trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
1.6.2006
Vũ Ngọc Tiến
Lật lại hồ sơ mua sắm TBDH niên học 2005 - 2006
 
Chỉ còn ít ngày nữa, niên học 2005-2006 sẽ kết thúc, một mùa thi mới sắp đến. Khi dư luận xã hội còn chưa hết xôn xao về việc nhiều trường đã khoá sổ hoặc dạy chiếu lệ các môn không thi từ 2 tháng trước để chạy theo thành tích thì một luồng dư luận khác lại nổi lên, muốn xét lại việc mua sắm thiết bị dạy học (TBDH) vốn đã được báo chí xới lên ngay từ đầu niên học. Anh bạn nhà giáo ở thành phố Hồ Chí Minh bức xúc nói với tôi: “Vừa rồi, cái vụ tày đình PMU18 ở ngành giao thông còn phải nhờ vô tình phá án cá độ bóng đá mới tìm ra chứ ở ngành giáo dục, chuyện mua sắm TBDH mọi sự bê bối tưởng đã rõ, sao báo chí khơi ra rồi bỏ lửng? Mình cam đoan nếu báo chí vào cuộc, đào bới đến tận cùng sẽ còn bật ra nhiều thứ ung nhọt khác”. Anh dắt tôi đến một hẻm nhỏ nằm sau chợ An Đông, chỉ cho xem cái văn phòng cũng rất nhỏ nhoi, luộm thuộm và bảo: “Đây là một trong những điểm tiêu thụ TBDH mua từ Trung Quốc về, toàn đồ lởm khởm gia công ở huyện Ung Ninh - Quảng Tây, chất lượng còn lâu mới theo kịp các nhà máy ở Việt Nam chứ đừng nói đến việc so với hàng xịn ở Thượng Hải hay Trạm Giang - Quảng Đông. Các công ty thiết bị trường học bên ta mua về lắp ghép theo kiểu 5 cha 3 mẹ cho đủ bộ TBDH mẫu lớp 4 và lớp 9 của Bộ Giáo dục – Đào tạo chứ họ có nghiên cứu, sản xuất gì đâu, hở giời!” Lời anh bạn nhà giáo nọ và những gì tận mắt nhìn thấy chất lượng TBDH ở một số trường đã thôi thúc tôi lật lại hồ sơ mua sắm TBDH một năm về trước.


Từ một chủ trương đầu tư vội vã theo tư duy ngược…

Một người bạn thân khác, GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn đã nhiều năm sát cánh cùng tôi viết bài về chương trình và sách giáo khoa phổ thông (CTSGK). Chúng tôi có cùng quan điểm rằng mọi sai lầm trong lĩnh vực này đều xuất phát từ lối tư duy ngược, làm sách theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu. Hậu quả là chẳng những mất toi hàng tỷ USD, còn làm khổ 22 triệu học sinh cả nước. Giờ lại thêm một quyết định đầu tư vội vã về TBDH cũng theo vết trượt dài của lối tư duy ngược. Muốn đổi mới, chấn hưng nền học nước nhà trước hết ta phải tập trung trí tuệ, tiền bạc vào việc khắc phục 3 yếu tố cấu thành móng của toà nhà giáo dục đang bị hỏng nặng là Sách, Trường và Người (thầy + trò), sau mới đến TBDH. Chuẩn kiến thức trong CTSGK còn chưa có thì TBDH làm sao chuẩn? Trường lớp nhiều nơi còn ở tình trạng dồn toa, thông ca hay tranh tre, nứa lá thì lấy đâu ra phòng thí nghiệm tử tế cho học sinh thực hành? Thầy ở nhiều nơi còn lúng túng không biết sử dụng TBDH thì làm sao kiểm tra chất lượng khi mua, hướng dẫn trò sử dụng? Thế nhưng không hiểu vì sao ta vẫn đang cố dốc tiền dân ra đầu tư lấy được! Theo hồ sơ điều tra, kinh phí dùng cho đầu tư TBDH giai đoạn 2002-2007 là 14 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD), chia ra bậc tiểu học 1.424 tỷ đồng, bậc trung học cơ sở 6.100 tỷ đồng, bậc trung học phổ thông 6.574 tỷ đồng. Chỉ riêng niên học 2005-2006 ta đã chi ra 1.100 tỷ đồng cho TBDH lớp 4 và lớp 9, không kể tiền mua TBDH phục vụ phân ban thí điểm và cấp bổ sung TBDH lớp 3, lớp 8. Ở đây có sự lặp lại nguyên si cái quy trình thẩm định, triển khai đầu tư theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu rất ngược đời như đã làm với SGK, nên đã xảy ra đầu tư trùng lặp TBDH cho các lớp cùng bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở. Một kiểu đầu tư lạ đời, phản khoa học, lãng phí vô tội vạ. Song cái lãng phí lớn nhất là TBDH mua về không dùng được vì chất lượng kém, nhiều nơi phải “đắp chiếu” vì thầy chưa biết sử dụng hoặc không có nhà làm phòng thí nghiệm. Kết quả điều tra tại nhiều trường ở Hưng Yên, Hoà Bình, Yên Bái của đồng nghiệp trên các báo Tiền phong, Công an nhân dân, Lao động…, hồi tháng 9- 10/2005 đã phản ánh rất chi tiết, sinh động nên tôi không muốn nhắc lại. Có điều, giờ đọc lại những bài báo ấy trong hồ sơ lưu trữ cá nhân, tôi càng thêm khẳng định hậu quả đầu tư theo tư duy ngược như đã nói ở trên đã dẫn đến 3 yếu tố Sách- Trường- Người (thầy + trò) không đáp ứng với yêu cầu đầu tư TBDH nên lãng phí và thất bại thảm hại là tất yếu.


… Đến những rối rắm, khuất tất trong đầu tư

Bạn đọc có thể hỏi rằng, liệu cái hậu quả nhãn tiền của lối đầu tư theo tư duy ngược kia các nhà quản lý có biết không? Thưa rằng, biết quá đi chứ, nhưng họ vẫn làm. Họ làm không vì học sinh thân yêu mà vì tư lợi. Tôi đã thử đặt vấn đề này với một anh bạn PGS. TS ở Hà Nội (xin được giấu tên), anh đáp một lèo thẳng thừng: “Họ thừa biết, nhưng vẫn làm vì soạn SGK hay cung cấp TBDH cũng giống nhau cả thôi; càng rối rắm, làm đi sửa lại sẽ càng trở thành mối lợi tương sinh giữa các chủ thể quyền lực trong ngành GD-ĐT. Này nhé, SGK có chỗ phải chỉnh sửa, giảm tải mới có cớ chi tiền hội thảo, lập hội đồng thẩm định lại; NXB Giáo dục mới có cớ hàng năm in lại sách với doanh thu xấp xỉ tiền thuế nông nghiệp của cả nước; mấy ông bà sếp nhớn mới có cớ ẵm hàng chục, hàng trăm triệu USD đi tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới rất nhăng cuội… Giờ đến vụ TBDH cũng vậy, thiếu đồng bộ hay chất lượng kém ư, không tương thích với bài giảng trong SGK ư, chuyện nhỏ! Họ sẽ đầu tư tiếp, giống như SGK môn vật lý đã từng sai sót đến mức nhiều chuyên gia ở Hội Vật lý đã lên tiếng phải biên soạn lại mà có chết ai đâu. Mỗi lần đầu tư, cục tiền càng to thì chiết khấu, lại quả càng lớn, công ty sân sau càng mọc lên như nấm. Ông bạn chỉ cần điểm huyệt vào cái vụ bộ TBDH mẫu lớp 4 và lớp 9 thôi thì khắc hiểu. Nhiều khuất tất lắm!”. Tôi giật mình trước những lời của anh bạn và lật mở tiếp hồ sơ lưu trữ cá nhân. Trong kế hoạch đầu tư 14 nghìn tỷ đồng cho TBDH giai đoạn 2002-2007 của Bộ GD-ĐT ta có thể tạm chia làm 2 bước. Ở bước 1 (2002-2004), việc đầu tư giàn trải, tùy tiện, mạnh ai nấy làm, giá cả và chất lượng TBDH không kiểm soát được đã dẫn đến tình trạng thất thoát vốn, TBDH thiếu đồng bộ hoặc có cái mua về không thể sử dụng được. Trong khi đó, thị trường TBDH bỗng trở nên hỗn loạn. Các nhà cung cấp nhìn thấy món lợi kếch xù đã đua nhau nhảy vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng béo bở này. Từ chỗ cả nước có 2 công ty đã tăng lên 69 công ty, có đơn vị thực chất, nhưng lại có khá nhiều đơn vị tạp nham và không có thực lực. Tréo ngoe ở chỗ công ty không có thực lực thì lại thường trúng thầu bằng nhiều mánh khóe thông lưng, chia chác. Giá cả duyệt chi khá tùy tiện, miễn sao chơi đẹp theo câu ngạn ngữ “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”. Được biết, đa số các công ty khi đã giành được quyền cung cấp đều chọn phương án mua gom hàng từ Trung Quốc chuyển lậu qua biên giới hoặc từ vài cơ sở sản xuất lép vế ở trong nước. Một giám đốc công ty cổ phần ở Hà Nội cho biết: “1 bình làm thí nghiệm cơ sở của anh sản xuất ra bán với giá 23.000 đồng đã có lãi nhưng ai lọt vào ê-kíp cung cấp sẽ được duyệt giá 61.000 đồng, ấy là chưa kể có khi họ nhập nhèm đánh tráo bình thủy tinh trung tính với thủy tinh thường còn lãi gấp nhiều hơn thế”. Nhìn chung, kết quả điều tra cho thấy các mặt hàng thuộc môn vật lý, môn hoá có giá trị cao thường có lợi nhuận 100% - 110%, cá biệt có thứ lãi 200%. Cân hiện số Trung Quốc loại của huyện Ung Ninh là 102.000 đồng, loại của thành phố Trạm Giang là 160.000 đồng/1 chiếc, đều được thanh toán như nhau là 430.000 đồng/1 chiếc. Chỉ riêng mặt hàng này, các nhà cung cấp đã thu lãi vài tỷ đồng. Điều đáng nói hơn là nhiều cân hiện số này mua về không dùng được (thường là cân của huyện Ung Ninh sản xuất). Nhà giáo Nguyễn Chí Nghĩa kể, có lần ông mang cân ra dùng, thầy trò loay hoay mãi không ra kết quả thí nghiệm chính xác. Khi ông lật đít cân lên mới phát hiện dao cân có chất lượng rất tồi! Nhiều giáo viên, cán bộ trong ngành GD-ĐT, kể cả một số giám đốc bị lép vế trong số 69 nhà cung cấp TBDH đã lên tiếng mong đợi các cơ quan hữu trách vào cuộc thanh tra vấn đề này ngay trước thềm niên học 2005-2006.

Có lẽ trước sức ép của dư luận về những tiêu cực xảy ra nên sang bước 2 của kế hoạch đầu tư TBDH (2005-2007), ngay từ tháng 5/2005, Bộ GD-ĐT đã lại nảy ra một sáng kiến độc đáo, cho ra đời bộ TBDH mẫu lớp 4 và lớp 9. Đơn giá tối đa cho bộ mẫu lớp 4 là 12,173 triệu đồng, cho bộ mẫu lớp 9 là 37,217 triệu đồng, tổng cộng 2 bộ xấp xỉ 50 triệu đồng. Bộ GD-ĐT quy định, mỗi sở phải mua 2 bộ mẫu lớp 4 và 2 bộ mẫu lớp 9, còn mỗi phòng GD-ĐT cấp quận, huyện phải mua 1 bộ mẫu lớp 4 và 1 bộ mẫu lớp 9. Lời giải thích của đại diện Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo nghe khá xuôi tai và hấp dẫn. Theo đó, các bộ mẫu sẽ là cơ sở để các cấp quản lý đối chiếu, chấn chỉnh sự hỗn loạn về giá TBDH do các trường mua sắm; mặt khác, nó được dùng cho việc huấn luyện giáo viên ở các địa phương sử dụng TBDH để có thể thành thục khi hướng dẫn học sinh thực hành. Tréo ngoe ở chỗ Bộ (ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng) lại đặc cách tin tưởng ủy quyền cho Viện Nghiên cứu Chiến lược Giáo dục (bà Viện phó Nguyễn Thị Minh Phương) bao trọn gói từ khâu thiết kế bộ mẫu đến lên giá thành trình Bộ Tài chính phê duyệt và cả việc ký hợp đồng cung cấp cho 64 tỉnh thành, gần 800 quận, huyện. Hãy khoan bàn đến sự hụt hẫng về chuyên môn của 2 bộ TBDH mẫu do những người thiết kế thiếu kinh nghiệm giảng dạy các môn học Toán, Lý, Hoá, Sinh. Ở đây nổi lên 2 vấn đề cần được thanh tra, làm rõ: Thứ nhất, luật quy định hợp đồng từ 200 triệu trở lên phải tiến hành đấu thầu. Nếu các địa phương chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì số thiết bị cung cấp sẽ là 928 bộ mẫu lớp 4 và 928 bộ mẫu lớp 9. Tổng giá trị các hợp đồng đạt cỡ trên 40 tỷ đồng (928 x 50 triệu = 46.400.000.000 đồng). Trên thực tế, ông Vọng đã chỉ định thầu cho bà Nguyễn Thị Minh Phương như vậy là phạm luật nghiêm trọng. Thứ hai, do được toàn quyền từ A đến Z nên đơn giá của từng chi tiết trong 2 bộ TBDH mẫu bị đội lên đến mức khó tin. Theo các nhà sản xuất và buôn bán những mặt hàng này cho biết, tại thời điểm bắt đầu niên học (9-10/2005) có thể giảm giá từ 20% - 25 %, thậm chí có thứ 30% so với bảng giá trong bộ mẫu mà vẫn có lãi. Thử hỏi có khoảng trên dưới 10 tỷ đồng lợi nhuận từ các hợp đồng sẽ chui vào túi những ai?...


Đôi điều kiến nghị

  • Đã đến lúc cần thanh tra toàn bộ các dự án trong ngành GD-ĐT mà trước mắt nên lấy việc cung cấp các bộ TBDH mẫu làm điểm đột phá như nguyện vọng của nhiều nhà giáo, nhà khoa học tôi đã gặp và trò chuyện trước khi viết bài này.

  • Nên chăng Nhà nước hãy tạm ngừng đầu tư TBDH cho niên học 2006-2007, tập trung tài lực đẩy nhanh tiến độ của chương trình kiên cố hoá trường học ở các vùng sâu, vùng xa mà thời gian qua ta giải ngân rất chậm, chất lượng công trình chưa cao. Song song với điều đó phải là những biện pháp quyết liệt để hoàn thiện CTSGK cùng một lúc cho cả 12 năm học theo đúng chuẩn mực quốc tế. Nếu chọn được một tổng công trình sư tài năng và tâm huyết với nền học nước nhà, tôi tin rằng chỉ cần 100 tỷ đồng và trong 1 năm (lời anh Nguyễn Xuân Hãn) ta sẽ hoàn thành, bởi trong nhiều bài viết trước đây trên Văn Nghệ Trẻ, tôi đã từng chứng minh như vậy. Chỉ khi hai việc hệ trọng vừa nêu hoàn tất, ta hãy nghĩ đến kế hoạch đầu tư lớn cho TBDH mới khả thi và hữu dụng.

  • Để khắc phục tình trạng học chay hiện nay, tôi thiết nghĩ, Nhà nước chỉ cần khoản tiền không lớn hỗ trợ và thưởng rất hậu cho các cá nhân, tập thể dám chủ động sáng tạo tự xây dựng phòng thí nghiệm cho học sinh trong điều kiện riêng của mỗi trường. Hơn 40 năm trước, khi tôi còn là học sinh trường cấp III Xuân Đỉnh, cơ sở vật chất của trường rất sơ sài, nhưng thầy Phạm Tạo dạy hoá đã tập hợp một số học sinh giỏi, yêu thích môn hoá lại, thầy trò cùng đi tìm mua hoặc xin thiết bị và cuối cùng chúng tôi đã có được một phòng thí nghiệm vào loại tốt nhất nhì ở Hà Nội. Cái hay còn ở chỗ chính việc cùng thầy đi lùng thiết bị nên lũ trò chúng tôi càng hiếu sâu môn hoá, thành thục thao tác thí nghiệm, say mê tìm hiểu những điều ngoài sách vở. Gần đây, đi viết sách về Anh hùng Lao động- Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Bấc ở Củ Chi, tôi cũng rất xúc động được biết ở một trường mẫu giáo vùng sâu, vùng xa như của chị mà mỗi năm đã tự làm lấy hàng trăm đồ dùng dạy học bằng phế liệu. Tôi tin và hy vọng đất nước vẫn còn rất nhiều nhà giáo tài năng, tâm huyết như thầy Tạo, chị Bấc. Cơ chế nào để họ phát huy và cống hiến xin nhường câu trả lời cho các nhà quản lý...


Hà Nội 12/5/2006

Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ ngày 19.5.2006