trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
27.8.2005
Nguyễn Võ Nghiêm Minh
Nghệ thuật luôn tiềm ẩn bên trong nó một sự mâu thuẫn
Phỏng vấn của tạp chí Khám Phá
Bảo Khánh thực hiện
 
Mùa len trâu, tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây do người Việt Nam làm và làm về người Việt Nam, vẫn chưa được ra mắt rộng rãi công chúng, nên bạn có thể đã xem, hoặc có thể chưa.



Cảnh trong phim "Mùa len trâu"
Dù vậy, còn rất nhiều thông tin hậu trường thú vị về bộ phim, và tác giả của nó - đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, thì chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn được biết. Chính người trả lời phỏng vấn đã phải thốt lên: “Với cuộc phỏng vấn của Khám Phá, có nhiều điều lần đầu tiên tôi bộc lộ. Có nhiều câu hỏi phỏng vấn về cá nhân tôi, về bộ phim, lần đầu tiên tôi được hỏi, cho dù tôi có trả lời không ít các nhà báo nước ngoài chuyên viết về điện ảnh”.
Xin giới thiệu với bạn đọc một chân dung của đạo diễn Mùa len trâu qua một bài phỏng vấn với nhiều chi tiết đặc biệt.


*


Khám Phá: Trước Mùa len trâu anh đã làm gì liên quan đến điện ảnh chưa? Trước 3 bộ phim truyện chính thức, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đã từng thực hiện 2 bộ phim ngắn gây được dấu ấn và là bàn đạp để anh ấy thực hiện các bộ phim truyện sau đó. Còn anh thì sao?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Phim ngắn đầu tiên của tôi, Crimson Wings, lấy hứng từ giấc mơ hóa bướm của Trang Tử. Phim ngắn thứ hai, Nơi chốn và thời gian, là một “nhật ký” bằng hình ảnh. Trong một chuyến đi chọn cảnh đầu tiên cho phim Mùa len trâu, tôi đã hụt mất mùa nước nổi. Với thời giờ trống, tôi cố đi tìm lại một người thân cũ đã từ nhiều năm bị mất hẳn liên lạc. Khi gặp lại người nầy, tôi chợt nhận được rằng ký ức là những gì luôn thay đổi trong mỗi chúng ta. Tìm lại chúng chỉ là ảo tưởng. Tôi nghĩ là ta chỉ có thể sáng tạo lại những ký ức và những kỷ niệm xưa.

Anh bắt tay vào viết kịch bản Mùa len trâu vào lúc nào? Và động lực nào mạnh mẽ nhất khiến anh thực hiện đề tài về con người và thiên nhiên ở vùng nước nổi miền Tây Nam Bộ này chứ không phải là một đề tài nào khác?

Tôi bắt đầu viết kịch bản ngay khi vừa làm xong phim ngắn đầu tay. Tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam kể lại những câu chuyện tranh sống trong một hoàn cảnh hết sức đặc thù của vùng đất thấp trong bán đảo Cà Mau. Ở đây mỗi năm nước lũ về tràn ngập cả ruộng đồng trong mấy tháng trời. Khung cảnh sống nầy đã làm cho tôi tưởng tượng ra những hình ảnh của một cuộc phiêu lưu giữa vùng "nước nổi" minh mông. Nhưng trong nhiều năm trời vì chiến tranh, đi học, di tản, rồi bận việc kiếm sống, tôi cũng không bao giờ được đặt chân đến Cà Mau hay nghĩ đến chuyện làm một cuốn phim về đề tài nầy. Mùa nước nổi ở Cà Mau không biết có thật hay chỉ là một hư cấu của Sơn Nam? Tôi không bao giờ thắc mắc vì nó đã trở thành một thực tại trong lòng tôi.

Dù vậy, so với hai truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam mà anh chuyển thể, bộ phim đã khác rất nhiều. Tinh thần của câu chuyện thì vẫn thế nhưng tư tưởng, nội dung, tình tiết đã khác khá nhiều. Trả lời báo chí Pháp, anh có nói rằng bộ phim này mang nhiều biến thể mang dấu ấn của cá nhân anh?

Về liên hệ giữa kịch bản Mùa len trâu và tập Hương rừng Cà Mau, tôi nghĩ dùng chữ “gợi hứng” thì chính xác hơn là chuyển thể, vì tôi chỉ lấy không khí, một vài sự cố và nhân vật từ hai truyện ngắn trong tập HRCM để viết kịch bản theo những cảm nhận riêng của tôi. Hơn nữa tôi không nghĩ là một tác phẩm văn học có thể được chuyển thể mà không bị mất đi cái hồn của nó. Nói như thế không có nghĩa là tôi có thể quên rằng nếu không có tập Hương rừng Cà Mau thì chắc đã không có phim Mùa len trâu.

Tuy nhiên, một tác phẩm điện ảnh theo tôi cần có nhiều khía cạnh khác hơn là chỉ kể lại một hay vài câu chuyện lạ với những hình ảnh đẹp. Tôi cố gắng tìm tòi một cái gì đó vượt qua những hình ảnh, những câu chuyện.

Về dấu ấn cá nhân của tôi, tôi viết kịch bản Mùa len trâu khi cha tôi trong giai đoạn cuối cùng của đời ông và tôi thì vừa mới có một đứa con trai đầu lòng.

Khi Mùa len trâu chiếu ở Việt Nam, có nhiều nhận định khác nhau về những ẩn dụ trong bộ phim này. Có người coi đó như một hoài niệm nhiều chua xót về những con người khai hoang ở vùng nước nổi. Có người nhận định nó là một câu chuyện muôn thuở về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa thiên nhiên và con người. Có nhận định lại cho rằng đó là bi kịch của những người đàn ông không làm chủ được cuộc sống và bản thân mình... Thực ra khi viết kịch bản và làm phim Mùa len trâu, ẩn dụ lớn nhất mà anh đưa ra trong bộ phim này là gì?

Tất cả những nhận định trên theo tôi đều có giá trị cả. Riêng tôi, trong lúc viết kịch bản tôi bắt đầu cảm nhận được trong phim Mùa len trâu rằng nước không chỉ là một phần của hậu cảnh mà là một “nhân vật” luôn có mặt trong phim. Trong nhiều văn hóa khác nhau kể cả văn hóa Việt Nam, thường thì nước là một biểu tượng của trong sạch, của sự sống, nhưng tôi lại muốn những ẩn dụ trong một tác phẩm nghệ thuật lại theo những ý nghĩa thông thường của nó. Trong phim Mùa len trâu, nước lại được gắn liền với sự chết và rũ mục. Tuy vậy trong phim ta thấy cũng từ nước nầy mà người dân có được tôm cá và lúa gạo là hai nguồn thực phẩm quan trọng nhứt. Sự sống và sự chết kề cạnh nhau, nuôi dưỡng nhau. Và nước trở thành một biểu tượng cho sự không phân cách được giữa sống và chết, hai yếu tố đối kháng nhưng bất ly, không thể tách rời nhau được.

Tôi không bao giờ đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống (the meaning of life) vì đó là việc của các tôn giáo, tôi không có khả năng làm việc đó. Tôi chỉ muốn đưa ra một kinh nghiệm về sự hiện hữu (the experience of being alive), trong Mùa len trâu, chết là một phần của sự hiện hữu.

Nhưng đó là những ý kiến chủ quan của người làm phim. Phải có những phê bình khách quan của người xem thì ta mới biết được những chủ ý của mình muốn gởi gắm vào phim có thành tựu hay không?

Giovana Fulvi, giám khảo tuyển lựa phim ở đại hội điện ảnh Toronto, đại hội lớn nhất ở Bắc Mỹ, đã viết như sau về biểu tượng của nước:

"Dùng nước làm một biểu tượng mạnh mẽ và một phương tiện tạo hình táo bạo, Mùa len trâu có nhịp điệu cuồn loạn của tuổi trẻ. Những biến chuyển trong dòng đời chứa đựng những phá hủy và sinh tạo như dòng nước mùa lũ: tình cảm và liên hệ gia đình bị tràn ngập và cuốn đi trong một thúc giục vào tuổi trưởng thành và những bí ẩn bị dìm kín dưới đáy nước cạn. Cuồng bạo về mỹ thuật và ngay cả thô bạo trong cấu trúc, Mùa len trâu có một sức thu hút mạnh của một câu chuyện về hiện hữu và sống còn."

Tôi vẫn chờ đợi nghe những phê bình của khán giả.

Trong Mùa len trâu, hình ảnh biểu tượng mạnh nhất là nước. Dòng nước mạnh mẽ, sôi sục, dữ dội ở trên bề mặt và dòng nước lặng lẽ ở bên trong. Điều này lại khiến tôi liên tưởng đến cách sử dụng thủ pháp nghệ thuật khá tương đồng trong hai bộ phim The Piano của nữ đạo diễn New Zealand Jane Campion và phim The Return của đạo diễn Nga Andrei Zvyagintsev. Sự đối lập giữa cái dữ dội bên ngoài và cái lặng lẽ bên trong lòng nước mang một thông điệp gì?

Thật là một vinh dự cho Mùa len trâu được so sánh với The Piano và nhất là The Return là một phim mà tôi rất ưa chuộng. Điện ảnh Xô-Viết và Nga cũng như Nhật có lẽ là 2 nền điện ảnh có ảnh hưởng đến phong cách làm phim của tôi nhiều nhất. Tuy nhiên, dù có một vài điểm tương đồng, Mùa len trâu The Return rất khác nhau từ phong cách đến nội dung.

Về câu hỏi sự đối lập giữa cái dữ dội bên ngoài và cái lặng lẽ bên trong lòng nước. Nước cuốn chảy là biểu tượng của thời gian trôi qua. Đây là một ẩn dụ rất cũ trong văn chương Việt Nam và thế giới. Nhưng trong Mùa len trâu có hai loại thời gian khác nhau. “Thời gian thực” với sự mục rã của xác chết và cây cỏ làm nước đục ngầu mà ta đã bàn đến bên trên. Và “thời gian lịch sử” với sự qua đi của chiến tranh và chế độ thuộc địa. Mỗi chuyến đi chăn trâu là một cuộc hành trình vào thế giới trưởng thành. Hành trình nầy diễn ra dưới chế độ thuộc địa Pháp. Những thanh niên bản xứ, bất lực dưới sự đè ép của một cường lực từ bên ngoài, đã xoay ra phát tiết nam tánh bạo tợn của mình trong sự tranh chấp lẫn nhau và đối với phụ nữ.

Một lần nữa, theo Giovana Fulvi: “Mùa len trâu có nhịp điệu sôi sục của tuổi trẻ, biến cuộc chiến đấu cho tự do cá nhân của Kìm thành một ẩn dụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước.”

Hành trình nầy được kết thúc khi Kìm phải đứng trước quyết định làm cha, mặc dù vẫn còn có nhiều vấn đề chưa giải quyết được trong liên hệ với cha mình.

Khi làm phim, anh quan tâm đến vấn đề nội dung, cốt truyện và tư tưởng của bộ phim nhiều hơn hay phong cách nghệ thuật, hình thức nhiều hơn? Anh có muốn tạo dựng cho mình một phong cách nghệ thuật xuyên suốt hay thay đổi cách thể hiện qua từng bộ phim?

Một tác phẩm điện ảnh theo tôi cần có nhiều khía cạnh khác hơn là chỉ kể lại một hay vài câu chuyện lạ với những hình ảnh đẹp và nhân vật kỳ thú. Tôi cố gắng tìm tòi một cái gì đó vượt qua những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật. Tôi muốn nêu lên một vài gợi ý để khán giả cùng tôi đóp góp vào việc sáng tạo cho theo những suy nghĩ riêng của mỗi người.

Ê-kíp tham gia bộ phim của anh thật hoàn hảo. Đặc biệt là hình ảnh của nhà quay phim người Bỉ Yves Cape, hoà âm của chuyên gia người Pháp Thomas Gauder và nhất là âm nhạc với những bản sáo tha hương của người Miên của nhạc sĩ Pháp gốc Việt Tôn Thất Tiết mang rõ âm hưởng của bản sắc Việt. Điều gì giúp anh có được một ê-kíp làm việc tài giỏi và đồng bộ đó. Anh có thể kể thêm về những kỷ niệm khi hợp tác với nhà quay phim người Bỉ Yves Cape và đặc biệt là nhạc sĩ Tôn Thất Tiết?

Từ khi viết kịch bản tôi đã lựa chọn một phong cách cho cả phim, đó là phong cách tối giản (minimalism). Phong cách nầy quyết định tất cả các yếu tố khác trong phim, từ hình ảnh đến âm nhạc, hoà âm, từ thiết kế đến phục trang và diễn xuất. Và cả diễn xuất nữa, tôi muốn diễn viên cảm xúc mạnh thật trong lòng nhưng không “diễn”, bởi vì khi bắt đầu “diễn” là khán giả sẽ thấy giả tạo ngay. Chính Lê Thế Lữ, diễn viên chánh của phim đã đề cập đến việc nầy trong một lần phỏng vấn gần đây.

Nhưng lựa chọn một phong cách chung cho phim Mùa len trâu không có nghĩa là đây phong cách mà tôi sẽ dùng cho các phim khác trong tương lai. Đối với tôi mỗi phim là một cuộc phiêu lưu mới, và tôi muốn được đứng trước một chân trời mở rộng để hoàn toàn được tự do lựa chọn phong cách thực hiện.

Trở lại với hình ảnh, từ phong cách tối giản nầy, tôi đã quyết định hình ảnh của phim Mùa len trâu sẽ có một độ tương phản cao, với nhiều khoảng tối trong khung hình. Chỉ những chi tiết quan trọng nhất trong khung hình được chiếu sáng. Nhiều chi tiết không quan trọng sẽ bị chìm vào bóng tối. Tôi dùng tranh của hai họa sĩ de la Tour (Pháp) và Carravagio (Ý) làm mô hình. Riêng những hình ảnh trong lòng nước tôi cũng đã viết vào kịch bản từ đầu và đã nghĩ đến cách đặt máy, ánh sáng v.v... Tôi gặp Yves Cape ở Bruxelles năm 2002 sau khi đã xem qua các phim mà Yves đã quay như là L’Humanité của Bruno Dumont (phim đoạt 3 giải tại LHP Cannes 99, được đề cử giải Quay phim xuất sắc nhất cho Yevs Cape - BK), với phong cách hoàn toàn khác hẳn Mùa len trâu. Tôi trình bày cho Yves ý định của tôi và đưa anh xem một vài bức tranh của hai họa sĩ trên. Sau đó chúng tôi tiếp tục trao đổi thư từ trong gần một năm trời tìm cách tạo hình trong phong cách đơn sơ, mộc mạc nhất. Cùng nhau chúng tôi đã quyết định sẽ luôn giữ máy quay cố định và ở độ cao của tầm mắt và luôn luôn quay trái sáng để tạo độ tương phản cao. Việc để máy ở ngang tầm mắt là vì tôi muốn thể hiện một sự chạm trán giữa cha và con giữa đàn ông và đàn bà, giữa con người và thiên nhiên.

Phần quay phim chủ yếu do Yves Cape thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các hình ảnh trong lòng nước đều do anh Nguyễn Trọng Tâm quay chớ không phải Yves. Anh Tâm là một nguời thợ lặn chuyên nghề quay video dưới nước cho việc bảo trì đáy tàu bè. Chúng tôi chỉ dùng máy quay video tài tử rất nhỏ và rẻ tiền, chớ không phải là loại máy chuyên nghề to lớn cồng kềnh. Chính vì thiết bị rất thô sơ với “kỹ thuật thấp” nầy mà những hình ảnh trong lòng nước vẩn đục rất mờ ảo và tạo nên hiệu năng mà tôi mong muốn từ đầu. Nước là biểu tượng của sự chết và mục rữa.

Về âm nhạc, anh Tôn Thất Tiết không phải là một nhà soạn nhạc cho phim chuyên nghề. Trước hết anh là một nhà soạn nhạc cận đại cho hòa tấu, khiêu vũ trong nhiều năm trời. Mãi về sau nầy anh mới viết nhạc cho phim của anh Trần Anh Hùng. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn và vinh hạnh được anh nhận lời sau khi đọc qua kịch bản. Sau đó chúng tôi cũng trao đổi nhau trong khoảng một năm trời, và anh đã soạn tất cả nhạc cho phim Mùa len trâu trước khi thấy bất cứ một thước phim nào cả. Theo tôi biết, anh Tiết cũng chưa bao giờ đặt chân đến vùng nước nổi bao giờ. Riêng tôi không muốn nhạc bị nô lệ vào hình ảnh. Nhạc không dùng để minh họa hình ảnh, không đi theo hành động, mà kể một “câu chuyện” riêng của nó và gây ra một không khí cho phim vượt khỏi khả năng của hình ảnh. Trong Mùa len trâu, có rất ít nhạc, chỉ một vài nét chấm phá thưa thớt, tối thiểu.

Riêng hai bài sáo đã dùng trong phim là bài “Lý con trâu” (dân ca Nam Bộ) và một bài theo âm hưởng Khmer do anh Trần Khánh Tường thổi theo hứng (improvise).

Về âm thanh, Olivier Rey, phụ trách hậu kỳ âm thanh. Thomas Gauder mặc dù rất bận rộn đã đồng ý hòa âm cho phim. Cả hai đều thích phim khi xem qua bản dựng, đều hăng hái và nhiệt tâm.

Anh sống và làm việc ở Mỹ, nơi điện ảnh là một ngành công nghiệp bạc tỷ, vậy tại sao anh lại đi tìm nguồn tài trợ, ê-kíp làm việc và nhà sản xuất ở châu Âu chứ không phải tại Mỹ? Hay anh muốn làm điện ảnh theo phong cách nghệ thuật mang dấu ấn của châu Âu?

Thật tình thì tôi không đặc biệt quan trọng việc nguồn tài chánh của phim tôi từ Mỹ hay Âu châu. Hơn nữa, Mùa len trâu ngoài việc được góp vốn từ ba nước chấu Âu là Pháp, Bỉ và Đức, nó còn nhận được nguồn tài chánh từ nhà phát hành Mỹ, Global Film Initiative (GFI), hãng truyền hình quốc gia Úc (SBS-TV) và hãng thiết bị Canada là Production Services. GFI và SBS-TV đã mua bản quyền cho phim ở Mỹ, Úc từ trước khi phim được quay.

Anh có theo dõi những hoạt động của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua? Anh có thể nhận định thêm về những đạo diễn Việt Nam và gốc Việt gặt hái được những thành quả quốc tế hoặc được giới phê bình công nhận như Đặng Nhật Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Việt Linh, Hồ Quang Minh, Nguyễn Thanh Vân...?

Tôi phải nhìn nhận rằng chỉ mới được xem một phần nhỏ phim Việt Nam, nên không thể có một nhận định chính xác được. Tuy nhiên, bên cạnh các đạo diễn mà anh đã nêu, tôi xin kể thêm anh Lưu Trọng Ninh (Bến không chồng), chị Phạm Nhuệ Giang (Thung lũng hoang vắng) và anh Vương Đức (Cỏ lau) đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng.
Nguồn: Tạp chí Khám Phá, số 11 (19/8/2005)