trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
1.4.2006
Hoàng Hưng
Những băn khoăn từ lá thư trả lời của ông Nguyễn Hoà
 
Thế là rõ: Trong bài trả lời thư ngỏ của tôi, ông Nguyễn Hoà thừa nhận đã không dự cuộc toạ đàm về văn học dịch cuối năm 2005 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (từ đây xin gọi tắt là "Cuộc toạ đàm"). Ông đã chỉ hoàn toàn căn cứ vào một bài tường thuật trên báo (cụ thể là bài của Yến Anh trên báo Người Lao động) mà viết những lời bình luận về cuộc toạ đàm trong bài "Văn chương Việt Nam 2005...". Ông cũng đã có lời xin lỗi "nếu như quả thực ý kiến của ông (HH) đã bị Yến Anh trích dẫn xuyên tạc". Vấn đề giữa cá nhân tôi và ông Nguyễn Hoà coi như xong.

Quả bóng bây giờ được đá vào chân nhà báo Yến Anh.

Quả thật tôi chưa có dịp đọc bài của Yến Anh (cũng như rất tình cờ vào đầu tháng 3/2006 mới đọc bài viết của ông Nguyễn Hoà, không phải từ VietnamNet mà từ một trong những trang web cung cấp thông tin liên quan đến bản thân tôi do mạng Google.com giới thiệu), may mà bây giờ đã đọc được bài ấy theo link mà ông Nguyễn Hoà cung cấp. Đọc xong, đối chiếu lại với bài bình luận của ông Nguyễn Hoà, tôi vô cùng sửng sốt:

1. Bài "Hãi hùng sách dịch - Thảm hoạ dịch thuật có mặt khắp nơi" của Yến Anh trên mạng báo Người Lao động ngày 24/11/2005 là một bài tường thuật khá trung thực tinh thần chung cũng như các ý kiến phát biểu trong cuộc toạ đàm. Câu duy nhất có thể gây hiểu lầm chính là câu tóm tắt ý kiến của tôi. Đó là câu: "Cuốn Mỹ học của Hegel (dịch giả Phan Ngọc) bị dịch giả Hoàng Hưng “tố” là “sai gần hết”. Câu này chỉ là một thông tin rất chung chung và cũng không hoàn toàn sai (đáng lẽ nên nói rõ là: dịch giả Hoàng Hưng "tố" là có một bài ở hải ngoại khẳng định bản dịch cuốn Mỹ học "khó tìm thấy một chỗ dịch đúng"). Đó cũng là ý duy nhất trong bài báo của Yến Anh đã được ông Nguyễn Hoà dựa vào để bình luận, thế nhưng nó đã được ông suy diễn khá sáng tạo, thành ra: “hoàng tráng” và tự tin nhất hẳn phải là ý kiến của ông Hoàng Hưng khi cho rằng bản dịch Mỹ học Hêghen của Phan Ngọc là “sai gần hết”!

2. Còn lại toàn bộ lọ "hồ bình luận" của ông Nguyễn Hoà không hề có chút "bột" nào được cung cấp từ bài tường thuật của Yến Anh. Tôi hết sức kinh ngạc không hiểu ông Nguyễn Hoà lấy ý nào trong bài viết của Yến Anh để có thể đưa ra những ý kiến xúc phạm đến cả tập thể dịch giả tham dự cuộc toạ đàm trong bài viết của ông? Đó là xét đoán đầy ác ý về mục đích cuộc toạ đàm "Điều đáng nói là hình như để 'bảo vệ’ bản dịch còn đầy khiếm khuyết của tiến sĩ Đỗ Thu Hà, để không phải 'mang tiếng’ với các độc giả đã trót mua phải một thứ hàng dỏm do NXB Văn hóa - Thông tin phát hành..., tháng 11.2005, một cuộc tọa đàm bàn về dịch thuật đã được tổ chức" kèm theo lời tường thuật đầy mỉa mai: "một số vị hì hục mang các dịch giả lớp trước ra để “giải phẫu”. Lại còn nhận định ghê gớm này nữa chứ: "Cái lối nói bừa nói ẩu của một số dịch giả trong tọa đàm này cho thấy chính họ đang nhân danh dịch giả để 'lấp liếm' sự cẩu thả của đồng nghiệp và biết đâu là 'lấp liếm' cả sự cẩu thả của chính họ nữa(?)"

Rất có thể sau khi đọc bài này, ông Nguyễn Hoà sẽ lại tiếp tục cho chúng ta biết rằng những lời bình trên đây của ông xuất phát từ bài báo x... y... z... nào đó (mà vì lý do nào đó ông muốn giữ bí mật đến phút chót?) nhưng dù cho ông có đưa ra thêm bài báo nào đi nữa, thì tôi vẫn có t ể bảo đảm với các bạn rằng tất cả những người tham dự cuộc toạ đàm đều không thể đồng ý với những điều ông đã viết trên.

Thứ nhất: Không có căn cứ nào để phán đoán cuộc toạ đàm có mục đích "bảo vệ bản dịch đầy khiếm khuyết của tiến sĩ Đỗ Thu Hà", khi chỉ có một ý kiến duy nhất của ông Thái Bá Tân là "nói đỡ" cho bản dịch này, trong khi hầu hết các ý kiến khác đều phê phán nó, và điều quan trọng hơn, hiện tượng Đỗ Thu Hà cũng chỉ được nêu lên làm điểm xuất phát để mổ xẻ thực trạng dịch thuật và đề xuất các giải pháp khắc phục. Những người nhìn mục đích cuộc tọa đàm xiên xẹo như thế quả là quá xem thường các dịch giả đã vì tâm huyết với nền dịch thuật mà tới dự và phát biểu, trong số đó không ít vị cao niên khả kính.

Thứ hai: Không có chuyện "một số vị hì hục mang các dịch giả lớp trước ra để 'giải phẫu', mà có chăng chỉ có Hoàng Hưng nêu lên một lời nhận xét của Phạm Thị Hoài về cuốn Mỹ học Hegel của Phan Ngọc mà thôi.

Thứ ba: Không có cơ sở nào để nói một cách khơi khơi về "cái lối nói bừa nói ẩu của một số dịch giả trong tọa đàm này" (trong thư trả lời, ông Nguyễn Hoà khẳng định không có ý bao hàm tôi trong số ấy?), ngoài hai người đã được nêu đích danh có trích dẫn là Hoàng Hưng và Thái Bá Tân.

Thứ tư: Không có sơ suất nào của Hoàng Hưng trong khi phát biểu có thể dẫn đến lời tường thuật sai lạc mà ông nói là ông đã dựa vào, khi trong tay Hoàng Hưng là một tập giấy A4 in bài viết trên mạng talawas của Phạm Thị Hoài mà Hoàng Hưng nói rõ với cử tọa rằng mình vừa nhận được!

Bài viết của ông Nguyễn Hoà trên VietNamNet cùng với bài trả lời thư ngỏ của tôi trên talawas cho tôi thêm một cơ sở để băn khoăn về những vấn đề của một lĩnh vực khác cũng không kém "thảm hoạ" so với dịch thuật: đó là lĩnh vực phê bình văn học. Đây là vài câu hỏi nảy ra: Một nhà phê bình chuyên nghiệp tiếng tăm như ông Nguyễn Hoà sao lại có thể cho mình cái quyền bình luận rất lớn tiếng về một sự kiện mà mình không nắm vững thông tin? Và tại sao, trong bài viết của mình trên VietNamNet, ông không công bố ngay nguồn thông tin mà ông trích dẫn, một nguyên tắc sơ đẳng của nghề viết mà chắc ông phải nắm rất vững?

Những câu hỏi khó trả lời trên khiến tôi phải "giả định": Phải chăng ông nằm trong số những nhà phê bình quá tự tin về uy thế của mình đến mức tự cho mình cái quyền tùy tiện phán xét thiên hạ mà không cần cân nhắc sự chính xác của dữ kiện? Phải chăng ông cũng thuộc về một nền văn hoá phê bình lấy chuyện phỉ báng, hạ nhục đối tượng phê bình làm khoái cảm?

Trong lá thư trả lời, ông Nguyễn Hoà còn nói đến quyền được bình luận trên cơ sở lời tường thuật, và có ý cho rằng người bị xuyên tạc có nhiệm vụ phải tìm cách đính chính trên báo, khiến tôi chạnh lòng nhớ đến hai câu chuyện khác, cũng liên quan đến tôi, xin bạn đọc talawas chịu khó bỏ chút thì giờ đọc.

Chuyện thứ nhất: Một sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra trong lịch sử văn hoá Việt Nam mà nguyên do chỉ tại một trích dẫn có nguồn gốc hồ đồ.

Chuyện này xin kể đại khái, không đảm bảo chính xác về lời dẫn hay năm tháng, vì tôi đang ở rất xa nhà, không có trong tay tư liệu để trích lục, song đảm bảo chính xác về nội dung. Số là khoảng năm 1992 (1993?) trong khi làm công việc biên tập trang văn hoá văn nghệ của báo Lao động Chủ nhật, tôi nhận được một bài viết đặt vấn đề hoài nghi tính xác thực của một câu trích dẫn Alexandre de Rhodes đã lưu hành suốt mấy chục năm trời ở miền Bắc trong hầu hết công trình viết về lịch sử xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Các nhà nghiên cứu lịch sử của ta khẳng định Alexandre de Rhodes đã viết (đại ý): Chúng ta là những người lính... chúng ta có bổn phận đi mở mang bờ cõi. Quả là một dẫn chứng tuyệt vời cho nhận định các nhà truyền giáo Gia tô là những kẻ mở đường cho các đạo quân xâm lăng!

Câu trích này thậm chí đã được kẻ lên bảng treo trong Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội. Và ác thay, nó là lý do chính khiến cho tượng, bia kỷ niệm, tên phố của vị công thần với văn hoá Việt Nam (người góp phần quan trọng tạo ra chữ Quốc ngữ) đã bị xoá bỏ. Từ bài viết trên, anh em trong ban văn hoá văn nghệ báo Lao động đã bỏ công sưu tầm tài liệu, cuối cùng biết được rằng câu trích tai hại kia là rút từ cuốn hồi ký của một thuyền trưởng người Pháp nào đó, trong khi tìm mỏi mắt không thấy có trong bất kỳ bản viết nào của chính Alexandre de Rhodes! Và người có công phát hiện câu trích ấy là một nhà nghiên cứu tên tuổi, các "nhà" khác sau đó cứ "ôtômatích" trích lại như một sự thật hiển nhiên. Được biết về sau vị có công đó lên tới chức Viện trưởng Viện Tôn giáo! Tôi cho công bố bài viết trên, bản thân lại viết một bài phân tích rõ việc trích dẫn hồ đồ đã nêu (đồng thời chứng minh câu trích đã dỏm lại còn bị dịch sai nữa chứ!), rồi viết thư đề nghị Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử, cho ý ki ến. Ít lâu sau, báo Lao động đã đăng bài viết của Giáo sư nêu công lao của Alexandre de Rhodes (mà không hề nêu tội). Đó có lẽ là văn bản chính thức đầu tiên "phục hồi nhân phẩm" cho ông cố đạo này. Tiếp đó, ông phó tổng biên tập của tôi thông báo Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu cung cấp toàn bộ tư liệu liên quan đến Alexandre de Rhodes. Chúng tôi đã gửi lên gần 1000 trang photocopy khổ A4, trong đó phần quan trọng do các đồng nghiệp ở báo Công giáo và Dân tộc cung cấp.

Chuyện thứ hai: một vụ "tường thuật" sai một ly đi một dặm và sau đó không hề được đính chính.

Chuyện mới đây thôi, vào cuối năm 2004 đầu 2005. Số là sau khi cuốn 15 nhà thơ Mỹ Thế kỷ XX do tôi phụ trách bản thảo và Trung tâm Ngôn ngữ Văn hoá Đông Tây thực hiện in ấn (giấy phép của NXB Hội Nhà văn), báo Tuổi trẻ có công bố một bài phỏng vấn tôi (về chuyện bản thảo) và ông Phó giám đốc Trung tâm, Đoàn Tử Huyến (về số tiền Sứ quán Mỹ tài trợ cho công trình). Chả hiểu phóng viên nghe ra sao mà khi báo ra (và lên mạng) tôi giật thót người thấy ông Huyến tuyên bố: tiền tài trợ là... 86.000 đô la Mỹ! (thực ra là 1/10 con số ấy, tức 8.600 đô la, trong đó tiền công dịch và biên tập, hiệu đính là 2600-2700 gì đó). Cả tôi và ông Huyến liên tục điện thoại cho phóng viên (người quen hẳn hoi) đề nghị đính chính, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn ngỏng cổ mà chờ! Cũng may cho báo chí nước nhà là sau hơn một năm thông tin sai nói trên không được đính chính, chưa có nhà phê bình nghiên cứu nào căn cứ vào đấy để ca ngợi sự hào phóng của nước Mỹ đối với văn học và chúc mừng các dịch giả Vịêt Nam đời đã lên hương! Nhưng điều không may cho chúng tôi thì đã xảy ra: Trung tâm của ông Huyến bị các chủ nợ ào ạt đòi tiền (vì con nợ vừa trúng quả to), còn tôi thì suýt mất một người bạn thân vì đã dám đề nghị anh tham gia làm bản thảo cuốn sách với công rẻ mạt có vài trăm đô la, cũng như tới tận bây giờ vẫn phải nghe lời xì xầm "Hoàng Hưng vớ bở mà sao chia cho các bạn cộng tác ít thế!". Làm sao thanh minh đây khi con số sờ sờ trên báo và truyền khắp hành tinh qua mạng mà mình lại chẳng có cách nào cải chính! (Lúc ấy sao mình không kịp thông minh nhờ talawas cải chính giùm nhỉ?)

Bodhgaya, India, 31/3/2006

© 2006 talawas