trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.2.2006
Phạm Xuân Yêm
Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam
 
Vấn đề chất lượng đại học tại Việt Nam từ nhiều năm qua đã được thảo luận, phân tích, đề xuất bởi đông đảo người ở trong cũng như ngoài nước [1] hằng ưu tư đến vận mệnh quốc gia, ước mong quê hương phát triển, dân mình văn hiến. Hỏi ai trong chúng ta mà chẳng thế ít nhiều? Sau chuyến thăm trường đại học Harvard của Thủ tướng Phan Văn Khải, dự án thiết lập một trường đại học hàng đầu ở Việt Nam vừa ra đời, hy vọng sẽ làm động cơ mở đường cho sự cải tổ (cơ chế vận hành và quản lý, không gian học thuật và nghiên cứu, tăng cường phẩm chất trong nghiên cứu-giảng dạy song hành với chính sách đãi ngộ, phương cách tuyển chọn sinh viên, cơ sở vật chất) mang tính bứt vọt trong ngành đại học nước nhà để trước mắt theo kịp mấy nước trong vùng rồi từng bước đạt tới chuẩn mực quốc tế [2] . Quả là một niềm vui bên thềm năm mới! Mấy khi hội tụ được cả ba yếu tố: thiên thời (cơ hội đã chín mùi với đề cương Thomas Vallely và báo cáo Henry Rososky) [3] - địa lợi (sự ổn định và cải thiện kinh tế trong khu vực Ðông Nam Á có khả thi được duy trì) - nhân hòa (mọi giới trong xã hội ý thức sự tụt hậu và đòi hỏi thay đổi đột phá, thế hệ trẻ linh động và khao khát có môi trường học tập tốt đẹp, thông tin nhanh chóng, nhiều mặt) để đẩy mạnh nền đại học nước nhà bước sang một kỷ nguyên đổi mới tươi sáng hơn.

Trước hết xin tóm tắt lại những gì chúng ta rút tỉa được từ các bài tham luận trước đây của nhiều vị về những nghịch cảnh trong hệ thống đại học Việt Nam, căn nguyên của vấn đề thiếu chất lượng cao. Ðó là cơ chế quản lý tập trung quan liêu xơ cứng, thể thức vận hành thiếu nhất quán mang hai đầu chuyên-hồng không cùng lô-gích [4] , quy chế thâm niên bế tắc làm nản lòng người tài trẻ, chính sách đãi ngộ không tương xứng, hình thức học hàm học vị nhiêu khê ít ăn nhằm với nhiệm vụ, tách biệt giữa nghiên cứu và giảng dạy, biên chế cứng nhắc với bình bầu thiếu cởi mở, cơ sở vật chất, thiết bị thực tập, thư viện, tập san chuyên môn, điều kiện truy cập internet và sách giáo khoa thiếu thốn, bệnh ham bằng cấp rởm (bất chấp nội dung học tập, miễn sao có chứng chỉ đậu đại học) lan tràn sang nhiều tầng lớp xã hội [5] . Rõ ràng có nhiều điểm trùng hợp với những nhận xét xác đáng trong phần đầu của bản đề cương Vallely. Khắc phục được những điều kể trên là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của nền đại học đẳng cấp quốc tế ở nước nhà.

Mặc dầu trong những tình huống như thế, ta phải thán phục năng lực sáng tạo âm thầm của nhiều nhà giáo tâm huyết tận tuỵ với nghề, sự cố gắng tìm tòi học hỏi của đa số sinh viên, sự hy sinh không bờ bến của phụ huynh, tất cả cùng nhau tìm ra lối thoát.


Chuyên gia trình độ quốc tế

Khó khăn đến vậy, hiện tình Việt Nam không quá mờ tối [6] về phương diện nhân sự trong khoa học tự nhiên. Ðể đánh giá bước đường đã đi, xin nhớ lại khoảng mươi, mười lăm năm trước đây thôi, trong cả nước ta số giáo sư của mỗi ngành khoa học tự nhiên (toán, cơ, tin học, lý, hoá, sinh) đạt tới tầm cỡ quốc tế (tiêu chuẩn quốc tế đại thể ra sao sẽ xin đề cập ở dưới) quả tình hiếm, thậm chí đếm được trên đầu ngón tay. Cũng dễ hiểu thôi, nửa thế kỷ trước đây, số tiến sĩ khoa học làm giáo sư đại học của cả nước ta chỉ có dăm ba vị. Mà để đại học có tầm cỡ quốc tế trong đội ngũ giảng dạy, tiến sĩ chỉ là điều kiện cần nhưng còn xa mới đủ, vì điều kiện tiên quyết để đạt tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi một thời gian “sau tiến sĩ’’ cực kỳ gian nan nhưng đầy lý thú, bảo đảm sự độc lập chín chắn trong quá trình sáng tạo, sự mở rộng trao đổi với các môi trường khác nhau để thanh lọc, đua tranh gay gắt, cập nhật thường xuyên tri thức chuyên môn, không kể sự quan trọng của cơ sở vật chất, thiết bị thực nghiệm, thông tin.

1. Tiêu chuẩn quốc tế: Những khía cạnh chất lượng cao tầm cỡ quốc tế mà nhà khảo cứu tiếp cận được trong thời gian vất vả “sau tiến sĩ’’ được thể hiện qua vài nét chính sau đây: (a) các công trình khoa học đăng trên các tạp chí uy tín (trong mỗi ngành khoa học tự nhiên, các tạp chí uy tín hàng đầu quốc tế dĩ nhiên đều rất ít, chúng có hệ thống bình duyệt nghiêm túc, khắt khe hai ba vòng phản biện. Thí dụ trong vật lý không một nước nào riêng biệt ở Âu châu như Ðức, Pháp, Ý… có một tạp chí quốc gia đủ uy tín hàng đầu quốc tế, họ bèn liên kết thành tập đoàn tạp chí Âu châu như Physics Letter, Nuclear Physics, European Physical Journal… cạnh tranh với Physical Review Letters, Review of Modern Physics, Physical Review… của Mỹ, Nature của Anh. Tiếng Anh đã từ lâu lắm rồi trở thành ngôn ngữ khoa học chung cho các tạp chí đẳng cấp quốc tế, nó còn thường xuyên được dùng trong các seminar, thậm chí luận án tiến sĩ của các đại học tầm cỡ ở nhiều quốc gia phát triển. Mấy đặc tính trên không những chỉ trong vật lý mà đại thể cũng tương tự trong các ngành khoa học tự nhiên khác từ toán đến sinh học; (b) số lần trích dẫn (citation index) các công trình khoa học của mình bởi đồng nghiệp giảng dạy - nghiên cứu trên khắp thế giới, mà đồng nghiệp cũng đồng thời là những người cạnh tranh ráo riết để tìm thấy trước hoặc tốt hơn; (c) các sách giáo trình phát hành bởi các nhà xuất bản danh tiếng và được chọn dùng trong nhiều đại học trên toàn cầu; (d) các báo cáo trong nhiều hội nghị quốc tế và sự cộng tác với các cơ quan giảng dạy - nghiên cứu hàng đầu trên thế giới; (e) sự nghiệp đào tạo các nghiên cứu sinh và tiến sĩ; (f) đối với các ngành khoa học ứng dụng, các văn bằng sáng chế và sự cộng tác với các công ty kỹ nghệ mang lợi nhuận cho cơ quan. Ở trong nghề ai cũng rõ những điều kể trên. Ðó là ít nhiều hành trang thông thường của những thí sinh, qua sự khảo sát chọn lọc của một hội đồng đại học, để đảm nhiệm chức vụ giáo sư (professeur ở Pháp hay full professor ở Anh, Mỹ), giảng sư [7] (maitre de conférences ở Pháp, senior lecturer ở Anh hay associate-professor ở Mỹ), hai chức vụ này đều có biên chế và được bảo đảm việc làm vững chắc. Số thí sinh nộp hồ sơ xin tuyển chọn vào một chức vụ giảng sư hay giáo sư thay đổi tùy theo từng đại học, ngành khoa học, thời điểm, nhưng đại thể tỷ lệ khá cao, từ năm bảy đến vài chục thí sinh cho một chức vụ giáo sư là chuyện thường thấy trong mấy đại học hàng đầu ở Pháp. Những chọn lọc này đều nghiêm chỉnh, công khai, thoáng mở để các tài năng đến từ mọi miền trên trái đất không phân biệt chủng tộc thi thố. Hội đồng đại học tuyển chọn giáo sư là những chuyên gia xuất sắc của đại học ấy, bổ túc thêm bởi một số giáo sư hay nghiên cứu gia cao cấp của các đại học hay cơ quan nghiên cứu danh tiếng khác ở trong hay ngoài nước được mời vào để bảo đảm tính cách vô tư, khách quan trong sự tuyển chọn. Trong những đại học hàng đầu ở các nước phát triển cao, không hiếm những đơn vị (sơ đồ cấu trúc đại học bao gồm nhiều “đơn vị’’ chia theo chuyên ngành) có đội ngũ giảng dạy - nghiên cứu mang nhiều quốc tịch khác nhau, phản ánh sự cởi mở và coi trọng tài năng bất kỳ từ đâu tới. Ðấy là tóm tắt sơ lược sự hình thành nhân viên giảng dạy - nghiên cứu của một đại học tiêu chuẩn cao quốc tế. Qua các tiêu chí (a) - (f), ta thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, sự thăng chức từ giảng sư lên giáo sư và thăng ngạch trong mỗi hàm tùy thuộc chủ yếu vào các công trình nghiên cứu, tài sư phạm hầu như vắng mặt trong sự tăng chức, tăng ngạch này. Cũng như ở nhiều nước phát triển cao, tổng số giờ giảng dạy trong một năm của giáo sư đại học ở Pháp chỉ có khoảng 130 giờ để thấy rõ tầm quan trọng mà họ phải bỏ hết thời gian còn lại làm nghiên cứu. Con số đó có lẽ chưa bằng nửa số tiết mà các nhà giáo đại học Việt Nam phải đảm nhận, quá nhiều giờ lên lớp họ nào còn thời gian để cập nhật tri thức chuyên môn, đừng nói chi đến nghiên cứu với cơ sở vật chất và lương bổng thiếu thốn. Chính vì sự quan trọng của khảo cứu tìm tòi mà các đại học hàng đầu ở các nước phát triển đều có sự hỗ trợ thường xuyên tích cực của các cơ quan quốc gia nghiên cứu khoa học cơ bản như National Science Foundation ở Mỹ, Max-Planck-Gesellschaft ở Ðức, Centre National de la Recherche Scientifique (CNRS) ở Pháp. Ở xứ này, CNRS liên kết mật thiết với các đại học, đặc biệt trong các lớp cao học M (master) và D (doctorat). Hai lớp M, D nằm trong hệ thống L-M-D với học trình 3-5-8 năm sau tú tài, gồm có L (licence, 3 năm đầu đại học), M (hai năm sau L) và D (ba năm sau M). Hệ thống này phổ biến khắp Âu châu để hoà nhập với hệ thống Undergraduate-Graduate-PhD trên thế giới. Cũng như hệ thống đại học, hệ thống CNRS chỉ có hai đẳng cấp, đó là giám đốc nghiên cứu (directeur de recherche) và đặc nhiệm nghiên cứu (chargé de recheche), tương đương với hai đẳng cấp giáo sư đại học và giảng sư đại học về lương bổng, chức vụ và nhất là phương cách tuyển chọn trên bình diện toàn quốc. Không một đơn vị nào của những đại học hàng đầu nước Pháp mà không phải là một tập hợp của một số giám đốc và đặc nhiệm nghiên cứu, đảm nhận cùng với các giáo sư và giảng sư đại học công cuộc khảo cứu và đào tạo. Ðại thể cũng như vậy với các nước phát triển cao, Hàn quốc là một thí dụ gần đây nhất.

Ngạn ngữ đầy ẩn dụ publish or perish từ mấy chục năm nay vẫn chưa thấy lỗi thời và tiêu chí “số lần trích dẫn’’ thịnh hành khoảng hai mươi năm gần đây trong vật lý [8] đã lan rộng sang khắp các ngành khoa học tự nhiên. Dù nó chưa là thước đo chất lượng cao hoàn hảo nhưng có lẽ tương đối khách quan và khả tín. Ðiều này hoặc vì thiếu thời gian, hoặc vì thông tin thiếu sót nên hầu như bị bỏ quên trong quá trình xây dựng đại học ở nước nhà.

2. Sơ lược về hiện tình: Trở lại vấn đề nhân sự, trong hai mươi năm chiến tranh và hơn mười năm trước thời Đổi mới, hầu hết các chuyên gia trong đội ngũ giảng dạy đại học ở Việt Nam, sau khi được gửi đi đào tạo để lấy bằng tiến sĩ ở các nước Ðông Âu (miền Bắc), Tây Âu - Mỹ (miền Nam) chưa có đủ thời gian “sau tiến sĩ’’ rất cần thiết đã trở ngay về nước phục vụ; nếu không làm sao xây dựng được đại học nước nhà như ta thấy ngày nay? Trong thời điểm bấy giờ đó là biện pháp cần thiết, chính là một vốn quý ta nên trân trọng đánh giá cho đúng mức. Nhưng xã hội không ngừng thay đổi, sự hội nhập và toàn cầu hoá khiến cho sự đòi hỏi chất lượng cao mang tiêu chuẩn quốc tế không sao trì hoãn được, vì chất lượng cao - đồng nghĩa với nghiên cứu - chính là động cơ cho sức cạnh tranh để phát triển bền vững nền khoa học và công nghệ nước nhà, cung cấp nhân tài cho xứ sở.

Mừng thay khi nhà nước mở cửa, không ít sinh viên cao học (sau cử nhân, thạc sĩ) bằng cách này cách khác sang Âu, Mỹ, Nhật, Úc để tiếp tục học hỏi nghiên cứu, một phần ở lại chưa về nước. Hơn mười lăm năm sau, chính nhờ các thanh lọc nghiêm túc cùng cạnh tranh khó khăn qua các tiêu chuẩn nói trên, một số không nhỏ các tiến sĩ đó đã trở thành giáo sư, giảng sư, các nhà nghiên cứu cao cấp trong các đại học hay các cơ quan nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế ở nhiều nước phát triển [9] . Ðó là tiềm năng chất xám quý báu của dân tộc ta, chất xám ấy lại mang thêm một đặc điểm nữa mà hiếm các quốc gia khác có được, đó là sự phong phú đa dạng của các thành phần đến từ nhiều chân trời văn hóa khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, từ Ðông qua Tây Âu, đến Bắc Mỹ châu, Nhật, Úc, được thử thách thanh lọc theo tiêu chuẩn quốc tế. Lại thêm biết bao tài năng, đặc biệt với thế hệ thứ hai, nằm trong cộng đồng hơn hai triệu Việt kiều ở khắp năm châu [10] . Âu cũng là cái may của lịch sử Việt Nam cận đại!

Thực ra vấn đề xuất cảng (sớm muộn trở thành giao lưu) chất xám đã xảy ra từ lâu ở các nước lân cận Việt Nam [11] . Do lòng gắn bó với cội nguồn, môi trường hoạt động thoải mái thoáng đãng và chính sách đãi ngộ thích ứng ở các nước đó, phần đông các nhân tài đã trở về cố hương đóng góp cho sự phát triển kỳ diệu của nước họ, trong đó các đại học và viện công nghệ mang tầm quốc tế [12] giữ vai trò không nhỏ.


Khoán và cạnh tranh, một bước ngoặt trong cơ chế?

Rõ ràng vấn đề nhân sự, với các tài năng trải rộng khắp năm châu, là một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng chưa đủ có tính cách quyết định để xây dựng nổi một đại học uy tín, chất lượng hàng đầu mang tiêu chuẩn quốc tế mà nước ta còn thiếu sót để bứt phá ra khỏi tình trạng hiện tại. Làm sao cổ động, tập hợp trong một cơ chế hợp tình hợp lý không khiên cưỡng, những cá nhân xuất sắc nhất của mỗi ngành khoa học ở trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, có tâm có đức có tài, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho đại học, góp phần vào sự nghiệp chung phát triển đất nước, tiến về một xã hội văn hiến, tự do dân chủ, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Nhiều ý kiến sâu sắc đã và đang được đề xuất [13] , người viết bài chỉ xin gợi vài ý kiến cho rộng đường dư luận.

1. Tự chủ trong quản lý: Sự hình thành Cao uỷ Năng lượng Nguyên tử (CEA hay Commissariat à l’Energie Atomique) của Pháp xin được kể sơ qua để chúng ta cùng nhau rút tỉa vài kinh nghiệm về phương cách tổ chức, dĩ nhiên cần được hiểu một cách linh động theo những tình huống của thời điểm nửa thế kỷ trước đây. Sau Thế chiến thứ Hai nền khoa học tự nhiên của Pháp (và nói chung của cả Tây Âu) đặc biệt về vật lý - cái nôi nuôi dưỡng của công nghệ cao, hạt nhân nguyên tử ở thời điểm bấy giờ - thực chất chỉ còn là hình ảnh lu mờ của một thời vang bóng. Biết bao tài năng [14] đã mệnh một trong các trại tù Ðức Quốc xã hoặc di tản sang Bắc Mỹ châu. Tướng De Gaulle, cùng với Đồng minh giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng Hitler, luôn nặng mang hoài bão muốn đất nước trở lại vị thế cường quốc ngày xưa, đã lấy quyết định làm một trái bom hạt nhân, mặc dầu cần giải quyết gấp rút biết bao đại sự về kinh tế, xã hội trong công cuộc tái thiết. Ông khoán trắng nhiệm vụ này cho GS. Joliot Curie [15] , chuyên gia hàng đầu nước Pháp về nguyên tử, để tập hợp trong CEA (trực thuộc vào thủ tướng phủ) những tài năng của Pháp tản mạn khắp nơi trên thế giới để khảo cứu, thu thập thông tin, kinh nghiệm rồi hành động. Chính phủ đổi thay từ hữu sang tả, De Gaulle đến Mendès France, nhưng CEA vẫn giữ nguyên quyền tự chủ trong cơ chế quản lý, hành chánh, ngân quỹ, tuyển chọn nhân viên, điều kiện tiên quyết để hoàn tất nhiệm vụ. Rồi sau đó là cả một tiến trình thay đổi ngoạn mục từ vũ khí quốc phòng sang công nghệ cao dân sự [16] . Một thí dụ khác tương tự là Viện Khoa học và Công nghệ Hàn quốc (KIST, Korean Institute of Science and Technology) [17] , và chúng ta không quên chuyện khoán tang thương đi trước thời đại của ông Kim Ngọc tỉnh ủy Vĩnh Phúc để giải quyết vấn đề gạo.

Dĩ nhiên khó có thể áp dụng nguyên tắc tự chủ một cách máy móc cho các đại học hiện hữu, phải cần một thời gian điều chỉnh. Nhưng làm thí điểm với một hai đại học mới, nhỏ về số lượng sinh viên cũng như đội ngũ giảng dạy - nghiên cứu nhưng có chất lượng cao, thực sự mang tiêu chuẩn quốc tế, là điều khả thi trong một thời gian không quá xa vời. Sự đào tạo đội ngũ trên (bằng nghiên cứu sau tiến sĩ’’ gian nan đề cập ở phần trên) có lẽ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tiến trình cải thiện nền đại học nước nhà. Sự nghiệp đào tạo này đòi hỏi thời gian, tiền của nhưng không thể trì hoãn mãi vì trong nước số cầu khá cao [18] mà cung thì không đủ [19] .

2. Không gian học thuật và nghiên cứu: Việc rất khả thi và nhanh chóng nên làm đầu tiên để cải thiện chất lượng nền đại học khoa học tự nhiên là đào tạo sinh viên ở trình độ cử nhân làm sao cho đạt tới tiêu chuẩn quốc tế. Thực ra việc đó đã tiến hành ở vài nơi coi như thí điểm [20] nhưng hãy còn quá cục bộ. Sự hợp tác giữa các đại học với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam(VAST) [21] , nơi tập trung một số những nhà nghiên cứu khoa học có trình độ quốc tế, cần được phát triển mạnh mẽ với quy chế thoáng rộng để hai bên chung sức đào tạo ở trình độ cử nhân chất lượng cao những sinh viên ưu tú nhất. Những cử nhân có trình độ cao ngang tầm quốc tế này sẽ được gửi đi đào tạo tiến sĩ và sau tiến sĩ trong những đại học hay viện nghiên cứu hàng đầu [22] tại các nước phát triển cao Âu, Mỹ, Á, Úc. Họ sẽ là thành phần tiên phong của đội ngũ giảng dạy - nghiên cứu của một hai đại học-nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế ở nước ta trong tương lai. Chương trình dài hạn này không nhất thiết trái ngược mà còn bổ túc cho sự thành lập nhanh chóng một trường đại học mới đẳng cấp quốc tế [23] mà nòng cốt của đội ngũ giảng dạy phải được tuyển chọn theo tiêu chí quốc tế trong số những chuyên gia tầm cỡ của VAST cùng hai Ðại học Quốc gia, cộng tác mật thiết với những đồng nghiệp xuất sắc ngoại quốc, gốc Việt hay không. Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng trong tiến trình đạt tới tiêu chuẩn chất lượng cao quốc tế là sự thi đua lành mạnh và liên tục - trong một khung pháp lý nghiêm chỉnh, đồng thuận - giữa các đại học và ngay cả giữa các thành phần trong cùng một đại học. Chưa thấy trong bất kỳ sinh hoạt nào của con nguời với cơ chế tập trung khép kín, thiếu đua tranh và thông tin, mà không sớm muộn đưa đến những nghịch cảnh, cản đường cho sự phát triển toàn bộ.

Thay lời kết, thiết tưởng việc xây dựng nói trên là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta, chính quyền cũng như công dân, từ trái tim đến với trái tim [24] cùng dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ [25] để con em mình sau này sẽ hãnh diện là người Việt Nam của cộng đồng năm mươi bốn sắc tộc, chung sống hài hòa tình nghĩa trên đất nước thân yêu.



Phạm Xuân Yêm: Nguyên giám đốc nghiên cứu, Đại học Pierre et Marie Curie, Paris (Pháp), đồng tác giả với GS. Hồ Kim Quang (Canada) soạn cuốn giáo trình về vật lý hạt cơ bản, Elementary Particles and their Interactions, Concepts and Phenomena, Springer-Verlag, Berlin, New York (1998).

eMail: pham@lpthe.jussieu.fr

Website: http://www.lpthe.jussieu.fr/~pham

© 2006 talawas




[1]Làm sao liệt kê cho hết những bài viết từ bao năm qua về những vấn đề đại học ở Việt Nam của Hội Khuyến học, của các tập san như Tia sáng, Khoa học và Tổ quốc, Lao động, của các mạng thông-truyền tin như talawas, VietNamNet, Thời Đại (mục Giáo dục). Ðể lấy vài thí dụ, xin tạm kể đóng góp của các GS. Hoàng Tụy, Dương Thiệu Tống, Nguyễn Văn Chiển, Phan Ðình Diệu, Phạm Duy Hiển, Nguyên Ngọc, Lê Ðăng Doanh, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Xuân Hãn, Ðặng Ðình Thi ở trong nước, Bùi Trọng Liễu, Vĩnh Sính, Vũ Thiện Hân, Trương Vũ, Trần Nam Bình, Vũ Quang Việt, Nguyễn Ðình Ðăng ở ngoài nước. Người viết bài này còn nhớ đầu năm 1997 bàn luận với GS. Ðặng Vũ Minh (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhân chuyến ông thăm viếng Đại học Paris, về mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy ở khắp các đại học có tiêu chuẩn quốc tế trên thế giới (ở Việt Nam chuyện bình thường này lại hầu như vắng mặt) và đưa ông bài báo của tờ Asiaweek năm ấy lần đầu sắp hạng các đại học Á-Úc trong đó Đại học Quốc gia Hà nội đứng hàng quá thấp, để ông kịp thời báo động với các đồng nghiệp hữu trách bên nhà.
[2]Một ban đặc nhiệm về dự án này đã được chỉ định, chủ trì bởi GS. Trần Xuân Giá, Le courrier du Vietnam 27 /01/ 2006, http://lecourrier.vnagency.com.vn
[3]xem http://vietnamnet. vn/dhqt/2005/10/496679/ và báo Tia sáng.
[4]Không kể đến ảnh hưởng tai hại (Mao chủ nghĩa, lý lịch thành phần) trước thời Đổi mới mà một số nhà giáo thực tài bị cô lập hóa, “đánh bật’’ ra ngoài đại học.
[5]Tệ nạn này đưa đến sự hủ hoá một số không nhỏ các nhà giáo bán mua bằng cấp, điểm thi cử.
[6]Nhận xét khách quan của đông đảo các nhà quan sát nghiêm túc ngoại quốc, thí dụ GS. Thomas Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard, xem phụ chú 3 ở trên, GS. Odon Vallet, Đại học Paris, ân nhân của học sinh sinh viên nghèo giỏi, mỗi năm tặng gần hai ngàn học bổng cho Việt Nam.
[7]Hay Phó Giáo sư (PGS) ở Việt Nam. Dịch sát nghĩa, chưa thấy đâu có chức vụ vice-professor hơi độc đáo. Còn danh từ “trợ giáo sư’’ có thể bị hiểu lầm như assistant-professor ở Mỹ là một chức vụ tạm thời trong khoảng 5 năm, trước khi được tuyển chọn lên associate-professor là chức vụ có biên chế vững vàng như full professor.
[8]Với http://www.slac.stanford.edu/spires bên vật lý để làm thí dụ.
[9]Bảng thống kê chi tiết của GS. Nguyễn Tiến Dũng trong http://zung.zetamu.com/THVN_Appendix.pdf là một thí dụ cụ thể về ngành toán học. Về vật lý, kết quả có lẽ cũng tương tự theo sơ ước của người viết, với vài thí dụ trong thế hệ trẻ như GS. Ðàm Thanh Sơn ở Seatle (Mỹ), GS. Lê Thành Vinh ở Marseille (Pháp). Về tin học có thể còn nhiều hơn chăng, vì người làm nghiên cứu nhiều hơn. Ðấy là không kể biết bao chuyên gia cao cấp trong các ngành khoa học và công kỹ nghệ từ hóa đến sinh học, kinh tế, tài chính, quản trị.
[10]Ðiều này đã được đề cập nhiều trên báo chí, mạng internet, truyền hình, tưởng không cần nhắc lại. Nghe đâu có một thông tin rất tượng trưng là tại tiểu bang Massachusetts, nơi tập trung các đại học Harvard, MIT hàng đầu nước Mỹ, hiệp hội ái hữu sinh viên Việt Nam có chủ tịch là một cô từ trong nước sang và phó chủ tịch là một cậu trong một gia đình Việt kiều thuyền nhân di tản. Mừng thay với thế hệ trẻ!
[11]Như Trung Quốc trong hai mươi năm qua có vài chục ngàn sinh viên giỏi sang Mỹ học tập nghiên cứu, qua sự trung gian tích cực của GS. Lý Trung Ðạo giải Nobel vật lý ở đại học Columbia, như Ðài Loan từ thời tổng thống Tưởng Kinh Quốc, như Hàn Quốc từ thời tổng thống Phác Chánh Hy.
[12]Bên Hàn Quốc như Viện Công nghệ Pohang, KAIST (Korean Advanced Institute of Science and Technology), bên Trung Quốc như Đại học Thanh hoa, Phúc Đản, Hồng Kông, bên Ấn Độ với Viện công nghệ Tata và khu công nghệ phần mềm tin học Bangalore.
[13]Xem phụ chú 1 và nhiều bài viết nghiêm túc trong mục giáo dục đại học của các mạng talawas, VIetNamNet, Thời Đại gần đây. Chắc chắn có nhiều bài mà người viết không được biết, xin các tác giả lượng tình thông cảm.
[14]Như Georges Bruhat, Léon Brillouin vài thí dụ tượng trưng.
[15]Trong thời điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ 1945 đến cuối thập niên 80, phải thấy tầm nhìn xa của De Gaulle (một người chống đối mạnh mẽ ý thức hệ cộng sản) đã tin và giao trọng trách cho GS. Joliot Curie, uỷ viên cao cấp Đảng Cộng sản Pháp.
[16]Thêm một bài học sáng ngời về cái thức thời biết chuyển đổi linh động từ ban đầu nghiên cứu cơ bản trong vật lý lượng tử, chế tạo vũ khí hạt nhân sang lò điện uranium dân sự (80% điện ở nước Pháp, an toàn không đâu so kịp), rồi sang công nghệ cao hiện đại vi điện tử, quang điện tử với MINATEC (Micro–Nano-Technology), năng lượng nhiệt hạch “sạch’’ với ITER (International Thermonuclear Experimental Reactor) ở Cadararache ngày nay. Những thành công kể trên đều chủ yếu khai phát từ CEA, minh hoạ cái ưu điểm của cơ chế tự chủ trong quản lý và tuyển chọn.
[17]Bài của GS. Choi Hyung-Sup, Viện trưởng đầu tiên của KIST trong Một góc nhìn của trí thức, tập một, nxb Trẻ (2002).
[18]Số sinh viên sang Âu châu, Mỹ châu, Nhật, Úc châu, Singapore tìm môi trường học tập chất lượng cao ngày càng đông, riêng ở Pháp có đến hơn bốn ngàn em. Ða số không phải chỉ vì không đậu được vào các đại học quốc gia hay bách khoa quá khó khăn ở trong nước mới phải ra ngoài. Trái lại là khác! Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ, nhưng về khoa học tự nhiên, kinh tế, tài chính, quản lý, sự du học của đa số sinh viên hàm nghĩa tìm chất lượng tốt.
[19]Cái nghịch cảnh (chất lượng cao đã hiếm lại thêm số lượng cung không đủ, kèm theo phương cách tuyển chọn sinh viên phức tạp, kinh điển, thuộc lòng) của nền đại học phải chăng là ở chỗ đó phần nào? Chuyện lão hoá của đội ngũ giảng dạy đại học là khía cạnh quan trọng khác cần nhấn mạnh.
[20]Lớp cử nhân tài năng ở Đại học Quốc gia Hà Nội mở ra năm 1997, sau đó các đại học khác như Bách khoa, Sư phạm, Công nghệ… ở khắp nước cũng lập những lớp đào tạo chuyên ngành cho sinh viên ưu tú, là điều đáng khích lệ. Khoảng mươi năm nay, gần trăm sinh viên xuất sắc ở các lớp này đã được tuyển chọn (bởi các GS. Pháp sang Việt Nam trực tiếp sát hạch) để theo học tại trường Bách khoa (Ecole Polytechnique), một trong vài trường uy tín hàng đầu nước Pháp. Ðại đa số đều thành công sau 2 năm học tập, năm 1999 có anh Ngô Ðắc Tuấn đồng thủ khoa với một bạn Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi ra trường, một số đang và đã soạn xong luận án tiến sĩ toán, lý, tin học, hoá sinh học, công nghệ cao thông-truyền tin, vi và quang điện tử, kinh tế tài chính… và còn tiếp tục nghiên cứu “sau tiến sĩ’’ ở các nước phát triển. Trường Polytechnique này đào tạo sinh viên trình độ M (master) về khoa học tự nhiên, sau một kỳ thi tuyển khắt khe dành cho những sinh viên học xong 2 năm dự bị (classes préparatoires), 2 năm này đại thể cùng chương trình học với 2 năm đầu của L (licence) trong các đại học. Tuy nhiên lớp dự bị thường được đào tạo kỹ lưỡng hơn lớp L, một đặc trưng của nền giáo dục Pháp với hệ thống song hành Grandes Ecoles-Universités!
[21]VAST (Vietnam Academy of Science and Technology) ngoài nhiệm vụ chính của mình còn có chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng trong hoàn cảnh chung của nền đại học Việt Nam, quả tình khó đạt tới tiêu chuẩn quốc tế cho những tiến sĩ này nếu không có những thay đổi đột phá. Chính vì thế, thà lùi một bước để tiến lên hai bước, ta tập trung vào đào tạo cho thực tới tầm quốc tế ở trình độ cử nhân thôi, điều rất khả thi trong thời điểm bây giờ.
[22]Những Harvard, Stanford, Cambridge, Oxford, để lấy vài thí dụ tượng trưng là những đại học-nghiên cứu tuyển chọn sinh viên cao học Graduate-PhD từ những cử nhân (Undergraduate) xuất sắc ở khắp nơi trên thế giới. Muốn được tuyển vào làm luận án tiến sĩ ở các đại học tầm cỡ trong những nước phát triển cao, dĩ nhiên trình độ sinh viên Việt nam cũng phải có trình độ tiêu chuẩn quốc tế như mọi sinh viên khác.
[23]Xem bài của các GS. Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy, Lê Ngọc Trà trong Tia sáng tháng 12/2005, Ðặng Ðình Thi trong VietNamNet 28/01/2006. Ngoài vấn đề đội ngũ giảng dạy ra, quy chế tự chủ, chính sách đãi ngộ, không gian học thuật, hướng nghiên cứu và phương pháp, mở rộng cộng tác (theo hợp đồng dài ngắn hạn) với những chuyên gia tài năng nước ngoài là những điều vô cùng quan trọng cần thực hiện để đảm bảo cho sự thành công của đại học đẳng cấp quốc tế này. Việc trước mắt, tượng trưng cho quyết tâm của chính quyền muốn hội nhập vào tiêu chuẩn đại học quốc tế, là trong học trình của khoa học tự nhiên kinh tế nên bỏ hai môn Học thuyết Mác Lê và Lịch sử Ðảng (chữ Đảng viết hoa). Những môn này phải coi như bổ túc cho kiến thức chung của triết học nhân loại và lịch sử thăng trầm quốc gia, thiết tưởng nên dành cho ngành khoa học nhân văn, xã hội hoặc để cho sinh viên tự chọn theo nhu cầu, sở thích. Trong hồ sơ các em sinh viên trong nước sang ghi tên du học về ngành khoa học tự nhiên, hai môn kể trên có hệ số tính điểm khá cao chẳng thua các hệ số về toán, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ. Ở các nước phát triển, không đâu có hai môn bắt buộc này. Người viết bài cũng như nhiều bạn trên thế giới đã mất công sức giãi bầy với đồng nghiệp và bộ máy hành chính đại học mình khi họ xét hồ sơ tuyển chọn sinh viên Việt Nam sang du học, đặc biệt với trường Louis Le Grand và Henri IV để theo học hai năm lớp dự bị (phụ chú 20). Ðể so sánh công bằng với sinh viên các nước khác trong việc tuyển chọn, hai môn “không khoa học tự nhiên’’ này bị loại bỏ tự động, làm lãng phí thời gian cho cả người dạy lẫn người học.
[24]Nhan đề bài viết của quý ông Nguyễn Trung http://zdfree.free.fr/diendan/dossiers/NgTrungTuTraiTim.html
[25]Chép mượn nhan đề bài lý luận của nhà sinh học đa tài Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu) ở Ðà Lạt, viết năm 1988.