trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
8.8.2006
Vũ Ngọc Tiến
Sách giáo khoa và sự độc quyền của NXB Giáo dục
 
Nhìn lại những lần thay SGK hơn 60 năm qua

Kể từ cuộc Cách mạng mùa Thu năm Ất Dậu đến 1976, do hoàn cảnh chiến tranh và chia cắt đất nước, chúng ta đã có 3 lần thay SGK. Năm 1945 nhóm của học giả Hoàng Xuân Hãn thiết kế chương trình và chuẩn bị SGK trong 2 tháng. Đặc biệt, năm 1955 nhóm của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển và Giáo sư Hoàng Tụy chủ trì, công việc này được hoàn thành trong 6 tháng, sử dụng ổn định 35 năm, đã nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức cho nhiều thế hệ công dân tài năng, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Lần thứ ba chương trình được thiết kế và biên soạn SGK chưa đến 1 năm, khi nước nhà thống nhất 1975 trên cơ sở kế thừa chương trình và SGK của cả hai miền Nam và Bắc. Công việc biên soạn này được tiến hành đồng bộ và thay sách đồng loạt trong toàn bộ bậc học phổ thông, giáo dục trước và sau khi đổi mới chương trình và thay SGK diễn ra khá ổn định vì tính kế thừa và đặc biệt đầu tư không đáng kể.

Chỉ từ khi ta tiến hành cải cách giáo dục với 2 lần thay SGK vào năm 1982 và 2002 mới bắt đầu xuất hiện những nhân tố bất ổn định triền miên trong giáo dục do cách nghĩ cách làm “cắt khúc, cuốn chiếu, thay dần”, đặc biệt là từ năm 2002 đến nay, khi tiền vay nước ngoài ngày càng tăng. Hai lần thay SGK sau này móc nối chằng chịt vào nhau với việc chỉnh sửa liên tục kéo dài hàng chục năm, tiêu tốn hàng tỷ USD, song đến tận bây giờ chưa người nào có trách nhiệm trả lời được trước Quốc hội và cử tri cả nước: “Bao giờ Việt Nam mới có một bộ SGK chuẩn cho giáo dục phổ thông?”. Cái giá phải trả bằng bất hạnh của trẻ thơ và suy yếu nguồn lực quốc gia trong hơn 20 năm qua còn lớn gấp nhiều lần tiền ngân sách và tiền vay của Ngân hàng Thế giới (WB)!


Thực trạng và nguyên nhân bất ổn định trong SGK hiện nay

Cái điều rõ nhất là quá trình đổi mới chương trình và nội dung SGK không có một tổng công trình sư đủ tài và đủ tâm để chỉ huy. SGK là pháp lệnh, là linh hồn của giáo dục phổ thông, phải do đích thân Bộ trưởng làm tổng chỉ huy và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ cũng như chất lượng. Thế nhưng nó đã bị xé nhỏ ra thành nhiều dự án, mỗi vị Thứ trưởng nắm một cục tiền và ê kíp triển khai. (Xin xem bài “Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo” của tác giả trên Văn nghệ Trẻ số 23 ngày 4/6/2006). Cái công thức Tiền + Quyền = Dự Án mà GS-TS Nguyễn Kế Hào đã cảnh tỉnh dư luận nhưng đã bị làm ngơ, khiến lương tâm nhà giáo thôi thúc ông phải xin từ chức, bởi nó đã làm hỏng khâu quan trọng nhất của chương trình giáo dục phổ thông là cấp tiểu học do ông phụ trách. Sự xé nhỏ cứ thế tiếp diễn và nhân lên, len lỏi vào cả trong quá trình biên soạn SGK ở từng môn học cũng được chia cho nhiều người: Toán - 40 người, Lý - 20, Hóa - 15, Sinh - 30, tiếng Việt và Ngữ văn - 60, Sử - 30, Địa - 34… GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn nhận xét: “Cuốn Hình học Euclide tồn tại 2300 năm nay, được các nhà khoa học ví như Kinh Thánh, chiếm già nửa chương trình toán học phổ thông. Việc chia cắt cuốn sách này thành 40 khúc, mỗi tác giả biên soạn 1 phần, kéo dài hàng chục năm đã vô tình đập vỡ kiến thức của nhân loại ra thành nhiều mảnh”. Còn tôi, trong một bài viết trên Văn nghệ Trẻ năm 2003 đã thay lời nhiều giáo viên phổ thông, gọi bộ SGK 12 năm là “tòa nhà 12 tầng không có cầu thang để liên thông, không đường thông gió, mỗi tầng một màu sơn nhức mắt!”. Cũng bởi sự xé nhỏ đến kỳ lạ này nên việc các vị chủ biên SGK từng môn học đã không thể kiểm soát được những chỗ thừa, thiếu hoặc sai lầm kiến thức, dẫn đến chỉnh sửa triền miên, rồi loay hoay giảm tải là điều không thể tránh khỏi, công luận phản ánh đã nhiều. Ví như môn Lý, sai sót đã tới mức Hội Vật lý Việt Nam kiến nghị phải soạn lại SGK. Để chứng minh, TS Nguyễn Văn Khải đã viết nhiều bài chỉ ra vài chục chỗ sai nghiêm trọng trên báo in, báo điện tử, thế mà Bộ GD-ĐT vẫn làm thinh. Hay như môn Văn cũng đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt, lời lẽ nặng nề giữa một mình nhà thơ-nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo với cả tá vị GS biên soạn SGK.

Có lẽ sự thất bại trong hai lần thay SGK gần đây còn có nguyên nhân sâu xa khác là chúng ta đã lạc mất phương hướng, không định hình ra được mục tiêu cho từng cấp học và sai lầm trong triết lý giáo dục. Tôi rất tâm đắc với bà Tôn Nữ Thị Ninh khi trả lời phỏng vấn phóng viên Mai Lan gần đây (báo Sài Gòn Giải Phóng 24/7/2006). Theo bà Ninh: “Tất cả là do thiếu ‘đầu bài’, ngành giáo dục phải đưa ra được yêu cầu cụ thể - ngành muốn gì ở trình độ học sinh cuối cấp. Tiêu chí đòi hỏi với mỗi học sinh hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 là gì về kiến thức, về khả năng thích nghi với cuộc sống…” SGK bị lạc mất phương hướng chính là từ chỗ này, nên khung kiến thức cho từng lớp học, cấp học và chuẩn kiến thức cho từng môn học không được định hình rõ nét. Cô giáo Nguyễn Thu Lan trường Tiểu học Thành công B cho biết, ai đời với học sinh 9 tuổi, lớp 4 mà môn “Khoa học” lại có bài “Trao đổi chất trong cơ thể người” ấn định dạy trong 35 phút; giáo viên phải giảng cho học sinh chức năng của các cơ quan trong cơ thể, hoạt động của chúng, mối quan hệ giữa chúng với nhau…! (báo Thể thao Văn hóa 10/11/2005). Cũng vì loay hoay với khung kiến thức và chuẩn kiến thức nên năm 2005 Bộ GD-ĐT mới đưa ra chủ trương giảm tải chương trình tiểu học từ 15-20% rất cảm tính và hình thức. Lời giải thích và hướng dẫn của bà Thứ trưởng phụ trách tiểu học Đặng Huỳnh Mai mới thật mơ hồ, rối rắm: “Học sinh tiếp thu ở mức trung bình trở lên thì học theo phân phối chương trình. Học sinh yếu kém có thể dạy chậm lại một chút ở giai đoạn đầu, đến khi nào theo kịp các bạn thì tốt, nếu không thì học đến đâu chắc đến đó.” Chao ôi, có trời mà hiểu được và quán triệt lời huấn thị của bà Thứ trưởng! Và có lẽ vì thế bà Tôn Nữ Thị Ninh mới đi đến kết luận: “Trong bước chuyển mình, chưa bao giờ giáo dục lại ngổn ngang đến thế: dạy thêm học thêm tràn lan; phân ban THPT vẫn bất ổn; chương trình và nội dung SGK liên tục cải và cách; đổi mới phương pháp dạy và học chưa có lối ra.” Nhân đây tôi cũng xin thưa với ông Mạc Văn Trang (bài “Tư duy ngược…”, Văn nghệ Trẻ số 31 ngày 30/7/2006) rằng, chuẩn kiến thức được xây dựng bất di bất dịch trên cơ sở mục tiêu, điều kiện dạy học, tâm sinh lý lứa tuổi… trước khi đổi mới chương trình và nội dung SGK, nhưng ở Việt Nam ta, ngành giáo dục làm ngược lại, SGK soạn xong rồi mới loay hoay xây dựng chuẩn kiến thức theo yêu cầu đặt ra ở các kỳ họp Quốc hội, bị chất vấn nhiều Bộ mới vội vàng xin Chính phủ bỏ ra bạc tỷ để làm đề tài nghiên cứu chuẩn chất lượng giáo dục! Bi kịch nằm ở đó nên Trí dục đang làm hỏng Đức dục, trở thành quốc nạn còn đáng lo hơn quốc nạn tham nhũng hiện nay. Đương nhiên chất lượng giáo dục còn phụ thuộc cả vào cách dạy và học, năng lực của thày, nhưng SGK vẫn chiếm phần quan trọng nhất. Sai lầm trong triết lý giáo dục phổ thông cũng đã phơi bầy rõ trong đổi mới chương trình và nội dung SGK, đặc biệt ở cấp tiểu học. Tôi nói, mọi người đều nói và ở đây tôi xin dẫn ra lời bàn của GS-TS Lê Ngọc Trà (tạp chí Khám Phá 7/12/2005). Theo ông Trà, xuyên suốt tất cả những thiếu sót cụ thể về chương trình và nội dung SGK là ta đang thiếu hụt một triết lý giáo dục, đặc biệt ở cấp tiểu học, yếu tố chi phối toàn bộ các khâu giáo dục ở cấp học quan trọng này. Ta thường nói phải dạy Đức-Trí-Thể-Mỹ, nhưng cái trật tự của 4 yêu cầu đó ở mỗi cấp học lại có sự khác nhau. Ở cấp tiểu học có khi trật tự hợp lý phải là Thể-Mỹ-Đức-Trí. Cái lý do xếp Trí dục vào hàng cuối ở cấp tiểu học theo tôi là rất quan trọng đối với lứa tuổi bắt đầu hình thành bản lĩnh và nhân cách của một con người giống như nhân loại đi từ con người nguyên thủy đến con người văn minh vậy. Ngay trong Trí dục cũng phải xếp thứ tự ưu tiên cho năng lực tư duy của các em lên trên kiến thức, nhưng SGK đã làm ngược lại. Ví như môn Tiếng Việt lẽ ra phải chú trọng dạy chữ viết, cách cảm thụ, cách diễn đạt, biểu cảm thì lại dạy nặng về kiến thức văn phạm. Hay như môn Toán, thay vì giúp trẻ phát triển tư duy Toán thì lại dạy nặng về kỹ năng làm tính. Tóm lại, theo ông Trà, chỉ có trong hoạt động, trẻ em mới bộc lộ hết năng lực sống và tính cách của mình. Những hoạt động ấy phải được thiết kế chuẩn mực ngay trong chương trình và nội dung SGK mà thời gian qua chúng ta chưa làm được bởi lỗ hổng toang hoác trong triết lý giáo dục. Tôi thật lấy làm lạ khi ông Mạc Văn Trang có 40 năm kinh nghiệm làm giáo dục mà cứ đay đi đay lại, cật vấn tôi xem cái triết lý giáo dục là triết lý gì!...


Về thực trạng và nguyên nhân độc quyền của NXB Giáo dục

Có một thực tế ai cũng biết rằng trong 52 NXB trên cả nước hiện nay, không đâu giầu bằng NXB Giáo dục. Nhà thơ Thanh Thảo trong mục “Chào buổi sáng” trên báo Thanh Niên 5/5/2006 có viết đại ý, không đâu nhiều tiền, sài sang như NXB Giáo dục, hàng năm tổ chức cho hàng vài trăm quan khách (cán bộ quản lý, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo) dự hội thảo ở những nơi đẹp nhất (Tuần Châu, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc), nghỉ ở những khách sạn nhiều sao, phong bì và túi quà hậu hĩnh. Ngoài cái sự giàu sụ lên nhờ độc quyền in SGK của họ, còn có những điều gì khác nữa quanh các cuộc “hội” nhiều hơn “thảo” ấy – đó là câu hỏi mà bài viết ngầm gợi lên. Phải chăng vì thế mà sự độc quyền, đặc lợi cứ nghiễm nhiên tồn tại? Phải chăng vì thế SGK ra đời với đủ thứ “Hội thảo”, “Hội đồng thẩm định” vẫn cứ triền miên sai rồi lại sửa, lại thẩm định, cứ thế xoay vòng tít mù với sự đánh giá chất lượng “nói chung là tốt” và luôn chỉ có “tốt” trở lên? Giám đốc một NXB lớn ở Hà Nội thở dài bảo rằng, chống độc quyền với NXB Giáo dục còn khó hơn với Tổng công ty (nay là Tập đoàn) Bưu chính Viễn thông gấp bội phần. Không phải ngẫu nhiên mà các giáo sư Hoàng Tụy, Văn Như Cương, Nguyễn Xuân Hãn… gọi NXB Giáo dục là “con cóc vàng” của Bộ. Gần đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh (bài đã dẫn) cũng nói: “SGK trở thành công nghiệp kinh doanh khổng lồ của ngành giáo dục, đẩy hàng chục triệu học sinh thành “máy đẻ tiền” cho họ.” Thật vậy, theo số liệu chính thức của Nhà nước, NXB Giáo dục là 1 trong 52 NXB, nhưng chiếm 80% lượng ấn bản phẩm trong toàn quốc. Các nước đều có chế tài để vòng đời SGK được sử dụng ít nhất 10 năm một lần thay, còn ta năm nào cũng chỉnh sửa in mới. GS Nguyễn Xuân Hãn tính toán và cho biết, “xuất bản sách là lĩnh vực siêu lợi nhuận. Xin dẫn một cuốn Ngữ văn lớp 1 tập 1 giá bìa là 9000đ/cuốn làm ví dụ, riêng tiền lãi của NXB Giáo dục đã gần 1 triệu USD. Thật không? Ta có 1,7 triệu em vào lớp 1, NXBGD thu về cho cuốn này 1,7 triệu nhân với 9000 đ/cuốn thành tiền 15,3 tỷ đồng, trừ đi chi phí theo các chuyên gia cho sách, thì tiền lãi khoảng 14 tỷ (xấp xỉ 1 triệu USD)!”. Hỏi với hơn trăm đầu SGK họ lãi biết bao nhiêu? Ở các nước khác, theo pháp lý, SGK phải do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quản, khi thay đổi phải do Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Còn ở ta thì như trên đã nói, nó bị xé lẻ ra năm bè bẩy mối quản theo dự án và việc in ấn, phát hành do nhà NXB Giáo dục độc quyền, đặc lợi. SGK trở thành mối lợi tương sinh xoay quanh trục tam giác khép kín: Các ông quan dự án - Các nhà biên soạn và thẩm định - NXB Giáo dục. SGK càng phải chỉnh sửa, giảm tải, in lại thì cái chu kỳ tương sinh ấy càng có cơ hội lặp lại nhiều lần, hỏi bao giờ chấm dứt? Khép kín tối đa, độc quyền tuyệt đối như thế mà vẫn có SGK in lậu và năm 2004 vẫn còn 37% số học sinh thiếu sách đến trường (báo Lao Động 2/8/2005) thì thật khó hiểu! Báo điện tử VnExpress ngày 22/7/2006 dẫn lời của UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, ông Phạm Quang Nghị: “Nếu xóa được độc quyền, chắc chắn giá SGK sẽ giảm… Giải pháp chống in lậu SGK mà NXB Giáo dục đang làm là không hiệu quả… Thế là chúng ta vừa bắt dân phải mua SGK đắt, vừa phải mua thêm tem, nhãn.” Báo Tuổi Trẻ online ngày 23/7/2006 cũng dẫn lời một nhà quản lý lâu năm trong ngành xuất bản: “Nếu in được lượng sách trên 10.000 bản chi phí sẽ giảm cực kỳ đáng kể vì in 1000 bản với giá bán 10.000 đồng/cuốn thì khi in trên 10.000 bản giá bán chỉ còn 2000 đồng/cuốn. SGK có cuốn in tới 2 triệu bản mà giá bán vẫn ở mức 3.500- 8.000 đồng/cuốn chắc lãi ghê gớm!” Vì vậy có nhiều NXB đã tuyên bố, nếu được in SGK, họ sẽ giảm 10% - 20% so với giá hiện nay. Lòng dân đang đầy bức xúc vì Trí dục đang làm hỏng Đức dục mà trong đó SGK là tác nhân không nhỏ. Sức dân đang vơi cạn vì NXB Giáo dục vẫn độc quyền in đi in lại và phát hành SGK.

Luồng gió mới trong GD-ĐT” đang thổi mạnh như tôi vừa viết trên báo Lao Động ngày 30/7/2006, bởi nhân dân đang kỳ vọng vào tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong ngày ông chính thức nhậm chức (28/7/2006). Hy vọng những điều vừa nêu sẽ sớm được ông tân Bộ trưởng lưu tâm giải quyết vì sự nghiệp chấn hưng nền học nước nhà.

Hà Nội ngày 31/7/2006
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 32 ngày 6/8/2006