trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
2.3.2006
Trần Nguyễn Bảo Anh
Muốn vươn lên, Đảng phải tự cởi trói mình và đổi mới toàn diện
 
Để mở đầu cho bài viết này tôi xin trích dẫn một câu nói của Einstein: “Mọi quá trình diễn ra đều quyết định bởi quy luật tự nhiên, và điều này cũng áp dụng cho mọi hoạt động của con người”.

Vâng, cái mà tôi muốn trình bày ở đây là quy luật. Quy luật xã hội, và Việt Nam phải làm gì với quy luật đó? Nếu lấy mục tiêu Việt Nam phải trở thành một nước giàu mạnh văn minh, công bằng, dân chủ và hạnh phúc theo đúng nghĩa của nó trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể, là điều bắt buộc thì cũng có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải làm những gì? Đâu là thực tế khách quan, đâu là quy luật?

Và cũng xin lưu ý là chúng ta - con người - chỉ có quyền chọn giải pháp mà không có quyền chọn qui luật. Các giải pháp chọn lựa sẽ là đúng và sai có nghĩa là rút ngắn hoặc kéo dài thời gian để đạt được mục đích của mình.

Như vậy với cái mục đích bắt buộc như trên, chúng ta không được phép có chọn lựa sai. Với cách đặt vấn đề như vậy chúng ta đi vào vấn đề cụ thể là: sau đổi mới kinh tế bước tiếp theo là phải làm gì?

Theo qui luật phát triển của xã hội thì mỗi quá trình chuyển đổi từ thể chế này qua một thể chế, chế độ cao hơn nó được diễn ra tự nhiên theo từng bước. Sự xuất hiện của các phát minh sáng kiến khoa học đẩy kinh tế phát triển và năng suất lao động lên cao, dẫn đến sự thay đổi và phát triển về nhận thức và văn hoá trong xã hội. Và cuối cùng Nhà nước cũng như lực lượng thống trị trong đó, là lực lượng “luôn luôn đi sau cùng trong tiến trình đổi mới và phát triển”. Đối với Việt Nam, cũng không thể nằm ngoài qui luật phát triển đó nhưng có một số đặc điểm riêng. Do tác động của thế giới và nguyên nhân lịch sử để lại. Về khoa học và kinh tế, Việt Nam bị cuốn theo trào lưu chung của thế giới. Về văn hoá và tư tưởng, xét theo lịch sử phát triển của văn hoá, Việt Nam gần như chưa bao giờ tự lập được về tư tưởng và văn hoá.

Cái kết quả ngày hôm nay luôn là công cụ nằm trong mưu đồ của các thế lực ngoại bang từ Á sang Âu - Việt Nam đi chậm so với thế giới hơn một chu kỳ. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đang thiếu một cái nội lực để tự phát triển.

Thực tế hiển nhiên là không một cá nhân, cộng đồng, quốc gia nào có thể giàu có và thịnh vượng mà lại không có tự lập về ý thức và phát triển về văn hoá.

Như lời của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong một bài phát biểu gần đây có nói: “Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam ta đứng trước những vận hội mới tốt đẹp như ngày nay, một thời kỳ hoà bình lâu dài để xây dựng đất nước, không phải đối mặt với một kẻ thù trực tiếp nào, và mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều khát khao đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nung nấu ý chí trỗi dậy mạnh mẽ, gạt bỏ những kiềm hãm và tự mình trói mình để chấn hưng đất nước. Đất nước ta muốn là bạn bè và đối tác với tất cả các nước trên thế giới, đang hội nhập ngày càng sâu sắc vào nền kinh tế thế giới.” (Lê Đăng Doanh, “Kỳ vọng cho năm Bính Tuất”)

Vâng, cái mà tôi muốn gửi tới trí thức, mọi người Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam là chúng ta phải tự lập về ý thức và văn hoá, gạt bỏ những kiềm hãm và tự mình cởi trói mình để chấn hưng đất nước.

Chúng ta không còn con đường để chọn lựa mà phải tự trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong tinh thần ấy tôi sẽ trình bày các quy luật phát triển để chúng ta, mọi người tự xem có dám trỗi dậy hay không? Tuy nhiên trong quá trình bày, phân tích sẽ không thể tránh khỏi những va chạm, đụng độ và làm không ít người đau đớn, vì đó là thực tế. Nhưng theo kinh nghiệm và suy nghĩ của tôi, trong cuộc giải phẫu này, đối với những người can đảm và thực sự mong muốn sự trỗi dậy của đất nước, thì dùng ngôn ngữ để làm thuốc tê là không cần thiết.

Vâng, cái rào cản lớn nhất, cái tự mình trói mình ấy chính là học thuyết của chủ nghĩa Mác, mà lâu nay không ít người không biết, không ít người tránh né và không ít người bảo vệ ca ngợi nó, yêu nó.

Hôm nay chúng ta hãy mổ xẻ, phơi bày nó để mọi người tự bày tỏ thái độ của mình - cái thái độ nhằm phục vụ cho mục đích là Việt Nam phải trở thành một nước giàu có và văn minh. Một bước đột phá về tư tưởng - vẫy tay tạm biệt một quá khứ với cái vòng kim cô hào nhoáng nhưng khó chịu trên đầu, với quá khứ của những người Việt xấu xí, để trở thành một dân tộc tự tin và can đảm - là cần thiết.

Như tôi đã đề cập sơ qua trong bài “Việt Nam phát triển không có hệ thống lý thuyết cơ bản” thì cái sai lớn nhất của Mác là thiếu hệ thống lý luận về khoa học xã hội, tức hệ thống lý thuyết cơ bản về khoa học xã hội.

Trong công trình của ông, chủ yếu gồm những phần triết học cơ bản hoặc là những tiền đề triết học. Phần lớn là kinh tế chính trị nằm ở bộ Tư bản luận, và một số vấn đề về nhà nước.

Xin lưu ý là đó cũng là nguyên nhân của sự thử nghiệm các mô hình xã hội trong suốt quá trình tồn tại của CNXH hiện thực, và sự sụp đổ của hệ thống đó. Xây dựng xã hội trong tình trạng không có hệ thống lý thuyết cơ bản. Vì không có nó Mác đã lạc đường trong lý luận. Như vậy, để làm sáng tỏ vấn đề chúng ta phải trở lại từ đầu xem xét các tiêu đề triết học, xây dựng lại hệ thống lý thuyết cơ bản, điều chỉnh lại những sai lầm trong Tư bản luận, và nhận thức khách quan và khoa học về vấn đề nhà nước (trong phạm vi bài viết này người viết không thể trình bày tất cả mọi vấn đề mà chỉ đi vào những tiên đề triết học chính và những quy luật cơ bản. Những trao đổi khác xin hẹn ở những bài sau hoặc ý kiến thắc mắc xin liên lạc tại địa chỉ email).

Hệ thống lý thuyết cơ bản là gì?

Chúng ta hãy cùng nhau đi xây dựng hệ thống lý thuyết cơ bản đó. Theo nguyên tắc của khoa học, muốn khẳng định một qui luật, với khoa học tự nhiên, là các tham số phải được nối liền bởi một phương trình duy nhất.

Vơi khoa học xã hội thì sao? Đâu là phương trình duy nhất? Và những tham số ấy là gì? Tôi sẽ đưa ra cái kết quả của phương trình đó trước, sau đó chúng ta cùng phân tích.

Dù người đó là ai, tin vào điều gì, theo học thuyết nào thì cái mục đích cuối cùng là phát triển đông thời 3 đối tượng tự nhiên, con người và xã hội. Và cả 3 đối tượng ấy không thể tách rời, tác động qua lại và tương hỗ.

Do đó ta có 3 hệ thống cân bằng, kết hợp 1, 2, 3:



Đó là mối quan hệ đa phương hai chiều và cân bằng lẫn nhau của tự nhiên, con người, xã hội.

Tại sao lại là đa phương, hai chiều và cân bằng? Tôi có thể khẳng định ngay rằng bởi vì trong tự nhiên không có mối quan hệ đơn phương, một chiều. Thứ hai, trong mọi mối quan hệ nếu hệ cân bằng bị phá vỡ thì chủ thể hoặc khách thể đó không tồn tại, dù nó sẽ tồn tại ở một thể trạng khác. Mà ở đây chúng ta đang nói đến cái hiện hữu, cái đang tồn tại “là tự nhiên, con người, xã hội”.

Và sau đây chúng ta đi tìm hiểu quá trình hình thành những nguyên tắc cơ bản, sự liên hệ của ba hệ cân bằng ấy. (Cân bằng lý thuyết, trong thực tế không có sự cân bằng tuyệt đối).


Thứ nhất là quy tắc kế thừa quy luật và phát sinh quy luật.

Theo tiến trình của phương trình, theo thời gian thì tự nhiên có trước, sau đó xuất hiện sự sống. Điều kiện cần và đủ để sinh ra con người (sinh học). Con người là sản phẩm của tự nhiên, do đó qui luật tồn tại và phát triển của con người phải tuân thủ và chịu sự chi phối những nguyên tắc, điều kiện và qui luật của tự nhiên nơi đã sinh ra nó. Đó là điều hiển nhiên.

Con người quan hệ và trao đổi với nhau sinh ra xã hội. Ở đây - xã hội, cũng vậy, phải tuân theo và chịu sự chi phối bởi con người đối với những nguyên tắc, điều kiện, qui luật tồn tại và phát triển con người, nơi đã sinh ra xã hội.

(Cũng cần làm rõ thêm về hai chữ “xã hội”, nó bao gồm những con người có ý thức và hệ thống tài nguyên mà con người đã xây dựng nên, có nghĩa là chúng ta phải phân biệt 2 con người. Một là con người tự nhiên (sinh học) do quan hệ hai chiều với tự nhiên sinh ra các đặc điểm sinh lý tự nhiên con người. Và con người thứ hai trong chúng ta là con người xã hội tức là khi con người quan hệ trao đổi với nhau sinh ra các đặc điểm tâm sinh lý xã hội con người như đạo đức, danh dự, tình yêu, giá trị,…)

Do đó ta có nguyên tắc của sự hình thành xã hội như sau: Tự nhiên là cái gốc ban đầu. Con người quan hệ với tự nhiên, lao động, chế tạo công cụ phương tiện lao động. Con người quan hệ với nhau, qua chế tạo công cụ và phương tiện cần trao đổi mà hình thành nên xã hội loài người.


Thứ hai là qui luật của sự chọn lựa tự nhiên hay qui luật tiến hoá trong xã hội loài người.

Ở đây tôi xin nói ngay, rằng đã có một sự hiểu sai nghĩa trong định luật của Darwin trong xã hội, cũng như Mác đã hiểu không đầy đủ định luật ấy. Trong thế giới tự nhiên, quan hệ trực tiếp và nhu cầu trực tiếp, còn ở xã hội loài người là quan hệ trực tiếp và nhu cầu gián tiếp.

Darwin chỉ dừng lại ở thế giới động vật. Con người có quy luật riêng của con người, tiến hoá và chọn lựa theo cách của con người. Trên cơ sở các nguyên tắc và quy luật cơ bản đã nêu ở bên trên, về chi tiết tôi sẽ trình bày cách chọn lựa tự nhiên của con người để tạo ra một xã hội văn minh như thế nào trong phần “Lao động” trình bày ở phần sau.

Như phần đầu của bài viết này tôi có nói đến là con người có quyền chọn lựa giải pháp mà không có quyền chọn lựa qui luật. Do đó ta có thể mượn qui tắc ở phần hai này là:

Nếu con người chống lại tự nhiên thì tự nhiên sẽ đào thải con người và thiết lập một trật tự mới, một qui luật mới.

Và nếu xã hội chống lại con người thì con người sẽ đào thải xã hội đó và thay thế xã hội đó với một xã hội mới.

Cái định lý đảo này cũng là một qui luật và cũng là điều để minh chứng cho điều thứ nhất đã nêu trên. Đó là những điều hiển nhiên.


Thứ ba là nguyên tắc về sự cân bằng

Trong tự nhiên bất cứ cái gì tồn tại đều phải thoả mãn hai điều kiện về sự cân bằng: cân bằng trong (cân bằng trong bản thân nó) và cân bằng trong quan hệ trao đổi. Điều đó theo nguyên tắc kế thừa nêu trên nó ảnh hưởng đến con người và xã hội.

Bản chất của sự tồn tại là sự cân bằng. Bản chất của mọi mối quan hệ là trao đổi. Trong các mối quan hệ trao đổi nếu mất đi sự cân bằng về quyền và lực, nó sẽ bị phá vỡ và dẫn đến khủng hoảng trong mối quan hệ đó.

Ba nguyên tắc nêu trên là những nguyên tắc cơ bản, là quy luật tồn tại và phát triển của xã hội. Nghiên cứu lý luận về nó chính là phần lý thuyết cơ bản về khoa học xã hội, là chỗ khiếm khuyết trong học thuyết của Mác. Và xin lưu ý thêm đó cũng là những nội dung cơ bản của công việc nhà nước.

Sau đây tôi sẽ đi vào phân tích các “tham số” được nối liền trong một phương trình duy nhất. Các tham số ấy là: lao động, sở hữu, trao đổi, giá trị, thương nghiệp, ngân hàng, v.v…


1. Lao động

Xuất phát điểm của lao động là nhu cầu.

Không có nhu cầu thì không có lao động, tức sự mất cân đối giữa nhu cầu con người và tài nguyên thiên nhiên và sự mất cân đối ấy ngày càng cao do nhu cầu của con người ngày càng tăng mà tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.

Con người muốn tồn tại và phát triển phải đồng thời thực hiện 2 mối quan hệ và trao đổi: với tự nhiên và với cộng đồng của mình.

Như trước đây đã trình bày, năng lực và nhu cầu của con người gồm hai hệ thống:

  • Thứ nhất, hệ thống nhu cầu và năng lực tự nhiên của con người, xuất hiện trong mối quan hệ hai chiều giữa con người và tự nhiên. Qua đó con người chế tạo công cụ, phương tiện lao động và khoa học kỹ thuật… (khoa học tự nhiên).

  • Thứ hai, là hệ thống nhu cầu và năng lực xã hội con người xuất hiện trong mối quan hệ trao đổi hai chiều giữa người và người trong xã hội. Qua đó con người chế tạo công cụ và phương tiện trao đổi như là thông tin báo chí, tiền tệ, ngân hàng, thương mại… (khoa học xã hội và nhân văn)
Do đó, khi thực hiện một hành vi lao động con người thể hiện hai hệ thống năng lực: năng lực tự nhiên và năng lực xã hội. Tức là có hai hệ thống giá trị con người trong những sản phẩm lao động. Đáp ứng cho hai hệ thống nhu cầu của con người trong xã hội.

Không thể chỉ là sức lao động như Mác đã nói. Đó là một nhận thức phiến diện sai lầm, kết quả của phương pháp tư duy cắt lớp. Điển hình của sai lầm ấy thể hiện rõ ràng trong Tư bản luận mà tôi sẽ đề cập đến ở phần sau.

Lao động phát triển từ thấp đến cao, từ làm một mình đến hợp tác, phân công, chuyên môn hoá.
Xem xét bản chất quan hệ trong qui luật phương trình ấy cho thấy khi có phân công và chuyên môn hoá lao động trên toàn xã hội thì diễn ra một nguyên tắc trong xã hội, đó là quan hệ trực tiếp và nhu cầu gián tiếp. Đây là sự chọn lựa tự nhiên của con người, khác với quan hệ trực tiếp và nhu cầu trực tiếp trong thế giới sinh vật của Darwin.

Tức là mọi chủ thể trong xã hội quan hệ trực tiếp với nhau nhưng nhu cầu và giá trị lại do xã hội quyết định. Đó là qui luật không loại trừ một ai, mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp cho đến các tổ chức xã hội, nhà nước và tôn giáo.


2. Sở hữu

Chúng ta đi tiếp đến bước tiếp theo của lao động là sở hữu. Mà ở đây Mác lại vấp phải một sai lầm khác.

Trước khi nói đến sở hữu thì phải nói đến ý thức sở hữu. Ý thức sở hữu xuất hiện trong quá trình lao động của con người, do sự phát triển của nhận thức, con người nhận thức được năng lực của bản thân và lợi ích của lao động, hình thành nên ý thức sở hữu. Cái vật chất do lao động làm ra đó thuộc sở hữu của con người lao động ấy.

Lao động phát triển thì ý thức về sở hữu thay đổi và phát triển theo.

Lao động tư nhân, hợp tác, tập thể,… thì tương ứng với nó sinh ra các hình thức sở hữu tư nhân, tập thể, công cộng, toàn dân, quốc gia. Sở hữu, cùng với lao động, có sự phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong xã hội phát triển cao, sở hữu là một hình thức của phân công lao động. Việc Mác cho rằng xã hội nguyên thuỷ là xã hội cộng sản là bịa đặt bởi những lý do sau:

  • Con người phát triển từ chỗ vô ý thức đến chỗ có ý thức.
  • Lao động của xã hội nguyên thuỷ mang tính bản năng và giản đơn.
  • Chưa có hợp tác lao động trên toàn cộng đồng ấy.
  • Vậy làm sao có thể có được cái ý thức cao vợi ấy được (ý thức cộng sản).
Hơn thế nữa trong các cộng đồng xã hội nguyên thuỷ ấy vẫn có các tư lệnh chiến tranh và việc chế tạo vũ khí. Và chiến tranh giữa các bộ tộc diễn ra thường xuyên vậy thì làm sao có thể gọi xã hội ấy là xã hội cộng sản khi con người không có ý thức cộng sản, luôn tranh chấp và chém giết lẫn nhau?

Và cũng chính nhận thức về năng lực và lợi ích của lao động của con người mà các tù binh chiến tranh bị hành quyết ấy được giữ lại làm nô lệ. Họ có quyền được sống và làm việc. Giai cấp ra đời, đó là một bước tiến của lịch sử tiến hoá loài người. Như vậy nguyên nhân của sự hình thành giai cấp là do sự phân công lao động và sự mất cân đối giữa tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội với nhu cầu của con người.

Còn nếu như nhận định của Mác là đúng thì từ cộng sản nguyên thuỷ chuyển sang chế độ nô lệ sinh ra tư hữu và giai cấp là bước lùi của lịch sử hay sao?

Trình tự phát triển theo lich sử phát triển của ý thức sở hữu. Nhận thức về năng lực và lợi ích của lao động trong mối quan hệ giữa người và người hình thành ý thức trách nhiệm và quyền hạn.



Nội dung ý thức trách nhiệm và quyền hạn cũng phát triển theo lao động và sở hữu đã sinh ra nó. Đó chính là những nguyên tắc cơ bản của đạo đức con người trong xã hội.

Lao động, sở hữu và đạo đức con người là một đề tài rộng lớn và phức tạp. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến những điều cơ bản nêu trên. Riêng phần Mác cho rằng sở hữu tư nhân xuất hiện trong quá trình trao đổi là không phù hợp với thực tế và logic khoa học.

Lao động, năng lực, trách nhiệm, lợi ích, sở hữu, quyền hạn, đạo đức… là điều hiển nhiên. Bác bỏ những điều đó là tự sát, là kết quả của chủ chủ nghĩa xã hội hiện thực suốt mấy chục năm qua.


3. Tư bản luận của Mác

Trong Tư bản luận của Mác, có hàng loạt những sai lầm nghiêm trọng về thực tiễn và lý luận. Ở đây tôi trình bày những điều cơ bản.

  1. Cấu tạo hàng hoá phải bao gồm 3 hệ thống giá trị:

    • Hệ thống giá trị tài nguyên thiên nhiên
    • Hệ thống giá trị con người (gồm hệ thống năng lực tự nhiên và năng lực xã hội con người)
    • Hệ thống giá trị xã hội (gồm kiến trúc thượng tầng và hạ tầng cơ sở).

  2. Giá trị thặng dư (lợi nhuận). Về mặt lý thuyết, như trên đã trình bày, về cấu tạo của hàng hoá gồm 3 hệ thống giá trị hợp lại. Và trong quá trình trao đổi nó chịu chi phối bởi mối quan hệ đa phương hai chiều giữa tự nhiên, con người và xã hội. Mà cả ba yếu tố này đều chuyển động, biến đổi liên tục, do đó nó không có giá trị tuyệt đối. Vì vậy Mác cho rằng lợi nhuận là bóc lột giá trị tuyệt đối là không khoa học.

    Cũng trên mặt lý thuyết, nếu đồng lương của người công nhân lao động (gọi là X) là bị bóc lột - vậy thì nếu nhân lên 3 hoặc 4 lần, v.v… thì người công nhân ấy có lợi hay sản xuất bị lỗ. Như vậy hiển nhiên rằng giữa hai điểm X và 4X đó sẽ có một điểm mà hai bên cùng có lợi, cùng tồn tại và phát triển. Hệ thống giá trị này do quy luật phát triển của quan hệ đa phương hai chiều giữa tự nhiên, con người và xã hội quyết định, không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, đảng phái chính trị hay nhà nước nào, cho dù là đảng cộng sản và nhà nước XHCN, cũng không làm thay đổi được hệ thống giá trị đó. Về mặt lý luận Mác, sai khi khẳng định điều đó là tuyệt đối. Tuy nhiên ở một dịp khác tôi sẽ trình bày kỹ về điều này cho được rõ ràng hơn. Trong phạm vi bài này cũng nên hạn chế ở đó.

  3. Thương nghiệp:
    Mác cho rằng lợi nhuận thương nghiệp do tư bản sản xuất nhưng lại bởi thương nghiệp không sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

    Ông đã sai lầm hoàn toàn khi kết luận như vậy. Khi định nghĩa về lao động (ở đây tôi không dùng đến cấu tạo, nội dung của lao động như đã trình bày ở những phần trước). “Lao động là một quá trình trong đó diễn ra giữa con người với tự nhiên bằng hoạt động của chính mình. Con người làm trung gian điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ với tự nhiên.”

    Suy rộng ra, nó được diễn ra ở hai lĩnh vực vật lý và hoá học. Tức là từ chất này qua chất khác, từ hình thức này qua hình thức khác, từ chỗ này qua chỗ khác, và trong mỗi hình thức ấy đều có đơn vị đo riêng để xác định đơn vị của nó.

    Như vậy dùng kg, m3, cái, v.v… để đo cho sự dịch chuyển (chiều dài) trong thương nghiệp có được thoả đáng và chính xác hay không? Hơn thế nữa, hẳn Mác cũng chưa biết là các chiều của không gian và thời gian của vật chất. Như vậy cái chiều thời gian trong của cải vật chất xã hội ấy ở đâu?

  4. Ngân hàng:

    Vì những chức năng của tiền tệ Mác đưa ra không có gì là sai ở những điều chính. Cái sai là ở chỗ nội dung của lao động (đã trình bày) dẫn đến nội dung của hàng hoá là vật chất được “người hoá” tức nội dung văn hoá xã hội con người mà tiền tệ là một trong những công cụ phương tiện trao đổi giữa người với người, dẫn đến sự hiểu không đầy đủ về chức năng của tiền tệ đối với đời sống xã hội của con người.

    Và lợi nhuận cơ bản của ngân hàng là do lợi ích của nó, qua “công cụ, phương tiện trao đổi” mà sinh ra.
Mác - một triết gia vĩ đại. Nếu xét về sự đồ sộ của công trình ông để lại thì điều đó không có gì quá đáng. Nhưng xét về phương diện đúng đắn thì, như tôi trình bày tóm tắt mấy điểm mấu chốt, rõ ràng rằng công trình của ông không có mấy giá trị khách quan và khoa học.

Dù sao đi nữa, khả năng nhận thức của ông cũng bị giới hạn bởi chủ quan và khách quan thường thấy. Có mấy điểm đáng chú ý:

  • Thứ nhất, về nhận thức và tư duy. Nhận thức của Mác khi nghiên cứu lịch sử đã bị phiến diện, thu thập thông tin không đầy đủ khi nhận thức, nghiên cứu từ xã hội nguyên thuỷ về sở hữu và lao động.

    Chủ yếu, tư duy của Mác là một hình thức tư duy cắt lớp, thể hiện rõ nhất trong phần triết học Mác nói về tư duy và ý thức. Trong khi đó, nghiên cứu xã hội đòi hỏi phải là tư duy 3 chiều chuyển động (3DM).

  • Thứ hai, về lý luận. Hệ thống lý luận của Mác không phải là hệ thống lý luận liên tục và hoàn chỉnh. Thiếu phần cơ bản và quan trọng nhất về lý thuyết về khoa học xã hội làm tiền đề, bệ đỡ - với vai trò là nền móng cho kinh tế chính trị học. Cũng như vấn đề nhà nước, nó dẫn đến sự lạc đường trong lý luận, trở thành “không tưởng” trong những kết luận quan trọng sau chót.
Trở về với vấn đề Việt Nam.

Nhìn vào thực trạng như ở đầu bài tôi có đề cập, là chúng ta đi sau thế giới một chu kỳ, một vòng tuần hoàn của qui luật phát triển tài nguyên, con người, khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, chính trị, nhà nước. Hơn thế nữa, nó lại không phải tự phát xuất phát từ chúng ta mà bị hội nhập từ bên ngoài vào. Do đó, để phát triển trở thành tất yếu, vốn là một lực lượng đông đảo, có tổ chức và có quyền lực, tức có điều kiện cần và đủ để làm công việc đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải gánh vác một công việc trọng đại và to lớn.

Đảng phải làm một cuộc cách mạng cho chính mình và phát động một cuộc cách mạng trong toàn dân.

Tôi tin tưởng nếu Đảng muốn làm thì sẽ làm được vì Đảng có nhiều kinh nghiệm trong việc làm cách mạng.

Điều đột phá đầu tiên là tập trung những nhân tài thực sự trong lĩnh vực lý luận, xây dựng cho được một hệ thống lý thuyết cơ bản về khoa học xã hội. Bước hai: xây dựng “bản thiết kế” cho sự phát triển Việt Nam, rồi sau đó mới bước vào bầu chọn kiến trúc sư trưởng cho công cuộc “thi công” đi tắt đón đầu trước xu thế toàn cầu hoá.

Thời gian không cho phép Đảng chần chừ được nữa, bởi thực tế lịch sử chứng minh rằng không có quốc gia nào có thể tồn tại trong tình trạng tụt hậu ở mức 2 chu kì.

Vì vậy, trong đại hội này Đảng phải thực hiện công việc cởi trói chính mình trước đã. Không thể cởi trói mình thì làm sao đi tiên phong được?

Cởi trói như thế nào? Cái gì trước cái gì sau? Thay thế cái cũ bằng cái mới như thế nào? Tôi đã trình bày một số điều cơ bản ở trên, còn chỉ tiết thì không thể trình bày trong khuôn khổ một bài viết như vậy được. Nếu có kiều kiện trong một dịp khác tôi sẽ trình bày kỹ hơn.

Chậm trễ sẽ mất vị trí tiên phong, trở thành đối lập với quần chúng nhân dân và thế giới bên ngoài. “Phúc bất trùng lai”, Đảng phải nắm lấy cơ hội này. Chúc Đảng thành công trong việc tự cởi trói và đổi mới toàn diện.


Bài liên quan của cùng tác giả:


Email: baoanhtrannguyen@yahoo.com.au

© 2006 talawas