trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
31.7.2006
Vũ Thất
Xem và đọc MEMOIRS OF A GEISHA
 
Áp-phích phim Memoirs of a Geisha
Từ ngày sang Mỹ năm 1985, lu bu với sinh kế, năm khi mười họa tôi mới xem phim. Lần đầu xem ở rạp, dù được quảng cáo là phim rất hay, nhưng nghe toàn tiếng Anh, không phụ đề Việt ngữ như thời ở Sài Gòn, tôi thấy... uổng tiền. Nghĩ mình còn vô số phim hay chưa xem suốt mười năm bị cộng sản cầm tù thì tội gì không nằm nhà xem trên truyền hình, vừa đỡ tốn kém vừa muốn ngủ là ngủ. Xem phim ở nhà còn hưởng một món quà bất ngờ. Vài năm sau, ngoại trừ phim đang chiếu ở rạp, các phim cũ đều được Closed Caption mà tôi thường đùa là nói tiếng Mỹ phụ đề chữ Mỹ, nên từ đó xem phim nào cũng thấy... nội dung.

Cuối năm 2005, được về hưu, đúng lúc báo chí ồn ào về phim Memoirs of a Geisha (dịch tạm Hồi ức một ả đào Phù Tang), tự cho mình đã nghe được tiếng Anh, bèn xông xáo đi mua vé ngay ngày đầu khởi chiếu. Xem xong hiểu được phần nào, khá hơn hai mươi năm trước! Tôi đổ thừa cho hai nguyên do. Một là, tiếng Anh của cả người xem lẫn người diễn xuất đều không phải là người Mỹ nên nghe tiếng được tiếng không. Hai là, vì chuyển biến của phim khá nhanh nên khó nắm bắt nội dung.


Phim và sách

Ấm ức, tôi bèn đến thư viện mượn quyển tiểu thuyết mà phim đã dựa vào để thực hiện. Phải chờ đợi mấy tháng vì đã có nhiều người ghi tên. Ngoài thị trường, sách được tái bản (hẳn tác giả đoán biết ngay cả Mỹ xem phim cũng sẽ ngơ ngác như tôi?).

Đọc xong, thấy khỏe người. Câu chuyện trở nên sáng tỏ. Tóm lược là thế này:

Vào năm 1929 ở Nhật, trong một làng chài cá xác xơ, có một gia đình quá nghèo, người vợ đau yếu sắp chết, người chồng phải bán hai đứa con. Cô em lên chín, mỹ miều, được nhận vào một trú viện (tạm dịch chữ okiya, nơi ăn ở của ả đào). Cô chị lên mười lăm, bị đưa vào chốn lầu xanh.

Để được huấn luyện trở thành ả đào, nghĩa là được cho đi học trường dạy nghề ca, múa, hát, đàn, trà đạo, kiến thức, ăn nói... cô em Chiyo phải hầu hạ ả đào đàn chị Hatsumomo (do Củng Lợi đóng) và sau một năm, phải được cô này chứng nhận là... lao động tốt, hạnh kiểm tốt. Nhưng xui cho Chiyo, ả đào Hatsumomo bản tánh độc ác, đố kỵ, thấy Chiyo có thể trở thành đối thủ tương lai nên lúc nào cũng kiếm chuyện hành hạ, bêu xấu. Chưa có dịp minh oan thì Chiyo bị bắt trong lúc trốn đi với người chị, cô bé bị bà chủ trú viện đưa xuống hàng tôi tớ muôn năm.

Dù bị đày đọa, Chiyo vẫn lớn lên, càng xinh đẹp. Một ngày kia, nhân một buổi ra phố tạp dịch, thấy thiên hạ nhởn nhơ mà đời mình tàn trong ngõ hẹp, cô bé tủi thân ngồi khóc bên đường. Vị chairman của một hãng dụng cụ điện đi qua, thấy thương tình cho ít tiền mua... cà rem. Hình ảnh người đàn ông hào hoa đó bắt đầu ám ảnh cô bé mười hai tuổi, đồng thời cũng mang đến cho cô bé một vận may. Chỉ ít lâu sau ngày gặp gỡ, Chiyo được ả đào thời danh Mameha (do Michelle Yeoh đóng), đối thủ số một của Hatsumomo, nhận làm em nuôi. Mameha cam kết với bà chủ trú viện là sẽ giúp Chiyo trả hết số nợ đã thiếu bà. Từ sau ngày đó, đời cô bé đi lên.

Trong hy vọng nhờ nghề ả đào mà có dịp gặp lại vị chairman, Chiyo tự hứa dù phải vượt... trường sơn cũng nhất định lấy cho được cái bằng... phó ả đào. Sau hai năm học tập... vượt chỉ tiêu, Chiyo tốt nghiệp, đổi tên thành Sayuri (Chương Tử Di đóng). Tuy còn là ả đào tập sự, nhờ vẻ duyên dáng và sắc đẹp trời cho, Sayuri được nhiều tai to mặt lớn săn đón. Lên mười lăm, chữ trinh của nàng được rao bán đấu giá. Người chị nuôi Mameha đảm trách giao dịch mà cả. Càng nổi danh, Sayuri càng bị Hatsumomo phá bỉnh. Hatsumomo phao tin Sayuri đã mất cái ngàn vàng. Báo hại bà chủ trú viện phải nhờ bác sĩ khám và được xác nhận vẫn... ngon lành. Càng muốn hại Sayuri, Sayuri càng đi lên trong khi Hatsumomo mỗi ngày một đi xuống và cuối cùng thì... đi luôn.

Có ba người có khả năng tài chánh gắm ghé trinh tiết của Sayuri. Vị Nam tước Nhật, chủ tịch Nobu và một vị bác sĩ thích phá trinh. Cuối cùng vị bác sĩ này đã trả với giá cao chưa từng có trước đó (11.500 yen, thời giá 1935, lúc đó ả đào được trả 4 yen một giờ, và một kimono đắt nhất 1.500 yen). Điều nghịch lý trong giới ả đào là cái giá bán trinh càng cao, nàng ả đào mất trinh càng... cao cấp. Cũng vì vậy mà chủ tịch Nobu vì yếu địa, vừa đành tiếc rẻ vừa đành không dám ngỏ lời... bao nàng (nhận nàng làm gái bao thì phải chuộc nàng khỏi trú viện, mua nhà cho nàng ở, trả tất cả mọi chi tiêu của nàng, bù lại được độc quyền... ngủ với nàng).

Thế chiến II bùng nổ. Các trú viện đóng cửa. Mọi người tản cư về miền quê lánh bom đạn Mỹ. Ả đào Sayuri tài sắc vẹn toàn biến thành kẻ lao động... vinh quang. Nhưng càng lao động vinh quang thì thân càng... tàn tạ. Cũng may, sau bốn năm, cuộc chiến cũng tàn theo. Nàng nghe tin các trú viện mở lại nhưng không nghe tin tức trú viện của nàng. Đúng vào lúc tuyệt vọng nhất thì chủ tịch Nobu xuất hiện. Ông cần nàng trở về Kyoto phục vụ giải trí cho một giới chức nhiều quyền lực mà nhờ vị này hãng đồ điện của ông sẽ được hưởng nhiều ưu tiên phát triển. Ông vui mừng báo cho Sayuri biết, một ngày rất gần ông sẽ trở thành triệu phú và chừng đó, nàng trở thành... gái bao của ông. Sayuri cảm thấy xót xa. Có bao giờ nàng muốn trở thành gái bao của ông đâu. Mọi mơ ước của nàng đều hướng về vị chairman, con người ngày nào cho nàng hương vị cà rem đầu đời! Mà muốn gặp lại người đó thì phải... đi theo người này. Họ là cặp bài trùng ở các trà thất.

Nàng gặp lại vị chairman nhiều lần. Nàng nhiều lần đắm đuối lén nhìn ông nhưng chừng như ông không còn nhận ra nàng. Một hôm, cùng với nhiều ả đào khác, Sayuri được mời phục vụ giải trí ở tư dinh của giới chức nhiều quyền lực. Nàng nghi ngờ đêm nay Nobu sẽ tuyên bố chính thức nhận nàng là gái bao. Từ chối thì nàng không đành trước một kẻ si mê chân tình. Nhận lời thì ước mơ gần gụi vị chairman sẽ tan vỡ. Sayuri chọn một giải pháp chẳng đặng đừng. Nàng nhờ Pumpkin, ả đào bạn, đúng giờ G dẫn vị chủ tịch đến tọa độ nàng sẽ... ăn nằm với giới chức nhiều quyền lực.

Đúng giờ G, đang chịu đựng trò ân ái, nghe tiếng chân người, Sayuri ngẩng nhìn ra cửa. Người bạn ả đào đang đứng với một người đàn ông mà nhìn kỹ, nàng ngơ ngẩn: vị chairman! Thì ra Pumpkin chơi vố này cốt là để trả đũa một cú đau trước đó Sayuri đã vô tình gây cho nàng.

Nhiều ngày chua xót, đau đớn trôi qua, Sayuri coi như định mệnh đã an bài. Nàng tìm vui với Mameha qua các trà thất. Bỗng một hôm, nàng nhận được lời mời của hãng dụng cụ điện, yêu cầu nàng đến trà thất quen thuộc. Đây là lần đầu nàng thấy vị chairman đến một mình. Ông thú nhận rằng ngay từ phút đầu gặp Chiyo còn bé bỏng, ông đã cảm thấy xao xuyến. Ông đã nhờ Mameha giúp đỡ Chiyo qua tài trợ của ông. Nhưng khi cô bé trở thành ả đào Sayuri và gặp lại ở trà thất, người bạn chí thân, chủ tịch Nobu bị ngay tiếng sét ái tình. Nobu không chỉ là bạn thân của ông mà còn là ân nhân của hãng nên ông đành làm ngơ để nhường cho bạn mình...

Sayuri nghe ông mà bàng hoàng. Thì ra ông đâu có thờ ơ với nàng. Rồi nghĩ đến hành động xấu xa của mình, nàng xấu hổ giải thích (lời nói đúng như trong sách lẫn trong phim): “Thưa chairman, những gì em làm ở Amami, em đã làm vì những xúc cảm em dành cho ông. Từ ngày gặp ông khi còn bé ở Gion, mỗi bước đi của đời em đều nhằm vào hy vọng là nó sẽ mang em đến gần ông hơn”. (What I did on Amami, I did because of my feelings for you, chairman. Every step I have taken in my life since I was a child in Gion, I have taken in the hope of bringing myself closer to you).

Vị chairman bất ngờ ôm chặt Sayuri hôn say đắm. Sayuri ngạc nhiên. Ông cho biết Nobu đã bỏ cuộc. Giờ đây, ông không phải mang tiếng là dành lấy người mà bạn mình yêu tha thiết... Ông giải thích (lời nói cũng đúng như trong sách lẫn trong phim): “Sau khi Pumpkin nói với anh là em muốn chính mắt Nobu trông thấy cảnh đó, anh quyết định kể mọi điều trông thấy cho Nobu. Và khi ông ấy tỏ ra vô cùng tức giận..., có nghĩa là, nếu ông ấy không thể nào tha thứ cho những gì em đã làm thì theo anh, rõ ràng ông ấy sẽ chẳng bao giờ thực sự là người chủ vận mệnh đời em”. (After Pumpkin told me you’d intended that encounter for Nobu’s eyes, I made up my mind to tell him what I’d seen. And when he reacted so angrily... well, if he couldn’d forgive you for what you’d done, it was clear to me he was never truly your destiny).

Chương Tử Di và Ken Watanabe ở đoạn cuối phim
Phim thì kết thúc bằng hình ảnh hai đôi môi lại gắn chặt. Còn truyện thì kéo dài thêm một chương nữa, kể tiếp rằng sau đó Sayuri chính thức trở thành gái bao của vị chairman, được ông mua cho căn nhà sang trọng, được ông trang trải mọi tiêu xài xa xỉ. Nhiều năm sau, lại được ông thu xếp cho qua sinh sống giàu có ở Nữu Ước, làm chủ một teahouse với nhiều geisha dưới quyền, nơi mà vào tuổi 60, bà kể lại cuộc đời ả đào của mình.

Nhưng đó không phải là sự khác biệt duy nhất giữa sách và phim. Nhiều chi tiết hay ho đã bị bỏ qua khi nhà soạn kịch bản giản lược quyển sách dày trên bốn trăm trang để làm cuốn phim dài hai tiếng đồng hồ. Lại thêm nhiều sửa đổi đến ngạc nhiên. Tôi chỉ nêu ba điểm sửa đổi thú vị nhất. Một là, trong truyện, vị chairman cho tiền để cô bé Chiyo tự đi mua cà rem. Còn ở phim, đích thân vị chairman mua cà rem và hai người cùng ăn vui vẻ. Theo tôi, hình ảnh sau rất đạt. Thứ hai, ở truyện, chủ tịch Nobu bị thương tích khiến một nửa mặt mang đầy thẹo và mất một cánh tay. Trong phim, mặt vị này cũng đầy thẹo nhưng lại đủ hai tay. Cũng dễ suy đoán: để vị chủ tịch còn đủ hai tay vừa đỡ mất công hóa trang, vừa bớt vẻ thê thảm không cần thiết. Ba là, trong truyện, giới chức nhiều quyền lực là vị thứ trưởng tài chánh Nhật. Ở phim, vị này hóa thành một ông đại tá Mỹ, xếp vùng chiếm cứ. Tôi thực sự không hiểu sao lại có sự sửa đổi... bất thường này. Thôi thì cứ luận theo lối thông thường rằng bằng cách làm như vậy, không chừng cả tác giả quyển tiểu thuyết lẫn nhà soạn kịch bản phim đều được hưởng chút... cháo!


Khen và chê

Xét về nội dung thì đây chỉ là một câu chuyện tình lãng mạng, thương tâm, gay cấn nhưng về phương diện văn học nghệ thuật thì truyện đáng được xem là một tác phẩm có giá trị văn học và phim xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật. Cả hai đều đáng đọc và đáng xem.

Tiểu thuyết Memoirs of a Geisha của Arthur Golden
Tác giả của quyển tiểu thuyết Memoirs of a Geisha là Arthur Golden. Ông tốt nghiệp đại học Harvard về lịch sử nghệ thuật, chuyên ngành nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1980, ông lấy thêm bằng cử nhân về lịch sử nước này. Sau đó ông còn qua Tokyo làm việc một thời gian. Với kiến thức phong phú về nước Nhật như vậy, thế mà khi viết truyện này, ông còn dành suốt mười lăm năm truy cứu và phỏng vấn. Không ngạc nhiên khi quyển tiểu thuyết xuất bản năm 1997 trở thành một best seller. Tác giả được các giới phê bình văn học nhất loạt ngợi khen, thậm chí dùng đến cả từ ngoại hạng (outstanding). Mà quả thật, qua ngòi bút sắc sảo và tài diễn đạt lôi cuốn, ông còn giúp người đọc dễ dàng nhìn bao quát sự khác biệt của xã hội Nhật trước và sau thế chiến II, hiểu được một số truyền thống về tập tục văn hóa cùng thực chất cuộc đời tài hoa của các ả đào phù tang thường bị nhìn như các kỹ nữ lầu xanh. Tác giả cũng bàn qua về lịch sử và giá trị các bộ kimono...

Từ những gì mô tả trong sách, nhìn sang cuốn phim, mới thấy đạo diễn Rob Marshall đã dàn dựng các màn trình diễn thật lộng lẫy, đầy ấn tượng. Như màn đô vật truyền thống sumo, màn ả đào trình diễn ca múa. Ông cũng ghi được những hình ảnh tuyệt vời của các cây hoa anh đào nở rộ khắp kinh đô văn hóa Kyoto, những bộ kimono đầy màu sắc mà vô cùng trang nhã. Ống kính của ông cũng thu những góc cạnh sắc bén của các ngôi chùa cổ nổi tiếng trong đó có chùa Kiyomizu-dera và đền Fushimi-Inari Taisha. Tất cả những hình ảnh độc đáo đó quá hiển hiện, người xem không cần vận dụng trí tưởng tượng như khi đọc. (Thật ra, khi đọc, hình ảnh tưởng tượng lắm khi mê mẩn hơn nhiều).

Đáp lại những lời khen nồng nhiệt là những lời chê bai cũng nhiệt tình không kém. Phải kể trước tiên là lời mỉa mai về những nghịch lý trong việc thực hiện phim này: đạo diễn là người Mỹ, ba vai chính là ba tài tử Tàu, nội dung phim lại là chuyện Nhật. Theo dư luận, đạo diễn có cái lý của ông: nước Nhật hiện nay không có nữ minh tinh... ăn khách. Nhà sản xuất đã không ngần ngại bỏ tiền để mướn hai ngôi sao “vĩ đại” Củng Lợi, Chương Tử Di của nước Trung Hoa “vĩ đại”. Thấy chưa chắc ăn, họ chọn luôn minh tinh Michelle Yeoh, người Mã gốc Hoa, cựu hoa hậu Mã Lai, từng được tuần báo People bầu là một trong năm mươi người đẹp nhất thế giới như Củng Lợi trước đó. Quan điểm của nhà làm phim: người châu Á nào cũng giống nhau. Diễn viên nào cũng diễn đúng như vai trò được giao phó. Điều quan trọng là... lôi kéo khán giả. Phim đã lôi kéo khán giả nhưng có diễn đúng vai trò hay không lại là chuyện khác.

Kế đó là những xí xô xí xào từ Trung Quốc. Thay vì hãnh diện với hai siêu sao nước mình được kinh đô điện ảnh Hollywood tuyển chọn, thay vì các rạp hát Tàu được dịp hốt bạc (và chính phủ được tiền thuế), Trung Hoa đỏ vẫn đành lòng ban lệnh cấm chiếu phim này. Lý do được nêu ra rất là... vô văn hóa nghệ thuật: sợ có biểu tình chống Nhật vì phim gợi nhớ thời Nhật chiếm đóng đã bắt đàn bà Trung Hoa phục vụ sex cho quân đội Thiên Hoàng. Nhưng dư luận xầm xì: chớ không phải là cách trả đũa việc giới tư bản Mỹ đã sử dụng tài tử Trung Hoa đóng vai gái điếm?

Người Nhật cũng đưa ra phản ứng của họ. Các ả đào thứ thiệt thì bực tức khi cho rằng truyện thì đề cao ả đào, còn phim thì hạ thấp giới nghệ sĩ này.

Nhiều dân Nhật than phiền rằng Hồi ức của một ả đào Phù Tang chỉ là một phim thương mại. Họ chỉ rõ: nếu bạn càng hiểu biết về nước Nhật, bạn càng ít... ưa thích phim này. Nhận định đó coi như là... miễn bàn. Bởi vì mỗi dân tộc vốn mang sẵn trong người cái quốc hồn quốc túy, rất dễ nhìn ra những gì mà người nước ngoài cố bắt chước. Khán giả khắp thế giới có thể không thấy nhiều sai sót của cuốn phim nhưng hẳn ai ai cũng nhìn thấy một khuyết điểm tức cười: ba minh tinh đóng vai ả đào Nhật mà dáng đi lại như ả đào...Tàu!

Cuối cùng, dù dư luận khen hay chê, phim cũng đã được đánh giá bởi các tổ chức điện ảnh quốc tế. Phim được đề cử hai mươi hai giải và nhận được mười một giải, trong đó có ba Oscar. Bình thường, một phim chiếm được một Oscar đã là quá... đã!


Thưởng và phạt

Tiểu thuyết Memoirs of a Geisha được dịch ra nhiều thứ tiếng, dĩ nhiên không thể vắng tiếng Nhật. Sau khi bản dịch được phát hành, tác giả Arthur Golden... bị kiện về hai tội: một là vi phạm giao ước và hai là phỉ báng. Nguyên cáo là một ả đào hồi hưu, người đã kể chuyện đời bà cho tác giả viết thành tiểu thuyết. Theo khẩu ước, bà kể với điều kiện duy nhất là không được tiết lộ danh tánh của bà. Nhưng Arthur Golden đã làm một cử chỉ... đẹp bằng cách ghi đích danh bà trong sách để bày tỏ lòng biết ơn. Về tội phỉ báng thì bà tố cáo tác giả cố tình bóp méo nhiều sự việc khiến phẩm giá bà bị xúc phạm. Tội nghiệp tác giả. Ông đã rất cẩn thận. Cái tựa ghi là Hồi ức nhưng dưới tựa ghi rõ là tiểu thuyết. Đời thật bà kể nhưng được tiểu thuyết hóa. Nếu viết đúng như bà kể thì nó phải ghi là tự truyện! Tuy vậy, năm 2003, nhà xuất bản đồng ý giải quyết ngoài tòa án với một số tiền đền bù không được tiết lộ. Như để chứng minh mình thành thật khi kiện tụng, bà ả đào về hưu Mineko Iwasaki viết hai quyển tự truyện là Geisha, a Life, ấn hành ở Mỹ và Geisha of Gion ấn hành ở Anh. Cả hai quyển đều trở thành... ăn khách khắp thế giới.

Ngược với sự thiếu may mắn của tác giả người Mỹ Arthur Golden, hai năm sau, cũng tại Nhật, nữ minh tinh người Hoa Chương Tử Di lại được phần thưởng bất ngờ. Trong thời gian đến nước này giới thiệu cuốn phim, cô nhận được một lá thư kèm một kiện hàng. Trong thư, một bà ả đào già cho biết bà rất xúc động khi xem một đoạn phim quảng cáo và mong đợi cuốn phim sẽ đưa bà và bè bạn trở về những kỹ niệm nghề nghiệp thân thương ngày nào. Mở kiện hàng là món quà tặng cho người đẹp diễn viên: một chiếc áo kimono cổ kính tuyệt xảo. Chương Tử Di cảm động rơi nước mắt. Cô đã gửi thiệp mời bà dự khán buổi chiếu đầu tiên ở Nhật.

Còn tôi thì phải xuất tiền túi để xem buổi chiếu đầu tiên phim này ở Mỹ. Tuy nhiên, cũng như bà ả đào già, tôi cũng bị xúc động khi phim đưa tôi trở về với những thần tượng ngày nào... Xem Củng Lợi, Chương Tử Di, Michelle Yoeh mà nhớ Chân Trân, Trịnh Phối Phối, Lý Thanh. Trên bốn mươi năm về trước, tôi đã xem hầu hết các phim do minh tinh này thủ diễn. Thì nay hẳn khó bỏ qua các phim của ba người đẹp đương thời. Tính ra thì ba nàng thủ diễn gần bảy mươi phim. Thôi thì cứ lai rai, bắt đầu với các phim được đánh giá là hay. Tôi hài lòng với Củng Lợi trong Đèn lồng treo cao (Raise the Red Lantern). Tôi chọn tiếp Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) vì thấy có cả Chương Tử Di lẫn Michelle Yeoh. Đang khi mê mẩn với xảo thuật phi thân, đấu kiếm hiện đại tân kỳ, tôi bất ngờ gặp một bóng dáng quen thuộc: Trịnh Phối Phối. Gặp lại thần tượng xưa mà xúc động ngậm ngùi. Với thời gian, xem chừng “nàng”... tàn tạ chẳng kém gì tôi.

Phim kiếm hiệp thường dễ hiểu, miễn sao khán giả xem đã mắt là ăn tiền. Vậy phải chăng vì xúc động mà tôi không hiểu ý của một ánh mắt trong phim này? Lúc gần cuối, Tiểu ma đầu Chương Tử Di đã hướng đôi mắt đăm chiêu về vị tiền bối Châu Nhuận Phát bị sư phụ của nàng là Trịnh Phối Phối đả thương trầm trọng. Ánh mắt đó có lấp lánh tình yêu hay không, chỉ có... đọc sách mới biết. Mà sách in chữ Tàu thì có như không.

Trong khi lang thang trên mạng truy tầm Ngọa hổ tàng long chữ Việt, tôi bắt gặp những lời mao tôn cương còn ồn ào hơn lần trước về một cuốn phim sắp chiếu. Không tài nào chờ đợi lâu hơn, tôi lại chui vào rạp ngay ngày chiếu đầu tiên. Phim Mỹ, do một nữ tài tử thời danh người Pháp đồng thủ vai chính. Xem xong lại ngẩn ngơ, lại ra thư viện mượn sách. Hiện tôi đang đọc quyển tiểu thuyết của phim này.

Nếu không có gì trở ngại, xin hẹn gặp quý độc giả ở bài kế tiếp: “Xem và đọc The Da Vinci Code”.

Tháng 7/2006

© 2006 talawas