trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
28.3.2006
Phạm Quang Tuấn
Có nên cho tranh luận về Phạm Duy không?
 
Gần đây, trong nước ồn ào về chuyện nhạc sĩ Nguyễn Lưu và một số nhạc sĩ khác công kích việc mà họ cho là nhạc sĩ Phạm Duy được tôn vinh quá đáng, trong khi dưới mắt họ Phạm Duy chỉ là một "người trở cờ". Bài của Nguyễn Lưu làm những ai biết ít nhiều về âm nhạc phải bật cười vì những sai lầm ngây ngô của nó, cả về kiến thức âm nhạc căn bản lẫn về văn học nói chung, và về các sự kiện lịch sử, mà bà Phan Thị Lệ của Công ty Phương Namông HL trên talawas đã chỉ ra.

Đối với hầu hết những người sống trong những xã hội tiền tiến văn minh thì chuyện này thật khó hiểu. Nhạc là nhạc, người là người, tại sao lại phản đối việc khen ngợi nhạc Phạm Duy bằng cách khêu lại cái quá khứ chính trị của ông? Đâu có ai tôn vinh kháng chiến quân Phạm Duy đâu, họ tôn vinh nhạc sĩ Phạm Duy đấy chứ? Ngày xưa ở miền Nam có ai phản ứng khi có người khen nhạc Văn Cao, Trần Hoàn hay Lưu Hữu Phước đâu?

Tuy nhiên, việc lẫn lộn không phân biệt được tác phẩm với tác giả - còn gọi là "hội chứng văn-là-người" - đã là một thực trạng đen tối của nền văn học nghệ thuật trong nước từ lâu, ăn sâu vào đầu óc hầu hết những người Việt chưa từng trải một chế độ khác, nên phản ứng như ông Nguyễn Lưu cũng không có gì ngạc nhiên. Có điều lập cập là ông đã dùng báo... Đầu tư, một tờ báo nhắm vào doanh nhân hải ngoại, làm công cụ chuyên chở, và bài của ông sai be bét đến nỗi cho ta có cảm tưởng ông đang cố ý viết satire để làm trò cười cho độc giả.

Theo tôi nghĩ, ông Nguyễn Lưu, một nhà lý luận phê bình gần đây đã từng được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ, bản thân không tự sáng chế ra những thông tin quái đản mà ông đã viết. Những thông tin như "Bài Mùa thu chết là nói về cách mạng mùa thu" nó quá sức ngớ ngẩn, độ ngây ngô của nó đã đạt tới một mức vĩ đại tầm cỡ Nobel hay Oscar, không một cá nhân nào có thể đạt được, phải là sản phẩm của cả một guồng máy quay tít mấy chục năm, và phải có cả triệu người tin theo! (Như Hitler đã nói và GS Cao Xuân Hạo đã diễn giải, "Đại chúng dễ bị mắc lừa vì một sự dối trá lớn hơn là vì một sự dối trá nhỏ", hay nôm na là "nói càng láo chúng càng tin".)

Tôi tin rằng Nguyễn Lưu đã học được những cái đó của ai đó và tin chắc là thật, tin với tất cả tấm lòng thành thật của ông. Khi nói chuyện về Phạm Duy với những người có khuynh hướng "đỏ" ở miền Bắc cũng như đọc các sách báo về nhạc của miền Bắc thời xưa, tôi đã nhiều lần nghe những thông tin, ý kiến tương tự. Luận điệu cho rằng công chúng bị "lừa mỵ" nên tưởng nhạc Phạm Duy là hay, như lời đại tá nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn, tôi cũng đã từng đọc nhiều lần.

Tôi nghĩ rằng dạo đó, vì việc Phạm Duy về thành gây một chấn động quá lớn trong kháng chiến, cả một phong trào đã được dựng lên để nói xấu ông, không ngại dùng sự bịa đặt. Từ hòn tuyết thành avalanche, những chuyện bịa càng ngày càng trắng trợn và trong cái khung cảnh "ta nói ta nghe, cấm không được cãi" của Việt Nam thời tiền-internet, chẳng có ai cải chính cả, cũng như hầu hết các giáo điều khác. Không cho ai cãi thì dĩ nhiên là càng ngày càng dốt. Ngay cả bây giờ, khi nghe phê bình những cái sai của Nguyễn Lưu, một "trí thức đỏ" đã từng du học cũng còn cố cãi rằng bài này không phải là bài báo nghiên cứu và do đó chỉ ra những cái sai của nó là bới lông tìm vết và... không biết cách đọc báo! Điều xui xẻo của ông Nguyễn Lưu là ông không biết rằng trong thời này, cái sai cái dốt thò ra là bị đập lưng ngay không ai thương tiếc.

Sau bài viết của NS Nguyễn Lưu, Công ty Phương Nam đã phản ứng mạnh và viết thư phân trần lên Bộ Văn hóa, vạch ra vài sai lầm trong bài của Nguyễn Lưu và nói rằng bài này đăng trong báo Đầu tư có thể làm các Việt kiều ngần ngại khi về Việt Nam đầu tư hợp tác! Có lẽ vì luận điểm đó (và có chỉ thị từ trên), báo Đầu tư đã đột ngột dừng đăng mọi tranh luận về đề tài này.

Trong một khung cảnh xã hội bình thường, việc bịt miệng như vậy thật là phản dân chủ và đáng tiếc. Mỗi công dân phải có quyền nói lên những gì mình nghĩ (miễn đừng nói sai nhiều đến mức... vu khống lung tung và ngớ ngẩn như bài của Nguyễn Lưu). Nếu không cho thì chẳng nhẽ trở lại cái thời "không cho cãi" trước đây sao? Tuy nhiên, trong khung cảnh văn hóa nghệ thuật của Việt Nam hiện nay, ta cần nhìn vào nhiều yếu tố khác.

Hiện nay nền văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn còn là một nền văn nghệ bị kiểm duyệt, một hệ thống kiểm duyệt hoàn toàn vô lý và lỗi thời, tàn dư của một cuộc chiến tranh đã kết thúc từ hơn 30 năm trước. Bao nhiêu tác phẩm có giá trị vẫn bị cấm chỉ vì tác giả của chúng đã dính dáng tới chính quyền hay quân đội bên thua trận, dù tự chúng chẳng có một hàm ý chính trị nào và thậm chí còn chan chứa những ý tưởng rất đẹp đẽ về tình yêu quê hương. Hành động kiểm duyệt đó là một sự hủy hoại văn hóa cũng chẳng khác gì giật sập thành nội Huế hay phá lăng Lê Văn Duyệt.

Trong lịch sử cổ thì có Tần Thủy Hoàng đốt sách, làm suy tàn cả một nền văn hóa đa nguyên của bách gia chư tử đang nở rộ và gián tiếp dẫn tới sự độc tôn của Khổng giáo và trì trệ văn hóa sau này. Lịch sử cận đại thì có chế độ Quốc xã ngăn cấm tất cả các tác phẩm của các văn nghệ sĩ Do Thái. Sách Sigmund Freud, Karl Marx, Heinrich Heine, Thomas Mann bị đốt. Nhạc phẩm của các khúc tác gia vĩ đại như Felix Mendelssohn, Jaques Offenbach, Gustav Mahler, Max Bruch, Arnold Schönberg đều bị cấm ngặt. Hậu quả là trí thức Do Thái phải di cư sang các xứ khác, nhất là Mỹ, làm phong phú không ít cho nền văn hóa xứ này và làm nghèo nàn nền văn hóa Đức. Có thể nói Mỹ đã chuyển thành một cường quốc văn học nghệ thuật (thay vì chỉ là cường quốc kinh tế) nhờ chính sách bài Do Thái của Quốc xã. May thay cho nước Đức là chế độ Quốc xã sớm bị hủy diệt. Nay thì Việt Nam đang tự chặt bỏ một phần nền văn hóa vốn dĩ chưa vĩ đại lắm của chính mình.

Trong thời kỳ Quốc xã, có vài văn nô đã hùa theo chế độ, viết bài bới móc những cái xấu (có hay không) của các nghệ sĩ Do Thái. Những người này đều bị người đồng thời cũng như hậu thế khinh bỉ, coi là vô liêm sỉ, chứ không ai lấy "tự do ngôn luận" ra biện minh cho họ cả. Trên khắp thế giới, trong mọi thời đại, có lẽ chỉ ngoại trừ Việt Nam thời nay, hùa theo chính quyền độc tài để tấn công người cầm bút cầm đàn trong khi những người đó còn đang bị áp bức cấm đoán, là một chuyện không thể chấp nhận ở người trí thức có liêm sỉ. Ở Việt Nam thì trái lại, suốt từ thời Nhân văn-Giai phẩm đến nay, rất nhiều trí thức hùa theo chính quyền cắn xé đồng nghiệp đang bị trù dập, khiến chuyện đó dường như đã trở thành bình thường.

Sự việc nhạc sĩ Phạm Duy được về sinh sống tại quê nhà đã được mọi bên làm ồn ào. Những người chống cộng quá khích ở hải ngoại gọi ông là phản bội, trở cờ, còn báo chí chính quyền trong nước thì thường đưa sự việc lên làm bằng chứng của thiện chí hòa hợp hòa giải. Nhưng sự thật rõ ràng là, gần một năm sau khi ông về, mới chỉ có 2% tác phẩm của ông được phép phổ biến trong nước. Cả một cơ quan khổng lồ là Bộ Văn hóa Thông tin, nắm trách nhiệm điều hành văn hóa của cả nước, mà tại sao làm việc chậm chạp như vậy?

Thiết nghĩ một người trình độ trung học cũng có thể đọc qua một ca khúc trong vòng năm phút và thấy là nó có vấn đề hay không. Trường hợp của Phạm Duy, việc này còn dễ dàng hơn nữa vì ông đã phân loại, phân tích nội dung từng tác phẩm của mình, và thẳng thắn công bố trên mạng từ nhiều năm nay, không hề giấu diếm. Trang nhạc Phạm Duy đã công bố từ thời ông còn sống ở hải ngoại, hẳn đã được những cán bộ của Bộ Văn hóa Thông tin đọc mòn con mắt, chẳng nhẽ lại còn những tác phẩm chưa hiểu rõ là có nội dung chống cộng hay không? Hơn nữa, ca từ của Phạm Duy (khác với Trịnh Công Sơn) luôn luôn rất hiện thực, rất "thẳng" và dễ hiểu, hình ảnh rõ ràng, khó mà tìm ẩn ý chính trị nếu tác giả không có ý đồ đó.

Khách quan mà nói, ta vẫn phải coi Phạm Duy, với 98% tác phẩm bị cấm, là một nghệ sĩ bị trù dập, dù rằng bề ngoài có những cái bắt tay thân thiện và diễn văn đẹp đẽ nhắm mục đích tuyên truyền cho người Việt hải ngoại. Dù coi trọng quyền tự do ngôn luận, người trí thức và văn nghệ sĩ nên cẩn trọng cân nhắc trước khi đặt bút hay mở miệng "đánh" những văn nghệ sĩ đang bị dìm dập như vậy, kẻo bị người đời và hậu thế xếp chung với bọn văn nô chó săn của Quốc xã.

Theo tôi, có một cách rất đẹp và rất dễ (dễ nhưng mà khó!) để chính phủ Việt Nam giải quyết "vấn đề Phạm Duy": Hãy mở rộng cửa và cho phép phổ biến TOÀN BỘ trên dưới một ngàn tác phẩm của ông, ngoại trừ những tác phẩm dính líu tới chính trị mà ai cũng biết (số này không tới 5%). Đồng thời, cũng mở rộng cửa cho mọi người bàn cãi về ông và nhạc của ông, dù là chê hay khen. Một khi tác phẩm Phạm Duy đã được tự do lưu hành thì không còn lý do gì để tránh nói về ông. Người không thích ông có quyền nói thẳng ra mà không sợ bị coi là chó săn về hùa. Danh tiếng Phạm Duy có phải do lừa mỵ hay không sẽ để thời gian phân giải. Những bài viết sai quá nhiều và đả kích cá nhân như bài của nhà lý luận phê bình Nguyễn Lưu thì đã có tòa án xét xử về tội vu khống và mạ lỵ, hoặc có lẽ tốt hơn là để cho công luận đem ra làm trò cười mua vui.

Làm được như vậy, chính phủ Việt Nam sẽ thực sự tỏ ra sự lưu tâm về văn hóa của mình, cũng như về thiện chí hoà hợp hoà giải, về tự do ngôn luận, và sẽ giải toả được sự ấm ức của mọi phía về người nhạc sĩ nhiều mâu thuẫn này. Còn nếu không thì chỉ là ngồi lên nắp vung để cho các mối chia rẽ âm ỷ lâu và sâu đậm thêm nữa.

© 2006 talawas