trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
21.7.2008
Phạm Quang Tuấn
Hồng y Phạm Minh Mẫn đã (muốn) nói gì?
 
Chuyện lá thư của Hồng y Phạm Minh Mẫn về cờ vàng ba sọc đỏ (xin gọi tắt là cờ vàng) trong Ngày Giới trẻ Thế giới (World Youth Day hay WYD) đang gây sôi nổi và chống đối trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Đã có hai bài trên talawas của các ông Bùi Văn PhúĐinh Từ Thức công kích lá thư. Để có một chút công bằng, ta nên xem lại coi lá thư đó nói gì mà gây phản ứng mạnh như vậy. Tôi dám chắc là phần lớn những người có phản ứng về lá thư đều không đọc nguyên bản của nó mà chỉ nghe loáng thoáng trích đoạn gì đó, theo tập quán cố hữu của người Việt Nam, nhất là trong những vấn đề chính trị. Tôi cũng không tìm được nguyên bản lá thư này, nên xin đăng lại một bản thấy trên mạng, và hy vọng rằng bản này chính xác. Xin đăng lại toàn bản lá thư tại đây.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là trái tim chứa đầy lòng từ bi bao dung của Cha trên trời, xin uốn lòng chúng con nên giống như Trái Tim Chúa.
Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 4, năm 2008
Kính gởi Đức Cha chủ tịch UBGM đặc trách Mục vụ Giới Trẻ,
Đức Cha chủ tịch UBGM đặc trách Giáo lý Đức tin,
Đức Cha Giuse, Giám mục Lạng Sơn
Thưa quý Đức Cha,
  1. Đức Hồng Y G. Pell mới biên thư tha thiết mời cá nhân tôi đến Sydney dự WYD 2008. Thấy không từ chối được, tôi phải cắt bớt chuyến đi công tác mục vụ di dân của tôi và những ngày nghỉ để đáp lời mời của Ngài. Sau khi suy nghĩ mình phải làm gì đem lại lợi ích thiêng liêng cho các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ về một chỗ để cùng gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, để làm chứng cho niềm tin của mình, tôi muốn chia sẻ vài ý nghĩ với quý Đức Cha sẽ có mặt trong WYD. Mục đích là cùng nhau giúp cho các bạn trẻ, - là sức sống của Giáo Hội, của đất nước -, khai thông con đường hiệp thông với Chúa là Cha trên trời, hiệp thông với nhau là con một Cha, là anh em một nhà. Một sự hiệp thông phong phú hoá, tăng lực cho sức sống trẻ của các bạn.

  2. WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên trong lúc các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung.

  3. Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy: người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hoá của dân tộc VN, một nền văn hoá khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức. (như Tứ hải giai huynh đệ; Chuyện hôn nhân là chuyện trăm năm, là mối tình chung thuỷ; Lá lành đùm lá rách...)

  4. Mặt khác, lịch sử thế giới xác minh hai sự thật nầy: (1) đời sống cũng như tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ được xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, hay một thói đời mang tính đối kháng; (2) một chủ nghĩa trần thế, dù là tư bản, hay cộng sản, hay quốc gia, bao giờ cũng tạo nên sự phân rẽ mang tính đối kháng và loại trừ nhau trong lòng một dân tộc, trong hàng ngũ con cái chung một mẹ.

  5. Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa, với nhau, với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Và đời sống hiệp thông của Giáo Hội chỉ có thể được xây đắp trên nền tảng một niềm tin, tin rằng Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng từ bi bao dung, tin rằng mọi người là con một Cha, là anh em một nhà, tin rằng tình huynh đệ giữa đồng bào còn có thể phát huy trên cơ sở một sắc tộc và một nền văn hoá dân tộc.

  6. Tôi thành tâm khẩn cầu cho quý Đức Cha, cho mọi người trong ban tổ chức WDY, cho các bạn trẻ VN quy tụ trong WDY nầy, cho người người lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần là nguồn lực tình yêu, là sức mạnh đổi mới Giáo Hội cũng như xã hội, là ánh sáng soi lòng mở trí cho mọi người biết dùng cơ hội quy tụ nầy như con đường bồi đắp cho tình hiệp thông hiếu thảo với Chúa, cho tình hiệp thông huynh đệ với nhau, cho tinh thần hiệp thông liên đới huynh đệ tương thân tương trợ trong Giáo Hội Công Giáo tại VN cũng như trên thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Ước mong mọi người cũng nhận được sự bình an của Chúa Kitô, và niềm vui của cuộc gặp gỡ giữa anh em một nhà.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục

Ở đoạn 2 của lá thư, Hồng y Phạm Minh Mẫn cho biết là WYD ba lần trước đã có việc “dương” cờ vàng ở nơi phụng vụ (làm lễ) và sinh hoạt chung, chứng tỏ rằng chuyện đó đã gây ra một vấn đề gì đó trong quá khứ mà ông không muốn xảy ra trở lại. Ta cũng dễ dàng hiểu rằng vấn đề có lẽ là các tín đồ và nhất là các chức sắc từ Việt Nam sợ bị chụp hình dưới cờ vàng, có thể gây khó dễ cho họ với chính quyền khi trở về Việt Nam, thậm chí cho những việc thương lượng giữa chính quyền và giáo hội về đất đai, v.v… Từ “dương” (“giương”) cũng có nghĩa là trưng lên cao một cách trọng thể, chứ không phải là chỉ cầm phất những lá cờ cá nhân, và Hồng y Mẫn cũng không đề cập đến những lúc khác ngoài khi làm lễ và sinh hoạt chung (chẳng hạn khi đi diễn hành).

Đoạn 3 có lẽ chứa nhiều điểm gây phản ứng nhất. Hồng y Phạm Minh Mẫn viết “người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)...” So sánh cờ đỏ với áo của Mẹ Việt Nam, đối với nhiều người Việt chống cộng, là một chuyện không thể chấp nhận được. Ta cũng không khỏi tự hỏi là câu này (và toàn thể lá thư) trích dẫn có chính xác không, hay đã bị thêm mắm muối, vì Hồng y Phạm Minh Mẫn viết cho ba giám mục khác, tức là những người lớn tuổi và học vấn cao thâm, không lẽ phải chú thích rằng áo vàng tức là cờ vàng và áo đỏ là cờ đỏ thì họ mới hiểu nổi? Tuy nhiên, giả dụ là Hồng y Phạm Minh Mẫn đã viết như vậy, thì cũng dễ hiểu vì đây là lá thư của một người ở Việt Nam viết cho ba người khác cũng đều ở Việt Nam, nơi mà cờ đỏ được công nhận là quốc kỳ chính thức. Tuy ông đã làm cho nhiều người Việt hải ngoại phật lòng về việc gọi cờ đỏ là áo Mẹ Việt Nam, nhưng chính quyền chắc cũng không hài lòng mấy nếu biết ông cũng gọi cờ vàng là áo Mẹ!

Đoạn 3 cũng chứa một câu khác gây nhiều chỉ trích, khi Hồng y Phạm Minh Mẫn viết rằng một lá cờ có thể tuỳ lúc biểu tượng cho nhiều cái khác nhau, trong đó có sự đối kháng. Ông dùng một nhóm từ khá ngộ nghĩnh và đã bị kết án là có tính cách bêu xấu (“một thói đời mang tính đối kháng”). Nhưng việc lá cờ vàng thường được dùng làm biểu tượng đối kháng là một sự thật không thể chối cãi và cũng không cần chối cãi như ông Vũ Thất đã làm (“Như bất kỳ lá cờ nào khác, tự nó không mang một tính chất nào ngoại trừ là biểu tượng của một nước hay một hội đoàn”). Thậm chí, những người dùng cờ vàng làm biểu tượng chống cộng nên hãnh diện về việc đó, tuy không phải người chống hay ghét chế độ nào cũng muốn dùng cờ vàng làm biểu tượng của mình.

Nếu một người cầm cờ đỏ đi giữa khu phố người Việt, chắc chắn là người Việt chống cộng ở hải ngoại không thể chấp nhận được mà sẽ coi là khiêu khích, chống đối. Người từ Việt Nam qua dự WYD mà cầm cờ đỏ chắc cũng sẽ gặp sự tiếp đãi tương tự. Ông Nguyễn Văn Thanh, một cựu chủ tịch Cộng đồng Công giáo tại Sydney, khi được hỏi sẽ đối phó ra sao nếu người Việt đến từ trong nước dùng cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng của mình trong những ngày lễ này, đã phải dùng lối “trả lời” tránh né mà ta thường thấy từ các quan chức cộng sản:

“Mục đích của Đại hội Giới trẻ Thế giới là đem các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau qua một cuộc hành hương, những giờ học hỏi giáo lý, những sinh hoạt lễ hội giới trẻ vui tươi, lành mạnh để các bạn đón nhận Ơn Chúa và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Chúa nơi môi trường các bạn đang sinh sống. Vì vậy điều quan tâm nhất của Ban Tổ chức là tạo điều kiện tốt nhất để các bạn trẻ có những ngày thật vui tươi, thật thoải mái khi tham dự Đại hội. Tôi tin rằng Cộng đồng Công giáo Việt Nam Sydney đã có những chuẩn bị cần thiết cho những ngày này.”
(http://vietluanonline.com/phongvanongnguyenvanthanh.html)

Việc cờ đỏ được trang trọng giương lên trong một buổi lễ ở Úc có nhiều người Việt (cả từ hải ngoại lẫn Việt Nam), dù là giương song song với cờ vàng, hẳn còn khó có thể chấp nhận hơn nữa. Vậy việc những chức sắc và giáo dân từ Việt Nam không muốn cờ vàng được giương lên khi họ tham dự cũng dễ hiểu thôi. Một chức sắc hay lãnh đạo cộng đồng hải ngoại mà về Việt Nam chắc cũng sẽ rất ngại “được” chụp ảnh dưới lá cờ đỏ, sau này lỡ có chuyện đấu đá trong cộng đồng và bị chụp mũ thì phiền lắm! Đó là không kể rằng việc treo quốc kỳ (vàng hay đỏ) trong những nghi lễ tôn giáo là điều khó chấp nhận được ở đa số dân chúng. Những người có quan điểm “Mỹ luôn luôn là khuôn mẫu” sẽ có thể phản biện rằng có những nhà thờ ở Mỹ treo quốc kỳ, do đó việc này là đúng, nhưng nên nhớ rằng ở nước này Thiên chúa giáo hầu như là quốc giáo, có phong trào rất mạnh đòi dạy Thánh kinh thay cho thuyết tiến hoá trong trường học, và ứng cử viên Tổng thống nào cũng phải ve vãn các tín đồ cực hữu và thề thốt rằng mình ngoan đạo, do đó sự phân chia chính trị và tôn giáo không luôn luôn rõ ràng.

Ban tổ chức WYD của người Công giáo Việt hẳn cũng thấy những thực tế mà Hồng y Phạm Minh Mẫn đã nói tới, nên đã không treo cờ gì hết trong buổi lễ khai mạc WYD của cộng đồng Việt Nam ở Liverpool (Sydney) hôm 15/7/2008. Công tâm mà nói, khó có một giải pháp nào khác hơn nếu muốn các chức sắc và giáo dân từ Việt Nam tham dự chung với cộng đồng Công giáo gốc Việt ở hải ngoại. Việc một nhóm người phất cờ vàng trên đầu các chức sắc hẳn là nằm ngoài ý muốn của ban tổ chức, nhưng tại sao ban tổ chức không ngăn chặn việc làm “bất lịch sự, vô phép, khiêu khích” (từ của ông Đinh Từ Thức) đó? Cũng dễ hiểu thôi, vì làm vậy rất dễ bị kết tội là tiếp tay cộng sản, đàn áp cờ vàng, như họ đã kết tội Hồng y Phạm Minh Mẫn. Nhất là khi Cộng đồng người Việt Tự do tại Úc, một tổ chức tự xưng là đại diện tất cả người Việt tại Úc, đã tích cực tổ chức việc giương cờ vàng và biểu tình trong buổi diễn hành bế mạc WYD, một buổi lễ tôn giáo không dính dáng gì đến họ, và kêu gọi mọi người Việt (không chỉ giáo dân) đi dự diễn hành. Cuộc lễ này được trực tiếp truyền hình, và ta có thể thấy trong đám đông một vài lá cờ vàng giương cao gấp bội các lá cờ khác, không biết là để chứng minh hay biểu tượng cho cái gì nhưng chắc không phải cho sự hiệp thông với Chúa, với anh chị em tín hữu.

Tiện đây tôi cũng xin trả lời ông Đinh Từ Thức, người đã viết rằng tôi “chỉ thuật lại điều người khác kể” và tỏ vẻ nghi ngờ độ khả tín của chuyện phất cờ. Là một người làm việc khoa học, tôi rất cẩn thận trong việc dẫn nguồn gốc mọi thông tin, nếu không “mắt thấy” thì nói rõ là “tai nghe”, chứ không viết khơi khơi như rất nhiều tác giả khác. Nhưng dĩ nhiên là nghe từ một nhân chứng trực tiếp (first hand) tôi tin cậy thì tôi mới dám viết. Nhân chứng đó là vợ tôi, một giáo dân đã tham dự buổi lễ.

Nói tóm lại, ta có thể chê lá thư của Hồng y Phạm Minh Mẫn (nếu trích dẫn này chính xác) đã có những lời lẽ vụng về, dễ gây hiểu lầm ở hải ngoại (tuy nhiên nên nhớ là lá thư này viết cho ba “đồng nghiệp” trong nước), nhưng nội dung thì rất phù hợp thực tế. Mục đích của ông toát từ toàn bài chỉ là muốn giáo dân trong và ngoài nước thoải mái ngồi lại với nhau, cầu nguyện cùng nhau, thông cảm lẫn nhau, không bị những yếu tố ngoài tôn giáo làm vướng mắc. Điều đó biểu hiện thái độ của một nhà lãnh đạo tinh thần chân chính.

© 2008 talawas