trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
31.3.2008
Phạm Viêm Phương
Orhan Pamuk: Nhà văn và công dân
(Tham luận tại hội thảo “Orhan Pamuk - giữa Đông và Tây” do Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam tổ chức ngày 11.3.2008, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ sách TPHCM lần thứ 5)
 
Tháng 1. 2007, Hrant Dink, nhà báo Armenia, bạn đồng chí của Pamuk, bị ám sát. Và kẻ ám sát, khi bị bắt giữ, đã gào lên với phóng viên rằng, “Pamuk, hãy coi chừng!” Gần đây hơn, tháng 1. 2008, cảnh sát Thổ khám phá được một âm mưu nhằm ám sát Pamuk và làm đảo chánh quân sự. Đó là nguyên nhân khiến Pamuk nhiều lần đã phải ra nước ngoài lánh nạn, hoặc nhờ cảnh sát bảo vệ khi ra khỏi nhà ở Istanbul, hoặc thay đổi quyết định tham dự các hội thảo hay diễn đàn tại nhiều nước trên thế giới.

Pamuk, nhà văn nổi tiếng nhất và lẽ ra là niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tìm đường gia nhập khối EU, nhưng ông, cùng với nhiều nhà báo, nhà văn và nhà nghiên cứu khác, lại bị những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan thù ghét.

Căn nguyên vấn đề nằm sâu thẳm trong một xã hội bảo thủ và tôn trọng truyền thống cao độ, và nhiều tầng lớp trong đó lại không muốn đất nước này hòa nhập với phương Tây. Nhà xã hội học Dogu Ergil ở Istanbul bảo rằng, “Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có một xã hội hiện đại còn nhỏ hẹp, và một xã hội tiền-hiện-đại rộng lớn hơn nhiều, cả hai tồn tại bên nhau, nhưng không ở trong cùng một thời đại.”

Khi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời năm 1923, nước này trở thành một trong những nước Hồi giáo đầu tiên tách thần quyền khỏi thế quyền và tiến nhanh trên con đường “Âu hóa.” Dĩ nhiên, không phải mọi tầng lớp nhân dân đều ủng hộ tiến trình hiện đại hóa này, nhất là tầng lớp thần quyền vừa bị mất đi phần nào ảnh hưởng của họ. Cùng với họ, những phần tử sùng đạo cũng trở thành lực cản bảo thủ và phát triển thành lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Họ chống đối mọi ảnh hưởng của phương Tây nhân danh truyền thống dân tộc và Hồi giáo, và luôn nghi kị mọi ý kiến và xu hướng tư tưởng phương Tây, thay vì cởi mở lắng nghe để nhận ra những khuyết tật của mình.

Với tinh thần ấy, họ thù ghét mọi phê phán đến từ phương Tây đối với họ cũng như chế độ, lịch sử, văn hóa, hay bất cứ gì thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Não trạng này đã được thể chế hóa thành một đạo luật có tên “Đạo Luật 301,” kết là tội phạm đối với mọi hành vi xúc phạm “dân tộc tính Thổ Nhĩ Kỳ.” Người ta cũng dựa vào Đạo luật này để buộc tội Pamuk năm 2005 vì ông phát biểu trên một tờ báo Thụy Sĩ về việc tàn sát người Kurd và Armenia năm 1915 dưới thời đế quốc Ottoman. Trong vụ này, Pamuk đã phát biểu, “Tôi sống trong một đất nước mà người ta vinh danh và ca ngợi các tướng lãnh, sĩ quan cảnh sát và chính khách, ngay cả khi họ còn sống, nhưng lại ngược đãi những nhà văn nhà báo bằng những vụ xử và án tù.”

Tinh thần dân tộc cực đoan này không phải là không được chính quyền ủng hộ phần nào, nhất là khi họ đang đàm phán để gia nhập khối EU, vì họ không muốn có những ý kiến đưa ra những hình ảnh xấu về Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù những hình ảnh xấu ấy cũng có ít nhiều sự thật.

Khi nhà báo Hrant Dink bị ám sát tháng 1. 2007, đám đông đưa tang ông đã giương cao biểu ngữ “Chúng ta là người Armenia,” cùng nhiều khẩu hiệu khác. Một cuộc thăm dò sau đó cho kết quả: 86% người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối khẩu hiệu nói về bản sắc chung của người Thổ và người Armenia; và 67% phản đối khẩu hiệu khẳng định một sự đồng nhất nào đó với Dink. Có tổ chức còn kiện ban lễ tang vì cho rằng khẩu hiệu đó là “phân biệt chủng tộc” và “xúc phạm” người Thổ. Trước sự kiện này, một số nhà nghiên cứu gần đây đã đề nghị thay cách gọi “người Thổ” (Turkish) bằng tên gọi “công dân của Thổ Nhĩ Kỳ” (citizen of Turkey).

Việc khám phá âm mưu ám sát Pamuk rồi làm đảo chánh đầu năm nay đã làm chúng ta càng thấy rõ rằng, ở một số nền văn hóa, như Thổ Nhĩ Kỳ, văn nghệ sĩ sẽ gặp nguy hiểm biết bao khi dùng văn nghệ để phê phán xã hội. Nhận định về vấn đề này, tờ Spiegel (Đức) viết, “Theo quan điểm của giới dân tộc cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới này hiện chia thành hai phe ‘chúng ta’ và ‘chúng nó’ và rõ ràng một nhân vật như Pamuk thì gần với ‘chúng nó’ hơn ‘chúng ta.’ Pamuk chẳng phải “nhà văn chính trị” nhưng ông ý thức được vai trò của một trí thức và sẵn sàng làm tròn vai trò đó. Do vậy, ông có một quan điểm dân chủ và nhân bản trước nhiều vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt, như vấn đề người Kurd chẳng hạn. Quan điểm này không được khối dân tộc cực đoan tán thành và ông luôn bị la ó phản đối mỗi khi lên tiếng phê phán chính sách hiện hành.”

Thái độ dân tộc cực đoan này còn đi tới chỗ cho rằng Pamuk chọn quan điểm phê phán bởi vì ông ta muốn vươn tới giải Nobel. Luận điểm này thật độc đáo, chỉ có ở khối dân tộc cực đoan, và cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ: họ tin rằng cả thế giới đang toa rập với nhau để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, và ‘chúng nó’ chỉ trao một giải thưởng như thế cho một nhà văn Thổ nếu nhà văn đó chống lại đất nước Thổ. Nên không có gì ngạc nhiên khi có ý kiến khẳng định rằng giải Nobel cho Pamuk mang đầy tính chính trị. Luận điểm này thuyết phục được nhiều người trên thế giới. Buồn cười nhất là nó thuyết phục được cả những người chưa từng đọc một bài viết hay một tác phẩm nào của ông. Và không ít thế lực bảo thủ trên thế giới đã ra sức khai thác luận điểm này và vận dụng nó cho trường hợp của nhiều nhà văn khác.

Năm 2005, Pamuk đã là ứng viên Nobel, nhưng giải thưởng năm ấy đã về tay kịch tác gia Anh Harold Pinter. Pinter được cả nước Anh lẫn thế giới biết tiếng là nhà văn phản kháng thường trực, nhưng ở Anh không ai nghĩ ông ta phản kháng như thế là để ngấp nghé cái giải Nobel. Nhiều nhà văn phản kháng khác khắp thế giới từng được vinh danh bằng nhiều giải thưởng khác nhau mà không có ở đâu nảy sinh ra một luận điểm như thế. Chẳng hạn, không ai nghĩ rằng vì muốn ngấp nghé giải Nobel mà Jean-Paul Sartre lên tiếng phản đối cuộc chiến đàn áp Algeria của chính phủ Pháp.

Tại Hội thảo về tự do sáng tác do PEN tổ chức tháng 4. 2006 tại Mỹ, Pamuk bày tỏ những cảm giác lẫn lộn của khi phải dính líu vào những vấn đề chính trị, “Tôi cảm thấy những mong ước trái ngược và mạnh như nhau vừa muốn can dự vừa muốn tránh khỏi những chuyện này, tôi chẳng muốn làm gì trong đời ngoài việc viết những tiểu thuyết hay.” Ông cũng ghi nhận sự kiện đáng buồn rằng nhiều người từng là nạn nhân của sự ngược đãi từ chính quyền, nhưng ít lâu sau đã thay đổi quan điểm. “Hai mươi năm sau đó, một nửa trong số này đã đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.”

Ông vẫn bảo vệ tự do phát biểu, xem nó như một điều thiết yếu của con người, và khuyên các tác giả đừng bịt miệng nhân vật của mình chỉ vì muốn đạt được sự đúng đắn về chính trị. “Tôi là loại nhà văn tự cho mình phải hóa thân vào mọi nhân vật của mình, nhất là những nhân vật ‘xấu.’”

Nói chuyện với Carol Becker, Khoa trưởng Khoa nghệ thuật của Đại học Columbia (22.9. 2007), khi được hỏi tại sao ông cho rằng chính trị hủy hoại tiểu thuyết và tại sao viết một tiểu thuyết chính trị thành công lại là việc rất khó, ông đã nói:

“Tôi không nghĩ tiểu thuyết chính trị là thể loại lớn có thể đẻ ra những kiệt tác. Nó là thể loại hơi bị giới hạn tuy nhiều tác giả lớn, như Dostoyevsky, đã viết được những tác phẩm xuất sắc cho loại này. Khi một nhà văn có những chương trình chính trị đầy thiện tâm tại một đất nước có tình hình chính trị bất ổn và căng thẳng, họ thường có xu hướng đưa những vấn đề đó vào nội tâm và muốn diễn đạt chúng ở một tầm mức chính trị. Nhưng một khi gắn bó với những vấn đề đó, họ không còn là nhà văn giỏi nữa, vì họ đã chọn đi theo một phe. Họ không thể hóa thân vào mọi nhân vật. Họ thường phân biệt rạch ròi kẻ tốt người xấu, kẻ trắng người đen, vân vân. Khi ta thành tâm gắn bó với một quan điểm chính trị, thì ta khó mà, hay hầu như không thể, viết được thứ tiểu thuyết hay, đầy sức thuyết phục về mỹ học. Tuy rằng vẫn có một vài nhà văn vẫn làm được điều đó. (…) Nên thật khó khi vừa gắn bó với mục tiêu chính trị và có động cơ chính trị mà lại vừa viết một tiểu thuyết không bị tác hại vì những hệ quả tự nhiên của sự cam kết đạo lý đó, mà nhất là, việc mất khả năng đồng cảm với ‘kẻ xấu.’”

Pamuk cũng thừa nhận ông đã viết một tiểu thuyết chính trị, đó là Kar (Tuyết). Tác phẩm này kể câu chuyện về Ka, một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức, trở về quê hương và lưu trú ít lâu tại Kars, một thị trấn gần biên giới Armenia. Anh đang viết bài điều tra về Kars cho một tờ báo, nhờ đó anh có dịp tiếp xúc với nhiều người trong thị trấn, và nhiều người trong số đó bị đè nặng vì một ý thức hệ nào đó, về chính trị hoặc tôn giáo.

Ý thức hệ có thể định nghĩa như một bản chất thứ hai (nó quyết định cuộc sống của ta không thua gì bản chất nguyên sơ mà ta có từ lúc ra đời), nó khiến ta chỉ nhìn thấy những điều ta muốn thấy, thay vì nhìn được toàn bộ thực tại. Điều này có thể thấy rõ ở giới cầm quyền mang nặng một ý thức hệ phi dân chủ, vì họ luôn nhìn thực tại theo ý thức hệ của mình, và muốn người khác cũng nhìn thế giới như mình, thay vì chấp nhận cách nhìn của người khác theo tinh thần dân chủ.

Kar cũng cho thấy thế giới Hồi giáo sẽ phát triển tốt hơn nếu nó tránh được những câu hỏi bao trùm dưới hình thức những ý thức hệ muốn thay đổi thế giới, và tuân theo lý thường tình hơn. Những nhân vật trong Kar phải đau khổ vì thiếu trung dung, hoặc thiếu dung hòa: nhân vật chính Ka đau khổ vì những đòi hỏi thiếu thực tế vì muốn đạt được hạnh phúc toàn vẹn, nhân vật kịch sĩ Sunay Zaim đau khổ vì muốn làm cuộc cách mạng nghệ thuật, nhân vật Blue đau khổ vì tinh thần Hồi giáo của mình. Sau cùng Ka tìm được bình yên trong việc ngắm tuyết rơi. Tiểu thuyết này gợi ý rằng thế giới Hồi giáo sẽ có tương lai tốt đẹp hơn nếu người ta quan tâm hơn tới đời sống hàng ngay và lý thường tình. Pamuk bảo rằng, “Tôi đã gặp quá nhiều ý tưởng lớn. Tôi phải cọ xát và đối mặt với chúng quá nhiều tại một đất nước bị chính trị hóa cao độ. Văn chương là cách phản ứng của tôi trước tình cảnh này, một nỗ lực nhằm thay đổi tình thế với một khoảng cách nào đó, với chút khôi hài nào đó. Tôi muốn nói với độc giả rằng: Đừng nghiêm trọng hóa bất cứ điều gì. Cuộc sống không đẹp quá sao? Hãy lưu tâm tới những điều nho nhỏ trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là hạnh phúc, và khả năng sống sót trong một xã hội thiếu bao dung mà chúng ta đã tạo ra.”

Nói chuyện với Paul Holdengraber, giám đốc các chương trình công cộng của Thư viện công cộng New York (4.10. 2007) về Kar và tiểu thuyết chính trị, Pamuk đã phát biểu:

“Nếu ta nhìn vào toàn bộ khối lượng các tiểu thuyết trên đời này, ta sẽ thấy ngay chính trị không phải là đề tài hấp dẫn nhất, mà hấp dẫn nhất vẫn là tình yêu, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống, những mục tiêu của đời người bị vỡ tan, vân vân.

“Có quá nhiều đạo lý rẻ tiền trong việc viết tiểu thuyết chính trị. Tôi viết tiểu thuyết chính trị Kar nhưng tôi cố hết sức để không nhét một phán xét đạo đức nào vào miệng nhân vật. Cái khổ nhất với tiểu thuyết chính trị là độc giả cứ kỳ vọng rằng tác giả sẽ nhét những lời phán xét vào miệng nhân vật nào đó.

“Một tiểu thuyết sẽ thành công khi tác giả hóa thân được với nhân vật, tức là đặt được mình vào vị trí người khác chứ không phải đứng ngoài và phán xét người khác.”

Những dữ kiện nêu trên cho thấy Pamuk trăn trở rất nhiều về công việc sáng tác trong vai trò nhà văn và nhiệm vụ công dân của mình. Thậm chí ông còn cho thấy có một xung đột hay mâu thuẫn nào đó giữa hai nhiệm vụ này. Nhưng những phát biểu của ông về tiểu thuyết chính trị đã cho thấy ông không muốn dùng văn chương để bày tỏ quan điểm chính trị, hay làm chính trị nói chung. Có vẻ ông muốn vươn tới một điều xa hơn, đó là chân lý, là thực tại, là sự thật, kể cả những sự thật khắc nghiệt và tàn bạo, hoặc gây choáng váng cho người đọc.

Như chúng ta đều biết, tiểu thuyết, tuy là hư cấu, nhưng lại là công cụ để người đọc nhìn rõ được chính mình hơn, hiểu được cuộc đời này ra sao và đang diễn biến thế nào. Đó chính là điều kỳ diệu và sức quyến rũ của tiểu thuyết. Ta có thể nhận thấy sức tố cáo xã hội của một tiểu thuyết, nhưng ta nên hiểu rằng tác giả không có ý đồ tố cáo gì cả, mà họ chỉ muốn nêu lên một sự thật. Nhưng sự thật ấy có thể thúc đẩy xã hội tìm cách đối phó với hiện trạng được tiểu thuyết nêu ra và cảnh báo, để hóa giải nó và làm cho cuộc đời đáng sống hơn.

Aristotle từng nói, “Con người, tự bản chất, là một sinh vật chính trị.” Ta có thể hiểu, khi không có ý thức chính trị, con người chỉ còn là sinh vật thôi. Và ý thức chính trị ở đây nên được hiểu là ý thức về cộng đồng mà ta đang sống, là nỗi ưu tư về số phận và con đường phát triển của cộng đồng đó. Hiểu theo cách này thì ta dễ dàng đồng ý với Aristotle.

Dùng ý tưởng này soi rọi lại cách ứng xử của Pamuk, ta có thể thấy ông đã thực hiện vai trò công dân của mình, lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội mà ông cảm thấy là chưa tốt hoặc bất hợp lý; lên tiếng một cách thẳng thắn và mạnh mẽ đến mức mạng sống và tự do của ông bị đe dọa. Nghĩa là, ông thực sự ưu tư về số phận của dân tộc, của nền cộng hòa và dân quyền ở đất nước ông. Nhưng với tư cách nhà văn, ông đã tránh không để quan điểm hay lý tưởng chính trị chi phối công việc sáng tác. Như đã trình bày ở trên, ông muốn hóa thân (nhập vai) vào từng nhân vật của mình, hiểu rõ nhân vật cứ như chính ông là kẻ đó, để có thể trình bày trung thực và chính xác thực tại qua cái nhìn của nhân vật, tức là cho nhân vật được quyền suy nghĩ, phát biểu và hành xử theo cách của chúng, chứ không phải theo cách của ông. Quan điểm sáng tác này, xét cho cùng, chính là dựa trên tinh thần dân chủ, tôn trọng cách sống và suy nghĩ của người khác, thay vì áp đặt cho họ các quan điểm hay suy nghĩ của mình.

Nhìn Pamuk trong hai vai trò, nhà văn và công dân, tôi tin rằng chúng ta có thể hiểu hơn do đâu tác phẩm của ông có sức lôi cuốn mạnh như thế, ngay từ ở trong nước cho đến khi có được vị trí vững chắc trên văn đàn thế giới, và cũng hiểu được tại sao những tiểu thuyết phục vụ cho một mục đích chính trị nào đó lại chết đi lặng lẽ không một lời ai điếu.

Tháng 2. 2008

© 2008 talawas