trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
18.5.2005
Nguyễn Xuân Quang
Để học sinh học… dốt môn văn
 
Các trang mạng Việt Nam và một số tờ báo mới đây đã đăng nguyên văn bài viết của em nữ sinh Nguyễn Phi Thanh tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005. “Bài văn đã được nhiều HS và thầy cô giáo chuyền tay nhau đọc, bình luận. Rất nhiều HS tán đồng với ý kiến này. Còn các thầy cô giáo thì dè dặt hơn. Có người bảo rằng phải cho 20 điểm mới xứng đáng, có người khẳng định bài văn chỉ đáng điểm 0. Còn thực tế, người chấm đã cho bài văn này 3/15 điểm với lý do: Viết lạc đề” (Báo Lao Động).
Nhân đây tôi xin gởi đến quí báo bài viết này.


*


Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30-8-2003 có bài viết “Học sinh giỏi văn mới là chuyện lạ!” của TS Nguyễn Thị Hồng Nam. Trong bài này, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam có dẫn ra một chuyện rằng các nhà sư phạm hàng đầu của Việt Nam đã mỉa mai gọi trại những quyển sách tham khảo mang cái tên chung “Để học tốt môn văn” thành “Để học dốt môn văn”. Bài viết này xin phép lấy câu đó làm tựa vì nó cũng phù hợp với nội dung mà tôi muốn trình bày.


Giữa trang sách học đường và thực tế cuộc sống

Nếu phải định nghĩa văn là gì và văn chương là gì thì hẳn sẽ có nhiều quan điểm, lập luận khác nhau, đôi khi khác nhau đến gay gắt. Ngay cả bây giờ vẫn còn hai “trường phái” khác nhau về cách dùng từ “văn học” hay “văn chương”: một “trường phái” cho rằng dùng từ “văn học” để chỉ nền văn chương là không đúng vì nếu hiểu đúng nghĩa thì “văn học” là “khoa học nghiên cứu về văn”; “trường phái” kia thì vẫn giữ quan điểm “văn học” và “văn chương” là một, chỉ khác cách gọi về mặt từ ngữ mà thôi. Nhưng chữ “văn”, vốn là một từ Hán Việt, có thể được hiểu một cách đơn giản nhất và dễ chấp nhận nhất là mỹ, là những giá trị đẹp. Như vậy, cùng với một số bộ môn khác như nhạc, họa, giáo dục công dân,… môn văn phải là môn học dạy cho học sinh cảm nhận được, nhìn ra được, ứng dụng được, phát huy được và có thể sống theo những giá trị đẹp được tiếp thu từ trang sách giáo khoa để thực tập ngay khi vừa bước ra khỏi lớp, khỏi cổng nhà trường. Cái đẹp mà học sinh cảm nhận, tiếp thu từ môn văn phải là cái đẹp mang tính tính thẩm mỹ, tính nhân đạo, nhân văn cao, đủ để giúp học sinh hóa giải và không bị ngộp, không bị sốc khi phải ngày ngày chạm mặt với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống đa dạng, phức tạp, muôn màu muôn vẻ.

Môn văn trong nhà trường dường như chưa làm được điều đó. Nó chưa đủ “mạnh” để giúp học sinh có đủ bản lĩnh tối thiểu cần thiết khi phải lý giải những vấn đề nhức nhối, những hiện tượng không tốt, không đẹp trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, những hiện tượng mà tiếc thay lại nhan nhản ngoài xã hội, từ trong nhà ra ngoài phố. Môn văn trong nhà trường giảng dạy về một cái đẹp độc lập trong sách vở, trên trang giấy và còn xa lạ với cuộc sống thực tế diễn ra sôi động hàng ngày hàng giờ bên ngoài cổng trường. Nói chung, môn văn trong nhà trường chưa bám sát thực tế cuộc sống. Có thể ví nó với một cuộc “tổng diễn tập” của những nàng hoa hậu hoàn vũ, trong khi cuộc sống là một cô gái hết sức bình thường.


Học văn không phải để trả bài và đi thi

Tôi nhớ ngày xưa khi tôi còn học lớp 8, lớp 9 (1974-1975) ở miền Nam, trong môn học văn thì học sinh bắt đầu có thêm phần thảo luận, biện luận và thuyết trình.

Sau khi đọc một đoạn văn trích giảng, học sinh phải tìm đọc quyển tiểu thuyết hay quyển sách mà đoạn trích giảng đã được lấy từ đó đưa vào sách giáo khoa. Sau khi tự đọc, học sinh được phân theo từng nhóm cùng làm việc để tự tóm tắt nội dung, phân tích tác phẩm theo từng chương, đoạn, nắm bắt cái hồn của tác phẩm. Sau đó nhóm sẽ phân công nhau để thu thập tư liệu về tiểu sử, cuộc sống, sự nghiệp của tác giả cũng như thời điểm mà tác giả viết nên tác phẩm ấy, có tham khảo thêm bối cảnh lịch sử, xã hội khi tác phẩm ra đời. Trên cơ sở đó nhóm học sinh bắt đầu phân tích toàn bộ tác phẩm theo chính cảm nhận, quan điểm của riêng mình và đặt ra những vấn đề do quyển tiểu thuyết hay quyển sách gợi ra, đặt ra, soi chiếu nó với thực thế của sống. Đến giờ thuyết trình thì từng hai nhóm sẽ cùng lên diễn thuyết. Mỗi nhóm sẽ trình bày lại nội dung tác phẩm, kể về tiểu sử, thân thế, cuộc sống, sự nghiệp của tác giả theo những tư liệu mới nhất do chính mình tự tìm kiếm, thu thập (có nêu rõ nguồn gốc tư liệu). Sau đó một hoặc từng thành viên trong nhóm nêu lên cảm nhận, quan điểm độc lập của mình khi đọc xong tác phẩm đó, có quyền đánh giá tác phẩm từ góc độ nhìn nhận theo quan điểm của chính mình. Học sinh còn có thể bác bỏ hoàn toàn hoặc một phần quan điểm hay cách nhìn nhận vấn đề đã được tác giả thể hiện trong tác phẩm mà (theo nhận xét chủ quan của mình) học sinh cho rằng vô lý, phi thực tế, quá cực đoan hay quá tiêu cực, ủy mị hay bi quan yếm thế, cường điệu quá đáng hoặc không mang hơi thở của cuộc sống.

Sau khi cả hai nhóm cùng diễn thuyết trước toàn thể thầy, cô và các bạn thì sẽ đến phần tranh biện giữa hai nhóm và giữa hai nhóm với toàn thể các bạn cùng lớp (nhiều khi học sinh lớp khác cũng có thể cùng tham dự).

Cách học văn như thế giúp cho học sinh nhận ra mình hoàn toàn là người tiếp thu một cách tích cực, chủ động, sáng tạo. Hơn thế nữa nó góp phần xây dựng cho học sinh bản lĩnh tối thiểu cần thiết khi bước ra khỏi cổng nhà trường. Cách học văn như thế góp phần xây dựng, hình thành nhân cách cho một công dân tương lai của nước nhà. Và nhờ cách học văn như thế mà giờ học văn đã trở thành một hoạt động tích cực, một hình thức thực tập thâm nhập và khám phá cuộc sống hết sức sinh động, không nhàm chán.

Tôi không cho rằng cách học văn thời chúng tôi là duy nhất khoa học, duy nhất đúng nhưng đó là một cách học tích cực giúp cho học sinh có ý thức chủ động rất cao. Tôi dẫn ra cách học ấy như một tham khảo mang tính đối chiếu để liên hệ với cách dạy và học môn văn quá thụ động hiện nay trong nhà trường: Học văn chỉ cốt để trả bài và đi thi!

Với cách dạy và học môn văn như bao lâu nay, với chương trình văn đã và đang được giảng dạy mang tính nhồi nhét như đã và đang diễn ra hàng chục năm qua thì, nói như TS Nguyễn Thị Hồng Nam, “Học sinh giỏi văn mới là chuyện lạ!”. Và nếu tình trạng này vẫn kéo dài như nó vốn đã kéo dài quá lâu thì không khéo chúng ta đang dạy cho học sinh cái kỹ năng làm thế nào để… học dốt môn văn!

© 2005 talawas