trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
15.1.2008
Phạm Hoàng Quân
Bắc Kinh diên cách tên các đảo ở biển Đông để chứng minh chủ quyền
(Nam Hải chư đảo danh xưng sơ khảo)
 1   2 
 
3. Tây Sa quần đảo (Paracel Islands)

Sự lẫn lộn và muộn màng của tên gọi Trung Sa ở bãi đá ngầm “trung ương” như nêu trên dẫn đến luận thuyết “chữ Tây trong Tây Sa hàm nghĩa Tây nhân”, chúng không hề mang ý nghĩa là một quần đảo ở hướng tây. Hãy quan sát bản đồ, đối với Bắc Kinh thì Tây Sa ở hướng nam, đối với Quảng Châu thì Tây sa cũng ở hướng nam, còn đối Hải Nam thì Tây Sa ở về hướng đông nam. Mặt khác, về niên đại xuất hiện đảo danh, Tây Sa có trước Trung Sa nên Trung Sa không thể là căn cứ để định danh hướng tây của Tây Sa. Như vậy, Tây Sa không có chứng cứ để hợp thức tên gọi mang nghĩa quần đảo ở hướng Tây. Trong khi đảo danh Đông Sa được bảo chứng bởi một câu trong sách Hải Lục: “Đông Sa giả, hải trung phù sa dã, tại Vạn Sơn đông, cố xưng vi Đông Sa” [Địa danh TĐ - 2005], thì học giới Trung Quốc với đầy ắp sử liệu trong tay, vẫn không tìm được một câu bảo chứng đủ quyền uy như thế đối với Tây Sa, để có thể lý giải ý nghĩa “hướng tây” trong chữ “Tây Sa” từ đâu mà có?

Sau đây, sẽ củng cố luận thuyết “Tây Sa quần đảo là quần đảo được định danh không theo phương hướng”. Các thương nhân Trung Hoa - trong các cuộc hải thương – đặt chân đến Tây Sa khi quần đảo này đã mang sẵn những cái tên do người phương Tây đặt gọi, sau những kỳ gặp gỡ, mua bán, trở về xứ, họ bảo với nhau về sự có mặt của Tây nhân, các đảo dự thì được gọi bằng Tây danh, và họ gọi Tây Sa với hàm nghĩa là quần đảo có nhiều người Tây, tên đảo mang tên của người Tây đặt định. Cho đến năm 1933, các hòn đảo to nhỏ ở quần đảo này còn chưa có một Hán danh nào.

“Tây Sa quần đảo, tại phía đông nam cảng Du Lâm, huyện Lục Thủy, tỉnh Quảng Đông, xưa gọi là Thất Châu Dương. Người Tây đặt tên là Paracels [hài âm: Bạt-Lạp-Tắc-Nhĩ], là điểm phải ngang qua của con đường giao thông Hương Cảng và Nam Dương. Nước biển sâu và nhiều đá ngầm, bãi cát bồi mọc nhiều loại rong biển, được gọi là con đường nguy hiểm. Quần đảo phân đông tây hai nhóm, nhóm phía đông là quần đảo (Group) Amphitrite [A-Phi-Đặc-Lý-Đặc], nhóm phía tây là quần đảo Crescent [Kỵ-Ni-Tiên]. Cuối đời Thanh, quan lại Quảng Đông đã đến quản lý, từng cho người đến điều tra. Quần đảo Amphitrite lại phân làm hai nhóm đông và tây, tại phía đông nam là hai đảo Racky [Lạc-Vong], Woody [Khoát-Địa]; tại phía tây bắc gồm 4 đảo, gần bên là hai bãi đá lớn trải rộng, điểm trên cùng phía bắc là đảo Tree [Đích-Lợi], đá trải từ bắc quanh qua tây đối ngang với bãi đá lớn phía nam. Ở phía nam là bãi đá trải vòng từ tây bắc qua đông nam, đều nhô lên cao, một dải bắc trung nam ba đảo. Crescent quần đảo gồm lớn nhỏ 6 đảo gần nhau [bốn đảo lớn] là: Drummond [Đỗ-Lâm-Môn], Pattle [Bát-Đỗ-La], Robert [La-Bạt], Money [Văn-Ni], đá ngầm nối liền nhau hình dạng như trăng non, Crescent có nghĩa là trăng non [lưỡi liềm].” [1]

Riêng về phương diện đảo danh mà xét, cho đến năm 1968, mục từ “Tây Sa quần đảo” trong [Trung Văn ĐTĐ - 1968] vẫn còn giữ cách phiên âm từ Tây danh của quần đảo này là “Ba-lạp-tắc-nhĩ” 巴 拉 塞 爾 (tập 30 - tr. 13220) như [Địa Danh TĐ – 1933] đã ghi nhận. Chỉ đến gần đây, các bộ từ điển như [Từ Hải - 2003], [Địa danh TĐ - 2005] mới loại hẳn các yếu tố nguyên gốc Tây danh mà [Địa danh TĐ - 1933] và [Trung Văn ĐTĐ - 1968] đã thâu nhập, ngay cả trong [Britannica – Trung Văn - 1987], bộ bách khoa thư tiêu chuẩn trên bình diện quốc tế, cũng không tìm đâu ra các cựu danh đã từng xuất hiện. Đáng phê bình nhất là nhóm học giả biên soạn “Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển – 2005”, họ đã đi ngược lại tiêu chí – mà tên sách đã nêu – khi biên sạn các mục từ về các quần đảo ở Nam Hải, mà trường hợp Tây Sa là tiêu biểu:

“Tây Sa quần đảo, xưa gọi là Cửu Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương, Thất Châu đảo. Là một trong bốn quần đảo lớn ở biểnNam Trung Quốc, thuộc tỉnh Hải Nam, cách đảo Hải Nam 330 km về hướng đông nam. Với hai nhóm đảo lớn là Tuyên Đức và Vĩnh Lạc, cùng các đảo, đá khác. Các đảo lớn chủ yếu là Vĩnh Hưng, Triệu Thuật, San Hô, Cam Tuyền, Trung Kiến và đảo Đông…”. [2]

Về các cổ danh xưng như: Cửu Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương, Thất Châu đảo sẽ phân tích cụ thể ở chương II, đây chỉ xem như một dẫn chứng để quán xuyến về sự thay đổi đột ngột của các đảo danh. Mặt khác, muốn nhắc lại ràng, bản nghĩa của danh xưng Tây Sa trong một giai đoạn lịch sử, không phải là “quần đảo nằm ở phía tây Trung Sa” như các từ điển tiêu chuẩn xuất bản gần đây ngụy thuật.

Tây Sa ngày nay (2007) với Vĩnh Hưng đảo có diện tích gần 2 km2, là hòn đảo lớn nhất cùa quần đảo và Nam Hải chư đảo, sắp trở thành Thị sảnh Tam Sa thị, là trung tâm quân sự và kinh tế, trên đảo hiện tồn các di tích “cô hồn miếu”, “quần đảo kỷ niệm bi”, “Nhật Bản pháo lâu di chỉ”, “Trung Quốc Nam hải chư đảo công trình kỷ niệm bi” và cơ quan nghiên cứu “Hải dương bác vật quán”, trạm radar quân sự mang tên “Tây Sa minh châu”. “Quần đảo kỷ niệm bi” (Bia kỷ niệm quần đảo) khắc dòng chữ: “Bia kỷ niệm hải quân lấy lại quần đảo Tây Sa – ngày 24 tháng 11 năm Dân Quốc thứ 35 (1946) – Trương Quân Nhiên dựng bia” [3] .


4. Nam Sa quần đảo (Spratly Islands)

Đảo danh Nam Sa, trong vài thập niên, đã hai lần được sử dụng để đặt tên cho hai quần đảo hoàn toàn khác nhau. Lần thứ nhất, khoảng đầu thế kỷ XX đến trước 1949, đảo danh Nam Sa là tên của quần đảo Trung Sa hiện nay (chúng tôi đã gọi là “Nam Sa cũ” trong mục “Trung Sa quần đảo” trên đây). Lần thứ hai, sau năm 1949, đảo danh Nam Sa bỗng dưng được thay cho một quần đảo khác vốn có tên là: Đoàn Sa. Có thể hình dung việc ấy như sau: trước năm 1949, cây trụ đá khắc dòng chữ “Nam Sa quần đảo” được đóng ở bãi đá ngầm “trung ương” (mà hiện nay mang tên “Trung Sa quần đảo”), sau năm 1949, cây trụ đá trên được đưa đi hơn 500 km về phương nam đóng vào bãi đá có tên là Đoàn Sa quần đảo. Từ ngày ấy, cái tên Đoàn Sa biến mất trên các loại từ điển và bản đồ Nam Hải chư đảo.

Đảo danh Đoàn Sa được [Từ Hải - 1947] liệt nhập riêng thành một mục từ và ghi nhận như sau:

“Đoàn Sa quần đảo ở trong biển Nam, tại phía đông nam đảo Hải Nam nước ta, còn gọi là Tizard Bank, vị trí ở trong khoảng Bà La Châu [Côn Lôn đảo] nước An Nam và Philippines, là nơi trọng yếu của tuyến đường biển đi Nam Dương, nơi quan trọng trong việc phòng vệ biển của nước ta. Trên đảo có thực vật thân thấp, quanh đảo có nhiều hải sản. Năm Dân Quốc thứ 22 [1933] nước Pháp chiếm lấy, hiện đang trong vòng đàm phán” [4] .


Trung Hoa Dân Quốc
Trung Hoa Dân Quốc
Hình 4: Trung Hoa Dân Quốc, trong [Thế giới ĐĐT – 1938], tr. 4.

Xiêm La An Nam cập Nam dương quần đảo
Xiêm La An Nam cập Nam dương quần đảo
Hình 5: Xiêm La An Nam cập Nam dương quần đảo, trong [Thế giới ĐĐT – 1938], tr. 6.

Ngoài sự ghi nhận của [Từ Hải - 1947], đảo danh Đoàn Sa được in rõ trên bốn bức địa đồ trong sách “Tối tân thế giới địa đồ tập – 1938”, xếp thứ tự như sau:
  1. Á Tế Á địa hình (亞 細 亞 地 形 – Asia Physical), địa đồ tỷ lệ 1/57.000.000 (tr.2 trong sách dẫn).
  2. Á Tế Á chính khu (亞 細 亞 政 區 Asia Political), địa đồ tỷ lệ 1/57.000.000 (tr. 3 trong sách dẫn, hình 2 trong bài viết, phần Trung Sa).
  3. Trung Hoa Dân Quốc/ 中 崋 民 國 địa đồ tỷ lệ 1/27.000.000 (tr. 4 trong sách dẫn, hình 4 trong bài viết).
  4. Tiêm La, An Nam cập Nam Dương quần đảo (暹 羅, 安 南 及 南 洋 群 島 Siam, Annam & East Indies), địa đồ tỷ lệ 1/26.000.000 (tr. 6 trong sách dẫn, hình 5 trong bài viết).
Trong bức địa đồ “Tiêm-La, An Nam cập Nam Dương quần đảo” có điểm đáng lưu ý là, hệ thống đảo danh Đoàn Sa quần đảo đều được hài âm hoặc chuyển nghĩa từ Tây danh, cụ thể như sau:
  • 雙 島 [Song đảo] – Two Islets
  • 勞 達 島 [Lao-Đạt đảo] – Loaita Bk
  • 堤 沙 淺 洲 [Đê-Sa-Thiển-Châu] – Tizard Bk
  • 帝 都 島 [Đế đô đảo] – Thitu
  • 斯 巴 得 來 島 [Tư-Ba-Đắc-Lai đảo] – Spratly
  • 安 埧 那 島 [An-Cụ-Na đảo] – Amboyna
Phối hợp sự ghi nhận của [Từ Hải - 1947] và [Thế giới ĐĐT - 1938] về các đảo danh, sẽ thấy rõ rằng: các loại đảo danh như Trịnh Hòa 鄭 和 , Phí Tín 費 信 , Mã Hoan 馬 歡 là loại ra đời rất muộn, cùng với tên mới là Nam Sa quần đảo, chúng lục tục xuất hiện sau năm 1949 [5] .

Nam Sa quần đảo trong các từ điển gần đây ghi nhận đều không thấy nhắc đến đảo danh Đoàn Sa như một tiền danh có thực, [Trung Văn ĐTĐ - 1968] ghi nhận về Nam Sa như sau:

“Nam Sa quần đảo nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam – tỉnh Quảng Đông, là nơi cực nam của lãnh thổ nước ta, nằm trong khoảng 40 đến 110 30’ vĩ độ bắc và 1090 30’ đến 1170 50’ kinh độ đông, bao quát chín mươi bảy đảo, tiêu, than và âm sa, nhóm Trịnh Hòa quần tiêu là rộng nhất, góc tây bắc là đảo Thái Bình – lớn nhất quần đảo. Quần đảo này nằm nơi quan yếu trên đường biển đi Nam Dương. Nam Sa quần đảo cũng là một bộ phận trong quần thể với Đông Sa và Tây Sa quần đảo.” [6]

Qua đoạn văn trên, tên cũ Đoàn Sa của quần đảo này không thấy ghi nhận, việc định vị điểm cực nam cũng còn rất mơ hồ (chưa thấy đảo danh Tăng Mẫu Âm Sa xuất hiện), khác với [Địa danh TĐ - 2005] viết như sau về Nam Sa quần đảo:

“Nam Sa quần đảo là quần đảo ở cực nam trong bốn quần đảo lớn của Nam Hải chư đảo, Trung Quốc, đảo và đá ngầm nhiều nhất, phân tán rộng nhất, thuộc tỉnh Hải Nam. Các đảo dự chủ yếu gồm: Thái Bình, Nam Uy, Trung Nghiệp, Cảnh Hoằng, Hồng Hưu, Quý [Phí] Tín, Mã Hoan, bãi đá ngầm Dương Minh và các bãi Vạn An, Lễ Nhạc, Hải Mã. Thái Bình là đảo lớn nhất với diện tích 0,43 km2… Tăng Mẫu Âm sa là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc [7] . Đáy biển có mỏ dầu với trữ lượng lớn”. [8]

Ngoài ra, một ít dữ liệu trong [Đại Lục ĐĐT – 1967] còn cho biết thêm cảnh quan và thực trạng các đảo quan trọng trong Nam Sa quần đảo: “Thái Bình đảo cao hơn mặt nước biển 4m, địa thế bằng phẳng, là nơi dựng bia xác định chủ quyền Nam Sa, đã xây dựng trạm truyền tin và tháp hải đăng, hoàn thànhh hệ thống giao thông đông – tây đảo. Nam Uy đảo cách Thái Bình đảo 300 km, diện tích 0,15 km2, đường thủy quanh đảo sâu rộng, thuận tiện cho việc lập cảng, là quan nơi quan trọng trong việc phòng vệ biển…”.


Tổng thuật

Nam Hải chư đảo, tên gọi tổng quát bốn quần đảo: Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và một số đảo nhỏ khác như Hoàng Nham đảo (trước 1964 đảo này có tên là Nam Nham – Nanyen – Searborough Shoal), Truro Shoal (Đặc-lỗ-lộ than 特 魯 路 灘), Stewart Bank (Quản-sự-âm than 管 事 暗 灘), Thất Châu Dương 七 洲 洋 …

Đông Sa quần đảo, còn có các tên khác là: Thiên Lý Thạch Đường, Nam Áo Khí, Khí Sa Đầu, Lạc Tế [9] , ở về cực bắc Nam Hải chư đảo, cách thành phố Sán Đầu 汕 頭 (tỉnh Quảng Đông) 260 km về phía nam. Dựa vào sách Hải Lục [10] thì đảo danh Đông Sa hình thành trên cơ sở vị trí địa lý lấy Vạn Sơn trấn làm chuẩn, Đông Sa là bãi cát ở phía đông Vạn Sơn. Đời vua Quang Tự [1875 - 1908] nhà Thanh, Đông Sa đảo do người Nhật quản lý, thời điểm bấy giờ Đông Sa có tên là Tây Trạch [Nishizawa] đảo. Hiện nay thuộc sự quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cũng từng tuyên bố quyền sở hữu của mình đối với Đông Sa quần đảo [11] .

Trung Sa quần đảo còn có tên Thạch Tinh Thạch Đường 石 星 石 塘 [12] là các bãi đá ngầm chìm sâu dưới mặt biển, những năm đầu thế kỷ XX có tên là Nam Sa quần đảo, sau năm 1949 đổi gọi là Trung Sa cho đến nay.

Tây Sa quần đảo còn có các tên: Thiên Lý Trường Sa 千 里 長 沙, Vạn Lý Thạch Đường 萬 里 石 塘, Thiên Lý Thạch Đường 千 里 石 塘(15), Bạt-lạp-tắc-nhĩ, Ba-lạp-tắc-nhĩ. Các đảo dự chủ yếu trong quần đảo Tây Sa trước năm 1949 đều mang Tây danh (tên do các nhà thám hiểm phương Tây đặt), sau đó mang Hán danh. Vĩnh Hưng đảo và Trung Kiến đảo của quần đảo lấy từ tên hai tàu hải quân Trung Hoa Dân Quốc (tàu Vĩnh Hưng và tàu Trung Kiến – hai trong bốn tàu hải quân đến tiếp nhận sự đầu hàng của hải quân Nhật Bản vào tháng 11 năm 1946 [13] ).

Nam Sa quần đảo còn có các tên: Vạn Lý Thạch Đường萬 里 石 塘, Vạn Lý Trường Sa萬 里 長 沙, Thiên Lý Thạch Đường千 里石 塘 [14] , khoảng trước năm 1949 có tên là Đoàn Sa quần đảo, Đê-áp-pha, Đê-sa-thiển-châu, Tân Nam quần đảo (tên trong bản đồ Nhật Bản trước Thế Chiến II), các đảo dự chủ yếu trong quần đảo cũng đều mang Tây danh, được hài âm hoặc chuyển nghĩa sang Hán tự như: Song đảo, Lao-đạt đảo, Đê-sa-thiển châu, Đế đô đảo, Tư-ba-đắc-lai đảo, An-cụ-na đảo. Sau năm 1949, tên các đảo lục tục đổi thành Hán danh như: Thái Bình, Trung Nghiệp (tên các tàu hải quân [15] ), Mã Hoan, Phí Tín, Trịnh Hòa (tên các nhân vật lịch sử). Cho đến năm 1968, điểm cực Nam Tăng Mẫu Âm Sa vẫn chưa được “các nhà quy hoạch” Nam Hải chư đảo xác định. Trung Hoa Dân Quốc từng tuyên bố quyền sở hữu đối với Nam Sa quần đảo [16] . Theo công bố của Chính phủ Trung Quốc, từ năm 1988, Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa quần đảo thuộc sự quản lý hành chính của tỉnh Hải Nam.

Từ việc tìm hiểu đối chiếu các đảo danh trong thư tịch hiện đại, chương 1 này đặt trọng tâm vào ý đồ mở rộng lãnh hải của “các nhà quy hoạch Nam Hải” thông qua cách gọi tên các đảo:
  1. Tên gọi các đảo được đặt định theo phương vị (nam, bắc, trung, đông, tây), nhưng phương vị thực tế của các đảo không phù hợp với tên gọi.
  2. Tên gọi các đảo trong quần thể Nam Hải chư đảo phần lớn được người phương Tây phát hiện và đặt tên trước, tuy vậy, các “nhà quy hoạch Nam Hải” vẫn tìm mọi cách Hán hóa những đảo danh này, kể cả xóa dần những dấu vết Tây danh của các đảo mà thư tịch Trung Quốc cận hiện đại từng ghi nhận.
  3. Liên tục thay đổi tên đảo mang ý đồ mở rộng giới hạn lãnh hải bằng hình thức dùng những đảo danh đã có tính định vị giới hạn (như Nam Nham và Nam Sa cũ) để đặt tên cho các đảo ngoài lãnh hải Trung Hoa nhưng trong ý định sáp nhập của các nhà “quy hoạch Nam Hải”.
(Còn tiếp)

© 2008 talawas


[1]“Tây Sa quần đảo. Tại Quảng Đông Lục Thủy huyện Dụ Lâm cảng Đông Nam, cựu xưng Thất Châu Dương. Tây nhân danh Bạt-Lạp-Tắc-Nhĩ {[Từ Hải - 1947] hài âm Paracels là Ba-lạp-tắc-nhĩ (Thân tập, tr.1225, mục từ “Tây Sa quần đảo”)}, vi vãng lai Hương Cảng Nam Dương tất kinh chi điểm. Hải thủy tuy thâm nhi đa âm tiêu, thạch hoa phù sa, cố xưng hiểm đạo. Quần đảo phân đông tây lưỡng hội, đông viết A-Phi-Đặc-Lý-Đặc quần đảo, tây viết Kỵ-Ni-Tiên quần đảo. Thanh quý Quảng Đông quan lại tư kinh doanh chi, tằng phái viên điều tra. A-Phi-Đặc-Lý-Đặc quần đảo hựu phân đông nam lưỡng hội, tại đông nam giả nhị đảo, viết Lạc-Vong, Khoát-Địa; tại tây bắc giả tứ đảo, phụ cận hữu thạch tiêu lưỡng đại bài. Tối bắc viết Đích-Lợi đảo, thạch bài tự thử tây dĩ, dữ nam phương đại thạch bài tương đối. Nam bài tự tây bắc dĩ ư đông nam, toàn bài chi thượng, bình liệt bắc trung nam tam đảo. Kỵ-Ni-Tiên quần đảo, hữu đại tiểu đăng cận, Đỗ-Lâm-Môn, Bát-Đỗ-La, La-Bạt, Văn-Ni đẳng lục đảo, âm tiêu liên lạc, hình như tân nguyệt. Kỵ-Ni-Tiên tức tân nguyệt chi ý dã.
西 沙 群 島. 在 廣 東 陸 水 縣 榆 林 港 東 南 舊 稱 七 洲 洋. 西 人 名 拔 拉 塞 爾 為 往 來 香 港 南 洋 必 經 之 點. 海 水 雖 深 而 多 暗 礁 石 花 浮 沙. 故 稱 險 道. 群 島 分 東 西 兩 會, 東 曰 阿 非 特 里 特 群 島, 西 曰 忌 尼 先 群 島. 清 季 廣 東 官 吏 思 經 營 之, 曾 派 員 調 查. 阿 非 特 里 特 群 島 又 分 東 西 兩 會, 在 東 南 者 二 島, 曰 樂 忘, 闊 地. 在 西 北 者 四 島, 附 近 有 石 礁 兩 大 排, 最 北 曰 的 利 島, 石 排 自 此 西 迤, 與 南 方 大 石 排 相 對, 南 排 自 西 北 迤 於 東 南, 全 排 之 上, 平 列 北 中 南 三 島.忌 尼 先 群 島 有 大 小 登 近, 杜 林 門, 八 杜 羅, 羅 拔, 文 尼 等 六 島. 暗 礁 連 絡, 形 如 新 月, 忌 尼 先 即 新 月 之 意 也.
[Địa danh TĐ – 1933]. (Trang 348).
[2]Tây Sa quần đảo, cổ xưng Cửu Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương, Thất Châu đảo đẳng. Trung Quốc Nam Hải chư đảo trung tứ đại quần đảo chi nhất, thuộc Hải Nam tỉnh, tại Hải Nam đảo đông nam 330 thiên mễ đích hải vực trung. Hữu Tuyên Đức, Vĩnh Lạc lưỡng đại đảo quần hòa kỳ địa đảo, tiêu. Chủ yếu đảo dự hữu Vĩnh Hưng đảo, Triệu Thuật đảo, San Hô đảo, Cam Tuyền đảo, Trung Kiến đảo, Đông đảo, đẳng…
西 沙 群 島, 古 稱 九 乳 螺 州, 七 洲 洋, 七 洲 島 等. 中 國 南 海 諸 島 中 四 大 群 島 之 一. 屬 海 南 省, 在 海 南 島 東 南 330 千 米 的 海 域 中, 有 宣 德 永 樂 兩 島 群 和 其 地 島 礁, 主 要 島 嶼 有 永 興 島, 趙 述 島, 珊 瑚 島, 甘 泉 島, 中 建 島, 東 島 等.
[Địa danh TĐ - 2005]. Tập trung. Tr 1098.
[3]Hải quân thu phục Tây Sa quần đảo kỷ niệm bi – Trung Hoa Dân quốc tam thâp ngũ niên, thập nhất nguyệt,nhị thập tứ nhật – Trương Quân Nhiên lập/ 海 軍 收 復 西 沙 群 島 紀 念 碑 – 中 崋 民 國 三 十 五 年 – 十 一 月 – 二 十 四 日 – 張 君 然 立 。
[4]Đoàn Sa quần đảo, tại ngã quốc, Hải Nam đảo đông nam Nam Hải trung, diệc xưng Đê-Áp-Pha hoặc Đê-Sa-Thiển-Châu (Tizard Bank) vị An Nam Bà La châu cập Phi-Luật-Tân chi gian, đương Nam Dương hàng tuyến chi yếu xung, vi ngã quốc hải phòng trọng địa. Đảo thượng nghiêu thực vật, diên đảo đa thủy sản. Dân Quốc nhị thập nhị niên, Pháp Quốc dục chiếm chi, hiện thượng tại giao thiệp trung.
團 沙 群 島, 在 我 國 海 南 島 東 南 南 海 中, 亦 稱 堤 閘 坡 或 堤 沙 淺 洲 (Tizard Bank) 位 安 南 婆 羅 洲 及 菲 律 賓 之 間. 當 南 洋 航 線 之 要 衝, 為 我 國 海 防 重 地, 島 上 僥 植 物, 沿 島 多 水 產. 民 國 二 十 二 年 法 國 欲 佔 之, 現 尚 在 交 涉 中.
[Từ Hải – 1947]. Sửu tập, tr. 309.
Trong nhiều đoạn văn trích dịch tư liệu, chúng tôi đã dịch toàn văn để đảm bảo tính trung thực của văn mạch, vì vậy, sẽ có những vấn đề ngoài nội dung đang xét, thí dụ như đoạn “năm Dân Quốc thứ 22 nước Pháp chiếm lấy, hiện đang trong vòng đàm phán”. Đối với các trường hợp tương tự, chúng tôi chỉ dịch mà không luận. Nếu các chi tiết này rơi vào những vấn đề thuộc các chương sau, sẽ được dẫn lại phần dịch nghĩa.
[5]Vì sự hạn chế tài liệu tham khảo, năm tháng chính xác của việc đổi tên quần đảo từ Đoàn Sa thành Nam Sa hiện chúng tôi chưa nắm được, niên đại nêu trên chỉ mang tính tương đối. Mong được sự trợ giúp của độc giả.
[6]Nam Sa quần đảo tại Quảng Đông tỉnh Hải Nam đảo chi đông nam, vi ngã quốc tối nam chi lãnh thổ. Giới hồ bắc vĩ tứ độ chí thập nhất độ tam thập phân, đông kinh nhất bách cửu độ tam thập phân chí nhất bách thập thất độ ngũ thập phân chi gian, bao quát đảo, tiêu, than, âm sa, phàm cửu thập thất tòa, dĩ Trịnh Hòa quần tiêu vi tối trứ, kỳ tây bắc giác vi Thái Bình đảo, vi Nam sa quần đảo trung tối đại chi đảo dự. Địa đương Nam dương hàng tuyến chi yếu xung. Hựu kỳ bàng vi Đông Sa quần đảo cập Tây Sa quần đảo./ 南 沙 群 島 在 廣 東 省 海 南 島 之 東 南 , 為 我 國 最 南 之 領 土 。 介 乎 北 緯 四 度 至 十 一 度 三 分 , 東 經 一 百 九 度 三 十 分 至 一 百 十 七 度 五 十 分 之 間 , 包 括 島 , 礁, 灘 , 暗 沙 , 凡 九 十 七 座 , 以 鄭 和 群 礁 為 最 著 , 其 西 北 角 為 太 平 島 , 為 南 沙 群 島 中 最 大 之 島 嶼 。 地 當 南 洋 航 線 之 要 衝 。 又 其 旁 為 東 沙 群 島 及 西 沙 群 島 。
[Trung Văn ĐTĐ - 1968] – tập 5 – tr. 2064.
[7]Tăng Mẫu Âm Sa ở vào vị trí khoảng 40 vĩ độ bắc và 1120 kinh độ đông, cách thành phố biển Bintulu [民 都 魯] (Malaysia) khoảng 100 km.
[8]Trung Quốc Nam Hải chư đảo tứ đại quần đảo trung vị trí tối nam, đảo tiêu tối đa, tản bố tối quảng đích quần đảo, thuộc Hải Nam tỉnh. Chủ yếu đảo dự hữu Thái Bình đảo, Nam Uy đảo, Trung Nghiệp đảo, Cảnh Hoằng đảo, Hồng Hưu đảo, Quý { Các địa đồ và [Từ Hải – 2003] viết là phí 費, phù hợp với tên nhân vật trong đoàn hải hành cùng Trịnh Hòa. Đây do [Địa danh TĐ – 2005] in nhầm (chúng tôi vẫn giữ nguyên văn)} Tín đảo, Mã Hoan đảo, Dương Minh tiêu, Vạn An than, Lễ Nhạc than, Hải Mã than, đẳng. Dĩ Thái Bình đảo vi tối đại, diện tích 0.43 bình phương thiên mễ… Tăng Mẫu Âm sa thị Trung Quốc lãnh thổ tối nam điểm. Hải để thạch du trữ lượng phong phú.
中 國 南 海 諸 島 四 大 群 島 中 位 置 最 南 , 島 礁 最 多 , 散 布 最 廣 的 群 島 屬 海 南 省 。 主 要 島 嶼 有 太 平 島 , 南 威 島 , 中 業 島 , 景 宏 島 , 鴻 庥 島 , 貴(9) 信 島 , 馬 歡 島 , 陽 明 礁 , 萬 安 灘 , 禮 樂 灘 , 海 馬 灘 等 。 以 太 平 島 為 最 大 , 面 積 0,43 平 方 千 米 。 。 。 曾 母 暗 沙 是 中 國 領 土 最 南 點 。 海 底 石 油 儲 量 豐 富 。
[Đia danh TĐ - 2005]. Tập trung, tr. 2101.
[9]Các cổ đảo danh này dựa theo bảng đối chiếu “Quảng Đông lịch sử địa danh đối chiếu biểu 廣 東 歷 史 地 名 對 照 表”, phần Phụ lục, tr.192, sách [Quảng Đông LSĐĐT - 1995].
[10]x. 8.
[11]Theo “Trung Hoa Dân Quốc bát thập nhất niên Quốc phòng báo cáo thư” – Quốc phòng bộ chủ biên, Đài Bắc, 1992/ 中 崋 民 國 八 十 一 年 國 防 報 告 書 – 國 防 部 主 編 – 台 北 – 1992, chương 2, tr.11: “Trước mắt, Trung Hoa Dân Quốc quản lý các khu vực gồm: Đài Loan và các đảo Bành Hồ: Kim Môn, Mã Tổ, Đông Dẫn, Ô Khâu, các địa khu thuộc Đông Sa và Nam Sa (Trung Hoa Dân Quốc mục tiền quyền lực quản hạt sở cập địa khu, bao quát: Đài Loan cập Bành Hồ liệt đảo, Kim Môn, Mã Tổ, Đông Dẫn, Ô Khâu, Đông Sa cập Nam Sa đẳng địa khu/ 中 崋 民 國 目 前 權 力 管 轄 所 及 地 區 , 包 括 ﹕ 台 灣 及 澎 湖 列 島 , 金 門 , 馬 祖 , 東 引 , 烏 坵 , 東 沙 及 南 沙 等 地 區)”.
[12]x. 21.
[13][Quảng Đông LSĐĐT - 1995] phần Phụ lục “Quảng Đông lịch sử đại sự ký 廣 東 歷 史 大 事 記”, tr.186, đã đề cập sự kiện này và tên các tàu chiến: Vĩnh Hưng, Trung Kiến, Thái Bình, Trung Nghiệp.
[14]x. 21.
[15]x. 25.
[16]x. 23.