trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
26.3.2008
Nguyễn Hữu Sơn
Mấy vấn đề đặt ra từ nghiên cứu về Thiền uyển tập anh
 
Với khoa văn bản học Hán - Nôm Việt Nam nói chung cũng như các ngành lịch sử tư tưởng, lịch sử Phật giáo, văn hoá học và văn học nói riêng, tác phẩm Thiền uyển tập anh (TUTA) có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngay dưới thời trung đại, tác phẩm đã được khai thác sử dụng trong nhiều bộ sách khác nhau. Bước sang thế kỷ XX, TUTA đã được khảo sát, phiên dịch, giới thiệu sang tiếng Pháp và Việt văn, Nga văn, Anh văn, tiêu biểu nhất có: Trần Văn Giáp: Le Bouddhisme en Annam des origines au XIII è siècle (Phật giáo Việt Nam, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII), BEFEO XXXII (1932),7; sách TUTA do Ngô Ðức Thọ - Nguyễn Thuý Nga dịch, chú thích (Phân viện Nghiên cứu Phật học - NXB Văn học, H, 1990; 256 trang); Tuyển tập bài viết về tư tưởng truyền thống Việt Nam Thế kỷ X-đầu thế kỷ XIII (M. T. Xtêpanhian chủ biên. Viện triết học xuất bản, Moscova, 1996, 241 trang); Nguyễn Tự Cường: Zen in Medievan Vietnam: A study and translation of “Thiền uyển tập anh” (Thiền thời trung đại Việt Nam - nghiên cứu và dịch bản TUTA. Honolulu, 1997, 487 trang; có kèm ảnh ấn văn bản TUTA). Ngoài ra, trong tay chúng tôi còn có bản dịch toàn văn TUTA ngữ lục (Bản đánh máy, không ghi tên người dịch, cơ quan chủ quản và năm dịch, 133 trang) và công trình nghiên cứu - phiên dịch - chú thích của Lê Mạnh Thát (Bản in rôneô. Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976, 320 trang). Có thể coi đây là những công trình khảo cứu, phiên dịch chuyên sâu và cơ bản nhất về biệt tập TUTA từ trước đến nay.

Trên thực tế, chuyên khảo Nghiên cứu về TUTA được xuất bản lần này của học giả Lê Mạnh Thát [1] chính là bản in rôneô (1976) nói trên, song đã được bổ sung thêm tư liệu mới, những kiến giải mới về vấn đề tác gia - tác phẩm, điều chỉnh và hiệu đính chi tiết hơn về văn bản, đồng thời chỉnh lý cấu trúc cũng như gia tăng thêm phần phụ lục và có ảnh ấn văn bản tác phẩm đời Lê Vĩnh Thịnh thứ 11(1715), ký hiệu A. 3144. Có thể nhận định khái quát rằng công trình Nghiên cứu về TUTA của Lê Mạnh Thát thực sự có ý nghĩa tổng thành bởi tầm bao quát tư liệu phong phú, những chứng dẫn và liên hệ chuyên sâu, những chú thích và kiến giải công phu, đòi hỏi một vốn kiến thức uyên bác và niềm say mê lao động học thuật qua hàng chục năm trời. Thậm chí có nhiều chú thích văn bản dài tới cả vài chục trang, đạt tới giá trị khoa học như những tiểu luận khảo cứu chuyên sâu mà không phải một chuyên gia nào cũng dễ dàng có được.

Ðể giúp bạn đọc hình dung thuận lợi các phương diện nội dung và ý nghĩa học thuật, chúng tôi trình bày một vài thu hoạch theo trình tự cấu trúc của bộ sách.

Ngoài lời Tựa của tác giả, công trình Nghiên cứu về TUTA được chia thành 7 phần sau.

Phần I: Nghiên cứu về TUTA. Ðây là phần nghiên cứu quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề về văn bản - soạn niên - tác giả và chính phương pháp biên soạn sách. Ðiều đáng lưu ý là trong “Vấn đề truyền bản”, bằng những chứng cứ gián tiếp qua nhiều tác phẩm thời trung đại như Lĩnh Nam chích quái, An Nam chí nguyên, Lịch triều hiến chương loại chí, Ðại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục,... tác giả đã bước đầu đoán định về sự tồn tại của các “truyền bản đời Trần”, “truyền bản đời Hồ” và “truyền bản 6 quyển” (“truyền bản 6 quyển có lẽ cũng là truyền bản đời Trần nói trước”, “nó là một bản in trước 1715 còn sót lại một cách nguyên vẹn”, “nó cũng là một truyền bản xưa nhất được biết một cách đích xác chứ không phải qua suy luận”, “truyền bản đời Trần có lẽ cũng có 6 quyển”...). Ở đây, theo chúng tôi, trong tình hình chưa thể truy tìm được văn bản nguồn gốc thì tất cả những lập luận, suy luận, suy diễn, nói khác đi, nếu không đi nữa, dẫu sao (chữ dùng của Lê Mạnh Thát)... trước sau cũng mới chỉ là những đoán định đặt trong chiều hướng, xu thế, khả năng, đòi hỏi cần được tìm hiểu thêm.

Vấn đề quan trọng và có ý nghĩa nhất là học giả Lê Mạnh Thát đã khảo tả chi tiết các truyền bản đời Lê. Tuy nhiên, với trường hợp “truyền bản đời Lê sơ”, trên cơ sở cứ liệu việc biên soạn lại Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái, tác giả đi đến kết luận: “Ðiều này chứng tỏ TUTA lưu truyền khá phổ biến vào đời Lê sơ, tức khoảng trong những năm 1448 - 1466...” (tr. 32), song thực chất cũng chỉ là kết luận ngoại suy. Nó chỉ chứng tỏ kiến văn uyên bác và khả năng suy tưởng sâu sắc nơi người viết, nhưng do điều kiện tư liệu và bản thân tính phức tạp của đối tượng nghiên cứu qui định nên các kết luận trên vẫn chỉ là ngoại suy (tất nhiên là ngoại suy của một học giả trình độ bậc thầy), chứ chưa phải đã đưa lại kết quả học thuật minh chứng hiển nhiên.

Ở những đề mục tiếp theo, tác giả phân tích kỹ lưỡng vấn đề “truyền bản đời Lê I” (chỉ bản in khoảng trước năm 1750, ghi theo ký hiệu kho sách trường Viễn đông Bác cổ là A.1782; và theo dẫn giải của Ngô Ðức Thọ thì đây cũng là bản mang ký hiệu VHv. 1267 lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sau khi khảo sát tiếp “truyền bản đời Nguyễn” (chỉ bản in năm 1858) và “bản chép tay A.2767” (có nhấn mạnh những hạn chế của văn bản này), từ đó Lê Mạnh Thát xác định “vấn đề chọn lựa truyền bản” (lựa chọn bản in năm 1715 làm bản đáy, bản trục để dịch và ảnh ấn). [2]

Riêng trong “vấn đề tên gọi”, sau khi điểm duyệt các tên gọi khác nhau, tác giả đi đến kết luận: “Bản chất TUTA, tuy có chứa đựng ngữ lục, nhưng không phải là một tác phẩm thuần túy ngữ lục. Thực tế mà nói, nó có những truyện không chứa đựng một ngữ lục nào hết. Truyện Pháp Thuận, truyện Ma Ha thuộc dòng thiền Pháp Vân là những thí dụ. Có lẽ vì nhận ra sự trạng đó, nên người hiệu đính và viết tựa cho bản in năm 1715 đã không ngần ngại nêu ngay cái tên TUTA, mà giải thích ý nghĩa và đã không một lời đề cập xa gần gì tới ngữ lục cả. Hơn nữa, cứ vào số lần xuất hiện của nó thì TUTA chắc chắn là tên của tác phẩm nguyên ủy, nhất là khi ta biết chúng là khởi đầu cho những quyển khác nhau theo truyền bản 6 quyển. Chúng tôi vì vậy nghĩ rằng chữ “ngữ lục” là một thêm thắt vào thời Lê dưới ảnh hưởng của quan niệm, theo đó thì mỗi khi nói đến tác phẩm của cái vị Thiền sư, người ta phải đề cập tới ngữ lục. Và tên nguyên uỷ của tác phẩm chúng ta nghiên cứu đây là TUTA (...). Cái tên TUTA có một lai lịch xa xưa và thống nhất như thế. Do đó chúng tôi đề nghị chúng ta gọi tên tác phẩm mang những đề danh khác nhau trên bằng cái tên gọi TUTA thống nhất vừa nêu” (tr. 57-59). Có thể khẳng định đây là phần khảo cứu chuyên sâu, tường tả một cách hệ thống, chi tiết bậc nhất về nhan đề tác phẩm TUTA. Xin nói thêm, đây cũng là định hướng khoa học được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận. Hơn nữa, bên cạnh các lý do không điển hình, thuần nhất của nhiều thể loại văn học trung đại Việt Nam và khả năng chuyển đổi trong quá trình sao chép văn bản thì tên gọi trên cho thấy bản chất sự tương đồng, phù hợp giữa nội dung và cấu trúc văn bản so với nhan đề sách. [3]

Ở đề mục Vấn đề soạn niên và tác giả, nếu như nhận định TUTA “là một tác phẩm đời Trần” hay việc khẳng định tác phẩm “được viết vào năm 1337” đã trở thành nhận thức chung của giới khoa học, thì bản thân nội dung câu chữ có liên quan đến niên đại 1337: “Thời Ðường Bảo Lịch nhị niên Bính Ngọ chính nguyệt thập nhị nhật, nhị thập bát niên, hựu chí Khai Hựu Ðinh Sửu, nhị thập tứ niên, ngã Việt thiền học tự sư chi thủy” (truyện Vô Ngôn Thông, tờ 5a 6-7) lại gây nên những băn khoăn dường như chưa có kiến giải cuối cùng [4] . Với học giả Lê Mạnh Thát, ông đề xuất những phương án giải quyết khác nhau trên cơ sở giả định khả năng người xưa “chép lộn”, “in sót”, “khắc sai”... Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là thao tác giả thiết mà chính ông đã xét đoán “cách nào cũng có ưu và khuyết điểm của nó cả”. Rút cuộc, cộng với 9 sự kiện đã xác lập, tác giả vẫn trở lại với kết luận tiên nghiệm sáng rõ ban đầu: “Dẫu chấp nhận cách nào đi nữa, năm Ðinh Sửu Khai Hựu vẫn không thay đổi... đấy phải nhìn nhận là năm viết ra TUTA” (tr. 72-78). Xin nói thêm, mấy năm trước đây, trong một khảo cứu văn bản công phu, ông Nguyễn Ðăng Na không đi theo con đường truy tìm ở sự nhầm lẫn văn bản đã mở ra một hướng tìm tòi mới và đi đến kết luận: "Vậy 28 năm là kể từ Vô Ngôn Thông được truyền tâm ấn năm 797 đến ngài qua đời năm 824 và 24 năm là kể từ khi vị Tổ của dòng thiền Kiến Sơ làm công việc "khai hựu" đến năm ngài tới chùa Kiến Sơ... Trên đây là toàn bộ những bí ẩn đoạn kết truyện Vô Ngôn Thông và việc giải mã những bí ẩn đó. Có thể việc giải mã của chúng tôi chưa thực sự thỏa mãn bạn đọc, nhưng dẫu sao cũng là một hướng đi mới và điều dáng nói là, chúng tôi không đổ lỗi cho văn bản mà cố gắng đi tìm cái hữu lý trong cái tưởng như vô lý". [5] Ðáng tiếc là cho đến nay trong học giới vẫn chưa có thêm tiếng nói trao đổi, thẩm định và khẳng định cho thật rõ ràng.

Mở đầu đề mục Vấn đề tác giả TUTA, học giả Lê Mạnh Thát nêu vấn đề: “Nếu TUTA viết vào năm Ðinh Sửu Khai Hựu (1337), thế thì nó do ai viết? Ðây là một câu hỏi tương đối mới mẻ mà trước đây chưa từng được đề cập tới” (tr. 78). Sự thực thì nhà nghiên cứu Nguyễn Lang căn cứ vào nội dung các nguyên chú và sách dẫn trong TUTA đã nhận định: “Xét kỹ nội dung TUTA, ta thấy rằng sách này không phải do một người biên tập mà là do nhiều người biên tập... Vậy ta có thể kết luận là sách TUTA gồm có nhiều người, trong đó những vị sau đây là quan trọng nhất: 1) Thông Biện; 2) Thường Chiếu; 3) Thần Nghi; 4) ẩn Không”. [6] Sau này Ngô Ðức Thọ trong Lời giới thiệu sách TUTA kể trên cũng xác định gần như tương tự: “Nói tóm lại, chúng ta có thể hình dung cuốn TUTA này đã trải qua một quá trình biên soạn: khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện, chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi, đến ẩn Không (tức Na Ngạn đại sư) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn” (tr. 9-14). Với Lê Mạnh Thát, một mặt ông vẫn chú ý đến quá trình bổ sung, tiếp nối, truyền trao văn bản song lại chủ định xác minh vai trò người kết tập, hoàn chỉnh văn bản cuối cùng vào năm 1337 (tức là sau ẩn Không khoảng trăm năm) - mà theo suy luận của ông thì đó có khả năng là Kim Sơn, một đệ tử của Pháp Loa Ðồng Kiên Cương (1284 - 1330): “Tuy nhiên, cứ vào những liên hệ mật thiết Minh Tôn có đối với Kim Sơn, chúng tôi nghĩ rằng chính Kim Sơn là người đã viết nên TUTA có lẽ theo lệnh của Minh Tôn... Dẫu sao chăng nữa, tất cả những gì ta biết về Kim Sơn, tác giả TUTA, chỉ gồm có việc là một trong những cao đệ của Pháp Loa có những liên hệ mật thiết với Minh Tôn và sống tối thiểu cho tới năm 1357” (tr. 87-89). Ðể đi tới những kết luận giả định này, người viết đã vận dụng vốn kiến thức vô cùng sâu rộng, từ đó góp phần khơi mở những định hướng nghiên cứu mới mẻ (đơn cử như việc đề xuất việc khảo sát thực địa xã Nguyệt áng - nơi có tháp Kim Sơn - vốn thuộc tổng Phù Lưu, huyện An Lão, phủ Kim Môn, tỉnh Hải Dương cũ). Có điều, những suy đoán dù thông tuệ chặt chẽ bao nhiêu cũng đành dừng lại ở mức độ có khả năng, chưa thể là kết luận cuối cùng. Mặc dù như thế, theo chúng tôi, việc nhấn mạnh các thế hệ tác giả và quá trình hoàn thiện văn bản TUTA theo cách làm của nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang và Lê Mạnh Thát trước đây cũng vẫn là điều hữu ích.

Tiếp đến đề mục Những nguồn sử liệu và phương pháp viết sử, học giả Lê Mạnh Thát đã dụng công suy xét, lật đi lật lại vấn đề, từ những câu chữ chi tiết nhỏ nhặt nhất mà đan kết, liên hệ thành chủ điểm chắc chắn. Trên cơ sở các cứ liệu văn bản, ông qui nạp thành hai nguồn sử liệu chính được sử dụng trong TUTA: Thứ nhất là loại tác phẩm sử học Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa cơ sở nền tảng ra đời trước đó; Thứ hai là loại tư liệu phụ bao gồm sử ký, quốc sử, bia ký và cả tác phẩm Thiền tông Trung Quốc. [7] Khi nhận định về phương pháp viết sử, ngoại trừ việc duy danh Kim Sơn là tác giả TUTA, Lê Mạnh Thát phân tích hữu lý mặt ưu điểm: “Qua những nguồn sử liệu vừa phân tích trên, ta có thể nói ông muốn đạt đến một lối viết sử khách quan khoa học, nhằm trình bày lại quá khứ vừa như một thực tế sinh động có những màu sắc riêng của nó, vừa như một khí cụ giáo dục rút tỉa những kinh nghiệm có ích không những cho công tác tu hành, mà còn cho những công tác chính trị xã hội khác” (tr. 107); đồng thời chỉ ra mặt hạn chế làm cản trở việc triển khai những ưu điểm có sẵn trong phương thức sử dụng sử liệu là bởi “quan điểm trường phái”, “thứ tự niên biểu của các dòng thiền bị đảo lộn”, “để cho ảnh hưởng phương pháp sử Thiền tôn của Truyền đăng lục, một phần nào lấn át khả năng phán đoán của mình” (tr. 108-109)...

Trong đề mục Vấn đề hiệu bản - phiên dịch và chú thích, học giả Lê Mạnh Thát xác định lấy văn bản đời Lê I (in 1715) làm bản trục hiệu đối với bản đời Lê II (in khoảng 1750, ký hiệu A. 1782), bản đời Nguyễn (Phúc Ðiền, 1858), bản chép tay A.2767 và đi tới bản hiệu chính. Ðương nhiên đây là công việc chuyên môn đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, sự cầu toàn, công phu, nghiêm túc.

Phần II: Bản dịch TUTA. Ðiều đáng chú ý là bản dịch này được thực hiện trọn vẹn, toàn văn, đảm bảo yêu cầu khoa học (trong khi bản Ngô Ðức Thọ - Nguyễn Thuý Nga lược bỏ truyện Quốc sư Minh Không (1066-1141) với lý do “có những đối thoại xa lạ với Phật giáo, ngờ do người in bản Vĩnh Thịnh thu nạp một cách thiếu cân nhắc” (tr. 213); đồng thời phần dịch thuật đều có ký chú theo trình tự số tờ của bản trục. Nói riêng về truyện Quốc sư Minh Không, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát đã khai thác và tiến hành so sánh các nguồn thư tịch như Lĩnh Nam chích quái (văn bản ghi Lĩnh Nam trích quái), Việt điện u linh, Nam Ông mộng lục, Việt sử tiêu án, Bắc thành địa dư chí, Ðại Nam nhất thống chí..., từ đó góp phần lý giải hiện tượng truyện Quốc sư Minh Không bị chép gộp vào truyện Thiền sư Không Lộ (?-1119): "Cuối cùng cũng cần nhắc lại là bản in đời Nguyễn không có bản tiểu sử của Minh Không, ở đây không liệt Minh Không vào dòng thiền Pháp Vân. Ðương nhiên, truyện của Không đã bị bản in đời ấy hay "Tiêu Sơn tự cựu bản" góp vào trong truyện của Không Lộ... Nhưng có thể tờ có truyện Minh Không đã bị mất trong Cựu bản Tiêu Sơn tự" (tr. 282-283, 582-588).

Phần III: Chú thích TUTA. Ðây là phần có mối liên hệ hữu cơ với bản dịch TUTA. Tác giả không dừng lại ở mức chú dẫn, giải thích điển tích thông thường mà tiến đến bao quát mọi nguồn tư liệu có liên quan như về sự kiện lịch sử, diên cách địa lý, quan hệ giao tiếp và tương đồng văn hoá... Có thể coi những chú thích này là kiểu mẫu cho cách thức khảo cứu văn bản, khơi gợi khả năng suy tư sáng tạo, khả năng mở rộng trường liên tưởng, liên hệ và đối sánh giữa các chi tiết và đối tượng để hợp lực tạo thành những kiến giải học thuật thú vị.

Thâm nhập sâu sắc vào văn bản, tác giả đã chú giải nhiều chi tiết vốn mâu thuẫn, sai sót ngay từ trong nguyên bản TUTA như về thế thứ truyền thừa và năm qua đời các thiền sư Ðịnh Hương, Ðạo Huệ, Tịnh Giới, Bản Tịnh - Mãn Giác, Trì Bát - Thuần Chân, Tịnh Thiền - Ðạo Lâm, Y Sơn... Nhân đây xin bổ sung thêm một vài chi tiết nhỏ: Việc ghi thiền sư Tịnh Không thị tịch năm Chính Long Bảo ứng thứ 8 (1170) là đúng, song không suy ra được năm sinh của ông. So nguyên bản ghi ước lệ “thọ bát thập dư” (thọ hơn tám mươi tuổi) nên không thể suy nguyên chính xác như ở bản dịch (năm 1091); việc lý giải thiền sư Thuần Chân mất vào năm ất Dậu Long Phù thứ 5 (1105) là đúng song so sánh với câu kết truyện thiền sư Trì Bát (1049-1117): “Môn đồ đệ tử là thiền sư Tịnh Hạnh, Pháp Nhãn và Thuần Chân thu di cốt hoả táng” thì thấy Thuần Chân mất trước 12 năm, sao có thể “thu di cốt hoả táng” cho Trì Bát được? Những điều này rất cần được chỉ ra và lí giải ầy đủ hơn nữa...

Các phần còn lại như Phần IV: Phụ lục (Trích văn bản đời Trần, đời Hồ, đời Lê sơ và TUTA bạt hậu); Phần V: Thư mục chú thích; Phần VI: Bảng sách dẫn; Phần VII: Nguyên bản Hán văn đều là công việc công phu, nghiêm túc song cũng là những 0thao tác khoa học hiển nhiên nên xin không bàn thêm. Chỉ tiếc rằng sách in thật đẹp nhưng còn vương khá nhiều lỗi chính tả, qui cách viết hoa tên đất, tên người, tên tác phẩm...

Với công trình Nghiên cứu về TUTA, trên cả hai phương diện khảo cứu và dịch thuật, học giả Lê Mạnh Thát đã có những đóng góp hết sức to lớn vào việc tìm hiểu biệt tập TUTA. Với công trình này, ông mở rộng cánh cửa của tri thức để thấy được khả năng tích hợp văn hoá vô cùng sâu rộng cũng như giá trị nhiều mặt của tác phẩm TUTA. Do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt bởi truyền thống bảo quản tư liệu yếu kém, mặc dù còn có những kiến giải chưa thể trọn vẹn, chưa dễ đạt đến kết quả thống nhất như các vấn đề tác giả, soạn niên và truyền bản, song phải khẳng định công trình đã góp phần quan trọng vào việc nâng cấp nhận thức về biệt tập TUTA nói riêng cũng như về lịch sử văn học thời Lý - Trần và lịch sử văn hoá - văn học Phật giáo Việt Nam nói chung.



[1]Chuyên khảo của Lê Mạnh Thát. NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1999; 846 trang. Chỉnh lý. In lại trong Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Tập III. NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2002; 912 trang.
[2]Bạn đọc trông đợi tác giả có dịp khảo sát, so sánh và chỉ dẫn rõ thêm mối quan hệ giữa văn bản TUTA gọi theo niên đại và theo ký hiệu của Trường Viễn Ðông bác cổ trước đây với văn bản tương ứng có tại các thư viện hiện nay. Cần xác định rõ văn bản nào trùng nhau mà khác nhau về ký hiệu, và đâu là độc bản? Chẳng hạn, với văn bản TUTA in năm 1715, tác giả cho biết: “Thứ ba, về bản đời Lê I, tức bản in 1715, đã thất lạc từ thời Gaspardone, mà ngày nay thư viện Hán Nôm cũng không thể tìm ra được bản khác như Di sản Hán Nôm Việt Nam III ghi nhận” (tr. 6), nhưng thực tế đây lại là bản có kí hiệu A. 3144 mà Ngô Ðức Thọ - Nguyễn Thúy Nga đã sử dụng để dịch (Sđd); còn truyền bản Lê II có ký hiệu A. 1782 (tr. 41) thì bản Ngô Ðức Thọ - Nguyễn Thúy Nga ghi là VHv. 1267. Ngược lại, phần Khảo luận văn bản trong sách Thơ văn Lý - Trần, Tập I (NXB KHXH, H, 1977) cho biết văn bản A.2767 là “bản in” trong khi theo Lê Mạnh Thát thì đó là “bản chép tay” (tr.52-54); hoặc Thơ văn Lý - Trần cho rằng: “Hiện nay bản của Phúc Ðiền đã mất” (tr. 115), trong khi Lê Mạnh Thát xác định: “Hoà thượng Phúc Ðiền là đạo hiệu của An Thiền” (tr. 45-46) và truyền bản này có tên Ðại Nam thiền uyển truyền đăng lục...
[3]Xin xem, chẳng hạn: Nguyễn Hữu Sơn: Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của TUTA. Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr. 57-59; và Luận án Tiến sĩ văn học Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong TUTA (1998); Nguyễn Tự Cường: Nghĩ lại lịch sử Phật giáo Việt Nam: TUTA có phải là “văn bản truyền đăng” không? (Ngân Xuyên dịch). Tạp chí Văn học, số 1-1997, tr. 77-82.
[4]Xin xem, chẳng hạn: Lê Mạnh Thát: TUTA (Nghiên cứu và dịch bản). Tu thư Phật học Vạn Hạnh. Bản in Rôneô, 1976, tr.30-35. In sách Nghiên cứu về TUTA. Sđd, tr. 72-78; Thơ văn Lý - Trần, Tập I. Sđd, tr. 115-117.
[5]Nguyễn Ðăng Na:Bí ẩn của đoạn kết truyện Vô Ngôn Thông và việc giải mã bí ẩn đó”. Tạp chí Văn học, số 3-1997, tr. 63-72...
[6]Xin xem: Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1973. In lần thứ tư. NXB Văn học, H, 1994, tr. 116-121; TUTA (Ngô Ðức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, chú). Sđd, tr. 9-14...
[7]Hà Văn Tấn: “Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam”. Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr. 7-12.
Nguồn: Tạp chí Văn học, số 5-2002, tr. 72-77