trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
31.8.2005
Hồng Nga
Những câu hỏi được gợi lên từ bài thi đạt điểm mười môn văn
 
(Xem bài thi đạt điểm mười môn văn)


Những câu hỏi này xin gửi tới, trước hết cho những người chấm thi môn văn, cho chị Nguyễn Thị Thu Trang (NTTT), cho các giáo viên dạy văn, và cuối cùng, cho những người quan tâm đến văn học và tình hình giảng dạy môn văn trong nhà trường phổ thông hiện nay.


I. Bài văn của chị NTTT có thực sự xứng đáng đạt điểm tối đa không?

Để tìm được câu trả lời cho câu hỏi mang tính chất tổng quát này cần trả lời một số câu hỏi nhỏ sau đây:

1. Hệ thống luận điểm được triển khai trong bài làm có những ý nào hoàn toàn mới, hoàn toàn độc đáo, hoàn toàn của riêng chị NTTT, và không có trong hệ thống sách luyện thi về môn văn, trong bài giảng của các thầy?

Câu hỏi này các giáo viên dạy văn và chị NTTT hoàn toàn có thể trả lời được. Cần phải trả lời câu hỏi này, câu trả lời sẽ giúp chị NTTT cảm thấy thoải mái hơn trước lời khen của nhà văn Kim Lân rằng chị đã có những phát hiện mới mẻ hơn cả giáo sư Đỗ Đức Hiểu, giáo sư Đỗ Kim Hồi, hơn cả những anh chị làm thạc sĩ về Kim Lân. Nếu sự thực đúng như Kim Lân nói thì thật đáng mừng vì nó là biểu hiện sự phát triển của một xã hội lành mạnh. Nhận xét của chị: “thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng chuyện, dẫn chuyện…” là hoàn toàn do chị khám phá ra, “những cảm nhận sâu sắc” về tác phẩm đúng là những cảm nhận của riêng chị, hay đấy là những kiến thức mà chị đã học được từ các thầy và trong sách vở?

Cũng cần phải nói thêm rằng một phát hiện có khả năng nâng tầm tác phẩm là một phát hiện mang tính chất luận điểm, ít nhất là như vậy, tức là có tính khái quát. Và luận điểm mang tính “phát hiện” của chị NTTT đối với tác phẩm “Vợ nhặt” là “vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống” của các nhân vật trong tác phẩm, những phân tích khác chỉ nhằm chứng minh cho luận điểm ấy. Và chắc hẳn đó không phải là phát hiện riêng của chị NTTT mà phần lớn các thí sinh khác đều nói như vậy, vì đó là vấn đề do đề bài nêu ra.

2. Để một bài văn đạt điểm tối đa, ngoài việc đảm bảo các ý trong đáp án, phần diễn đạt, tức là khả năng sử dụng ngôn ngữ, chất liệu của văn học, được yêu cầu như thế nào?

Xin nêu ra đây một vài nhận xét về hành văn của bài văn được xem là xuất sắc này (những nhận xét này được nêu ra là để quý vị có thể thảo luận một cách hoàn toàn thoải mái):

Phương tiện diễn đạt nghèo nàn: biểu hiện ở tần số lặp từ vựng và cú pháp rất cao. Ví dụ: “thật lớn lao” (lặp ba lần), “thật phũ phàng” “thật tài tình”, “thật bất ngờ”, “thật tinh tế”, “thật căng thẳng” (lặp hai lần), “thật mãnh liệt”, “thật thành công” (lặp hai lần), v.v...

Riêng từ “ấy” được lặp lại đến 55 lần trong bài văn này. Sở dĩ có sự thống kê này, vì một vài câu văn sử dụng từ “ấy” một cách khó hiểu, gây chú ý tức thì và gây ngạc nhiên:

- “Nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hoà điệu cùng mọi người”.

Trước câu văn này tác giả bài văn không hề nói đến hai con người nào cả, vậy nên “hai con người ấy” là ai? Thật khó hiểu. Sự khó hiểu này có lẽ sẽ được lý giải khi ta giả định rằng câu văn nói trên là một câu được học thuộc và chị NTTT ghi lại theo trí nhớ. Còn nếu không phải như vậy thì ta buộc phải nghĩ rằng mạch tư duy của chị NTTT không đảm bảo logic bình thường.

- “Bằng hình thức tập Kiều nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, những so sánh bất ngờ… ấy đã diễn tả thật thành công tấm lòng của một người con cúi mình trước đại thi hào vĩ đại của dân tộc Nguyễn Du, một thi hào kỳ tài ấy đã chắp bút lên “Truyện Kiều”, một công trình đồ sộ và có giá trị thật lớn lao, góp phần tăng giá trị đạo đức, nhận thức vào kho tàng văn học Việt Nam”.

Ngoài việc từ “ấy” được sử dụng một cách khó hiểu, nếu ta phân tích ngữ pháp của câu này, sẽ thấy đấy không phải là một thứ tiếng Việt chuẩn.

Những câu văn viết sai ngữ pháp như vậy không thiếu trong bài văn được điểm xuất sắc này:

“Nỗi khát khao đến cháy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời.

“Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và cụ Tứ cùng những tình cảm lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới.”

“Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.”

“Trong con người của Tràng khi trở dậy sau khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ.”

Cũng không thiếu những câu vụng:

“Một anh thanh niên ở cái xóm ngụ cư ấy như Tràng, một con người - một thân xác vạm vỡ, lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp.”

“Điều ấy thật có lý và xót thương vô cùng”.

“Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài này không thể không kể đến bài thơ ‘Kính gửi cụ Nguyễn Du’, trích trong tập Ra trận.”

“Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng”.

v. v…

Tất nhiên, nếu chị NTTT và độc giả thấy rằng những câu văn trên không vụng về, cũng không sai ngữ pháp thì cứ thẳng thắn trao đổi cùng chúng tôi.


II. Nếu với những lỗi tiếng Việt như vậy, bài văn vẫn xứng đáng đạt điểm tối đa, thì phải chăng khả năng sử dụng tiếng Việt không phải là một trọng tâm trong chương trình môn văn ở trường phổ thông? Vậy có thể tách rời văn Việt và tiếng Việt?


III. Vì đây là bài văn duy nhất đạt điểm 10, vậy, trong thực tế, khả năng dùng tiếng Việt ở những học sinh khác còn kém hơn cả chị NTTT?

Điểm mạnh của bài văn này là hệ từ vựng tụng ca: giá trị nhân bản, hồn thiêng sông núi, ngưỡng vọng, cảm hứng ngợi ca, tiếng lòng tự hào, khát khao tìm kiếm tri âm, vững bước trưởng thành, sức mạnh cách mạng, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý, tiếng lòng ca ngợi sức sống, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại bùng cháy mạnh mẽ, ánh sáng của tình người, lẽ sống cao đẹp, điểm sáng, niềm hy vọng vào cuộc sống, thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phấp phới… (trong số những cụm từ kiểu như vậy mà chúng tôi không liệt kê hết, có những cụm từ được lặp lại rất nhiều lần).

Vậy chỉ cần sử dụng tốt hệ từ vựng tụng ca (và cũng rất khó đánh giá mức độ chân thành của người viết khi dùng một hệ từ vựng như vậy, cái mức độ chân thành rất dễ nhận thấy trong bài văn của chị Nguyễn Phi Thanh, dù rằng trong bài ấy không hề có một từ nào thuộc trường từ vựng tụng ca) mà không cần nắm vững các qui tắc của tiếng Việt, như thế cũng đủ để đạt điểm xuất sắc trong môn văn? Nếu quả thực đó là sự thật thì có cần phải lo ngại cho một chương trình giáo dục như vậy hay không?

Một câu hỏi nữa, một băn khoăn thì đúng hơn, trong khi chị NTTT đang trở thành trung tâm của sự chú ý nhờ chị có khả năng tán tụng bằng thứ ngôn ngữ đao to búa lớn nhưng không chuẩn xác về cú pháp, nhờ khả năng học thuộc lòng hay “khả năng phát hiện” của chị (?) được các cán bộ chấm thi đánh giá cao, nhờ những lời khen ngợi hết lời của nhà văn Kim Lân mà báo chí không ngần ngại đăng tải, thì số phận chị Nguyễn Phi Thanh, một nữ sinh đã dám khước từ danh hiệu học sinh giỏi vì sự trung thực, hiện nay thế nào? Đâu là những tiêu chí để đánh giá năng lực văn học của một học sinh cũng như năng lực thực sự của một con người?

Hy vọng những câu hỏi này sẽ tìm thấy sự hồi đáp.

© 2005 talawas