trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
16.10.2004
Trịnh Thanh Thủy
Phụ nữ và sức mạnh của giáo dục
 
Tin vui nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek được trao giải Nobel văn chương ngày 7/10/2004 đến với tôi rộn ràng, bừng nở như đóa hướng dương rực rỡ nhất đang hướng về phía mặt trời. Mặt trời Thụy Ðiển đã liên tiếp rải những dải nắng vàng ấm áp lóng lánh kim nhũ xuống các đóa hoa sắc màu phụ nữ. Trước đó là giải thưởng cao quý của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển cho nữ nghị sĩ Thái Lan Prateep Ungsongthan Nata, sau là giải Nobel văn chương cho nữ sĩ Elfriede Jelinek người Áo.

Lòng tôi bỗng rộn một giấc mơ, biết đâu tương lai giải văn chương không về tay một người phụ nữ Việt Nam. Tại sao không chứ? Óc tôi bắt đầu phân tích và suy nghĩ không ngừng. Tôi tự hỏi những yếu tố nào đã đưa người phụ nữ này đến thành công. Ðọc tiểu sử của Jelinek, tôi khám phá ra nhiều điều quan trọng cùng tài năng thiên phú đã kết hợp tạo nên những nét tài hoa của người nữ sĩ. Tuy nhiên giáo dục là điểm then chốt trong suốt cuộc đời học, làm việc và sáng tác của bà.

Là con của một hoá học gia, Jelinek được đi học từ nhỏ. Bà được học thêm dương cầm, đàn organ, cùng kỹ thuật sáng tác ở Vienna Conservatory. Lên đại học, ngoài âm nhạc là chuyên ngành, sân khấu và lịch sử nghệ thuật cũng là môn bà ghi danh theo học. Bà mê thi ca và làm thơ từ thưở bé. Bà nhận giải thưởng thơ văn “The Young Austrian Culture Week Poetry and Prose Prize”, lần đầu tiên năm 1969. Sau đó bà liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng về kịch bản, truyện phim, cũng như thơ, văn khác. Jelinek còn là một phê bình gia tranh đấu cho nữ quyền và chống lại những bất công xã hội. Ngòi bút sâu sắc của bà đã đối đầu với những vấn đề xã hội phức tạp, tế nhị như tính chuyên chế bạo lực và áp bức của chế độ. Bà còn chỉ trích những khuôn sáo hạn hẹp thành kiến của kỹ nghệ giải trí truyền thông và đánh thức sự ngủ yên của công lý và luật pháp trong các vấn đề kỳ thị giới tính.

Trong tác phẩm Lust(1989), Jelinek đã phê bình hành động bạo hành tình dục như một khuôn mẫu chết cứng trong thành kiến văn hoá xã hội. Tác phẩm Unterhaltungsroman (2000) là một nghiên cứu thực nghiệm về tính “máu lạnh” trong quyền lực của nam giới. Tất cả những bài viết, tiểu luận, tác phẩm của bà là biểu trưng cho sự tranh đấu và hoạt động tích cực liên tục. Jelinek là một hình ảnh năng động sáng chói của người dân nước Áo. Giáo dục là một trong những điều cần yếu làm nên sự thành công này.

Chúng ta có thể nói, giáo dục là trung tâm điểm của sự phát triển. Nó tăng năng lực cho con người, làm quốc gia hùng mạnh và nó cũng là chìa khoá cho mục tiêu phát triển hàng ngàn năm trở về sau. Đối với phụ nữ, giáo dục càng quan trọng hơn. Nó đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội, làm giảm khả năng sinh sản, gia tăng dinh dưỡng, sức khoẻ và nâng cao tinh thần dân chủ của một gia đình.

Ở Ấn Độ các nhà nghiên cứu đã quan sát 5 thế hệ liên tiếp của một gia tộc và khám phá ra giáo dục đã thay đổi đời sống của người phụ nữ. Kết quả là họ kết hôn muộn hơn, có ít con hơn, kiến thức của họ về sự chăm sóc sức khoẻ con cái dồi dào, kể cả những phương thức ngừa thai. Giáo dục cũng gia tăng vị trí và tiếng nói của người phụ nữ trong một gia đình. Phụ nữ có cắp sách tới trường khoảng từ 6 tới 10 năm có 47 % cơ hội được quyết định mọi việc trong nhà hơn là phụ nữ ít hay không được đi học. Ở các nước nghèo chậm tiến, giáo dục giúp các trẻ vị thành niên nghèo chống lại được sự cám dỗ, thu hút của con đường mãi dâm lúc nào cũng chờ chực khắp nơi.

Thí dụ điển hình là câu chuyện của một nữ nghị sĩ Thái Lan, bà Prateep Ungsongthan Nata, mới được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao giải thưởng cao quý vì bà đã giúp đỡ các trẻ em nghèo và thất học. Bà mở trường học, tài trợ và giúp phương tiện cho các trẻ vô gia cư và nghèo đói có cơ hội đến trường. Ở Âu châu người ta tặng danh hiệu "Thiên thần của các ổ chuột" cho bà. Bà kể lại, lúc còn bé, bà không được đi học. Khi gia đình khá một chút đã cho bà cắp sách tới trường. Bà say mê học và học rất giỏi. Nhưng sau đó bà không còn cái may mắn này. Ngày nào bà cũng nhìn những đứa trẻ may mắn được đi học bằng cặp mắt thèm thuồng. Để mưu sinh, đứa bé gái ham học này làm việc ngày, đêm. Nó phải chui vào góc kẹt các con tàu (nơi mà người lớn không chui vào được) để cạo rỉ sét. Và chung quanh nó những mụ Tú Bà, chủ chứa lúc nào cũng chực sẵn chờ có dịp là đưa những em bé nghèo đói này vào con đường mãi dâm. Nhờ đã được đi học, bà ý thức và tránh xa sự cám dỗ của họ. Sau này bà phấn đấu, trở lại trường và trở nên vị nghị sĩ đáng kính của Thái Lan.

Bà ý thức được giáo dục quan trọng đến đời sống con người như thế nào nên đã và đang tiếp tục giúp đỡ nhiều trẻ em thiếu phương tiện được đến trường.

Người phụ nữ có giáo dục có thể làm giảm sự nghèo đói bằng sự gia tăng lợi tức gia đình. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, những phụ nữ nghèo, con cái của họ cũng nghèo theo và sự nghèo đói thường kéo dài qua thế hệ kế tiếp. Gia đình nghèo thường không đủ tiền cho con ăn học, và nếu có sự chọn lựa, phái nam thường được ưu tiên. Hầu như các phụ nữ trong tầng lớp bần cùng đều thất học.

Theo quan niệm từ ngàn xưa (kể cả Tây phương) phái nữ thường chỉ được lui tới giới hạn trong phạm vi gia đình hơn là ngoài xã hội. Trong xã hội cổ Hy Lạp, Hipparchia, một triết gia đã phát biểu "Nhiệm vụ của người đàn bà hay người vợ là quán xuyến mọi việc trong nhà". Ở Đông phương, dưới sự chi phối của tam giáo, vai trò quản gia của người phụ nữ được đặt lên hàng đầu bằng giáo điều "Tam tòng, tứ đức". Có lẽ vai trò làm vợ, làm mẹ quá quan trọng và chiếm nhiều thời giờ khiến người phụ nữ không còn cơ hội để đi học. Đồng thời, những định kiến văn hoá, tôn giáo, xã hội tạo những trở lực lớn cho việc người phụ nữ bước ra ngoài xã hội.

Ngày nay, đôi khi chúng ta cũng lấy làm khó hiểu về việc tại sao người phụ nữ không được đi làm, đi học và phát biểu ý kiến của mình trong nhiều quốc gia trên thế giới. Nó là hệ quả của thành kiến cổ còn ảnh hưởng đến bây giờ. Nó tương tự như lời Aristotle đã nói: “Thật là tiện lợi cho việc loài người thống trị loài vật... cũng giống như giữa các giới tính, đàn ông là thượng đẳng trong khi đàn bà là hạ đẳng, đàn ông kẻ thống trị, đàn bà người bị trị.” Khái niệm này đã cắt nghĩa và chứng minh tại sao trong quá khứ người nam nắm trọn quyền lực. Bây giờ có nơi đã bỏ quan niệm này, có nơi còn giữ.

Trong khi ngược lại triết gia Plato bảo: “Nam và nữ đều có cùng một khả năng cảm nhận và học hỏi vì thế phải được giáo dục, huấn luyện và làm cũng một việc như nhau. Do đó, đàn bà phải được nắm quyền như đàn ông”. Quan điểm này của Plato tạo sự bất lợi cho xã hội thời cổ nên ít có nơi theo nhưng cũng có nơi áp dụng, đó là Ai Cập. Người phụ nữ Ai Cập được đi làm và hành xử quyền hạn ngang với nam giới.

Hai quan điểm của Plato và Aristotle đã lưu hành và ảnh hưởng xã hội Tây Phương thời bấy giờ. Nó cũng cắt nghĩa cho chúng ta hiểu ngày nay tại sao người phụ nữ phải đối đầu với vấn đề giáo dục.

Ở xã hội Đông Phương, Khổng giáo quan niệm phụ nữ giữ vai trò phụ thuộc, vì phụ nữ được xem như hạ đẳng, không đủ khả năng để học và hiểu. Đi ngược lại truyền thống này tức phá vỡ kỷ cương và đảo ngược trật tự xã hội. Khổng Tử còn tuyên bố rằng “Có hai hạng người rất khó đối phó là trẻ em ngớ ngẩn, chậm lớn và đàn bà”. Vì vậy người phụ nữ bị xem thường là đầu óc nhỏ nhoi, khả năng thu thập giới hạn, không đủ trí tuệ để theo học những chương trình giáo dục cao cấp. Thành kiến này vẫn còn tồn tại đến ngày nay khi đại học Oberlin College(Hoa Kỳ) mở ra những lớp giảng dạy cho phụ nữ (tỏ rõ sự bình đẳng với nam giới) nhưng lại rút ngắn chương trình học và cố ý đơn giản hoá cho dễ học, bởi còn ảnh hưởng định kiến cũ.

Trong xã hội trọng nam khinh nữ, bài học đầu tiên của một bé gái là sự kỳ thị trong chính gia đình của mình từ cha mẹ cho đến các anh, em trai. “Con gái là con người ngoài (nữ nhân ngoại tộc), trước sau gì nó cũng về nhà người ta.” Quan niệm này phân rõ điạ vị và cách đối xử đối với người nữ. Việc giáo dục một thiếu nữ không phải là việc cắp sách tới trường mà là việc dạy dỗ người nữ việc quán xuyến gia đình, chăm sóc nhà cửa ngõ hầu hoàn thành trách nhiệm một người con dâu ngoan khi bước vào ngưỡng cửa gia đình chồng. Một thiếu nữ có học vấn cao chẳng những không giúp gì cho bản thân cô ấy mà còn vô tình tự tạo tình trạng ế chồng cho chính mình. Những gia đình theo quan niệm cổ xưa sẽ không rước một nàng dâu có học thức cao về vì họ sợ cô ta sẽ cậy thế giỏi mà ăn hiếp chồng cũng như hỗn láo, xem thường gia đình chồng. Xưa nay người ngu vẫn dễ sai bảo hơn người khôn. Hôn nhân là một hợp đồng xã hội hợp thức hoá tình trạng nô lệ của người phụ nữ thời cổ. Một thiếu nữ tới tuổi cặp kê không ai nhòm ngó là một điều buồn và tủi nhục đối với cha mẹ cô gái và chính cô ta nữa.

Tôn giáo của một vài xã hội chống đối việc giáo dục phụ nữ. Họ sợ giáo dục sẽ nâng cao trình độ phái nữ và sẽ ảnh hưởng tới quyền thống trị của phái nam. Giáo dục phụ nữ đối với họ chỉ là cha mẹ dạy con sao nấu cơm cho ngon, dọn dẹp nhà cửa cho sạch, học cách đàn hát giúp chồng tiêu khiển những khi ông ta mệt nhọc hay rỗi rảnh.

Ngày nay vai trò giáo dục của cha mẹ đối với con gái rất quan trọng. Giáo dục còn giúp trẻ em những kiến thức và năng lực chúng cần đến trong tương lai. Bậc làm cha mẹ cần nuôi dưỡng, giảng dạy cùng nỗ lực nâng cao trình độ học vấn của con mình, trai cũng như gái. Sự giáo dục không chỉ ở giới hạn viết và đọc. Nó còn có nghĩa, học để hiểu, để suy xét điều hơn lẽ phải và để có được những căn bản nghề nghiệp ngõ hầu người phụ nữ có thể tự lập, mưu sinh, nuôi sống chính mình bằng một nghề chuyên môn.

Chiều hướng xã hội thế giới đang thay đổi, vai trò phụ nữ cũng trở mình theo. Sự thành công của phụ nữ tỷ lệ thuận với sự trau dồi học vấn. Nhiều cánh cửa giáo dục cao hơn mở rộng đón nhận những đứa con từng bị ruồng bỏ. Hằng năm số phụ nữ tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều. Riêng tại Hoa Kỳ theo vài báo cáo thống kê toàn quốc NLS-72 tiết lộ những bằng chứng rõ rệt về tình trạng thành công khả quan của phụ nữ ở trình độ giáo dục cao cấp. Clifford Adelman, trong một báo cáo 1991. “Women at thirtysomething” cho thấy thành quả của phái nữ gặt được ở bậc trung học cao hơn phái nam nhưng khát vọng giáo dục lại thấp hơn. Tuy nhiên nếu họ tiếp tục lên đại học thì mức độ gặt hái của họ không thua phái nam, nhận được học bổng nhiều hơn, hoàn thành chương trình cử nhân nhanh hơn, và điểm tốt nghiệp trung bình cao hơn phái nam trong bất cứ lãnh vực nào.

Tại Hoa Kỳ, có những đại học mở riêng cho phụ nữ và giảng dạy kiến thức cùng những kỹ năng chuyên môn thích hợp với phái nữ. Một vài đại học khích lệ tài lãnh đạo của người nữ, cung cấp cho họ nhiều vai trò có trách nhiệm hơn và khuyến khích họ tập trung vào những lãnh vực mà trước giờ người nam thường chiếm đa số.

Thật vậy, sự dự phần của phụ nữ trong xã hội ngày nay quan trọng như phái nam. Phụ nữ có mặt khắp nơi trong các lãnh vực nghiên cứu, thiết kế, thương mại, kỹ thật, khoa học, văn hoá, giáo dục cũng như xã hội. Tuy nhiên, đạt được thành quả trên người phụ nữ đã trải qua cuộc phấn đấu biết bao nhiêu cam go và khó nhọc. Con đường giáo dục không những dẫn người phụ nữ tiến gần đến sự thành công, nó còn giúp họ lột bỏ những mặc cảm thấp kém, hạ đẳng mà thành kiến đã đặt để vào xã hội họ đang sống qua bao thế hệ.

Điều cần nhất là giáo dục đã giúp họ nhận thức được điạ vị và vai trò của họ trong công cuộc đi tìm lại căn cước chính mình như Kersey đã nói “Giáo dục cho con người cơ hội để học đọc, viết và quan trọng hơn cả là để tư duy”.


Tài liệu tham khảo
  • The Nobel Prize in Literature 2004 /Elfriede Jelinek-Biobibliographical notes http://nobelprize.org/literature/laureates/2004/
  • Perception of Education of Women in the Ancient World- Lilian Quintero
  • Piccione, Peter A. Excursis III: The Status of Women in Ancient Egyptian Society. 1995. Online. Cited 21 Oct. 1997 Http://www.library.nwu.edu:80/class/history/B94/b97women.htm
  • A New Focus on Girls'and Women's Education/ Wolf and Karra, "Education's Impact on Girls: Five Generations of an Indian Family," ABEL 1994, p. 31.
  • Summarised in Rawley, C., "Including Girls in Basic Education: Chronology and Evolution of USAID Approaches," ABEL May 1997 for USAID pp. 34- 35
  • Women's Colleges in the United States: History, Issues, and Challenges -Irene Harwarth, Mindi Maline, Elizabeth DeBra http://www.ed.gov/offices/OERI/PLLI/webreprt.html
  • Câu chuyện nữ nghị sĩ Prateep Ungsongthan Nata của giáo sư Lê Tinh Thông- Little Saigon Radio


© 2004 talawas