trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
14.1.2008
Phạm Hoàng Quân
Bắc Kinh diên cách tên các đảo ở biển Đông để chứng minh chủ quyền
(Nam Hải chư đảo danh xưng sơ khảo)
 1   2 
 
Dẫn luận

Tập khảo luận này hình thành trên cơ sở lấy Nam Hải chư đảo làm đối tượng nghiên cứu, ý đồ cơ bản của việc khảo và luận là để chứng minh “Tây Sa và Nam Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong lịch sử”. Tây Sa và Nam Sa [1] trong hệ thống danh xưng tứ đại quần đảo đã được các nhà quy hoạch Nam Hải chư đảo dày công dàn dựng, nhằm hợp lý hóa trên cơ sở lịch sử, đi đến hợp thức hóa chủ quyền, và sự diên cách diễn ra không theo quy luật tự nhiên ấy – hiển nhiên – không phù hợp với khoa học lịch sử.

Để chứng minh sự phản khoa học của các vấn đề Nam Hải chư đảo có nhiều phương pháp, tập khảo luận này dùng hiệu khám pháp, tức là phương pháp xét lại những loại tài liệu mà các nhà quy hoạch Nam Hải chư đảo đã sử dụng làm nền tảng lý thuyết. Ngoài ra, các tài liệu khác có liên quan đến chủ đề đang khảo cũng được tham khảo và sử dụng. Đương nhiên, tất cả tài liệu đều từ nguồn thư tịch, địa đồ cổ và hiện đại được biên soạn và xuất bản ở Trung Quốc và Đài Loan bằng Hán tự.

Tập khảo luận này là chương trình nghiên cứu độc lập, người viết không bị chi phối bởi bất cứ cơ quan, đoàn thể, đảng phái của quốc gia nào. Vì vậy, nếu có điều khinh suất hoặc chưa xác đáng, thì đó là trách nhiệm cá nhân.

Tập khảo luận gồm ba chương và các phần phụ lục, đại cương như sau:

Chương 1: Nam Hải chư đảo – đảo danh trong thư tịch hiện đại
Chương 2: Nam Hải chư đảo – đảo danh tương quan trong thư tịch cổ đại
Chương 3: Phân tích các nguồn sử tịch liên quan đến Nam Hải chư đảo

Vì tính đặc thù của tập khảo luận này, phần lớn dựa vào niên đại ra đời của các nguồn tài liệu để làm cơ sở lý luận nên quy ước bảng tên sách viết tắt như sau:
  1. Từ Hải – Hợp đính bản - Thương Vụ ấn thư quán – Thượng Hải 1947
    辭 海 – 合 訂 本 商 務 印 書 館 – 上 海 – 民 國 三 十 六 年. Viết tắt là – [Từ Hải - 1947]

  2. Từ Hải – Thượng Hải từ thư xuất bản xã – 2003
    辭 海 – 上 海 辭 書 出 版 社 – 2003. [Từ Hải - 2003]

  3. Từ Nguyên – Thương vụ ấn thư quán – 1939
    辭 源 – 商 務 印 書 館 – 上 海 – 民 國 三 十 八 年. [Từ Nguyên - 1939]

  4. Trung văn Đại Từ điển – Trương Kỳ Quân giám tu – Trung văn Đại từ điển biên soạn Ủy viên hội biên soạn – Trung Quốc Văn hóa học viện xuất bản – Đài Bắc – Trung Hoa Dân Quốc ngũ thập thất niên (1968) – bộ 40 quyển.
    中 文 大 辭 典 張 其 畇 監 修 , 中 文 大 辭 典 編 纂 委 員 會 編 纂 , 中 國 文 化 學 院 出 版 , 台 北 , 中 崋 民 國 五 十 七 年 (1968) – 全 四 十 冊. [Trung Văn ĐTĐ - 1968]

  5. Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển – Tang Lệ Hòa (và một nhóm) chủ biên – Thương vụ ấn thư quán – 1933 (tái bản từ bản in lần đầu năm 1931)
    中 國 古 今 地 名 大 辭 典 – 臧 勵 龢 等 編 – 商 務 印 書 館 – 公 元 一 九 三 三 年. [Địa danh TĐ - 1933]

  6. Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển – Đái Quân Lương (và một nhóm) chủ biên, đơn vị chủ biên: Bộ Dân chính Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc và Đại học Phục Đán. Thượng Hải từ thư xuất bản xã – 2005 (xuất bản lần 1 - 3 tập).
    中 國 古 今 地 名 大 辭 典 – 戴 均 良 – 等 主 編 – 主 編 單 位﹕中 崋 人 民 共 和 國 民 正 部, 复 旦 大 學 – 上 海 辭 書 出 版 社 – 2005 – 上 中 下 三 冊 – 第 一 次 印 版. [Địa Danh TĐ - 2005]

  7. Trung Quốc lịch sử đại từ điển – Trịnh Thiên Đĩnh (và một nhóm) chủ biên. Thượng Hải từ thư xuất bản xã. 2000. (2 tập)
    中 國 歷 史 大 辭 典 – 鄭 天 挺 等 主 編 -上 海 辭 書 出 版 社 – 2000 – 上 下 二 冊. [Lịch sử TĐ - 2000]

  8. Encyclopedia Britannica – bản Trung văn – Đan Thanh đồ thư hữu hạn công ty xuất bản – Đài Bắc. 1987. (20 tập).
    大 不 列 顛 百 科 全 書 – 中 文 版 – 丹 青 圖 書 有 限 公 司 – 1987 年 新 編 – 台 北 – 民 國 七 十 六 年 – 全 二 十 冊. [Britannica – Trung Văn - 1987]

  9. Tối tân thế giới địa đồ tập – Trung học giáo khoa thích dụng – Đàm Liêm – Thương vụ ấn thư quán ấn hành – 1938. (Tái bản lần thứ 7 từ bản 1935).
    最 新 世 界 地 圖 集 – 中 學 教 科 適 用 – 譚 廉 編 – 商 務 印 書 館 印 行 – 中 崋 民 國 二 十 七 年.[Thế giới ĐĐT - 1938]

  10. Trung Hoa dân quốc địa đồ tập – tập 4 – Trung Quốc Nam Bộ - Trương Kỳ Quân chủ biên. Quốc Phòng Nghiên cứu viện và Trung Quốc địa học nghiên cứu sở hợp tác ấn hành – 1964. (Tái bản lần 2 từ bản 1962, bộ 5 tập).
    中 崋 民 國 地 圖 集 – 第 四 冊 – 中 國 南 部 – 張 其 畇 主 編 – 國 防 研 究 院 與 中 國 地 學 研 究 所 合 作 印 行 – 中 崋 民 國 五 十 三 年 – 全 五 冊. [Trung Hoa ĐĐT – Nam Bộ 1964]

  11. Cộng phỉ cát cứ hạ đích Trung Quốc đại lục phân tỉnh địa đồ tham khảo tư liệu. Trương Kỳ Quân giám biên. Quốc Phòng Nghiên cứu viện, Địch tình Nghiên cứu sở - Trung Quốc văn hóa học viện, Đại lục cận huống Nghiên cứu sở hợp tác ấn hành. Đài Bắc. 1967.
    共 匪 割 倨 下 的 中 國 大 陸 分 省 地 圖 參 考 資 料 -張 其 畇 監 編 – 國防 研 究 院 敵 情 研 究 所 與 中 國 文 化 學 院 大 陸 近 況 研 究 所 合 作 印 行 – 台 北 –中 崋 民 國 五 十 五 年. [Đại lục ĐĐT – 1967]

  12. Quảng Đông Lịch sử địa đồ tập – Quảng Đông lịch sử địa đồ tập biên tập ủy viên hội biên - Tư Đồ Thượng Kỷ chủ biên. Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã xuất bản. Quảng Châu 1995.
    廣 東 歷 史 地 圖 集 -廣 東 歷 史 地 圖 集 編 集 委 員 會 編 – 司 徒 尚 紀 主 編 – 廣 東 省 地 圖 出 版 社 – 廣 州 – 1995. [Quảng Đông LSĐĐT - 1995]

  13. Trung Quốc sử cảo địa đồ tập – Quách Mạt Nhược chủ biên. Địa đồ xuất bản xã xuất bản. 1980. (Bộ 2 tập).
    中 國 史 稿 地 圖 集 – 郭 沫 若 主 編 – 地 圖 出 版 社 出 版 – 北 ĩ京 1980 – 全 二 冊. [Sử cảo ĐĐT - 1980]

  14. Trung Quốc lịch sử địa đồ tập – Đàm Kỳ Tương chủ biên – Địa đồ xuất bản xã xuất bản. 1982. (bộ 8 tập).
    中 國 歷 史 地 圖 集 – 譚 其 驤 主 編 – 地 圖 出 版 社 員 出 版 – 北 京 1982 – 全 八 冊. [Lịch sử ĐĐT - 1982]

  15. Thế giới địa đồ sách – Hàn Tiểu Võ biên tập – Tây An địa đồ xuất bản xã xuất bản phát hành - Trung ngoại văn đối chiếu – Tây An 2004
    世 界 地 圖 冊 – 韓 小 武 編 集 – 西 安 地 圖 出 版 社 出 版 – 中 外 文 對 照 – 西 安 2004. [Thế giới ĐĐS - 2004]

  16. Trung Quốc phân tỉnh giao thông đồ sách – Giang Vĩnh Hân chủ biên – Tinh Cầu địa đồ xuất bản xã xuất bản – Bắc Kinh 2000
    中 國 分 省 交 通 圖 冊 - 江 永 欣 主 編 – 星 球 地 圖 出 版 社 出 版 – 北 京 2000. [Giao thông ĐS - 2000]

  17. Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc địa đồ. TL: 1/6.000.000. Cục trắc hội bộ Tổng tham mưu biên chế. Tinh Cầu địa đồ xuất bản xã. Bắc Kinh. 2000.
    中 崋 人 民 共 和 國 地 圖 – 比 例 尺 1: 6.000.000 – 總 參 謀 部 – 測 會 局 編 制 -星 球 地 圖 出 版 社 – 北 京 2000. [Trung Quốc ĐĐ - 2000]
Ngoài bảng thư mục nêu trên, các trích dẫn từ sách khác sẽ liệt vào phần chú thích.


Chương I

Nam Hải Chư Đảo – 南 海 諸 島 - South China Islands – đảo danh trong thư tịch hiện đại

Nam Hải với diện tích 3.400.000 km2 trải dài từ bắc xuống nam 2.900 km, và từ đông sang tây 967 km, giới hạn bởi bán đảo Malaysia, lục địa Đông Nam Á và các đảo: Đài Loan, Philippines, Brunei.

Nam Hải chư đảo là tên gọi chung tất cả các đảo và quần đảo ở biển Nam Trung Hoa gồm Đông Sa 東 沙, Tây Sa 西 沙 , Trung Sa 中 沙 , Nam Sa quần đảo 南 沙 群 島, Hoàng Nham đảo 黃 岩 島 và một số đảo linh tinh khác. Trước ngày 13-4-1988, Nam Hải chư đảo thuộc sự quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông. Sau ngày ấy, tỉnh Quảng Đông chỉ quản lý Đông Sa quần đảo, các quần đảo và đảo khác do tỉnh Hải Nam (tách ra từ Quảng Đông) quản lý.

Đông Sa quần đảo ở vị trí 200 33’ ~ 210 10’ vĩ độ Bắc và 1150 54’ ~ 1160 57’ kinh độ Đông, quần đảo này hợp thành bởi Đông Sa đảo 東 沙 島, Đông Sa tiêu 東 沙 礁, Nam Vệ than 南 衛 灘 và Bắc Vệ than 北 衛 灘.

Tây Sa quần đảo gồm 30 đảo, châu sa, tiêu, than [2] hợp thành, phân tản trong khoảng vị trí 150 47’ ~ 170 08’ vĩ độ Bắc và 1110 10’ ~ 1120 55’ Kinh độ Đông, phân làm hai nhóm: phía đông là Tuyên Đức quần đảo宣 德 群 島, hợp thành bởi Triệu Thuật đảo 趙 述 島 , Bắc đảo 北 島, Trung đảo 中 島 , Nam đảo 南 島 , Thạch đảo 石 島 , Vĩnh Hưng đảo 永 興 島 , Đông đảo 東 島 . Trong đó Vĩnh Hưng đảo với diện tích 1,85 km2 [3] , là đảo lớn nhất trong các đảo Nam Hải, là trung tâm hành chính của Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa quần đảo thuộc tỉnh Quảng Đông [4] . Phía tây là Vĩnh Lạc quần đảo永 樂 群 島 , hợp thành bởi Kim Ngân đảo 金 銀 島 , Cam Tuyền đảo 甘 泉 島 , San Hô đảo 珊 瑚 島 , Tấn Khanh đảo 晉 卿 島 , Thâm Hàng đảo 深 航 島 , Thiên Kim đảo 千 金 島 , Trung Kiến đảo 中 建 島 . San Hô đảo cao hơn mặt nước biển 9,1 m, trên đảo lập trạm khí tượng.

Trung Sa quần đảo ở vị trí 150 24’ ~ 160 15’ vĩ độ Bắc và 1130 40’ ~ 1140 57’ kinh độ Đông, hợp thành bởi 20 bãi cái ngầm đá ngầm vẫn chưa lộ lên khỏi mặt biển.

Nam Sa quần đảo ở vị trí 110 29’ vĩ dộ Bắc đến gần 40 vĩ độ Bắc, Tây từ 1090 30’ kinh độ Đông, đông đến 1170 50’ kinh độ Đông, hợp thành bởi 100 đảo, châu, tiêu, sa, than, trong đó khoảng 20 đảo vả bãi cát vượt khỏi mặt biển. Các đảo chính gồm: Bắc Tử đảo 北 子 島, Nam Tử đảo 南 子 島 , Trung Nghiệp đảo 中 業 島 , Nam Thược đảo 南 鑰 島 , Thái Bình đảo 太 平 島 , Cảnh Hoằng đảo 景 宏 島 , Tây Nguyệt đảo 西 月 島 , Mã Hoan đảo 馬 歡 島, Nam Uy đảo 南 威 島 …

[Britannica – Trung văn - 1987. tập 11. tr. 178] [5]

Đoạn văn trích dịch trên đây có thể coi là tiêu biểu cho sự định danh và định vị các quần đảo ở Nam Hải theo chủ kiến của các nhóm tác giả chuyên về việc biên soạn Từ điển, cụm từ Nam Hải chư đảo ra đời rất muộn, các bộ [Trung Văn ĐTĐ - 1968], [Từ Hải 1947], [Từ Nguyên 1939], [Địa Danh TĐ - 1933] không thấy liệt nhập. Riêng trong [Địa Danh TĐ - 2005] do phân tán phần định nghĩa riêng từng mục từ của 4 quần đảo nên mục từ Nam Hải chư đảo được tóm lược vắn tắt hơn nhiều so với [Britannica – Trung Văn - 1987].


1. Đông Sa quần đảo – Pratas Islands

Đông Sa đảo theo ghi nhận của [Trung Văn ĐTĐ - 1968] có nội dung như sau:

“Đông Sa đảo trong biển Nam Hải về phía nam thành phố Sán Đầu – tỉnh Quảng Đông, còn gọi là Thiên Lý Thạch Đường, người phương Tây gọi là đảo Pratas (hài âm Hán: Bố-lạp-đa-tư). Nơi này là điểm trọng yếu của tuyến đường biển đi Hương Cảng, Lữ Tống [Luzon] và Nam Dương [Indonesia]. Ven bờ có nhiều hải sản, thủy sinh vật và chất lân tinh. Đã xây dựng đài khí tượng, trạm điện tín vô tuyến và hải đăng.” [6]

Xét thêm trong [Địa Danh TĐ - 2005] phần viết về Đông Sa có câu: “Đông Sa quần đảo vị trí tối bắc” [7] , theo sát nghĩa câu này thì sự định vị “tối bắc” (cực bắc) hẳn Đông Sa quần đảo lấy Trung Sa quần đảo làm trung tâm. Sự vô lý của việc lấy Trung Sa làm trung tâm sẽ được bàn sau, đây ta đang xét về Đông Sa. Trong 4 quần đảo ở Nam Hải, Đông Sa ở một vị trí trọng yếu về hải thương và quân sự, vào đời Quang Tự [1875 - 1908] nhà Thanh, Đông Sa từng bị người Nhật chiếm lấy, làm nơi đầu tư doanh thương, đổi tên Đông Sa là Tây Trạch đảo 西 澤 島 (Nishizawa - tên riêng của thương nhân người Nhật). Về sau Chính phủ Thanh triều phải bỏ ra 30 vạn lạng bạc để chuộc lại, phục hồi tên cũ là Đông Sa. Tên gọi Đông Sa vốn căn cứ vào thư tịch văn hiến khá muộn. Đảo danh này chỉ xuất hiện từ đời Thanh như một đoạn văn trong sách Hải lục 海 錄 [8] đã viết: “Đông Sa là bãi cát nổi lên giữa biển, ở phía đông Vạn Sơn, nên mới gọi tên là Đông Sa[9] . Vạn Sơn tức Vạn Sơn trấn, nay là phía đông nam khu Hương Châu 香 洲 , thành phố Châu Hải 珠 海 , tỉnh Quảng Đông. Như vậy, trong Nam Hải chư đảo, Đông Sa không thể và chưa từng theo hệ quy chiếu phía Nam, tức lấy Trung Sa làm trung tâm điểm. [10]

Bản đồ Đặc khu hành chính Hải Nam
Hình 1: Bản đồ Đặc khu hành chính Hải Nam, Nguồn: [Trung Hoa ĐĐT – Nam Bộ 1964].

2. Trung Sa quần đảo

Trung sa là quần đảo trung tâm của Nam Hải chư đảo, là cái cớ đặt định danh nghĩa tứ phương. Về tên gọi, Trung Sa được mệnh danh để hợp lý hoá tổng thể Nam Hải chư đảo, thực chất Trung Sa chưa thể gọi là quần đảo, nếu định danh cho phù hợp thực trạng thì phải gọi là Trung Sa quần âm sa 中 沙 群 暗 沙 hoặc Trung Sa quần âm tiêu 中 沙 群 暗 礁 . Theo [Đại Lục ĐĐT - 1967]: “Thị toàn bộ tiềm phục tại hải diện hạ đích san hô tiêu. Âm tiêu cự ly thủy diện ước 20 mễ/ ị是 全 部 潛 伏 在 海 面 下 的 珊 瑚 礁 。 暗 礁 距 離 水 面 約 20 米” [trang 27, mặt sau]. Bãi san hô và đá ngầm (ở vị trí 150 24’ ~ 160 15’ vĩ độ Bắc và 1130 40’ ~ 1140 57’ kinh độ Đông) nằm sâu dưới mặt nước biển khoảng 20 mét nhận vai trò thống lĩnh chư đảo ư?

Đáng ngạc nhiên hơn, cái bãi đá trung ương chìm nghỉm ấy – chí ít là – cho đến năm 1947, lại mang cái tên Nam Sa quần đảo, điều này được thể hiện rõ trong [Thế giới ĐĐT - 1938] phần địa đồ trang 3, trang 4, trang 6 và phần Phụ thuyết. “Trung Hoa dân quốc – Địa văn khái huống中 崋 民 國 – 地 文 概 況”, trích một đoạn ngắn như sau:

“Trung Hoa dân quốc nằm ở Đông Nam Á châu. Bờ phía Đông là Hoàng Hải, Đông Hải và quần đảo Nhật Bản, nhìn ngang sang các thuộc địa [của Nhật] là Lưu Cầu [Ryukyu], Đài Loan. Bờ Đông nam là Nam Hài với Đông Sa đảo, Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo, Đoàn Sa quần đảo…”. [11]

Bản đồ chính trị châu Á
Hình 2: Bản đồ chính trị châu Á. Nguồn: [Thế giới ĐĐT - 1938]

Đây đang nói về Đông Sa, chưa phân tích danh xưng Đoàn Sa quần đảo. Một tài liệu khác thừa nhận Trung Sa ngày nay với tên gọi Nam Sa quần đảo là [Từ Hải - 1947],

“Nam Sa quần đảo ở phía đông nam đảo Hải Nam nước ta, giữa biển Nam Hải, là nơi trọng yếu của tuyến đường đến Nam dương.” [12]

Tất nhiên, sự mô tả trên đây của [Từ Hải - 1947] là chỉ Nam Sa quần đảo ở gần Tây Sa, tức là Trung Sa ngày nay, bởi sách này đã liệt nhập mục từ Đoàn Sa quần đảo để nói về Nam Sa hiện nay. Như vậy, chí ít là trong khoảng 10 năm, từ 1938 đến 1947, Trung Sa quần đảo có tên gọi Nam Sa quần đảo (từ đây sẽ viết là Nam Sa cũ). Xét cho cùng, Trung Sa (Nam Sa cũ) chỉ là một hư ngụy quần đảo, được đặt để lập cập, bất nhất danh xưng. Bãi đá ngầm chìm sâu ấy được thể hiện trên hầu hết các bản đồ hiện đại với ký hiệu địa mạo tương đồng với ký hiệu địa mạo các đảo dự nổi cao khác. Ngày nay, các từ điển bách khoa tổng hợp như [Từ Hải – 2003] đến từ điển chuyên về địa danh lịch sử như [Địa danh TĐ - 2005] khi viết về quần đảo này đã cho biến mất chi tiết quan trọng trong lịch sử, là, nó đã từng mang tên “Nam Sa quần đảo”.

Ngoài ra, một đảo danh khác (cách Trung Sa gần 200 km về hướng đông nam) là Hoàng Nham đảo ngày nay cũng có vấn đề thay đổi đảo danh tương tự, vì trước năm 1964, trong [Trung Hoa ĐĐT - 1964] đảo này đã mang tên là Nam Nham 南 巖. Chi tiết đổi “Nam Nham” thành “Hoàng Nham” góp phần khẳng định rằng các nhà quy hoạch Nam Hải chư đảo chưa thỏa mãn với việc xem Nam Nham là đảo cực nam của Nam Hải. Cho nên, ý đồ đẩy “phương nam” xa dần về cực nam bằng cách thay chữ “Nam” trong tên gọi các đảo cực nam bằng những từ khác (chẳng hạn: Nam Sa thành Trung Sa, Nam Nham thành Hoàng Nham) được thực hiện tuần tự và có hệ thống.

Bản đồ chính trị châu Á
Hình 3: Đảo Nam Nham, trích 1 phần địa đồ C19, C20 trong [Trung Hoa ĐĐT - 1964]

Bản đồ chính trị châu Á
Hình 3b: Đảo Hoàng Nham, một phần địa đồ “Nam Hải chư đảo” trong [Đại Lục ĐĐT - 1966] tr. 27

© 2008 talawas


[1]Với mục đích mở rộng đối tượng độc giả và để thuận tiện trong việc tra cứu, kiểm chứng tài liệu trích dẫn – hầu hết từ thư tịch Trung Quốc – người viết sẽ sử dụng danh xưng Nam Hải 南 海 , Tây Sa西 沙 , Nam Sa 南 沙 … thay vì gọi Biển Đông 東 海 , Hoàng Sa黃 沙, Trường Sa長 沙… như cách gọi chính thức của Việt Nam.
[2]Đảo, châu, sa, tiêu, than là cách xác định hình trạng cụ thể các loại cù lao nổi hoặc chưa nổi trong biển; đảo: được xem là khái niệm chung, là cù lao, bãi đất nổi lên giữa biển; châu: bãi cù lao, có chỗ ở được; sa: đất cát, bãi cát, nơi có đá vỡ rải rác trong nước; tiêu (âm khác đọc là tiều): đá mọc ngầm trong biển hoặc cù lao có diện tích nhỏ hơn đảo; than: nơi nước cạn có nhiều bãi đá làm cho dòng nước chảy nhanh, là khu vực nguy hiểm đối với tàu thuyền. Vì không tìm được từ tiếng Việt tương đương với một số từ trong cụm từ này, nên chúng tôi giữ nguyên âm.
[3][Từ Hải - 2003] ghi nhận diện tích đảo Vĩnh Hưng là 1,68 km2 (tr. 1815, mục từ “Tây Sa quần đảo”).
[4][Britannica – Trung Văn - 1987] được tham khảo in năm 1987, thời điểm này Hải Nam chưa tách khỏi Quảng Đông, nên Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa quần đảo vẫn thuộc sự quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông.
[5]Theo quy ước nêu ở phần “Dẫn luận”, đúng ra chúng tôi không dùng đoạn văn này trong tập khảo luận, vì Britannica được biên soạn do một quốc gia khác Trung Quốc. Nhưng, theo sự thỏa thuận của Đặng Tiểu Bình với tổng giám đốc Encyclopedia – Britannica ký tại Bắc Kinh - 1985, thì các học giả Trung Quốc đảm nhận việc biên soạn lại những mục từ có liên quan đến Trung Quốc, vì vậy, chúng tôi sử dụng đoạn Trung văn trích dịch này.
[6]Đông Sa đảo tại Quảng Đông tỉnh Sán Đầu thị nam Nam hải trung diệc xưng Thiên Lý Thạch Đường, Tây nhân xưng vi Bố-lạp-đa-tư đảo – Pratas I. – địa đương Hương Cảng, Lữ Tống cập Nam dương quần đảo hàng tuyến chi yếu xung, diên ngạn nhiêu ngư sản, thủy thảo cập lân, hữu quan tượng đài, vô tuyến điện tín cập đăng tháp.
東 沙 島 在 廣 東 省 汕 頭 市 南 南 海 中。 亦 稱 千 里 石 塘 。 西 人 稱 為 布 拉 多 斯 島 (Pratas I.) 地 當 香 港, 呂 宋 及 南 洋 群 島 航 線 之 要 衝, 沿 岸 饒 魚 產, 水 草 及 燐。 有 觀 像 臺, 無 線 電 信 及 燈 臺 。[Trung Văn ĐTĐ - 1968] – tập 17 – tr. 6972.
[7]東 沙 群 島 位 置最 北 (quyển trung, tr. 2104)
[8]Theo [Từ Hải - 2003], sách Hải Lục do người đời Thanh là Tạ Thanh Cao 謝 清 高 thuật lại cho Dương Bỉnh Nam 楊 炳 南 chép (có thuyết cho là Ngô Lan Tu 吳 蘭 修 chép). Học giả hiện đại Phùng Thừa Quân 馮 承 鈞 chú thích, phân thành ba quyển (tr. 620).
[9]Đông Sa giả, hải trung phù sa dã, tại Vạn Sơn Đông, cố xưng vi Đông Sa/ 東 沙 者 海 中 浮 沙 也 在 萬 山 東 故 稱 為 東 沙 [Địa Danh TĐ – 2005 – tập thượng. tr. 832]
[10]Về căn nguyên – Đông Sa từng có tên là Thiên Lý Thạch Đường như sự ghi nhận của [Trung Văn ĐTĐ - 1968]. Đảo danh Thiên Lý Thạch Đường – trong nhiều thời điểm – được dùng đặt tên cho nhiều quần đảo khác nhau trong Nam Hải chư đảo. Sự nhập nhằng này sẽ được phân tích làm rõ trong chương II. Mặt khác, theo ghi nhận của [Quảng Đông LSĐĐT - 1995], quần đảo Đông Sa còn có các cổ danh như: Nam Áo Khí 南 澳 氣 , Khí Sa Đầu 氣 沙 頭 , Lạc Tế 落 漈 , vì vậy, chúng có sự liên đới danh xưng với các nhóm đảo khác trong Nam Hải chư đảo, vấn đề này cũng sẽ được phân tích rõ hơn ở chương II.
[11]Trung Hoa dân quốc vị Á châu đích Đông Nam bộ. Đông tân Hoàng Hải, Đông Hải hòa Nhật Bổn quần đảo cập tha đích thuộc địa Lưu Cầu, Đài Loan dao đối. Đông Nam tân Nam Hải dĩ Đông Sa đảo, Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo, Đoàn Sa quần đảo…/中 崋 民 國 位 亞 洲 的 東 南 部 。 東 賓 黃 海 東 海 和 日 本 群 島 及 他 的 屬 地 琉 球 臺 灣 遙 對 ; 東 南 賓 南 海 以 東 沙 島 西 沙 群 島 南 沙 群 島 團 沙 群 島 …” [Thế giới ĐĐT - 1938]. (tr. 9).
[12]Tại ngã quốc Hải Nam đảo đông nam, Nam Hải trung, dương Nam dương hàng tuyến chi yếu xung / 在 我 國 海 南 島 東 南, 南 海 中, 當 南 洋 航 線 之 要 衝 (Tử tập, tr. 221).