trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
17.7.2008
Bùi Văn Phú
Hoa hậu Hoàn vũ nhìn từ nước Mỹ
 
Ở San Jose có một hoa hậu, chẳng biết do hội nào hay tố chức nào bầu chọn, nhưng tên của cô được gắn liền với nhiều danh xưng bao trùm thế giới. Ngoài đời, cô là chủ nhân một tiệm chăm sóc tóc, da mặt cho chị em phụ nữ ở cái thành phố hoa vàng lãng mạn này. Nhiều lần được chiêm ngưỡng dung nhan Hoa hậu Hoàn vũ Bích Liên, tôi đoán tuổi đời của cô cũng đã ngoài bốn mươi chứ chẳng còn thanh xuân tươi mát.

Hoa hậu Áo dài Bắc California 2008, cô Linda Trần (Ảnh Bùi Văn Phú)
Thực tế, vùng Vịnh San Francisco có cuộc thi hoa hậu áo dài Hội Tết Bắc California nổi tiếng từ hơn 20 năm qua. Hôm đi xem diễn hành xuân Mậu Tí dưới phố San Jose, gặp Hoa hậu 2008 trên chiếc xe mui trần, tôi chụp vài tấm hình, rồi có đôi lời chúc mừng cô: “Happy New Year. Chúc mừng năm mới. Congratulations. Chúc mừng” và rất ngạc nhiên nghe cô đáp lại: “Cám ơn anh. Nhưng mà em già quá anh ơi!”. Tấm biển vải trước ngực xác minh cô là hoa hậu, nhưng không ghi rõ tên tuổi. Nhưng tại sao cô lại phải than thở về tuổi tác với tôi, một người không có phép tiên hay niềm tin vào thảo dược “Sữa ong chuá Kỳ Duyên” để giúp cô trẻ lại. Về nhà tìm kiếm thông tin tôi biết Hoa hậu 2008 là Linda Trần, 25 tuổi, sinh viên trường Đại học Cộng đồng De Anza. Như thế có lẽ cô là người cao tuổi nhất đoạt vương miện trong lịch sử cuộc thi, so với hoa hậu của những năm trước mới vừa đôi mươi hay còn trẻ hơn.

Ngày nay từ “hoa hậu” bị lạm dụng nhiều. Dăm năm trở lại đây, trong nước tổ chức thi đủ loại hoa hậu, từ điạ phương đến trung ương, từ hoa hậu lễ lạt, truyền thống, báo chí, du lịch đến người đẹp đơn vị, hoa khôi thương hiệu. Dù thường theo dõi thông tin bên nhà, nhưng nghe tin cô Nguyễn Thuỳ Lâm đại diện Việt Nam đi dự thi hoa hậu hoàn vũ ở Nha Trang, tôi cũng không rõ cô đã được bầu chọn trong cuộc thi nào, do ai tổ chức? Dịch thi hoa hậu dường như cũng đã lan ra hải ngoại, đến Hoa Kỳ, với chương trình Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vừa tổ chức lần thứ 3 hôm 5.7 ở Las Vegas, cộng với vài cuộc thi nho nhỏ khác vào đầu năm ở vùng Vịnh San Francisco.

Cộng đồng người Việt ở California trong quá khứ có hai cuộc thi hoa hậu mang tính văn hoá là Hoa hậu Áo dài Đại học California State University, Long Beach, miền Nam California và Hoa hậu Áo dài Hội Tết Bắc California ở San Jose, miền Bắc. Trong những cuộc thi này không có phần áo tắm, nhưng có hỏi đáp về văn hoá, lịch sử Việt Nam và những chủ đề thời sự. Vui nhất là khi nghe các thí sinh lớn lên ở Mỹ cố gắng trả lời bằng tiếng Việt.

Hoa hậu Áo dài Hội Tết Bắc California là một sinh hoạt mang tính cộng đồng, có từ giữa thập niên 1980. Tết Mậu Tí vừa qua, Hội Tết ở Fairgrounds, San Jose không còn nữa, nhưng ban hoa hậu vẫn tổ chức cuộc thi để tiếp tục truyền thống. Hoa hậu Áo dài Long Beach là một truyền thống sinh hoạt của sinh viên Việt từ những năm cuối thập niên 1970, nhưng nay không biết vì các em mệt mỏi, hay lớn lên ở Mỹ với tư tưởng bình quyền, các em không muốn đem thiếu nữ ra làm trò vui nên không tổ chức nữa?

Có nhiều người Mỹ cho rằng tổ chức thi hoa hậu là đem sắc đẹp của phụ nữ ra mua vui cho thiên hạ, là coi thường phái nữ trong một xã hội mà bình quyền là một điểm nóng chính trị. Vì thế nhiều cuộc thi ngày nay không chỉ để các cô khoe vẻ đẹp thân xác, khoe những đường cong quyến rũ qua bộ áo tắm mà còn có phần biểu diễn tài năng trí tuệ về nghệ thuật, âm nhạc, múa hát, về cách ứng xử với những tình huống của thế giới.

Năm nay ở Việt Nam có cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 57 diễn ra ở thành phố biển Nha Trang.

Mấy tháng trước, khi đọc thông tin về việc Việt Nam đăng cai tổ chức, tôi không tin vì không biết ở nước Việt Nam có nơi nào đủ lớn, đủ kĩ thuật sân khấu và có một đoàn chuyên viên giỏi để thực hiện một chương trình qui mô và hoành tráng. Tôi nghi ngờ vì các sinh hoạt sân khấu có tầm vóc quốc tế ở Mỹ, như giải điện ảnh Oscar, thường diễn ra trên sân khấu Kodak, ở miền Nam California, là một đại hí viện cực kì hiện đại.

Hè năm ngoái tôi đi chơi thủ đô Mexico City, Mexico và có đến thăm hí viện quốc gia của đất nước này, nơi đã tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào cuối tháng 5.2007. Đây là một hí viện lớn và hiện đại mà tôi chưa thấy có ở Việt Nam.

Nhưng nghĩ Việt Nam không có nơi tổ chức là tôi đã lầm. Bằng chứng là những gì chiếu trên màn hình ti-vi tối hôm qua. Chương trình thi Hoa hậu Hoàn vũ đã diễn ra tại trung tâm hội nghị quốc tế Crown Convention Center trên đảo Hòn Tre, Nha Trang thật hoành tráng.

Thông tin phổ biến cho biết sẽ có truyền hình trực tuyến vào lúc 8 giờ sáng ngày 14.7 giờ Việt Nam, tức 6 giờ chiều ngày 13.7 ở California. Đến giờ, tôi bật kênh số 3 và số 11 của hệ thống NBC, nhưng không có thi hoa hậu. Vẫn là phần tin tức buổi chiều thường ngày. Xem lại chương trình đăng báo, có lịch phát hình cuộc thi nhưng từ 9 giờ đến 11 giờ đêm, nghĩa là không trực tuyến đến miền Bắc California.

Hoa hậu Hoàn vũ 2008, cô Dayana Mendoza từ Venezuela. Ảnh chụp qua kênh truyền hình NBC khi kết quả vừa được công bố. (Ảnh Bùi Văn Phú)
Tôi vào mạng đọc thông tin nên biết trước kết quả, vì thế khi xem không còn nhiều hào hứng. Tuy nhiên tôi cũng bầu chọn người đẹp Argentina, bà xã tôi chọn cô gái xứ Columbia. Đúng là xấu đẹp tuỳ người đối diện. Kết quả là bông hoa Venezuela, cô Dayana Mendoza, đoạt vương miện. Ngoài những vẻ đẹp bắt mắt, cuộc thi có vài chuyện gây chú ý. Một điều thật rủi ro cho người đẹp Mỹ quốc, năm ngoái hoa hậu Mỹ té trên sân khấu Mexico, năm nay hoa hậu xứ Cờ Hoa là cô Crystle Stewart lại cũng vấp té, trên sân khấu Việt Nam. Một câu hỏi của giám khảo Roberto Cavalli, nhà thiết kế thời trang danh tiếng của Ý, với chữ nghĩa mơ hồ: “When is a woman satisfied?” Khi nào thì một người đàn bà thoả mãn? Cô Elisa Najera, Hoa hậu Mexico, đã trả lời “khi có sự quân bình trong đời sống về gia đình, công việc và cộng đồng”.

Tôi vui thích nhất khi thấy cách dàn dựng sân khấu đơn sơ, nhưng toát lên nét đẹp của nước Việt. Tháp Ruà, Văn Miếu, vịnh Hạ Long, khóm trúc, lá sen, trống đồng hiện lên giữa những bông hoa biết nói đến từ các châu lục: “Good morning Vietnam. Xin chào Việt Nam”. Sau những phút ngắt để quảng cáo sản phẩm thương mại, trước khi chương trình trở lại với màn hình, cảnh đẹp của đất nước lại hiện lên: cầu Thê Húc, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp Chàm, Sapa, Hội An, Ngũ Hoành sơn, Đại nội, cầu Tràng Tiền, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, chuà Vĩnh Nghiêm. Dinh Thống Nhất được giới thiệu như ngôi nhà cũ của người lãnh đạo của một quốc gia trong quá khứ. Xen vào nhiều chỗ của chương trình là 9 phút giới thiệu Việt Nam với thế giới. Tôi đã đi qua mọi miền đất nước và hãnh diện với vẻ đẹp của cố hương. Trong gần một tháng qua, 80 người đẹp toàn cầu đến với Việt Nam đã có dịp ngắm nhìn đất nước, tiếp xúc với dân, và tối hôm qua cả tỉ người trên thế giới đã được thấy một nước Việt Nam đương đại, của phố lên đèn, nhộn nhịp xe máy, ngoài đường và trên cả sân khấu. Nếu nhà nước đã phải tốn đến 15 hay 20 triệu Mỹ kim để những hình ảnh đẹp này của Việt Nam được thế giới biết đến, cái giá đó không phải là đắt. Chỉ có giá vé xem chung kết là đắt, bèo nhất cũng 200 Mỹ kim, bằng ba tháng lương của một công nhân Việt.

Bằng vào kĩ thuật hiện đại nhất và cách làm việc theo sát kế hoạch, dù chỉ với chín tháng chuẩn bị, Miss Universe Organization, do tỉ phú Mỹ là Donald Trump đứng đầu, đã thực hiện cuộc thi lần đầu tiên ở Việt Nam thật ấn tượng.

Thông tin trong nước có nêu vấn đề kiểm soát gắt của ban tổ chức, nhưng tôi cho cách làm việc như thế của người Mỹ là để bảo đảm phẩm chất và bản quyền của chương trình. Ban tổ chức nếu có giới hạn nào với phía Việt Nam, họ cũng chỉ thực hiện đúng theo hợp đồng đã kí kết. Việt Nam muốn có những màn trình diễn ca nhạc hay văn hoá trong chương trình, nhưng nếu hợp đồng đã kí ghi không có là không có, không có việc xin cho.

Nói đến trình diễn ca nhạc Việt, tôi xấu hổ khi xem DVD Duyên dáng Việt Nam mới nhất, thực hiện ở Singapore. Một văn hoá nghệ thuật có chất lượng nhất của Việt Nam, được xem như đem chuông đi đánh xứ người. Nhưng xuyên suốt chương trình không có một cái phông nền, không có những nét đẹp Việt Nam ẩn hiện trên sân khấu ngoài mấy tà áo dài của các ca sĩ, của những cô người mẫu mà dáng đi cứ ưỡn bụng ra phía trước, trông không còn dịu dàng như những nét áo tự nó phát ra.

Nhưng tôi tin những chương trình sau sẽ tiến bộ hơn, vì trong thành phần ban giáo khảo chấm thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Nha Trang có ông Nguyễn Công Khế, người chủ xướng Duyên dáng Việt Nam, là phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và là tổng biên tập báo Thanh Niên. Ngồi chấm thi chắc ông đã học được nhiều điều. Hy vọng trong tương lai Duyên dáng Việt Nam sẽ khá hơn để có thể phô diễn ra hải ngoại, cạnh tranh nghệ thuật được với những chương trình của tư nhân như Thuý Nga Paris by Night hay Asia.

Đọc báo mạng Tuổi Trẻ được biết đạo diễn Huỳnh Phúc Điền có mặt ở Nha Trang để mong học hỏi ít nhiều về sân khấu, ánh sáng của cuộc thi. Tôi chuộng nhất những tác phẩm của Huỳnh Phúc Điền và Đinh Anh Dũng trong DVD Mê khúc của Quang Dũng qua các bài “Mê khúc”, “Bâng khuâng chiều nội trú” và “Anh xin làm”, “Bài tình ca cho giai nhân” rất nghệ thuật, tình tứ, đẹp về sắc mầu, diễn viên, về nghệ thuật quay hình với nhiều nét văn hoá quê nhà như yếm đào, quay tơ, thuyền thúng, giáo đường, phố xá. Mỗi khi xem những ca khúc trong Ru tình, nhạc Trịnh với giọng hát Trịnh Vĩnh Trinh, của đạo diễn Dương Minh Long hay xem “Mê khúc” tôi thấy lòng xôn xao nhớ về cố hương nhiều hơn là xem Duyên dáng Việt Nam.

Riêng với đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, hay tin anh đang bệnh, là một người trân quý những tác phẩm của anh, tôi xin gửi đến anh lời cầu chúc sớm bình phục. Cám ơn anh đã đưa nét quê hương mộc mạc, tình tứ đến cho vợ chồng tôi nơi xứ Mỹ.

Hy vọng lần tới sẽ được thưởng thức những tác phẩm của anh trong các chương trình nghệ thuật quốc tế tổ chức ở quê nhà. Có thể là trong chương trình thi Hoa hậu Thế giới vào năm 2010 mà Việt Nam mới kí biên bản ghi nhớ đăng cai. Mong rằng lần này trong hợp đồng sẽ có những màn trình diễn văn hoá nghệ thuật Việt Nam trong buổi tuyển chọn.

© 2008 talawas