trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
9.8.2008
Bùi Văn Phú
San Francisco: một ngày rong chơi, đi tìm văn hoá cội nguồn
 
San Francisco là thành phố du lịch có tiếng ở miền tây nước Mỹ. Ở đó có cây cầu đỏ, là cửa ngõ Hoa Kỳ nhìn ra biển, nơi cuối chân trời xanh thăm thẳm là quê hương của Tần Thuỷ Hoàng, Minh trị Thiên hoàng, của Lý Thừa Vãn, Suharto, của Hồ Chí Minh, Tưởng Giới Thạch của những dân tộc mới chỉ chính thức chia sẻ với người Mỹ vị mặn của muối biển Thái Bình Dương trong vòng hơn hai trăm năm qua.

150 năm trước người Á đông đã đến Mỹ lập nghiệp, tìm vàng, xây dựng những tuyến đường hoả xa. Đông nhất là người Hoa.

Đầu thế kỉ trước người Mỹ ít để ý đến văn hoá châu Á. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và từ ngày Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mở cửa với thế giới bên ngoài, sản phẩm của Nhật, Trung Hoa tràn vào thị trường Hoa Kỳ; cùng lúc quan hệ ngoại giao phát triển qua trao đổi giáo dục, văn hoá, nghệ thuật nên văn minh châu Á không còn xa lạ với người Mỹ.

Ngày nay San Francisco có Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, tên chính thức là Chong-Moon Lee Center for Asian Art and Culture, nằm đối diện toà thị chính. Đây là một kho lưu trữ lớn nhất ở phương Tây dành cho những cổ vật văn minh châu Á. Với hơn 15 nghìn di vật lưu giữ, dấu tích 6 nghìn năm lịch sử châu Á, trong đó khoảng 2.500 cổ vật được đem ra trưng bày mỗi năm.


*




Một ngày cuối tuần mới đây, tôi và gia đình theo chân du khách tham quan bảo tàng để tìm về cội nguồn văn minh châu Á.



Hè năm nay, bảo tàng có trưng bày đặc biệt về triều đại nhà Minh của Trung Hoa (1368 – 1644) qua chủ đề: Power and Glory: Court Arts of China’s Ming Dynasty - Quyền lực và Vinh quang: Nghệ thuật Cung đình Triều đại nhà Minh, Trung Hoa. Cuộc triển lãm trên 200 cổ vật, một số từ Cấm thành ở Bắc Kinh, được thực hiện với sự hợp tác của nhiều bảo tàng Trung Hoa như Palace Museum, Nanjing Municipal Museum và Shanghai Museum.



Chân dung Hoàng tử Zhu Youyuan trong phẩm phục nghi lễ hoàng cung, triều vua Jiajing (1522 – 1566). Bộ áo là một tác phẩm thêu với nét hoa văn gồm biểu tượng rồng, mây.



Trong khi thêu, vẽ trên vải phản ánh một loại hình nghệ thuật cao của văn minh châu Á thời bấy giờ thì trình độ nghệ thuật có sử dụng kim loại, như kèn đồng, kiếm sắt hay nữ trang bằng vàng có đường nét mỹ thuật kém hơn những nền văn minh khác cùng thời từ châu Âu và Ai Cập.



Bảo tàng hiện cũng đang trưng bày tác phẩm đương đại của những nghệ sĩ Nam Hàn, thiết kế theo thể loại dùng vải chắp, vá để sáng tác, như tác phẩm Self-Container No.4 của Youn Sooran, sinh năm 1967.



Văn minh châu Á nổi bật là ảnh hưởng của đạo Hindu và đạo Phật với cả trăm hình tượng các vị thần hay Đức Phật bằng đá, gỗ, đồng tìm thấy từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Cam Bốt.



Biểu tượng cho văn minh Việt Nam chỉ có hai tượng sa thạch đặc trưng của văn hoá Champa (1075 – 1125) từ tháp Thủ Thiện ở tỉnh Bình Định.



Và bộ đồ gốm gồm 11 vật của hai giai đoạn: 2 bát trắng (1200 - 1400), bị khách che khuất; và những bình, đĩa gốm xanh (1400 – 1600) khai quật được ở miền Bắc Việt Nam.



Cùng dịp trưng bày cổ vật Triều đại nhà Minh, bảo tàng còn giới thiệu nghệ thuật thêu tranh của gia đình họ Gu, đã có từ năm 1556 và ngày nay môn đang được giảng dạy tại đại học ở Trung Hoa. Nghệ nhân dùng những sợi chỉ nhỏ hơn tóc và bằng 10 loại mũi thêu khác nhau để tái tạo lại những bức tranh cổ thành tranh thêu với sắc mầu như tranh vẽ. Hình trên: nghệ nhân Chen Hong-Ying, 35 tuổi, đến từ Trung Hoa, đang biểu diễn thêu tranh theo truyền thống gia đình họ Gu.



Trước khi rời bảo tàng, nhiều khách tham quan người Hoa thích chụp hình kỉ niệm trước tấm phông cung điện nhà Minh thời xa xưa.

*


Đi hết một vòng bảo tàng viện mà lòng tôi hoang mang về cội nguồn của mình. Có gì biểu hiện văn hoá cá biệt hơn 4 nghìn năm của con người Việt Nam trong đó? Mấy chiếc bình, chiếc đĩa? Trung Hoa có vô số di vật như thế. Còn biểu tượng con rồng cháu tiên hay con hồng cháu lạc từ đâu mà có? Cổ vật của người Hoa có đủ những con vật đó: rồng bay trên áo, rồng khắc trên gươm, trên đá, trên những bình cổ làm bằng kim loại, sơn vẽ trên bình lọ, chén bát. Họ cũng có cả những con lân, con ly. Thế thì người Việt ta có gì cá biệt hay chỉ là một chi tộc của một dòng Hán tộc nào đó?

Những cổ vật không chứng minh được nguồn gốc dân Việt, nhưng một tấm bản đồ đã đem lại cho tôi niềm tự hào dân tộc. Bản đồ của triều đại nhà Minh phát cho du khách có ghi rằng trước nhà Minh, Trung Hoa bị cai trị bởi triều đại nhà Nguyên của Mông Cổ. Tấm bản đồ với những mảng mầu khác biệt cho thấy Việt Nam thời đó không bị quân Mông Cổ hay bị nhà Minh chiếm đóng, đô hộ.

Thôi. Chuyện nguồn gốc hãy để qua một bên vì thời tiền sử mơ hồ lắm. Chỉ có chuyện lịch sử của những di dân đến Mỹ lập nghiệp từ hơn thế kỉ qua là rõ ràng.



Cổng chào dẫn vào Little Saigon, San Francisco

Người Hoa đến Hoa Kỳ định cư đầu tiên, tiếp đến là làn sóng người Nhật, người Hàn rồi người Việt đến đây sinh sống. Dấu ấn văn hoá châu Á đã in đậm ở thành phố mà tên gọi của nó phát âm theo tiếng Quảng là “Cựu Kim Sơn”. Ở đây đã có phố Tàu cả trăm năm, hiện tại là trung tâm thương mại lớn nhất của người Hoa nằm bên ngoài nước Trung Hoa, có văn hoá châu Á được phô diễn trong ngày diễn hành Chinese Parade vào dịp đầu năm âm lịch. Ngoài phố Tàu - China Town - San Francisco cũng đã có Japan Town và mới đây là Little Saigon.

Tham quan bảo tàng xong, ra khỏi cửa chính, nhìn về phiá tay phải bạn sẽ thấy những tấm phướn treo cao dọc theo đường Larkin và bảng chỉ đến Little Saigon. Đi bộ hai lốc đường bạn sẽ gặp hai con lân trắng đứng trên bệ cao bằng đá hoa cương mầu nâu chào đón du khách. Hai cột đá mới được quan chức thành phố cắt băng khánh thành cách đây hai tuần để chính thức công nhận khu phố thương mại của người Việt. Little Saigon ở San Francisco khiêm nhượng lắm, không thể nào so sánh được với Quận Cam hay San Jose, nhưng điạ điểm ở đây thuận tiện cho khách du lịch vì gần trung tâm thành phố.

Số cửa tiệm của người Việt trên đoạn đường này không nhiều lắm - rẽ phải sẽ có thêm những cửa hàng khác - chỉ trên dưới hai chục cơ sở, với dăm bẩy hàng quán ăn uống.

Gió chiều lành lạnh, muốn ăn bún riêu thì mời bạn vào quán Mangosteen. Muốn phở Bắc chính gốc có nhà hàng Tháp Rùa mà theo lời bà chủ quán - với giọng Hà Nội của những năm sau 1954 - là loại “phở bánh to, không rau, không giá, không tương đen”. Quán này bình dân, xập xệ như nhiều quán phở trên phố Lý Thái Tổ hay Tràng Thi ở Hà Nội. Vào đây bạn sẽ gặp lại Hà Nội của hơn thế kỉ trước với phố Huế, phố Sinh Từ, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn, Chùa Một Cột, chợ Đồng Xuân. Gần Tháp Rùa có quán Bodega Bistro cũng chuyên phở Bắc. Nếu bạn quen những món ăn miền Bắc lai miền Nam thì bước xa hơn một chút đến nhà hàng Việt Nam, rộng hơn và có nhiều món ăn của dân Sài Gòn.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas