trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
13.6.2006
Trịnh Nhật
Dịch thuật: Cái khó nó bó cái khôn
 
Bài tường thuật về buổi Liên hoan Văn học Quốc tế tại New York của Trịnh Lữ ngày 5.5.2006, đặc biệt liên quan đến Dương Thu Hương, đã gây sôi nổi trên diễn đàn talawas với những bài viết dài cũng như ý kiến ngắn của các độc giả. Đa số bài viết tập trung vào nội dung những câu trả lời và vào cá nhân nhà văn nữ phản kháng họ Dương, còn thiểu số tấn công nhận xét và vào cá nhân của tường thuật viên họ Trịnh, cho rằng ông thiên lệch vì ông là người của chế độ. Thực hư ra sao đã được ông phần nào trả lời trong bức thư ngỏ sau đó.

Cá nhân tôi đặc biệt để ý đến nhận xét của ông Trịnh Lữ về khía cạnh phiên dịch (dịch nói) cho cuộc hội thảo công khai, có thể đã được truyền thanh truyền hình đó. Ông Trịnh Lữ cho chúng ta cái cảm tưởng ngay từ đầu về tính chất tài tử, không chuyên nghiệp của người thông dịch là ông Nguyễn Quí Đức: “... lúc nào tôi cũng có cảm giác anh đang làm một việc gì đó chưa đúng ý mình, và anh chỉ làm cho vui vui thế thôi”. Ông Lữ tỏ ý nghi ngờ tính cách khách quan của người dịch vì đã không lột tả được câu chữ và giọng điệu của người nói. Theo ông, Dương Thu Hương nói một giọng rất khỏe và đanh qua hệ thống loa của phòng họp: “Vì tôi chọn con đường làm giặc, nên biết rằng mình có thể chết bất kì lúc nào”, mà Nguyễn Quí Đức, không hiểu vì lí do gì, lại dịch chữ ‘làm giặc’ ấy của Hương là ‘trouble-maker’ thôi, chứ không phải là ‘rebel’. Ông viết tiếp: “Hay là anh cố tình làm dịu câu chuyện? Mà giọng anh nghe thật mềm mỏng, như mấy làn sóng vội lan ra sau khi hòn đá ‘làm giặc’ của Hương vừa rơi xuống nước vậy”. Tôi đồng ý với ông Lữ là từ “trouble-maker” (‘tên phá rối’) nghe hơi nhẹ, chỉ có thể coi tương đương với từ “stirrer” hay “shit stirrer” (‘tên phá thối’) ở Úc, hoặc “activist” (‘phần tử manh động’), nếu muốn mang thêm màu sắc chính trị.

Ông Lữ xem ra đã gián tiếp dựa vào cuộc đối thoại có chiều hướng “ông nói gà bà nói vịt”, mà nghi ngờ khả năng nghe hiểu và chuyển ngữ của người dịch: “Có lẽ phiên dịch là một vấn đề trong cuộc hội thoại này. Nguyễn Quí Đức chỉ dịch thầm vào tai Hương những câu hỏi được nêu ra, nên cử toạ hiểu tiếng Việt không biết liệu anh có chuyển tải đúng những câu hỏi ấy không... Nhiều câu trả lời của Hương chẳng liên quan gì đến câu hỏi của Stone hoặc anh người Pháp kia.” Ông còn nói thêm, cô gái học báo chí ngồi cạnh có lần hỏi ông: “Anh ấy dịch sai? Chị ấy không hiểu, hay là né tránh?”

Và câu chữ dịch sai theo ông Lữ là khi Robert Stone hỏi: “Đạo lí của nghệ thuật là ở chỗ nó nhận diện được sự thật. Văn chương cũng vậy. Chị nghĩ gì về điều này?”, thì Dương Thu Hương đáp: “Ông quá thương tôi nên mới hỏi tôi một câu to tát như vậy. Tôi đã nói tôi không phải là nhà văn mà, thưa ông. Tôi xin cám ơn vì ông đã tốt với tôi như thế.” Ông Lữ cho rằng Nguyễn Quí Đức dịch cái ý “thương”“tốt với tôi” ấy bằng từ “compassion” là sai vì Robert Stone lập tức phản ứng một cách khá gay gắt: “Compassion is not required here!” (Không có chuyện lòng thương ở đây!). Phải chăng ông Lữ muốn ám chỉ câu “Ông quá thương tôi nên mới hỏi tôi một câu to tát như vậy...” nên dịch là “It’s so kind of you to ask me such a big question...”

Quanh vấn đề dịch thuật, trong đoạn cuối bài viết “Nghịch lí Dương Thu Hương” gửi talawas đăng ngày 15.5.2006, ông Chu Việt có vẻ đồng ý với ông Trịnh Lữ khi cho rằng một phần của tình trạng “ông chẳng bà chuộc” giữa Robert Stone và Dương Thu Hương và ngộ nhận nơi những người viết về buổi nói chuyện này cũng do sự thông dịch (dịch nói) mà ra. Ông viết: “Nguyễn Quí Đức là một nhà văn viết tiếng Anh mà tôi quý mến, nhưng thông dịch khác viết văn hay phiên dịch. Thông dịch đòi hỏi sự lanh trí thiên bẩm mà không phải ai cũng có. Tôi thấy anh Đức dịch rất trôi chảy nhưng không chính xác lắm.”

Là một người đã từng phiên dịch và thông dịch với nhiều kinh nghiệm, ông Chu Việt tỏ ra rất thông cảm với ông Đức và không nỡ có thêm ý kiến gì. Tác giả họ Chu còn nêu nhận xét về việc phiên dịch (dịch viết) mà ông cho là: “vô cùng khó khăn vì phải thông hiểu không những cả hai ngôn ngữ mà còn phải trải nghiệm cả môi trường văn hoá liên hệ.” Ông còn viết: “Dịch không những là phản, có khi lại là ‘diệt’ nữa. Tài năng đến như Nina McPherson khi dịch cuốn ‘Những thiên đường mù’ của Dương Thu Hương cũng đã vấp phải vài sai lầm khó tha thứ, không tiện nói ở đây, bởi cô phải dịch qua tiếng Pháp và thiếu trải nghiệm văn hoá nông thôn miền Bắc Việt Nam.”

Chuyện “dịch sai, dịch hỏng, thảm họa dịch” đã được nói tới nhiều trong những bài viết về dịch thuật đăng trên talawas từ lâu nay rồi. Tôi không muốn nói gì thêm, mà chỉ nhắc lại điều tôi đã viết đâu đó để thông cảm với những người dịch viết như sau:

“Trong việc dịch thuật, cái bất công nằm ở chỗ là khi mình dịch hay, dịch đúng thì cũng không mấy ai biết mà khen vì họ đâu có bản văn gốc đem đối chiếu để mà biết những cam go, cạm bẫy mà người dịch đã trải qua, đã tháo gỡ. Ðộc giả coi đó như là chuyện tự nhiên, không thắc mắc. Chỉ khi nghe thấy cái gì lạ tai, đọc thấy cái gì gai mắt thì lúc đó người nghe, người đọc mới nhăn mặt, cau mày, chê lấy chê để. Chuyện dịch thuật, nhất là trong lúc bị công việc thúc bách, đòi hỏi ứng phó tức khắc, hoặc trong lúc phải dịch liên miên, ngày này qua ngày khác, thì ‘đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma’. Ai mà chả vậy. Kể cả những dịch giả ‘số dzách’ hoàn vũ, chắc là họ cũng biết trọng chữ thành chữ tín để không ngần ngại mà nhìn nhận rằng mình đã có hơn một lần lầm lỗi.”

Ở đây tôi chỉ muốn nêu ý kiến là ‘dịch nói’ có cái khó riêng của nó. Với kinh nghiệm là người đã từng “làm thày, làm thợ, lại làm thuê” trong ngành dịch thuật gần một phần ba thế kỉ tại Úc, tôi nghĩ điều kiện cần và đủ để trở thành thông dịch hay phiên dịch chuyên nghiệp là một văn bằng cử nhân về Thông ngôn và Phiên dịch (Bachelor’s Degree in Interpreting and Translation), chương trình 3 năm toàn thời, tại một đại học như Đại học miền Tây Sydney (University of Western Sydney). Tốt nghiệp văn bằng cử nhân là một chuyện (đẹp về mặt khoa bảng), nhưng muốn hành nghề lại là một chuyện khác (tốt cho công ăn việc làm), thì hai bài thi, một về thông ngôn và một về phiên dịch, trong kì thi năm chót, mỗi bài phải đủ 70 điểm trên 100 để được Cơ quan Quốc gia Chuẩn nhận Văn bằng cho Phiên dịch và Thông dịch viên (National Accreditation Authority for Translators and Interpreters - NAATI) của Úc, cấp phát cho chứng chỉ hành nghề. Còn con đường khác để được chấp nhận hành nghề là thí sinh có thể đóng tiền dự thi ngang, do cơ quan NAATI trụ sở trung ương tại thủ đô Canberra tổ chức. Tất nhiên cũng có trường hợp của những người không cần học lấy bằng cử nhân, không cần không cần thi NAATI mà vẫn làm được việc, vì nghề đã dạy nghề. Trong những năm gần đây sinh viên đã tốt nghiệp đại học về bất cứ ngành gì, nếu có đủ khả năng về Anh ngữ và Việt ngữ, đều có thể ghi danh học lấy bằng Diploma of Interpreting and Translation, tại đại học nói trên.

Nói là thông dịch viên chuyên nghiệp (professional interpreter), hay còn gọi là thông dịch viên cấp 3, ở đây chỉ có nghĩa là làm thông dịch cho người Việt không nói được tiếng Anh trong cộng đồng Úc tại những cơ quan như trường học, nhà thương, Bộ Gia cư, đồn bót cảnh sát, hoặc toà án v.v... Muốn thông dịch tại hội nghị quốc tế (international conferences), thông dịch viên phải có bằng thông dịch cấp 4. Cơ quan NAATI đã có tổ chức kì thi cho một số ngôn ngữ thông dụng khác như Pháp, Đức, Ý, Ả Rập, Tây Ban Nha... nhưng chưa thấy có tiếng Việt, một phần có lẽ cũng tùy thuộc vào nhu cầu.

Ở Việt Nam trước đây và có thể là bây giờ nữa, con số người thành thạo được kĩ năng dịch nói hai chiều ở cấp độ quốc tế cho tiếng Anh, tiếng Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nếu tôi nhớ không lầm thì trong các cuộc họp báo truyền hình của các vị lãnh đạo miền Nam trước năm 1975, hai thông dịch viên thường được trưng dụng là ông Nguyễn Ngọc Linh chuyên dịch sang tiếng Anh, và ông Bửu Nghi chuyên dịch sang tiếng Việt.

Trong chuyến viếng thăm đáp lễ tại Úc vào những năm cuối thập niên 90, của phái đoàn gồm 3 người thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam do ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc cầm đầu và của phái đoàn Quốc hội Việt Nam gồm khoảng hơn 20 người, trong đó có 6 nhân vật nòng cốt, do ông Chủ tịch Quốc hội lúc đó là Nông Đức Mạnh cầm đầu, tôi đã được chứng kiến khả năng thành thạo, khá ấn tượng của hai thông dịch viên cho hai phái đoàn nói trên. Thông dịch viên của Việt Nam lúc đó có cái lợi điểm ở chỗ họ chính là công chức trong ngành tư pháp và ngoại giao, đã quen thuộc với những vấn đề bang giao quốc tế và chắc chắn là đã có thời kì du học, có thể về thông dịch, và làm việc ở những nước nói tiếng Anh. Khi được hỏi là còn có nguyên nhân nào khác khiến họ làm được việc tốt đẹp như vậy hay không, tôi cho biết là khi tháp tùng phái đoàn để làm thông dịch, họ đã có cơ hội làm quen với những đề tài liên hệ cả tuần lễ với tư cách là thông/ phiên dịch viên tại Hà Nội qua những tài liệu đã được phiên dịch và với những kinh nghiệm thông dịch trong chuyến viếng thăm và tham dự hội thảo của phái đoàn đối tác Úc khoảng một năm trước đó.

Qua mục talawas chủ nhật 25.5.2006, tôi mới được biết ông Nguyễn Quí Đức là người có kiến thức rộng rãi về ngành truyền thông và dịch thuật văn học, đồng thời ông còn có nhiều kinh nghiệm về viết và nói tiếng Việt, tiếng Anh. Có điều tôi chưa rõ là ông có kinh nghiệm dịch nói tại hội nghị, hội thảo quan trọng hay không. Ai đã ở trong ngành thông dịch đều có thể biết là khả năng nói thông thạo hai ngôn ngữ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ, để thông dịch được hai chiều ngôn ngữ, lại còn phải quen thuộc, am tường đề tài mình thông dịch, đồng thời phải sẵn sàng dịch ứng biến được lối nói nôm na, thông tục (colloquial) nữa kìa! Hãy thử tưởng tượng mình phải ứng phó dịch liền câu nói của Dương Thu Hương: “Tôi có hai con người, một chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ, và người kia là một mụ đàn bà răng đen mắt toét..” là đủ thấy ‘toát mồ hôi hột’ rồi. Muốn làm được việc thì phải cần học hỏi, thực tập và trải nghiệm. Đấy là chưa kể phải lanh trí và có khiếu thiên bẩm như ông Chu Việt đã nêu. Người Anh họ thường nói “Practice makes perfect”, còn cổ nhân ta thì dạy rằng “Trăm hay không bằng tay quen”.

Ông Đức, cũng như của bất kì thông dịch viên nào khác, tôi nghĩ cái khó họ “phải có” là về mặt tâm lí. Thông dịch trong một môi trường có đông cử toạ, có máy quay phim, có máy chụp hình, thu băng, mà ở đó mình biết có nhiều người giỏi hơn mình hiện diện, sẵn sàng và dễ dàng nhận ra những sơ hở, lỗi lầm ‘sai một li đi một dặm’ của mình, thì rất dễ mất tự tin. Mà một khi mất tự tin thì sinh ra lúng túng, mà một khi đã lúng túng thì khó mà tập trung để nghe cho ‘thủng’, để dịch cho ‘đúng’ được. Đấy là chưa kể trường hợp phải đương đầu với một đề tài có tính cách chính trị, đòi hỏi sự tế nhị, mà không may gặp phải những thay đổi vào giờ chót, không kịp chuẩn bị, như trường hợp của người thông dịch bài diễn văn của Tổng thống Mĩ Bill Clinton tại Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội ngày 17.11.2000, thì quả là “cái khó nó bó cái khôn” thật.

Sydney, tháng 6. 2006

© 2006 talawas