trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 6 / 6 bài
  1 - 6 / 6 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcGiải thưởng Bùi Giáng
11.10.2003
Lê Dã Thảo
Nhiệt liệt chào mừng cuộc vận động lập giải thưởng văn chương Bùi Giáng
 
Tình cờ tôi được đọc bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài về việc vận động lập giải thưởng văn chương Việt nam mang tên thi sĩ Bùi Giáng. Quả là một ý tưởng thức thời. Nó thức thời vì nhiều lẽ.

Lẽ thứ nhất, cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại đều đang có nhu cầu khẳng định bản sắc văn hoá trong cơn lốc hội nhập và hoà tan hiện nay. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi kết tinh cái nhu cầu khẳng định bản sắc ấy là thơ Bùi Giáng.

Lẽ thứ hai, ở bất kỳ đâu chúng ta cũng bảo tồn vững chắc "văn hoá làng" đậm đà truyền thống quê hương và tình tự dân tộc: coi trọng tình cảm hơn lý trí, coi trọng giai thoại hơn văn bản...

Lẽ thứ ba, những giá trị lâu bền của thơ Bùi Giáng cần được minh định. Có thể tóm tắt những giá trị ấy trong vài đặc tính tiêu biểu sau:

  1. Tính bình dân: Chỉ cần lướt qua trang web talawas gần đây cũng thấy, việc quy tụ đủ mặt anh tài trong một đám giỗ và những lời tưởng niệm ngây ngất đã nói lên tính đại chúng của thơ Bùi Giáng. Từ những bậc trưởng thượng trong xóm ngoài ngõ của ngôi làng văn chương Việt Nam cho đến đám trẻ nít chưa bao giờ đọc Bùi Giáng lấy một trang cũng đều biết tên tuổi của ông. Tính đại chúng của thơ ông hay của giai thoại về ông là điều không thể chối cãi. Còn hơn cả tính đại chúng, chúng ta phải nói đến tính bình dân. Trong tiếng Việt, chữ bình dân có một hàm nghĩa sâu xa hơn chữ đại chúng. Hy vọng rằng, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc sau khi viết tiểu luận: "Tính đại chúng: kẻ thù của văn học" sẽ cống hiến cho độc giả tiểu luận: "Tính bình dân: bạn thân của văn học".


  2. Tính bản vị: Nói đến thơ Bùi Giáng là nói đến khí hậu văn nghệ miền Nam Việt Nam trước 1975. Còn hơn cả nhạc Trịnh Công Sơn, thơ Bùi Giáng cô đặc phong khí văn nghệ của một xứ sở, một vùng đất. Người Việt xa xứ mang theo nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng về bản quán nhất là ngôn ngữ, văn hoá tới mức biến ký ức của mình thành những "hoá thạch". Nhạc Trịnh thì người miền Bắc cũng mê mà Tây, Nhật gì cũng không ít kẻ thích, vậy là không có tính bản vị cao. Chứ như thơ Bùi Giáng, nếu không có cái hồn, cái tuý của miền nẻo ấy, nơi chốn ấy thì khó mà cảm được hết những thứ được chở trên cánh chuồn chuồn, châu chấu của ông. Cũng nên nhắc rằng đó chính là nơi sản sinh ra loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc: cải lương.


  3. Tính bảo tàng: Không phải vì Bùi Giáng sử dụng thể thơ lục bát - là thể thơ lẽ ra đã được "đào sâu chôn chặt" kể từ sau Nguyễn Du nhưng rồi lại được nhiều thế hệ thi sĩ Việt gìn giữ như con ngươi của mắt mình và xiển dương nó tận Âu - Mỹ - mà thơ Bùi Giáng có tính bảo tàng. Thẩm mỹ Bùi Giáng, thi pháp Bùi Giáng cũng cực kỳ cổ kính và rất "bảo tàng". Rồi đây, các nhà nghiên cứu văn học quốc tế sẽ đổ xô tìm hiểu về thơ Bùi Giáng sau khi giải thưởng văn chương Việt Nam mang tên ông ra đời. Họ sẽ lập hẳn một môn học mới là lục bát học (lucbatology) tương tự như môn Ai Cập học ra đời sau khi các nhà khoa học châu Âu tìm ra hầm mộ của các pharaoh vậy!

Tóm lại, cuộc vận động lập một giải thưởng văn chương Việt Nam mang tên Bùi Giáng quả là hay mọi nhẽ! Tiếp sau giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu ở trong nước đến giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng ở hải ngoại, chúng ta đang được chứng kiến cuộc chạy tiếp sức kỳ vĩ mang tính biểu tượng rất cao của một nền văn hiến 4000 năm.

Tôi tin rằng cuộc vận động của nhà văn Phạm Thị Hoài sẽ thành công rực rỡ. Trong một tương lai gần, sẽ có những gương mặt văn nghệ xứng đáng được chọn lựa để trao giải Bùi Giáng, và nếu là một nhà thơ trẻ, chắc là anh ta hay chị ta sẽ "ngất xỉu" trong đêm chung kết vì trót vác trên vai 3 thập giá của thời hậu hiện đại: tính bình dân, tính bản vị và tính bảo tàng!

Quý hoá thay!
Sài Gòn 10/10/2003

© 2003 talawas