trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
26.5.2002
Mai Chi
Bóng đá và những chuyện thoạt đầu tưởng không liên quan
 
Nếu một người không có một nguồn thông tin gì khác, mà chỉ quan sát bóng đá Việt Nam cách đây 15 năm và bóng đá bây giờ, hẳn anh ta cũng không thể không nhận ra những thay đổi gốc rễ mà xã hội Việt Nam đã trải qua trong khoảng thời gian này. Bức tranh bóng đá của giữa những năm 80 là gì: Thể Công và Công An Hà Nội thay nhau giữ chức vô địch. Thật không gì có thể nói lên một cách hùng hồn hơn cấu trúc của xã hội hồi đó. Ai có đội ngũ nhân lực đông đảo nhất, và qua đó nhiều tài năng nhất. Ai áp đảo trong bóng đá, và trong xã hội: Quân đội và Công an. Tôi chưa tới Cộng hòa Nhân dân Bắc Triều Tiên bao giờ, nhưng tôi dám chắc bóng đá nước này có một bức tranh tương tự. Tranh giải nhất nhì các đội bóng ngoại hạng mùa này: Công An Bình Nhưỡng gặp CLB Bộ đội biên phòng phía Nam. Tranh giải ba tư: CLB Trung đoàn bảo vệ Chủ Tịch nước gặp Bộ Nội vụ.

Những đội bóng của chúng ta bây giờ mang những tên rất có ý nghĩa như Gạch Đồng Tâm hay Ngân hàng thương mại châu Á. Rất có thể sắp tới chúng ta có thêm đội Cà phê Nguyên Hưng, hay Tắc Xi 777. Tại sao lại không nhỉ. Thể thao là đứa con ưu ái của kinh tế thị trường. Trong khi quá nửa người Việt Nam chúng ta còn chưa biết tới chữ toàn cầu hóa thì bóng đá đã nằm gọn trong tay của nó. Chúng ta có tiền đạo Thái Lan, tiền vệ châu Phi và thủ môn Nga. Huấn luyện viên người Pháp và chỉ đạo kỹ thuật người Đức. Duy có điều chắc không khi nào xảy ra là ông bầu đội tuyển quốc gia của chúng ta là người Trung Quốc. Không hiểu các nhà đặt cược có nhận cú cược này không?

Đối với một người đi xa về như tôi, bóng đá đảo lộn những liên tưởng. Trong quá khứ của tôi, rừng cờ đỏ sao vàng bao giờ cũng gắn với 30 tháng Tư hay mùng 2 tháng Chín. Trong những chuyến về phép ngắn ngủi tôi vẫn chưa quen rằng rừng cờ đó còn có thể mang ý nghĩa 2:0 với Malaysia hay 1:1 với Thái Lan. Và lá quốc kỳ không chỉ có thể quấn quanh người một chiến sĩ cảm tử, mà còn có thể quấn quanh một thanh niên Hà Nội nhuộm tóc vàng ở trần người nhầy nhụa mồ hôi. Cờ đỏ sao vàng thực sự đã thôi không còn là một biểu tượng của một ý thức hệ nữa, mà đã trở thành một biểu tượng của quốc gia.

Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là cái cớ tốt nhất để chúng ta “chơi” lại với những người láng giềng. “Chơi với chúng tôi đi, chúng tôi không chỉ biết đánh nhau, chúng tôi cũng say sưa với những trò vui lắm. Chúng tôi là những kẻ chơi được”. Trong khi chúng ta chưa ngồi cùng bàn với họ được trong điện ảnh, âm nhạc, hội họa, thì ta có thể chứng minh mình qua những huy chương đầu tiên trong thể thao. Giống như chiến thắng trong trận chung kết giải bóng đá thế giới năm 1954 (Tây Đức 3: Hungary 2) đem lại sự tự tin cho hàng chục triệu người Tây Đức và là món thuốc thần làm lành lại cái bản sắc dân tộc 9 năm sau chiến tranh thế giới thứ II vẫn còn bị tổn thương nặng nề của họ, thì không một nhà lãnh đạo Việt Nam nào có thể xây dựng được cảm giác cộng đồng cho 78 triệu người Việt Nam tốt hơn là những 90 phút thắng lợi trong giải Tiger Cup vừa qua.

Chúng ta đang may mắn ở trong khoảng thời gian ngắn ngủi, khi chúng ta có đủ ăn để chơi, nhưng chưa quá nhà nghề để thương mại hoá tất cả. Chúng ta đã đủ dư dật để có bóng đá nữ, để cổ động viên cũng có thể ra nước ngoài, để Việt Nam đăng cai các giải khu vực. Tất nhiên, đến một lúc nào đó những câu lạc bộ của chúng ta sẽ có mặt trên thị trường chứng khoán, các cầu thủ sẽ được mua bán với những số tiền khó tưởng tượng, sẽ vỡ lở những vụ dùng thuốc kích thích, và bóng đá sẽ trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Chúng ta hãy thưởng thức hiện tại, khi mà thể thao không còn bị gầy gò bởi thiếu thốn và chưa bị méo mó vì lợi nhuận.

Cho phép tôi nói về những người hùng của mình. Những người hùng của tôi không chỉ là vua phá lưới tươi cười trên những quảng cáo thuốc đánh răng, không chỉ là thủ môn xuất sắc được báo chí bầu là người độc thân dễ thương nhất trong năm. Những người hùng của tôi chiến thắng trong những môn thể thao nằm ngoài ánh đèn pha rực rỡ, họ chỉ có một phần nghìn khoản tài trợ mà bóng đá nhận được. Đó là những người người cụt tay đoạt giải Olympic trong bơi lội, những người đi xe lăn vô địch thế giới môn marathon. Thể thao không bao giờ công bằng hoàn toàn. Chiến thắng không phải lúc nào cũng đem lại hào quang và giầu có. Nhưng thể thao bao giờ cũng đem lại danh dự, bởi khác với trận mạc, chiến thắng trong thể thao bao giờ cũng trước hết là chiến thắng chính bản thân mình.