trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
1.1.2004
José Saramago
Nhân vật trở thành bậc thầy và tác giả thành người học nghề
Diễn từ Nobel 1998
Trần Tiễn Cao Đăng dịch và chú thích
 
Các diễn từ/diễn văn Nobel văn chương là những văn bản quan trọng, luôn được người quan tâm đến văn học đặc biệt theo dõi. Chúng tôi xin giới thiệu nhiều bản dịch khác nhau của cùng một diễn từ/diễn văn Nobel để độc giả và các dịch giả so sánh và tham khảo. Bài diễn từ/diễn văn năm 1998 của nhà văn Bồ Đào Nha Jose Saramago qua bản dịch của Phạm Văn đã được đăng trên talawas ngày 24.12.2003.
talawas
Người thông thái nhất tôi từng biết trong đời là một người không biết đọc cũng không biết viết. Ngày nào cũng vậy, lúc bốn giờ sáng, khi lời hứa hẹn một ngày mới vẫn còn nấn ná trên những cánh đồng nước Pháp xa xôi, ông trở dậy, dẫn đàn lợn sáu con ra bãi chăn; đàn lợn này, mắn đẻ và lớn nhanh như thổi, là kế sinh nhai của vợ chồng ông. Ông bà ngoại tôi sống nhờ vốn liếng ít ỏi này, nhờ đàn lợn con vừa dứt sữa là bán ngay cho những người hàng xóm trong làng Azinhaga, tỉnh Ribatejo. Tên ông là Jerúnimo Melrinho còn tên bà là Josefa Caizinha, cả hai đều mù chữ. Mùa đông, khi đêm lạnh đến nỗi bình nước để trong nhà cũng đông cứng lại, họ ra chuồng lợn, mang những con bé nhất trong bầy lợn con vào giường mình. Dưới tấm chăn thô, hơi ấm thân người giúp những con vật bé bỏng kia khỏi bị lạnh cóng và cứu sống chúng khi chúng đã cầm chắc cái chết. Mặc dù hai ông bà là những người tốt bụng, nhưng chẳng phải một tâm hồn từ bi bác ái đã mách bảo họ làm việc đó: điều họ quan tâm, hoàn toàn chẳng có gì đa cảm hay cường điệu khoa trương, [kỳ thực] chỉ là bảo vệ miếng bánh hàng ngày của họ, điều đó là tự nhiên đối với những ai, để duy trì cuộc sống, đã không học nghĩ nhiều hơn những gì cần trước mắt. Nhiều lần tôi giúp ông ngoại Jerúnimo trông nom đàn lợn, nhiều lần, tôi xới đất trong vườn rau bên nhà, tôi chẻ củi đun bếp, nhiều lần, tôi quay, quay mãi cái bánh xe sắt lớn khởi động máy bơm nước. Tôi bơm nước từ giếng làng và gánh về trên vai. Nhiều lần, một cách bí mật, lẩn tránh những người canh ruộng ngô, tôi đi với ông tôi, cũng vào sáng tinh mơ, trang bị cào, bao tải, dây thừng, để mót rạ làm ổ cho gia súc. Và đôi khi, những đêm hè nóng nực, sau bữa tối, ông ngoại thường bảo tôi: "José, tối nay ông cháu mình ra ngủ dưới cây vả nhé." Còn có hai cây vả khác nữa, nhưng cây vả ấy, chính vì nó là cây lớn nhất, chính vì nó là cây già nhất, và phi thời gian, chính nó, với mọi người trong nhà, là cây vả. Ðó ít nhiều là một kiểu hoán xưng [1] , một từ bác học mà mãi nhiều năm sau tôi mới gặp và biết nghĩa là gì...

Trong cõi im đêm, giữa những cành cây cao ngất, một vì sao xuất hiện với tôi rồi chậm rãi giấu mình sau một chiếc lá, trong khi, xoay cái nhìn sang hướng khác, tôi lại thấy, dâng lên trước mắt như một dòng sông êm đềm chảy qua bầu trời rỗng lặng, ánh ngời màu ngọc mắt mèo của dải Ngân hà, hay Ðường đến Santiago như người ta gọi ở làng tôi. Mãi vẫn không buồn ngủ, đêm lấp đầy những chuyện mà ông tôi kể mãi: những truyền thuyết, truyện kinh dị, những hồn ma bóng quế, những tình tiết dị thường, những cái chết thuở xa xưa, những trận hỗn chiến bằng gậy và đá, lời lẽ của cha ông chúng tôi, tiếng rì rầm của ký ức không mệt mỏi vừa làm tôi tỉnh như sáo vừa ru tôi một cách êm đềm. Tôi chẳng bao giờ biết liệu ông tôi có im lặng khi nhận thấy tôi đã ngủ hay ông vẫn tiếp tục kể, để trả lời cho trọn câu hỏi mà tôi không ngớt thốt ra chính những lúc ông dừng lại nửa chừng câu chuyện một cách đầy dụng ý: "Rồi sao nữa?" Co lẽ ông lặp lại những câu chuyện cho chính mình để không quên chúng, làm chúng phong phú hơn bằng cách thêm vào những chi tiết mới. Vào tuổi đó, và cũng như tất cả chúng ta một khi nào đó trong đời, chẳng cần phải nói, tôi tưởng tượng ông ngoại Jerúnimo của tôi là người nắm vững toàn bộ tri thức trên thế giới. Khi bình minh mới hé, tôi thức dậy bởi tiếng chim hót thì ông không còn ở đó, ông đã dẫn đàn lợn ra đồng, để cho tôi ngủ. Thế là tôi trở dậy, xếp chiếc chăn bằng vải thô, sau đó, chân trần - hồi ở làng, tôi luôn đi chân đất mãi đến năm mười bốn tuổi -, những cọng rơm vẫn còn vương trên tóc, tôi đi từ phía được gieo trồng của cánh đồng đến phía kia, nơi những chuồng lợn nằm kế bên nhà. Bà tôi, luôn luôn thức dậy trước ông tôi, đặt trước mặt tôi một bát lớn cà phê có nhúng bánh mì rồi hỏi tôi ngủ có ngon không. Nếu tôi bảo bà tôi đã thấy những cơn mơ dữ sinh ra từ những câu chuyện của ông tôi, bà luôn luôn trấn an: "Ðừng lo gì cả; trong mơ có gì là thực đâu". Lúc đó tôi nghĩ, mặc dù bà tôi là người rất thông thái, bà không thể vươn đến những tầm cao như ông tôi, người mà, nằm dưới bóng cây vả, với cháu ngoại José bên cạnh, có thể làm vũ trụ xoay vần chỉ bằng đôi lời nói. Chỉ nhiều năm sau, khi ông tôi đã lìa xa thế giới này và tôi đã thành người lớn, cuối cùng tôi mới nhận ra rằng chính ông tôi, rốt cuộc, cũng tin vào những giấc mơ. Có lẽ không có lý do nào khác để bà tôi, một tối nọ ngồi nơi cửa túp lều nơi giờ đây mình bà sống lẻ loi, ngắm những ngôi sao lớn nhất và nhỏ nhất trên đầu, bà nói những lời này: "Thế gian đẹp làm sao, thật đáng tiếc rằng ta phải chết." Bà không nói bà sợ chết, mà nói rằng thật đáng tiếc khi phải chết, dường như cả cuộc đời lao khổ làm việc không biết mệt của bà, chính trong khoảnh khắc hầu như là cuối cùng ấy, bà đang nhận ân sủng của một lời từ biệt tối cao, sự an ủi của cái đẹp vừa phát lộ. Bà ngồi nơi bậc cửa một căn nhà không như bất cứ căn nhà nào tôi có thể hình dung trên thế giới này, bởi sống trong đó là những con người có thể ngủ chung với những chú lợn sữa như thể chúng là con họ, những người cảm thấy hối tiếc phải lìa đời chỉ vì thế giới này quá đẹp; và ông ngoại Jerúnimo của tôi, người chăn lợn và kể chuyện, khi cảm thấy giờ lâm chung sắp đến, liền đi chào từ biệt những cây cối ngoài sân, từng cây một, ông ôm chúng và khóc vì biết sẽ không còn nhìn thấy chúng nữa. Nhiều năm sau, khi lần đầu tiên viết về ông ngoại Jerúnimo và bà ngoại Josefa (tôi chưa kể rằng theo nhiều người biết bà hồi bà còn trẻ, bà tôi đã từng là một phụ nữ có sắc đẹp phi thường), cuối cùng tôi ý thức rằng mình đang biến họ từ chỗ những người bình thường thành nhân vật văn học: có lẽ, đây là một cách để tôi không quên họ, vẽ đi vẽ lại khuôn mặt họ bằng cây bút chì từng làm đổi thay ký ức, tô thêm sắc màu và rót thêm ánh sáng vào bức tranh đơn điệu không chân trời của đời sống hàng ngày, dường như tôi đang tạo ra, trên chiếc bản đồ mấp mô của ký ức, cái thực tại siêu nhiên của một đất nước nơi người ta đã quyết tâm sống trọn đời mình. Cũng một tâm trạng đó, sau khi khơi dậy hình ảnh lôi cuốn và huyền bí của một người ông nào đó vốn là dân du mục Berber, lại dẫn tôi đến việc mô tả bằng những lời này một bức hình (dễ đến tám mươi năm về trước) trong đó bố mẹ tôi "cả hai người, đẹp đẽ, trẻ trung, đứng đối diện người chụp ảnh, gương mặt lộ vẻ nghiêm trang long trọng, có lẽ vì hoảng sợ trước cái máy ảnh, vào chính khoảnh khắc khi thấu kính sắp sửa tóm bắt cái hình ảnh họ không bao giờ còn có nữa, bởi vì ngày hôm sau sẽ là một ngày khác, không thể nào thay đổi được. Mẹ tôi tựa cùi chỏ tay phải lên một chiếc trụ cao, bàn tay phải khép vào người cầm một đóa hoa. Bố tôi choàng tay qua lưng mẹ tôi, bàn tay chai sần của ông lộ ra phía trên vai bà trông như chiếc cánh. Họ đứng, ngượng ngùng, trên một tấm thảm trang trí cành lá. Bức tranh làm nền phía sau cho thấy một công trình kiến trúc tân cổ điển rườm rà và lạc lõng. Và tôi kết thúc: "Sẽ đến ngày tôi kể lại tất cả những điều này. Chuyện ấy chẳng quan trọng gì trừ đối với tôi. Một người ông người Berber quê ở Bắc Phi, một người ông khác làm nghề chăn lợn, một người bà đẹp tuyệt trần; hai đấng sinh thành đẹp đẽ, trang nghiêm, một đóa hoa trong một bức hình - tôi có còn cần gia phả nào khác nữa? Và tôi có thể tựa vào cội cây nào tốt hơn thế nữa?" Tôi viết những lời này gần ba mươi năm trước, không nhằm mục đích nào khác ngoài tái lập và ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống của những con người đã sinh thành tôi và gần gũi nhất với bản thể tôi, chỉ nghĩ rằng không có gì khác cần phải giải thích cho mọi người để họ biết tôi từ đâu đến và những chất liệu nào đã tạo thành con người tôi, và tôi đã trở thành cái gì, từng bước từng bước một. Nhưng rốt cuộc tôi đã sai; sinh học không thể quyết định mọi thứ, và còn di truyền học, những con đường của nó hẳn phải rất huyền bí thì nó mới đi xa như thế... Cây gia phả của tôi (mong quý vị lượng thứ cho cách định danh hồ đồ mạo muội này, cái danh xưng nhỏ nhoi biết bao, lọt thỏm trong dòng nhựa sống tràn trề của nó); cây gia phả đó thiếu không chỉ một số cành mà những hội ngộ tuần tự giữa thời gian và cuộc sống đã khiến cho nảy bật từ thân chính, mà thiếu cả một người nào đó giúp cho những rễ của nó xuyên thấu những địa tầng sâu thẳm nhất, một ai đó có thể minh chứng cho sự nhất quán và hương vị những trái quả của nó, một ai đó khai triển và tăng cường chóp cao của nó để cho chim muông có chỗ nghỉ chân làm tổ. Khi vẽ chân dung cha mẹ và ông bà tôi bằng nước sơn của văn chương, biến họ từ những con người bình thường bằng xương bằng thịt thành nhân vật, những người xây mới cuộc đời tôi bằng những cách khác nhau, tôi đã, dù không tự biết, vạch ra con đường mà các nhân vật tôi sẽ sáng tạo sau này - những nhân vật khác, những nhân vật thật sự văn học - sẽ dựng xây và mang lại cho tôi những vật liệu và công cụ mà cuối cùng, dù tốt hay xấu, trong cái đủ và cái thiếu, trong cái lời và cái lỗ, trong tất cả những gì hiếm hoi cũng như trong tất cả những gì thừa thãi, sẽ làm nên từ tôi con người mà ngày nay tôi nhận là chính bản thân tôi: kẻ sáng tạo những nhân vật đó, nhưng đồng thời cũng là sáng tạo của các nhân vật đó. Trong một nghĩa nào đó, thậm chí có thể nói rằng, chữ này qua chữ khác, từ này qua từ khác, trang này qua trang khác, cuốn sách này sau cuốn sách kia, tôi đã liên tục cấy vào con người mà tôi đã từng là những nhân vật tôi sáng tạo. Tôi tin rằng, không có những nhân vật đó, tôi sẽ không là con người như tôi ngày nay; không có họ, có thể đời tôi đã chẳng thể thành một cái gì đó khác hơn là một phác đồ không chính xác, một lời hứa mà như bao lời hứa khác vẫn chỉ là lời suông, sự hiện hữu của ai kia lẽ ra đã có thể tồn tại là nhưng rốt cuộc vẫn không sao tồn tại.

Giờ đây tôi có thể thấy rõ những người đã là thầy trong suốt cuộc đời tôi, những ai đã tận tụy hết lòng dạy tôi nỗi nhọc nhằn của đời sống, hàng tá những nhân vật từ các tiểu thuyết và kịch của tôi mà ngay lúc này tôi thấy đang diễu qua trước mắt tôi, những người đàn ông và đàn bà bằng giấy và mực, những người mà tôi đã từng tin mình đang dẫn dắt bởi chính tôi, người kể chuyện, đã chọn họ theo ý thích của mình, tuân theo ý chí của tôi như là tác giả, giống như những con búp bê mà hành vi của chúng không thể có tác động nào tới tôi hơn là sức nặng và độ căng của sợi dây tôi dùng để điều khiển chúng. Trong những người thầy đó, kẻ đầu tiên, không nghi ngờ gì nữa, là một họa sĩ vẽ chân dung tầm thường mà tôi chỉ gọi là H, nhân vật chính một câu chuyện mà tôi cảm thấy có thể gọi một cách rất hợp lý là sự khởi đầu kép (của chính anh ta, nhưng một cách nào đó cũng là tác giả) tựa đề là Sách giáo khoa hội họa và thư pháp, kẻ đã dạy tôi tính trung thực giản dị của việc thừa nhận và quan sát những hạn chế của chính tôi mà không phẫn nộ hay thất vọng: bởi tôi không thể và cũng không có kỳ vọng mạo hiểm xa hơn mảnh đất cày bé nhỏ của tôi, tất cả những gì tôi đã bỏ qua là khả năng đào xuống nữa, xuống những tầng sâu trong lòng đất, tìm đến cội rễ. Ðó là tham vọng của chính tôi nhưng cũng là của thế giới, nếu như tôi được phép có một tham vọng quá đà như vậy. Dĩ nhiên, tôi không có thẩm quyền lượng giá kết quả những nỗ lực của mình, nhưng hôm nay, tôi thấy thật hiển nhiên rằng mọi tác phẩm của tôi từ đó đều tuân theo mục đích đó và nguyên tắc đó.

Kế đó là những đàn ông và phụ nữ từ Alentejo, cũng là anh em với những kẻ bị bỏ rơi của thế giới này, mảnh đất chôn nhau của ông ngoại Jerúnimo va bà ngoại Josefa của tôi, những nông dân chân lấm tay bùn, phải vắt sức từ đôi tay trong những điều kiện làm việc chỉ có thể gọi là đáng hổ thẹn, để duy trì một cuộc sống hoàn toàn không thể sánh với cái mà những kẻ tự hào là có văn hóa và văn minh như chúng ta sẵn lòng gọi - tùy trường hợp - là một cuộc sống quý giá, linh thiêng hoặc thăng hoa. Những người bình thường tôi biết, bị phỉnh gạt bởi một Nhà thờ vừa là tòng phạm vừa là kẻ thủ lợi của quyền lực Nhà nước và quyền lực các điền chủ, những con người thường xuyên bị cảnh sát dòm ngó, những người quá nhiều lần là nạn nhân vô tội của một tòa án ngụy công lý. Ba thế hệ gia đình nông dân, những người Khí hậu xấu, từ đầu thế kỷ cho đến cuộc Cách mạng tháng tư năm 1974 dẫn đến sự lên ngôi chế độ độc tài, đã diễu qua cuốn tiểu thuyết này, được gọi là Ðứng lên từ đất, và chính với những người đàn ông đàn bà đứng lên từ đất đó - trước là những con người sống thực, sau là những nhân vật hư cấu - mà tôi đã học cách nhẫn nại, tin cậy và phó thác vào thời gian, chính cái thời gian cùng một lúc xây dựng và phá hủy chúng ta để lại một lần nữa dựng xây và phá hủy chúng ta. Ðiều duy nhất mà tôi không chắc mình đã thể nhập đầy đủ, đó là một cái gì mà nỗi khắc nghiệt của những trải nghiệm kia đã biến thành một đức tính trong những con người đó: một thái độ nghiệt ngã bẩm sinh đối với đời sống. Tuy nhiên, luôn canh cánh trong lòng rằng bài học sau hơn hai mươi năm vẫn vẹn nguyên không hề suy suyển trong ký ức tôi, rằng mỗi ngày tôi đều cảm thấy sự hiện diện của nó trong tinh thần tôi như một lời hiệu triệu không ngừng nghỉ: tôi đã không, hay ít nhất là chưa đánh mất niềm hy vọng mình sẽ xứng đáng hơn ít nhiều với sự vĩ đại của những tấm gương về phẩm giá [con người] ấy hiển lộ trước tôi trên những bình nguyên mênh mông của vùng Alentejo. Thời gian sẽ hậu xét.

Những bài học khác, có thể tôi đã nhận được từ một người Bồ đào nha sống vào thế kỷ mười sáu, người đã trước tác Rimas và những vinh quang, tai nạn đắm tàu và sự vỡ mộng dân tộc trong Lusiadas, một thiên tài tuyệt đối của thi ca, người vĩ đại nhất trong nền văn học nước tôi, dẫu nói vậy có làm buồn lòng Fernando Pessoa, người tự xưng là Siêu Camoes đến thế nào đi nữa. Không bài học nào thích hợp với tôi, không bài học nào tôi có thể học ngoại trừ bài học đơn giản nhất mà có thể chính Luis Vaz de Camoes đã cho tôi, trong tính nhân bản thuần khiết của ông, chẳng hạn, sự nhún mình kiêu hãnh của một tác giả đi gõ cửa từng nhà tìm ai đó sẵn lòng xuất bản cuốn sách ông đã viết, vì vậy mà hứng chịu sự khinh miệt của những kẻ không thèm biết, sự thờ ơ trịch thượng của một ông vua và đám quần thần hùng mạnh của ông ta, sự nhạo báng thường tình của thế nhân khi đón tiếp các nhà thơ, nhà tiên tri thấu thị và thằng ngốc. ít nhất một lần trong đời, mỗi tác giả đã từng hoặc sẽ trở thành Luis de Camoes, cho dù họ chưa hề viết bài thơ Subolos Rios. Giữa đám quý tộc, phán quan và giám sát quan của Tòa án Dị giáo, giữa lòng luyến thương quá khứ và nỗi vỡ mộng của tuổi già sớm đến, giữa nỗi đau khi viết và niềm vui khi đã viết, chính con người bệnh tật này, tay trắng trở về từ ấn độ nơi bao nhiêu kẻ dong buồm tới chỉ mong giàu có, chính người lính này, với một con mắt mù và vết chém trong tim, chính con người đó, không của cải, kẻ đã từng quyến rũ xiết bao, nhưng sẽ không bao giờ còn làm rung động con tim các quý bà trong đại sảnh hoàng cung, chính con người đó, tôi sẽ đặt lên sân khấu trong một vở kịch gọi là Ta sẽ làm gì với quyền sách này?, mà đoạn kết lặp lại một câu hỏi khác, câu hỏi duy nhất thật sự quan trọng, câu hỏi ta sẽ không bao giờ biết liệu có một câu trả lời đầy đủ hay không: "Mi sẽ làm gì với quyển sách này?" Cũng chính sự nhún mình kiêu hãnh đã cắp dưới tay ông một kiệt tác và bị khước từ bởi thế gian một cách bất công. Cũng nhún mình kiêu hãnh, và bướng bỉnh nữa - khi muốn biết chúng để làm gì, trong mai hậu, mục đích những cuốn sách ta đang viết hôm nay, và lập tức nghi ngờ liệu những sách đó có sống được lâu (bao lâu?) để biện minh cho những lý do xác đáng mà kẻ khác bày cho ta hoặc chính ta đinh ninh và chắc mẩm với ta. Không ai dễ bị gạt hơn kẻ cho phép kẻ khác phỉnh phờ mình.

Còn đây, một người đàn ông đã mất bàn tay trái trong chiến tranh, và một phụ nữ đến với thế gian này với một năng lực huyền bí có thể nhìn thấy những gì sau làn da người khác. Tên anh ta là Baltazar Mateus còn biệt danh là Bảy Mặt trời; tên chị ta là Blimunda và biệt danh là Bảy Mặt trăng, bởi vì sách viết rằng ở đâu có một mặt trời thì sẽ có một mặt trăng và chỉ có sự hiện hữu thống nhất hài hòa gĩữa cái này với cái kia, thông qua tình yêu, mới làm trái đất thành nơi cư trú được. Và cũng xuất hiện một thầy tu dòng Tên là Bartolomeu, kẻ sáng chế một chiếc máy có thể cất mình lên trời và bay mà không cần nhiên liệu nào khác ngoài ý chí con người, cái ý chí mà người ta nói có thể làm mọi thứ, cái ý chí đã không thể, hoặc không biết cách, hoặc mãi đến giờ vẫn không muốn làm mặt trời và mặt trăng của lòng tốt giản đơn hay thậm chí sự kính trọng còn giản đơn hơn nữa. Ba người Bồ đào nha khờ dại này từ thế kỷ mười tám, vào một thời và ở một xứ sở mà sự mê tín và ngọn lửa của Tòa án Dị giáo còn thống ngự nơi nơi, mà sự phù phiếm và hoang tưởng tự đại của một ông vua làm dựng lên một tu viện, một cung điện và một thánh đường sẽ làm sửng sốt thế giới bên ngoài, nếu thế giới đó, theo một giả định rất hồ đồ, có đủ mắt để nhìn thấy Bồ đào nha, con mắt như của Blimunda, nhìn thấu được những gì ẩn giấu. Còn đây cũng một đám đông hàng ngàn hàng ngàn người đàn ông với những bàn tay lấm bẩn và chai sạn, những tấm thân kiệt sức sau khi đã nâng từ năm này sang năm khác, hết tảng này tới tảng khác, những bức tường tu viện nghiệt ngã, những phòng cung điện nguy nga, những cột những trụ tường, những tháp chuông lộng gió, những vòm mái giáo đường treo trên không gian trống rỗng. Những âm thanh ta nghe là từ chiếc đàn clavico của Domenico Scarlatti, thế mà chính ông không biết mình sẽ nên cười hay nên khóc... Ðây là câu chuyện về Baltazar và Blimunda, một cuốn sách mà ở đó nhà văn tập sự, nhờ những gì được học từ lâu, từ thời ông ngoại Jerúnimo và bà ngoại Josefa còn sống, gắng gỏi viết ra vài lời tương tự không phải là không có ít chất thơ: "Bên cạnh những câu chuyện của phụ nữ, giấc mơ là cái giữ cho thế giới nằm trong quỹ đạo của nó. Nhưng cũng chính giấc mơ gia miện cho thế gian bằng những vầng trăng, chính vì vậy bầu trời trên đầu người mới huy hoàng đến thế, trừ phi chính đầu người là một bầu trời, duy nhất một bầu trời". Nghe cũng được.

Về thơ ca, cậu thiếu niên đã biết vài bài học từ những sách giáo khoa, trong thời gian theo học một trường kỹ thuật ở Lisbon để làm cái nghề sẽ khởi đầu cuộc đời lao lực của mình: thợ cơ khí. Cậu cũng có những bậc thầy thơ ca lớn, những khi ngồi trong thư viện công cộng suốt buổi chiều, mò trong danh mục, thấy gì đọc nấy, không được hướng dẫn, không ai nhủ khuyên, với nỗi kinh ngạc đầy sáng tạo của người thủy thủ phát hiện ra mỗi chốn mình khám phá. Nhưng chính tại Thư viện Trường Kỹ thuật đó, Năm Ricardo Reis từ trần đã được khai bút... ở đó, một ngày kia, chàng thợ cơ khí trẻ (lúc ấy khoảng mười bảy tuổi) tìm thấy một tạp chí có tựa đề Atena trong đó có những bài thơ được ký bằng cái tên đó, và, hoàn toàn tự nhiên, vốn hiểu biết rất lơ mơ về bản đồ văn học đất nước mình, anh ta nghĩ quả thật có một nhà thơ Bồ đào nha tên là Ricardo Reis. Tuy vậy, chẳng bao lâu anh biết được nhà thơ đó thật ra là một Fernando Nogueira Pessoa, người ký dưới tác phẩm của mình bằng cái tên của những nhà thơ không có thật, sinh ra từ trí óc mình. ông gọi đó là những heteronym [2] , một từ không có trong từ điển vào thời đó, chính vì vậy vô cùng khó hiểu đối với chàng thợ học việc mới tập tành chữ nghĩa kia. Anh học thuộc lòng nhiều bài thơ của Ricardo Reis ("Muốn vĩ đại, hãy là nhất thể / Hãy đặt mình vào những gì nhỏ nhặt mi làm") (To be great, be one/Put yourself in little things you do"), nhưng, mặc dù còn trẻ và dốt nát, anh không thể chấp nhận một đầu óc siêu việt lại có thể thai nghén mà không ân hận một câu độc ác như "Minh triết thay, kẻ hài lòng với cảnh tượng của thế gian". Về sau, lâu lắm về sau, chàng thợ học việc đó, giờ tóc đã hoa râm và minh triết thêm chút ít trong sự minh triết của riêng mình, đã dám viết một cuốn tiểu thuyết để trình bày với nhà thơ tác giả những bài Tụng ca kia cảnh tượng của thế gian vào năm 1936, trong đó anh ta buộc nhà thơ lâm cảnh màn trời chiếu đất trong những ngày cuối đời: cuộc xâm lăng Rhineland của quân đội quốc xã, chiến tranh của Franco chống nước Cộng hòa Tây ban nha, nền quân phiệt phát xít dựng nên bởi một tay độc tài Salazar. Ðó chính là cách anh nói với nhà thơ: "Ðây cảnh tượng của thế gian, thưa nhà thơ của tôi, nhà thơ của sự đắng cay thanh thản và nỗi hoài nghi lịch lãm. Hãy thưởng lãm đi, nhìn đi, bởi [ngài] an vị trong cái minh triết của ngài..."
Năm Ricardo Reis từ trần kết thúc với những lời u uất: "ở đây, nơi biển chấm dứt và đất liền đón đợi..." Thế là sẽ chẳng có phát minh nào nữa bởi nước Bồ đào nha, cái xứ sở sinh ra là để đợi chờ vô tận những tương lai thậm chí không thể hình dung tới; chỉ là cái fado [3] thường tình, cũng cái saudade [4] cũ rích và chẳng nhiều nhặn gì hơn nữa... Khi đó người thợ học nghề bèn tưởng tượng rằng vẫn còn một cách đưa những con tàu ra lại biển khơi, chẳng hạn bằng cách dời đất liền rồi thả trôi ra biển. Một trái quả trực tiếp của lòng phẫn nộ Bồ đào nha trước sự trịch thượng thâm căn cố đế của châu âu (nói chính xác hơn là trái quả lòng phẫn nộ của chính tôi...) là cuốn tiểu thuyết tôi viết ra vào lúc đó - Chiếc bè đá - cắt rời toàn bộ bán đảo Iberia khỏi lục địa, biến nó thành một hòn đảo khổng lồ tự di chuyển lấy, không chèo, không buồm, không chân vịt, hướng về phương Nam, "một khối đất đá vĩ đại phủ đầy những thành phố, làng mạc, sông ngòi, rừng rú, nhà máy và bụi rậm, đất cày, với người và thú vật" trên đường đến một vùng đất Không tưởng mới: sự gặp gỡ văn hóa của những dân tộc Bán đảo với những dân tộc ở bên kia Ðại tây dương, qua đó phủ định - chiến lược của tôi đi xa thế đấy - sự cai trị nghẹt thở được thực thi ở xứ sở này bởi Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Một nhãn quan hai lần Không tưởng sẽ thấy câu chuyện hư cấu chính trị này như một ẩn dụ hào phóng và nhân bản hơn nhiều: rằng châu âu, toàn bộ châu âu, cần di chuyển về phía Nam để giúp cân bằng thế giới, để đền bù cho những lạm dụng thuộc địa của nó trước kia và ngày nay. Nghĩa là, châu âu rốt cuộc như là một quy chiếu đạo đức. Các nhân vật trong Chiếc bè đá - hai phụ nữ, ba đàn ông và một con chó - tiếp tục chu du khắp Bán đảo trong khi Bán đảo cày sóng vượt đại dương. Thế giới đang thay đổi và họ biết họ cần phải tìm trong chính họ những con người mới mà họ sẽ trở thành (chưa kể đến con chó, nó không như những con chó khác...). Chùng ấy là đủ cho họ.
Thế rồi người thợ học nghề nhớ lại rằng vào một thời xa xưa trong đời mình đã làm nghề sửa bản in ở nhà in và, nếu có thể nói rằng trong Chiếc bè đá anh ta đã sửa tương lai, giờ đây hẳn không phải là một việc tồi nếu sửa quá khứ, bằng cách tạo ra một cuốn tiểu thuyết gọi là Lịch sử cuộc phong tỏa Lisboa, trong đó một người sửa bản in, khi kiểm tra một cuốn sách có cùng tựa đề nhưng thật sự là một cuốn sách lịch sử và mệt phờ vì phải thấy "Lịch sử" ngày càng ít khả năng gây ngạc nhiên, liền quyết định thay chữ "có" bằng chữ "không", qua đó lật đổ quyền lực của "sự thật lịch sử". Raimundo Silva, người sửa bản in, là một người giản dị, bình thường, chỉ khác với đám đông ở niềm tin rằng mọi sự vật đều có khía cạnh nhìn thấy được và khía cạnh vô hình của chúng và ta sẽ không biết gì về chúng chừng nào chưa tìm cách nhìn thấy được cả hai. ông nói về điều đó với nhà sử học như sau: "Tôi phải nhắc Ngài rằng những người sửa bản in là những người nghiêm túc, giàu kinh nghiệm văn chương và cuộc đời, Ðừng quên rằng cuốn sách của tôi nói về lịch sử. Tuy nhiên, bởi tôi không có ý định chỉ ra những mâu thuẫn khác, theo ý kiến khiêm nhường mạo muội của tôi, thưa Ngài, tất cả những gì không phải văn chương đều là đời sống, Lịch sử cũng thế, Ðặc biệt là lịch sử, không có ý định xúc phạm ai, Và hội họa và âm nhạc, âm nhạc đã phản kháng ngay từ mới ra đời, nó đến rồi đi, cố giải phóng mình khỏi từ ngữ, tôi đồ rằng bởi ghen tị, chỉ để nạp mình vào phút chót, Và hội họa, Tốt lắm, hội họa chẳng gì hơn là văn chương đạt được nhờ cây cọ vẽ, tôi tin Ngài đã không quên rằng nhân loại bắt đầu biết vẽ từ lâu trước khi biết viết, Ngài có biết câu tục ngữ "Nếu bạn không có chó, hãy đi săn với mèo", nói cách khác, kẻ nào không biết viết tất sẽ vẽ, dường như y là đứa trẻ con, Ngài đang định nói gì, nói cách khác, là văn chương đã tồn tại từ trước khi nó chào đời, Vâng, thưa Ngài, cũng như con người, xét theo một cách nào đó, đã tồn tại từ trước khi hắn bước vào cõi thế, Tôi sửng sốt rằng Ngài đã bỏ qua định hướng nghề nghiệp của Ngài, lẽ ra Ngài nên trở thành một triết gia, hay một sử gia, Ngài có năng khiếu và khí chất cần thiết cho những nghề đó, tôi không được đào tạo đến nơi đến chốn, thưa Ngài, và một người bình thường có thể đạt được gì nếu không được đào tạo, tôi quá may mắn đã đến thế giới này với bộ gen đâu ra đấy, chỉ có điều dưới dạng thô, tạm gọi là thế, sau đó thì chẳng học hành gì hơn ngoài trường phổ thông sơ đẳng, Ngài có thể đã trình diện trước công chúng như một người tự dạy mình, sản phẩm những nỗ lực cá nhân xứng đáng của chính mình, chẳng có gì phải hổ thẹn, xã hội trong quá khứ lấy làm tự hào về những bậc tự huấn, Hết rồi, sự tiến bộ đã đến và đặt dấu chấm hết cho tất cả điều đó, giờ đây thiên hạ không hài lòng với những người tự dạy mình, chỉ những ai viết thơ và truyện ngắn giải trí mớí có quyền và vẫn tiếp tục là những người tự huấn, may cho họ, nhưng với tôi, tôi phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ có chút tài năng sáng tạo văn chương, Hãy làm một triết gia, anh bạn, Ngài có óc khôi hài sắc sảo, Thưa Ngài, với một khiếu châm biếm độc đáo, và tôi tự hỏi làm sao Ngài lại có thể hiến mình cho lịch sử, một ngành khoa học nghiêm túc và sâu xa như thế, tôi chỉ châm biếm trong đời thực thôi, Tôi luôn luôn sửng sốt rằng lịch sử không phải là đời thực, văn chương, phải, và không gì khác, Nhưng lịch sử đã là đời thực vào cái thời nó chưa thể gọi là lịch sử, Vì vậy thưa Ngài, Ngài tin rằng lịch sử là đời thực, Dĩ nhiên, tôi tin, tôi muốn nói rằng Lịch sử đã là đời thực, Không nghi ngờ gì nữa, Ðiều gì sẽ xảy ra với chúng ta nếu như không có nghề in, người sửa bản in thở dài." Thật vô ích nếu nói thêm rằng người thợ học nghề đã học được, với Raimundo Silva, bài học về sự hoài nghi. Ðó là bài học về thời gian.

Có lẽ, chính sự học về cái hoài nghi này đã khiến người thợ học nghề viết được đến cùng Sách phúc âm theo Chúa Jesu Christ. Thực ra, tựa đề sách là kết quả của một ảo ảnh quang học, chính tác giả nói thế, nhưng tốt hơn nên hỏi liệu đó có phải chính là ví dụ thanh thản về người sửa bản in, kẻ đã không ngừng chuẩn bị cho nền tảng mà từ đó cuốn tiểu thuyết mới sẽ tuôn trào ra không. Lần này không phải là chuyện nhìn vào phía sau những trang Tân ước để tìm kiếm những phản đề, mà là rọi chiếu bề mặt của chúng, giống như bề mặt một bức tranh, với một ánh sáng mờ để nêu bật lên những chỗ nhô cao [5] , chỗ giao nhau của những con đường, bóng tối của những nơi lõm xuống. Ðó là cách người thợ học nghề, giờ đây với những nhân vật từ trong Kinh thánh vây quanh, như thể lần đầu tiên đọc những lời miêu tả việc thảm sát những người vô tội, và sau khi đã đọc thì không thể hiểu. Anh ta không thể hiểu vì sao đã có những đấng tuẫn đạo trong một tôn giáo mà đã phải đợi thêm ba mươi năm mới được nghe người sáng lập nói lời đầu tiên về nó, anh ta không thể hiểu vì sao kẻ duy nhất đã có thể làm vậy lại không dám cứu sinh mạng những đứa trẻ thành Bethlehem, anh ta không thể hiểu làm sao Joseph có thể thiếu một cảm giác tối thiểu về trách nhiệm, về ăn năn, về tội lỗi, hay thậm chí tò mò, sau khi trở về cùng với gia đình từ Ai cập. Thậm chí không thể biện minh rằng đó là do những đứa trẻ thành Bethlehem cần phải chết để cứu sinh mạng chúa Jesus: vẫn còn đó cái lẽ thường giản đơn, vốn dĩ cao hơn mọi thứ thuộc về con người cũng như thần thánh, để nhắc chúng ta rằng Thượng đế sẽ không gửi Con của Người xuống Trần gian, nhất là với sứ mạng chuộc tội cho nhân loại nếu như khi mới lên hai Con của Người sẽ bị chặt đầu tuổi bởi một tên lính quèn của vua Herod. Trong kinh Phúc âm đó, được viết bởi người thợ học nghề với lòng kính trọng lớn lao bởi vì bi kịch lớn lao, Joseph sẽ biết tội của mình, sẽ chấp nhận sự ăn năn như là hình phạt cho tội lỗi mình đã phạm và sẽ được mang đi chết mà hầu như không kháng cự, dường như đó là việc cuối cùng ông còn phải làm để thanh toán xong nợ với thế gian. Do đó, Phúc âm của người thợ học nghề không phải là thêm một truyền thuyết răn dạy về những kẻ được ban phước lành và các thánh thần, mà là câu chuyện về một nhúm người trần phải đương đầu với một quyền lực mà họ chống lại nhưng không thể thắng. Jesus, người sẽ thừa hưởng đôi dép lầm bụi đất mà cha chàng đã dùng để đi qua biết bao nhiêu con đường xứ sở, cũng sẽ thừa hưởng cái cảm giác bi thảm về trách nhiệm và tội lỗi sẽ chẳng bao giờ rời bỏ chàng, ngay cả khi chàng cất cao giọng từ trên thánh giá: "Hỡi loài người, hãy tha thứ cho Ngài bởi Ngài không biết việc Ngài làm," ấy là chàng nói về Thượng đế, kẻ đã đưa chàng lên thánh giá, nhưng có lẽ cũng về người cha thật, kẻ đã tạo nên chàng như một con người bằng xương bằng thịt, nếu trong con đau đớn cuối cùng chàng còn nhớ. Như quý vị thấy, người thợ học nghề đã đi một hành trình dài khi trong cuốn Phúc âm dị giáo của mình anh ta viết những lời cuối của cuộc đối thoại trong đền giữa Jesus và người thư lại: "Tội lỗi là một con sói ăn thịt con mình sau khi đã ăn tươi nuốt sống cha của nó, Con sói mà ngài nói đã ăn tươi nuốt sống cha tôi, Rồi chẳng bao lâu sẽ đến lượt ngài, Còn ngài, ngài đã bao giờ bị ăn tươi nuốt sống chưa, Không chỉ ăn tươi nuốt sống, mà còn nôn ra".

Giá như Hoàng đế Charlemagne không lập ra một tu viện ở miền Bắc Ðức, giá như tu viện đó không phải là nguồn gốc của thành phố Munster, giá như Munster đã không muốn kỷ niệm một ngàn hai trăm năm sinh nhật của mình bằng một vở opera về cuộc chiến tranh đáng sợ vào thế kỷ mười sáu giữa người Tin lành với người Công giáo, người thợ học nghề hẳn đã không viết được vở kịch In Nomine Dei (tiếng la tinh trong nguyên bản: Nhân danh Chúa). Một lần nữa, chẳng có gì trợ giúp ngoài ánh sáng nhỏ nhoi của lý trí mình, người thợ học nghề phải xuyên suốt vào cái mê cung tăm tối của những niềm tin tôn giáo, những niềm tin quá dễ làm người ta trở thành kẻ giết người và nạn nhân của kẻ giết người. Và những gì anh ta thấy là, một lần nữa, cái mặt nạ ghê tởm của sự bất khoan dung, một sự bất khoan dung mà ở Munster đã trở thành cực điểm điên khùng cuồng dại, một sự bất khoan dung làm sỉ nhục chính cái sự nghiệp mà cả hai bên tuyên bố rằng mình bảo vệ. Bởi đó không phải chuyện chiến tranh giữa hai vị Chúa trời kình địch nhau, mà là chiến tranh nhân danh cùng một Chúa trời. Mù quáng bởi niềm tin của chính mình, những kẻ Tin lành và những người Công giáo ở Munster không có khả năng hiểu chứng cứ hiển nhiên nhất trong mọi chứng cứ: vào Ngày Phán xét, khi cả hai bên sẽ trình diện để nhận phần thưởng phạt xứng với những việc họ đã làm trên thế gian, Chúa trời - nếu những quyết định của Ngài bị chi phối bởi một cái gì giống như lôgic của con người - sẽ phải chấp nhận tất cả bọn họ vào nước Thiên đàng vì một lẽ giản đơn rằng tất cả bọn họ đều tin vào đó. Cuộc thảm sát khủng khiếp ở Munster dạy cho người thợ học nghề rằng các tôn giáo, mặc tất cả những gì chúng hứa hẹn, đã chưa bao giờ được dùng để giải tỏa bất hòa giữa những con người, và vô lý nhất trong mọi cuộc chiến tranh là cuộc chiến tranh tôn giáo, bởi vì Chúa trời không thể, cho dẫu Ngài có muốn, tuyên chiến với chính mình... Mù. Người thợ học nghề nghĩ, "chúng ta thảy đều mù", thế là anh ngồi xuống viết Mù lòa để nhắc nhở những ai còn có thể đọc rằng chúng ta đang xuyên tạc lý trí khi ta hạ nhục đời sống, rằng phẩm giá con người đang ngày một bị xúc phạm vì những kẻ mạnh của thế giới chúng ta, rằng lời nói dối phổ quát đã thay cho đa bội những sự thật, rằng con người đã thôi kính trọng chính mình một khi đã đánh mất lòng kính trọng đồng loại. Sau đó người thợ học nghề, dường như để tìm cách xua đuổi những con quái vật sinh ra bởi sự mù lòa của lý trí, bắt đầu viết câu chuyện giản dị nhất trong mọi câu chuyện: một người đi tìm một người khác, bởi hắn đã nhận ra rằng cuộc sống chẳng có việc gì quan trọng hơn để đòi hỏi từ một con người. Cuốn sách gọi là Tất cả những Cái tên. Dù không được viết, tên tất cả chúng ta thảy nằm ở đó. Tên những người sống và tên những người đã chết. Tôi kết luận. Cái giọng nói đã đọc những trang này muốn là tiếng vang của giọng các nhân vật của tôi hợp lại. Tôi không có nhiều giọng hơn những giọng mà họ có. Hãy tha thứ cho tôi, nếu những gì dường như ít ỏi với quý vị lại là tất cả với tôi.

© 2004 talawas


[1]Hoán xưng (antonomasia) là cách dùng một cụm định ngữ để thay cho một tên riêng, chẳng hạn "người gác cổng Thiên đàng" để chỉ Chúa trời, hoặc dùng tên riêng để chỉ một tính chất đi kèm với cái tên riêng đó, chẳng hạn Sở Khanh, Juda, vv...
[2]Heteronym: là những từ có tự dạng giống nhau nhưng có nghĩa khác nhau khi phát âm khác nhau. Chẳng hạn, trong tiếng Anh, LEAD, khi đọc là [li:d] có nghĩa là dẫn dắt, còn nếu đọc [led] thì có nghĩa là chì.
[3]Fado: Một thể loại dân ca nổi tiếng Bồ đào nha, đệm bằng đàn ghita.
[4]Saudade: là tên gọi một kiểu hát, đồng thời cũng dùng như một danh từ chung trong tiếng Bồ đào nha để gọi một tình cảm "hoài nhớ về quá khứ", một chủ đề thường gặp trong các bài hát Fado.
[5]Ở đây có sự chơi chữ không dịch được: relief vừa có nghĩa là những chỗ nổi cao lên khỏi một mặt phẳng, vừa có nghĩa là sự giải khuây, cứu giúp; crossing vừa có nghĩa là giao lộ vừa có nghĩa là cử chỉ làm dấu thánh giá; depression vừa có nghĩa là chỗ lún, chỗ lõm sâu, vừa có nghĩa là sự ưu phiền, trầm cảm.

Nguồn: dịch theo bản tiếng Anh của Tim Crosfield và Fernando Rodrigues: www.nobel.se/literature/laureates/1998/lecture-e.html