trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
19.8.2006
Nguyễn Hữu Liêm
Viết từ Paris - Ở giữa bạn hữu và kiến trúc
 
Paris, thứ Tư 16/8. Vợ chồng tôi đến Paris sau chuyến bay dài thâu đêm, mắt ngủ. Bước ra phi trường Charles de Gaulle, chúng tôi được nhà văn Trần Vũ đón về nhà của anh chị Phạm Trọng Luật và nhà văn Miêng. Ở đó cũng đang có mặt anh chị Trương Vũ, mới đến từ Mỹ hôm trước. Chúng tôi ăn sáng, uống trà xong và Trần Vũ đưa chúng tôi đi vào trung tâm Paris. Ðến khu phố "nhà hát lớn" của thành phố, chúng tôi ngồi cà-phê vỉa hè để uống cà-phê cho nó giống dân Paris. Tôi tưởng tượng ra cái hình ảnh thiếu niên, ngây ngô của những anh chàng văn nghệ sĩ Việt được lên phố lớn lần đầu, giả bộ trầm tư nhìn ra phố đông người, đọc một cuốn sách hiện sinh nào đó của Camus hay Sartre, suy tưởng về những vấn đề sâu thẳm của kiếp người. Nhưng không ai dại gì! Chúng tôi đang vui, nhìn đám đông con người, phần lớn là dân du lịch tươi cười xem cảnh, chụp hình. Khi nhân loại đang vui, ý nghĩa của cuộc sống là hòa mình vào cái vui trước mắt với mọi người.

Paris là thành phố đẹp. Nói như thế cũng thừa. Dù đã bao nhiêu lần đến đây, nhưng mỗi lần tôi vẫn bị choáng ngợp bởi cái nét kiến trúc cổ kính và hoành tráng ở khu trung tâm thành phố. May mà ông tướng von Choltitz, tổng trấn Paris dưới thời Ðức Quốc xã chiếm đóng, bất tuân lệnh Hitler, không chịu đốt phá, tiêu huỷ Paris. Nếu không thì cái gia sản huy hoàng của kiến trúc cổ kính, xinh đẹp này, to lớn này, không phải chỉ là của người Pháp mà thôi, mà là của nhân loại, trong đó có tôi và các bạn, nay đã không còn. Tôi nói với Trần Vũ, "Kiến trúc và văn hóa con người, dù là trong chiến tranh, đã cứu được thành phố và theo đó là linh hồn của dân Pháp’’.

Ði chơi với các nhà văn thì thú lắm. Cái gì mình không biết thì tôi cứ hỏi. Nhiều người bạn văn biết nhiều về những cái của Paris. Kiến trúc Paris đạt được cao điểm từ thời Napoléon. Khi sức mạnh đế chế vươn cao, kiến trúc rộ nở theo tinh thần của giai đoạn. Nhưng cái quan trọng là sự yêu mến và khả năng bảo trì gia sản quốc gia. Chúng ta, người Việt Nam, cũng ít nhiều thừa hưởng, và ngay cả mang nợ, cái tinh thần cao vọng của đế quốc Pháp trong cái thời hoàng kim của Nàng. Kiến trúc định nghĩa bản chất dân tộc của một thời. Một dân tộc không có kiến trúc thẩm mỹ thì như một con người không có một nội dung tinh thần. Kiến trúc cứu vớt nhân sinh – và ít nhiều trên phương diện thẩm mỹ, kiến trúc Tây, cái đẹp của Paris đã đem lại cho Sài Gòn và Hà Nội một nội dung tinh thần mới của một trật tự hình thức trong trang nhã nhưng cổ kính, hoành tráng nhưng cũng có tính khiêm nhường, khang trang nhưng không trống rỗng. Chúng ta vừa bực thằng Tây, cái bản chất thực dân kiêu mạn, bố láo, dám xâm lăng và nô lệ hoá dân tộc Việt; nhưng chúng ta bị chinh phục bởi sức mạnh văn hóa của Tây phương qua người Pháp. Và mỗi lần đi dạo phố Paris, tôi mới hiểu tại sao mà cả thế giới này vẫn cảm phục cái nét đẹp của thành phố này. Và với người Việt, còn một cảm giác khác: không có thế giới này thì Trung Hoa đã vẫn là thế giới và thẩm quyền văn hóa duy nhất. Như thế thì tôi, dầu sao, ít ra là cũng may mắn hơn Nguyễn Du.

Nếu bạn đã quen với không gian ở Mỹ thì chắc bạn sẽ cảm thấy rằng ở Paris này, không gian của mọi thứ rất là hẹp. Chúng tôi ở trong một khách sạn ngay trung tâm thành phố và cảm thấy được điều này nhiều lắm. Cái thang máy vừa đứng đủ cho hai người ôm chặt, ngực chen sát vào nhau, và không còn khoảng trống cho linh hồn và hành lý. Phòng ngủ, phòng tắm, hành lang, mọi nơi, con người phải nhìn mình nhỏ lại vì hắn đã tìm thấy kích thước đích thật ở Paris. Tất cả mọi không gian lớn đã dành cho công cộng; cá nhân chỉ còn chen chúc trong những căn phòng rất nhỏ hẹp bên trong những building rất đẹp và hoành tráng. Cá nhân không quan trọng trong chế độ không gian ở đây - và đây có thể là một lý do nhỏ cho sự trỗi dậy của tinh thần cá nhân sau thời đại Napoléon và trong thời đại Khai sáng.

Trần Vũ nói với tôi, "Dân Pháp có quá nhiều quá khứ, và họ níu chặt lấy quá khứ huy hoàng thật của họ để sống với hiện tại; trong khi dân Việt Nam cũng có nhiều quá khứ nhưng là loại quá khứ bị phủ nhận bởi hiện tại". Tôi nói thêm, "Dân Việt chỉ có quá khứ để rồi lại phải phủ nhận; trong khi đó, người Mỹ chỉ có tương lai để mà xác nhận’’. Khi người Việt ở Mỹ về Việt Nam thì họ đem cái tinh thần duy tương lai về cho Việt Nam nên dễ bị dị ứng. Cái cần thiết là nối lền tinh thần tương lai của Mỹ với tình hoài niệm về quá khứ của Việt Nam. Chúng tôi ở trời Tây, nhưng cứ nói chuyện của Mỹ và Việt Nam. Mỗi người chúng tôi mang một gánh nặng riêng - có vẻ như là của chung, nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Mỗi người Việt Nam là một quốc gia riêng, một dân tộc riêng, một thứ tình cảm và ngôn ngữ liên đới riêng trong một khối lịch sử chằng chịt của liên mạng quá khứ.

Ở Paris, và cả nước Pháp, không có những khu tập trung dân Việt như ở California hay Texas. Báo tiếng Việt ở đây hình như cũng không có. Ðời sống kinh tế cho người Việt thì khó khăn hơn ở Mỹ nhiều. Mọi thứ đều rất đắt đỏ. Tôi thèm về lại Việt Nam để đổi 100 đô-la thì trở thành triệu phú, và hơn nữa. Còn ở Paris, 100 đô đổi chỉ được 70 euro. Uống một ly bia ngoài phố, điều mà tôi vẫn muốn làm liên tục suốt ngày, mất 10 đô. Một tô phở ở quán Việt Nam cũng 10 đô. Tôi thấy làm dân Mỹ ở Tây không có sướng tí nào. Nhưng không có gì say mê hơn như buổi chiều hôm nay, trời tháng Tám Paris đẹp không thể tả, nắng vàng dịu, gió mát với cơn mưa chiều nhỏ nhẹ, ngồi trên vỉa hè, uống ly bia đắng với bạn hữu, tranh luận chuyện Việt Nam (như là món nhắm), nhìn vào khoảng không gian bao la trước tháp Eiffel, bên dòng sông Seine, thì bia và cà-phê dù có đắt vẫn rất là đáng đồng tiền, bát gạo. Tôi không biết là dân Pháp bản địa, dân Mỹ không gốc Việt, có cảm được cái đẹp không gian và kiến trúc này như thế hay không? Hay là một tí mặc cảm của dân hậu thuộc địa như tôi đã cho tôi cái cảm phục đối với cái xứ của "thằng thực dân’’ rất đẹp này? Nhưng so với dòng sông Thạch Hãn và đồi Ái Tử quê tôi, chưa chắc nơi nào đẹp và hữu tình hơn.

Chúng tôi đến thăm khu đồi Montmartre, dưới chân nhà thờ Sacré Coeur và khu họa sĩ chân dung, nơi mà họa sĩ Dalí đã sống, tôi thấy hình như có một số họa sĩ Việt Nam hành nghề họa chân dung cho du khách ở đây. Dân ta có cái tài hội họa – và khả năng tranh sống. Không dân nào, tôi nghĩ, là có số tỷ lệ họa sĩ nhiều như dân ta. Người Pháp đã dạy cho họa sĩ Việt cái phương pháp để thể hiện cái đẹp mà người Việt chỉ mới có như là mong ước. Khi có kỹ thuật và tấm gương của Pháp, hội họa Việt Nam cất cánh. Người Pháp cho hội họa Việt Nam cái thân xác để linh hồn mỹ thuật Việt được hiện thân. Và cũng như bao nhiêu chuyện khác, cái mà Tây phương đã cho Việt Nam chính là cái phương tiện, cái thân xác để nội dung thuần ước vọng của dân ta được tung bay. Hội họa Tây phương, theo Trần Vũ, nhìn sự vật qua nhãn quan của cá nhân con người, từ viễn cảnh con người. Trong khi hội họa Á Ðông, như trong tranh sơn thủy của Trung Hoa, thể hiện thiên nhiên qua con mắt của ông Trời – và con người chỉ là một phần nhỏ bé, rất nhỏ bé, của vũ trụ. Qua hội họa, qua phong cách Tây phương, nhất là Pháp, người Việt Nam tìm ra thẩm mỹ Việt – và tư cách cá nhân độc lập so với thiên nhiên. Tuy thế, theo Trương Vũ – tôi đang viết trên đường phố Paris với các bạn văn khi đã uống rất nhiều rượu – thì hội họa Việt Nam vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn thiếu thời, đang phát triển rất mạnh và nhanh, nhưng vẫn chưa định hình được cá tính của nó, vì nó chỉ mới bắt đầu từ khi Trường Mỹ thuật Ðông Dương ở Hà Nội ra đời năm 1925. Mỹ thuật cần phương pháp cũng như vẻ đẹp cần thân xác. Cái của Tây phương là về thể chất; cái của chúng ta, người Việt, là của nội dung – tôi hi vọng như thế. Nhưng nhiều lúc, cái xác, cái phương pháp, chính là cái nội dung, cái tinh thần chính nó. Chúng ta cần Tây phương cũng như là chúng ta cần chúng ta.


*


Buổi chiều Paris đổ mưa. Chúng tôi về qua phố nhiều cây ở ngoại ô. Những sóng mây vân trong lòng chúng tôi như câu thơ của Phạm Công Thiện: "Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông’’. Chúng tôi, đã say tuý luý, chân lý vẫn vàng lên ly rượu, lên giữa đền đài nghênh ngang nhìn ra vẫn trổ những khóm hoa trắng hiu hắt nhẹ nhàng. Tôi còn muốn viết nữa, nhưng cơn say đã giữ tay như giữ một điều ước tập thể, muộn và bí mật, mà chúng tôi vẫn đang đi tìm. Ở đây không có cây khế nào, nhưng vẫn nở những cánh hoa vừa êm dịu pha lẫn ngô nghê và hài ước, trong lòng của mỗi con người. Người Việt.

Chào cơn mưa chiều thứ Bảy. Tôi đang ở xứ nào? Quảng Trị hay Paris?

Tôi đang ở xứ của con người. Xứ của Pomérol, St Julien, Calvados, là xứ Quảng Trị.

© 2006 talawas