trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
27.3.2008
Nguyễn Tường Tâm
Làm nhà báo Việt Nam quá khó
 
The public interest is best served by the free exchange of ideas.
(Quyền lợi của công chúng được phục vụ tốt nhất qua sự trao đổi ý kiến một cách tự do.)
— Judge John Kane

Theo dõi liên tiếp bẩy bài của các chuyên gia truyền thông và nhà báo hàng đầu trong nước bàn về hiện tình và viễn cảnh của báo chí Việt Nam đăng trên Tuần Vietnamnet, người đọc thu được nhiều dữ kiện lạ lùng, qua đó, thấy rằng làm nhà báo ở Việt Nam quả thật khó khăn hơn ở phương Tây rất nhiều khi mà những vấn đề cốt yếu của báo chí từ cách viết bài đến tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và vai trò của báo chí ở Việt Nam đều được nhận thức rất mơ hồ.

Nhà báo Phú Trang trong bài “Viết cho ai?-Thước đo bản lĩnh của nhà báo” đăng ngày 10/11/2007 đã tổng kết ba điểm chính trong loạt bài của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức An bàn về báo chí nước nhà là các tiêu chí tính công vụ, hệ thống tri thức chuyên biệt và hệ thống lý luận đạo đức.

Thực vậy, TS Nguyễn Đức An, trong loạt bài “Báo chí Việt Nam: Đường đến chuyên nghiệp còn xa” đăng ba kỳ kể từ ngày 2/11/2007, nêu nhận định: để chuyên nghiệp hoá báo chí, cần có năm tiêu chí. Nhưng ông chỉ đề cập tới ba tiêu chí ông cho là căn bản nhất mà nhà báo Phú Trang vừa tóm tắt. Hai tiêu chí kia TS An không cho biết là tiêu chí gì. Các tiêu chí do TS An đề cập tới đã được phóng viên của báo Tuần Vietnamnet sau đó nêu lên trong hai cuộc phỏng vấn riêng rẽ với nhà báo lão thành Phan Quang đăng ngày 12/11/2007 và PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí (ĐH Quốc gia Hà Nội) đăng ngày 14/11/2007. Trong vấn đề kiến thức chuyên ngành, theo như TS An dẫn chứng, người đọc hiểu tác giả chủ yếu muốn đề cập đến cách viết của nhà báo. Ông viết: “Ta vẫn đang trong một nền báo chí không hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt văn chương. Với chất văn chi phối, không ít nhà báo cầm bút viết và đi quá đà vì không ghìm cảm xúc, tự do áp đặt chủ quan trên dữ kiện.”

Đối với PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, người phỏng vấn chủ yếu nêu mấy câu hỏi liên quan tới cách viết các bản tin hay các bài báo như: “Xin được hỏi bà, xét trên thực tế hoạt động báo chí thì ngày nay liệu văn chương và báo chí có còn bất phân?”; “Trên báo chí hiện nay vẫn còn tồn tại những bài viết miêu tả dông dài. Đó có phải là ảnh hưởng của cách viết văn?”; “Lấy ví dụ ở thể loại phóng sự, báo chí nước ngoài coi trọng yếu tố thông tin. Vậy tại sao phóng sự của Việt Nam xuất hiện quá nhiều cái “tôi” của tác giả?” Các câu trả lời của TS kiêm nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái tuy gây ấn tượng nhưng không giúp cho những người muốn dấn thân vào nghề báo ở Việt Nam hiểu rõ để viết một bản tin hay một bài báo sẽ phải viết dài ngắn như thế nào. Đâu là quá dài, đâu là quá ngắn. Có nên đề cập tới cái tôi trong bài báo mình viết hay không? Nếu không thì tại sao?

Trả lời câu hỏi: “Ông có nhận thấy báo chí Việt Nam hiện đại mang ảnh hưởng nhiều từ văn chương sáo rỗng, bài viết do đó dài dòng, không nêu bật được vấn đề?”, nhà báo lão thành Phan Quang nói: “Bác Hồ từng dạy: ‘Viết thì phải viết cho hay’. ‘Hay’ tức là văn chương, và muốn văn chương thì trước hết người viết phải viết cho nghiêm chỉnh, cho đúng. Mặt khác, cần hiểu cái gọi là “văn chương” trong ngôn ngữ báo chí hoàn toàn khác cách diễn đạt của văn học hư cấu, của thi ca chẳng hạn, thiên về cảm xúc, hình tượng.” Câu trả lời của ông Phan Quang tuy khá cặn kẽ nhưng vẫn không giúp người muốn vào nghề báo biết được nguyên tắc viết một bản tin hay một bài báo.

Không những người muốn vào làm báo Việt Nam không hiểu sẽ phải viết như thế nào cho đúng tiêu chí trong nghề mà còn không hiểu thế nào là văn báo chí nữa. Vậy thì người đọc hiểu sao được khi chính các chuyên gia, giới nghiên cứu cũng mâu thuẫn nhau.. Ông Trần Quang thuộc Khoa Báo chí - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bài báo ngày 11/11/2007, viết: “Đối với nhiều khái niệm báo chí, giới nghiên cứu báo chí còn chưa thể thống nhất trong cách hiểu.” Ông viết tiếp: “Nhiều tác giả ở nước ta vẫn kiên trì quan niệm cho rằng báo chí là một bộ phận của văn học, cho nên muốn viết báo hay phải dùng đến “chất văn” mới giải quyết được.”

Ở Việt Nam, không những quan niệm thế nào là văn báo chí còn quá mơ hồ mà quan niệm về đạo đức nghề nghiệp cũng chưa được nhận thức thấu đáo. TS An viết: “Ý thức luật pháp báo chí mờ ảo vì không được mài dũa hoặc quan tâm khi tác nghiệp.” Ông cũng nêu lên nhận xát: đạo lý nghề nghiệp không những “mờ ảo” mà còn chưa thể hiện trên từng trang báo. Thực ra “mờ ảo” là từ quá nhẹ để mô tả hiện trạng đạo đức nghề báo chí tại Việt Nam hiện nay. Đúng hơn, phải dùng chữ “thảm hại tới hãi hùng, làm bàng hoàng người đọc”. Có ai trên thế giới có thể tưởng tượng được hiện tượng sau đây do TS An mô tả: “có trào lưu nhà báo salon, chuyên đi cóp báo bạn, thậm chí bịa thêm chi tiết để làm bài cho mình. Bì thư họp báo đã trở nên như không phải là chuyện lớn; báo chí lẫn lộn với PR (giao tế công cộng - public relations – NTT chú); nhà báo móc quảng cáo, viết theo đơn đặt hàng.” Người đọc thêm bàng hoàng khi đọc thông tin mà ông Trần Quang nêu ra: “Không ít phóng viên khi cần thực hiện một cuộc phỏng vấn, vì thấy việc tìm gặp người cần phỏng vấn khó quá, đã nghĩ ra cách là tự đặt câu hỏi, rồi tự trả lời và đem đăng báo. Đối với các chính khách thì có vẻ tử tế hơn một chút, phóng viên đặt câu hỏi rồi lấy nội dung các bài phát biểu của họ ở đâu đó ghép lại làm câu trả lời. Tiếc rằng tình trạng làm báo kiểu này không phải là ít và cũng không chỉ ở thể loại phỏng vấn. Điều đáng nói hơn cả là một vài giáo viên khi nghe sinh viên kể lại chuyện đó thì coi như là một thực tế khách quan, có thể chấp nhận được.” Như thế, người muốn làm báo biết đâu là khuôn mẫu mình phải tuân thủ để vừa không bị kiện tụng, vừa yên tâm rằng mình làm đúng chức năng nghề nghiệp? Đó là cái khó thứ nhì đối với những ai muốn bước chân vào làng báo Việt Nam.

Vai trò và nhiệm vụ của nhà báo Việt Nam lại là cái khó thứ ba đối với những ai muốn bước vào ngành này. Theo TS An, ở Việt Nam, tính công vụ của báo chí “chưa định hình”. Ông định nghĩa: “Công vụ hàm chỉ cả đối tượng lẫn tinh thần phục vụ.” Nhưng theo những dẫn giải tiếp theo của ông, người đọc hiểu một cách đơn giản, tính công vụ chính là vai trò và nhiệm vụ của truyền thông. Theo TS An, vai trò của truyền thông là “tuyên truyền chính sách và luật pháp, giám sát xã hội, ...tổ chức diễn đàn, ...phục vụ công chúng.” Ông nhận xét tiếp: “Ở ta, tính công vụ hình như vẫn chưa được xem trọng như một nguyên tắc nghề nghiệp tối cao, rõ nét và cụ thể.” Người phỏng vấn ông Phan Quang còn nêu thêm nhiệm vụ của báo chí là “dự báo sự kiện cho công chúng”. Theo nhà báo lão thành Phan Quang, truyền thông có thêm nhiệm vụ phản biện xã hội. Ông nói: “Phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của báo chí, tuy vậy nó không phải là tất cả.” Nhưng ông không cho biết các chức năng khác là gì. Ông phát biểu tiếp: “báo địa phương mang chức năng, nhiệm vụ riêng.” Ông cũng không nói rõ các chức năng, nhiệm vụ riêng đó là gì nữa. Khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông còn đề ra một nhiệm vụ nữa là báo chí phải đi đúng lề bên phải, có nghĩa là, phải tuân theo quy chế quản lý báo chí. Ông Bộ trưởng nói nguyên văn như sau: “Quy chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh, chúng ta hoàn toàn tự do nếu chúng ta đi đúng lề đường bên phải.” Theo như những gì mà các vị quan chức cao cấp và chuyên gia hàng đầu vừa trình bày, thì vai trò và nhiệm vụ của báo chí được quan niệm một cách khá cảm tính, chưa được đưa vào lề luật. Tình trạng đó khiến người đọc phân vân, không hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của nhà báo là gì. Như vậy làm thế nào để có thể dấn thân vào hoạt động trong lãnh vực báo chí đây?

Người đọc không hiểu cách viết của nhà báo, đạo đức của nghề báo và vai trò cùng nhiệm vụ của báo chí cũng là lẽ thường. Bởi vì trong bài báo đăng ngày 11/11/2007, chuyên gia báo chí Trần Quang cho biết: “Các cơ sở đào tạo công bố những giáo trình mâu thuẫn nhau, đôi khi phủ định nhau, hoàn toàn mang tính chất chủ quan chứ không dựa vào những căn cứ khoa học.” Ông viết tiếp: “Ở ta, số người tham gia nghiên cứu hầu như không có tranh luận. Các nhà nghiên cứu thường trình bày ý kiến của riêng mình, nhiều khi những ý kiến đó không ăn nhập vào đâu mà chỉ có một ý nghĩa dễ nhận thấy là nói ngược với người nói trước. Điều nguy hại là những quan niệm khoa học đó lại trở thành giáo trình giảng dạy ở bậc đại học, làm cho sinh viên hoa mắt lên mà vẫn không hiểu ‘đầu cua tai nheo’ gì cả.”

*


Đối với ngành truyền thông phương Tây thì khác. Như hầu hết mọi lãnh vực, người Tây phương đưa mọi vấn đề vào công thức và ghi trên giấy trắng mực đen, phổ biến rộng khắp trên nhiều sách, báo lẫn trên các trang web. Vì thế, để trở thành nhà báo phương Tây dễ dàng hơn nhiều.

Chẳng hạn, vấn đề cách thức viết tin và bài. Đây là vấn đề khá phức tạp, nhất là trong thời đại kỹ thuật cao, khiến nhiều hình thức truyền thông phát triển nhưng về căn bản, nhà báo phương Tây viết tin dựa trên nguyên tắc “Năm W và Một H” (Five W’s and one H). Nguyên tắc này có nghĩa là: Khi tường thuật một bản tin người ta trình bày dựa theo một danh sách 6 yếu tố: Ai - Việc gì - Khi nào - Ở đâu - Tại sao - Thế nào (tiếng Anh viết là Who - What - When - Where - Why, and How.) Chính công thức này giúp người ta thu thập được đầy đủ câu chuyện về một vấn đề nào đó. Nguyên tắc Năm W (và một H) do Rudyard Kipling đưa ra vào năm 1902. Để đưa một bản tin đầy đủ, nhà báo cần phải tìm đủ các dữ kiện để trả lời sáu câu hỏi này. Các dữ kiện (facts) đó nên được đưa vào trong đoạn đầu hay là đoạn thứ nhì hoặc thứ ba của bản tin. Rồi trong các đoạn kế tiếp nhà báo mới được mô tả, hay giải thích thêm sự kiện (Expository writing). Nhưng ngay trong những đoạn kế tiếp này nhà báo vẫn phải luôn tập trú vào chủ đề và cung cấp các dữ kiện cho người đọc. Cần lưu ý thêm, nhà báo không được thiên vị (bias), cần phải chính xác và phải dùng ngôi thứ ba (“cái đó”, “điều đó”, “người đó”, chứ không được dùng “tôi” hay “chúng tôi” hay “quý vị”, “các bạn”). (Xin tham khảo thêm tại http://en.wikipedia.org/wiki/Expository_writing). Nguyên tắc khi viết phải dùng ngôi thứ ba được người phương Tây dùng rộng rãi trong mọi thể loại không phải văn chương (non-fiction) nhằm tạo một nội dung khách quan - tiêu chuẩn hàng đầu của một bài viết thuộc thể loại này.

Một nguyên tắc nữa được áp dụng tại Hoa Kỳ là: các nhật báo có truyền thống viết tin theo công thức hình “kim tự tháp ngược” (inverted pyramid). Kim tự tháp ngược có thể được vẽ thành một hình tam giác, đáy ở trên cùng. Ở phần trên cùng này, nhà báo viết những dữ kiện quan trọng nhất, hấp dẫn nhất. Những dữ kiện càng về cuối hình tam giác càng giảm dần tầm quan trọng. Công thức viết này có cái hay ở chỗ nó cho phép người đọc có thể dừng tại bất cứ điểm nào họ thấy chán hoặc không có thì giờ để đọc hết bài báo mà vẫn hiểu câu chuyện, dù không thật chi tiết. Đồng thời, nếu thiếu chỗ để in trọn vẹn bài báo hoặc không đủ thì giờ thông báo toàn bộ bản tin, người ta có thể cắt bỏ các dữ kiện từ dưới lên trên. Công thức này thường được dùng trong các bản tin hơn trong các bài chuyên đề (features). (Bài mà độc giả đang đọc này là một bài chuyên đề về truyền thông - NTT). Viết một bản tin về những biến cố quan trọng (hard news), người ta thường dùng ít chữ và viết cô đọng.

Tóm lại, một bản tin phải đầy đủ nhưng phải viết cô đọng, kiệm chữ ở mức độ cao nhất. Trái lại, trong các bài báo chuyên đề (features), nhà báo được dành nhiều “đất” trên tờ báo hơn và vì thế có thể viết theo văn phong thoải mái hơn tuỳ theo đề tài. Nguyên tắc “kim tự tháp ngược” ít được nhấn mạnh hơn. (Xin tham khảo thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Journalism). Còn rất nhiều nguyên tắc nữa hướng dẫn hết sức tỉ mỉ cách viết mọi thể loại truyền thông cho những người muốn bước vào nghề báo mà có thể tìm kiếm dễ dàng trên vô số trang mạng.

Vấn đề đạo đức nghề nghiệp ở phương Tây tuy vẫn còn nhiều tranh luận, nhưng về cơ bản, hiệp hội báo chí cũng đề ra những tiêu chuẩn chung về đạo đức trong nghề. Ở Mỹ, những điều lệ, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp đựơc ghi lại trong Bản quy điều đạo đức nghề nghiệp của hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp (Society of Professional Journalists Code of Ethics). Bản quy điều này được tự nguyện áp dụng bởi hàng chục ngàn nhà văn, nhà báo (writers), biên tập viên (editors) và các viên chức truyền thông khác. Bản quy điều này được chấp thuận năm 1996 tại Đại hội toàn quốc của tổ chức sau nhiều tháng nghiên cứu và tranh luận giữa các thành viên.

Lời mở đầu Bản quy điều đạo đức có ghi như sau: “Các thành viên của Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp tin rằng việc soi sáng cho công chúng (public enlightenment) là mở đường cho công lý và nền tảng của dân chủ. Nhiệm vụ của nhà báo là thúc đẩy tiến trình đó bằng cách tìm kiếm sự thật và cung cấp những thông tin đầy đủ và công bằng về các vấn đề và các sự kiện. Các nhà báo có lương tâm phải cố gắng phục vụ công chúng bằng sự cẩn trọng (thoroughness) và ngay thẳng (honest). Đạo đức nghề nghiệp (professional integrity) là nền tảng cho uy tín của một nhà báo.” Với vài dòng ngắn này, người nào muốn vào làm báo ở phương Tây hiểu ngay vai trò của họ là gì. Vai trò của báo chí phương Tây hoàn toàn khác biệt với vai trò của báo chí Việt Nam, được ông Trần Quang tóm lược: “Từ trước tới nay, chúng ta vẫn xác định rằng báo chí là công cụ tuyên truyền chứ không phải là công cụ để trao đổi thông tin.”

Sự khác biệt về vai trò của người làm báo giữa hai hệ thống đưa tới sự khác biệt về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Nói vắn tắt, tiêu chuẩn đạo đức của nhà báo phương Tây được ghi trong Bản quy điều đạo đức nghề nghiệp là:

Tìm kiếm sự thật và tường thuật sự thật đó.

Các nhà báo cần phải ngay thẳng, công bằng và dũng cảm trong việc thâu lượm, giải thích và tường trình tin tức. Các nhà báo (ngoài những nhiệm vụ khác) cần phải:
  • Thử độ chính xác của thông tin lấy từ tất cả mọi nguồn để tránh vô tình sai sót. Cố tình bóp méo thông tin là điều không bao giờ được chấp nhận.
  • Cẩn trọng tìm kiếm mọi người trong câu chuyện và dành cho họ cơ hội trả lời về những cáo buộc đối với họ.
  • Không bao giờ được ăn cắp tài liệu (plagiarize)
  • Dành cho những người kém thế (voiceless) cơ hội lên tiếng; các nguồn tin chính thức cũng như không chính thức đều có thể được đánh giá ngang nhau.
  • Cần phân biệt sự ủng hộ và tường thuật thông tin. Sự phân tích và bình luận cần được nêu rõ, không nên khiến độc giả tưởng lầm là sự kiện.
  • Cần phân biệt giữa tin tức và quảng cáo và tránh sự phối hợp khiến lu mờ ranh giới giữa hai sinh hoạt đó.
Nguyên tắc hạn chế tối thiểu sự thiệt hại (Minimize harm).

Các nhà báo (ngoài những nhiệm vụ khác) cần phải:
  • Cẩn thận khi phải nêu danh tính các nghi can thiếu nhi hay các nạn nhân của tội phạm tình dục.
  • Cẩn thận trong việc nêu danh tính các nghi can tội phạm hình sự trước khi có khởi tố chính thức.
  • Giữ quân bình quyền được xét xử công bằng của các nghi can hình sự với quyền của công chúng được thông tin.
Hoạt động độc lập.

Các nhà báo nên tránh các nghĩa vụ đối với bất cứ quyền lợi nào khác hơn là quyền của công chúng được biết.

Các nhà báo (ngoài những nhiệm vụ khác) nên từ chối các quà cáp, giúp đỡ, tiền nộp phí, du lịch miễn phí hay một sự đối xử đặc biệt, và tránh một công việc thứ hai, tham gia chính trị, văn phòng chính phủ và phục vụ trong tổ chức cộng đồng nếu điều đó gây nguy hiểm cho đạo đức nghề nghiệp.

Có tinh thần trách nhiệm(Be accountable).

Nhà báo có trách nhiệm với độc giả, thính giả và khán giả và với đồng nghiệp.

Nhà báo (ngoài những nhiệm vụ khác) nên nhận sai lầm và sửa chữa ngay tức khắc.
(http://www.uncp.edu/home/acurtis/Courses/ResourcesForCourses/SPJCodeOfEthics.html)

Bởi sự khác biệt về vai trò của nhà báo giữa phương Tây và Việt Nam cho nên khá nhiều nhiệm vụ (tiêu chuẩn đạo đức) các nhà báo phương Tây có thể thực hiện được dễ dàng nhưng các nhà báo ở Việt Nam không ít trường hợp đã không thể thực hiện được như việc đáp ứng các tiêu chí về sự trung thực, ngay thẳng và công bằng trong hoạt động báo chí. Để lấy dẫn chứng cho thấy giới truyền thông Hoa Kỳ phải tôn trọng như thế nào những tiêu chí về tính trung thực, ngay thẳng trong hoạt động báo chí, có thể đọc trích đoạn một bản tin trên tờ Boston Globe ngày thứ Sáu mùng 8 tháng 9-2006. Tựa đề của bản tin là “Nhật báo The Mianmi Herald sa thải ba nhà báo đã nhận tiền của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ”. Bài báo này cho hay mười nhà báo ở Nam tiểu bang Florida, trong đó có ba nhà báo thuộc một tờ báo tiếng Tây Ban Nha, chị em với tờ Miami Herald, đã nhận hàng chục ngàn đô la của chính phủ liên bang Hoa Kỳ để hoạt động cho các chương trình phát thanh và truyền hình nhằm phá hoại chế độ Cộng sản của Fidel Castro ở Cuba. Nhật báo Herald cho hay đã sa thải hai nhà báo Alfonso và Cancio đồng thời cắt đứt cộng tác với nhà báo tự do (freelance) Connor. Ông Jesus Diaz Jr., Chủ tịch công ty truyền thông Miami Herald Media Co. và nhà xuất bản của hai nhật báo đó cho hay những nhà báo đó đã vi phạm sự tin tưởng thiêng liêng (sacred trust) giữa nhà báo và công chúng. Bài báo cũng cho biết, năm ngoái, các kiểm toán viên quốc hội Hoa Kỳ đã kết luận rằng Bộ Giáo dục Liên bang đã hành động bất hợp pháp khi thuê nhà báo Armstrong Williams viết bài ủng hộ dự luật “Không học sinh nào bị bỏ rơi” (No Child Left Behind Act) do Chính phủ đề nghị mà không đòi hỏi nhà báo này công bố việc thuê mướn đó.

Cách viết, vai trò, và nhiệm vụ (tiêu chuẩn đạo đức) của một nhà báo là ba cái khó cản trở những người muốn bước vào nghề báo ở Việt Nam, nhưng lại chính là ba cái dễ đối với một người muốn trở thành một nhà báo phương Tây. Bởi thế, nếu ngành truyền thông và báo chí của Việt Nam muốn được chuyên nghiệp hóa như ở phương Tây thì điều cần thiết là phải có ba cải tổ cơ bản: Vai trò của truyền thông và báo chí không còn là tuyên truyền mà chỉ là thông tin trung thực, những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cần được quy định trên văn bản, và cách viết ngắn gọn, logic, đúng văn phạm được giáo dục phổ cập trong trường phổ thông cũng như trong Đại học Báo chí.

© 2008 talawas