trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
6.6.2008
Ngô Phan Lưu
Viết để xóa
 
Không nhớ, Lâm nghe hay đọc ở đâu đó, chuyện “Tình cảm vợ chồng già”, có đoạn họ tâm sự như sau:

“Vợ tháo mục kỉnh, rồi tỉ tê với chồng:

“Em vẫn nhớ, anh thường hôn tay em đấy chứ? Những ngày xưa ấy mà.”

“Vâng, và bây giờ vẫn thế.”

Người chồng liền tháo mục kỉnh ra, hôn vào tay vợ.

“Ngày xưa, anh thường khoác vào tay em nữa chứ? Vào vai em đấy?”

Người chồng vội khoác tay vào vai vợ. Người vợ lim dim mắt, lại tỉ tê:

“Ngày xưa, anh cũng cắn vào cổ em nữa chứ?”

“Vâng, đợi anh một lát, anh đi lấy bộ răng.”

Về chuyện này, riêng Lâm cảm động lắm. Thế nên hôm sau, anh kể lại cho bạn hữu nghe nhân lúc uống cà phê sáng vỉa hè. Nhưng không hiểu tại sao, Lâm lại nảy ra việc đố họ hãy kể thêm một đoạn kết, để làm sao cuối cùng họ phải hôn nhau. Phải như thế mới được, mới có “hậu”, vì trông họ tội nghiệp quá.

Nghe ý kiến này, các bạn hữu nhao nhao, tranh nhau kể thêm đoạn kết.

Anh Phát, giáo viên dạy văn, kể tiếp ngay:

“Người vợ vẫn lim dim mắt, nói với chồng, giọng yếu ớt:

“Đi lấy bộ răng mà làm gì. Cứ nướu đấy mà xài. Vả lại, cây gậy đã dựng ở góc nhà, đâu có ở đây.”

“Vâng, anh nghe lời em.”

Người chồng liền dùng nướu cắn cắn vào cổ vợ.

“Ngày xưa, anh vẫn thường hôn môi em nữa chứ?”

“Vâng, và bây giờ vẫn thế. Chụt… Chụt… Choẹt…“

"Râu kẽm gai thế, có sởn tóc gáy người ta không chứ? May mà tóc gáy của em đã rụng!”

Cả bàn cà phê vỗ tay như pháo. Quả là thầy dạy văn có khác. Tưởng tượng phong phú gớm.

Anh Củng chủ hiệu buôn tạp hoá cũng hăng hái tham gia. Anh nói to:

“Nghe chồng nói chờ một lát, anh đi lấy bộ răng, bà vợ mắt vẫn lim dim, nhắc bài:

“Bộ răng trong túi quần anh đấy. Nhanh lên nào.”

“Vâng, cảm ơn em yêu, nhưng mà… nó không có trong túi quần.”

“Thế thì bỏ qua khâu ‘cắn cổ’. Ngày xưa anh vẫn thường hôn môi em đấy chứ?”

“Vâng, và bây giờ vẫn thế.”

“Vẫn thế, sao không hôn?”

“Xin lỗi em. Anh đãng trí quá.”

“Đã hết đãng trí, sao vẫn không hôn?”

“Chụt… Choẹt… Chụt… Choẹt…”

“Ối! Râu ơi là ria! May mà da gà nòi!”

Cả bàn lại một phen vỗ tay như bắp rang. Chủ hiệu buôn có khác. Buông bắt mãi, cuối cùng vẫn giá ấy.

Anh Đức chạy xe ôm, liền nóng nảy chen vào:

“Người vợ mắt vẫn lim dim, bảo chồng:

“Răng có trong miệng của mình đấy.”

“Tôi đeo rồi à?”

“Vâng.”

Người chồng vội cắn cắn vào cổ vợ. Người vợ lại tỉ tê:

“Ngày xưa, anh vẫn thường hôn môi em đấy chứ?”

“Vâng, và bây giờ vẫn thế.”

Người chồng cúi xuống hôn vợ thật mùi mẫn. Cả hai đều thấy quá khứ xa lắc xa lơ đột ngột hiện về…

Giật mình, người vợ liền khạc vào lòng bàn tay mình:

“Đây. Tôi trả hàm răng của ông đây. Khiếp!”

Cả bàn cà phê lại vỗ tay quá mạng. Đúng là dân chạy xe ôm có khác. Thẳng thừng, sát phạt sởn gai ốc.

Đột nhiên, thật lạ lùng, bỗng dưng các trận cười dứt hẳn. Và, một chặp sau, khi đã nhìn sâu vào lòng mình, Lâm mới vỡ lý do của sự im lặng ấy. Hiển nhiên, nền tảng cái cười ở đây, chính là sự bi đát! Lúc này, cũng rất đột ngột, hai câu thơ của Lâm Anh, một người bạn ở tận Đà Lạt, hiện ra trong trí: “Bởi ta biết tiếng cười do khóc dạy/ Sách của Trăng in chữ của Mặt Trời.”

Giờ đây, cả bàn cà phê đều trầm ngâm, vì họ vừa hiểu ra, mình cười người khác trong hiện tại là cười cho chính mình trong tương lai.

Và, khi tôi viết truyện ngắn này, cũng như các nhân vật trong truyện, tôi hiểu ra mục đích của nó là để xoá. Để chôn những tràng cười tàn nhẫn, vô tâm.


© 2008 talawas