trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.12.2005
Lê Ngọc Trà
Chúng ta đang thiếu một trường đại học mang tầm vóc quốc tế
Lý Đợi thực hiện
 
Trên số 14 ra ngày 20.10.2005, Tia Sáng có in bản dự thảo “Xây dựng trường đại học hàng đầu tại Việt Nam” do Thomas Vallely, Giám đốc chương trình Việt Nam của Đại học Harvard biên soạn. Đây là một dự án với rất nhiều ý kiến thẳng thắn, xác đáng đã buộc người đọc phải đối diện với rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và khó giải quyết. Nhà nghiên cứu giáo dục, TSKH. Lê Ngọc Trà, từ điểm nhìn trung tính, một lần nữa chia sẻ với bạn đọc về cách giải quyết sự kiện này.
GS. TSKH. Lê Ngọc Trà
Thưa ông, với tư cách nhà nghiên cứu giáo dục, ông nghĩ sao khi Việt Nam sắp xây dựng một trường đại học mang tầm vóc quốc tế, với sự trợ giúp của Đại học Harvard, Mĩ?

Tôi rất mừng khi biết tin này. Giáo dục đại học Việt Nam đang cần một cú hích. Có thể xem đây là một trong những cú hích đó. Chúng ta đang thiếu một trường đại học mang tầm vóc quốc tế. Một trường đại học như vậy không chỉ là mong ước của giới khoa học mà còn đem lại niềm hãnh diện chính đáng cho Việt Nam. Nhất là đại học này sẽ gắn bó tên tuổi với một đại học hàng đầu của Mĩ và của thế giới là Harvard.

Giới học giả và người dân nói chung cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa xứng đáng với tiềm năng của chính nó, cũng như sự kì vọng của xã hội. Trong một vài ý chính, ông có thể nói lên được lý do tại sao không?

Cái mệnh đề này theo tôi phải diễn đạt cho thật chính xác. Về một phương diện [có thể là bề rộng], giáo dục Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Trong một điều kiện kinh tế-xã hội và ý thức như hiện nay khó có thể làm gì vượt trội lên được. Và không chỉ có giáo dục. Khoa học-công nghệ, y tế, văn hoá nghệ thuật… có lĩnh vực nào vượt hơn giáo dục không? Lương giáo sư tiến sĩ chỉ 150-200 USD, học phí của sinh viên mỗi năm cũng khoảng chừng ấy. Tại sao chúng ta lại kỳ vọng quá nhiều vào giáo dục đại học và đặt cho nó nhiều trách nhiệm quá lớn khi so nó với các đại học quốc tế? Tự nó, hệ thống giáo dục không thể thoát khỏi sự phát triển của điều kiện kinh tế-xã hội và trình độ ý thức xã hội.

Mặt khác, sự trách cứ giáo dục đại học là do nhìn vào tiềm năng của nó. Đúng là tiềm năng rất lớn. Số người đi học rất đông. Số lượng sinh viên trong 15 năm tăng hơn 10 lần. Đội ngũ trí thức đã và đang được đào tạo từ Đông Âu và phương Tây khá nhiều, trong đó không ít người xuất sắc. Đó là tiềm năng về tiền và chất xám. Có một tiềm năng như vậy mà không phát triển được giáo dục đại học xứng đáng với sự mong đợi của xã hội thì rõ ràng là chúng ta đang có vấn đề. Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là vấn đề của giáo dục mà trước hết là vấn đề của xã hội, nói đúng ra là của nhà nước, của chính phủ. Tiềm năng là một việc mà phát huy được tiềm năng là việc khác. Muốn huy động tiềm năng phải có những quyết sách ở cấp vĩ mô. Ở đây rõ ràng không thể chỉ trách cứ và trông đợi vào bản thân ngành giáo dục.

Phải chăng vì thế mà có ý kiến cho rằng: Việc xây dựng trường đại học này không những không đáp ứng được sự "thiếu vắng" đó; mà còn là một kế hoạch khó khả thi, không muốn nói là ảo tưởng?

Như tôi đã nói, xây dựng đại học này là một cú hích. Một quyết định như vậy thể hiện một cách nhìn mới, có tính đột phá. Nó nói lên đã có một sự thay đổi chính sách ở cấp vĩ mô. Đó là một dấu hiệu mới, đáng mừng. Tuy nhiên để thực hiện được cần phải có một quyết tâm rất lớn, trước hết là về nhận thức. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó hay chưa? Theo tôi là chưa hoàn toàn, nhưng đang trên đường đến đó. Cái quan trọng là chúng ta không thể dừng lại, càng không thể lui, vậy là chỉ còn một cách là phải đi tới. Đi nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào bên trên. Trên như thế nào, chúng ta chỉ biết mong đợi. Dẫu sao chúng ta cũng có quyền hy vọng bởi vì đây không phải là đề xuất của Đại học Harvard mà là đề nghị của chính Thủ tướng Việt Nam. Lẽ nào mình đề nghị họ giúp mình mà sau đó lại bỏ đi? Chúng ta không phải là nước đầu tiên xây dựng đại học có chất lượng quốc tế, thậm chí gần như lại là nước cuối cùng ở Đông Á và Đông Nam Á làm việc này. Bởi vậy chẳng có lý do gì để xem nó là quá ảo tưởng. Còn nếu nó quả thật là ảo tưởng thì đúng là đáng buồn.

Nếu xây dựng khả thi, theo ông, Việt Nam có đủ người có chuyên môn để giảng dạy không? Tuyển chọn giảng viên và sinh viên sẽ diễn ra như thế nào là hợp lý?

Trước mắt nếu làm ồ ạt thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Nhưng trong Dự án cũng nêu rõ là "Không thể xây dựng một trường đại học hàng đầu trong một sớm một chiều" và lấy cách tổ chức theo mô-đun làm cách chính. Theo phương thức này, chúng ta sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị đội ngũ người dạy. Hiện nay ở rải rác các trường đại học cũng có không ít các chuyên gia giỏi. Trong số sinh viên Việt Nam đang học hoặc đã tốt nghiệp, và ở lại làm việc ở nước ngoài, có một số người giỏi và tâm huyết với sự phát triển của đất nước. Nếu có chính sách đúng họ sẽ về nước giảng dạy. Đó là chưa kể các giáo sư Việt kiều và người nước ngoài có nguyện vọng làm giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) trong 6 tháng, hay 1 năm.

Về phía sinh viên dĩ nhiên cũng có sự sàng lọc rất lớn. Hiện nay mỗi năm có hàng ngàn sinh viên đi du học. Nếu trong nước có đại học chuẩn quốc tế, nhiều người sẽ ở lại theo học. Ở Tp. HCM nhiều trường tiểu học quốc tế có mức học phí rất cao, tính ra không kém đại học ở nước ngoài bao nhiêu, vậy mà vẫn thu hút rất đông học sinh.

Hiện nay nhà nước có ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Theo tôi sau này sẽ chuyển cho đại học chuẩn quốc tế một phần để đào tạo nhân tài ngay trong nước, vừa tiết kiệm ngoại tệ, vừa đáp ứng được nhiều yếu tố [thực tế] khác. Sinh viên học ở đây phải là những người giỏi. Nếu họ thật sự giỏi nhưng không có tiền thì nhà nước phải hỗ trợ.

Nhiều người cho rằng với lối dạy-học thụ động, đọc chép và kiến thức một chiều như hiện nay, trường lập ra sẽ bị bỏ trống; hoặc giống như các trường phổ thông quốc tế khác tại Việt Nam, chỉ làm mỗi 2 việc: thu học phí thật cao và dạy ngoại ngữ, còn các kiến thức khác vẫn xa rời thực tế. Ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ như vậy. Với một cách tổ chức và quản lý như đề án đã nêu ra, với một đội ngũ giáo viên được tuyển chọn và trả lương đầy đủ, với quan hệ mật thiết với các đại học Mĩ, trường sẽ có những sinh viên kiểu khác và cách đào tạo khác, đáp ứng được mong mỏi của người học và của xã hội.

Trong buổi làm việc giữa đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải và lãnh đạo Đại học Harvard, ông Henry Rosovsky (nguyên Hiệu phó Đại học Harvard) cho rằng, những sai lầm của giáo dục Việt Nam đi ra từ cơ chế quản lí giáo dục. Và thiếu cả một số yếu tố như: Thiếu độ độc lập cần thiết với thể chế; Không gian học thuật chưa đủ tự do-kích thích; Chế độ trọng dụng nhân tài méo mó-không đúng cách; Thiếu ổn định về tài chính; và Thiếu trách nhiệm giải trình. Là người ở trong cuộc, theo ông, phải đề cập hay làm rõ đến những yếu tố nào nữa?

Tôi đọc Đề án thấy họ hiểu rất rõ Việt Nam. Những vấn đề mà họ nêu lên đều là những bức xúc có thật của giáo dục Việt Nam. Đây là những vấn đề rất then chốt, cơ bản. Nếu cần nói rõ thêm một số vấn đề khác, theo tôi, nên lưu ý đến vấn đề tư duy đại học, chương trình đào tạo, cách tuyển chọn giáo viên, phương pháp dạy và học, cũng như điều kiện đảm bảo cho một lối học theo phong cách đại học. Nhiều năm qua đại học ở ta bị cư xử và tự cư xử với mình chỉ như một trường phổ thông có quy mô lớn, trường cấp 4 hơn là một trường đại học theo đúng nghĩa của nó. Người học vẫn bị xem là "học sinh" hơn là "sinh viên". Ở khá nhiều trường, chương trình đào tạo vừa cũ về quan niệm, vừa lạc hậu về kiến thức. Trong tuyển chọn giảng viên, một mặt: nhiều nhân tài không được trọng dụng như Đề án có nêu; mặt khác: lại có khá đông những người mà trình độ chuyên môn không có gì nổi bật [có cả yếu kém], không có năng lực nghiên cứu nhưng vẫn được giữ lại, dần dần trở thành gánh nặng của trường mà theo cơ chế và tập quán như hiện nay thì không thể chuyển đi đâu được. Đối với sinh viên thì do thiếu thư viện, sách vở, phòng học, cũng như do phương pháp giảng dạy… nên cách học phổ biến vẫn là đến lớp nghe giảng, chép bài và học thuộc. Kỹ năng tự học, tự tư duy và tự nghiên cứu rất yếu.

Trong buổi làm việc, hai bên cũng nhất trí rằng Việt Nam đang có, và có rất dồi dào hai trụ cột của nền giáo dục đại học, đó là nhân tài và tiền. Vấn đề là làm sao sử dụng nhân tài [nhân tài đang ở đâu?], và làm sao tập trung tiền [chắc chắn không phải từ học phí!]. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Như ở trên tôi đã trình bày, tôi rất đồng ý với nhận xét cho rằng Việt Nam khá dồi dào về nhân tài và tiền. Làm thế nào để phát huy tiềm năng về chất xám, nhân tài - đó là bài toán đã có lời giải, dư luận đã bàn nhiều; cái còn lại là phải có chính sách đúng và quyết tâm thực hiện. Bài học về lúa gạo vẫn đang còn đó. Từ chỗ đói, thiếu lương thực đến chỗ trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới, tất cả chỉ do sự thay đổi của đường lối, chính sách mà có được như nhờ một phép màu. Tiền cho đại học cũng vậy. Lâu nay chỉ có tiền từ nhà nước mà nhà nước thì nghèo. Tại sao không dựa vào học phí? [Hiện nay các đại học dân lập không sống bằng học phí thì tồn tại bằng gì?]. Tại sao không dựa vào doanh nghiệp? Ở Mĩ, nếu không có doanh nghiệp làm sao có Đại học Harvard hay Stanford như hiện nay? Vấn đề cũng lại là chính sách, cách huy động. Bản Đề án đề nghị chính phủ Việt Nam cam kết dành cho đại học chuẩn quốc tế này 100 triệu USD trong vòng 5-10 năm. Nghĩa là mỗi năm cần khoảng 150-200 tỷ đồng Việt Nam. Đó là con số hoàn toàn hiện thực. Không kể 2 đại học Quốc gia ở Hà Nội và Tp. HCM, hiện nay nhiều trường đại học lớn mỗi năm được cấp khoảng một nửa số tiền như vậy, còn số tiền mà các trường tự làm ra được còn lớn hơn.

Buổi làm việc cũng cho thấy rằng, trường phải có 2 đồng chủ tịch, một học giả lỗi lạc của Mĩ, và một nhân vật xuất chúng của Việt Nam. Điều kiện cho vị chủ tịch phía Việt Nam là phải am hiểu về giáo dục; không đang giữ các chức danh quản lí trong hệ thống giáo dục, hay thuộc Bộ văn hoá hiện nay. Còn hiệu trưởng thì do một học giả hoặc nhà lãnh đạo về hưu của Việt Nam phụ trách. Về đề xuất này, ở khía cạnh nhân lực của Việt Nam, phải chăng có vướng mắc gì đấy?

Tôi cũng không biết có vướng mắc gì không, nhưng theo tôi giải pháp này là cần thiết. Có một chuyên gia giỏi ở bên cạnh tức là không phải đi đâu xa để học. Họ lại có thể luôn cùng mình trao đổi, thảo luận và tìm cách giải quyết. Như vậy dễ đạt được kết quả tối ưu. Và cái chính cũng không phải là cá nhân nhà học giả Mĩ nào đó mà quan trọng là phía sau ông ta, tức giới đại học Mĩ, chất xám, kinh nghiệm, quan hệ của họ. Ông ta chỉ là người đại diện, là đầu mối, sự liên kết. Yếu tố này rất quan trọng. Ngoài ra sự có mặt của chuyên gia nước ngoài với tư cách là đồng Chủ tịch Hội đồng Quản trị hay Hiệu phó cũng có một ý nghĩa khác. Họ sẽ phát hiện hoặc nhắc mình đi đúng chiến lược đã vạch ra, tránh sự tuỳ tiện hay cứ sáng kiến "làm theo cách của ta" như lâu nay vẫn thấy, kết quả là không đảm bảo được chuẩn. Về phía Việt Nam, nếu người đứng đầu không am hiểu về giáo dục cũng rất khó cộng tác với vị Đồng chủ tịch hay Hiệu phó là người nước ngoài, và nếu người đó lại là quan chức đương nhiệm thì lại càng khó hơn. Sẽ có thể có tình trạng khoán trắng cho đối tác vì quá bán hay ít hiểu biết, hoặc ngược lại, không có khả năng chia sẻ được các ý tưởng chung do không hiểu hay quen cách tư duy hành chính, mệnh lệnh.

Cuối cùng, để có được đại học mơ ước này, chúng ta có 3 lựa chọn: cải tổ-phục hồi các đại học sẵn có; hình thành các chi nhánh hay đơn vị vệ tinh của đại học nước ngoài; và xây dựng một đại học mới hoàn toàn. Theo ông, lựa chọn nào là khả thi?

Theo tôi, xây mới hoàn toàn như Đề án nêu ra là tốt hơn cả.


GS. TSKH. Lê Ngọc Trà: Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm Tp.HCM. Giảng dạy đại học từ 1968. Bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ năm 1980 và Tiến sĩ khoa học năm 1988 tại Đại học quốc gia Moscow mang tên M. C. Lomonosov, CHLB Nga. Phong Giáo sư năm 2002. Đã xuất bản 7 cuốn sách (trong đó cuốn Lý luận và Văn học được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991), và công bố nhiều bài báo, báo cáo khoa học ở trong và ngoài nước. Học tập, giảng dạy, thuyết trình, nghiên cứu và dự hội thảo khoa học quốc tế tại Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

(Bài phỏng vấn thực hiện tại Sài Gòn, từ ngày 17.11 đến ngày 25.11.2005)

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng số 18, ra ngày 20.12.2005, vá»›i tá»±a đề: "Xây má»›i là tốt nhất"