trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
1.11.2005
Thiện Chiếu
Cải chánh những chỗ sai lầm trong bài Mấy lời thỉnh giáo của Phan Khôi tiên sanh
 
Trong bài „Mấy lời thỉnh giáo“ của tiên sanh có đôi chỗ không đúng, tôi cũng biết tiên sanh vẫn chưa nghiên cứu Phật học, nên tôi viết bài nầy không phải chỉ cốt để biện bác những chỗ không đúng ấy, mà chính là muốn làm cho yên lòng người tín ngưỡng Phật giáo và cũng giải sự nghi hoặc cho người muốn học Phật.

Tiên sanh nói: “Sách Phật nhiều hơn sách của các tôn giáo khác”. Rồi tiên sanh đem Khổng giáo mà so sánh rằng: “Đạo của Khổng Tử, vì tại những người nối theo cắt nghĩa mỗi người sai lầm một ít, trải đời nọ sang đời kia, càng nhiều người cắt nghĩa thì càng sai, mà càng sai lại càng nhiều người cắt, vì vậy mà sách chất hàng đống. Phật giáo cũng một kiểu ấy”.

Thưa tiên sanh: Phật giáo là Phật giáo, không phải đem Khổng giáo mà luận Phật giáo được! Phật giáo giải rõ cái vấn đề sanh tử, nên ta học Phật có thể biết được “sanh ở đâu đến, chết rồi về đâu”, chớ không phải như Khổng giáo nói rằng: “Chưa biết việc sống, đâu biết được việc chết”; Phật giáo giải được những vấn đề khó giải, chớ không phải như Khổng giáo gặp cái vấn đề khó giải thì đổ thừa cho “thiên mạng”. Các vị Bồ tát lập luận giải kinh của Phật giáo khác hẳn với những người cắt nghĩa sách của Khổng giáo; những người cắt nghĩa sách của Khổng giáo cãi nhau về ý nghĩa trong vòng văn tự, còn các vị Bồ tát thì lập luận tranh biện nhau và triết lý ở ngoài vòng văn tự, nghĩa là không phải cãi nhau từng câu từng lời như kẻ chú giải sách của Khổng giáo vậy. Bởi vậy, tôi mới nói rằng: Phật giáo là Phật giáo, không phải đem Khổng giáo mà luận Phật giáo được!

Tại sao Phật giáo có nhiều sách hơn các tôn giáo khác?

Bởi chúng sanh chưa thấy được chơn tướng của võ trụ (chơn tướng võ trụ tức là chơn tâm), nên cứ theo thiên kiến của mình mà vọng chấp, không khác như kẻ mù rờ voi, bởi kẻ mù không thấy được chơn thể của con voi, nên kẻ rờ nhằm lỗ tai thì chấp rằng hình con voi như cái ký, còn kẻ rờ nhằm cái đuôi thì chấp rằng hình con voi như cái chổi!

Bởi chỗ thấy thiên lệch mà vọng chấp đó, mới mống lên niệm tham sân. Bởi niệm tham mới xâu xé tranh giành nhau, bởi niệm sân mới tàn hại chém giết nhau. Đã tạo nghiệp nhân thì phải tuần hườn mà trả quả, đáng thương xót là dường nào!

Bịnh “vọng chấp” của chúng sanh không phải một chứng nên thuốc đối trị cũng phải có nhiều phương. Phật thuyết pháp 45 năm, tuỳ bịnh căn mà cho thuốc: Kẻ chấp “có” thì Phật nói “không”, người chấp “không” thì Phật nói “có”, đem “thiệt pháp” giáo hóa bậc thượng căn, dùng “quyền pháp” tế độ hàng hạ trí, kẻ thông minh thì chỉ “đốn giáo” (đường tắt thành Phật), người dung ngu thì dạy “tiệm giáo” (bước lần từng nấc thang). Bịnh “vọng chấp” có thiên sai vạn biệt, thì phương thuốc “phá chấp” cũng có vô lượng vô biên. Bởi vậy, Phật giáo mới có nhiều sách hơn các tôn giáo khác.

Tại sao mà biết rằng các vị Bồ tát lập luận tranh biện nhau về triết lý ở ngoài vòng văn tự, không phải như những người cắt nghĩa sách của Khổng giáo chỉ cãi nhau về lý nghĩa trong vòng văn tự?

Bởi Phật thuyết pháp có đốn, tiệm, quyền, thiệt, có tiểu, đại, không, hữu các bộ, nên các vị Bồ tát ai chuyên về tiểu thừa thì lập luận để binh vực lý tiểu thừa cho được củng cố, ai chuyên về đại thừa thì lập luận để phát dương lý đại thừa cho được tăng quang, hữu bộ cũng vậy, mà không bộ cũng vậy.

Thưa tiên sanh: Tuy trong phái Tiểu thừa có tranh biện nhau với phái Đại thừa, Hữu bộ có tranh biện nhau với Không bộ, nhưng tranh biện nhau là tranh biện về triết lý, chớ không bao giờ có Tiểu thừa tranh nhau với Tiểu thừa, Đại thừa tranh nhau với Đại thừa; không phải như những kẻ cắt nghĩa sách của Khổng giáo chỉ nệ có từng chữ từng câu trong vòng văn tự đâu!

Nhờ các phái tranh biện nhau mới hiển lộ thêm nghĩa mầu trong kinh Phật.

Tiên sanh lại cho khốn nhau là tại Kinh tạng và Luận tạng, thưa tiên sanh, ấy là một sự sai lầm đáng tiếc vậy.


*


Tiên sanh nói: “Các đệ tử chép kinh chưa chắc đã đúng như lời Phật”.

Thưa tiên sanh: Tôi đã nói trong kinh Niết bàn, Phật có dạy: “Theo kinh rõ nghĩa, chớ theo kinh không rõ nghĩa”. Thế thì ta có quyền phán đoán tự do, những lời trong kinh Phật, lời nào nói có lý thì ta theo, bằng vô lý thì thôi; ai biểu câu chấp chi từng chữ từng câu mà phải sợ đệ tử Phật chép kinh đúng cùng không đúng?

Tiên sanh nói: “Theo tôi tưởng (!), có lẽ Sư thâm nhiễm Khổng giáo mà không tự biết. Tức như trong khi Sư đưa hai chữ “bất hiếu” vào đây, là khi cái quan niệm về Luân thường của Khổng giáo nó nhắc cho Sư nhớ điều đó”.

Thưa tiên sanh: Bởi trong câu kinh Niết bàn có nói đến chữ “cha con” trong đó, và bởi tiên sanh bỏ chữ “được” mà nói “cha chẳng chịu thế” nên tôi mới nói đến hai chữ “bất hiếu”; không phải khi không mà tôi nói, sao tiên sanh lại cho rằng cái quan niệm luân thường của Khổng giáo nhắc cho tôi?

Tiên sanh nói: “Phật là Phật, Khổng là Khổng, nếu đem cái nầy pha với cái kia thì mất cái bổn sắc của nó đi”.

Điều đó lại càng rối cho tiên sanh nữa. Tiên sanh nói Khổng giáo mới có luân thường, còn Phật giáo không có luân thường sao? – Phật có lòng bác ái muốn tế độ cả chúng sanh. Chúng sanh có nhiều bịnh, nên Phật pháp cũng có nhiều phương.

Chẳng những Phật dạy cái phương pháp “ra khỏi đời” mà thôi, lại cũng dạy cái phương pháp ở đời nữa. Cho nên trong Phật giáo có chia ra ngũ thừa (năm cỗ xe): 1. Phật thừa; 2. Bồ tát thừa; 3. Duyên giác thừa; 4. Thinh văn thừa; 5. Thiên nhơn thừa. (Trình độ của chúng sanh đến bậc nào thì cũng có cỗ xe đưa về bậc ấy).

Bốn cỗ xe trước, là pháp dạy “ra khỏi đời”, còn cỗ xe sau (Thiên nhơn thừa) là pháp dạy “ở đời”, không khác luân thường của Khổng giáo, tức là khoa luân lý của Phật giáo vậy.

Tiên sanh muốn biết tôi nói thiệt hay dối, thì tiên sanh chịu khó giở ngay cái thiên “Phật giáo luận lý chi luân lý học” và “Phật giáo thiệt tiện chi luân lý học” trong Phật học đại cang thì rõ.

Thưa tiên sanh: Dầu tôi có nói đến luân lý, thì cũng chỉ nói khoa luân lý của Phật giáo mà thôi, tiên sanh có sợ gì mất cái bổn sắc của Phật giáo?

Có lửa thì có khói, tuy không thấy lửa, nhưng chỗ nào có khói thì suy lý ra biết rằng chỗ đó ắt có lửa. Ở cuối bài Mấy lời thỉnh giáo, tiên sanh nói “Khổng là Khổng, Phật là Phật” ấy là tiên sanh cho Khổng với Phật không phải như lửa với khói, sao ở đầu bài, tiên sanh lại đem Khổng giáo mà luận Phật giáo? Tôi nghe tiên sanh tinh về khoa luận lý học lắm, sao để cho trước sau nó mâu thuẫn với nhau?

Sự lý trong thiên hạ vô cùng, không phải mỗi việc mỗi biết hết được. Nhưng việc nào mình biết thì cứ chịu ngay rằng biết, còn việc nào mình chẳng biết thì cũng phải dám chịu ngay rằng chẳng biết, ấy mới thiệt là biết. Nếu cái nào mình chưa biết mà dám nói đến cái đó, thì chẳng những là có quan hệ, mà lại rất là nguy hiểm.

Thưa tiên sanh: Có phải như vậy không?

Thần chung, Sài Gòn, s. 311 (11.2.1930)
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004