trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
20.6.2005
Phạm Duy
Tôi trở về nước tôi, sao có người không vui?
 
Trên talawas lại có một bài viết về tôi. Tác giả Hà Minh đã dùng một khúc trong bài “Ngày trở về” để mở đầu cho bài viết của ông về việc tôi qui cố hương. Một nhà văn rất yêu bài hát này, khen tôi diễn tả đầy đủ bước chân lê trên quãng đường đê của người trở về, phải đến lũy tre xanh rồi mới qua được vườn rau để vào cổng nhà. (Hà Minh viết là vườn dâu, nhưng là vườn rau thì nó thân mật hơn). Rồi mới gặp được mẹ, lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa… Tôi tả khung cảnh miền quê rồi mới tả tới tấm lòng người miền quê, tấm lòng của người ra đi nhớ nhung quê mình và tới ngày trở về, thì chỉ ngồi chờ sáng mai trở dậy, là lại khởi sự ra đồng cầy cấy.

Người về làm mẹ vui, dù đôi mắt mẹ đã lòa vì quá đợi chờ, nhưng tại sao, như Hà Minh nói, tôi về lại làm cho nhiều người không vui? Hà Minh kể: cụ Hạ Tri Chương bên Tầu xưa kia, khi trở về, bị lũ trẻ con trông thấy mà không biết, cười hỏi: khách từ mô đến tê?... thì tôi cũng lâm vào cảnh đó, dù báo giấy, báo điện tử, báo hình, báo tiếng đưa tin khá nhiều về một người vốn dĩ luôn luôn sống với nhịp điệu “ồn ào”. Trẻ con không biết Hạ Tri Chương hay Phạm Duy là ai là chuyện thông thường, còn người lớn?

Ông Hà Minh ơi! Nếu cần tính sổ vui buồn về chuyện trở về của tôi thì những bài viết vui của các ông Hoàng Cầm, Nguyễn Thụy Kha, Trần Công Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thủy Minh, Nguyễn Hoàng Linh, Phạm Quang Tuấn, Đỗ Trung Quân… có vẻ nhiều hơn hai bài viết quá buồn của ông Trần Bích San hay buồn vừa vừa của ông Lê Anh Dũng. Tiện đây, cho tôi xin được tỏ lòng biết ơn tất cả.

Tôi phải đa tạ Hà tiên sinh vì ông kể chuyện giang hồ của tôi gần giống như kể truyện cổ tích, nhưng chuyện tôi ra đi từ phố Hàng Dầu, Hà Nội, tới khắp các nẻo đường đất nước, rồi miệt mài đi trên khắp các kinh đô trên thế giới có gì là lạ thường đâu? Nó chỉ là kết quả của sự phân tán của rất nhiều người trong một thế kỷ ly loạn. Rồi phải có ngày, theo quy luật (ra đi nào cũng có trở về), đúng thời điểm, tôi có trở về cố hương thì việc này cũng lại rất bình thường như việc trở về của Hạ Tri Phương bên Tầu hay như của Stravinski, Solzhenitsyn bên Nga mà thôi!

Vậy thì chỉ còn lại chuyện một số người ở hải ngoại mà Hà Minh cho rằng họ không được vui, vì họ cảm thấy dường như họ đã mất tôi, hoặc bị tôi bỏ rơi, dù tôi đã nói với họ rằng: Nếu quý vị hát nhạc tôi thì tôi vẫn còn chứ ! Hà quân nên nói thêm rằng họ không được vui có thể chỉ vì bức tường Berlin trong lòng của họ chưa bị đánh đổ.

Hà Minh viết: Phạm Duy về nước với một tâm thế thanh thoát, rũ bỏ tất cả những mặc cảm… Vì sao vậy? Vì ông đã biết rằng trong suốt một đời, qua những bài như Con đường cái quan và sau đó là “Mẹ Việt Nam”, “Tình ca quê hương”, “Tâm ca”, “Bình ca”, “Bầy chim bỏ xứ” và “Hồi xứ”… tôi là người nghệ sĩ lúc nào cũng chỉ khăng khăng xưng tụng sự đoàn kết dân tộc. Ngay từ khi xẩy ra sự chia đôi đất nước do Hiệp định Genève 1954, tôi đã phản đối sự chia cắt này bằng một trường ca rồi. Những trường ca, tâm ca, bình ca sau đó cũng chỉ là sự tiếp tục hàn gắn những vết thương, xoa dịu những mâu thuẫn, nối lại những cách chia…

Từ 1954 cho tới 2005 vỏn vẹn là 50 năm. Ai cũng đã thấy rằng rồi thì theo với thời gian, hòa bình đã phải có ở Việt Nam, nhưng quả thật là chưa có giải hòa. Bởi thế cho nên mới có chuyện vì cụm chữ hòa hợp hòa giải mà một trong những người đề xướng bị đánh ở Holland năm nào.

Riêng tôi thì phải đợi tới khi có dấu hiệu tốt là một nghị quyết dành cho người ra đi và trở về thì tôi không cần phải dùng tới nhạc giao hòa để hòa hợp dân tộc mà đem thân xác mình ra để đóng góp vào việc hòa giải dân tộc. Có thể cũng như một vị tướng, một vị tăng nào đó chăng? Đó là lời tôi đã tâm sự với Giao Chỉ Vũ Văn Lộc từ lâu mà ông này chưa muốn bật mí qua website của ông. Nay tôi xin báo cáo.

Hà quân nhận thấy Phạm Duy về nước với một tâm thế thanh thoát, rũ bỏ tất cả những mặc cảm… Vậy thì ông sẽ thấy tôi không “ke” (care) cái loại người buồn giận không nguôi này, thường thường chỉ mượn cớ chống cái này, cái nọ để nuôi dưỡng cái thú đau thương của họ.

Lại phải xin được nhắc lại môt câu ca cũ rích: Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây…

Sài Gòn, 19.6. 2005

© 2005 talawas