trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
30.4.2008
Shaila Dewan
Du học sinh Trung Quốc tại Mỹ chống lại quan điểm [khác] về đất nước họ
Phạm Văn dịch
 
Sư Tây Tạng tại buổi diễn thuyết ở USC Los Angeles, 29/4/2008
Khi nhà sư Tây Tạng mỉm cười lên trước giảng đường University of Southern California (USC) để trả lời câu hỏi, các sinh viên Trung Quốc chật ních trong đám khán giả buổi nói chuyện hôm thứ Ba có rất nhiều điều để trút lên vị khách:

Nếu Tây Tạng không phải là một phần của Trung Quốc, tại sao hoàng đế Trung Quốc đã là người ban cho Ðạt Lai Lạt Ma tước vị này? Giáo lý Phật giáo đi đôi với “chế độ nô lệ” ở Tây Tạng như thế nào trước khi có các nỗ lực hiện đại hoá của Trung Quốc? Ðạt Lai Lạt Ma có liên hệ gì với Hitler?

Khi nhà sư cố bác bỏ lập luận của các sinh viên, họ càng lúc càng tỏ ra thù nghịch. Họ trưng lên các hình ảnh và số thống kê để chứng minh cho lập luận của họ. Một thanh niên nói: “Ngưng nói láo! Ngưng nói láo!” Một chai nước bằng nhựa bị ném trúng vách tường phía sau nhà sư, và cảnh sát trong khuôn viên trường vội đưa người ném ra khỏi phòng.


Min Zhu (giữa) bị đưa ra khỏi buổi nói chuyện của nhà sư Tây Tạng tại USC sau khi ném chai nước.
Những cảnh như vậy, từ ôn hoà tới hung hãn, xảy ra ở khắp các đại học trên cả nước Mỹ trong tháng qua, khi du học sinh Trung Quốc buộc phải đối đầu với hình ảnh mà họ không chấp nhận và không thích về đất nước họ. Từ sau cuộc rối loạn ở Tây Tạng hồi tháng qua, các vụ ngăn chặn rước đuốc thế vận và các lời kêu gọi tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, sinh viên Trung Quốc, những người vốn có truyền thống im lặng trước các vấn đề chính trị, bắt đầu đả kích những điều họ xem là thành kiến chống Trung Quốc đang lan rộng.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có hơn 42.000 sinh viên từ lục địa Trung Quốc theo học tại Mỹ, so với con số chưa tới 20.000 trong năm 2003.

Trong khuôn viên đại học, kể cả ở Cornell, Đại học Washington ở Seattle và Đại học California ở Irvine, đã có một làn sóng phản biểu tình (counterdemondstration), dùng những chiến thuật có vẻ không phù hợp với bối cảnh học đường Hoa Kỳ. Tại Đại học Washington, sinh viên [Trung Quốc] đòi giới hạn bài nói chuyện của Ðạt Lai Lạt Ma vào những vấn đề phi chính trị. Tại Đại học Duke, sinh viên thân Trung Quốc bao vây và hò la át một buổi thức đêm cầu nguyện cho Tây Tạng; một sinh viên Trung Quốc năm thứ nhất định hoà giải bị doạ giết, gia đình cô buộc phải trốn lánh.

Thứ Bảy vừa qua, sinh viên từ những nơi xa như Florida và Tennessee tới Atlanta để biểu tình chống đài CNN sau khi bình luận gia Jack Cafferty ám chỉ Trung Quốc là “côn đồ ác ôn”. (CNN nói Cafferty ám chỉ chính quyền, chứ không phải dân chúng).

Nung nấu qua các bản tin gửi tới các nhóm điện thư lớn trong trường, cơn giận dữ của sinh viên [Trung Quốc] không vì họ đồng tình với nhà nước Trung Quốc, mà vì bị sốc đối với cách mô tả hành động của nhà nước đó, cũng như từ sự thất vọng đối với tình cảm của phương Tây từ lâu dành cho Tây Tạng – các sinh viên này xem đó là tình cảm mù quáng một cách cố ý.

Nói chung, họ không thừa nhận có chuyện đàn áp tôn giáo và văn hoá ở Tây Tạng, họ khăng khăng rằng người Tây Tạng bình thường được khá giả hơn dưới sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, và chỉ có một thiểu số rất ít không hài lòng (với chính phủ Trung Quốc).

“Trước khi tới đây, tôi rất cấp tiến,” Minna Jia, một nghiên cứu sinh khoa chính trị học ở USC, nói. Cô khuyến khích bạn học tham dự buổi nói chuyện của vị sư. “Nhưng sau khi tôi tới đây [Mỹ], giáo sư của tôi nói tôi là người theo chủ nghĩa quốc gia”.

Jia nói: “Tôi tin vào chế độ dân chủ, nhưng tôi không chịu để ai chỉ trích nước tôi một cách có thành kiến. Anh mặc y phục Trung Quốc, anh dùng hàng hoá Trung Quốc”.

Các sinh viên trả lời phỏng vấn cho bài viết này cho biết họ lấy làm tiếc về những cách bày tỏ sự giận dữ một cách cực đoan, như lời đe dọa giết cô sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Duke và việc ném chai nước. Họ nói rằng sinh viên Trung Quốc ít có kinh nghiệm trong nghệ thuật phản đối. Nhưng họ nói họ cũng có thể hiểu những hành động (cực đoan) đó.

“Chúng tôi đã bị bóp nghẽn quá lâu,” Jasmine Dong nói, cô cũng là một nghiên cứu sinh có mặt tại buổi nói chuyện ở USC.

Nói như thế, cô Dong không có ý ám chỉ rằng sinh viên Trung Quốc đã bị chính phủ của mình kìm nén hay kiểm duyệt, mà cô muốn nói đến việc giới truyền thông phương Tây đã không thừa nhận những bước đi của Trung Quốc và tiếng nói của người Trung Quốc hải ngoại. Cô nói: “Người ta vẫn lờ chúng tôi đi, hoặc vẫn hiểu lầm là chúng tôi bị nhà nước tẩy não hoặc lèo lái”.

Các sinh viên này nói Trung Quốc làm gì cũng không thắng được dư luận quốc tế. Một bài thơ của “một người Trung Quốc rất lặng lẽ” đăng trên mạng internet viết: “Khi chúng tôi có một tỉ người, các anh nói chúng tôi phá hoại trái đất/Khi chúng tôi cố giới hạn dân số, các anh nói là vi phạm nhân quyền.” Bài thơ được một số sinh viên viện dẫn như một cách diễn tả chính xác cảm nghĩ của họ. “Khi chúng tôi nghèo, các anh nghĩ chúng tôi là con chó/Khi chúng tôi cho anh mượn tiền, các anh trách chúng tôi vì món nợ của anh/ Khi chúng tôi xây dựng kỹ nghệ, các anh gọi chúng tôi là kẻ gây ô nhiễm/Khi chúng tôi bán hàng cho các anh, các anh trách chúng tôi làm nóng bầu khí quyển”.

Thay vì tham dự vào khuynh hướng tranh luận tự do thịnh hành của đại học, nhóm sinh viên Trung Quốc ồn ào hơn dường như đang lặp lại phương thức chuyên chế của quê hương họ, chụp hình người tham dự biểu tình và đôi khi hò hét át giọng người đối lập.

Một sinh viên Tây Tạng từ chối cho biết tên vì sợ bị tấn công nói anh quyết định không tham dự buổi thức đêm cho Tây Tạng trong khuôn viên trường mình. Anh cũng không muốn cho biết tên trường, vì ở đó có quá ít người Tây Tạng. Anh nói: “Không phải tôi không muốn, tôi rất muốn dự - đó là chính nghĩa của chúng tôi. Nhưng đồng thời, tôi phải nghĩ tới gia đình ở nhà, và tôi sẽ quay về nhà vào tháng Năm này”.

Một yếu tố khác thổi bùng lên nhiệt huyết của nhiều người Trung Quốc biểu tình có thể là họ cũng định trở về; nhiều người tin rằng nhà nước Trung Quốc đang giám sát những nhóm điện thư lớn.

Các trường đại học thường cố điều chỉnh [để làm giảm] sự tức giận của sinh viên Trung Quốc. Trước khi Ðạt Lai Lạt Ma đến thăm Đại học Washington, Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại trường viết thư cho hiệu trưởng bày tỏ hy vọng rằng cuộc viếng thăm chỉ tập trung vào những vấn đề phi chính trị và không khuấy động quan điểm bài Trung Quốc. Theo một bài đăng trên trang mạng của nhóm, hiệu trưởng Mark A. Emmert nói trong một buổi họp với họ rằng sẽ không đưa ra câu hỏi về chính trị trong buổi diễn thuyết của Ðạt Lai Lạt Ma. Trường mới mở văn phòng ở Bắc Kinh mùa thu vừa qua, và một phát ngôn viên cho biết trường đã duyệt các câu hỏi của sinh viên trước cả khi sinh viên Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại.

Một số chuyên gia nói các đại học cảm thấy phải miễn cưỡng hạn chế các cuộc phản đối cực đoan hơn vì quan tâm tới nhạy cảm văn hoá và vì trường muốn gia tăng mối liên hệ với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ có khuynh hướng tự kiểm duyệt rất lớn,” Peter Gries, giám đốc Viện Các vấn đề Mỹ -Trung tại Đại học Oaklahoma, nói. “Và không chỉ các học giả Mỹ - Trung mà tất cả những người có liên hệ với Trung Quốc, kể cả các viên chức điều hành trường”.

Trong buổi thuyết giảng ở USC, sinh viên Trung Quốc tới sớm để phân phát truyền đơn về Tây Tạng và Trung Quốc, chứa đựng một mớ hổ lốn tóm tắt lịch sử, khẩu hiệu và bản đồ chẳng liên hệ gì tới bối cảnh. Chẳng hạn, một biểu đồ cho thấy tử suất trẻ sơ sinh ở Tây Tạng giảm xuống rất nhiều kể từ năm 1951, năm chính quyền Trung cộng nắm chặt quyền kiểm soát, nhưng biểu đồ không cung cấp số liệu nào để so sánh với tử suất ở Trung Quốc hay các nước khác.

Truyền đơn chống Ðạt Lai Lạt Ma tại buổi diễn thuyết
Một tấm hình Ðạt Lai Lạt Ma chụp chung với Heinrich Harrer, tác giả cuốn Bảy năm ở Tây Tạng và có thời là đảng viên phát-xít – do đó đặt ra vấn đề Ðạt Lai Lạt Ma có liên hệ với Hitler (chết khi Ðạt Lai Lạt Ma chín tuổi). Vấn đề nô lệ ám chỉ chế độ phong kiến ở Tây Tạng kéo dài tới giữa thế kỷ 20. Một bức ảnh khác có ý cho thấy một cái trống Tây Tạng, theo lời chú giải, được bọc bằng “da của một trinh nữ”.

Các sinh viên nói họ bực tức vì nhiều bài tường thuật về các cuộc nổi loạn gần đây không phản ảnh tính bạo động và phá hoại của những người biểu tình Tây Tạng, họ cướp bóc cửa hàng của người Hán (sắc dân chiếm đa số ở Trung Quốc). Theo nguồn tin chính thức của Trung Quốc, 22 người chết trong cuộc nổi loạn.

Nhiều sinh viên tức giận vì vỡ mộng. Trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, giới truyền thông phương Tây được coi là nguồn tin của sự thật không né tránh.

“Chúng tôi nghĩ giới truyền thông phương Tây rất khách quan,” Chou Wu, nghiên cứu sinh 28 tuổi theo học tiến sĩ khoa học vật liệu, nói. “Hoá ra giới truyền thông phương Tây thậm chí có thành kiến còn hơn giới truyền thông Trung Quốc. Họ chẳng khá gì hơn, và tệ hơn nữa, họ chống chúng tôi”.

Các sinh viên lập luận rằng Trung Quốc đã chi hàng tỉ ở Tây Tạng, xây trường học, đường sá và các hạ tầng cơ sở khác. Khi được hỏi người Tây Tạng có muốn phát triển như vậy hay không, họ ngây ra không tin. “Họ không đặt (cho mình) câu hỏi đó,” Lionel Jensen, học giả về Trung Quốc tại đại học Notre Dame, nói. “Họ chấp nhận tiền đề cơ bản của chính sách hiện đại hoá năng nổ”.

Một số chuyên gia cho rằng điều đó có thể vì các sinh viên có gia đình có khả năng gửi họ ra nước ngoài là những người được hưởng lợi nhất trong chính sách mở rộng kinh tế của Trung Quốc.

Spring Zheng, 27 tuổi, một nghiên cứu sinh khác ở USC, bác bỏ ý cho rằng chủ nghĩa yêu nước của cô bắt nguồn từ nỗ lực của nhà nước dùng trường học để gieo niềm tự hào về đất nước, nhất là sau vụ Quảng trường Thiên An Môn.

Thay vào đó, Zheng nói: “Chúng tôi chứng kiến bằng chính mắt mình sự thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc. Trung Quốc đang phát triển nhanh, và cuộc sống của người Trung Quốc ngày càng khá hơn, rất nhanh”.

Khi buổi thuyết giảng ở USC đi đến kết thúc, Lisa Leeman, người tổ chức và giảng viên phim tài liệu, yêu cầu thay đổi phong cách nói. “Hy vọng của tôi về buổi nói chuyện này hoàn toàn không thấy xảy ra ở đây, hy vọng đó là người ở cả hai bên thực sự lắng nghe nhau và có thể học hỏi lẫn nhau,” Leeman nói. “Có câu hỏi đích thực nào không bắt nguồn từ quan điểm chính trị, câu hỏi nào không phải chỉ hỏi để nhằm dạy đời không?”

Đúng lúc đó, cái chai ném trúng vách tường.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas