trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
17.11.2005
Lê Dương
Chữ, ý và văn dịch
 
Tôi có điều thú vị muốn chia sẻ: đó là khi mình lưu tâm đến một khía cạnh nào của cuộc sống, có một suy nghĩ nào nảy sinh ra thì y như ngay sau đó hoặc sau đó ít lâu thế nào cũng tìm thấy một bài viết (thường là hay và đầy đủ hơn) trên Internet (viết thế cho „trung lập“!). Tỷ như những bài của Phan Khôi được đăng lại, và hôm nay là bài „Nhàn đàm...“ của Khuê Các mà bên cạnh nhiều cái tâm đắc thì cũng có cái tôi muốn bàn lại. Những bài viết của cụ Phan Khôi cho ta nhiều hiểu biết về chữ nghĩa, dịch thuật, phê bình... Nó còn giá trị ở chỗ cho ta biết những gì người xưa đã làm, làm đến đâu; đồng thời nó cũng cho thấy ngày nay chúng ta còn lùng nhùng trong rất nhiều chuyện mà người xưa đã đi qua. Thí dụ chuyện dịch chữ, dùng chữ và hiểu ý của chúng.

Trong bài của tác giả Khuê Các có câu “Ðáng khóc, đáng cười, đáng ghét và cũng đáng thương hại biết bao nhiêu các vĩ nhân trong lịch sử. Tiếng Hán: vĩ vừa là vĩ đại, nhưng cũng là cái đuôi“. Đọc thấy ngờ ngợ, tôi giở Đào Duy Anh ra tra thì thấy „vĩ“ có năm (5) dạng viết: 1 – to, lớn, 2 – màu đỏ (phượng vĩ), 3 – đường ngang (kinh-vĩ tuyến), 4 – cây lau (đọc là vi, Kiều: „Vi-lô hưu hắt như mầu khơi trêu“), 5 – đuôi, cuối cùng, sau hết. Thực ra ta có thể thông cảm rằng tác giả muốn nhân tiện mà chơi chữ một tí cho vui, nhưng vì có chút ít tuỳ tiện nên thành ra... bất tiện. Tuỳ tiện trong dùng chữ là cái bệnh để rồi từ đó mang lại cái hại nhiều khi không nhỏ, nhất là khi chuyển dịch những văn bản ngoại quốc ra tiếng Việt. Cho nên mặc dù có được nhiều tâm đắc sau khi đọc bài viết, tôi cũng nhân tiện – xin lỗi tác giả! – mượn cơ hội này bàn thêm về đôi chữ khác.

Cụ Phan Khôi đã nói về việc chuyển âm tên họ những người nước ngoài ra tiếng Việt sao cho hợp lý, nhất là khi ta đã có điều kiện và khả năng tiếp xúc trực tiếp với văn bản gốc mà không phải qua chữ Hán. Trước đó, con đường ngoằn ngoèo lắm. Cho đến mãi đời nhà Trần ở ta, người Tàu vẫn cho ta là mọi rợ, giọng nói như giọng chim (xem Việt Nam văn minh sử cương của Lê Văn Siêu, trang 81; chú ý rằng tiếng Tàu chỉ có 4 (bốn) thanh âm, tiếng Việt có 6 (sáu) thanh). Khó khăn như vậy (cũng là cái may!) nên hai bên phát minh ra cái gọi là bút đàm: viết điều muốn nói ra giấy, bằng chữ Nho, rồi cứ thế, „của ai nấy hiểu“; các cụ nhà ta nghe và nhìn mồm người Tàu đọc chữ họ rồi tạo ra cái gọi là chữ Hán: Thiên-trời, địa-đất, tiền-trước, hậu–sau... Đến thế rồi mà nhiều khi vẫn còn bực mình, cho nên „đông tây chí biện“ thì đọc thành „nong tay dí bẹn“ cho... tiện luôn! Nhưng cũng phải công tâm mà nói một điều rằng khi ta đã đi mượn (của Tàu, Tây hay của ai cũng thế thôi), phải hiểu cho ngọn ngành và đừng tuỳ tiện. Người Tàu gọi Mỹ là Mỹ nhưng không luận Mỹ là Đẹp để bôi bác, họ viết Mả-khưa-sư, Sư-ta-lỉn và đọc liền để thành Marx, Stalin chứ không tách ra để thành ông Mã Khắc Tư, Tư Đại Lâm làm khổ con khổ cháu. Một từ thông dụng khác là Hy-La cũng cần xem lại. Hy thì chắc là Hy-lạp, còn La? La-tin hay La-mã? Nếu là La-tin thì không sao, nhưng La-mã thì chính là Roma, người Tàu „ngọng“ chữ „r“ phải lấy „l“ thế vào, cho nên Rahula mới thành La-hầu-la, Manjusri mới thành Văn-thù Sư-lợi và Dharani thì thành đà-la-ni, vân vân và vân vân. Thế mới biết „ăn“ văn bản mà cứ phải nhai lại thì nhiều khi cũng... mất ngon.

Nhân nói „ăn văn bản“, nghĩa là phiên âm tên chữ, lại muốn liên hệ đến việc dịch văn bản có lúc cũng không khác gì nhai mớm cho con trẻ. Tôi thử xét chữ „lợi quyền“ hay quyền lợi mà tác giả Khuê Các có bàn rất hay trong bài viết trên. Đến đây thì xin ra hẳn ngoài văn bản nguồn (bài „Nhàn đàm...“) cho thoải mái.

Chữ „quyền lợi“ được người Việt Nam dùng rất nhiều và theo cái ý rất riêng, nhất là hiện nay; theo đó, nó được chia ra làm hai, thành quyền lực và tư lợi. Nguyên khi xem xét cung cách giành quyền và đoạt lợi của Đảng Cộng sản ở ta, tôi tìm đến lời hát mà nhiều người biết trong bài „Quốc tế ca“ là: „Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình“. Do có cách hiểu thực dụng như trên về „quyền lợi“, tôi thử tìm văn bản gốc xem nó được dịch từ chữ nào. Sau khi mầy mò trong Google từ “Eugene Pottier” qua “The Internationale” tôi có được các bản tiếng Pháp (7 đoạn, nguyên gốc), tiếng Anh 4 đoạn và tiếng Đức 3 đoạn; bản tiếng Việt có thể lấy cả nhạc theo http://www.spv.org.vn/img/quocteca.gif. Do kém hai thứ tiếng trên, tôi chỉ so bản tiếng Việt với bản tiếng Đức. Kết quả là sau nhiều nỗ lực, tôi không tìm ra cái câu đại loại: „Rồi thì tất cả quyền lợi sẽ vào tay mình hết ráo cả“ để có được câu trong tiếng Việt „Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình“. Đến câu rất quan trọng là điệp khúc sau cùng, các bản tiếng nước ngoài như sau:

Tiếng Pháp: C'est la lutte finale / Groupons nous et demain / L'Internationale
Sera le genre humain
.

Tiếng Anh: And the last fight let us face / The Internationale unites the human race.

Tiếng Đức: Völker, hört die Signale! Auf, zum letzten Gefecht! Die Internationale erkämpft das Menschenrecht.

Theo bản tiếng Đức (cho chắc!) nghĩa là: Hỡi các dân tộc, hãy cùng nghe tiếng hiệu lệnh! Hãy tiến vào trận chiến đấu cuối cùng! Tổ chức Quốc tế (của chúng ta) đấu tranh cho quyền con người.

Như vậy, „Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai! Lanh te (rơ)-na-xi-on-na-lơ sẽ là xã hội tương lai.“ có phải là phiên bản „ứng dụng vào điều kiện Việt Nam“ hay không? Thực ra bài „Quốc tế ca“, được Bách khoa toàn thư Brockhaus tóm lược lịch sử và ghi nhận „thường được các công đoàn lao động hát trong các hoạt động của mình, nhất là trong các lễ hội ngày Một tháng Năm“, trong các văn bản châu Âu, có nội dung lời hát khá nhân bản và không „hừng hực“ như trong lời Việt.

Con người không sống được nếu không có văn hoá, cũng không sống được nếu không giao lưu văn hoá. Nhưng cái cách con người Việt Nam thể hiện trong giao lưu văn hoá (dịch và học) thì đáng bàn lắm: Ta cứ như anh nhà quê (nông nghiệp mà!) đi vào rừng, chọn cái gì hay, đẹp, ưng ý thì đẵn, vác đem về dùng, gốc ngọn lẳng đi (để khi cần thì nói là của ta, do ta „sáng tạo“). Văn hoá cũng như thức ăn, thuốc uống; nếu không xem kỹ, xét tổng hợp thì hậu quả là ta tự hại ta mà rồi cứ tự lừa mình rằng tại thằng này thằng nọ.

München, 11.2005

© 2005 talawas