trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
28.2.2008
Lê Tiến Dũng
Thơ tự do, khuynh hướng chủ yếu trong thơ Việt Nam đương đại
(Tham luận tại Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008)
 
1.

Thơ tự do bắt đầu xuất hiện cùng với phong trào Thơ Mới. Những tên tuổi thời bấy giờ gắn với phong trào này, những nhà Thơ Mới làm thơ tự do nhiều như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông… thường được mệnh danh là “những người mở đầu cho phong trào Thơ Mới”. Tuy nhiên, Thơ Mới chưa phải hoàn toàn là thơ tự do. Càng về cuối phong trào này thơ tự do càng ít đi. Lấy một ví dụ, trong thơ Xuân Diệu chẳng hạn, chỉ còn lại có bốn bài trong tổng số 97 bài trong hai tập thơ Thơ thơ Gửi hương cho gió có số câu dài ngắn khác nhau, còn chủ yếu là các thể có số câu đều đặn. Cả hai tập thơ của Xuân Diệu chỉ có 4 bài theo lối hợp thể (4%). Ngay trong 4 bài này cũng chủ yếu là loại câu đều đặn. Ở bài “Khi chiều giăng lưới” nói là hợp thể nhưng thực ra chỉ có 4 câu 4 tiếng còn lại là 15 câu 8 tiếng. Bài “Vội vàng” có 40 câu thì đã có tới 33 câu 8 tiếng, chỉ xen vào 5 câu 4 tiếng, 1 câu 3 tiếng và 1 câu 10 tiếng. Bài “Hoa nở để mà tàn” có 6 câu thì 2 câu thất ngôn và 4 câu ngũ ngôn. Bài “Thở than” có 22 câu thì 11 câu 8 tiếng, 9 câu 6 tiếng và 1 câu 3 tiếng, 1 câu 7 tiếng... Điểm đáng lưu ý ở đây là thơ tự do trong buổi đầu của Thơ Mới rất được coi trọng. Các chủ soái thời kỳ đầu của phong trào này sử dụng thơ tự do rất nhiều, chẳng hạn ở Lưu Trọng Lư là 35%, ở Thế Lữ là 39%; ở Huy Thông là 35%..., trong khi Xuân Diệu lại gần như không sử dụng. Điều này chứng tỏ những cách tân của Xuân Diệu đã khá ổn định, chứ không còn là những thể nghiệm ban đầu nữa.


2.

Điều đáng lưu ý là nghiên cứu hệ thống thể thơ Việt Nam hiện đại sau thời Thơ Mới, chúng tôi thấy đều sử dụng lại các loại hình thơ mà Thơ Mới đã sử dụng. Đặc biệt là thể thơ tự do của Thơ Mới lại được sử dụng nhiều nhất, trong khi thể 8 tiếng lại ít dần đi.

Chúng tôi chọn Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985, một tuyển tập đã chọn những bài thơ tiêu biểu của giai đoạn này, làm đối tượng khảo sát để so sánh. Qua thống kê, cho một số kết quả như sau:

Về mặt thể loại thể 7, 8 tiếng không còn chiếm ưu thế nữa, mà thể loại thơ Việt Nam khuynh hướng chung là hướng đến thể tự do. Trong tổng số 214 bài của tuyển tập này, thì thơ 7 tiếng có 28 bài (kể cả thất ngôn tứ tuyệt), 8 tiếng có 5 bài, trong khi đó thơ tự do là 119 bài. Xin xem bảng thống kê dưới đây:

Thể thơ
4
5
6
7
8
Lục bát
Tự do
Cộng
Số bài
2
27
1
28
5
30
119
214
Tỉ lệ
1%
13%
0,5%
13%
2%
14%
56%
100%

Nhưng về phương diện câu thơ thì loại hình câu thơ 7, 8 tiếng vẫn chiếm ưu thế. Trong tổng số 8041 câu của 214 bài nói trên thì câu 7 tiếng là 1808 câu (22%), câu 8 tiếng là 2515 câu (31%), câu 5 tiếng là 1429 câu (18%). Chỉ 3 loại câu này chiếm tỉ lệ tới 72% tổng số câu thơ. Xin xem bảng miêu tả các loại hình câu thơ dưới đây:

Loại câu
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Số lượng
12
104
132
481
1429
880
1808
2515
335
TTỉ lệ
0,1%
1%
2%
6%
18%
11%
22%
31%
4%

10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Cộng
167
76
50
31
11
3
2
3
1
1
8041
2%
0,9%
0,6%
0,4%
0,1%
     100%


Như vậy, dù thể 7, 8 tiếng không còn chiếm ưu thế, nhưng câu 7, 8 vẫn là câu chủ đạo. Điều này chứng tỏ rằng cách tân câu thơ của Thơ Mới đã được chấp nhận.

Một tập thơ tương đối tiêu biểu cho cho các tác giả trẻ là tập Biển đã mất của Phạm Thị Ngọc Liên, NXB Hội Nhà văn, H. 1990. Tập thơ nầy cả thảy 33 bài, thì thơ tự do gần như chiếm tỉ lệ tuyệt đối (30/33 bài). Chỉ có 2 bài, 1 bài 5 tiếng.

Để thấy rõ chúng tôi khảo sát các tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Tia nắng của Nguyễn Đình Thi, Lửa đèn của Phạm Tiến Duật thì kết quả cũng như vậy.


3.

Tại sao các nhà thơ lại đi vào thơ tự do nhiều như vậy? Câu trả lời không phải dễ.

Trước hết phải thấy làm thơ tự do không phải quá chặt chẽ như thơ niêm luật. Người làm thơ chỉ cần có âm điệu là làm được thơ. Chẳng hạn Phạm Tiến Duật làm thơ mà như “nói”. Cũng cần thấy rằng, trong thơ hiện đại khuynh hướng “văn xuôi hóa” câu thơ là một khuynh hướng đáng quan tâm. Đó là những kiểu lời thơ rất gần với văn xuôi như:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi

(Phạm Tiến Duật – “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”)

hay

Con chào đời
Không có mười ba bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên
Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ tem phiếu...

(Nguyễn Khoa Điềm – “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”)

Thứ hai, làm thơ tự do tác giả có điều kiện thuận lợi hơn để bộc lộ mình. Một trong những đặc điểm quan trọng của thơ trữ tình Việt Nam là khuynh hướng bộc lộ cái Tôi. Dù là viết dưới dạng nào, dù là xưng tôi, chúng tôi, anh, em, ta, chúng ta… thì thơ ca cũng bộc lộ cái Tôi. Với thơ cách luật việc bộc lộ cái Tôi có phần khó khăn hơn. Với thơ tự do phương diện này thoải mái hơn, thậm chí có phần dễ dàng. Thu Bồn trong bài “Tạm biệt” đã viết rất hay về Huế:

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực, nắng thì mờ ảo?
Xin đừng lầm em với cố đô

(Thu Bồn – “Tạm biệt”)

Tóm lại, thơ tự do đang được sử dụng chủ yếu trong thơ Việt Nam đương đại. Chắc chắn còn nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu. Trên đây là một ý kiến để tham khảo.


Tài liệu tham khảo
  • Nhiều tác giả: Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985 , NXB Văn học, H. 1985
  • Nhiều tác giả: 100 bài thơ hay 1993, NXB Trẻ – Tuần báo Văn nghệ, TP. HCM, 1993
  • Tố Hữu: Tác phẩm, thơ, NXB Văn học, H. 1979
  • Phạm Thị Ngọc Liên: Biển đã mất, NXB Hội Nhà văn, H. 1990


Tác giả Lê Tiến Dũng là PGS. ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM

© 2008 talawas