trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnhVăn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
7.12.2004
Nguyễn Quang Lập
Nói ra thì bảo là phản động
Phạm Thị Hoài thực hiện
 
talawas: Thưa anh Nguyễn Quang Lập, anh vừa dự Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 tại Ban Mê Thuột?

Nguyễn Quang Lập (NQL): Nói đi dự là nói cho oai, thực ra chẳng ma nào mời tôi. Nguyễn Thanh Sơn và Phạm Xuân Nguyên rủ tôi đi chơi. Ban Mê Thuột tôi chưa đến bao giờ, tưởng là thế nào, hóa ra chẳng khác gì một thị xã miền Trung. Chất Tây Nguyên tuồng như không còn. Nhà sàn xây, mái tôn nhựa, chán lắm. Ở đây người ta làm du lịch rất tỉnh lẻ. Tôi đến Buôn Ðôn là đất voi nổi tiếng, dự định sẽ cưỡi voi chụp ảnh về khoe với con. Lên đấy mới ngao ngán. Vài cái nhà sàn lèo tèo làm theo kiểu đời mới, chất đầy đồ lưu niệm được sáng tác theo lối văn nghệ quần chúng. Hỏi cô phục vụ, cô bảo: „Chờ bốn chục phút“. Ok, bốn chục phút cũng chờ. Hơn một tiếng vẫn không thấy voi đâu, cô phục vụ đi vô đi ra đủng đỉnh, hỏi lại cô thì cô bảo: „Ðâu có, em bảo chờ bốn tiếng!“. Bảng quảng cáo to đùng ghi rành rành: Khu văn hóa nhà mồ. Ðến Tây Nguyên mà không biết nhà mồ méo hay tròn coi như chưa đến Tây Nguyên. Ðến nơi thấy giống hệt một bãi mộ hoang. Ba bốn cái nhà mồ xây bằng gạch, trát vôi trắng xóa. Tượng mộ là một vài con chim cò hay hạc gì đấy được đẽo gọt bằng bàn tay chuyên nghiệp „thợ vườn“. Ðến Hồ Lăk cũng vậy. Chạy xe hơn một giờ, thấy một cái hồ nông choèn, dài ngoẵng. Một cái nhà hàng nổi trên hồ. Cô bán hàng nói: „Các anh muốn ăn gì thì phải đăng kí trước, chúng em xuống phố đi chợ, trưa mới có ăn.“ Từ Ðà Nẵng lên Ban Mê Thuột, đi máy bay nhỏ, nó kêu roạc roạc suốt cả hành trình, sợ đến thót tim. Trả giá cái sợ bằng một cái hồ không ra hồ, một cái bến đò được các nhà du lịch Tây Nguyên thiết kế y hệt bến đò Bắc Kì!

talawas: Du khách Nguyễn Quang Lập nghiêm khắc với Ban Mê Thuột như vậy, còn nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập với LHP Ban Mê Thuột thì sao? Chậm nhất là từ Đời cát với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Thung lũng hoang vắng với đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, anh nổi lên như một trong những nhà biên kịch sáng giá nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay

NQL: Chết! Ðừng nói thế, tôi sợ lắm. Tôi không muốn chìm cũng không muốn ‘nổi lên’, càng không muốn nhận bất kì cái nhất nào người đời trao tặng. Tôi thích lửng lơ con cá vàng. Ở đâu không biết chứ ở ta cứ lửng lơ con cá vàng là an toàn nhất. Thông minh giỏi giang chỉ tổ người ta ghét. Ông Hoàng Ngọc Hiến nói rồi: „cái nước mình nó thế“, cứ ngu ngu hiền hiền là đắc lợi, ai cũng thương, quyền chức cũng dễ có, chứ láu táu ló cái tài của mình ra trước mắt thiên hạ thì khuynh gia bại sản có ngày.

talawas: Nhưng điện ảnh là show biz, người ta bắt buộc phải nổi lên mới trụ lại được.

NQL: Lê Hoàng nổi lên như một đạo diễn làm phim ăn khách nhất Việt Nam. Hai phim Gái nhảyLọ lem hè phố đã đem về cho Hãng phim Giải phóng một món tiền khổng lồ, bản thân Lê Hoàng cũng ôm được một mớ tiền nhiều người làm phim nằm mơ cũng không có. Thế là Lê Hoàng ăn đòn từ bốn phương tám hướng, đến nỗi phải khóc rưng rức tại Hội thảo ở LHP 14. Một cú khóc của Lê Hoàng khiến báo chí nước Nam mừng rú. LHP nhạt thếch không biết nói gì, bỗng vớ được trận khóc của Lê Hoàng như vớ được vàng, tất cả đều giật tít to đùng, báo chí dược phen đắt như tôm tươi. Lâu nay văn nghệ sĩ xuất hiện trên báo chí mặt mày hớn hở, ra cái vẻ hạnh phúc vô biên, bây giờ vớ được một anh đứng tấm tức khóc, lại một anh nổi tiếng cả tiền lẫn tài thì lạ quá, hay quá. Tôi nói với NguyÔn Thanh S¬n : „Lê Hoàng nhà quê, khóc cái gì. Ai bảo tài cho lắm vào, thông minh cho lắm vào, người ta đánh cho là phải. Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!“ Hồng Ánh đoạt giải diễn viên nữ chính xuất sắc nhất, trừ khán giả và anh em trong đoàn phim đến chúc mừng, còn lại tuyệt không có một đồng nghiệp nào nhìn cô bằng nụ cười thân thiện. Ra sân bay, đồng nghiệp ngồi hai hàng ghế ở phòng chờ, Ánh tí ta tí tởn chạy đến chào thì gặp ngay những đôi mắt mang hình viên đạn, sợ quá đứng nép một xó. Lên máy bay không ai thèm ngồi chung, cứ trơ khấc suốt cả hành trình. Thanh Vân cũng thế, anh là đạo diễn duy nhất nước ta ăn liền hai giải Châu Á-Thái Bình Dương, hai giải Bông sen vàng cả cho phim lẫn cho đạo diễn xuất sắc nhất. Tôi để ý xem có ai ngoài đoàn phim đến chúc mừng anh không thì thấy có hai người, đó đạo diễn Hải Ninh, bố anh, và Lê Hoàng, người vừa bị no đòn hai năm qua. Chấm hết. Sau đêm bế mạc, mọi người đi ăn đêm ở đường Y Juk - ăn đêm ở vỉa hè Ban Mê thích lắm, dân điện ảnh ngồi đầy cả vỉa hè. Thanh Vân cầm chai rượu hí hửng chạy đến, tuyệt không một ai gọi, đứng đực như ngỗng ỉa. May có nhà văn Phạm Ngọc Tiến gọi đến bù khú cho đến sáng, không thì xách rượu về khách sạn uống một mình. Cho nên thương nhau thì xin tha tặng nhau cái „nhất“, cái „nổi lên“, cực lắm. Cái nước mình nó thế, ông Hoàng Ngọc Hiến quá tài!

talawas: Chuyện đố kị, sự bất công của những thành công hay thất bại ở đâu cũng có, vấn đề là những cách xử sự mà anh vừa kể hơi thiếu tinh thần chuyên nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc trao giải vàng cho Người đàn bà mộng du trong LHP lần này không làm giới điện ảnh tâm phục khẩu phục, cả giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trao cho Hồng Ánh cũng vậy?

NQL: Tôi cho rằng người ta đã trao đúng người đúng của. Có năm phim có thể tranh giải vàng với Người đàn bà mộng du, đó là Mùa len trâu, Thảo, Thời xa vắng, Lưới trời Nguyễn Á Quốc ở Hồng Kông. Mùa len trâu không kịp làm thủ tục để dự thi. Thời xa vắng mặc dù quay rất khéo, cái kết thông minh và chọn được người đóng anh Sài khá tốt nhưng cứ lổn nhổn nửa phim nửa ti vi, xem rất mệt. Thêm vào đó phải nghe thứ nhạc dở quá trời, chịu không nổi. Mê Thảo làm khá kì khu nhưng đó là thứ xi nê bị sân khấu hóa, mới lạ thế nào tôi không biết nhưng tôi không thích và tôi biết chắc BGK cũng không thích. Người ta bảo Mê Thảo không được giải gì vì có Ðơn Dương đóng, tôi e rằng không phải. Bây giờ người ta quên Ðơn Dương rồi, chẳng ai để tâm lâu như vậy. Hơn nữa, đối xử với Ðơn Dương thế là quá đủ, dấn thêm nữa sẽ bị hố với dư luận. Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông làm khá tử tế. Phim về Bác Hồ không làm tử tế có mà bốc cám. Nhân vật Bác Hồ do Trần Lực thủ vai cũng được, tương đối nhuyễn và tránh được cứng nhắc. Quay phim cũng khá. Tuy nhiên cứ thấy Bác ho hoài, khạc cả ra máu thì khó tin quá. Bác lúc đó còn trẻ, khỏe cơ mà? Cứ thủ vai lãnh tụ là phải ho hục hặc và uống thuốc bắc ư? Tôi cảm thấy phim này ca ngợi Bác thì ít, ca ngợi Trung Quốc thì nhiều. Việc Ðảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ Bác trong những ngày tháng cam go là việc nên nhắc tới. Nhưng nhắc vừa thôi, nhắc quá thì không ổn vì đây là phim ca ngợi bản lĩnh Bác Hồ giữa bầy lang sói nhằm bảo toàn cách mạng Việt Nam cơ mà! Trần Ðăng Khoa ngồi cạnh tôi, rỉ tai tôi: „Ðáng ra Trung Quốc phải bỏ tiền ra làm phim này mới đúng“. Phim này được giải đặc biệt là tốt quá rồi. Nếu là giám khảo, tôi sẽ loại phim này một giờ như gió, dù tôi rất thương hai năm trời lặn lội vì nó của ông giám đốc Hãng phim Hội nhà văn. Có một điều làm tôi hơi ngạc nhiên: tên phim tiếng Việt ghi rành rành: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông trong khi tiếng Tàu trên phim lại ghi: Ðào tẩu khỏi Hồng Kông. Chẳng hiểu ra làm sao. Mấy bác quản lí văn hóa nhà ta rất nhạy cảm với chữ nghĩa, tiếng Tây tiếng Tàu đều biết cả, lại bỏ qua cái tên phim thế kia thì cũng lạ. Riêng phim Lưới trời tôi rất cảm tình, nó là phim đề tài đương đại, chuyện chống tham nhũng được làm khá mạnh tay, nhuần nhuyễn chứ không lên gân, rập khuôn như các phim ta khi vớ phải đề tài này. Cái ông tiêu cực, Ðào Bá Sơn thủ vai -tôi quên mất tên nhân vật- được dựng và diễn rất người. Nếu là giám khảo, tôi sẽ trao giải vàng cho phim này cùng với Người đàn bà mộng du để khuyến khích đề tài hiện đại, khuyến khích sự dũng cảm trong khi hành nghề của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Về Hồng Ánh, cô không khá hơn chính mình trong hai phim Ðời cátThung lũng hoang vắng, nhưng trong LHP này cô không có đối thủ. Tôi đã nói với Hồng Ánh đúng như vậy trong khi người ta đang chấm. Có người thắc mắc sao không trao giải nữ chính xuất sắc nhất cho Kim Khánh, Minh Thư? Một số cô chú nhà báo hình như chưa phân biệt nổi ti vi với xi nê!

talawas: Còn những bộ phim từng được dư luận chú ý vì nhiều lí do khác nhau như Kí ức Điện Biên, Vua bãi rác hay Của rơi?

NQL: Cả ba phim này tôi đều xem cả, thậm chí xem không dưới hai lần. Chúng ở trong tình trạng suýt hay. Vương Ðức và Ðỗ Minh Tuấn tuy tính khí khác nhau nhưng có một điểm chung là cả hai đều lao động nghệ thuật nghiêm túc, tuy nhiên họ rất thích trưng diện các ý tưởng và ngôn ngữ mới lạ. Ðiều đó cũng tốt thôi nhưng nếu quá đi sẽ làm cho người ta khó chịu, từ đó sổ toẹt cả những cố gắng chân thành của họ. Phim nào của họ cũng vậy, đang kể với một ngôn ngữ tả thực hay ho thế, họ bỗng đưa ra những ẩn dụ khá khiên cưỡng, làm mọi người cứ ngẩn ra. Nó tuồng như không ăn nhập gì vào câu chuyện họ đang kể và điều họ gửi gắm. Giả dụ anh đang đọc thơ, bỗng nhiên anh chen ngang một đoạn triết luận, dù thứ triết luận kia là mới lạ, là hay ho thì cũng làm cho tôi rất mệt và bực mình. Ô kìa tôi đang nghe anh đọc thơ kia mà, hay chửa? Sở dĩ tôi rất yêu Thanh Vân, Nhuệ Giang vì cặp vợ chồng này biết làm theo lời Bác Hồ dạy: „Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình“. Tôi vốn dốt nát, thuở chiến tranh không được dạy dỗ cẩn thận nên rất hay mặc cảm. Một đứa trẻ sáu tuổi vở sạch chữ đẹp tôi còn kính trọng hơn các ông nhà văn vô cớ xổ ra một mớ ngôn ngữ rối mù.

talawas: Muốn thế nào, chúng ta cũng phải thấy rằng điện ảnh là ngành nghệ thuật có tốc độ tự đổi mới nhanh nhất so với mọi ngành khác trong thế kỉ vừa rồi trên thế giới. Cứ dăm ba năm là xuất hiện một thế hệ đạo diễn với cương lĩnh nghệ thuật mới, tham vọng và những mục đích nghệ thuật mới. Dù rất vững vàng và thành công trong dòng điện ảnh tả thực và luận đề vốn là dòng truyền thống và chủ đạo của điện ảnh Việt Nam, Nguyễn Thanh Vân và Nhuệ Giang có nên tiếp tục như vậy không? Giới hạn của loại điện ảnh này rất rõ, vì đơn giản là nó quá phổ biến.

NQL: Muốn cưỡng lại cái phổ biến, cũng là cưỡng lại cái nhàm chán, anh phải có tiềm lực. Tiềm lực văn hóa và tiềm lực kinh tế. Tiềm lực kinh tế thì khỏi phải nói vì đối với điện ảnh nó là chuyện đương nhiên. Tôi xin nói một chút về cái gọi là tiềm lực văn hóa. Hầu hết những người làm phim nước ta, trong đó đương nhiên có tôi, đều thiếu một gốc gác văn hóa cơ bản. Thiếu thầy, thiếu sách và quan trọng là thiếu những nỗ lực cá nhân nhằm tìm kiếm tích trữ một năng lượng văn hóa đủ để tiếp nhận các sáng tạo không có trong kinh nghiệm. Ngày xưa đang ở nhà quê, tôi tích cực học hành vì sợ mình thua quá xa những bạn bè ở Hà Nội. Nghe tên tuổi những đại danh Hà Nội, tôi hãi lắm. Nhưng khi ra Hà Nội tôi mới vỡ ra rằng, quá nửa trong họ đã trưởng thành từ nền văn hóa nghe lỏm. Bây giờ đến lượt tôi, tôi cũng đang rơi vào nền văn hóa đó.

talawas: Xin anh nói rõ hơn...

NQL: Ðó là thứ văn hóa nguy hiểm, chỉ tổ làm cho người ta mau chóng sống trong hoang tưởng, ngoài ra nó còn hủy diệt sáng tạo ghê gớm. Ðừng mơ mộng xa vời một khi anh chưa thoát ra khỏi thứ văn hóa giả cầy đó. Tôi xem phim của một số đạo diễn trẻ Trung Quốc, mới chỉ Trung Quốc thôi nhé, đã hãi lắm rồi. Họ đã thay đổi gần như hoàn toàn diện mạo điện ảnh Trung Quốc, nhẹ nhàng bước qua các đàn anh lững lững Thái Sơn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca. Trong khi ở nước ta vẫn ngồi thèm nhỏ dãi làm được như hai ông kễnh Trung Quốc này. Một số đạo diễn trẻ Ấn Ðộ, Iran - chính trị và kinh tế các nước này cũng gặp nhiều vấn đề lắm - đã bước những bước dài và cao làm tôi choáng ngợp. Vì sao thế? Vì họ có tiềm lực văn hóa, cả năng lượng cá nhân cả nền tảng văn hóa quốc gia họ. Ta chưa có, chưa thể có. Ðừng vội vàng đổ tội cho một mình chính trị, chẳng qua văn hóa chúng ta còn quá mỏng mà thôi. Những người làm phim nước ta mấy ai thấm được điện ảnh Iran, điện ảnh hiện đại Trung Quốc, điển hình là Uông Gia Vệ? Không hiểu và thích cái mới làm sao làm ra nó?

talawas: Cặp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân-Nhuệ Giang thuộc một thế hệ nhạy cảm với cái mới

NQL: Thanh Vân và Nhuệ Giang rất nung nấu đổi mới. Họ đã chán thứ điện ảnh kể chuyện từ lâu. Tôi nhớ sau khi làm phim Ðời cát trở về, sau câu đầu tiên thăm hỏi tôi, câu thứ hai anh nói làm tôi mừng suýt khóc lên được: “Ðây là phim cuối cùng em làm theo kiểu này”. Nhưng từ bấy đến nay anh vẫn làm phim theo kiểu cũ. Có lẽ Vân chưa chuẩn bị xong phần năng lượng văn hóa để làm một cuộc cách mạng xi nê cho riêng anh. Thêm vào đó, nhà nước ta chỉ thích đặt hàng cho loại xi nê tả thực và luận đề có lợi cho cách mạng mà thôi. Những tìm tòi tuy vẫn được cổ vũ nhưng chỉ cổ vũ mồm chứ nhà nước đâu có thời giờ và tiền bạc để đầu tư cho những thứ phập phù, lại rất dễ bị lực lượng hưu trí ngày càng đông đảo và giới cựu chiến binh phản ứng. Không chỉ nước ta đâu, nước nào cũng thế, đầu tư cho những tìm tòi nghệ thuật đều phải lụy vào những nhà giàu. Tất cả trông chờ vào tài trợ của các nhà giàu có, yêu mến xi nê và hào hiệp. Khổ thay cho đến nay vẫn rất khó tìm được những tài trợ để làm phim kiểu đó. Sở dĩ Iran trở nên một cường quốc xi nê trong khu vực châu Á vì họ có nhiều nhà giàu dám đặt cược tiền bạc và niềm tin vào các nhà làm phim nước họ.

talawas: Anh có lí tưởng hoá yếu tố Mạnh Thường Quân trong nghệ thuật lắm không? Điện ảnh là một công nghiệp. Khác với Ấn Độ, nơi có nền dân chủ lâu đời nhất châu Á, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam hoàn toàn mang tính chất quốc doanh, nhà nước đặt hàng, nhà nước chỉ đạo, nhà nước quản lí; dù tư nhân có bỏ chút vốn vào đó thì cũng chỉ là hương hoa, không thay đổi được tính chất quốc doanh này. Không nhà đầu tư độc lập nào bỏ tiền vào một sản phẩm mà quyền kiểm soát nằm trong tay người khác.

NQL: Ðó là câu chuyện của ngày hôm qua, hiện tại nhà nước ta đã có những thay đổi đáng khích lệ. Dũng cảm giết chết thứ điện ảnh bao cấp là cách đúng đắn nhất để cho điện ảnh thứ thiệt ra đời và phát triển. Thôi thì muộn còn hơn không. Chỉ có mấy ông xếp hàng bao cấp là lo sốt vó, còn thì ai cũng khấp khởi mừng thầm. Nói ra thì bảo là phản động, chứ tôi thấy hễ thứ gì nhà nước thả ra, cho sống tự do thì thứ đó tự khắc phát triển. Ngày xưa, ta sống nhờ vào sự phát chẩn của nhà nước, sống lâu quá đến nổi tưởng rằng nếu nhà nước ngưng phát chẩn thì chắc chết cả lũ. Ðến khi nhà nước thu hồi tem phiếu, sổ gạo, thả tự do cho “sống chết mặc bay” thì cả nước bỗng như ông Phù Ðổng vươn vai, sướng quá là sướng. Nhớ lại cái thời bao cấp đến rùng mình, không hiểu tại làm sao mình sống được đến bây giờ, lại còn ca hát ngất trời ca ngợi lung tung, chết cười. Tuy nhiên sự thay đổi của nhà nước vẫn nửa vời. Bảo rằng cho cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ lấy 51% thì vẫn còn khó lắm. Với 51%, ông nhà nước có quyền quyết định mọi thứ, vẫn như cũ có khác gì đâu. Nhưng cứ từ từ, miễn là nhà nước ý thức được sự thả ra của mình là có lợi cho cái toàn thể thì trước sau ông cũng thả ra cả. Ông không ôm nổi đâu, càng ôm ông càng bí, càng dễ cáu, bực mình ông thả ra cả thế là sướng! Nhà nước vẫn tưởng mình là bố mẹ, coi đám lê dân như con cái không bao giờ trưởng thành. Như thế là làm khổ lẫn nhau thôi.

talawas: Ta trở lại chuyện khó sống vì „nổi lên“, bản thân anh đã nếm mùi kinh nghiệm ấy chưa? Kịch bản Đảo của dân ngụ cư dựa theo truyện ngắn vô cùng độc đáo của Đỗ Phước Tiến, anh viết xong đã lâu mà vẫn nằm chờ, kịch bản Không có Eva cũng vậy. Đó là tình hình chung hay trường hợp đặc biệt?

NQL: Nói ra buồn lắm, sợ người ta cho rằng mình không được dựng phim, cay cú nên nói càn. Cả hai kịch bản đó viết ra đã khá lâu, cái thì sáu bảy năm, cái thì ba bốn năm, đến nay chẳng có tín hiệu nào cho thấy sắp được dựng. Tôi không hề lên Cục, lên Hãng để hỏi, tôi chán cái chốn u mê ấy quá rồi. Chỉ nghe Thanh Vân, Nhuệ Giang nói lại, các kịch bản đó chẳng ai chê dở, nhưng thời điểm này đưa ra không hợp. Tôi mải mốt viết văn, chẳng biết quái gì chính trị, nghe người ta nói vậy mình cũng chịu. Nhưng tôi tin hai kịch bản đó thế nào cũng được dựng thành phim. Ðặc biệt Ðảo của dân ngụ cư, nếu Thanh Vân làm thật cẩn thận, nhất định nó sẽ có một cái gì đó khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ sợ khi phim ra tôi đã chết rồi, sức khỏe của tôi không có khả năng chờ đợi sự tỉnh ngộ văn hóa của mấy ông mấy bà duyệt phim. Kịch bản của tôi mà người ta còn đối xử thế - vì nghe nói các vị duyệt phim rất quí hóa tôi - thì kịch bản người khác chắc „chết“ oan cũng nhiều.

talawas: Câu: „thời điểm này đưa ra không hợp“ phổ biến trong đời sống văn nghệ Việt Nam hàng chục năm nay, được truyền từ thế hệ quản lí văn nghệ này đến thế hệ quản lí văn nghệ khác. Giả sử anh được hay bị ngồi ở vị trí quản lí ấy, anh có tin rằng mình sẽ hoặc có thể nói khác không? Rút cuộc thì nào có phải những ai xa lạ đang ngồi tại các vị trí đó, toàn là „anh chị em văn nghệ sĩ chúng ta“, toàn là „người nhà“, „chỗ thân tình“ cả. Cục phó Cục Điện ảnh hiện nay là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát...

NQL: Chị Ngát rất đáng yêu, nếu chị bé đi chừng mười tuổi tôi sẽ yêu chị cho bằng được. Chính chị đã lấy kịch bản Ðời cát trong hố rác của Hãng phim truyện Việt Nam đem ra dùng, cũng chính chị đã ra sức bảo vệ Cho Thung lũng hoang vắng ra đời không bị sứt mẻ. Nhưng từ khi chị lên làm cục phó, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Bây giờ chị cũng phải giống như bao nhiêu quan chức tôi đã gặp và ớn đến tận cổ. Cái nước mình nó thế, người ta sợ mất cái ghế còn hơn cả mất bố mẹ. Chả hiểu ra làm sao. Ghế cũng hay, cũng có tiền nhưng đâu chỉ có cái ghế mới tạo ra hay ho, tiền bạc? Có ngàn cách để kiếm tiền mà lòng dạ thảnh thơi, không mất bạn mất bè chứ đâu phải chỉ có cái ghế là nhất. Khổ, cái ghế còm chứ sang trọng gì đâu mà ham hố. Tôi không hình dung ra nếu ở vị trí đó tôi sẽ như thế nào, khó lắm. Làm sao có thể hình dung mình đang sống và viết thế hay ho thÕ, bỗng rơi vào một trại chăn nuôi, nơi mà nguời ta nói và nghĩ theo một thứ ngôn ngữ giả cầy.

talawas: Có một điều đáng chú ý là giới viết văn, đặc biệt là các nhà thơ, hiện diện nổi bật trong điện ảnh Việt Nam. Các nhà thơ Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, các nhà văn Nguyễn Quang Lập, Dương Thu Hương... Và phần lớn các phim truyện đều dựng trên tác phẩm văn học chuyển thể, phần lớn các ý kiến phê bình điện ảnh đều xoáy vào tính văn học của kịch bản. Dường như điện ảnh Việt Nam chưa ý thức được rằng nó phải là một vương quốc độc lập, trong đó văn học chỉ là một trong nhiều khách mời? Vì sao sự chế ngự của văn học trong điện ảnh Việt Nam lại dai dẳng thế?

NQL: Tôi nghĩ đơn giản đó là vì các thầy Liên Xô dạy thế.

talawas: Nhưng điện ảnh Liên Xô còn có Sergei Eisenstein, Alexander Dovzhenko, Andrei Tarkovski..., đâu phải những bậc thầy dở nhất?

NQL: Tôi không có ý nói thầy Liên Xô dạy sai. Có điều thầy chỉ dạy một thứ, và đến khi thầy chết rồi, trò cứ đinh ninh thứ thầy dạy là duy nhất đúng, các thứ khác là sai bét. Tôi biết văn học và điện ảnh kể chuyện đã có những tác phẩm vĩ đại nhưng đã đến lúc ta phải biết chán nó. Ðến nay người ta vẫn quan niệm tính văn học là gốc gác của một tác phẩm điện ảnh. Người ta vẫn chưa thể hình dung một tác phẩm điện ảnh sẽ được xây dựng ra sao nếu không có cái móng vững chắc là tính văn học. Lí luận điện ảnh nước nhà hầu như là zê-rô thì làm sao nói chuyện đổi mới nó? Các nhà phê bình điện ảnh hầu hết là các nhà văn. Nhà văn chỉ thạo mỗi cái tính văn học thôi, lại quan niệm tóm được cái tính văn học là tóm được một tác phẩm xi nê, thành ra nhan nhản trên báo chí người ta phê bình điện ảnh mà không thèm đếm xỉa đến ngôn ngữ điện ảnh, chỉ chú mục lôi tính văn học ra bình. Nếu thế thì chẳng cần đi xem phim, chỉ cần ở nhà đọc kịch bản là được rồi. Xứ ta làm gì cũng khác người, nếu giống thì chỉ giống thầy Liên Xô, bác Trung Quốc những năm 60, 70 chứ chẳng giống ai. Từ xưa đến nay vẫn tồn tại cái gọi là kịch bản văn học. Các nhà biên kịch viết ra kịch bản văn học, các đạo diễn căn cứ vào kịch bản văn học để viết ra kịch bản phân cảnh - cái này mới gọi là kịch bản điện ảnh (!) Nhìn vào kịch bản văn học thấy nó được viết ra na ná một truyện vừa, chỉ có khác là người ta đã loại các câu văn không quay được, ví dụ: “chị bỗng thấy xôn xao” chẳng hạn. Viết ra một kịch bản điện ảnh như tôi viết bây giờ, chỉ xét riêng về hình thức thôi, vẫn còn xa lạ với hầu hết các biên kịch nước nhà. Họ vẫn nghĩ, viết như vậy đơn giản là thay đổi cách trình bày mà thôi, không quan trọng.

talawas: Ngay từ đầu anh đã nghi ngờ cái tính văn học ấy?

NQL: Không, cách đây mấy năm tôi vẫn tin rằng không có văn học thì điện ảnh bốc cám. May có mấy ông thầy Úc dạy cho mấy tháng cộng với việc băng đĩa lậu tràn ngập nước nhà, xem được khá nhiều phim, dần dần tôi mới vỡ ra được chút ít. Hình như điện ảnh hiện đại không quan tâm lắm đến tính văn học. Nền móng của một tác phẩm điện ảnh là ngôn ngữ của nó, văn học chỉ dự vào như một thành phần của điện ảnh, thậm chí không phải là thành phần không thể thiếu. Tôi đã xem vài phim mà tính văn học hầu như đặt vào hàng thứ yếu, nó còn không quan trọng bằng âm nhạc. Ðó là những phim chỉ một tâm trạng, một xao xuyến, một ám ảnh, thế thôi. Bối cảnh đóng vai trò là nhân vật, con người qua lại nói năng hoàn toàn không có nhiệm vụ mang vác tính văn học, nó thuần túy chỉ là những kí hiệu của ngôn ngữ điện ảnh. Xứ ta ngày nay đã bắt đầu làm quen với xem tranh không có tính văn học rồi, còn điện ảnh thì chưa. Loại trừ văn học với tư cách là nền móng ra khỏi điện ảnh, coi điện ảnh là một vương quốc độc lập thì còn quá xa lạ ở xứ ta. Ở cái nơi người ta còn nhầm điện ảnh với ti vi, giống Hà Tây bây giờ vẫn có người nhầm tôm với tép, Hội điện ảnh Việt Nam bao gồm các nhà ti vi và các nhà điện ảnh, thì điều chúng ta đang bàn vẫn là chuyện kì khôi. Tiện đây nói thêm, tập thơ Đàn của Dương Tường là để xem (chứ không phải đọc, có chữ ma nào mà đọc!) nhiều người không hiểu là cái gì. Bởi vì người ta chắc mẩm, thơ tất nhiên phải có tính văn học và phải được xây dựng bằng ngôn ngữ văn học. Ở đây Dương Tường làm thơ bằng ngôn ngữ hội họa và có thắp đuốc bảy ngày cũng chẳng mò ra tính văn học ở đâu. Thế là điên, là chập mạch rồi… Còn việc chuyển thể các tác phẩm văn học cho điện ảnh là chuyện khác. Với ai không biết, với tôi đơn giản chỉ là sự tiện lợi. Tôi chuyển một tác phẩm văn học ra điện ảnh không phải vì tính văn học của nó. Một khi tôi tìm thấy một tác phẩm văn học đậm đặc chất điện ảnh thì tôi lấy chuyển cho khỏe. Việc các nhà văn tham gia nhiều vào điện ảnh có lẽ vì sự quyến rũ của điện ảnh, hoặc là vì mưu sinh, đơn giản chỉ thế thôi.

talawas: Anh cũng từng nổi lên – xin lỗi anh, lại phải dùng từ này – như một trong những nhà văn đặc biệt của phong trào Đổi Mới. Trên bìa 4 bản dịch tiếng Pháp của cuốn Những mảnh đời đen trắng có những dòng so sánh anh với Borges và Kafka. Nhiều năm gần đây, nhà văn Nguyễn Quang Lập không xuất hiện với một tác phẩm mới có tiếng vang nữa...

NQL: Ðó là người ta quảng cáo bìa bốn cho vui chứ tôi làm sao sánh được với mấy ông đó. Ðến văn họ viết ra tôi còn không hiểu nữa là… Tôi không bỏ văn chương, thậm chí yêu nó hơn bao giờ hết. Sở dĩ tôi ngừng viết văn lâu ngày vì có nhiều lẽ. Ngày xưa mình điếc không sợ súng viết lăng nhăng thế, bây giờ khi sắp chết rồi lại vỡ ra rằng cái thứ mình viết ra thiên hạ đã bỏ qua từ tám hoánh. Tôi muốn viết một thứ mơi mới mà không biết viết thế nào. Ðọc Bùi Hoàng Vị, Nguyễn Bình Phương tôi cứ thèm được như họ. Thèm là thèm trẻ như họ, văn hóa như họ, quyết liệt như họ. Hơn nữa, tôi có một gia đình lớn mà tôi cần phải gánh vác. Hai mươi năm qua chưa khi nào tiếng gọi của đồng tiền ngưng réo bên tai tôi, cho tôi yên được một vài ba tháng, thế thì làm sao viết văn? Bảo Ninh, Trung Trung Ðỉnh mắng tôi: “Mày ngu lắm, mày tưởng viết mấy thứ báo biếc, kịch kiếc, phim phiếc mà có tiền à. Thời buổi đổi thay rồi, viết văn hay bây giờ không giàu thì cũng không nghèo đói đâu!” Tôi không ngu, tôi bán lúa non vì nếu không bán thì con tôi đói. Nói thế chứ tôi cũng đã viết xong một tiểu thuyết, gọi là Tình cát, đúng 450 trang, định đưa in thì cháy ổ cứng. Tôi dốt vi tính nên mới thế. Chán quá, định bụng bỏ quách văn chương thì Trung Trung Ðỉnh khích tôi: “Mày nói phét, mày không viết được cái gì, ngượng, nên ai hỏi thì bảo cháy ổ cứng, tao còn lạ gì!”. Tức khí tôi quyết chí viết lại, đến nay đã được trăm trang.

talawas: Tình cát có nhiệm vụ thực hiện mong ước viết khác đi so với trước của anh không? Anh có tin rằng một nhà văn có thể khác với chính mình, miễn là hắn có nhu cầu tự đổi mới? Và nói chung, anh có cho rằng những quan tâm hàng đầu của văn học thời Đổi Mới đã được giải quyết, Hậu Đổi Mới đòi một loại văn chương khác?

NQL: Nếu không khao khát viết khác đi thì tôi chẳng cạy cục viết nó làm gì. Có điều văn chương nó nghiệt lắm. Cái mình viết chơi, viết đùa thì lại thành, cái mình đắm đuối thì hỏng, khó nói trước lắm. Chẳng nhà văn nào không có nhu cầu đổi mới, hầu như đó là mong ước hàng ngày của họ, hôm nay muốn thật khác hôm qua. Tất nhiên đó phải là loại nhà văn biết văn là cái gì, thực lòng yêu nó và biết viết ra nó. Còn đám nhà văn giả cầy thì lại khác. Ðám này vui lắm, chỉ chăm chú giữ gìn hư danh và ra sức khai trương cật lực thứ hư danh mà bạn bè anh em thương tình thí cho. Ðổi mới đối với họ là viết thật dày và triển khai bìa bốn thế nào cho thật ấn tượng. Dạo này xứ ta không biết ở đâu ra cái Từ điển danh nhân thế giới -loại từ điển đánh trống ghi tên, nghe nói chỉ cần một ngàn đô là người ta sẵn sàng điền tên anh vào- mà lắm anh ra sách, chết sống cũng cố ghi lên bìa bốn một dòng thật oách: “Có tên trong Từ điển danh nhân thế giớI”. Sao mà khổ thế không biết! Tôi lại nói lạc đề rồi phải không?

talawas: Không sao, anh cứ tự nhiên.

NQL: Bây giờ trở lại câu chuyện nhu cầu tự đổi mới và đổi mới. Không phải nhà văn nào có nhu cầu đổi mới là đổi được ngay. Muốn đổi mới thì anh phải thực tài, nếu không anh sẽ chuyển từ cái cũ rích này sang cái cũ rích khác mà thôi. Mà tài là cái trời cho, trời không cho thì dù cố mấy cũng chịu. Thêm vào đó xã hội phải có thái độ tiếp nhận đúng đắn cái đổi mới kia. Anh có thể phê phán, có thể dè bỉu nhưng đừng vùi dập nó, cấm đoán nó. Cái mới thường không có trong kinh nghiệm của anh, anh dị ứng cũng là chuyện thường tình. Nhưng anh thừa biết có những cái mới hôm nay anh ghét cay ghét đắng, anh tởm đến buôn nôn lên được thì vài chục năm sau con cháu anh, và cả anh nữa nếu còn sống, lại háo hức đón nhận nó như một báu vật trời cho. Lá cỏ của Whitman là một ví dụ. Vậy thì anh sấn sổ quy chụp cấm đoán nó làm gì. Làm thế anh chỉ bị Hôm Nay nhếch mép cười thầm, quá lắm chỉ văng tục vài câu, còn Ngày Mai sẽ phỉ nhổ anh. Khi đó anh chết rồi anh chẳng biết đâu, nhưng con cháu anh vẫn còn sống nhăn ra đấy, chúng nó phải hứng một đống tủi hổ, liệu anh có sung sướng không? Ngay bây giờ tôi đã nhìn thấy một số bạn văn của mình phải cúi gầm mặt vì những thứ bố mẹ họ đã làm khi còn sống chứ chẳng nói đâu xa. Quy chụp, cấm đoán có thể làm cho anh được chút ít lợi lộc ngày hôm nay, nhưng ngày mai coi chừng anh sẽ bị lịch sử tùng xẻo. Anh ỉa vào cái mới hôm nay, nhất thời anh sướng cái lỗ đít nhưng coi chừng ngày mai anh sẽ bị người ta ỉa vào mặt anh đấy! Tôi thích nói tục thế mới đã.

talawas: Văn học đổi mới thường được đồng nhất với văn học nói sự thật...

NQL: Tôi nghĩ xứ ta cứ nói thật, không nói dối tức là đổi mới rồi. Ai viết được như thế thiên hạ phục lắm. Cho đến tận bây giờ đa số vẫn không đọc văn mà đọc vấn đề. Văn học cơ chế vẫn còn đang được chào đón, nhưng tôi nghĩ thứ đó bây giờ rõ ràng là đã lạc hậu. Ngày xưa, thời mới vào đổi mới, người ta háo hức viết thẳng viết thật, đả phá món cơ chế đã lỗi thời. Chính tôi vì hăng máu vịt nên mới viết Những mảnh đời đen trắng. Bây giờ tôi nghĩ, cơ chế không phải là việc của văn học, đó là việc của báo chí. Kể cả việc đả phá thứ đạo đức xã hội do cơ chế sinh ra, suy cho cùng cũng không phải việc của văn học. Dùng văn để viết về lũ tham ô tham nhũng thì cũng được đấy, hay là đằng khác nếu anh có tài. Có điều tôi vẫn cảm thấy hình như chúng ta đang sa vào cái cụ thể, cái riêng biệt, cái địa phương của xứ ta. Nhân loại nếu quan tâm đến những đề tài đó thì tìm trong các sách trinh thám, vụ án mà thôi. Ví von thế này thì sai bét nhưng tôi có cảm giác một thời ta bỏ bóng đá người, việc đó có thể có ích nhất thời, nhưng bây giờ thì nên thôi, nên nhè bóng mà đá. Thiên hạ đá bóng cả, mình cứ đá người thì chẳng ra làm sao. Văn học hình như sang trọng hơn cái chúng ta đã làm nhiều. Quả bóng của chúng ta là văn. Nó quí lắm, hay lắm. Nó thuộc về cả nhân loại chứ không riêng xứ ta. Ý tôi muốn nói bây giờ ta làm văn đi, đừng làm vấn đề nữa.

talawas: Anh muốn nói nên chấm dứt việc dùng văn học làm công cụ cải tạo xã hội? Vậy văn chương nên có vị trí gì trong xã hội Việt Nam hiện đại? Vì sao chúng ta cần đến nó? Vì sao nó vẫn được coi là địa hạt quan trọng đến mức phải có một Hội đồng lí luận phê bình văn học trực thuộc Trung ương Đảng CSVN?

NQL: Cái đó động đến thứ lí luận văn học đã được đóng đinh nửa thế kỉ nay rồi, tôi không đủ trình độ để nói cho ra nhẽ. Vả lại muốn nói cho ra nhẽ, để không ai bắt bẻ, phải cả một cuốn sách chứ dăm bảy câu không ăn thua. Tôi chỉ xin nói vài nhận thức vu vơ của mình thôi. Ngày bé, nghe anh tôi đọc ra rả „Dùng cán bút làm làm đòn xoay chế độ“, tôi cứ băn khoăn: cán bút có một mẩu, xã hội to thế xoay làm sao được nhỉ? Mon men đến hỏi thì anh tôi trợn mắt quát: “Ngu! Ra ngoài chơi!“ Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi nhưng không dám hỏi ai. Thời đó kẹt lắm, hỏi lăng nhăng sợ không khéo bị qui cho là xét lại, là phản động. Mãi khi ti toe viết văn mới thấy sướng cái lỗ rốn cái câu đó. Văn chương oai thế, oách thế. Bố mày có bút văn đây nè, bố mày xoay một cái thì bốc cám. Thỉnh thoảng cấp trên gọi lên khen ngợi mấy câu, động viên mấy câu: cố gắng! cố gắng! Tuyệt không có cấp trên nào gọi nhà văn bằng thằng, hết thảy đều gọi bằng đồng chí. Tết nhất gọi đến cho quà, hoặc gửi quà về tận nhà. Có vị còn đến nhà, đỗ xịch xe con trước ngõ, thiên hạ lác mắt. Thật vinh dự tự hào quá! Trong các hội, từ Hội Nuôi ong đến Hội Chữ thập Đỏ thì Hội Nhà văn là quan trọng nhất. Bằng chứng là các hội khác đại hội ở đâu thì tùy, chứ Hội Nhà văn nhất nhất cứ phải Hội trường Ba Đình mới oách. Có anh đi dự Ðại hội, cứ khư giữ lấy cái phù hiệu, vênh vênh vang vang dạo khắp phố phường, thật đã. Ðến khi già rồi, sắp chết rồi, lại băn khoăn cái câu hỏi thuở lên ba: Bút có xoay được không nhỉ? Có khi nó chẳng xoay được cái quái gì, chẳng qua người ta xoa đầu mình thế thôi chứ bút văn thì xoay được cái gì, nếu có thì là bút báo chứ đâu phải bút văn. Bút văn chẳng qua là công cụ để ghi chép tâm sự, nỗi niềm của mình, họa may kiếm được vài cái xuýt xoa chứ xoay làm sao được mà xoay. Văn chương đâu làm cái việc to tát thế. Thực ra mình có quan trọng gì đâu. Quan trọng là người dùng công cụ chứ đâu phải công cụ.

talawas: Vậy văn chương để… mua vui?

NQL: Đúng, để mua vui thiên hạ như cụ Nguyễn Du đã than, mấy trăm năm nay rốt lại chỉ có thế. Anh mua vui được thì anh quan trọng, anh được tặng quà, được khen ngợi, được gọi bằng đồng chí. Nhược bằng anh làm hỏng cuộc vui của người ta thì coi chừng, khi đó nghĩ xem anh có còn quan trọng nữa không? Người ta chẳng túm tóc lôi ra ngoài ngay tắp lự: „ Ngu! Ra ngoài chơi!“ Người ta còn cần đến anh là vì anh biết mua vui, thế thôi, chứ anh đừng có tưởng bở mà cao giọng góp ý này nọ. Ngày xưa các cụ nhà ta gặp chuyện đời cảm động thì viết ra vậy thôi. Các cụ làm văn chứ có định làm gì đâu. Gặp lúc người ta cần, người ta hô hoán lên, đẩy các cụ tít tận mây xanh. Rồi bảo lũ trẻ phải viết như các cụ. Muốn viết được như các cụ thời phải có quan điểm này, quan điểm nọ, phương pháp này, phương pháp nọ. Mệt quá trời. Thôi, đã đến lúc ta ra ngoài chơi văn với nhau, có chửi bới hằm hè thì cũng chỉ trong cuộc văn với nhau, có khi thế mà hay, biết đâu vì thế văn lại được bền hơn chăng? Tôi bây giờ mệt mỏi lắm rồi, xin không làm chiến sĩ nữa, tôi làm văn, thế thôi. Văn là văn, không có sắt thép xi măng gì sất, từ nay tôi nguyện làm thứ văn đó. Hay dở còn nhờ trời chứ tôi tuyệt không làm thứ văn khác, cả thứ văn mà Hội đồng Lí luận Phê bình ghét cay ghét đắng và thứ văn mà họ quan tâm khích lệ tôi đều không thiết.

talawas: Xin hỏi sang một điểm khác: Chưa bao giờ văn học đương đại thế giới được giới thiệu nhiều ở Việt Nam như trong khoảng thời gian một thập niên gần đây. Dường như các nhà văn Việt Nam ngày càng đánh mất độc giả vào tay những đồng nghiệp nước ngoài của mình, đặc biệt là đồng nghiệp Trung Quốc và Mĩ, cũng giống như việc điện ảnh Việt Nam đã thua điện ảnh Mĩ, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc trong trận đấu giành công chúng điện ảnh. Là biên tập viên tại Nhà xuất bản Kim Đồng, anh có thể chứng kiến cảnh thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam rơi vào tay truyện tranh Nhật Bản

NQL: Mình thua người ta vì người ta tài hơn mình, ấy là một nhẽ. Buồn lắm nhưng biết làm thế nào? Tài như ông Thiệp viết được một lúc rồi cũng tịt. Ông Bảo Ninh thì từ khi ra cuốn Nỗi buồn chiến tranh, gật gà gật gù mãi, hơn chục năm rồi vẫn không thấy cuốn nào mới. Ông Thiệp xoay sang viết tiểu thuyết. Cuốn Tuổi hai mươi yêu dấu mỏng lé, chưa in đã thấy tuyên bố rầm trời. Làm marketing thế cũng khá nhưng tôi nói thật, cuốn ấy dở quá là dở. Nghe nói Cục xuất bản không cấp giấy phép cho ông Thiệp. Nếu đúng thế thì Cục xuất bản làm sang cho Thiệp. Sách ấy mà ra thì ông Thiệp mất ối độc giả. Văn học lúc thịnh lúc suy là chuyện bình thường nhưng cứ thấy ta suy mãi mà không có cửa nào để hi vọng có ngày nó sẽ thịnh. Nghĩ thế mà buồn. Chúng ta mất dần độc giả vì chúng ta mất niềm tin nơi họ. Quanh năm chẳng thấy viết gì cho ra hồn lại cãi nhau như mổ bò. Chán lắm. Bên chính trị người ta biết bơm nhân vật nào mà họ cần. Bên văn thì trái lại, hễ anh nào vừa nhoi lên, không biết khiêm tốn kịp thời, trước sau cũng bị bôi tro trát trấu vào mặt. Lại thêm hễ có cuốn nào đọc đường được là đã nghe ồn, là có vấn đề rồi, trước sau không cấm cũng thu hồi. Cuốn Ði tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, tôi đọc cũng được, cũng được thôi chứ bảo hay thì tôi không chịu, một hôm ngồi nhậu với ông giám đốc xuất bản, ông nói: “Ðang méo mặt vì cuốn đó đây. Trên đòi thu hồi!” Tôi nghĩ mãi không ra vì sao cuốn đó lại thu hồi, có gì đâu mà thu hồi? Hỏi ông giám đốc, ông thở ra nói: “Tôi cũng có biết đâu, trên bảo thì mình phải chấp hành thôi.” Cuốn Chuyện kể năm hai ngàn cũng vậy, tập 1 chỉ thuần túy hồi kí nhưng tập 2 thì quá hay, đang sướng thì lại nghe cấm, thu hồi. Chán mớ đời. Thế thì kiếm đâu ra độc giả!

talawas: Trong khi tác phẩm văn học của nước ngoài được tự do hơn nhiều

NQL: Thế đấy! Cuốn Phong nhũ phì đồn của Mạc Ngôn thì Trung Quốc cho xuất bản ầm ầm. Nước ta cũng cho in ầm ầm, chẳng thấy ai thắc mắc gì. Nếu Mạc Ngôn mà ở xứ ta thì sách ấy đến mồng thất cũng đừng hòng đến tay độc giả. Ngay cái tên sách không thôi, người ta đã tát cho vỡ mặt. Nếu hỏi: nước ta có ai viết được như Mạc Ngôn không, tôi bảo có đấy. Không tin cứ làm như bác Trung Quốc, cũng là nước xã hội chủ nghĩa đấy thôi, ứng xử với Mạc Ngôn và sách của Mạc Ngôn, làm được như thế thì loại sách Phong nhũ phì đồn không phải không có, thậm chí có khi hay hơn. Trung Quốc mấy chục năm trước, văn học cũng trắng phau như ta bây giờ thôi, mười năm vừa rồi người ta đổi mới ầm ầm, đổi mới thứ thiệt, thế là sách người ta đổ bộ vào ta là lẽ đương nhiên. Văn hóa bao giờ chẳng chảy từ thế năng cao đến thế năng thấp. Tôi nhớ có lần Nguyễn Bình Phương đưa tôi đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết mới. Ðọc xong tôi bảo: “Không in được đâu, tao thách mày in ra được đấy. Muốn in được chỉ có một cách...” Nguyễn Bình Phương hỏi: “Cách gì?” Tôi bảo: “Mày ghi tên tác giả là A-lếch-xăng-đơ gì đó và ghi ‘Nguyễn Bình Phương dịch’ thì sách ra ngay tắp lự!” Nguyễn Bình Phương cười to bảo: “Ðắc sách! Ðắc sách!” Từ bấy đến nay gặp tôi, anh cứ tủm tỉm cười, chẳng hiểu anh có làm theo cách của tôi không mà cứ tủm tỉm thế không biết. Tôi biên tập cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, rút gọn lại cho các cháu đọc. Trong đó có bài: “Ðêm trăng vằng vặc/ vác cặc đi chơi...” Một bà già viết báo mắng cho: làm sách cho trẻ em mà thô tục thế à? Sở Văn hoá Thông tin TP. HCM gọi lên gọi xuống, bắt giải trình này nọ, mệt quá là mệt. Ðộc giả nước ta sướng lắm, phàm là sách Tây đều đọc được tuốt. Còn sách ta thì cẩn thận đấy, không phản động cũng đồi trụy, khéo không ngộ độc mà chết, đừng đọc, chúng tôi không cho chúng đến tay quí vị đâu, quí vị yên tâm. Trăm cái sự ấy dẫn đến việc Ta mất dần độc giả vào tay Tây, chỉ còn trọc lóc mỗi cái khẩu hiệu: “Giữ gìn bản sắc dân tộc” treo lên làm vì, thế thôi.

talawas: Anh có cho rằng tình trạng không thể nhoi lên được ấy cũng xuất phát từ không khí trật tự quen thuộc của làng xóm, tỉnh lẻ không? Trong một cái làng, ai vĩ đại đột xuất, vĩ đại ngoài kế hoạch, đều dễ bị lòi ra ngay như một kẻ gây rối, phá hỏng trật tự. Sở dĩ các nhà văn vĩ đại nước ngoài vào làng ta vẫn được tương đối yên ổn vì họ là khách, không tham gia vào hệ tôn ti trật tự đó, không phải cúi xuống cho thấp hơn ông lí trưởng… Làm cách nào để chúng ta thoát khỏi sợi dây trói vô hình của cái trật tự này?

NQL: Ngày xưa, thời Tố Hữu còn làm thơ và còn coi sóc trường văn thì cái câu: “Tố Hữu, con chim đầu đàn của làng thơ Việt Nam” mặc nhiên được coi là chân lí không cần phải bàn cãi. Tôi nhớ có người bình thơ Tố Hữu, cứ mỗi lần chuyển ý chuyển đoạn là đều lặp lại y xì câu đó trước khi nói hươu nói vượn. Tôi không hề coi thường hay dè bỉu thơ Tố Hữu. Nó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn đồng quê của tôi. Nhưng đội ông lên đầu mấy chục năm không biết chán thì thật đáng xấu hổ. Nếu đúng Tố Hữu luôn là con chim đầu đàn mấy chục năm liền thì thơ Việt Nam mấy chục năm liền giẫm chân tại chỗ ư? Vô lí! Một nền văn học phát triển phải như nước thủy triều chứ. Lớp sóng này đè lớp sóng kia. Có mỗi một cây cao bóng cả ngồi chọc ngóc giữa hồ phẳng lặng thì nền văn học ấy là nền văn học chết. Nói trắng ra, nó là cái gì chứ không phải là nền. Năm tám bảy, cụ Trần Dần nói: cần phải chôn Tiền chiến là ý nói không thể ăn theo các bậc Tiền chiến mãi được, cần phải làm khác đi. Ðến trẻ con chúng cũng hiểu như thế. Vậy mà cụ Trần Dần khốn khổ vì câu đó. A, mày định phủ nhận tiền nhân à? Mày là cái đéo gì, đồ Nhân văn-Giai phẩm phản phúc! Nay cũng vậy, mấy ông bạn trẻ của tôi đòi đổi gác này nọ là lập tức bị ăn đòn. Khổ, người ta đòi đổi gác chứ có đòi ăn trộm ăn cướp gì đâu. “Cũng là công việc cách màng giao cho” cả thôi mà. Chẳng qua cũng là chiến sĩ với nhau, tụi em muốn thể hiện tinh thần cách mạng thì nói thế thôi. Nếu các bác nói: chúng tao vào sống ra chết mới có được ngày nay, chúng mày hỗn láo dám đòi đổi. Ðổi là đổi thế nào, ra ngoài chơi! Dạ vâng, thì ra ngoài chơi! Ra ngoài chơi thì tốt quá. Các bác tưởng tụi em không có chỗ chơi chắc? Các bác nhầm to. Tôi nói thật, trong thế hệ chống Mỹ, người nào làm văn được, người nào thực sự có công với văn học cách mạng thì rất điềm đạm, ít khi nói năng gì. Chỉ mấy ông ba lăng nhăng, ngày xưa không biết đánh đấm có ra cái đếch gì không mà bây giờ hoắng huýt quá. Ai động đến thế hệ chống Mỹ của ông thì ông lồng lên như sói. Chẳng qua ông muốn bảo vệ ông thôi, ông nhân danh một thế hệ để bảo vệ cái thứ văn vứt đi của ông thôi. Văn chương nó nghiệt lắm các bác ơi, nếu nó là thứ đáng vứt đi thì các bác có bảo vệ đằng giời. Vài bài phê bình xào đi nấu lại, thế gọi là sống mãi ư? Các bác đừng lấy nê người này người nọ ra để bảo vệ thứ văn vứt đi của các bác nữa, nhục lắm. Phàm là nhà văn ai chẳng lo văn mình rồi có ngày bị người đời bỏ quên. Ðến như cụ Nguyễn Du còn lo ba trăm năm nữa chẳng còn ai nhớ cụ nữa là. Nhưng lo thì phải làm thế nào chứ không phải đi dìm kẻ khác, sổ toẹt kẻ khác, đặc biệt là lớp trẻ kế tiếp sau mình. Lũ trẻ bây giờ, hễ có anh lớp trước vỗ vai khen: “Chú mày khá lắm” thì phải biết đằng sau câu đó còn có câu: “Tuy vậy chú mày còn lâu mới bằng anh!” Ðừng có tưởng thật, đú lên tuyên bố lăng nhăng, vỡ mặt có ngày. Tôi lại nói lạc đề mất rồi?

talawas: Còn bây giờ, khi “chim đầu đàn” đã bay đi

NQL: Bây giờ chẳng có ai làm “chim đầu đàn” thì cũng mệt quá. Bất kì cuộc rượu nào cũng thấy các ông nhà văn phân định ông này số một, ông này số hai... Nói chơi vui thì được chứ nghiêm trọng nó quá thì buồn cười! Văn chương đâu phải con cá mớ tôm mà dễ dàng đo đếm thế. Phàm là nghệ thuật đều phải lụy vào thời gian. Ngày trước văn Nguyễn Công Hoan được coi là độc đắc, thiên hạ vồ lấy đọc, bàn tán xôn xao, trong khi Nam Cao ôm bản thảo đi rao bán chẳng ai mua. Bây giờ ai cũng thấy văn ông Nam Cao ăn đứt văn Nguyễn Công Hoan. Anh cứ viết đi, nếu anh có giọng riêng thì anh là một giá trị. Tất cả những giá trị văn chương đều bình đẳng. Chớ thấy ít ai nhắc đến anh mà buồn, cũng chớ thấy thiên hạ tôn mình lên làm số một mà vênh vang. Có ông được tôn làm số một đâu được chục năm, nay thấy không ai nhắc đến nữa, sốt ruột sợ người ta quên mình là số một bèn tự viết bài, kí tên người khác, nhắc với thiên hạ rằng mình vẫn là số một. Vô duyên! Anh về quê, thấy bà con mình ngồi tính xem “họ mình hơn họ chúng nó” những gì một cách rất nghiêm trọng thì anh bịt miệng cười thầm, nhưng ở phố anh cũng vậy thôi. Văn hóa làng nó đẻ ra mấy thứ mệt người mà tôi vừa nói. Bao giờ văn hóa thông thương, ta ra khỏi làng ta thì chắc chắn sẽ biết cái thứ lâu nay ta vẫn nghiêm trọng chỉ tổ để thiên hạ bịt miệng cười thầm. Khi đó ta mới thấy xấu hổ. Rồi tự khắc ta sẽ không còn mấy thứ mệt người đó nữa.

talawas: Anh có cho rằng, chẳng hạn mở cửa cho xuất bản tư nhân cũng là một hình thức thông thương văn hoá?

NQL: Nó đúng là một hình thức để thông thương văn hoá. Nhưng vẫn còn khó lắm. Luật xuất bản sắp ban hành có nhiều điểm rất tiến bộ. Nhưng tôi sợ đấy cũng chỉ là hình thức, khó lòng đi vào thực tiễn. Bởi vì chúng ta đã quá quen với luật bất thành văn mất rồi. Một khi luật mồm, luật telephon, luật rỉ tai vẫn tồn tại như một nhu cầu không thể thiếu đối với những người quản lí chợ văn thì văn bản dù hay ho đến mấy rốt cuộc cũng chỉ là thứ nói dzậy mà không phải dzậy.

talawas: Và câu hỏi cuối cùng: nếu nhà văn Việt Nam được phép ước một điều như trong truyện cổ tích, anh sẽ ước điều gì?

NQL: Ước gì mình viết được cái mình muốn viết, in được cái mình muốn in.

talawas: Xin cảm ơn anh Nguyễn Quang Lập.

Tháng 12.2004

© 2004 talawas