trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
23.2.2005
Hà Tam Anh
Xin đừng trách Khổng giáo và giá trị Á châu
 
Tôi chỉ làm việc ở Seoul hai tuần nhưng được chứng kiến đến 5 cuộc biểu tình! Cứ 2, 3 ngày lại có một cuộc biểu tình. Họ chống đủ thứ: chống nhập cảng gạo từ Tàu, chống Bắc Hàn, chống Nhật. Khi chánh phủ làm luật thi lấy bằng buôn bán địa ốc khó quá, họ cũng chống. Đòi thi lại!

Nam Hàn là một nước nặng tinh thần Khổng giáo. Họ lại có niềm tự hào dân tộc khá mạnh, và rất gắn bó với gia đình. Đây là ba yếu tố được các nhà xã hội học gộp chung lại và đặt cho một cái tên khá kêu: “Giá trị Á châu” - một giá trị thường được dẫn chứng rằng không thích hợp cho sự phát triển của nền dân chủ, tự do.

Những quốc gia được (hay là bị?) ảnh hưởng của Giá trị Á châu phải kể tới là: Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Nam Hàn, Bắc Hàn, và Nhật. Trong số 7 nước này thì Nhật, Nam Hàn, và Đài Loan được kể là có dân chủ, trong lúc Bắc Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, và Singapore thì bị liệt kê là độc tài. [1] Như vậy, với tỉ số 3/7, chúng ta có thể kết luận gì về sự tương quan giữa “Giá trị Á châu”, Khổng giáo và nền tự do dân chủ?

Giáo Sư Samuel Huntington trong bài “Xung đột của các nền văn hóa và sự tái lập trật tự thế giới” tuyên bố rằng: “Truyền thống của Khổng giáo, vì nó đặt nặng uy quyền, trật tự, lề lớp, và quyền lợi của số đông trên số ít, thường tạo nhiều cản trở cho tiến trình dân chủ hóa.” [2]

Ông Lý Quang Diệu cũng dùng lý luận này khi du thuyết khắp nơi. Ông cho rằng nền dân chủ Tây phương sẽ làm cho nền kinh tế trì trệ và tạo bất ổn chính trị tại Á châu. Vì vậy, Á châu phải có một nền dân chủ riêng của nó – một nền dân chủ giới hạn, cứng rắn hơn của Tây Âu. Hay nói một cách khác, ông đề nghị thay dân chủ “cứng” bằng độc tài “mềm”. Thật ra thì ông Lý Quang Diệu chỉ dùng Giá trị Á châu để làm một cái cớ chống lại sự xâm lấn của nền văn hóa Tây phương mà thôi. Chả vậy mà có lần ông đã phạm freudian slip khi cãi rằng: “Singapore không phải là một tiểu bang xa của Mỹ”. [3] Ông đã không đưa ra được một bằng chứng nào cho giả thuyết Giá trị Á châu không thích hợp cho tự do, dân chủ cả.

Tuy không viết vào cuốn tự điển nào cái định nghĩa của “độc tài mềm”, ông Lý Quang Diệu cho rằng nền dân chủ Á châu phải dựa trên sự đồng lòng, nhất trí, và tin tưởng vào một chánh phủ “tốt”. Một chánh phủ “tốt” phải có đạo đức, biết lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, giữ gìn trật tự xã hội, và thuần phong, mỹ tục.

Đồng ý tất! Nhưng vấn đề ở đây là dân chủ Á châu nó khác dân chủ Tây Âu chỗ nào? Có thật là các Giá trị Á châu và Khổng giáo không thích hợp cho tự do dân chủ và dân quyền - bất kể Âu hay Á - không?

Truớc khi ta tìm câu trả lời, xin hảy khảo sát câu hỏi. Khi người ta đặt vấn đề là Giá trị Á châu và Khổng giáo có thích hợp với dân chủ, tự do, và dân quyền hay không thì họ đã đưa ra cái giả thuyết là Giá trị Á châu và Khổng giáo tự nó đã không có phần dân chủ, tự do rồi. Không lẽ dân Á châu lạc hậu vậy sao? Như vậy tại sao Nhật, Nam Hàn, Đài Loan (xin được gọi vắn tắt là “Tam Quốc Tự” [4] ) có tự do dân chủ. Không lẽ dân của 3 nước này tiến bộ hơn dân của 4 nước Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Singapore? (xin được gọi vắn tắt là “Tứ Quốc Độc”. [5] )

Chánh phủ “tốt” phải biết lo cho dân có cơm no, áo ấm ư? Không những “Tam Quốc Tự” đã thành các con hổ kinh tế, họ còn có một chánh phủ vững chắc được xây dựng trên nền dân chủ khá hoàn hảo với các cuộc bầu cử thường xuyên, pháp quyền rõ rệt, và xã hội dân sự phát triển mạnh.

Tuy vậy, nhìn một cách khách quan thì ít người có thể kết luận được là có một sự tương quan mật thiết giữa nền dân chủ tự do và sự phát triển kinh tế. Chúng ta cũng không thể nói rằng Trung Hoa phát triển kinh tế nhanh hơn Ấn Độ, Nga, và Jamaica nhờ chế độ độc tài. Cái bẫy dễ mắc ở đây là ta nhìn vào hiện tại để rút kết luận từ thành quả đạt được trong quá khứ.

Vì trong cái lý luận này đã có cái sai. Trung Hoa chỉ phát triển sau khi họ từ bỏ nền kinh tế tập trung. Không có gì xác minh rằng các chế độ độc tài, với sự đàn áp nhân quyền, có thể đem lại sự tiến triển kinh tế một cách lâu dài. Ta không nên chỉ dựa vào các thống kê trong một vài năm gần đây mà cần quan sát quá trình phát triển lâu dài của cả thế giới.

Thật vậy, công nghiệp tuy thường bắt đầu từ trong các xã hội có chế độ độc tài, nhưng rốt cuộc cũng phải đi song song với dân chủ nếu không muốn bị tắc nghẽn. Nga Sô và các nước cộng sản Đông Âu rồi cũng sụp đổ khi chịu không nổi sức ép của tự do. Trường hợp này đã xảy ra ở các nước như Nam Phi và Nam Dương. Vì vậy sự phát triển kinh tế của Trung Hoa và Việt Nam có tính cách tạm thời, chỉ có hiệu quả trong giai đoạn chuyển tiếp khi thay đổi chánh sách từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Nhờ chọn nền kinh tế thị trường của Tây Âu nên Singapore mới phát triển nhanh chóng. Với dân số chỉ hơn 4.3 triệu trên diện tích chưa đầy 700 km2, Singapore giống một thành phố lớn hơn là một quốc gia [6] . Vì vậy, cho dù rất muốn, các nước độc tài Á châu cũng dư biết rằng họ không thể áp dụng mô hình độc đảng của Singapore trên nước mình.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện tại, Singapore sẽ phải tiếp tục đương đầu với các luồng sóng tự do thông tin và không thể không chọn tự do dân chủ nếu muốn tiếp tục cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.

Như vậy thì yếu tố nào có lợi cho nền phát triển kinh tế lâu dài?

Qua các nghiên cứu, các kinh tế gia đã đi đến một quan sát chung là muốn tiếp tục cho kinh tế phát triển cần phải có cạnh tranh tự do, phải chú trọng vào thị trường quốc tế, và nền dân trí phải được nâng cao.

Những yếu tố này tuyệt đối không đi ngược lại các đặc tính của tự do dân chủ. Nó lại càng không có liên quan gì đến Giá trị Á châu và tinh thần Khổng giáo.

Hay là Khổng giáo có nhiều tính chất độc đoán hơn các nền văn hóa khác? Khổng giáo có quá khắt khe so với Cơ Đốc giáo hoặc Hồi giáo không?

Có lẽ câu hỏi thích hợp hơn là: những điều kiện, yếu tố thích hợp cho tự do dân chủ có thiếu trong tinh thần Khổng giáo không? Có thật là lý tưởng tự do và nhân quyền trong một xã hội khoan dung là ý niệm Tây Âu và, vì một lý do gì đó, rất xa lạ với Khổng giáo không?

Tuy câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” thường được nghe trong các truyện Tàu, Khổng giáo không xem thường và bắt dân đen phải tuyệt đối trung thành với vua. Ngược lại Khổng giáo từ xưa đã đặt ý dân trên tất cả - “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”- “Ý dân là ý Trời"…

Không những vậy, Khổng giáo lại có một yếu tố rất thuận lợi cho nền dân chủ. Khổng giáo chú trọng việc học (Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương). Học vấn là yếu tố quan trọng để nâng cao dân trí, và tạo thêm thành phần trí thức. Tuy dân trí ít được nêu ra như một điều kiện cho sự phát triển dân chủ, học vấn giúp người dân thêm sự hiểu biết để tham gia các cuộc thảo luận chánh trị. Vả lại, chỉ khi người dân không phải lo chạy cơm hàng ngày, họ mới có được thời giờ (và sức lực) để đòi hỏi thêm quyền tự trị. Thành phần trí thức này giúp tạo nên nên một xã hội dân sự cần thiết cho nền dân chủ, tự do.

Các nước trong “Tứ Quốc Độc” không phải là không biết vấn đề then chốt đó. Vì vậy họ lúng túng, không biết làm sao phát triển dân trí để theo kịp kinh tế mà vẫn giữ được quyền độc đảng. Một mặt thì họ cho lớp trẻ đi “tu nghiệp”, một mặt thì họ dựng “tường lửa” để phòng “cháy tư tưởng Đảng và nhà nước.”

Hồ Chí Minh nói: “Khó trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần, dân liệu cũng xong". Nhưng Đảng Cộng sản đặt mình trên cả dân vì họ cho là họ “anh minh, sáng suốt” hơn dân. Họ bảo rằng dân không biết rõ, chỉ có Đảng mới biết rõ. Vì vậy “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng chỉ có Đảng Cộng sản và nhà nước lãnh đạo là có quyền tối hậu quyết định mọi vấn đề. Chỉ có Đảng mới lo được cho toàn dân ấm no, chỉ có Đảng mới giữ gìn được tôn ti, trật tự. Chỉ có Đảng mới bảo đảm được quyền lợi chung cho toàn dân.

Bà Aung San Suu Kyi một lần đã đặt câu hỏi mỉa mai: “Hay là dân tôi thiếu khả năng tiếp nhận nền dân chủ; và vì vậy, cần phải trải qua một thời gian bất hạn định trước khi thật sự có tự do dân chủ?” [7]

Vậy có phải Khổng giáo và Giá trị Á châu đã làm dân tôi ngu đần không?

Đầu Xuân Ất Dậu

© 2005 talawas



[1]Reporters Without Borders, web site http://www.rsf.org/article.php3?id_article=11715
[2]Sammuel P. Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (New York: Touchstone, 1996)
[3]Amartya Sen, Human Rights and Asian Values: What Lee Kuan Yew and Le Peng don't understand about Asia.
[4]Tam Quốc Tự = 3 nước tự do.
[5]Tứ Quốc Độc = 4 nước độc tài
[6]CIA factbook, http://www.cia.gov/cia/publications/factbook/geos/sn.html
[7]Aung San Suu Kyi, Transcending the Clash of Cultures