trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
15.2.2008
Ban Mã
Vì sao Trung Quốc “nước giàu dân nghèo”?
Lý Nguyên dịch
 
Mấy năm gần đây nếu được hỏi cái gì ở Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh nhất, nhất định mọi người sẽ nghĩ đến giá nhà đất và GDP trước tiên, thế nhưng còn một thứ tăng nhanh hơn GDP mà nhiều người không nghĩ tới, đó là thu nhập tài chính. Gần đây nhà nước công bố tính toán bước đầu về GDP của năm 2006: đạt 20.940,7 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng trưởng 10,7%. (Trong khi đó) thu nhập tài chính tăng thêm 700 tỷ NDT, đạt 3.900 tỷ NDT (vượt Nhật Bản, qui đổi ra là 3200 tỷ NDT), tăng trưởng 24%.

GDP tăng trưởng với tốc độ cao và thu nhập tài chính tăng trưởng siêu tốc độ, cộng thêm dự trữ ngoại tệ vượt quá 1000 tỷ USD, đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia giàu nhất nhì trên thế giới (đừng quên rằng sở dĩ nước Mỹ vượt qua Trung Quốc là do họ có thâm hụt mậu dịch khổng lồ).

Thế là chợt nhớ đến câu “nước giàu dân mạnh”. Quốc gia giàu có rồi, chỉ cần EU bãi bỏ lệnh cấm vận về quân sự là có thể mua một lượng lớn vũ khí tiên tiến để bảo vệ đất nước, có thể tiếp tế cho các anh em cùng giai cấp ở Á Phi mà chúng ta đã từng gắn bó; có thể dùng ngoại giao hoà bình viện trợ để áp đảo ngoại giao đô-la của Đài Loan; có thể tổ chức Đại hội Olympic lớn nhất trong lịch sử; có thể xây dựng những kiến trúc tiêu biểu cho thời thịnh đạt; có thể phát thêm phong bì cho những “đầy tớ” của trăm họ; có thể trình diễn nhiều vở kịch tân cổ điển…

Theo lý, đất nước giàu có như vậy thì dân chúng phải phấn khởi mới đúng, nhưng sự thực lại không như thế – không phải là tinh thần yêu nước của dân chúng không cao, mà là vì hiện trạng sinh hoạt của dân chúng khiến họ không thể nào phấn khởi nổi. Đó là vì so với các nước khác, trong lĩnh vực kinh tế Trung Quốc có một cái đặc sắc: một cao một thấp. Một cao là nộp thuế cao, một thấp là tiền lương chiếm trong GDP thấp. Thu nhập tài chính của nhà nước tăng trưởng với mức độ lớn, nhưng thu nhập tài chính của trăm họ thì vẫn túng thiếu.

Theo báo cáo điều tra của một vài cơ quan, trên lãnh thổ Trung Quốc (dân chúng) phải nộp tới 47 loại thuế. Càng nhiều loại thuế thì việc nộp thuế càng phiền phức, căng thẳng, trình tự càng phức tạp, giá thành nộp thuế càng cao. Theo điều tra, tiền thuế do các xí nghiệp Trung Quốc nộp chiếm tới 77,1% tổng lợi nhuận. Nếu thu đủ các loại thuế thì thuế chiếm tới khoảng 50% GDP. Mỹ là nước đánh thuế tương đối cao, nhưng tổng thu nhập từ thuế chỉ chiếm khoảng 32% GDP.

Giá trị tuyệt đối của tiền lương ở Trung Quốc thật chẳng tiện để so sánh. Tuy vậy nếu so sánh tỷ trọng tiền lương chiếm trong GDP giữa các quốc gia, thì tiền lương của những người lao động nước ta chiếm khoảng 12% GDP. Ở những nước có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, tỷ lệ phân phối vào khoảng giữa 54 và 65%, như ở Nhật Bản năm 1999 tỷ lệ phân phối là 54,18%; của Mỹ năm 2000 là 58,31%; của Đức năm 2000 là 53,84%; của Anh năm 2000 là 55,27%; Brasil là 40%; còn của Trung Quốc là thấp, chỉ dao động giữa 12 và 16%, nếu cộng thêm phúc lợi là 30% của lương, thì cũng chỉ vào khoảng giữa 15 và 20%. So sánh giữa các tỉnh, thành, khu tự trị trong nước thì Bắc Kinh dẫn đầu với 30% (nguyên nhân đứng đầu là do tập trung cơ quan quốc gia), còn Sơn Đông 7,68% và Giang Tây 7,32% đứng hai vị trí cuối cùng.

Nếu so sánh tỷ lệ tiền lương chiếm trong GDP theo thời gian thì năm 1989 là 16%, năm 2003 hạ xuống còn 12%. Thu nhập tài chính quốc gia năm 2000 là 1300 tỷ NDT, năm 2004 tăng lên gấp đôi, đạt 2600 tỷ NDT; đến năm 2006 đạt 3900 tỷ NDT, gấp ba lần năm 2000, trong khi GDP năm 2006 chỉ gấp hai lần năm 2000. Qua đó có thể thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập tài chính của Trung Quốc luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP, còn tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP nhiều. Nếu không tính tới sự tăng trưởng tiền lương của các công chức ở những ngành lũng đoạn nhà nước, thì mức độ tăng trưởng tiền lương của nhân viên thuộc các ngành khác còn thấp hơn nhiều. Mười năm nay GDP của Quảng Đông tăng ba lần, nhưng tiền lương của những người làm thuê đến từ ngoại tỉnh ngay đến 30% cũng không được.

Mà những người dân dựa vào tiền lương để sinh sống rốt cuộc lại chiếm đa số trong lực lượng lao động Trung Quốc. Những người dân thu nhập bằng tiền lương thấp phải gánh ba ngọn núi lớn mới – nhà ở, giáo dục, khám chữa bệnh. Về giá nhà ở, trên thế giới giá phòng ở hợp lý là 1m2 tương đương với tiền lương trung bình một tháng. Lương tháng trung bình ở Bắc Kinh là 3000 NDT (không tính tiền lương người ngoại tỉnh đến làm thuê), thế nhưng giá phòng ở tại Bắc Kinh là bao nhiêu? Lương bình quân của người Sơn Đông là 1400 NDT, nhưng giá nhà ở tại thủ phủ huyện, thành phố cấp huyện cao hơn con số đó nhiều. Về giáo dục: bốn năm học của một sinh viên đại học chính qui đòi hỏi một người nông dân nhịn ăn nhịn uống trong hơn 20 năm mới đủ. Chi phí cho một sinh viên đại học, một người có tiền lương phổ thông không gánh nổi. Về khám chữa bệnh: chưa nói tới những nông dân đã thoát nghèo nhưng do đau ốm nên lại tái nghèo, mà ngay dân thành phố cũng như vậy.

Những vấn đề nhà ở, giáo dục, khám chữa bệnh này vốn đặt vào nhà nước mà cũng là việc lớn phải tiêu tiền của dân chúng. Nhưng ở Trung Quốc thì (các vấn đề này) lại càng lớn hơn. Nhà ở ở nước ngoài, nói chung dân chúng được chính quyền xây phòng cho thuê giá rẻ, không mua được nhà ở thì chí ít cũng có phòng để ở. Còn ở nước ta thì chỉ có hai lựa chọn: mua nhà giá cao hoặc thuê phòng ở giá cao. Giáo dục ở nước ngoài có trường tư thục giá cao, nhưng cũng có trường quốc lập được nhà nước trợ cấp, lại còn có số lượng học bổng không ít, con nhà nghèo vẫn có thể học xong đại học, chứ không như ở Trung Quốc học phí có thể bức tử phụ huynh, làm chết học sinh. (Nhân đây nói thêm, trước đây số học sinh đại học đến từ nông thôn tương đương với số học sinh đến từ thành thị, nhưng hiện nay tỷ lệ học sinh là con em nông dân đang có xu thế đi xuống.) Để khám chữa bệnh, ở nước ngoài phần lớn dân chúng có bảo hiểm y tế, nhưng ở Trung Quốc ít người được hưởng khoản bảo hiểm này, hơn nữa còn phải chịu nhiều hạng mục khám chữa bệnh thu phí khá cao.

Tất nhiên bạn có thể nói, những ví dụ nước ngoài trên đây đều là những nước phát triển và gần phát triển, còn Trung Quốc vẫn còn thuộc về những nước mà nền kinh tế mới cất bước. Chúng ta còn rất nghèo! Nhưng bây giờ phải nói ra, nghèo là dân chúng nghèo, còn nhà nước Trung Quốc không nghèo một chút nào. Thu nhập tài chính của Trung Quốc chỉ kém Mỹ, hơn nữa theo con số tuyệt đối 3000 NDT đóng góp vào thu nhập tài chính bình quân đầu người cũng không phải là một con số nhỏ (1/3 thu nhập bình quân đầu người gia đình Trung Quốc còn chưa đến 3000 NDT). Chúng ta là những người nộp thuế, chúng ta đều muốn biết số tiền thu nhập tài chính đó được tiêu vào chỗ nào?

Ở các nước phương Tây, đóng thuế cao có nghĩa là phúc lợi cao, nhưng ở Trung Quốc đóng thuế cao không mang lại phúc lợi cao. Ở Trung Quốc chỉ có số ít người được hưởng bảo hiểm dưỡng lão, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đại khái chi cho an sinh xã hội ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12% thu nhập tài chính quốc gia. Ở các nước phúc lợi cao Tây, Bắc Âu, phần thu nhập tài chính được dùng cho bảo hiểm xã hội chiếm tới trên 45%, còn ở Mỹ cũng tới trên 1/3. Bên dưới chính quyền Hồng Kông của Trung Quốc có 12 cục, chỉ riêng số chi tiêu của hai cục Phúc lợi Y tế và Thống nhất Qui hoạch Giáo dục đã chiếm trên 50% thu nhập tài chính của Hồng Kông.

Kinh phí giáo dục, kinh phí khám chữa bênh, kinh phí nghiên cứu khoa học luôn luôn duy trì tỷ lệ thấp bền vững trong thu nhập tài chính của quốc gia, thậm chí thấp hơn cả Ấn Độ, Bangladesh và một số nước châu Phi nghèo hơn Trung Quốc.

Người ta có lý do để hỏi thu nhập tài chính quốc gia rốt cuộc được tiêu vào nơi nào? (Cần nói ngay, dự toán cho quốc phòng năm 2006 là 289,7 tỷ NDT, nhưng thực tế có thể cao hơn, mà cho dù có tăng gấp đôi thì cũng là việc bình thường, không phải là một gánh nặng.)

Thực ra đáp án mọi người đều biết, tiền của chúng ta được tiêu vào “quản lý xã hội”. Nói cụ thể là được tiêu vào hai cái chính quyền, vào những con người ở trong tỷ lệ quan - dân lớn nhất thế giới, tỷ lệ “đầy tớ” - “chủ nhân” lớn nhất thế giới. Số người mà đất nước phải cung phụng nuôi dưỡng rất nhiều, họ được hưởng những đãi ngộ phúc lợi mà dân chúng không thể có được, tức là đã duy trì một nền quản lý xã hội hiệu quả thấp, hủ bại, tham nhũng, bất công, thậm chí tạp loạn. Đó chính là nguyên nhân nước giàu mà dân không mạnh, thậm chí nước giàu dân nghèo.

Chỉ cần biết kiệm ước, không hoang phí – tỷ như dùng tiền công ăn uống mỗi năm hết 300 tỷ NDT, chi phí công mỗi năm cho việc sử dụng ôtô là 300 tỷ NDT, cho việc đi nước ngoài du lịch tham quan, khảo sát là 300 tỷ NDT. Mà 300 tỷ NDT là gì? Đó chính là số tiền mà năm 2006 nhà nước Trung Quốc đã đưa vào cho bảo hiểm xã hội. Nói rộng ra là chỉ cần quản lý xã hội cho tốt thì số tiền tiết kiệm được đủ để giải quyết tốt ba ngọn núi mới và lớn nói trên, xoá bỏ được tình trạng nước giàu mà dân nghèo.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Tạp chí Động HÆ°á»›ng số tháng 8 năm 2007