trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
17.2.2006
Phong Uyên
Dịch là cái hoạ
 
Tiếng Pháp có câu "Traduire c'est trahir": Dịch là phản bội. Dịch một bài thơ là phản bội một phần nào cái đẹp của bài thơ, và không ít thì nhiều, phản bội người làm bài thơ. Nhưng có cái dịch gây ra nhiều hậu quả tác hại hơn, đó là dịch một tư tưởng, một lý thuyết như lý thuyết của Karl Marx, theo cái nghĩa của kẻ đang nắm quyền hành, trái ngược với ý tưởng của Karl Marx, với mục đích biến nó thành một công cụ củng cố chế độ độc tài. Staline hay Mao Trạch Đông đã dịch Marx theo cái nghĩa đó để ngự trị trên cả tỉ con người. Không những Marx đã bị phản bội mà một phần tư nhân loại vẫn còn phải chịu đựng cái hoạ dịch ấy, trong số đó có nhân dân Việt Nam.

Cái hoạ dịch đối với người Việt lại còn là cái hoạ đúp vì một lý do dễ hiểu là Marx không được dịch thẳng từ tiếng Tây ra tiếng Việt mà phải dịch qua tiếng Tàu mới tới tiếng Việt. Chữ Tàu, nhiều khi không đủ âm để viết những âm ngoại ngữ, nên người Tàu không thể để nguyên âm ngoại ngữ mà phải dịch theo nghĩa người Tàu hiểu hay cố ý hiểu. Ngay đển tên người như Rousseau, Montesquieu được Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi phiên là Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Khưu, biến thành người thì họ Lư, người thì họ Mạnh. Tên họ người phương Tây được Hán hoá, nhiều khi đọc rất thi vị nhưng vì là tên người nên vô thưởng vô phạt, trái với những từ ngữ, những quan niệm đặc biệt Tây phương không thể dịch hay để nguyên ra chữ Hán được, như Prolétariat, classe bourgeoise, Féodalité…, hay ngay cả từ Capital mà gốc là tiếng La-tinh.

Muốn hiểu Marx để dịch đúng, phải hiểu hoàn cảnh lịch sử, kinh tế các nước phương Tây nơi Marx sinh trưởng và hoạt động, tựu trung là 3 nước hồi bấy giờ là Đức, Anh, Pháp. Đó là những điều mà các học giả người Hán ít biết nên đã dùng những từ ngữ đặc biệt Tàu để dịch một cách sai lầm những khái niệm đặc biệt Tây phương của Marx. Các nhà cách mạng mác-xít Việt Nam và ngay cả các bậc tiến sĩ bộ môn chính trị Marx-Lenin bây giờ, chắc chắn là hầu như chẳng ai đọc nguyên văn học thuyết Marx viết bằng tiếng Đức hay ít nhất những bản dịch ra những tiếng như Pháp, Anh. Tất cả những hiểu biết về lý thuyết mác-xít được tôn thành chủ nghĩa của các vị đó, môn học bắt buộc từ trung học đến đại học ở Việt Nam, chỉ nằm vỏn vẹn trong mấy định nghĩa bằng tiếng Hán của những từ ngữ gốc La-tinh kể trên. Chỉ cần giở bất cứ cuốn giáo trình nào giảng dạy về chủ nghĩa Marx-Lenin của các vị đó, sẽ thấy 5 cụm từ chính được nhắc đi nhắc lại là: Chủ nghĩa cộng sản, giai cấp vô sản, giai cấp tư sản, phong kiến, chủ nghĩa tư bản.

Nghĩa của 5 cụm từ đó hoàn toàn phản bội nghĩa chính xác của những từ bằng tiếng Âu Tây mà Marx đã dùng trong học thuyết của mình:

Chủ nghĩa cộng sản dịch từ chữ communisme của Marx. Trong từ communisme này không có cái gốc nào có nghĩa là cộng và cũng chả có cái gốc nào có nghĩa là sản. Tiếng La-tinh communis chỉ có nghĩa là chung nhau, cùng chia nhau theo nghĩa nhường cơm sẻ áo cho nhau chứ không có nghĩa thu gom tài sản, sản lượng của mọi người. Ngay như dịch đúng nghĩa của tiếng Pháp: commun = comme un: như một, giống nghĩa muôn người như một thời kháng chiến và nếu dịch thẳng ra tiếng Việt: Cùng chung nhau, cùng chia nhau, thì nhân đạo biết mấy.

Giai cấp vô sản cũng vậy: Prolétariat (Proletarius) dưới thời cổ La Mã dùng để chỉ một hạng công dân dưới cùng trong 6 hạng công dân La Mã, nhưng trên lớp người nô lệ (danh từ nôm na trong tiếng Việt, "phó thường dân", tình cờ mà hợp với lớp người này!). Thế kỷ thứ 18 trước Cách mạng Pháp, Montesquieu dùng từ đó để chỉ người sống bằng tiền lương, Marx và Ănghen cũng theo định nghĩa đó chứ không phải nghĩa dịch của chữ Hán vô sản, để chỉ hạng người không có tài sản gì. Marx dùng khái niệm prolétaire sống bằng tiền công là để đối lập với capitaliste sống bằng lợi tức sở hữu, chứ không để đối với bourgeois mà tiếng Hán dịch sai là tư sản. Nếu chuyển sang tiếng Việt, nên để theo cách phiên âm là prô-lê-te hay phó thường dân, chứ dịch thành vô sản theo tiếng Tàu là phản bội Marx.

Giai cấp tư sản mà tiếng Tàu dùng để dịch khái niệm classe bourgeoise của Marx cũng không đúng và đã đem đển rất nhiều đau thương cho những người dân bị qui vào thành phần đó. Trong tiếng Pháp, bourgeoisie gốc ở chữ la tinh borgesie được dùng từ thời Trung cổ để chỉ lớp người sống ở thành thị Âu Tây, trái với người nhà quê. Nếu theo tiếng Tàu, dịch là tư sản nghĩa là người có của để đối với những người vô sản không của thì tội cho những người đó quá. Từ khi Đổi mới, tư sản được gắn vào chữ dân tộc chỉ xoa dịu một phần của bao nhiêu đau khổ mà người bị qui vào thành phần đó phải chịu đựng trong 40 năm triệt hạ tư sản thành thị. Tiếng Việt có từ để dịch sát nghĩa từ bourgeoisie của Marx: dân kẻ chợ. Dân prolétaire hay dân làm công không có lý do gì để đấu tranh giai cấp với dân kẻ chợ thuần túy dân tộc!

Phong kiến mà Tàu dùng để dịch khái niệm féodalisme của phương Tây cũng hoàn toàn sai và còn có cái tác hại là đã bôi nhọ lịch sử của ông cha. Féodalité của Âu Tây chỉ có trong thời Trung cổ, khi mà vua còn yếu, quyền hành đất đai (fief, féodalis) bị chia xẻ bởi các lãnh chúa như hồi Thập nhị Sứ quân thời Đinh Tiên Hoàng. Người Tàu đem so sánh với thời nhà Chu, hơn 2000 năm về trước, mà ngay phong kiến kiểu Tàu cũng đã chấm dứt từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ. Phong kiến Tàu dài 1000 năm và kểt thúc hơn 1000 năm trước phong kiến Tây chỉ có một thời gian chừng 400 năm. Ở Việt Nam không có phong kiến kiểu Tàu và phong kiến kiểu Tây lại càng không có.

Chủ nghĩa tư bản, tiếng Tàu dùng để dịch capitalisme của tiếng Âu Tây cũng không hoàn toàn đúng, vì thật sát nghĩa thì trong từ capital có gốc La-tinh caput là đầu, phần chánh của con người, còn trong tư bản có chữ bản là nền tảng. Chữ trong tư bản vì đối nghịch với chữ cộng trong cộng sản cũng đủ để bị kểt tội rồi, trong khi chữ capital không có cái gốc gì gọi là cả. Nếu người Tàu muốn dịch cho đúng nghĩa thì phải dịch capitaltài lợi và ác hại thay, tài lợi lại đúng là mục đích làm ăn của người Tàu trong bất cứ thời đại nào!

Nói tóm lại, tuy Việt Nam luôn đề cao là được sống dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, nhưng đó là ánh sáng chỉ vào được Việt Nam qua cửa sổ Tàu và rọi lại hình Marx thì ít mà hình Mao thì nhiều. Vì Marx được hiểu theo tư duy của Mao nên mới có qui định thành phần, mới có tố khổ. Đã đển lúc phải làm một cụôc cách mạng văn hóa gạt bỏ những khái niệm Tàu, những tư duy Tàu ra khỏi tâm thức Việt Nam và hiểu Marx theo óc phần tích của người phương Tây.

Học thuyết Marx không thể gọi là chủ nghĩa theo định nghĩa Tàu. Không phải từ nào của tiếng Tây tận cùng bằng "isme" cũng phải dịch là chủ nghĩa cả. Khi không bị coi là chủ nghĩa nữa, Marx mất tính cách giáo điều và được sử dụng như một phương pháp phân tích lý luận như mọi học thuyết về triết học, về kinh tế khác, được đánh giá mỗi năm bằng giải thưởng Nobel. Đừng ngần ngại vì nôm na là "cha mách qué" mà không dùng nôm nếu có nghĩa chính xác hơn tiếng Tàu. Từ đổi mới không là nôm à? Còn những từ không có tương đương trong tiếng Việt, đừng ngại mà không phiên âm. Chữ Việt khác với chữ Hán là dùng để ghi phiên âm được. Đã xa cái thời mà oxy phải dịch theo Tàu là dưỡng khí, hydrôkhinh khí. Từ dialectique của tiếng Âu Tây cứ để nguyên là dia-lếch-tích, cần gì phải dùng từ biện chứng của Tàu.

© 2006 talawas