trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 6 / 6 bài
  1 - 6 / 6 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcGiải thưởng Bùi Giáng
11.10.2003
Xanh Mêlan
Giải Văn chương Bùi Giáng: Cái khó của lý tính
 
Có thể thấy Phạm Thị Hoài đã gặp khó thế nào khi viết bài "đề từ" cho giải Văn chương Bùi Giáng. Tất nhiên, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt, một nhà thơ được hậu thế thử tìm cách ghi nhận trước hết không vì những đóng góp chính trị, xã hội, vì thái độ yêu đời, lánh đời, ngán đời, ngạo đời..., hay vì những thứ khác tương tự, mà chỉ vì "chính nó, văn chương", mà còn bởi, sâu xa hơn, Phạm Thị Hoài, cũng như tất cả những đầu óc duy lý và hoài nghi của thời đại chúng ta đều sẽ gặp khó như vậy khi bắt buộc phải "thẩm định giá trị" của một nhà thơ như Bùi Giáng.

Thế mà mỗi giải thưởng đều cần một lý do cho nó. Đành rằng "văn học vị nhân sinh" đã trở nên lỗi thời, và việc cố tìm cách gán cho một sự nghiệp thơ những "giá trị nhân bản", "giá trị đạo đức" hay những thứ đại loại như vậy từ lâu đã là khiên cưỡng, thì việc tìm ra những giải pháp khác, một lối thoát về "chính nó, văn chương" chẳng hạn, xem ra cũng chẳng dễ gì. Với Bùi Giáng, "... ông chỉ sống đến cùng những mảnh đời mà chúng ta không dám sống, chỉ thâu tất cả những mâu thuẫn, bất hạnh, bất lực, mặc cảm, khát khao và thành tựu của không ai khác ngoài chính chúng ta vào một tụ điểm, những thứ không giới hạn ở một Miền Nam trước 75, chúng còn nguyên bây giờ, năm năm sau ngày ông mất." [1] , Phạm Thị Hoài đã thử thuyết phục chúng ta theo cách khác ấy. Thế nhưng chúng ta, những kẻ mắc bệnh hoài nghi trầm trọng, vẫn không khỏi thắc mắc: có thật thế không? Và chúng ta thấy rằng, hình như không phải thế. (Có điều, thực ra nó thế nào thì chúng ta cũng khó mà nói được).

Cũng vậy, bài viết của Nguyễn Hưng Quốc - một bằng chứng hùng hồn nữa cho việc người ta có thể thất bại thế nào khi cố gắng "đi hai chân" vào thế giới thơ của Bùi Giáng - tất nhiên, đã chẳng làm tôi thấy thông minh hơn chút nào trong việc cảm thơ của kẻ "dị nhân" này. Có lẽ không thật có duyên với Bùi Giáng, nên mãi cách đây 5 năm, thơ ông mới tìm đến tôi lần đầu, qua hộp e-mail, bài "Màu trời đó": "Màu trời đó bữa nay về trở lại / Một mùa xưa người nhớ chứ năm kia / Ngày chạm mắt dưới mùa xuân man dại / Dịp trùng lai em hẹn với tan lìa...". Lần ấy ngồi trước màn hình tôi đã thốt lên: "Mẹ kiếp!". Đó là một cảm giác mạnh, và bây giờ, 5 năm sau, cũng trước màn hình, thú thực là cảm nhận của tôi không hề được "nâng cấp" hơn, dù giữa chừng đã tìm đọc thêm nhiều về thơ và cuộc đời ông. Tạm thời tôi đành chấp nhận, là với những nhà thơ nhất định, kiến thức và kinh nghiệm chẳng giúp tôi nhiều trong việc "hiểu" họ tốt hơn. Bùi Giáng với tôi là như vậy. Ngay từ lần đầu tôi đã hiểu ông trực tiếp, hiểu ngay lập tức (có điều tôi chẳng bao giờ chấp nhận đó là cách duy nhất để khám phá ông, dù chưa tìm ra cách khác hiệu quả hơn). Ở điểm này, Bùi Giáng khác xa Nguyễn Du, và nói chung, về mọi mặt - ngoại trừ cái thể thơ lục bát mà hai người ưa dùng. Nguyễn Du là một cấu trúc bác học tráng lệ, và dù đọc ông từ năm mẫu giáo nhưng để "giải mã" ông, tôi cần nhiều công cụ, và vẫn tiếp tục cần thêm nữa. Chịu ảnh hưởng của ông nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy "gai gai" khi đọc ông. Tôi cho mình quyền bình tĩnh chiêm ngưỡng Nguyễn Du từ xa, rồi lại gần, bóc tách từng lớp một. Bùi Giáng ngược lại, là sự tan lìa thảm thiết. Thơ ông "nhập" ngay vào tôi như một con bọ (virus), và cơ chế tự vệ trong tôi đã phản kháng lại. Tôi không muốn bị tiêu diệt. Bởi vậy: phản kháng - thích nghi - tiếp nhận. Và tiếp tục phản kháng.

Trở lại Phạm Thị Hoài. Bùi Giáng là một con virus mạnh. Một con bọ xù xì (tất nhiên không phải con bọ của Kafka). "Vàng lẫn trong cám vẫn trọn vẹn vàng, nhưng một câu thơ sáng không nhất thiết càng rực rỡ giữa rừng câu mù mịt." Hẳn thế. Nhưng chúng ta hiểu rằng vấn đề ở đây không phải là "rừng câu mù mịt" mà là "mấy chục câu thơ sáng", vâng, và theo tôi: không hơn mười bài thơ sáng giữa nghìn bài thơ mù mịt. (Lại một điểm khác biệt lớn nữa với Nguyễn Du: không hơn mười câu, nếu không muốn nói là tuyệt không một câu mù mịt giữa hàng nghìn câu sáng.) Thế mà, không hơn mười bài thơ sáng ấy lại đáng kể. Và tôi thấy, con bọ xù xì ấy, kẻ dị nhân văn chương ấy quả là "điển hình" xuất sắc cho số phận của nền văn chương Việt Nam thế kỷ 20: vài điểm sáng giữa cánh rừng mù mịt. Thế là rốt cục, bài "đề từ" của Phạm Thị Hoài vẫn có một đoạn kết hợp lý:

"Không một số phận văn chương nào của cả thế kỉ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng. Không một sự nghiệp văn chương nào của cả thế kỉ ấy cần được thôi phận sự huyền thoại, để chỉ là chính nó, văn chương, hơn sự nghiệp của Bùi Giáng. Và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho văn học Việt nam đương đại."

dù thực lòng, tôi chẳng muốn ông, và các nhà thơ nói chung, là "biểu tượng chung cho văn học Việt Nam đương đại" một chút nào. Tất nhiên, nhà hoài nghi triệt để nhất rốt cục cũng phải đối diện với sự lựa chọn, mà tôi thì chưa đủ độ hiền minh để mãi lưỡng lự [2] , nên, theo đúng ngôn ngữ của thời đại, tôi nói Yes cho Giải Văn chương Bùi Giáng.


Hà Nội, 10.10.2003

© 2003 talawas


[1]Những đoạn trích trong bài này là của Phạm Thị Hoài trong bài Một giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng.
[2]Sự hiền minh của lưỡng lự: một ý lớn trong cuốn "Xác lập cơ sở cho đạo đức" của Francois Julien.