trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
7.7.2006
Trương Văn Tân
Ngụy tạo, đạo văn và tham nhũng trong nghiên cứu khoa học
 
Tinh thần tôn trọng sự thật khách quan là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của nghiên cứu khoa học. Những thành quả nghiên cứu thường xuất hiện ở dạng bài báo cáo trong các tạp chí chuyên ngành hay được phát biểu tại các hội thảo khoa học. Tính khách quan và sự chuẩn xác của bài báo được đánh giá qua một quá trình duyệt xét bởi các chuyên gia cùng ngành (peer review). Thông thường có từ hai đến ba người duyệt xét và gởi ý kiến của mình đến chủ biên tạp chí. Nếu có một ý kiến phủ nhận thì bài báo không được đăng. Quá trình duyệt xét trong các tạp chí khoa học đã tồn tại hơn nửa thế kỷ và là một biện pháp rất hữu hiệu không những để duy trình tính khách quan, tính lôgic mà còn phát hiện kết quả ngụy tạo và đạo văn.

Tuy nhiên, biện pháp dù hữu hiệu nhưng vẫn còn khe hở. Ngụy tạo kết quả khoa học cũng có một "lịch sử" lâu dài như lịch sử khoa học. Người viết nhớ đến việc ngụy tạo kết quả của một giáo sư tại đại học Úc với mục đích làm vừa lòng một công ty dược phẩm tài trợ công trình nghiên cứu sinh học của ông. Muốn chứng tỏ có sự lai giống của giống chuột đen và giống chuột trắng, ông dùng mực đen bôi lên chuột trắng rồi chụp hình đăng báo! Một trường hợp khác xảy ra tại đại học Pakistan. Một vị giáo sư dùng uy tín của mình đăng một bài báo cáo trên tạp chí điạ chất học để tuyên bố rằng ông đã khám phá một loại đá trầm tích mới tại rặng Hi Mã Lạp Sơn. Các đồng nghiệp của ông trên thế giới quả quyết không bao giờ có sự hiện hữu loại đá như vậy tại địa điểm trên. Sau những bài báo công kích gắt gao, cuối cùng ông phải thú nhận rằng mẫu đá mà ông "phân tích" đăng trên bài báo được ông mua tại một tiệm đồ cổ trong chuyến du lịch Paris... 

Woo Suk Hwang là giáo sư sinh học tại Seoul National University (Hàn Quốc). Mấy năm vừa qua ông nổi tiếng thế giới về các công trình nghiên cứu sinh sản vô tính (cloning) và đã được dân Hàn Quốc tôn vinh là anh hùng khoa học. Ông ngụy tạo kết quả thí nghiệm trong việc tạo ra phôi con người, khôn khéo vượt qua quá trình duyệt xét và công bố "kết quả" trên tạp chí Science (2005). Sự ngụy tạo này gây ra một cú "sốc" lớn trong cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc tế. Ông từ chức vào tháng 12, 2005. Một sự kiện khác là trường hợp của tiến sĩ Jan Schön. Schön là một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều triển vọng nhưng trong khi làm việc tại Bell Labs (Mỹ) ông ta ngụy tạo kết quả 16 lần trong khoảng thời gian 1998-2001, đăng hơn 40 bài báo cáo trên các tạp chí nổi tiếng như Nature, Science, Applied Physics Letters và tuyên bố đã chế tạo ra transistor dưới dạng phân tử. Có khả năng đoạt giải Nobel nếu là thật. Ông bị Bell Labs đuổi việc ngay sau đó. Những sự kiện ngụy tạo này đã làm ban biên tập tạp chí Nature đặt lại vấn đề duyệt xét "peer review" và trưng cầu ý kiến độc giả về những biện pháp duyệt xét và phản biện để tăng cường độ chính xác và lôgic của những bài báo cáo khoa học.

Trong quá trình đào tạo các sinh viên nghiên cứu, người chỉ đạo lúc nào cũng nhấn mạnh vào tính "thật" của các kết quả thí nghiệm. Vì vậy, ngụy tạo là một điều cấm kỵ và một "trọng tội" trong nghiên cứu khoa học. Vậy tại sao có một số nhà khoa học lại thích ăn quả cấm? Tâm lý chung là ngụy tạo trước để được tiếng là người đầu tiên khám phá, giành quyền chủ động rồi sau đó sẽ "hạ hồi phân giải". Điều quan trọng thứ hai là kết quả thí nghiệm phải mang tính "lặp lại" (reproducibility/repeatability). Có nghĩa là nếu thí nghiệm được lặp lại với những điều kiện giống nhau thì phải cho ra kết quả giống nhau. Nếu không mang tính chất "lặp lại", kết quả trở nên vô nghĩa. Vào cuối thập niên 80, thế giới khoa học sôi động lên vì hiện tượng "dung hợp lạnh" (cold fusion) [1] . Hiện tượng được "phát hiện" bởi một nhóm nghiên cứu hóa điện tại đại học Southampton (Anh) nhưng không bao giờ có thể tái hiện bởi chính người khám phá và các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới. Nếu "dung hợp lạnh" có thật thì nó sẽ là một nguồn cung cấp năng lượng ít tốn kém và rất phong phú cho con người. 

Ngụy tạo kết quả phần lớn đi từ cái thói háo danh của bản thân người làm nghiên cứu và áp lực tìm kinh phí nghiên cứu để duy trì tăm tiếng của mình. Những áp lực tài chính cộng với phong cách làm việc dựa trên quan hệ móc nối dễ đưa đến tham nhũng trong khoa học trên bình diện quốc gia. Trường hợp của các khoa học gia tại Trung Quốc là một thí dụ điển hình [2] . Kể từ năm 1988, khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố "khoa học kỹ thuật là một lực lượng sản xuất chủ yếu", mục tiêu của nhà nước Trung Quốc là gấp rút tăng gia kinh phí vào các dự án nghiên cứu, triển khai và sáng tạo. Trung Quốc đã mất đi một thế hệ khoa học gia vì sự cuồng tín của một thập niên "Cách mạng Văn hóa" (1965-1975). Để lấp vào khoảng trống này, chính phủ Trung Quốc đưa ra những chính sách nhảy vọt để bắt kịp thế giới. Họ đặt mục tiêu thành lập 100 đại học có tầm vóc quốc tế trong thế kỷ 21, cho đến năm 2020, đóng góp của các thành quả khoa học kỹ thuật phải đạt đến 60% cho nền kinh tế quốc dân. Số tiền đầu tư vào các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các đại học và cơ quan nghiên cứu tăng từ 3 tỉ năm 1996 đến 9 tỉ Mỹ kim năm 2006 và sẽ tiếp tục tăng trong 15 năm tới. Tiêu chuẩn phân phối kinh phí khoa học này cho các đại học và cơ quan nghiên cứu trên bề mặt rất công bằng và dựa theo nguyên tắc "peer review" của Âu Mỹ [3] . Nhưng trên thực tế, sự phân phối phần lớn tùy vào quan hệ và những quyết định tùy tiện mang tính chính trị từ phía trên. Một thí dụ nổi bật là vào năm 2000, nhà sinh học Cheng Jing trình bày về đề tài chip sinh học (biochips) cho nội các chính phủ, có sự hiện diện của nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ. Thủ tướng Chu nghe bùi tai bèn trợ cấp cho ông Cheng 30 triệu Mỹ kim để thành lập công ty. Một tệ hại khác trong việc sử dụng kinh phí nghiên cứu của các giáo sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc là các vị tự tiện trích 40% số tiền để bỏ túi hoặc dùng cho việc riêng, kể cả việc tạo móc nối và chiêu đãi những người duyệt xét hồ sơ đề án nghiên cứu của mình.

Áp lực đạt mục tiêu thành công cũng đưa đến những tình huống dở khóc dở cười. Chen Jin là Khoa trưởng của Jiaotong University (Đại học Giao thông), một đại học nổi tiếng tại Thượng Hải. Ông tuyên bố đã chế tạo ra chip điện toán Hanxin (Hán Tâm) là một sản phẩm 100% "made in China". "Sản phẩm" của ông đã lôi cuốn các chính trị gia, kể cả Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo, đến thăm phòng nghiên cứu của ông. Thật ra, ông mua chip từ Mỹ mang về Thượng Hải in lên hai chữ "Hán Tâm". Có người tò mò cạo đi hai chữ Hán Tâm thì lộ ra tên tiếng Anh của một công ty Mỹ. Một mẹo nhỏ rẻ tiền nhưng có thể "phỉnh" được một vị Thủ tướng và cả nội các chính phủ!

Hiện tượng "publish or perish" (đăng báo hay là chết) [4] là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng nghiên cứu khoa học thế giới. Tại Trung Quốc, hiện tượng này lại đi đến mức cực đoan. Những thành quả khoa học được tính trên con số của các bài báo cáo đăng trên các tạp chí chuyên ngành và thể loại của tạp chí. Tạp chí nước ngoài hơn tạp chí trong nước. Tạp chí nước ngoài lại được phân hạng thấp cao. Con số các bài báo cáo là một ưu tư triền miên của người làm công tác khoa học mà cũng là một ám ảnh thường trực của các đại học và viện nghiên cứu trong việc duy trì tiếng tăm và chức danh của mình. Thậm chí nhiều cơ quan khuyến khích việc công bố kết quả thí nghiệm bằng cách cho tiền thưởng vài trăm Mỹ kim khi có báo cáo đăng trên các tạp chí nổi tiếng. Có nơi tiền thưởng lên đến vài chục ngàn Mỹ kim cho mỗi bài báo [5] . Hệ quả là một công trình nghiên cứu được đăng nhiều lần trên các tạp chí khác nhau, tác giả tự đạo văn mình hoặc đạo văn người khác để tăng thêm số lượng bài báo. Một hệ quả nghiêm trọng khác là Trung Quốc đứng hàng thứ 9 trên thế giới về số lượng bài báo cáo năm 2004 nhưng chất lượng (dựa vào số lần trích dẫn của các đồng nghiệp quốc tế) thì ở thứ hạng 124 [6] .

Trên nhiều khía cạnh của việc quản lý nghiên cứu khoa học, Việt Nam là một mô hình nhỏ của Trung Quốc. Qua những thông tin của báo chí trong nước, người ta thấy đầy dẫy hiện tượng "đạo": đạo văn, đạo nhạc, đạo họa (tranh vẽ) và lắm lúc đạo trọn gói cả một quyển sách. "Đạo" trở thành một thứ văn hóa "thà một chút huy hoàng rồi chợt tắt". Cứ "đạo" để được nổi tiếng một lúc rồi hẵng hay. Xung quanh những trường đại học là những hàng quán phục vụ việc sao chép, "lắp ráp" những mảnh thông tin để tạo thành những luận văn tốt nghiệp với đủ mọi đề tài. Một hiện tượng bất bình thường nhưng trở thành bình thường mà người làm không cảm thấy hổ thẹn khi hành vi biến thành một hành vi tập thể. Một trường hợp nghiêm trọng được phanh phui là một ứng viên tiến sĩ sao chép luận văn người khác đúng từ dấu chấm phẩy thậm chí đến những lỗi trong nguyên văn. Người này lại được bổ nhiệm vào một chức vụ cao cấp trong giáo dục đại học. Có thể đây là một trường hợp cá biệt nhưng cũng có thể đây là phần nổi của tảng băng ngầm. 

Tính chất trọng danh hơn trọng thực đưa ra nhiều khái niệm lệch lạc về học vị tiến sĩ tại Việt Nam. Tiến sĩ đánh dấu sự hoàn tất của một quá trình nghiên cứu và là một bước đầu tiên đưa người mang học vị đi xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. Nó không phải là đỉnh cao của trí tuệ khoa học và lại càng không phải là một món hàng tiêu dùng có thể mua bán để trang điểm tên tuổi. Sau loạt nâng cấp các phó tiến sĩ theo hệ thống giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa lên danh xưng "tiến sĩ" của các nước tư bản, tiêu chuẩn chọn lựa tiến sĩ vẫn còn tùy tiện và lỏng lẻo. Việc này đưa đến việc lạm phát các tiến sĩ "đầu ngõ" mà người dân bình thường phải thốt lên "ra ngõ đã gặp tiến sĩ". Hệ thống lương bổng ít ỏi không thỏa mãn được vấn đề cơ bản của "cơm áo gạo tiền" và phong cách quản lý tài chánh nhập nhằng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và đại học Việt Nam đưa đến việc bòn rút kinh phí nghiên cứu vào "việc riêng" giống như trường hợp của các đồng nghiệp Trung Quốc.

Nghiên cứu là một quá trình biến tiền thành tri thức; sáng tạo là một quá trình biến tri thức thành tiền. Hai quá trình này luân lưu và bổ túc nhau để làm cho dân giàu nước mạnh. Ngụy tạo, đạo văn và tham nhũng trong nghiên cứu khoa học sẽ lũng đoạn quá trình này. Hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Mỹ và các nước trên thế giới lên án những vụ bê bối trong quản lý khoa học trên đất nước của họ. Họ tạo ra một website "New Threads" www.xys.org để cảnh báo kịp thời những hành vi tham nhũng và ngụy tạo. Chúng ta có thể xem trường hợp Trung Quốc như một bài học tiêu cực. Liệu nhà nước Việt Nam có thể cải thiện chính sách quản lý nghiên cứu khoa học để tránh vết xe đổ?

30 June 2006

© 2006 talawas



[1]Dung hợp hạch nhân (nuclear fusion) cho ra một nguồn năng lượng rất lớn. Phản ứng dung hợp hạch nhân chỉ có thể xảy ra khi nhiệt độ ở vài triệu độ. Phản ứng dung hợp trong tâm mặt trời là một thí dụ. Giáo sư Fleischmann và Pons là hai người "khám phá" ra sự "dung hợp lạnh" (cold fusion) vào năm 1989. Theo hai ông, phản ứng dung hợp hạch nhân có thể xảy ra ở nhiệt độ bình thường (vì vậy gọi là "lạnh") trong một bình điện giải (electrolysis cell) với kim loại palladium dùng làm điện cực. Cuộc tranh luận về sự hiện hữu của dung hợp lạnh vẫn còn âm ỉ cho đến ngày hôm nay (xem thêm "cold fusion" trong Wikipedia).
[2]Những số liệu, nhân vật và sự kiện về Trung Quốc được trích dẫn từ bài "Scandals Shake Chinese Science" của tác giả Hao Xin: Science (9 June 2006), 312, 1464.
[3]Tại Mỹ, Úc, Canada và các nước châu Âu, để xin kinh phí nghiên cứu, các ứng viên phải đệ trình lên các cơ quan tài trợ một đề án chi tiết về mục đích nghiên cứu, kết quả có thể gặt hái, tiềm năng áp dụng, số tiền cần thiết v.v... Đề án sẽ được duyệt xét bởi 3 đến 5 chuyên gia trong ngành. Xác suất thành công là 30%. Nếu thành công, kinh phí nghiên cứu sẽ được giao cho Hạch Kế Toán và Tài Chính trực thuộc cơ quan của ứng viên để quản lý. 
[4]Đây một lối chơi chữ trong tiếng Anh vì cách phát âm của publishperish gần giống nhau. Ngụ ý là: công bố hay bị đời lãng quên.
[5]Học Viện Sinh Học Vật Lý thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc tặng tác giả 250000 nhân dân tệ ($31000) khi có báo cáo đăng trên các tạp chí ê-lít như Nature, Science và Cell. Nguồn: Nature (15 June 2006), 441, 792.
[6]Xin được mở ngoặc ở đây để tránh sự ngộ nhận. Từ kinh nghiệm tiếp xúc của người viết với những đồng nghiệp Trung Quốc làm công tác khoa học, phải nói họ là những người cần cù nhẫn nại trong công việc và có nhiều sáng kiến rất độc đáo. Trong phân khoa Công Nghệ (Engineering Department) của một đại học Úc, hơn 1/3 ban giảng dạy (Giáo sư, Phó Giáo sư) và 1/2 nghiên cứu sinh Tiến sĩ và sau Tiến sĩ (Post Doc) là người gốc Trung Quốc (Đại lục).