trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
26.6.2006
Vũ Ngọc Tiến
Lật lại hồ sơ đầu tư TBDH: Đôi lời thưa lại
 
Điều đầu tiên, người viết muốn chuyển lời trân trọng cảm ơn ông Phạm Văn Nam đã thay mặt Viện Chiến lược & Chương trình Giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) viết bài đối thoại cùng tôi (Văn Nghệ Trẻ 18/6/06, phát hành từ 16/6/06), bởi từ 12 năm qua, với hàng trăm bài viết về giáo dục (riêng trên báo Văn Nghệ TrẻVăn Nghệ, từ năm 2000 đến nay, tôi cũng đã viết khoảng hơn hai chục bài) nhưng tôi chưa một lần có vinh hạnh nhận được hồi âm. Sau đây, tôi xin có đôi lời thưa lại cùng ông Nam và bạn đọc.

Thưa ông Phạm Văn Nam,

Không phải ngẫu nhiên tôi lấy tiêu đề “Lật lại hồ sơ…” cho bài viết lần trước (Báo Văn Nghệ Trẻ 21/5/06, phát hành từ 19/5/06). Trên bàn viết của tôi lúc này có cả một chồng gần 350 trang tài liệu gồm các quyết định phê duyệt mẫu thiết bị dạy học (TBDH) của Bộ GD-ĐT cho lớp 2-7 (2003), lớp 3-8 (2004), lớp 4-9 (2005) và gần đây nhất là lớp 5-10 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng ký ngày 9/5/2006. Đi kèm theo quyết định là danh mục TBDH rất bài bản, chi tiết, lại có cả nhiều cuốn catalogue cho từng bộ TBDH mẫu, in rất đẹp để tôi đối chiếu với hàng hóa đã được cung cấp về các trường mà tôi đã khảo sát. Không những thế, Bộ Tài chính cũng song hành phê duyệt một tập bảng giá dày cộm, chi ly đến từng “con vít” cho mỗi bộ TBDH mẫu của từng lớp học. Xem ra quy trình triển khai đầu tư TBDH của bộ GD-ĐT cũng rất chặt chẽ, kín nhẽ mọi bề, bởi gần 350 trang các văn bản kia đã được gửi đi rất nhiều nơi: Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Khoa giáo Trung ương, các bộ, ngành thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan trong Bộ GD-ĐT. Thế nhưng tôi cũng lại có trên bàn viết cỡ vài trăm trang tài liệu khác bao gồm: những tham luận phê phán về TBDH trong các cuộc hội thảo; những tài liệu từ Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội; những phóng sự điều tra của phóng viên các tờ báo in, báo điện tử mà chỉ riêng loạt bài điều tra về TBDH trên tờ Công an Nhân dân đầu tháng 10/2005 cũng đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc đầy tâm huyết, chung một nỗi xót xa vì sự lãng phí khủng khiếp… Gần đây, sau bài viết “Lật lại hồ sơ…” tôi cũng nhận được không ít những phản hồi tương tự từ bạn đọc. Đó là không kể những cuốn băng ghi âm, ghi hình phỏng vấn do tôi thực hiện hoặc bạn bè cung cấp. Vậy nên tôi chỉ thay mặt đông đảo bạn đọc, trong đó có khá nhiều giáo viên, cán bộ trong ngành GD-ĐT để nói lên tiếng nói nghi ngờ về cội nguồn chủ trương đầu tư vội vã 14 nghìn tỷ đồng TBDH theo tư duy ngược; quá trình thiết kế, thẩm định chất lượng, giá cả, phương thức giao nhận và kiểm tra những bộ TBDH, cho dù nó được triển khai rất bài bản, kín nhẽ mọi bề như đã nói ở trên. Liệu có những thế lực ngầm, những liên minh ma quỷ chi phối quá trình này? Điều ấy chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc mới rõ. Nhưng có một thực tế, khi tôi lặn lội vào các cơ sở chuyên doanh TBDH thì đều được nghe xầm xì về một đại gia trong lĩnh vực rất khoa học và văn hóa này lại xuất thân từ bà bán cá chợ Đồng Xuân và thường thâu tóm được nhiều hợp đồng TBDH béo bở hàng trăm tỷ đồng, trong khi cơ sở sản xuất ở Từ Sơn thì lôm nhôm, nhân lực lèo tèo (!?) Bài viết của tôi nhắm tới cái đích toàn ngành là chính và những điều lớn đặt ra trong bài viết có lẽ ông Nam chưa đủ thẩm quyền giải đáp. Còn về vụ việc cung cấp các bộ TBDH mẫu của Viện Chiến lược & Chương trình Giáo dục cho các tỉnh, thành chỉ là một mảnh vỡ nhỏ nhặt ra trong bức tranh toàn cảnh. Nhưng ngay cả trong mảnh vỡ này thì câu hỏi lớn công luận cần làm rõ là cơ sở chuyên môn nào, pháp luật nào, nguyên do tế nhị gì đã khiến Bộ (ông Thứ trưởng Vọng) chỉ định thầu cho quý Viện (bà Nguyễn Minh Phương đứng chủ hợp đồng với các tỉnh thành) vẫn chưa có lời đáp. Một khi Bộ (Vụ Tài chính-Kế hoạch) với quý Viện là một thì có gì đảm bảo cái bảng giá được duyệt rất chi ly, hoành tráng kia trình lên Bộ Tài chính phê duyệt là chính xác? Nói quý Viện (bà Phương) lo từ A đến Z là theo nghĩa đó. (Đã từng có một tiền lệ, trong vụ án tham nhũng ở ngành bưu điện, từ 6/2003 – 1/2005, Trung tâm Thẩm định giá của Bộ Tài chính đã ra 8 văn bản tạo điều kiện cho Nguyễn Lâm Thái và 39 bưu điện tỉnh, thành thực hiện 84 giao dịch hợp đồng, làm thiệt hại 14 tỷ đồng công quỹ.) Tôi đã nghiên cứu kỹ không chỉ Quyết định 2076/QD-BTC (21/6/05) của Bộ Tài chính như ông Nam đã dẫn đâu mà còn cả các Quyết định 2497/QD-BTC (5/8/04) và 100/QD-BTC (23/7/03) nữa. Nhưng lộ trình dẫn đến bảng giá TBDH được phê duyệt trong 3 quyết định ấy còn nhiều điều phải bàn lắm! Giá cả đội lên so với thị trường (thời điểm 9- 10/2005) là có thực (tôi lấy sinh mệnh chính trị một công dân tóc bạc ra để thế chấp) nên nhiều tỉnh thành không chịu mua đủ số bộ TBDH mẫu lớp 4 và lớp 9 của quý Viện (Khánh Hòa 2/9 bộ phải mua) theo chỉ thị của Bộ, thậm chí kiên quyết không mua (Tp Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Ngãi…). Một cán bộ có trách nhiệm trong ngành cho biết, từ tháng 5 đến 9/2005 mới chỉ có 40/64 tỉnh, thành chịu thực hiện “lệnh phải mua này”, dù Bộ gửi công văn hối thúc “phải mua” 3-4 lần họ vẫn làm thinh (thời điểm 29/9/2005)! Ông Nam nói rằng Viện ông chỉ kiểm tra chất lượng và chuyển giao TBDH lớp 4 và lớp 9 cho các địa phương, vậy phải hiểu hai chữ “chuyển giao” là gì khi thực chất là Viện bán, còn địa phương được Bộ chỉ thị phải mua của quý Viện?

Thưa ông Phạm Văn Nam,

Trên đây là những vấn đề lớn và chung nhất, trong đó cũng đã có phần nào giải đáp những thắc mắc của ông. Đi sâu vào một vài tiểu tiết khác, thực ra chẳng quan trọng lắm, song ông đã hỏi thì tôi cũng xin phép trả lời ra đầu ra đũa:

Thứ nhất, ông Nam đã không đọc kỹ lời văn tôi trong bài viết trước. Tôi viết rằng, giả sử các địa phương chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu “phải mua” TBDH mẫu của quý Viện thì con số mới là 928 bộ lớp 4 và 928 bộ lớp 9 và doanh số tổng các hợp đồng sẽ là hơn 46 triệu đồng, chứ tôi không võ đoán áp đặt. Nay con số thực ông Nam cho biết là 712 bộ không đồng bộ cho mỗi lớp (cỡ trên dưới 30 tỷ đồng) cũng là vi phạm rất lớn theo luật đấu thầu, thưa ông. Từ con số giả định, căn cứ vào thực tế chênh lệch so với giá cả thị trường (20% - 30 %) tôi đưa ra khoản vênh giá trên dưới 10 tỷ đồng ngỡ đã ghê gớm, nhưng theo một nguồn tin khác nó vẫn còn ít, có thể lớn hơn thế nhiều. Đơn giản là một bộ TBDH mẫu được thiết kế cho một lớp có 40 em học sinh nên có rất nhiều chi tiết không chỉ là đơn chiếc, nhưng khi các vị giao hàng lại thường không đủ, (ví dụ môn Hóa lớp 9: bình cầu 250ml, phễu lọc thủy tinh… mỗi thứ 12 cái chỉ giao 5-6; cốc thủy tinh các loại, đũa thủy tinh, bình tam giác 100ml và 250ml… mỗi thứ 6 cái chỉ giao 2-3, thậm chí có nơi 1). Thế nhưng việc giao nhận, kiểm tra rất đại khái, chiếu lệ và… (!?) nên khi thanh quyết toán vẫn đầy đủ 5.312.194 đồng một bộ cho riêng môn Hóa. Nếu không tin, ông Nam có thể đến ngay một vài trường ở Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa sẽ mục đích sở thị. Đó là chưa kể có nơi giao hàng nhập nhèm giữa thủy tinh trung tính với thủy tinh thường khiến giáo viên vừa hơ qua lửa đèn cồn đã vỡ! Các môn Vật lý, Kỹ thuật chi phí lớn hơn nhiều, song cũng đều có tình trạng như vậy cả. Cộng 2 khoản chênh lệch giá với thị trường và giao hàng gian dối sẽ là bao nhiêu, thật khó kết luận nếu không thanh tra dứt điểm.

Thứ hai, ông Nam không thừa nhận những hụt hẫng về chuyên môn trong danh mục TBDH mẫu nói chung và lớp 4, lớp 9 nói riêng. Ông còn khẳng định: “Đến nay Viện không nhận được thông tin nào về sự hẫng hụt chuyên môn đối với TBDH mẫu lớp 4, lớp 9”. Thưa rằng ngay từ năm 2005 đã có rất nhiều thông tin đấy thôi, chỉ riêng loạt bài điều tra “TBDH: Tiền tỷ ném cho gió” trên báo Công an Nhân dân (3-12/10/2005) đã có rất nhiều, tôi vốn đã không muốn làm mất thời gian bạn đọc, nay buộc phải nhắc lại một ý kiến điển hình của TS Nguyễn Văn Khải (8/10/2005): Theo bài 3 SGK Vật lý lớp 9, một nguồn điện 6V có thể điều chỉnh liên tục các giá trị hiệu thế từ 0-6V, nhưng trong danh mục TBDH lại không có thiết bị này. Bài 56 SGK Vật lý lớp 9, để làm thí nghiệm “Tác dụng của ánh sáng” cần một bóng đèn dây tóc nóng sáng hình nấm công suất 40- 75W, một tấm thép, một nhiệt kế, nhưng trong danh mục TBDH lại quy định: một bóng đèn 12- 21V, hai nhiệt kế bách phân (không rõ nhiệt kế loại gì) cắm trên hai hộp đen và trắng. Chỉ cần chịu khó quan sát, đối chiếu giữa SGK và danh mục TBDH sẽ thấy sách viết một đằng, dụng cụ một nẻo, cứ như tung hỏa mù, đánh trận giả. Hậu quả là nhiều giáo viên đã phát hiện ra sai sót này nên cũng cho học sinh nghỉ thực hành luôn cho khỏe.”

Khi tôi ôm một chồng danh mục TBDH lớp 2-7, lớp 3-8, lớp 4-9 và lớp 5-10 (mới nhất, do ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng phê duyệt theo Quyết định số 2294 & 2295/QD-BGĐT ngày 9/5/2006) đi hỏi nhiều chuyên gia họ đều nhận định, chỉ có 20% trong danh mục là thật sự cần thiết, phù hợp với tình hình chung hiện nay, còn lại là vô bổ, chồng chéo, lãng phí. Chao ôi, 80% của 14 nghìn tỷ đồng ngân sách ném vào trong gió! Thật lòng tôi không dám tin, đành về nhà căng mắt tra lại tài liệu từng năm và đối chiếu giữa các năm thì quả có thế thật. Vậy nên tôi lại phải sử dụng chính những số liệu của các vị để chứng minh cho “nói có sách mách có chứng”. Ta hãy lấy bảng danh mục TBDH lớp 7 và lớp 9 cho riêng môn Vật lý ra cùng nghiên cứu. Người giáo viên nào có nhiều kinh nghiệm, lâu năm trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Vật lý cũng đều nắm được nhu cầu thực hành điện xuyên suốt cấp THCS của học sinh phải liên thông từ lớp 7 đến lớp 9. Bảng TBDH môn Vật lý lớp 7 gồm 3 phần; phần A (Quang) có 26 danh mục; phần B (Âm) có 19 danh mục; phần C (Điện) có 27 danh mục. Người giáo viên dạy Vật lý lớp 7 bình thường nào chẳng biết các em học sinh dù làm thí nghiệm Âm hay Điện hay Quang đều có nhu cầu dùng chung nguồn điện 1 chiều là pin. Thế nhưng ở phần A đã có mục 16 (hộp pin nhựa có giắc cắm 6 hộp x 12.000 = 72.000 đồng), mục 17 (pin to 12 cục x 1.500 = 18.000 đồng) thì sang phần B lại có mục 17 hộp pin (6 hộp), mục 18 pin to (12 cục), tiếp sang phần C lại có sự nhai lại mục 8 hộp pin (6 hộp) và mục 9 pin to (12 cục). Như vậy là vì hụt hẫng chuyên môn, trong cùng một môn Vật lý lớp 7 đã có sự đầu tư trùng lặp đến 3 lần về pin (90.000 x 3 = 270.000 đồng), lãng phí 180.000 đồng. Tôi đặt giả thiết nước ta có 10.000 xã, phường cũng là có 10.000 trường THCS, chỉ riêng môn Vật lý các vị đã lãng phí tiền dân 1,8 tỷ đồng (180.000 x 10.000 = 1.800.000.000 đồng). Giờ tôi lại xin chuyển sang đối chiếu 2 bảng danh mục TBDH môn Vật Lý lớp 7 và lớp 9. Tại bảng danh mục cho lớp 7, phần C có mục 18 (hộp biến trở 20 ôm, 1A , số lượng 1, thành tiền 33.800 đồng); mục 22 (Vôn kế, điện một chiều, hai thang đo 3V và 15V, số lượng 6, đơn giá 52.000, thành tiền 312.000 đồng); mục 23 (Ampe kế, điện 1 chiều, hai thang đo 0,6A và 3A, số lượng 6, đơn giá 52.000, thành tiền 312.000 đồng). Bảng danh mục cho lớp 9 chia làm 3, phần A (tranh ảnh) có 3 mục, phần B (dụng cụ) có 68 mục, phần C (dụng cụ có bán trên thị trường) có 33 mục. Tại phần B có mục 9 (biến trở con chạy 20 ôm, 2A, số lượng 6, đơn giá 49.250, thành tiền 295.500 đồng; tại phần C có mục 3 (Ampe kế, điện 1 chiều, hai thang đo 1A và 3A, số lượng 6, đơn giá 48.000, thanh tiền 288.000 đồng) và mục 4 (Vôn kế, điện 1 chiều, hai thang đo 6V và 12V, số lượng 6, đơn giá 48.000, thành tiền 288.000 đồng).

Như vậy là ta đã đầu tư thừa ra 1 hộp biến trở (49.250 đồng) vì lớp 7 đã có 1 hộp rồi, còn 6 Ampe kế (288.000 đồng) và 6 Vôn kế (288.000 đồng) là hoàn toàn không cần đầu tư tiếp. Ở đây có sự lắt léo là các vị đã đưa ra một vài thông số kỹ thuật hoặc tên gọi khác nhau giữa 2 bảng lớp 7 và lớp 9, nhưng không quan trọng gì cả. Phải chăng đó là một tiểu xảo đánh lừa các cấp phê duyệt để cố tình đầu tư trùng lặp với một ý đồ làm sao tiêu cho hết 14 nghìn tỷ đồng của dân trong toàn bộ kế hoạch (2002-2007)? Cộng 3 khoản thiết bị đầu tư trùng lặp giữa lớp 7 và lớp 9 cho môn vật lý sẽ là 625.250 đồng/1 bộ TBDH. Vẫn bằng cách tính dựa trên sự giả thiết như trên, ta dễ dàng tìm ra sự lãng phí ở phạm vi cả nước của môn Vật lý lớp 9 là 6,2525 tỷ đồng. Tôi vừa nói đến sự lãng phí do đầu tư trùng lặp ở 1 môn học (chưa đầy đủ ở môn Vật lý), chứ cái sự lãng phí do đầu tư vô bổ ở nhiều môn học, đặc biệt là những dụng cụ học tập bằng “nhựa đểu” (ngôn ngữ của giới kinh doanh TBDH) trong bảng danh mục TBDH lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 (cấp Tiểu học) thì là vô kể xiết. Hãy cứ làm cuộc thí điểm điều tra công khai, nghiêm túc ở vài huyện khắc rõ như ban ngày, thưa ông Nam.

Bạn đọc Văn Nghệ Trẻ thân mến,

Tôi vừa mạn phép trao đổi sòng phẳng và công khai với vị đại diện cấp dưới của Bộ GD-ĐT và Viện chiến lược-Chương trình Giáo dục, ông Phạm Văn Nam. Rất mong được đối thoại cùng các vị lãnh đạo của Bộ trên nhiều vấn đề bức xúc khác nữa, tại diễn đàn Văn Nghệ Trẻ. Khi tôi viết những dòng này thì trên các phương tiện thông tin đại chúng đang sôi động lời kêu cứu của các nhân tài du học sinh Việt Nam bằng đường chính thống của Bộ GD-ĐT ở khắp nơi trên thế giới vì đói khát do không nhận được tiền trợ cấp theo chế độ Nhà nước. Tôi càng đau xót vì trong một chuyến đi thị sát các điểm nóng về nạn trẻ em nghèo thất học lại vô tình được nghe bài ca dao từ miệng ông giáo làng về hưu nghèo kiết, ở một miền quê xơ xác như sau:

Ai qua cầu Vác, Hiệp Hòa
Hỏi thăm đường tới Trung Hòa-Mai Trung
Mà xem tượng đá to đùng
Với năm ngàn mét gia trang ông “Vờ”.
Bao nhiêu nỗi cực trẻ thơ
Bao nhiêu cay đắng mẹ cha tảo tần
Để ông vơ vét tiền dân
Xe sang ông cưỡi, gái tân ông vầy
Để nền học vấn hôm nay
Tanh bành vỡ nát, đọa đầy mầm non…
Mầm non tàn lụi - Mầm non
Mai này kiến quốc có còn được chăng?...

Tôi không rõ bài ca dao nói về ai trong số các quan trông coi về TBDH, nhưng lòng dân thì đã rõ. Và vì thế, thưa ông Nam và bạn đọc, lương tâm mách bảo tôi sẽ phải còn viết tiếp. Một lần nữa trân trọng cảm ơn ông Nam đã hồi âm!

Hà Nội 17/6/2006

Nguồn: Văn Nghệ Trẻ, 25.6.2006. Bản đăng trên talawas có bổ sung má»™t số Ä‘oạn khôi phục từ toàn văn bản gốc.