trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
7.8.2006
Vũ Ngọc Tiến
Hồi âm ý kiến bạn đọc Văn nghệ Trẻ
 
Bài viết “5 cái ngược đời…” của tôi trên Văn nghệ Trẻ số 30 ngày 23.7.2006 vừa qua đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều bạn đọc. Nhiều ý kiến gửi đến tác giả qua thư điện tử và điện thoại đều rất chân tình, sâu sắc. Ông Phan Quang Dũng, Thư ký riêng của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (khi ông còn ở Tp Hồ Chí Minh) cũng vừa gửi thư cám ơn và thông báo đã trình lên Bộ trưởng bài viết của tôi. TS Quốc Anh, Chánh văn phòng Bộ cũng đã gọi điện thoại trao đổi hẹn trực tiếp với tác giả. Tuy còn một vài chỗ ông Quốc Anh chưa nhất trí, nhưng đã cùng tôi tranh biện trực tiếp cả một buổi chiều và về cơ bản ông đã hiểu tôi hơn về những điều đã viết. Người thẳng thắn và cầu thị như ông Quốc Anh bây giờ thật hiếm! Tất cả đã cho tôi niềm tin và hy vọng về một tương lai sáng sủa của nền học nước nhà. Song cũng có duy nhất bài viết của ông Mạc Văn Trang (không rõ tên thật) làm tôi sững sờ bởi những suy nghĩ của riêng ông và có lẽ nó chẳng giống ai. Dưới đây, tôi xin có đôi lời bàn thêm về một số ý kiến của bạn đọc.
Về những ý kiến đồng thuận

Nhìn chung, đa số bạn đọc đều tán thành nội dung của “5 cái ngược đời trong GD- ĐT”, không ai tỏ ý phẫn nộ phản bác, vô lối “kết tội” tác giả và tòa soạn báo như ông Mạc Văn Trang, nhưng còn “3 việc cần làm ngay” thì theo họ là quá ít. Với tất cả lòng biết ơn, người viết không thể không thưa lại cùng bạn đọc. Các ý kiến đồng thuận của bạn đọc có thể chia làm mấy nhóm sau:

Nhóm ý kiến thứ nhất, của đa số giáo sư, giảng viên các trường đại học và cán bộ nghiên cứu khoa học thắc mắc vì sao khi đề xuất những việc cần làm ngay, tác giả (Vũ Ngọc Tiến) hình như bỏ quên lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học vốn đang có rất nhiều bức xúc hiện nay. Thưa rằng, đã có một vị thầy đáng kính của cả thế hệ trí thức chúng tôi, một đại lão học giả, GS Hoàng Tụy gần đây nêu ra “7 kiến nghị cấp bách về phát triển giáo dục đại học” (Tạp chí Trí tuệ 21/6/2006). Thầy Tụy với nhiệt huyết của người cháu nội vị anh hùng dân tộc - tướng quân Hoàng Diệu - và với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở các trường đại học lớn trên thế giới đã nói hộ tôi tất cả. Đọc kỹ 7 điều kiến nghị của thầy Tụy, tôi bồi hồi xúc động và tự hỏi, vì sao có biết bao nhiêu bài báo, tham luận trong hội thảo của thầy từ lâu nay vẫn rơi vào im lặng? Mong rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ nghiên cứu bài viết ấy, sớm đối thoại trực tiếp với thầy Tụy sẽ có nhiều điều bổ ích.

Nhóm ý kiến thứ hai, chủ yếu là của các em học sinh, sinh viên ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Các em hỏi rằng tôi nghĩ gì về việc cho tồn tại hay không tồn tại chợ luận văn tốt nghiệp đại học và sau đại học hiện nay? Liệu đó có là một việc cần làm ngay hay không? Tôi đã nghiên cứu kỹ những bài viết của các em trên diễn đàn của VietNamNet về vấn đề này. Cả hai luồng ý kiến, nên cho và không nên cho tồn tại loại chợ quái dị này đều có những mặt có lý của các em mà những nhà quản lý cần tham khảo. Thiển nghĩ, nếu coi luận văn là tài sản chung của quốc gia, mọi người đều có quyền tham khảo thì việc công khai nó là cần thiết. Thế nhưng để nó tồn tại dưới dạng chợ luận văn như hiện nay ta sẽ không thể kiểm soát được tệ nạn học giả bằng thật, làm rối loạn kỷ cương, suy thoái nền học nước nhà. Thật ra vấn đề này rất dễ giải quyết, nhưng Bộ GD-ĐT không dám hoặc không muốn làm mà thôi. Tôi đã hỏi ý kiến nhiều chuyên gia CNTT và các giáo sư danh tiếng, họ cho biết, Bộ chỉ cần lập một “ngân hàng dữ liệu luận văn” trên mạng edu.net là ổn. Trừ một số luận văn có nội dung cần bảo mật ra, Bộ chỉ cần huy động lực lượng sinh viên năm cuối ở các trường đại học nhập liệu vào máy tính trong 1-2 tháng hè cũng có thể hoàn thành. Cái hay của “ngân hàng dữ liệu luận văn” còn ở chỗ ngoài việc cho sinh viên, nghiên cứu sinh tham khảo rộng rãi, nó còn giúp Bộ rà soát lại không ít ông bà “tiến sĩ giấy” đạo văn hoặc thuê viết luận văn, kể cả việc kiểm tra năng lực và nhân cách của các vị thầy hướng dẫn luận văn.

Nhóm ý kiến thứ ba, phần nhiều là của các bậc phụ huynh học sinh. Họ chất vấn tôi rằng vì sao những tệ nạn thi cử gian dối, học thêm dạy thêm và bệnh thành tích… đang được tân Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo khắc phục lại không được tôi đưa vào những việc cần làm ngay trong bài viết trước? Thiển nghĩ, căn nguyên của những tệ nạn ấy đều nằm trong cái ngược đời thứ nhất - Trí dục đang làm hỏng Đức dục. Mọi biện pháp ồn ào kêu gọi toàn xã hội ngăn chặn nó như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, sợ rằng hiệu quả không cao, thậm chí không chắc sẽ ngăn chặn được. Suy cho cùng lại là vấn đề phải cắn răng thay SGK một lần nữa. Và đó cũng là nhóm ý kiến thứ tư của đông đảo bạn đọc về SGK và sự độc quyền của NXB Giáo dục khiến tôi phải cân nhắc, dành riêng trao đổi ở một bài viết khác mới có thể thỏa mãn họ.


Về ý kiến phản bác của ông Mạc Văn Trang

Trước hết, người viết cám ơn ông Trang đã quan tâm đến GD-ĐT nước nhà và đã đọc bài của tôi. Đối với tôi, mọi sự phê bình dù đúng sai cũng đều đáng quý lắm lắm! Hơn nữa, đông đảo bạn đọc sẽ thay tôi tham góp cùng ông, tôi tin là như vậy. Và cũng vì lẽ đó, tôi bỏ ngỏ sự tranh luận với ông Trang cho bạn đọc Văn nghệ Trẻ khách quan tham gia bàn luận ở những số báo sau. Ở đây, tôi chỉ nói rõ thêm vài điểm như một sự khơi gợi cho cuộc tranh luận mà thôi.

Thứ nhất, nói về sự sa sút chất lượng giáo dục, dẫn đến Trí dục làm hỏng Đức dục, xin ông Trang hãy đem số liệu ra phản bác, chứ đừng mang Nghị quyết ra dọa dẫm người viết và tòa soạn báo. Tôi chỉ xin nhắc lại lời ông GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, dám đem sinh mạng chính trị của ông để thế chấp rằng, nếu làm một cuộc kiểm tra công khai minh bạch thì chỉ có 35-40% học sinh đô thị và 28% học sinh nông thôn đạt tiêu chuẩn chất lượng do chính Bộ đề ra. Về phần mình, tôi đã chuẩn bị sẵn cả một tệp số liệu chính thống từ báo Nhân dân (1998- 2001) và tài liệu thống kê, sẵn sàng cung cấp cho ông Trang khi cần thiết. Còn về triết lý giáo dục sai lầm thì đã rõ như ban ngày, có gì phải bàn lại nữa, bởi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Thứ hai, ông bảo rằng sự suy giảm chất lượng giáo dục theo chiều từ Bắc vào Nam là do lịch sử và truyền thống văn hóa vùng miền khiến tôi e sợ là chính ông đã xúc phạm đến nhân dân các nơi ấy. Ông đã ngụy biện, nói lấy được mà không lường hết hậu quả lời nói, thưa ông! Năm 2002, tôi đã công bố rất nhiều bức tranh phổ điểm trên tạp chí PCWorld Việt Nam sêri B và báo động về vấn đề này, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tôi tin rằng ở Trung tâm Tin học thuộc Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ đủ cứ liệu để lập 4 tờ bản đồ phân chia chất lượng giáo dục theo vùng miền lãnh thổ qua 4 mùa thi để ông tham khảo trước khi tranh luận cùng tôi và bạn đọc.

Thứ ba, những điều kiến giải về triết học và xã hội học của ông Trang quanh khái niệm lượng đổi chất đổi quá lẩn thẩn, rối rắm khiến tôi không dám bình luận, sợ vô tình xúc phạm đến học vấn tót vời và vị thế xã hội của ông, đành nhường lời cho bạn đọc Văn nghệ Trẻ để thêm phần khách quan.

Thứ tư, về việc phải cắn răng thay SGK một lần nữa, công luận đã lên tiếng từ lâu, tôi cũng viết khá nhiều bài ủng hộ kiến nghị của GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn, TS Nguyễn Văn Khải và nhiều nhà khoa học khác với đầy đủ luận cứ khoa học, số liệu thực tế nên cũng xin miễn nhắc lại làm mất thời gian của bạn đọc. Ở đây có một sơ xuất nhỏ do lỗi đánh máy vi tính, khi tôi đề nghị thay SGK vào niên học 2007-2008, nhưng đánh máy thành niên học 2006-2007. Thành thật xin lỗi ông Trang và bạn đọc. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỗ ông Trang đọc không kỹ hoặc cố tình bóp méo lời văn của tôi. (Ví dụ: Tôi đâu có viết mỗi năm dân ta đẻ thêm 1,4 triệu trẻ em mà là mỗi năm ta có 1,4 người đến tuổi lao động. Tôi nhấn mạnh thêm, đây là số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH và của đề tài nghiên cứu “Sự phân hóa giàu nghèo hiện nay” của Hội Phụ nữ Việt Nam công bố năm 2001). Vấn đề SGK, như đã nói ở phần trên, tôi sẽ viết kỹ hơn khi bàn tiếp về sự độc quyền của NXB Giáo dục.

Mấy lời thưa lại cùng ông Trang và bạn đọc Văn nghệ Trẻ. Hy vọng sẽ còn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quý báu khác.

Hà Nội 25.7.2006
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 31, ra ngày 30.7.2006