Việt!

Nếu ông có tội thì đó là tội quá yêu dân tộc và đi trước thời đại.

Viết sử là chuyện khó mà việc bình sử cũng chẳng dễ dàng gì, bởi lẽ cả hai cùng là nhìn nhận về sự vật. Chỉ gần đây, do sự khủng hoảng của vật lý học hiện đại, con người mới thấu hiểu được rằng, không hề có sự vật tồn tại độc lập khách quan mà chỉ có sự vật tồn tại trong nhận thức của con người. Một ngôi nhà, góc phố, một dòng sông, cánh đồng… chỉ hiện hữu trong nhận thức chủ quan của từng con người cụ thể. Vậy thì một triều đại, một phong trào, một trận đánh… lại càng phụ thuộc hơn vào cách nhìn chủ quan ấy! Không có chân lý sao? Có, chân lý có đó nhưng bao giờ cũng chỉ là chân lý tương đối, chỉ có thể tiếp cận theo đường hyperbol. Lẽ đời đơn giản này bác bỏ tất cả mọi mưu toan muốn độc quyền chân lý!

Với giọng đầy mỉa mai, ông Tạ Chí Đại Trường giễu cợt học giả Kim Định: “nhà ‘nghiên cứu’ triết gia muốn thành sử gia”, “trong hoang tưởng về một giải Nobel-mới tự đặt”(!)

Không thể không phản cảm trước thái độ trên của một nhà khoa học! Phải chăng ông cho sử gia cao quý hơn và là lĩnh vực dành riêng cho những người như ông chứ không phải của triết gia như Kim Định? Nếu quả vậy thì chính ông đã quá mau quên gốc gác của mình: người phương Đông vốn không tách bạch giữa sử với văn và triết. Sự phân chia như hiện nay chỉ là học đòi từ khuynh hướng phân tích-chủ biệt của phương Tây. Và đấy là dấu mốc nói lên sự suy thoái của học thuật Đông phương. Nhìn sự vật cùng lúc với ba hệ quy chiếu vừa văn vừa sử vừa triết là cực khó nhưng dù sao đó cũng là nhìn vật sống. Một khi tách bạch nó thành văn, sử, triết riêng rẽ thì đã giết chết nó rồi, chẳng khác gì việc lôi lục phủ ngũ tạng của con vật ra mà “nghiên cứu”! Nghiên cứu được đấy nhưng là nghiên cứu cái xác chết!

Hình như thời thế đã đổi khác, nhà sử học bây giờ không còn là người nắm được nhiều tư liệu mà là người có khả năng kết nối rồi giải mã những tư liệu vô cùng phong phú do công nghệ thông tin mang lại. Như vậy, nhà sử học phải là nhà bác học thực sự làm chủ kiến thức liên ngành. Trong nhà sử học không chỉ có nhà văn học, nhà triết học mà còn cần một nhà khảo cổ, nhà nhân chủng học, nhà sinh học, nhà dân tộc học, nhà chính trị… Chỉ có thế mới cơ may tiếp cận chân lý lịch sử. Không những vậy, rất có thể, trong trường hợp nào đấy, nhà sử học còn phải là một nhà đạo học để từ thiền định quán tưởng tìm ra cái Đạo của Sử. Chuyện này nếu xảy ra thì cũng không lạ. Với những phương tiện tinh vi nhất, gần đây nhà vật lý hạ nguyên tử mới phát hiện được Đạo của Vật lý (The Tao of Physics – tên một cuốn sách của Fritjof Capra). Nhưng bằng quán tưởng, từ nghìn xưa, nhà đạo học phương Đông đã tìm ra cái Đạo đó rồi! Kim Định giống như nhà vật lý thiên văn tìm ra thiên thể mới ngoài dải Ngân Hà mà nhiều thập niên sau kính viễn vọng mới theo kịp. Người nay mỉa mai Kim Định có khác gì người xưa cười nhạo Copernic!

Từng thích thú khi đọc cuốn sử nội chiến của Tạ tiên sinh. Nhưng đọc nhiều bài của ông gần đây trên mạng, tôi cảm thấy buồn về con người mình quý trọng. Nơi những bài viết đó, xen với một số ý kiến nghe được lại là những lời xỏ xiên cạnh khoé. Trộm nghĩ, nó không làm tăng thêm phẩm giá sử gia nơi ông. Chẳng ai cả đời sáng suốt. Thiên tài như Einstein kia cũng có lúc trở thành bảo thủ. Đã từng thưa lại với giáo sư Cao Thế Dung về chuyện tương tự nhưng tôi cảm thông vị giáo sư già ở sự lầm lẫn chân thành. Uy quyền học thuật nếu có thì được tạo nên bởi tác phẩm chứ không phải bằng giọng của những tiên thứ chỉ mục hạ vô nhân. Hơn một lần, người viết nói về sự phản thùng của tri thức. Ở đây, hiểu biết hữu hạn đã phỉnh nịnh vinh quang quá khứ, biến những con người từng một thời sáng láng trở thành chú đà điểu tội nghiệp vùi đầu trong cát. Âu đó cũng là quy luật của muôn đời: sinh, lão…

Sài Gòn, 18/9/2007

© 2008 talawas