trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
7.8.2006
Mạc Văn Trang
Mấy cái ngược đời trong tư duy giáo dục của Vũ Ngọc Tiến
 
Tôi hay đọc những bài góp ý, phê bình giáo dục - đào tạo (GD-ÐT) và tâm đắc với nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, dù biết là có nhiều điều chưa thể làm được ngay, nhưng cũng đáng để suy ngẫm và dần sửa đổi theo... Nhưng khi đọc bài "Giáo dục - đào tạo Việt Nam, 5 cái ngược đời và 3 việc cần làm ngay" của Vũ Ngọc Tiến đăng trên báo Văn nghệ Trẻ, số 30 (504), ra ngày 23-7–2006, trang 8, tôi thật buồn, vì một người mà toà soạn giới thiệu đã 12 năm nay chuyên tìm hiểu và viết bài về GD-ÐT, sao lại có thể viết một bài báo với tư duy ngược đời như vậy?


1. Ngược với tất cả các đánh giá chính thống của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và những người có chút trách nhiệm xã hội đối với GD-ÐT nước nhà, tác giả cho rằng nền giáo dục 20 năm qua, "Trí dục ngày một sút kém... đã kéo theo thảm hoạ về đức dục suy đồi nghiêm trọng...”. Ai cũng biết Việt Nam còn nhiều tham nhũng, tệ nạn xã hội, quản lý yếu kém... nhưng từ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đến những người bình thường đều công nhận 20 năm đổi mới, kinh tế, xã hội Việt Nam có những tiến bộ liên tục, đáng khích lệ... chứ không ai bảo Việt nam đang rơi vào thảm hoạ! Giáo dục là một hệ thống con trong hệ thống mẹ kinh tế – xã hội, nên nó cũng chịu tác động qua lại và bị chế ước bởi hệ thống mẹ. Nó cũng có nhiều thành tựu và nhiều hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục... Sao anh Tiến lại chỉ nhìn thấy đen tối và tư duy nó thành thảm hoạ?


2. Vũ Ngọc Tiến nhận định: “Ngược đời thứ hai là đem triết lý của đào tạo dùng cho giáo dục phổ thông” (ý nói dạy phổ thông theo cách đại học). Ðánh giá chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) mới từ 2001 đến 2005 của giáo dục phổ thông đã được những đoàn kiểm tra độc lập của Quốc hội, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Ban khoa giáo Trung ương, của Bộ GD&ÐT và của các sở GD&ÐT đều khẳng định những CT&SGK mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của học sinh ngày nay. (Tất nhiên có môn, có chỗ còn cần chỉnh sửa, hoàn thiện cho tốt hơn và vận dụng phù hợp với những vùng khó khăn...). Nhưng điều cần đặc biệt nhấn mạnh là phương pháp dạy và học theo CT&SGK mới có sự thay đổi cơ bản so với trước. Ðó là tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh được phát huy bằng cách giáo viên tổ chức, hướng dẫn cho học sinh thực hiện nhiều hình thức, phương pháp trong một tiết học, như: nêu vấn đề, thảo luận nhóm, làm việc cặp đôi, xử lý tình huống, đóng vai, trò chơi học tập, thí nghiệm, thực hành, từng nhóm học sinh tìm hiểu, sưu tầm về một vấn đề và trình bầy kết quả,... Hầu như tất cả các giáo viên được tập huấn dạy theo CT&SGK mới suốt 5 - 6 năm qua đều thừa nhận cách dạy, cách học mới phù hợp với học sinh hơn, các em hồn nhiên, tích cực, chủ động hơn... Chỉ có điều giáo viên muốn được tập huấn nhiều hơn nữa, cung cấp nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học hơn nữa, vì thay đổi cách dạy đã quen không dễ và giáo viên không đủ tiền, không đủ thời gian để tự làm được đủ đồ dùng dạy học... Còn anh Tiến thì viết: “Từ sai lầm trong triết lý giáo dục rất cơ bản nên CT& SGK bậc phổ thông suốt mấy chục năm qua vừa quá tải so với tâm sinh lý lứa tuổi, vừa hổ lốn, nhồi nhét đủ thứ...”!? Không hiểu mấy chục năm qua là từ bao giờ và Vũ Ngọc Tiến tư duy theo thứ triết lý gì?


3. Vũ Ngọc Tiến tiếp tục nhận định: “Ngược đời thứ ba, nơi kinh tế phát triển thì chất lượng GD-ÐT giảm” và tác giả “đã rất ngỡ ngàng khi phát hiện ra có sự suy giảm chất lượng GD- ÐT theo chiều từ Bắc vào Nam”. Tác giả càng nghiên cứu...“càng làm lộ rõ cái sự ngược đời, ngược với lẽ tự nhiên...”, rồi tác giả tiếp tục phát hiện và quy tội cho GD-ÐT là đã để cho tình hình tam giác phát triển kinh tế phía Bắc tăng trưởng kém mà GD-ÐT lại hơn tam giác phát triển kinh tế phía Nam, trong khi ở đây tăng trưởng kinh tế cao hơn; và cũng như thế, tại sao vùng đồng bằng sông Hồng có quyền đạt chất lượng GD-ÐT hơn đồng bằng sông Cửu Long, nơi năng suất lúa cao hơn...? Bởi vì theo Vũ Ngọc Tiến, đó là trái tự nhiên, phi lý! Tư duy kiểu này quả là rất “tự nhiên chủ nghĩa”! Xin tư vấn cho tác giả 2 điều: Một là về lý luận, nên đọc thêm tài liệu xã hội học hay tài liệu lý luận giáo dục nào của bên ta hay bên Tây cũng được; hai là về thực tiễn, nên phỏng vấn các đồng chí giám đốc sở GD&ÐT các tỉnh phía Nam. Tôi còn nhớ có lần đồng chí giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh An Giang đã rất tức giận gọi những người đánh giá GD-ÐT cào bằng giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam là "chẳng hiểu cái con mẹ gì về xã hội – lịch sử cả! Mỗi tỉnh phía Bắc từ thời phong kiến đã có bao nhiêu trạng nguyên? Còn khắp đồng bằng Nam bộ có tìm ra trạng nguyên nào không?". Có một ít lý luận và thực tiễn về giáo dục thì tư duy chắc sẽ đỡ chủ quan, ảo tưởng, hồ đồ, ngược đời!


4. Vũ Ngọc Tiến lại nhận định: "Ngược đời thứ tư, lượng càng tăng, chất càng giảm". Tác giả luận giải: "Quy luật phát triển chung của sự vật là lượng đổi thì chất đổi, lượng phát triển đến độ sẽ tạo nên bước nhảy vọt về chất...". Khổ thân tác giả, thuộc triết học như thế mà không lý giả được cái "sự vật" giáo dục này, vì sao số lượng tăng đến chóng mặt, học 3 ca không xuể mà chưa "đến độ” "nhảy vọt về chất"!; không hiểu tại sao nền giáo dục trước kia chỉ dành cho 5-10% số trẻ đi học thì chất lượng tốt, còn khi gần 100% trẻ được phổ cập giáo dục thì chất lượng lại sa sút hơn; không biết vì sao số lượng học sinh mỗi lớp ở các nước giàu chỉ 20 em còn ở ta số lượng tăng đến 40-50 em /1 lớp mà lại kém hơn; không hiểu vì sao nước ngoài chỉ 15 sinh viên /1 giảng viên, còn ta 30-40 sinh viên/ 1 giảng viên... rõ là số lượng ta hơn mà chất ta lại kém; mỗi năm dân ta đẻ thêm gần 1,4 triệu trẻ em, tăng số lượng mạnh cho GD-ÐT đến thế, vậy mà mãi vẫn chưa đến độ nhảy vọt về chất,... !? Cứ tư duy số – chất kiểu này thì còn nhiều chuyện ngược đời, lôi thôi lắm anh Tiến ạ!


Có lẽ thế cũng đủ rõ tư duy của Vũ Ngọc Tiến rồi nhỉ, chả nên nói thêm nữa làm gì. Chỉ có điều tư duy kiểu ấy mà tác giả xui tân Bộ trưởng GD&ÐT tiến hành “3 việc cần làm ngay trong GD-ÐT” thì em thấy run quá. Nào là “Tổng kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông toàn quốc” trong 3 tháng; nào là “Ðoạn tuyệt với SGK cũ” và “dùng 100 tỉ đồng vào việc đầu tư cho một nhóm chuyên gia biên soạn ngay bộ CT&SGK phổ thông chuẩn mới, để năm học 2006 -2007 triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12”. Nghe kiến nghị này, ai có chút hiểu biết về giáo dục đều thấy tim đập, chân run! Khiếp quá! Vâng, tính từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 5 tháng 9, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, ngày khai giảng năm học 2006–2007, còn đúng 42 ngày. Chắc anh Tiến tư duy theo kiểu 56 ngày đêm ta hạ được Ðiện Biên Phủ, thì 42 ngày đêm ta thừa sức soạn Bộ CT& SGK của 12 lớp nhân lên khoảng chục môn và đưa ngay ra cho giáo viên dạy tức khắc, chả phải thực nghiệm, đánh giá, thẩm định, bồi dưỡng giáo viên làm gì cho lôi thôi... Tư duy kiểu này thì việc gì mà chả làm “roẹt” cái là xong, dễ như bỡn!

Quả thật đọc xong bài của Vũ Ngọc Tiến tôi rất ngạc nhiên, không hiểu anh là người thế nào! Nhưng tôi nghĩ, người ta có thể nói hoặc viết mọi điều theo hiểu biết, cách tư duy và tâm trạng của họ. Có điều Tổng biên tập tờ báo thì phải có trách nhiệm cho đăng hay không đăng bài viết, vì đó là lương tâm, đạo đức, trình độ nhà báo và trách nhiệm chính trị-xã hội của ông ta. Ðánh giá, phê phán một đất nước, một ngành, một đơn vị cũng như đánh giá, phê phán một con người, không thể tuỳ tiện được. Ông Tổng biên tập thì chắc hiểu điều đó và biết trong trường hợp này cần phải làm gì!

Ngày 24-7-2006

Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 31, ra ngày 30.7.2006