trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.5.2006
Chu Việt
Nghịch lý Dương Thu Hương
 
Về buổi nói chuyện của hai nhà văn - Robert Stone và Dương Thu Hương - trong chủ đề “On Faith and Reason” do trung tâm PEN Mỹ tổ chức tại Thư viện Thành phố New York ngày 30 tháng 4. 2006 vừa qua, tôi xin có vài nhận xét. Một phần, tôi dựa vào những thông tin trong bài viết của Trịnh Lữ và những phân tích trong bài của Trần Ninh mà tôi rất tâm đắc và phần khác đến từ cảm nghĩ của tôi sau khi may mắn được xem buổi nói chuyện đó chiếu trên đài truyền hình STBN.

Trước hết tôi thấy rõ ràng đây không phải là một cuộc mạn đàm mà thực chất là một cuộc phỏng vấn, thậm chí cật vấn ráo riết nhà văn Dương Thu Hương. Một bên (nhà văn Robert Stone và Antoine Audouard) ung dung chủ động đặt câu hỏi vì đã chuẩn bị, còn bên kia (Dương Thu Hương, Nguyễn Quí Đức) lúng túng thụ động trả lời vì thiếu chuẩn bị. Ông Audouard cũng không làm trọn nhiệm vụ điều hợp (moderator) của mình; đúng lý ra ông phải gợi ý hay mời Dương Thu Hương đặt câu hỏi mới phải. Đó là một cuộc đối thoại thiên lệch, bất cân xứng, lỗi ở Ban tổ chức.

Sở dĩ có sự ồn ào của nhiều phản hồi nghịch âm chung quanh buổi nói chuyện này vì đây là lần đầu cô [1] Dương Thu Hương đến Mỹ, và trong tư thế một nhà văn đối kháng được người Việt hải ngoại và thế giới chú ý qua những bản dịch tác phẩm của cô, Dương Thu Hương lại là hiện thân của những “nghịch lý”, nói theo Trần Ninh. Nói vậy cũng đúng thôi vì bất cứ chủ thể nào cũng là một sự cộng sinh (symbiosis) của hai mặt tương tác và tương tranh: niềm tinlý trí, mà Pascal đã gói trọn trong câu: “le Coeur a des raisons que la Raison ne connait pas”. Trước những hiểm hoạ của thế giới ngày nay gây ra bởi cuồng tín + bạo động đối chọi với lý trí nhân bản + dân chủ, PEN đặt vấn đề: “Văn học có thể làm gì để hàn gắn sự nứt rạn này?” Vì thế mới có buổi nói chuyện…

Có điều là hình như ai cũng ngộ nhận khái niệm “làm giặc” của cô Dương Thu Hương. Theo tôi, ở đây phải hiểu theo ý hướng của thành ngữ “được làm vua, thua làm giặc”. Nghĩa là, đã có một thời cô đi theo phe “được” nhưng sau khi nhìn ra sự thật là cô bị tuyên truyền những điều không đúng với hiện thực, nên sau khi được, cô thà làm phe “thua”, “làm giặc”. Đơn giản, cô là một nhà văn “dissident” tranh đấu cho tự do dân chủ, gọi là một “rebel” cũng được, nhưng nhất định không phải là một “trouble maker”, một kẻ chuyên quậy phá vô cớ, theo nghĩa xấu. Trong một chế độ cực quyền toàn trị, “làm giặc” trong những tác phẩm văn học cũng như trong những phát biểu chính trị của mình, Dương Thu Hương là một nhà văn và một con người dũng cảm, đáng kính nể.

Trần Ninh cho rằng Dương Thu Hương đã đơn gỉản hoá sự thật của chiến tranh. Theo tôi, đó chỉ là một kiểu nói thậm xưng trong lời phát biểu khi lên án chiến tranh một cách chung chung vì có lẽ cô biết sự thật không đơn giản chút nào. Tôi thấy trong cuốn Tiểu thuyết vô đề, văn phong của cô đầy ngôn ngữ bộc trực thậm xưng như vậy. Thật ra, cuộc chiến tranh mà cô chủ yếu muốn kết án ở đây là “cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước” cô đã tham dự, mà sự thật là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn được cô ví một cách hình tượng: hai bên là những tampons (trái độn, buffer hay stopper) giữa hai toa tầu. Cô còn nặng lời cường điệu: “Đó là một cuộc chiến phi lý, một trò đùa man rợ của lịch sử.” Bỏ qua sự cường điệu, tôi đã thấy không ít người (kể cả trong nước) đồng ý với cô về nhận định này (sự phi lý, vô ích của cuộc chiến). Nhưng tôi không nghĩ cô muốn lên án cuộc kháng chiến giành độc lập 1946-1954 mà cô chưa thể tham dự. Ở đây, thiết tưởng cũng nên nói lại cho đúng sự thật: Việt Nam chưa hề chiến thắng hai cường quốc [Pháp, Mỹ] bao giờ cả. Một bộ phận của đoàn quân viễn chinh Pháp (tương đương một sư đoàn) bại trận ở Điện Biên Phủ. Đúng. Nhưng toàn bộ thì không. Còn khi gần như toàn bộ lực lượng chính quy Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến chiếm Sài Gòn thì quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Việt Nam từ lâu rồi. Đó là lý do tại sao Dương Thu Hương nói rằng “mọi người vẫn còn mê muội trong hào quang chiến thắng”, ý cô muốn nói là “ảo tưởng chiến thắng”.

“Những sức mạnh to lớn đã giúp người Việt Nam [miền Bắc] chiến thắng” trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước này, thưa ông Trần Ninh, đó là những hoả tiễn SAM-2, đại pháo 122mm và 130mm, xe tăng T-54 và những súng đạn, quân viện không giới hạn mà nguồn gốc ở đâu chắc ông cũng đã rõ. Ngoài ra cũng còn có sự yểm trợ của tình báo Nga-Xô và những chí nguyện quân phe xã hội chủ nghĩa (320 ngàn công binh và xạ thủ phòng không Hồng quân Trung Hoa, 801 phi công Bắc Hàn, chuyên gia Cuba). Nói vậy tôi không có ý phủ nhận tinh thần chiến đấu cao của bộ đội miền Bắc do được tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” mà chính Dương Thu Hương cũng từng bị mê hoặc. Bởi vậy nên cô muốn “giải ảo” (debunk) cuộc chiến đó, nói nôm na là lột cái vỏ “chống Mỹ cứu nước” quẳng đi để cho sự thật cốt lõi hiển lộ ra là một cuộc chiến giữa những người “da vàng mũi tẹt” với nhau. Sức mạnh giúp họ [bộ đội miền Bắc] vượt qua những khó khăn thiếu thốn, theo tôi, chính là lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm. Như vậy chưa đủ sao, thưa ông Trần Ninh? Chả lẽ phải đi mượn diễn dịch hình thức của William James (the moral equivalent of war) rằng: nhờ có chiến tranh họ mới bộc lộ được những phẩm chất đó? Thật là một ngụy biện quá nguy hiểm.

Nghịch lý của Dương Thu Hương là cô được thế giới bên ngoài biết đến, thậm chí vinh danh nhưng lại là một nonperson đối với chính quyền và đa số người trong nước. Văn chương của cô giầu cảm tính, có khả năng đi thẳng vào lòng người; cô mô tả những tình huống, nhân vật đã gây cho cô những cảm xúc bất nhẫn trong đời sống thật dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (xem Những thiên đường mù). Dương Thu Hương không phải là nhà văn làm dáng với những lý luận hay triết lý trừu tượng, “đao to búa lớn”, ví dụ như “Đạo lý của nghệ thuật là ở chỗ nó nhận diện được sự thật” hoặc “cái đồng đẳng đạo lý của chiến tranh’’ (lời dịch của Trịnh Lữ). Tôi rất muốn được nghe Robert Stone thuyết giảng như thế nào về những điều này với tư cách một học giả. Dẫu sao đó cũng là mặt hạn chế của Dương Thu Hương. Trần Ninh đã nhìn rõ vấn đề, và tôi tâm đắc với lời kết sâu sắc của ông: “Nói một cách công bằng, khi dừng lại trong những giới hạn của mình, bà đã vượt qua được một số giới hạn mà những người khác không vượt qua được”. Nói thế chứ tôi nghĩ Dương Thu Hương cũng đã phát biểu được vài triết ngôn sáng giá như: “Cái đẹp không phải lúc nào cũng thắng”“văn minh cũng có lúc phải qui hàng” .

Đặt Robert Stone, một nhà văn-học gỉả, cặp đôi với Dương Thu Hương, một nhà văn-cựu chiến binh, một mụ đàn bà “răng đen mắt toét” (như cô đã hãnh diện tự nhận) trong buổi nói chuyện cũng là một việc khiên cưỡng vì Stone chưa hề chiến đấu ở Việt Nam mà chỉ là phóng viên một thời gian ngắn năm 1971. Trong bảy cuốn tiểu thuyết của ông cũng không có quyển nào nói về chiến tranh Việt Nam. Tôi không nghĩ ông hiểu biết nhiều về thực tế chiến tranh Việt Nam. Theo tôi, nếu mời được một nhà văn cựu chiến binh Mỹ, ví dụ như Tim O’Brien, để đối thoại với Dương Thu Hương chắc sẽ lý thú và có ý nghĩa hơn. Nhưng tiếc thay PEN không phải là trung tâm William Joiner.

Về chuyện Utopia, cuốn sách mà ông Trịnh Lữ dịch, vừa được xuất bản tại Hà Nội, mà ông hồ hởi cho là “vĩ đại” và có ý định tặng nhà văn Dương Thu Hương, tôi thấy ông đã tự mâu thuẫn. Ông nói: “Tôi nghĩ Dương Thu Hương, cũng như những nhân vật phản kháng khác ở bất kỳ đâu, chắc phải có đầu óc utopia”. Tôi không nghĩ là họ có đầu óc utopia, hiểu theo nghĩa có những lý tưởng tốt đẹp nhưng viển vông để cải thiện cuộc sống con người. Trái lại tôi chắc họ biết họ muốn gì: họ muốn xoá bỏ độc tài đảng trị, vô sản chuyên chính để dân tộc được sống trong tự do và dân chủ, những lý tưởng trên hầu hết thế giới văn minh ngày nay. Đó không phải là utopia. Ở một đoạn khác, ông lại viết: “Cái hay của dân chủ Tây phương là vậy: nó dạy người ta đừng ảo tưởng; muốn xã hội tốt hơn thì phải biết tranh đấu cho những xác tín tốt đẹp của mình chứ không thể trông chờ ở ơn trên nào hết.” Đó chính là điều mà Dương Thu Hương và những nhân vật phản kháng khác đang làm đấy ông ạ. Ông thử nghĩ lại xem ai có đầu óc utopia: Dương Thu Hương hay những nhân vật trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam? Ngoài ra ông còn chứng tỏ đã là một học sinh không xuất sắc lắm. Cùng thế hệ với Dương Thu Hương, cùng là học trò phổ thông ở Hà Nội những năm 1960 mà ông không thuộc lòng thơ Petofi hay sao? Theo tôi thì ý nghĩa của đoạn thơ Petofi mà Dương Thu Hương đã dẫn còn đẹp và đi xa hơn cái nhận định chung chung có hơi sáo mòn của Stone: “Nhà văn là người khiến cho sự thật hiển lộ và được nhận diện”.

Dương Thu Hương phát biểu: “Những phản ứng của người Việt Nam hiện nay đều là để phản kháng lại chính quyền”. Trong một khía cạnh nào đó, cô nói đúng. Sự kiện thanh niên Việt Nam nồng nhiệt đón mừng Bill Gates là một hình thức hoan nghênh sự thành công của thị trường tự do không có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Trịnh Lữ không thấy sao? Sở dĩ Dương Thu Hương vẫn mải mê lục lại quá khứ chiến tranh như nhà văn người Pháp nói là vì quá khứ đã làm nên hiện tại. Nếu không có hôm qua làm sao có hôm nay? “Ôn cố tri tân” là vậy. Muốn sống cho ra cuộc sống con người hôm nay để xây dựng một tương lai tốt đẹp, phải lục lại quá khứ, từ bỏ những sai lầm tàn bạo, những định kiến mê muội và những vinh quang giả trá. Đó là thông điệp gói ghém trong những phát biểu của Dương Thu Hương, tuy lời lẽ có đôi khi gồ ghề hay ác khẩu như một mụ quê mùa răng đen mắt toét.

Về việc hoà giải Việt-Mỹ, Dương Thu Hương cũng nói không sai khi cô cho rằng “ông Phan Văn Khải không có lựa chọn nào khác”. Muốn qua sông thì phải lụy đò, có thế thôi, và đó là sự khôn ngoan cũng không khác chi ông Hồ Cẩm Đào. Còn Dương Thu Hương có phải là nhà văn khi đối thoại với đồng nghiệp Tây phương hay không thì Trịnh Lữ nên phân biệt viết văn với lý luận trừu tượng trong đàm thoại. Dương Thu Hương không phải là một học giả có tài hùng biện và cô cũng thiếu chuẩn bị, nhưng chắc chắn cô là một nhà văn có tài và có tâm. Bởi vậy nên cô đã mượn đoạn cuối trong Truyện Kiều để biểu lộ tâm trạng và tư thế của cô thay vì lý luận trừu tượng.

Tựu chung, một phần của tình trạng “ông chẳng bà chuộc” giữa R. Stone và Dương Thu Hương và ngộ nhận nơi những người viết về buổi nói chuyện này cũng do sự thông dịch và phiên dịch mà ra. Nguyễn Quí Đức là một nhà văn viết tiếng Anh mà tôi quý mến, nhưng thông dịch khác viết văn hay phiên dịch. Thông dịch đòi hỏi sự lanh trí thiên bẩm mà không phải ai cũng có. Tôi thấy anh Đức dịch rất trôi chảy nhưng không chính xác lắm. Còn phiên dịch thì vô cùng khó khăn vì phải thông hiểu không những cả hai ngôn ngữ mà còn phải trải nghiệm cả môi trường văn hoá liên hệ. Là người đã từng dịch và thông dịch (Ông đại sứ, Xứ tuyết, và 17 cuốn chuyên đề (monograph) về chiến tranh Việt Nam cho Trung tâm Quân sử Hoa Kỳ), tôi rất thông cảm và không có ý kiến gì. Dịch không những là phản, có khi lại là “diệt” nữa. Tài năng đến như Nina McPherson khi dịch cuốn Những thiên đường mù của Dương Thu Hương cũng đã vấp phải vài sai lầm khó tha thứ, không tiện nói ở đây, bởi cô phải dịch qua tiếng Pháp và thiếu trải nghiệm văn hoá nông thôn miền Bắc Việt Nam.

© 2006 talawas



[1]Với tư thế một người cao niên ở tuổi cổ lai hy, theo thông tục Việt Nam, tôi dùng từ “cô” cho thân mật, không có ý gì khác.