trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
13.6.2005
Phạm Toàn
Đâu rồi sự tinh tế?
 
(Bài viết này nguyên được gửi đến tạp chí Tia Sáng (Hà Nội), tiếc rằng tạp chí Tia Sáng phải từ chối vì lý do Ban Tư tưởng-Văn hoá đã có thông báo ngừng đăng tất cả các bài về sự kiện bài văn lạ của em học sinh Phi Thanh trên báo chí trong nước.)

Em Nguyễn Phi Thanh năm 2005 “ra tuyên ngôn” về chuyện học văn (may quá, em chưa hạch sang các môn khác). Và ta hãy nhớ lại đi, để thấy em Phi Thanh không phải là người tiên phong. Đúng dịp đầu năm học mới 2002-2003 từng có bản “tuyên ngôn” khác của em Chu Thuỳ Anh sinh viên năm thứ hai khoa Vật lý ĐHQG Hà Nội với bài “Chúng em yêu văn học nhưng chúng em chán học văn” in trên báo Văn nghệ trẻ.

Lẽ ra ngay từ dạo ấy, một nền báo chí lành mạnh phải có sứ mệnh tổ chức cho xã hội lên tiếng và tìm giải pháp. Chí ít cũng bắt buộc người lớn hãy nghĩ cho chín trước khi dùng tiền dự án để cải cách việc dạy Văn cho học sinh phổ thông. Nhưng mọi chuyện khi ấy đã chìm đi.

Rồi cái bình nước sôi bị bịt tưởng đã kín bỗng bật cái nút Nguyễn Phi Thanh. Ồn ào ầm ĩ đến nỗi cả những người nghề nghiệp không rõ ràng la cà ở các hàng nước cũng thông tỏ và còn tán rằng em Phi Thanh ngủ gật không làm được bài. Những người khác lại “lập luận” rằng bài văn của cô bé này chẳng có gì là “chuyên văn” hết, một bài như thế mình làm cứ gọi là bay! Điều rõ ràng là giáo giới cùng với giới phụ huynh tâm trạng đang hoang mang. Càng hoang mang khi một vài gương mặt lớn, được chờ đợi sẽ xuất hiện với cái roi, bỗng lại tỏ ra mềm mỏng với em bé lớp 11 xinh xẻo và gương mặt trên báo chí có vẻ thông minh nhưng mà hiền. Các vị này tịnh không nói trong vụ việc này người lớn có sai lầm gì và các vị sai lầm ở chỗ nào.


*


Người lớn cần bình tĩnh tìm nguyên nhân vì đâu văn chương nước ta hay thế mà trẻ em lại không thích học.

Một người bạn đồng hành của sự phát đạt nghệ thuật là tính tinh tế. Tinh tế trong cuộc sống hàng ngày. Tinh tế trong gia đình, tinh tế trong xã hội. Tinh tế trong tình bạn, trong tình yêu, tinh tế trong cả những hành vi dung tục đời thường. Tiếc thay cái tinh tế dường như đang biến dần đi khỏi cuộc sống. Và điều đó chẳng phải là mới xảy ra hôm nay, mà dai dẳng từ lâu rồi.

Vào những năm 50 thế kỷ trước, Liên Xô và Mỹ cùng phóng vệ tinh nhân tạo của trái đất, dư luận được nuôi dưỡng khi đó là “vệ tinh Liên Xô nặng cả tấn, Mỹ chỉ có vệ tinh quả bưởi”. Khắp nơi, trên mọi diễn đàn, chỗ nào cũng thấy xưng tụng số lượng. Hợp tác xã thu hoạch nhiều hơn cá thể bao nhiêu tấn. Nhà máy quốc doanh mỏ than quốc doanh bãi muối quốc doanh rừng cây quốc doanh đem lại thành tích bao nhiêu vạn triệu tấn. Đến cả việc thảo luận với nhau cũng dùng vũ khí hạng nặng, là sự chụp mũ. Không có sự thảo luận với những lập luận tinh tế với những dẫn chứng sắc sảo, mà chỉ có một cái dùi đục in chữ “có vấn đề”. Bị coi là “có vấn đề” cả trong từng chuyện vẻ như vô thưởng vô phạt nhất. Đi xem đá bóng mà hoan hô quân ta quá nhiều sẽ bị coi là có vấn đề tư tưởng, không thấy rằng trận đấu không có bên thua không có bên thắng, chỉ có tình đoàn kết thắng! Giầu thông tin nhất là nghe lỏm và nói lại, “trận này đã chỉ đạo thua 2-3” hoặc “trận này đã chỉ đạo thắng 3-2”. Đó là mối quan hệ trong “phe ta”. Còn với phe bên kia thì rất khác. Một người bạn rất thân của tôi tâm sự rằng anh bị bắt gặp đọc cuốn tiểu thuyết chống Mỹ cực kỳ tinh tế của Norman Mailer Vì sao chúng tôi có mặt ở Việt Nam? (Why are we in Vietnam?), và anh phải trả lời mấy bữa liên tiếp “vì sao đang đánh Mỹ mà lại đọc sách biện bạch cho Mỹ?”.

Ta hãy tưởng tượng những giáo viên Văn được đào tạo và rèn luyện trong cái môi trường dạy Toán học Văn ăn Thể dục như thế. Học văn thời đó “nhàn” hơn học Toán, vì chỉ cần một cung cách tư duy 12 chữ vàng ta thắng địch thua cả nước được mùa thế giới ủng hộ. Khi ra trường thì dạy Toán “nhàn” hơn, nhưng không có nghĩa là dạy Văn vất vả hơn. Ngoài cái quyền “giảng văn” liên chi hồ điệp, giáo viên văn thường còn là giáo viên chủ nhiệm mà chỉ một lời phê là đủ làm cho một cuộc đời siêu bạt. Song bao nhiêu năm qua mà không nảy nòi ra một Chu Thuỳ Anh hoặc một Nguyễn Phi Thanh. Vì sao? Vì sự thiếu tinh tế đã thành nếp, chỉ một thiểu số là còn thấy ngạc nhiên. Chưa kể là giáo viên văn cũng vẫn rất Việt Nam trong tính cách – những con người đầy thiên lương – giả sử như có gây lầm lỗi thì cũng vô tư, hồn hậu, quá lắm chỉ như con gấu dùng hòn đá tảng đuổi ruồi hộ học sinh thân yêu của mình đang thiu thiu ngủ mà thôi.


*


Thế rồi Chiến thắng 30 Tháng Tư!

Ngay các bậc trí thức của miền Bắc được du ngoạn Sài Gòn giải phóng cũng nhào vào những đống sách dịch bán ngổn ngang trên các vỉa hè. Họ bắt đầu được đọc nhiều hơn và dễ dàng hơn những gì họ mong đợi. Trước đây chỉ vài ba người đọc dấm dúi Doctor Zhivago ở Thư viện trung ương mà hễ có ai đi ngang thì cứ phải khép nép che cái bìa ngoại đi. Sau giải phóng, Bác sĩ Jivagô công khai than thở với bạn đọc Việt Nam bằng tiếng Việt rằng “đời đã không còn âm nhạc hay, không còn tranh đẹp nữa, và cửa nhà nào cũng hai ba lần khoá chẳng còn ai tin ai”. Sách triết học thì đầy rẫy. Đến độ từng có cái mốt, hễ đã là trí thức thì phải nói đến Thiền, phải ca ngợi Suzuki, nhất là phải tỏ ra mình đêm đêm suy ngẫm chuyện tâm linh (đêm thôi, ban ngày còn đi ăn thịt chó). Sách Tử vi bói toán ùn ùn từ phía Nam ra đã thành cần câu rượu cho không ít người nhàn rỗi, mà nhàn nhất xã hội là giáo sư và nghệ sĩ. Những con người vốn quen chân thành cam chịu sự thô kệch nay bị nhồi sọ và bắt đầu cảm thấy mình thuộc về phe những người thua bên thất trận về văn hoá. Người ta khuân về những sản phẩm tiêu dùng chi chít chữ đó cùng với sản phẩm tiêu dùng khác nữa. Những thùng loa được mở to hết cỡ cho thoả sự thiếu tinh tế kinh niên. Những mốt áo quần, những mốt tóc tai, những cung cách chuốc rượu chăm phần chăm dzôôô được tiếp nhận ngay tại nơi cần yên tĩnh nhất.

Công cuộc Giáo dục bắt đầu bộc lộ những sai lầm của con đường mòn cổ truyền song vẫn chưa có nổi một mô hình để so sánh cho xã hội thấy một cách trực quan cái gì mới hơn sẽ phải thay thế cái cũ hơn. Chưa kể là con người đang còn mải mê say sưa với những chuyện khác “hiện sinh” hơn so với chuyện Giáo dục, mấy ai nhìn thấu trăm năm ngàn năm sau. Chỉ có duy nhất một người xin gặp cấp trên đề nghị dừng lại việc Cải cách Giáo dục 1979-1980. Lý do? Chuẩn bị không đúng. Chuẩn bị vội vàng. Hướng đi và Cách làm không rõ và không đúng một khi thời đại đã thay đổi và hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng con người duy nhất ấy rồi sẽ được dạy cho bài học duy nhất rằng ông là con người cô đơn, trong một không gian hình cầu chỉ có thể có những đường cong. Không nản chí, người đó khiêm tốn làm thực nghiệm giáo dục để tự mình điều chỉnh chính mình và nếu tạo ra được cách làm tốt hơn thì xã hội sẽ có lợi hơn.
Thế rồi có thời mở cửa và cởi trói cùng với các thiết chế thị trường.

Mọi chuyện rối như mớ bòng bong. Những thần tượng đổ sụp trong khi thần tượng mới lại chưa có. Ấy là chưa kể những giá trị cũ từng bị kết án một thời – những trò du hí của ông toàn quyền Yves Châtel chẳng hạn – bỗng trở lại làm mưa làm gió. Xã hội phân cực dần, có những người khôn lỏi lẳng lặng làm giầu trong khi rất nhiều con người khác cố tìm con đường sống tạm đủ đôi chút cho mình và vợ con cùng cha mẹ già. Những người làm giầu lẳng lặng lại rất ồn ào trong sự thiếu tinh tế trong văn hoá, nghệ thuật, và có tiền thì có quyền, họ cũng áp đặt được thị hiếu cho xã hội. Còn đông đảo những con người lam lũ cũng ghé mắt ghé tai thưởng thức ké những trò vui rất xa với sự tinh tế. Đã có tất cả, thời gian, tiền bạc, nhân lực, chỉ còn vắng bóng sự tinh tế.

Những con ma la-de loè loẹt trên bầu trời kết hợp với giọng biểu cảm phường tuồng cũng lấp chỗ trống được hết để thoả mãn lớp công chúng đã quá quen với sự trễ nải tư duy. Và vô số người sáng tác cũng lại là cái công chúng ấy. Trong một không gian hình cầu, chỉ có những đưòng cong. Cái gì cũng lấy to làm trọng. Cái gì cũng lấy nặng làm trọng. Trí tưởng tượng từng nâng niu nuôi dưỡng cô Tấm đến già vẫn trẻ trung nhường chỗ cho những kích cỡ Vua Hùng vừa to vừa quá đát. Bánh tét cũng phải nặng hàng tấn. Lá cờ cũng phải ba bảy người khiêng. Trước sau vẫn lấy số lượng làm trọng, gạt qua bên sự tinh tế. Có một cái biến to thành bé mà lại thiếu tinh tế, đó là trường hợp Bảo Ninh phải chữa tên tiểu thuyết.

Tỉ lệ giành cho sự tinh tế bao giờ cũng nhỏ. Tuy thế cũng tới khi những đầu óc tinh tế không chịu đựng nổi phải lên tiếng. Một đời học phổ thông không biết Văn là gì, nhưng cái đẹp Vật lý đã khiến Chu Thuỳ Anh sinh viên năm thứ hai giật mình nhận ra đời học trò mình bị tước đoạt quá nhiều, thấy cần thét to Chúng em yêu văn học nhưng chúng em chán học văn. Nguyễn Phi Thanh mới lớp 11 thôi, không dám như bà chị, đành nhỏ nhẻ xin cho em không nộp bài, xin thầy cô cho chúng em học Văn theo kiểu khác thì em sẽ lại nộp ạ.

Nhiều người lớn giáo điều bị báng bổ vẫn không hiểu, vẫn trố mắt kinh ngạc, ô hay, ngon thế mà chê? to thế mà chê? nặng thế mà chê? hoành tráng thế mà chê? Vô lý!


*


Thế nào là có lý? Phải nghiên cứu cách học Văn đặc thù của các cháu. Không thể méo máo nói như ra lệnh kiểu giáo viên chủ nhiệm rằng tôi yêu cụ đồ Chiểu thì các em cũng phải yêu. Phải tìm cách để các cháu yêu cụ đồ Chiểu và việc đó chỉ có thể tiến hành qua nghiên cứu công phu và bằng thực nghiệm kiên trì. Việc làm đó không thể nằm trong tay ông giáo Văn thiếu tinh tế lan man sang khoa học thường thức khi giảng mấy lời thơ tâm tình người chiến sĩ nhìn đồng chí mình vật vã trong cơn sốt rét. Công cuộc dạy Văn không thể tiến hành theo cách thay đổi qua quít, “cải cách” việc dạy Văn theo “đường lối” mới có tên là đọc-hiểu (!).

Những “cải cách” như thế càng đáng bị coi là vu vơ vì nó không dựa trên những nghiên cứu thật nghiêm túc cách học của trẻ em Việt Nam. Một nước như Hoa Kỳ rất gần đây vẫn còn phải nghiên cứu lại cách học của con người trước khi hoạch định cách dạy. Một tài liệu cơ bản đã được tổ chức biên soạn bởi Ủy ban Cập nhật Khoa học về Học tập (Committee on Developments in the Science of Learning) và Ủy ban Nghiên cứu cách học và Thực hành Giáo dục (Committee on Learning Research and Educational Practice), soạn dưới sự bảo trợ của bốn cơ quan tư vấn cho chính quyền liên bang là Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Viện Hàn lâm Quốc gia về Thiết kế, Viện Nghiên cứu Y học và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, sau hai năm làm việc đã công bố tài liệu có tên “How People Learn – Brain, Mind, Experience, and School” (“Cách học của con người – Não, tư duy, kinh nghiệm và nhà trường”), Nhà xuất bản Viện Hàn lâm Quốc gia, Washington D.C., in lần 1 tháng 8-2000, lần 2 tháng 12-2000, lần 3 tháng 4-2001, lần 4 tháng 9-2001, lần 5, tháng 1-2002.

Chưa kể là, muốn cải cách thực sự việc dạy Văn, thì nên trân trọng những thành tựu nghiên cứu của nhóm Công nghệ Giáo dục. Nhưng đó sẽ là nội dung một bài viết khác.

Biệt thự Thu Trang, 24-5-2005



© 2005 talawas