trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
20.3.2008
Lê Mạnh Thát
Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi
(Một giả thuyết khác về nguồn gốc bài thơ “Nam quốc sơn hà…”)
 
Vì thế, những năm tháng ấy là một giai đoạn đấu tranh khó khăn khốc liệt giữa một bên là một quốc gia rộng lớn, đông người, đã có gần hai thập kỷ hòa bình để phát triển và một bên là một đất nước nhỏ bé, ít người hơn nhiều lần và thời gian hòa bình cũng chưa được bao lâu. Triều đình nhà Tống có lẽ tính toán trên cơ sở một nhận định như thế, nên đã cho tiến hành cuộc chiến tranh năm 981. Lê Đại Hành hiểu rõ ý đồ và tính toán của địch cũng như tiềm lực của ta. Do đó, ông đã chủ động tiếp xúc và vận động toàn dân, trong đó có cả những nhân tài của đất nước tham gia vào cuộc chiến tranh này. Nếu không làm được thì tình hình đất nước có thể đã đi theo một ngõ quanh khác của lịch sử. [473] [1]

[474] Cuộc tiếp xúc và vận động do Lê Đại Hành thực hiện có thể diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau. ông đã trực tiếp gặp thiền sư Vạn Hạnh, tính toán về tương quan lực lượng giữa giặc và ta để xem diễn tiến cuộc chiến sẽ diễn ra trong bao lâu. Ông cũng đã nhờ đại sư Khuông Việt đến núi Vệ Linh cầu nguyện cho cuộc chiến chóng thành công. Và đặc biệt chính bản thân vua Lê Đại Hành đã làm lễ tế đền hai vị anh hùng Trương Hống và Trương Hát của cuộc chiến tranh giải phóng do Triệu Việt Vương lãnh đạo vào những năm 548-570 và sự ra đời của bài thơ Thần nổi tiếng Nước Nam sông núi, Lĩnh nam chích quái 2 tờ 74-75 đã ghi:

Triều hoàng đế Đại Hành nhà Lê năm Tân Tỵ Thiên Phúc thứ nhất (981), Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đem quân xâm lược nước Nam, trên sông Đại Than. Vua Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân ở sông Đồ Lỗ để chống lại. Hai bên đối lũy giữ nhau.

Vua Đại Hành ban đêm mơ thấy hai người thần vái ở trên sông nói: Anh em thần, một người tên Trương Hống, một người tên Trương Hát, trước thờ Triệu Việt Vương thường theo chinh phạt bọn giặc dữ, mà có được thiên hạ. Đến sau, Lý Nam Đế chiếm nước, nghe tiếng anh em thần, cho vời đến. Thần về nghĩa không thể đến, uống thuốc độc mà chết. Thượng đế thương kẻ có công, mà khen lòng trung nghĩa một tiết, ban cho Tướng quan [475] thần bộ, thống lĩnh kỷ binh. Nay thấy quân Tống vào cõi làm khổ sinh linh nước ta, nên bọn thần đến gặp xin cùng vua đánh bọn giặc này để cứu sinh dân’.

Vua Đại Hành kinh ngạc thức dậy gọi bề tôi hầu cận, nói: ‘Đây là thần giúp ta vậy’. Bèn liền lập tức rước thuyền vua đốt hương làm lễ xin rằng: ‘Thần nhân có thể giúp ta thành được công nghiệp này thì việc phong thưởng và cúng đơm muôn đời sẽ không hết’. Vua cho giết sinh lao để tế, đem các món áo mũ tiền giấy và voi ngựa đốt đi để ban cho. Đêm ấy lại mơ thấy hai thần nhân cùng mặc áo mũ đã ban, đến trước vua bái tạ. Đến đêm hôm sau, vua mơ thấy một thần nhân đem quỉ bộ áo trắng từ phía nam Bình Giang tới, và một vị thần nhân đem quỉ bộ áo đỏ từ sông Như Nguyệt xuống. Cả hai đều nhắm trại giặc mà đánh.

Ngày 2 tháng 10, vào lúc canh ba của đêm, khí trời tối mịt, gió lớn mưa dồn nổ ra, quân Tống tan vỡ. Thần mập mờ đứng trên không trung, cao tiếng ngâm:

Nước Nam sông núi vua Nam ở
Rành rẽ phân chia tại sách trời
Giặc nghịch sao nay dám đến phạm
Chúng bay chuốc bại chắc ngay thôi

(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
[476] Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư)

Quân Tống nghe thế chen nhau tứ tán, mỗi tự chạy trốn, bị bắt sông không thể kể xiết. Quân Tông đại bại rút lui. Vua Đại Hành đem quân về mừng thắng trận, phong thưởng cho hai thần nhân, người em là Uy Địch Đại Vương, lập đền tại Tam Kỳ Giang ở Long Nhãn, sai dân Long Nhãn và Bình Giang phụng thờ. Người anh là Khước Địch Đại Vương, lập đền ở sông Như Nguyệt, sai dân ven sông phụng thờ, đến nay vẫn còn.

Đây có thể là nguồn thông tin đầu tiên về bài thơ thần Nước Nam sông núi và nguồn thông tin này cho ta thấy bài thơ Thần đã được đọc lên trong cuộc chiến tranh 981 và có liên hệ với vua Lê Đại Hành. Sau này tác giả Thiên Nam vân lục cũng thống nhất coi bài thơ ấy do thần đọc lên trong cuộc chiến tranh đó, dù đã cho hai vị thần này là những bộ tướng của Ngô Quyền, chứ không phải của Triệu Việt Vương. Tuy nhiên, khi Ngô Sĩ Liên đã đưa bài thơ ấy vào trong Đại Việt sử ký toàn thư 3 tờ 9b2-8, thì ông đã gắn cho cuộc chiến năm 1076 của Lý Thường Kiệt. Từ đó mới xuất hiện một ngoa truyền đây là bài thơ của Lý Thường Kiệt:

Thế truyền rằng, Thường Kiệt dựng rào dọc sông để cố giữ. Một đêm quân sĩ bỗng nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng to ngâm rằng:

[477] Nước Nam sông núi vua Nam ở
Rành rẽ định phân tại sách trời
Giặc nghịch sao nay dám đến phạm
Chúng bay chuốc bại chắc ngay thôi

(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư)

Rồi sau quả như thế. Trương tướng quân anh em hai người. Anh tên Hống, em tên Hát, đều là danh tướng của Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại mà mất nước. Nam đế cho vời ra làm quan. Hai người đều nói: ‘Trung thần không thờ vị vua đã hại chúa mình’, rồi bèn bỏ trốn ở núi Phù Long. Nam Đế nhiều lần mời không đáp, ra lệnh: ‘Ai lấy được thủ cấp thì trọng thưởng cho ngàn vàng. Hai người đều uống thuốc độc mà chết.

Nam Tấn Vương nhà Ngô khi đánh giặc Lý Huy châu Tây Long, đóng quân ở cửa Phù Lan, chiêm bao thấy hai người theo giúp quân vua, nói rằng: ‘Thiên đế thương là kẻ trung thần không thờ hai vua, bổ cho làm Than hà long quân phó tuần Vũ Lạng nhị giang và Chi man nguyên tuần giang đô phó sứ. Bình định giặc rồi, Nam Tấn Vương phong anh làm Đại đương giang đô hộ quốc thần vương, dựng đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn [478] em thì làm Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương, dựng đền ở cửa sông Nam Quân, tức đền thờ này”.

Đây là hai nguồn tư liệu chính liên hệ với bài thơ Thần của chúng ta. Ngô Sĩ Liên cho thấy, ông đã lấy thông tin từ “thế truyền, tức những lời lưu truyền ở đời, để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư. Mà những lời lưu truyền này chắc chắn đã tồn tại trước thời Ngô Sĩ Liên. Tập hợp đầu tiên các truyện ấy ta có Lĩnh nam chích quái nếu không phải của Trần Thế Pháp, thì cũng của một tác gia thời Trần mạt, tức nửa cuối thế kỷ thứ 14. Điều này có thể chứng minh một cách dễ dàng, khi phân tích các truyện có trong các truyền bản của Lĩnh nam chích quái hiện được bảo lưu.

Chẳng hạn, trong số 22 truyện của nó, có hai cặp truyện chắc chắn là rút ra từ Thiền uyển tập anh. Đó là cặp truyện Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không và cặp truyện Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải. Văn cú của hai cặp truyện này trong các truyền bản hiện có hầu như hoàn toàn thống nhất với các văn cú của truyện bốn vị thiền sư có trong Thiền uyển tập anh. Thiền uyển tập anh ta đã biết là phải ra đời vào năm 1337. Do thế, tác giả Lĩnh nam chích quái đã sao lại truyện của bốn vị thiền sư vào trong sách của mình. Đúng là ông đã làm công tác “chích quái”, tức là nhặt lấy những truyện lạ từ các sách khác để tạo nên tác phẩm của mình.

[479] Từ đó chuyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt dù ngày nay ta không có được may mắn như trường hợp truyện bốn thiền sư, chắc chắn cũng phải được tác giả Lĩnh nam chích quái đã trích dẫn từ một văn bản nào đó, mà ngày nay ta chưa thể tìm ra được. (Có người do không nghiên cứu kỹ càng nên đã viện dẫn bừa bãi về nghĩa chữ chích, rồi khen đại là tác giả Lĩnh nam chích quái đã có sự gia công đóng góp của mình. Phân tích truyện bốn thiền sư trên cho ta kết quả hoàn toàn ngược lại. Tác giả Lĩnh nam chính quái đã trích dẫn sao y nguyên văn bốn truyện vừa nêu, dù từ Thiền uyển tập anh hay bất cứ một nguồn nào khác). Dẫu vậy, nếu so với Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh nam chích quái có một tính cổ sơ và văn bản đáng tin cậy hơn là Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế, bài thơ Thần phải được coi là xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981, chứ không phải là trong cuộc chiến tranh năm 1076 với Lý Thường Kiệt.

Xác định thời điểm ra đời của bài thơ như thế, không những phù hợp với nội dung và ý nghĩa của bài thơ như một tuyên ngôn độc lập, mà còn phù hợp với cung cách chỉ đạo chiến tranh của vua Lê Đại Hành. Về nội dung và ý nghĩa, bài thơ Thần đúng là một bản tuyên ngôn cho nhà nước Trung Quốc biết về sự độc lập của đất nước Việt Nam và của nhà nước đang làm chủ đất nước ấy, mà từ thời Ngô Quyền đánh bại quân Nam [480] Hán năm 939 cho đến khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế vào năm 968, những người lãnh đạo nước ta chưa có cơ hội để công bố. Cho nên, nếu coi bài thơ Thần ấy xuất hiện vào năm 1076 thì thật cũng lạ lùng là nước ta độc lập đã gần hai thế kỷ mới có tuyên ngôn độc lập sao?

Còn về cung cách chỉ đạo chiến tranh, ta đã thấy vua Lê Đại Hành nhờ đại sư Khuông Việt đến núi Vệ Linh cầu nguyện, để cho cuộc chiến tranh đi đến thắng lợi hoàn toàn. Khoan nói chi tới việc lời cầu nguyện ấy có được thần linh đáp ứng hay không. Chỉ cần nói rằng mỗi một việc nhờ đi cầu nguyện như thế, vua Lê Đại Hành đã muốn thông qua nó để tác động lên tinh thần quân sĩ. Đây là một công tác tư tưởng chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu gay go sắp tới. Và gay go thật khi quân đội ta đang đối diện với quân đội của một nước to lớn hơn nhiều và đã có những lần thành công đè bẹp được sức chiến đấu của quân đội ta trong những thế kỷ trước. Do thế, yêu cầu công tác tư tưởng là một yêu cầu cấp bách để chuẩn bị cho quân đội chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Từ đó, sự có mặt của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát của Triệu Việt Vương và sự xuất hiện bài thơ Thần là một tất yếu. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng bài thơ Thần đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh 981, như Lĩnh nam chích quái đã ghi. Những bản [481] Lĩnh nam chích quái về sau như bản Tục loại của Đoàn Vĩnh Phúc chép vào năm Quang Bảo thứ nhất (l500) đã theo Đại Việt sử ký toàn thư và chép bài thơ ấy liên hệ với Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến tranh 1076. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập do Gia Cát Thị thực hiện vào năm Cảnh Hưng Giáp Ngọ (1774) cũng làm thế, nhưng đã cho ta một bài thơ gần như khác hẳn:

Nam bắc phong cương các biệt cư
Tinh phân Chẩn Dực tại thiên thư
Kình thôn lang phệ chân vô yếm
Hội kiến trần thanh tảo thái hư

(Cõi bờ Nam Bắc mỗi riêng nơi
Chẩn Dực sao chia tại sách trời
Sói cắn kình nhai đâu thấy chán
Bụi dơ quét sạch thấy trời tươi)

Bài thơ này có khả năng Gia Cát Thị đã lấy từ một bản nhuận sắc của truyền bản A.2914 của Lĩnh nam chích quái hiện đang được bảo lưu tại thư viện Viễn Đông Bác Cổ nay là thư viện Hán Nôm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như kim bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến hải trần tận tảo trừ

[482] Do thế, theo chúng tôi, ta nên trả bài thơ Thần trên về cho cuộc chiến tranh năm 981 và chúng ta đã có đủ cơ sở để làm như thế. Đây không phải là một kết luận mới. Hai bộ sử viết bằng tiếng Việt vào thế kỷ 16 và 17, là Việt sử diễn âm Thiên nam ngứ lục đều thống nhất có cùng một kết luận. Việt sử diễn âm đã dành một đoạn dài nói về lai lịch của bài thơ này, viết:

Tháng bảy có Tống binh sang
Toàn những tướng mạnh binh cường ba muôn
Đến thành Phù Lỗ đóng vây
Quân ta quân nó đôi bên ngất trời
Chưa phân thắng phụ về ai
Ngày rằm tháng chạp vua nằm chiêm bao
Thấy đôi thần nhân bãi nào
Trương Hống Trương Hát bước vào quỳ thưa
Chúng tôi thần đế lòng xưa
Phụng thờ nhà chúa bấy chừ chẳng sai
Tiên Hoàng có sắc chỉ bày
Đòi về phong chức cho tôi tước quyền
Trung thần bất sự nhị quân
Chúng tôi tự vẫn làm thần đạo ngay
Thượng đế thấy bộ thương thay
Phong chúng tôi rày Quỉ bộ thần quân
Đại Hành thức dậy mừng thay
Giết trâu liền có minh tài tế khao
Đêm sau vua lại chiêm bao
[483] Thấy mặc áo mới liền vào tạ ơn
Có một người đứng án tiền
Lĩnh được trăm áo vàn vàn quỷ binh
Lấy ra chưng đất Nam Bình
Đại Hành sực thức gẫm tình mới hay
Nửa đêm thấy một cơn mây
Bạo phong hắc ám gió bay vội vàng
Tống binh mất vía trở dường
Chúng quỷ đánh gãy đao thương liền cờ
Bỗng nghe mảng tiếng không hư
Thần nhân hiện xuống có thơ ngâm rằng

Thi vân:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ cảm xâm phạm
Hội kiến phong trần tận tảo trừ [2]

Thiên nam ngữ lục có vẻ tiếp thu quan điểm của tác giả Việt sử diễn âm, vì bài thơ Thần hai bản chép tương đối giống nhau:

Bấy giờ binh mã sửa sang
Địch cùng Nhân Bảo là thằng giặc Ngô
Mười buôn binh mạnh thẳng đua
Qua miền Giang Bắc, đây là Phù Lan
[484] Đêm thấy hai ngài đến màn
Xưng danh là Hát, xưng danh là Hồng
Giúp đời Triệu Việt có công
Thuở chẳng như lòng, ẩn nội Phù Lan…
Ơn trên Thượng đế xét thương
Quyền cho chúa tể giữ phương yên này.
Bây chừ bệ hạ đến đây
Nguyện ra giúp nước phá này giặc Ngô
Phán rằng: Tướng quan y như
Công nên thời lập miêú thờ trả ơn
Ngày sau Nhân Bảo ra quân
Trên không nghe tiếng người ngâm thơ rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến phong trần tận khử trừ [3]

Vấn đề tiếp theo là dù thơ Thần đi nữa thì cũng phải do con người làm ra, phải thông qua một con người để đọc lên. Vậy, ai có khả năng có thể làm ra bài thơ này? Để trả lời câu hỏi này, ta thấy trong số những người tham mưu vào bộ chỉ huy của vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981 không ai có nhiều điều kiện gần gũi hơn Pháp Thuận, đặc biệt khi truyện Pháp [485] Thuận đã xác nhận ông là người tham gia "vận trù kế sách" ngay từ lúc vua Lê Đại Hành sáng nghiệp.

Hơn nữa, nếu những văn thư ngoại giao dưới triều Lê Đại Hành là do Pháp Thuận soạn thảo, như trên đã chứng tỏ, thì việc Pháp Thuận sáng tác bài thơ Thần ấy là một kết luận hợp lý. Ngoài ra, Pháp Thuận đã có một hệ tư tưởng chính trị hoàn chỉnh phát biểu trong bài thơ Vận nước dưới đây. Đây là hai yếu tố khác cho phép xác nhận khả năng Pháp Thuận đã sáng tác bài thơ ấy. Thêm vào đó, bài thơ này hòa nhập một cách nhuần nhuyễn và thể hiện được khuynh hướng nổi bật của dòng văn học thời sự chủ lưu các thế kỷ ấy. Khuynh hướng văn học nổi bật đây đã chi phối gần 300 năm phát triển của nền văn học Việt Nam với sự tập trung cao độ của vấn đề nóng bỏng nhất của dân tộc thời bấy giờ là vấn đề làm chủ đất nước.

Từ khi Định Không khai sáng ra dòng văn học này, nó đã liên tục làm chủ sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn ấy. Đó là nền văn học phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị vì chủ quyền của đất nước, vì quyền sống của người dân, vì sự hưng thịnh của Phật giáo. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học nước ta lại có một sự nhất quán cao độ như thế về cảm thức thời sự của những cây bút anh tài. Dòng văn học này đã qui tụ xung quanh nó một loạt các nhà thơ lớn của dân tộc từ [486] Định Không cho đến Vạn Hạnh, qua La Quí, Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo. Cho nên bài thơ Thần ra đời vào giai đoạn ấy nằm trong xu thế chung của lịch sử văn học Việt Nam ở giai đoạn đó.


[1]Những con số trong ngoặc vuông để chỉ số trang trong bản gốc.
[2]Việt sử diễn âm, AB 110.
[3]Thiên Nam ngữ lục, trong Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập III Tu thư Phật học Vạn Hạnh, 1983, tr. 465-467.
Nguồn: Lê Mạnh Thát, Lịch sá»­ Phật giáo Việt nam T.II, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 473-485.