trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
2.12.2005
La Thành
Tương đồng và khác biệt. Bổ sung và thay thế. Áp đặt và thuyết phục
(Trao đổi với Phạm Quang Tuấn)
 
a.

Từ “đại chúng”, với tư cách là một từ tiếng Hán, được giải nghĩa / đối chiếu như sau trong các nguồn dưới đây:

  1. [大众] 劳动群众。([đại-chúng] lao-động quần-chúng.) — theo 现代汉语词典,商务印书馆,1991年,北京 (Hiện-đại Hán-ngữ Từ-điển, Thương-vụ Ấn-thư-quán, 1991 niên, Bắc-kinh).

  2. 大众:commonage; commonalty; demos; general public; masses; million; plebeian; populace; public; raff; the many; multitude; people. — theo từ điển trực tuyến 太阳雨 (Thái-dương-vũ).

  3. đại chúng: đại đa số dân chúng. — theo ông Phạm Quang Tuấn. (Ông Tuấn nói là theo Từ điển Hán–Việt của Đào Duy Anh; tôi hoàn toàn không có ý bất nhã nghi ngờ, nhưng vì không có trong tay cuốn từ điển của cụ Đào Duy Anh, nên về nguyên tắc tôi không thể chú dẫn gián tiếp.)

Như vậy, theo hai bộ từ điển đầu tiên, do chính các tác giả Trung Quốc biên soạn, nghĩa chủ đạo của “đại chúng” là “quần chúng lao động” / “những người bình dân”, như một bộ phận xác định của toàn thể xã hội / cộng đồng. Một vài ý nghĩa của “đại chúng” liên hệ với một toàn thể — “public” / “populace” / “people” — có được Thái-dương-vũ dẫn ra, nhưng không ở vị trí ưu tiên; còn Hiện-đại Hán-ngữ Từ-điển thì hoàn toàn không đưa ra những nghĩa này.

Sự khác nhau giữa “quần chúng lao động” / “những người bình dân” và “đại đa số dân chúng” sẽ được thảo luận ở phía sau.


b.

Như tôi đã nêu trong ý kiến ngắn hôm trước, xin nhắc lại: Theo Marriam-Webster’s Collegiate Dictionary (Eleventh Edition), “the [great] mass of” (“great” có thể khuyết) là một cấu trúc cố định, chỉ “bộ phận lớn hơn” về lượng hoặc “bộ phận chủ yếu” về tầm quan trọng trong thành phần của một toàn thể. Từ điển trực tuyến Thái-dương-vũ cũng dịch chiếu cấu trúc này là “đại đa số của” / “đại bộ phận của” / “bộ phận chủ yếu của”. Nay tôi dẫn thêm: từ điển Encarta World English Dictionary (2001 Edition) cũng giải nghĩa “mass” là “great unspecified quantity” / “major part” như một trong các nhóm nghĩa của từ này.

Trong tiếng Anh, theo các từ điển giải thích và từ điển đối chiếu thông dụng mà tôi từng sử dụng — trong đó có những bộ từ điển tôi vừa dẫn trên đây —, từ “people” có (và dường như chỉ có) hai nhóm nghĩa: (1) “people” như một danh từ số ít (số nhiều “peoples”): quốc dân, dân tộc, nhân dân (toàn thể các cá nhân của một quốc gia, một xã hội hoặc một cộng đồng [nhất là cộng đồng sắc tộc]); (2) “people” như một dạng thức số nhiều thông tục (informal) của “person”: những người, người ta, mọi người, dân chúng; nhân gian, nhân quần, nhân loại. Như vậy, ý nghĩa khái quát bao trùm lên cả hai nhóm nghĩa này của “people” là liên hệ với một toàn thể.

Quay trở lại với trích ngôn của Hitler — “The great mass of people (…) will more easily fall victim to a big lie than to a small one”. Theo tôi, cho dù “people” trong câu này thuộc về nghĩa nào trong hai nghĩa nêu trên, thì “the great mass of people” đều phiếm chỉ một bộ phận không xác định, lớn [hơn phần còn lại] về số lượng của “people”.


c.

Từ các thảo luận ở phần a và phần b, có thể thấy rõ rằng giữa “đại chúng” và “the great mass of people” tồn tại một sự tương đồng giới hạn về nội hàm ngữ nghĩa, song có sự khác biệt trong một lô-gích chặt chẽ. Xin được phân tích về nhận định này như sau.

  1. Trường hợp “đại chúng” mang nội hàm “quần chúng lao động” / “những người bình dân”, như một bộ phận của “nhân dân” / “dân chúng” / “people”: khi đó “đại chúng” là một bộ phận xác định của “nhân dân” / “dân chúng” / “people”, trong khi “the great mass of people” là một bộ phận không xác định của “people” (Xem GIẢN ĐỒ 1).



  2. Trường hợp “đại chúng” mang nội hàm “công chúng” / “dân chúng” / “people”, như một toàn thể: khi đó “the great mass of people”, với tư cách là một tập con của “people”, rõ ràng chỉ là một bộ phận [không xác định] của “đại chúng” (Xem GIẢN ĐỒ 2).



Như vậy, trong cả hai trường hợp, các nội hàm của “đại chúng” và “the great mass of people” đều không trùng nhau.


d.

Khi từ “đại chúng” được vay mượn từ tiếng Hán vào tiếng Việt, sau một thời gian sử dụng nó đã tỏ ra có một đời sống riêng, không đồng nhất với người chị em “大众” của nó trong tiếng Hán nữa. Theo quan sát của tôi, nếu như trong tiếng Hán, “大众” vừa có thể dùng như một danh từ, vừa sử dụng được như một hình-dung-từ, thì trong tiếng Việt — như tôi đã nêu trong ý kiến ngắn lần trước —, tôi hiếm khi thấy / hầu như không thấy “đại chúng” đứng được như một danh từ, mà thường thấy / hầu như chỉ thấy “đại chúng” được dùng như tính từ (trong “văn hoá đại chúng”, “cơ quan thông tin đại chúng”); thay cho “đại chúng” trong chức năng danh từ, tôi thấy tiếng Việt sử dụng “quần chúng”. Hãy thử so sánh hai diễn đạt tiếng Việt: “đại chúng ngày càng khao khát dân chủ tự do” và “quần chúng ngày càng khao khát dân chủ tự do”. Diễn đạt nào Việt hơn?

Như một trong các định nghĩa về dịch thuật — đương nhiên là không đầy đủ, mọi định nghĩa đều ít nhiều không đầy đủ —, “dịch” một văn bản từ một ngôn ngữ nguồn sang một ngôn ngữ đích là lựa chọn một văn bản đích tương đương với văn bản nguồn về các phương diện nội hàm ngữ nghĩa, phong cách ngôn ngữ, hiệu quả biểu đạt, v.v… Đòi hỏi về sự tương đương với văn bản nguồn có thể được văn bản đích thoả mãn (trong trường hợp may mắn) hầu như hoàn toàn, hoặc thoả mãn một phần với một mức độ nào đó. Từ các phân tích đã được trình bày, hãy thử làm phép so sánh hai lựa chọn văn bản đích (tiếng Việt) của giáo sư Cao Xuân Hạo và của tôi ứng với văn bản nguồn (tiếng Anh) là trích ngôn của Hitler xem sao.

Văn bản nguồn: “The great mass of people (…) will more easily fall victim to a big lie than to a small one.

Các văn bản đích:

  1. Lựa chọn của giáo sư Cao Xuân Hạo: “Đại chúng (…) dễ bị mắc lừa vì một sự dối trá lớn hơn là vì một sự dối trá nhỏ.

  2. Lựa chọn của tôi: “Đại đa số dân chúng (…) dễ dàng mắc hợm một trò đại bịp hơn là một mánh lừa [trẻ] con.

Để so sánh, về lựa chọn các đơn vị từ vựng, giáo sư Cao Xuân Hạo chọn:

  • the great mass of people → đại chúng: không sát về nội hàm (như đã phân tích ở phần c); dùng “đại chúng” trong chức năng danh từ là cách dùng không Việt. (Nhân tiện, trong tiếng Anh, để chỉ “đại chúng” với ý nghĩa “những người lao động” / “những người bình dân” như đã nêu trong phần a, người ta thường dùng “the masses”, với “mass” phải ở số nhiều.)

  • big lie → sự dối trá lớn, small lie → sự dối trá nhỏ: rất sát về nội hàm.

    Còn tôi chọn:

  • the great mass of people → đại đa số dân chúng: rất sát về nội hàm.

  • big lie → trò đại bịp, small lie → mánh lừa [trẻ] con: không sát về nội hàm.


Còn về phong cách ngôn ngữ thì sao? Thú thực, đọc văn bản đích của giáo sư Cao Xuân Hạo tôi có cảm tưởng đó là một mệnh đề trong một luận án khoa học. Trong khi đó, tôi không nghĩ rằng nguồn của văn bản nguồn — trước tác Mein Kampf của Hitler — lại là một luận án như thế.


e.

Tất cả những ý kiến của tôi được nêu trong bài viết này rất có thể chủ quan, có thể không thoả đáng, có thể nông cạn, có thể sai lầm. Tuy nhiên, đây đơn giản chỉ là thảo luận khoa học. Ý kiến ngắn hôm vừa qua của tôi vẫn còn đó, trên talawas, trong đó tôi không hề tỏ ý định “sửa” văn của giáo sư Cao Xuân Hạo như ông Phạm Quang Tuấn đã hai lần xác định: trong ý kiến của mình, tôi chỉ “đề nghị một phương án dịch thuật” bổ sung, chứ không phải thay thế lựa chọn của giáo sư. Giữa ông Tuấn và tôi, ai là người đã sửa văn của người khác?

Và, mặc dù tất cả những trao đổi rốt ráo đã được trình bày, tôi thành thực cho rằng một trích ngôn của Hitler như đã biết không phải là một đối tượng tác nghiệp đáng để giáo sư Cao Xuân Hạo phải trăn trở tìm tòi một lựa chọn dịch thuật tao nhã. Ông chỉ đơn giản chỉ ra cách hiểu đúng về ngữ nghĩa của câu viết kia mà thôi, và tôi đã cảm ơn ông. Giáo sư Cao Xuân Hạo là một học giả và dịch giả tài danh, trong khi tôi đang còn là kẻ đi học. Tuy nhiên, tôi không cho rằng khoảng cách ấy có thể cản trở tôi có những thảo luận học thuật cùng với ông.

Có thể để ý rằng, mỗi một nhận định của Phạm Quang Tuấn trong ý kiến ngắn vừa rồi của ông — như “dịch như vậy rất chính xác”, “dịch như CXH rất chuẩn”, “câu nói trở thành vô nghĩa”, “không hiểu”, “đổ tội cho” … — đã không được hỗ trợ bởi bất cứ một lập luận nào, mà chỉ là một phán đoán cô độc trong ngữ cảnh của nó. Trong thảo luận khoa học, những phán đoán không được hỗ trợ bởi lập luận thường gây ấn tượng áp đặt và triệt thoái ngay khả năng thuyết phục của chính người phát biểu những phán đoán đó.

Ông Tuấn cũng hiểu sai nghĩa của thành ngữ chân lý phẳng: “chân lý phẳng” không phải là một phát biểu vô nghĩa, mà là một chân lý tầm thường, không đòi hỏi nhiều thao tác tư duy để được chấp nhận. Theo thiển nghĩ của tôi, khả năng để nhân quần mắc lừa một sự dối trá lớn / trò bịp lớn hiển nhiên là cao hơn khả năng để người ta mắc lừa một sự dối trá nhỏ / mánh lừa nhỏ. Ông Tuấn có thể giảng cho mọi người nhận thấy câu viết của Hitler cao siêu ở chỗ nào không?

Cuối cùng, ông Tuấn còn có một lầm lẫn: văn bản tiếng Anh của Mein Kampf không phải là “nguyên tác của Hitler”. Nguyên tác Mein Kampf của Hitler được viết bằng tiếng Đức, bản tiếng Anh cũng chỉ là một dịch bản. Ông lầm quốc tịch của trùm quốc xã hay ông quên nghĩa của từ “nguyên tác”?

Moskva, 29.11.2005

© 2005 talawas